Sống Như Ngài Đã Sống
Bà Năm, Bà Phước già thứ năm hay tên gọi đùa vui là Bà Năm Gân Guốc mà cả họ đạo ai ai cũng biết và trầm trồ về gương chứng nhân của Bà. Cái tuổi bảy mươi không làm chậm lại sự hăng say đầy nhiệt huyết của Bà nơi Xứ Đạo nhỏ vùng quê. Tôi ngẫm đi nghĩ lại thấy cuộc đời Bà quả là sống theo như tông huấn “Christus Vivit- Đức Kitô Đang Sống” của Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết cho giới trẻ. Tuổi già yếu chân mà sức trẻ, tinh thần trẻ và thật gân guốc với guồng máu trẻ.
Bà Năm đã sống như lời Đức Thánh Cha khuyến khích: “Đừng hối tiếc tiêu xài tuổi trẻ để trở thành người tốt, mở con tim cho Chúa, và sống một cách khác” (Tông Huấn, số 17). Hai chữ Gân Guốc không tự nhiên mà người ta đặt cho Bà. Bởi rất gân guốc, Bà sẵn sàng tiêu hao tuổi trẻ như ngọn nến cháy. Bởi rất gân guốc, Bà “mở rộng con tim cho Chúa” trên hành trình yêu thương và mang lại một “cách sống khác.” Cách sống khác nơi Bà là “lội ngược dòng đời” hay “lội ngược lối sống vô tâm” của con người. Tấm gương “không hối tiếc tiêu xài tuổi trẻ” trong đời dấn thân của Bà là những trưa nắng, Bà Năm với Dì Út, hai chiếc xe đạp cốc cách, tà áo đen bay bay giữa trời oi bức đi vãng gia đôi ba nhà xa tít Nhà Thờ. Ôi thật nể nang cho cách sống rất khác ấy.
Lại nữa, nói về tình bạn của Bà với Giêsu thì khỏi chê chút nào. Như một người bạn, Bà “nói chuyện, chia sẻ, ngay cả những điều thầm kín nhất với Giêsu”. Đức Thánh Cha đã căn dặn giới trẻ “đừng để thiếu đi tình bạn này trong tuổi trẻ của con”, “con sẽ sống kinh nghiệm đẹp khi biết mình luôn được đồng hành” như các môn đệ trên đường Emmaus (Tông Huấn, số156). Quả thật, mỗi giờ phút ngơi nghỉ giữa các công việc là Bà ngồi trong Nhà Thờ với cái lưng thẳng không tựa hướng về Thánh Thể và sự nghiêm trang lâu giờ.
Bà Năm thỉnh thoảng chăm vườn một mình, quét nhà một mình và những việc làm một mình thui thủi nhưng quả thật, những khi ấy, miệng Bà lẩm bẩm lời nguyện tắt ngăn ngắn hoặc trên tay là tràng hạt với kinh Kính Mừng. Đức Thánh Cha có nói đến việc “lớn lên và trưởng thành” trong đó có một
chiều kích quan trọng là “sự lớn mạnh thiêng liêng”, “tìm kiếm Chúa và giữ Lời Ngài”, “luôn kết nối với Giêsu… bởi vì con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện chỉ với nổ lực và ý chí của mình” (Tông Huấn, số 158).
Ngoài các giờ làm một mình thì Bà cũng làm việc chung với Dì Út, với Cha, với chị em Legio, với ca đoàn nhỏ. Nói chung, Bà có thể làm việc rất hài hòa với mọi thành phần dân Chúa. Quả như Đức Thánh Cha đã từng đề nghị những “hành trình huynh đệ” trong đời sống đức tin. “Chúa Thánh Thần muốn thúc đẩy chúng ta ra khỏi mình để đi cùng với người khác” (Tông Huấn, số 171).
Gần hai mươi năm sống và làm việc chỉ một họ đạo nhỏ này, quả thật không đơn giản. Ấy thế mà hai mươi năm với những ân tình và kết nối yêu thương không ai trách phiền.
Bà Năm như “những nhà truyền giáo can đảm”, làm chứng tá bằng chính cuộc đời của mình, điều này không có nghĩa “nói về sự thật, nhưng sống sự thật” (Tông Huấn, số175). Bà không bao giờ nói về chính mình hay quá nhiều lời cho việc rao giảng mà chính là tấm gương sống thánh của Bà ai ai cũng nhận ra được và trân quý. Bằng “ngôn ngữ của sự gần gũi, ngôn ngữ
của tình yêu vị tha, tương hỗ, hiện sinh đụng chạm đến con tim”(Tông Huấn, số 211), gần gũi với con người “bằng lối nẻo của tình yêu, không bằng lôi kéo” (Tông Huấn, số 211). Ôi sao yêu quá một Bà Phước già Miền Tây chân chất bình dị, từng lời nói của Bà ngọt ngào làm con người ta cảm thấy thoải mái.
Quả thật, giữa thế giới “người ăn thịt người” ngày nay, lấy đâu ra nhiều Bà Năm Gân Guốc như thế? Đức Thánh Cha kết thúc Tông Huấn với “ước mơ” rằng: “Giáo hội cần sự hăm hở dấn thân của các con, cần trực giác và đức tin của các con…(Tông Huấn, số 299) và Bà Năm tuy già ở tuổi “thất thập cổ lai hy” mà rất hăm hở dấn thân với trực giác và đức tin như Đức Thánh Cha mong ước.
Ước mong sao giữa đời có thêm nhiều Bà Năm nữa để Đức Kitô như sống mãi và sáng mãi Danh Thánh của Ngài.
MTG Cái Nhum