SỨ MẠNG CỦA THÁNH GIUSE
TRONG CUỘC ĐỜI CHÚA KITÔ VÀ HỘI THÁNH
CHƯƠNG BA.
THÁNH GIUSE TRONG NHỮNG SUY TƯ THẦN HỌC
MỤC I. VAI TRÒ THÁNH GIUSE TRONG CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC GIÊSU.
III. NHỮNG ĐẶC ÂN VÀ NHÂN ĐỨC.
MỤC II. THÁNH GIUSE TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH.
MỤC III. NHỮNG KINH NGUYỆN VÀ VIỆC TÔN KÍNH.
Trong hai chương trước đây, chúng ta đã thu thập những dữ kiện của Thánh Kinh và Thánh truyền về Thánh Giuse. Trong chương này, chúng ta sẽ xếp đặt những dữ kiện đó theo hệ thống, đồng thời cũng cố gắng tìm hiểu những lý lẽ giải thích đạo lý đức tin(intellectus fidei).
Như đã nói ở Nhập đề, Công Đồng Vatican II đã thay đổi đường hướng trình bày thần học về Đức Maria. Thay vì dừng lại ở những suy diễn về các đặc ân cao trọng mà Thiên Chúa đã ban cho Người, Công Đồng đã muốn nhìn ngắm Người trong tương quan với Đức Giêsu và Hội Thánh. Dựa theo chiều hướng đó, trong Thông điệp Redemptoris Mater, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phân tích “cuộc lữ hành đức tin” của Đức Maria: tuy được ủy thác vai trò độc nhất vô nhị trong chương trình của Thiên Chúa, Mẹ cũng đã trải qua nhiều thử thách gian truân giống như chúng ta. Vì thế Người rất gần gũi với chúng ta; hay cũng có thể nói ngược lại: chúng ta thấy mình gần gũi với Người như một kẻ đồng hành trong đức tin.
Chúng ta có thể nhận xét cách tương tự về đường hướng suy tư thần học của Tông huấn Redemptoris Custos. Thay vì suy diễn các đặc ân cao trọng của Thánh Giuse (vô nhiễm nguyên tội? hồn xác lên trời?), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhìn Thánh Giuse trong vai trò phục vụ chương trình cứu độ, nghĩa là trong tương quan với Đức Giêsu và với Hội Thánh. Theo chiều hướng ấy, chúng tôi sẽ lần lượt bàn về Thánh Giuse trong cuộc đời của Đức Giêsu (mục 1), trong Hội Thánh (mục 2), trong phụng vụ (mục 3).
***
MỤC I. VAI TRÒ THÁNH GIUSE TRONG CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC GIÊSU
Trong những danh hiệu mà truyền thống đã dành cho Thánh Giuse, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn hai diễn ngữ xem ra thích hợp nhất để diễn tả vai trò của Người trong chương trình của Thiên Chúa: “Redemptoris custos” (kẻ gìn giữ Chúa Cứu Thế) và “Minister salutis” (người phục vụ [thừa tác] ơn cứu độ). Vai trò này được thể hiện qua chức năng là“cha của Đức Giêsu”, và Người trở nên cha của Đức Giêsu qua cuộc hôn nhân với Đức Trinh nữ Maria, thân mẫu Đấng Cứu Thế.
“Cha của Đức Giêsu” – “Chồng của Đức Maria”: đó là hai chủ đề căn bản của những suy tư thần học về Thánh Giuse từ thời các Giáo phụ. Khác một điều là trước đây, người ta dừng lại ở chỗ tranh cãi về bản chất của “phụ tính” (cha theo nghĩa nào?) và “hôn nhân” (đâu là yếu tính của hôn nhân?), Tông huấn Redemptoris Custos muốn đào sâu hơn khía cạnh tương quan, nghĩa là trong mối liên hệ với Đức Giêsu và với Đức Maria. Nhờ việc suy niệm các đoạn văn Kinh Thánh, chúng ta có thể khám phá ra khuôn mặt mới của “tình cha” và “hôn nhân” trong viễn ảnh của Nước Trời.
I. THÁNH GIUSE VỚI ĐỨC GIÊSU: “CHA”
Theo thứ tự thời gian và luận lý, lẽ ra cần phải bàn đến Thánh Giuse là “chồng của Đức Maria” trước khi nói đến “cha của Đức Giêsu” (Người là cha bởi vì là chồng của mẹ), nhưng xét theo thứ tự thần học, thì mối tương quan với Đức Giêsu cần được đặt lên hàng đầu. Sở dĩ Thánh Giuse được mời gọi hãy lấy Đức Maria làm vợ là bởi vì ông được trao nhiệm vụ phục vụ cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Vai trò làm cha (“Kẻ giữ gìn Đấng Cứu Chuộc”)nằm trong chương trình “phục vụ ơn cứu độ”. Cuộc phục vụ này bao hàm nhiều lãnh vực, đứng đầu là “chứng nhân cho mầu nhiệm Nhập Thể”.
- Thánh Giuse chứng nhân cho mầu nhiệm Nhập Thể
Nhiều người tỏ ra thất vọng vì Tân Ước không cung cấp nhiều dữ kiện về cuộc đời Thánh Giuse. Nói cho đúng, Tân Ước cũng không cung cấp dữ kiện dồi dào về cuộc đời của Đức Maria, và ngay cả về tiểu sử của Đức Giêsu nữa. Trọng tâm của Tân Ước dồn vào hai điểm chính: thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, Tân Ước muốn trả lời cho hai câu hỏi: Đức Giêsu là ai? Đức Giêsu đã làm gì cho nhân loại? Hai câu hỏi này tương đương phần nào với mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
Đức Giêsu là ai?
Các nhà chú giải Kinh Thánh nhận thấy một sự tiến triển trong cộng đoàn các môn đệ tiên khởi trong tâm thức về thân thế của Đức Giêsu, từ chỗ quan niệm Đức Giêsu như là Đấng Messia được nâng lên làm Con Thiên Chúa do sự phục sinh (xc. Rm 1,4) đến chỗ tin rằng Người là Lời hằng hữu của Thiên Chúa xuống thế làm người (Ga 1,1.14). Dù sao đi nữa, trong hai trình thuật truyền tin của Matthew và Luca, thân thế của Đức Giêsu được mặc khải cho Thánh Giuse và Đức Maria: họ là hai chứng nhân đầu tiên về đức tin của Hội Thánh. Thực vậy trong cuộc truyền tin cho Đức Maria, thiên sứ cho biết rằng Con Trẻ sẽ là: “Con Đấng Tối Cao và Con Thiên Chúa”. Còn trong cuộc truyền tin cho Thánh Giuse, căn cước của người con sinh bởi Đức Maria là “Giêsu và Emmanuel”.
Thánh Giuse không những nhận được mặc khải của thiên sứ về thân thế của Đức Giêsu, nhưng còn được mời gọi hợp tác để chương trình của Thiên Chúa có thể thành tựu. Thực vậy, theo Tin Mừng Matthew, ông Giuse được lệnh đưa bà Maria về làm vợ, ngõ hầu người con sinh ra bởi bà Maria được thừa hưởng dòng dõi vua David, và như vậy là thực hiện những lời Chúa hứa liên quan tới Đấng Messia. Ông Giuse cũng được lệnh đặt tên cho hài nhi sinh ra bởi bà Maria là Giêsu, nhờ thế ông công bố chức phận của Người là “Thiên Chúa Cứu chữa”, và cũng nhờ vậy mà ông giúp cho chương trình của Thiên Chúa Nhập thể được hoàn tất, bởi vì người con sinh ra sẽ là “Emmanuel” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).
Cũng theo Tin Mừng Matthew (ở cuối chương Hai), ông Giuse còn tạo điều kiện để Đức Giêsu trở thành “người Nazareth”. Nazareth không những ám chỉ nguyên quán của Đức Giêsu mà còn nói đến thân phận của Người nữa. Tuy Đức Giêsu là Đấng Messia, là con vua David, nhưng Người không thiết lập vương triều Thiên Chúa theo thể chế cai trị trần gian: Người là Đấng Messia khiêm tốn, chịu đau khổ. Điều này đã gắn với danh hiệu “Nazareth”, một làng quê bị khinh miệt.
Tóm lại, Thánh Giuse làm chứng nhân cho Đức Giêsu vừa là Đấng Messia thuộc hoàng tộc, vừa là Messia tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa, vừa là Emmanuel.
Thánh Giuse thực thi vai trò chứng nhân bằng sự dấn thân của mình: bằng việc lấy Đức Maria làm vợ, bằng việc lên đường về Bethlehem, bằng việc tuân hành luật truyền về sự cắt bì và dâng hiến con đầu lòng, khi lánh nạn qua Ai Cập, bằng việc từ Ai Cập trở về Nazareth; tắt một lời, bằng cách đảm nhận làm “cha của Đức Giêsu”.
- Thánh Giuse là cha của Đức Giêsu
Khi phân tích các bản văn Tân Ước, chúng ta nhận thấy rằng Matthew không gọi Thánh Giuse là “cha của Đức Giêsu” như là Luca. Tuy nhiên, ta có thể suy đoán dễ dàng từ lời thiên sứ truyền tin cho ông, bởi vì ông là chồng của bà Maria, và bà này sinh ra Đức Giêsu. Hơn nữa, không phải Thánh Giuse chỉ mang danh nghĩa là “cha” mà còn thi hành những bổn phận của người cha theo luật lệ đương thời: đặt tên cho con trẻ (Matthew), đăng ký vào sổ kiểm tra, cắt bì, dâng con đầu lòng (Luca).
1/. Thánh Giuse là cha theo nghĩa nào?
a/. Trong lịch sử thần học, chức vụ làm cha của Thánh Giuse đã được đặt nhiều tên khác nhau:
– “Pater putativus” (cha giả định; coi như cha; dường như cha). Tính từ “putativus” bởi động từ “putari” dựa theo đoạn văn của Luca 3,23 (ut putabatur filius Joseph: thiên hạ nghĩ rằng Đức Giêsu là con ông Giuse).
– “Pater adoptivus” (cha nuôi, dưỡng phụ). Tuy từ ngữ này đã trở thành phổ thông, nhưng không được chính xác dưới khía cạnh thần học, bởi vì mối tương quan dưỡng hệ mang tính cách “ngẫu nhiên”. Thực vậy, không ai kết hôn với ý định sẽ trở thành cha (hay mẹ) nuôi! Việc nhận con nuôi xảy ra sau khi kết hôn, vì một lý do ngoại tại thúc đẩy (thí dụ son sẻ, hoặc từ thiện). Ngược lại, mối dây phụ hệ giữa Thánh Giuse với Đức Giêsu nằm ở ngay trong mục tiêu của hôn nhân: ông được lệnh trời phải lấy bà Maria để làm cha của hài nhi.
– “Pater legalis” (cha theo pháp lý). Thực ra, danh hiệu “dưỡng phụ” cũng bao hàm cha theo nghĩa pháp lý rồi, nhưng khi sử dụng diễn ngữ “cha theo pháp lý” người ta còn muốn trưng ra một đặc tính của luật Do Thái, dự liệu những trường hợp nhìn nhận một người như là cha của đứa trẻ tuy nó được sinh ra không do sự giao hợp của ông với mẹ của nó. Điển hình là luật “levir”: khi một người qua đời mà không có con, thì bà vợ sẽ lấy em chồng, và đứa con sinh ra được coi như là con chính thức của chồng trước (xc. Đnl 25,5-6; xc. St 38,8; R 1; Mt 22,23).
b/. Những từ ngữ trên đây tìm cách xác định tình cha của Thánh Giuse bằng cách quy chiếu về các khuôn mẫu đã có trong xã hội. Phương pháp này đã bị chỉ trích bởi vì không đếm xỉa đến tính cách độc đáo của mối tương quan giữa Thánh Giuse với Đức Giêsu. Tính cách độc đáo (độc nhất vô nhị) nằm ở chỗ dung hòa hai điểm trái ngược: một đàng, Thánh Giuse không phải là cha của Đức Giêsu về thể lý; đàng khác, ông là cha “thật” của Đức Giêsu. Vì thế có người đã tạo ra những diễn ngữ mới, chẳng hạn như:
– “Pater messianicus” (cha của vị Thiên sai);
– “Pater virgo” (cha đồng trinh), cũng như Đức Maria là “Mẹ đồng trinh”;
– “Pater spiritualis” (cha theo thần khí, linh phụ), mối tình cha đã được Thánh Linh biến đổi.
c/. Thực ra, sự khó khăn trong việc diễn tả tình cha của Thánh Giuse không phải chỉ vì Đức Giêsu sinh ra không bởi sự giao hợp vợ chồng (vì thế không phải là “con theo nghĩa thường tình”), nhưng tại vì “cha thật” của Đức Giêsu là Chúa Cha, như Người đã nhắc khéo hai ông bà khi tìm gặp lại trong đền thờ (Lc 2,49). Nói cho cùng, sự khó khăn này không chỉ xảy ra cho người cha (ông Giuse) mà cả cho bà mẹ (Đức Maria nữa). Bà Maria có lẽ đã đau nhói đến tim khi nghe Đức Giêsu tuyên bố: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (xc. Mc 3,34-35); nhưng sau khi định thần, bà có thể an tâm: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”. Chúng ta có thể áp dụng phần nào cho Thánh Giuse: ông đáng gọi là “cha của Đức Giêsu” trong tầm mức thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thiết tưởng vinh dự của ông Giuse nằm ở chỗ đó: ông đã chấp nhận làm cha của Đức Giêsu do ý muốn của Thiên Chúa, và đồng thời ông giữ một vai trò như là đại diện của Thiên Chúa đối với Đức Giêsu.
2/. Ý nghĩa tình cha của Thánh Giuse
Thánh Giuse thực sự là cha của Đức Giêsu ở dưới thế: ông đã giúp cho công cuộc Nhập thể của Ngôi Lời được trở nên trung thực hơn.[1] Thực vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Đức Giêsu tỏ ra là con người thật khi sinh ra từ một gia đình con người, và lớn lên trong một gia đình con người. Thánh Giuse đã giúp cho Đức Giêsu “nên người”.
Ngoài những hành vi luật pháp đã nói trên đây, chúng ta có thể xét đến mối tình phụ tử giữa Thánh Giuse và Đức Giêsu dựa theo tương quan tình cảm nhìn từ cả đôi bên:[2]
a/. Tình cha của Thánh Giuse
Khi trả lời với Đức Maria trong đền thờ Jerusalem, Đức Giêsu nói rằng Người lo công chuyện của “Cha”, nghĩa là Chúa Cha. Tuy nhiên, điều này không đương nhiên phủ nhận vai trò làm cha của Thánh Giuse. Một cách tương tự như vậy, khi Đức Giêsu dạy các môn đệ rằng, “anh em đừng gọi ai dưới đất là cha vì chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,8), Người không muốn tiêu hủy tất cả mọi tương quan cha con trong xã hội. Điều mà Đức Giêsu muốn nêu bật là một thứ tự trong liên hệ phụ tử: đứng hàng đầu là Thiên Chúa Cha, nguồn gốc của mọi thứ phụ hệ (xc. Ep 3,14); các tương quan phụ tử trên đời này cần phải quy chiếu về đó. Trong bối cảnh này, vai trò làm cha của Thánh Giuse không xung khắc với Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu; trái lại, có thể khẳng định rằng Thánh Giuse trở thành “hình ảnh” của Chúa Cha dưới đất, qua việc yêu mến, chăm nom, dưỡng dục. Thánh Giuse đã yêu mến Đức Giêsu với những tâm tình của một người cha đối với con mình: tâm tình này chắc hẳn đã được thanh luyện và nâng cao vì được chia sẻ vào chính cội nguồn của tình phụ tử. Trên thực tế, Thánh Giuse đã đem hết tâm tình để phục vụ Đức Giêsu, qua những công tác cụ thể vừa liệt kê trên đây trong thời kỳ sinh hạ, và được tiếp nối với những công tác dưỡng dục nhân bản trong suốt thời ẩn dật.
b/. Tình con của Đức Giêsu
Tuy Thánh Luca nêu bật rằng “Cha” của Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng liền đó, thánh sử viết tiếp rằng Đức Giêsu theo đức Mẹ và ông Giuse trở về Nazareth, và “người đã tùng phục họ” (Lc 2,50-51). Điều này cho phép suy đoán rằng Đức Giêsu đã dành cho hai ngài tất cả những tâm tình thảo hiếu của một người con. Người đã hấp thụ nền giáo dục của song thân, đã “tăng trưởng về khôn ngoan và ân nghĩa” (Lc 2,52), đã hấp thụ cả danh phận nghề nghiệp của cha mình: Người được nhìn nhận như là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55), và thậm chí như là “thợ mộc” (Mc 6,3).
Sau khi phân tích mối liên hệ phụ tử dưới khía cạnh tâm lý, Tông huấn Redemptoris Custoscòn muốn đi xa hơn nữa, khi gán cho những tâm tình của Thánh Giuse đối với Đức Giêsu một giá trị hy sinh cứu chuộc, qua những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Người đã biến cuộc đời mình thành một sự phục vụ, một sự hy sinh cho mầu nhiệm Nhập Thể và cho sứ vụ cứu độ gắn kèm theo đó; đã sử dụng uy quyền pháp lý đối với thánh gia để trao ban bản thân, cuộc sống và công tác; đã biến đổi ơn gọi tự nhiên trong tình yêu gia đình thành nên một hiến tế siêu nhiên chính bản thân mình, trái tim và tất cả sức lực của mình cho tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong nhà mình”.
3/. Tái khám phá tình cha ở thời đại hôm nay
Việc suy tư về mối liên hệ phụ tử giữa Thánh Giuse và Đức Giêsu không chỉ giới hạn vào phạm vi thần học, nhưng còn làm sáng tỏ vai trò của người cha dưới khía cạnh nhân bản: bản tính của tình cha là gì? Vai trò của người cha như thế nào?
Theo quan niệm cổ truyền, người cha là kẻ truyền lại dòng họ và gia tài cho con cái: đó là “họ nội” (khác với họ ngoại, về đàng mẹ). Mối liên hệ xem ra chặt chẽ: “cha nào con nấy”.
Tuy nhiên, thực tế ra như chứng minh ngược lại: cha thuộc về “họ ngoại” chứ không thuộc“họ nội”. Người con được cưu mang chín tháng ở trong bụng mẹ; bà mẹ biết mình đang mang một đứa con trong lòng, đang khi lắm lần người cha không biết rằng mình đã có đứa con! Sau khi đứa con ra đời, nó vẫn thấy gần gũi với bà mẹ hơn là với người cha: ông thường vắng nhà, mải miết với công ăn việc làm, khoán trắng hết mọi chuyện gia đình cho“nội tướng” là bà mẹ. Người cha sống “ngoài gia đình”.
Dưới sự phân tích của ông Sigmund Freud, chức năng của người cha lại càng bạc bẽo hơn nữa. Người cha tượng trưng cho pháp luật, kiềm chế những ước muốn dục vọng của con cái. Vì thế sự trưởng thành của con cái đòi hỏi phải “giết cha”: con người cần được giải thoát khỏi những ràng buộc thì mới có thể phát triển tự do được. Tiếc rằng thực tế không xảy ra như vậy: thiếu cha, đứa con không cảm thấy thoải mái hơn, nhưng bơ vơ lạc lõng.
Trong bối cảnh xã hội này, nhiều cuộc học hỏi đã được tổ chức để tái khám phá chức năng của người cha. Chức vụ của người cha không chỉ giới hạn vào chuyện sinh con (bởi vì như thế chẳng khác thú vật cho lắm). Người cha có vai trò quan trọng hơn nữa trong việc giáo dục con cái mình: truyền thụ gia sản tinh thần (những kinh nghiệm bản thân, nghề nghiệp, dòng họ); tập cho đứa con tiếp xúc với xã hội; chấp nhận những cam go của thực tại, khác với những ước muốn theo cảm xúc. Nhất là người con cần cảm nhận tình yêu của cha, tuy rằng cách biểu lộ tình yêu này khác với tình yêu của người mẹ. Dù vậy, người con cần cảm nghiệm sự gần gũi của người cha, một người cha quan tâm đến nó, chứ không bù đầu vào chuyện công ăn việc làm.
Như đã nói trên đây, đối với Đức Giêsu, Thánh Giuse đã thực hiện vai trò làm cha như là đại diện cho Chúa Cha. Tâm lý học cho biết rằng nhiều lần chúng ta hình dung Thiên Chúa là cha dựa theo kinh nghiệm mà chúng ta có về thân sinh của mình. Như vậy, tình cha không chỉ là một thực tại tâm lý xã hội, nhưng còn mang chiều kích siêu nhiên nữa.
Nhận xét về tình cha trong liên hệ gia đình cũng có thể áp dụng cho những “cha tinh thần”. Truyền thống nhiều tôn giáo đã nhìn nhận vai trò của các “sư phụ” (thầy như cha). Truyền thống Kitô giáo cũng đã biết đến mối dây phụ tử tinh thần qua nơi các vị mục tử (sinh những người con cho Nước Trời, nhờ lời giảng và các bí tích), các vị hướng dẫn tâm linh (“abbas”, kể từ các ẩn sĩ Ai Cập thế kỷ IV).
II. THÁNH GIUSE VỚI ĐỨC MARIA: “CHỒNG”
Trong tiếng Việt, mối tương quan vợ chồng được diễn tả qua nhiều từ ngữ: chồng được gọi là “hôn phu, phu quân, lang quân”; vợ là “hôn thê, hiền thê”. Hai người là “bạn trăm năm”. Tuy nhiên, ở đây, vì cần phân tích ý nghĩa thần học, chúng tôi xin sử dụng ngôn ngữ trực tiếp là vợ chồng.[3] Có lẽ không ít người sẽ cảm thấy chói tai khi gọi Đức Maria là “vợ” của ông Giuse (hoặc gọi ông Giuse là chồng của Đức Maria), bởi vì hai người đã khấn giữ đồng trinh và không có quan hệ vợ chồng (hai người là “bạn rất thanh sạch”). Tuy nhiên, chính Tân Ước đã ghi nhận rõ ràng rằng, Thánh Giuse và Đức Maria là vợ chồng (xc. Mt 1,15.18-20.24; Lc 1,27; 2,5); thậm chí ông Giuse được lệnh của thiên sứ hãy lấy bà Maria làm vợ. Nói cách khác, hai ông bà trở thành vợ chồng do ý muốn của Chúa. Đối với chúng ta, điều quan trọng là cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của mối dây hôn nhân giữa Thánh Giuse với Đức Maria. Hơn thế nữa, Thánh Augustino và Thánh Thomas Aquinas đã khẳng định sự chân thực của mối hôn nhân ấy,[4] rồi từ đó trình bày ý nghĩa cao quý của hôn nhân.
- Hôn nhân của Thánh Giuse trong ý định của Thiên Chúa
Như đã nói, dựa theo Tin Mừng Matthew, thiên sứ đã kêu gọi Thánh Giuse hãy lấy Đức Maria làm vợ. Trước đó, hai người đã đính hôn với nhau rồi, và chúng ta không biết vì lý do gì. Nhưng từ khi thiên sứ hiện ra, thì hôn nhân này mang một ý nghĩa chính xác: ông Giuse cần phải lấy bà Maria làm vợ, để con trẻ sinh ra bởi bà Maria được nhận vào dòng dõi của vua David. Ông Giuse cần phải lấy bà Maria làm vợ bởi vì ông được ơn gọi làm cha của Đấng Messia.[5]
Đồng thời, cả Matthew lẫn Luca đều nhấn mạnh rằng Đức Giêsu được sinh ra do quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không do sự giao hợp giữa hai ông bà. Trong lịch sử Giáo Hội, khá nhiều cuộc tranh luận đã nảy lên chung quanh cụm từ “do quyền năng của Chúa Thánh Thần”.[6]
– Có ý kiến cho rằng đây là một huyền thoại (trinh nữ sinh con: “Partenogenesis”) gặp thấy nơi nhiều tôn giáo cổ truyền ở miền Điạ Trung hải;
– Có ý kiến cho rằng cụm từ muốn nói đến một tác động của Thần Khí Tạo Dựng sự sống;
– Có ý kiến cho rằng cụm từ này chỉ muốn nói rằng Đức Giêsu là một món quà do Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại mà thôi. Việc thụ thai xảy ra do sự giao hợp thường tình giữa ông Giuse và bà Maria.
– Có ý kiến cho rằng cụm từ này không nhắm giải thích bản chất sự thụ thai của Đức Maria cho bằng nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu: Đức Giêsu là con người thật, sinh bởi một bà mẹ thuộc về nhân loại; tuy nhiên, Đức Giêsu còn mang một nguyên uỷ siêu việt: Người là Con Thiên Chúa. Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ là một con người giống như bao nhiêu con người khác, nhưng Người còn là Con Thiên Chúa.
Chúng tôi nghiêng theo ý kiến cuối cùng này. Những cuộc tranh luận để giải thích cuộc thụ thai của Đức Giêsu dưới phương diện sinh học (y học) không ích lợi gì hết, bởi vì điều này không nằm trong lãnh vực mặc khải. Tân Ước chỉ nói cho chúng ta biết rằng, “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là con của bà Maria”. Dĩ nhiên là trong mỗi trường hợp, tiếng“con” mang một ý nghĩa riêng biệt: “Con Thiên Chúa” không thể hiểu như là con do Thiên Chúa sinh sản ra; một cách tương tự như vậy,“con của bà Maria” không thể hiểu như là con do cuộc giao hợp giữa bà với chồng mình!“Điều đó xảy đến thế nào được?”; Đức Maria đã hỏi sứ thần như vậy (Lc 1,34), và lời giải thích của sứ thần chẳng đi vào hết mọi ngóc ngách của phương diện sinh lý! Cả một mầu nhiệm bao trùm việc Thiên Chúa làm người do bởi Đức Trinh Nữ Maria.
Phải chăng vai trò của Thánh Giuse trở nên thừa thãi trong câu chuyện này? Các Giáo phụ không nghĩ như vậy, và họ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của sự hiện diện của ông trong mầu nhiệm này. Các lý do ấy đã được Thánh Thomas tóm tắt lại trong sách Tổng Luận Thần Học:[7] như Thánh Ambrosio đã nói, Thánh Giuse trở thành chứng nhân cho sự thụ thai trinh khiết của Đức Maria (ý kiến của các Giáo phụ Ambrosio, Hieronimo, Augustino). Thật vậy, nếu Đức Maria quả quyết rằng mình có con do một phép lạ thì không biết có ai tin nổi hay không; nhưng nếu chính người chồng của mình cũng chứng thực điều đó thì thiên hạ dễ chấp nhận hơn! Dù sao, đối với luật pháp đương thời, Đức Maria cần được Thánh Giuse bảo vệ, kẻo bị ném đá vì tội ngoại tình. Đàng khác, Đức Maria cũng cần được Thánh Giuse giúp đỡ trong suốt thời gian mang thai và nuôi dưỡng Hài nhi Giêsu.
Ngoài những luận cứ còn nằm trên lý luận thường tình, các Giáo phụ còn muốn tiến xa hơn nữa, đào sâu thêm khía cạnh triết học về bản chất hôn nhân, cũng như khía cạnh huyền bí của mối tình phu phụ.
- Ý nghĩa của hôn nhân giữa Thánh Giuse với Đức Maria
Trong lịch sử thần học, cuộc hôn nhân này đã được phân tích dưới nhiều góc cạnh khác nhau.
1/. Vào thời Trung cổ, các nhà luật học đã tranh luận với nhau về yếu tố cốt yếu của hôn nhân. Theo quan điểm của luật Roma, hôn nhân được cấu thành do sự thỏa thuận của ý chí(Consensus); theo quan điểm của luật Germanic, hôn nhân được cấu thành do sự giao hợp vợ chồng (Copulatio). Vì muốn dung hòa hai quan điểm đó, giáo luật đề ra học thuyết về “giá thú hữu hiệu và hoàn hợp” (ratum et consummatum). Dĩ nhiên, giá thú của Thánh Giuse chỉ là “thành hiệu”, nhưng “bất hoàn hợp”.
2/. Trước đó, Thánh Augustino đã suy tư về bản chất hôn nhân dưới khía cạnh triết học và tâm lý, và đã nhìn thấy khuôn mẫu tuyệt vời nơi hôn nhân của Thánh Giuse.[8] Theo quan điểm dân gian cổ truyền, mục tiêu của hôn nhân là sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Nhìn dưới viễn tượng của thần học Kitô giáo, theo đó hôn nhân được nâng lên hàng bí tích, nghĩa là được gán thêm giá trị Thánh Thiêng, Thánh Augustino vạch ra ba thiện ích của hôn nhân là: con cái, trung tín và chung thủy. Tất cả ba thiện ích này đều đạt được nơi hôn nhân của Thánh Giuse với Đức Maria.[9]
Hơn thế nữa, lý tưởng cao quý nhất của hôn nhân là sự hòa hợp (unio): hai người trở nên một. Tuy nhiên, không nên hiểu sự hòa hợp này về khía cạnh thể xác mà thôi; cần phải lên cao hơn nữa, đó là sự hòa hợp về tâm tình và về tinh thần (mentis affectus).
3/. Suy tư của Tông huấn Redemptoris Custos
Như đã nói, Tông huấn Redemptoris Custos lặp lại đạo lý cổ truyền; khẳng định rằng, hôn nhân của Thánh Giuse với Đức Maria là giá thú thật sự: đây là một dữ kiện của Tân Ước. Tông huấn cũng trích dẫn những giải thích của Thánh Augustino và Thánh Thomas Aquinas về bản chất hôn nhân.[10] Tuy nhiên, bên cạnh đặc tính hòa hợp về tâm tình và tinh thần, Tông huấn còn muốn nêu bật nhiều yếu tố khác tạo nên sự thông hiệp giữa Thánh Giuse và Đức Maria.
– Cả hai đều là mẫu gương của người tín hữu, đáp lại mặc khải của Thiên Chúa với sự tuân thuận:[11] Đức Maria với lời “Xin vâng”, Thánh Giuse với việc lấy Đức Maria về làm vợ.
– Cả hai đều liên đới với nhau trong việc bảo vệ “mầu nhiệm”, được ký thác cho hai người gìn giữ. Cả hai người đều giữ một vai trò tích cực trong kế hoạch cứu độ: Đức Maria qua chức vụ làm mẹ của Đức Giêsu; Thánh Giuse qua chức vụ làm cha của Đức Giêsu qua hôn nhân với Đức Maria.[12]
– Cả hai đều đã nếm những thử thách của cuộc “lữ hành đức tin”.[13] Mặc dù chấp nhận lời của thiên sứ nói về bản tính của Đức Giêsu, Đức Maria chưa hiểu trọn tất cả sự súc tích của nó: Mẹ đã nghiền ngẫm lời Chúa trong lòng (Lc 2,19); Mẹ đã cảm thấy tâm can như bị lưỡi gươm đâm thâu (Lc 2,35); Mẹ không hiểu câu trả lời của Đức Giêsu trong đền thờ sau ba ngày thất lạc (Lc 2,50). Vào dịp này, Thánh Luca chú thích rằng Thánh Giuse cũng chia sẻ cùng tâm trạng như vậy (“họ không hiểu lời Chúa nói”). Chúng ta cũng có thể suy đoán rằng ông cũng trải qua màn đen của đức tin kể từ khi thấy bà Maria có thai, và kéo dài suốt những chặng đường đi về Bethlehem, lánh nạn về Ai Cập. Những gian nan thử thách xem ra hoàn toàn trái nghịch với bản tính thần linh của Đức Giêsu: chẳng lẽ Đấng Messia, Đấng “Thiên Chúa cứu độ” mà tỏ ra yếu ớt nhu nhược như vậy sao? Thật là có lý để khẳng định rằng Thánh Giuse đã trải qua một tiến trình gay go để hiểu biết bản thân của Đức “Emmanuel”.
– Từ sự chia sẻ và liên đới vừa nói, chúng ta có thể hình dung sự khắng khít giữa hai vị: mối tình vợ chồng được Thần khí đức ái nâng cấp để thông dự vào kế hoạch cứu độ. Mối tình của hai người thể hiện được lý tưởng “bí tích” mà Thánh Phaolô đã diễn tả về tình yêu huyền nhiệm giữa Đức Kitô và Hội Thánh.[14]
Thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc đến những cấp độ của tình yêu, từ chỗ chiếm hữu đến chỗ trao ban, mà thần học đã diễn tả qua những từ ngữ: “Eros”, “Philia”, “Agape”, được Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI phân tích trong Thông điệp Deus caritas est.[15]
- Sự trinh khiết của Thánh Giuse
Trong lịch sử Giáo Hội, đức trinh khiết của Thánh Giuse đã trở thành đề tài cho nhiều cuộc tranh luận, có thể tóm lại vào ba điểm như sau: 1/ phải chăng ông Giuse đã có một đời vợ trước khi lấy bà Maria? 2/ phải chăng ông Giuse ăn ở sau khi bà Maria sinh con? 3/ phải chăng ông Giuse khấn giữ đồng trinh?[16]
Hai câu hỏi đầu tiên được đặt ra do sự hiện diện của các “anh em của Đức Giêsu” trong các bản văn Phúc Âm (Mc 6,3). Để giải quyết vấn đề này, hai ý kiến được đưa ra:
1/. Ông Giuse đã có một đời vợ và đã có con. Sau đó, ông góa vợ, lấy bà Maria. Như thế,“những anh em của Đức Giêsu” được hiểu như “những người anh cùng cha khác mẹ”. Đây là giải đáp của nhiều ngụy thư Tin Mừng, cách riêng là “Tiền Tin Mừng Thánh Jacobe” và được nhiều Giáo phụ chấp nhận (các Giáo phụ bên Đông Phương: Origène, Epiphanius, Gregorio Nyssa, Cyrillô Alexandria, Theophylact, Theodoretus, Gioan Kim khẩu; bên Tây Phương: Ambrosio, Hilariô). Ảnh hưởng của nó trên dân gian cũng đáng kể, xét vì nhiều họa sĩ vẽ Thánh Giuse như một cụ già.[17]
2/. Ý kiến thứ hai cho rằng, sau khi đã sinh ra Đức Giêsu, bà Maria có quan hệ bình thường với ông Giuse và sinh ra nhiều con nữa: như vậy họ là “em ruột của Đức Giêsu”. Lập luận này dựa theo hai câu văn của Tin Mừng:
– “Ông Giuse không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai” (Mt 1,25). Phải chăng sau khi sinh Đức Giêsu, hai người lại có quan hệ vợ chồng?
– “Bà Maria sinh con trai đầu lòng” (Lc 2,7). Phải chăng bà còn sinh những con thứ nữa?
Những vấn nạn này đã được giải thích trong chương Một. Ít là kể từ thế kỷ IV (tín biểu của thánh Epiphaniô năm 374; Công Đồng Constantinopolis II năm 553), Hội Thánh Công Giáo tuyên xưng rằng Đức Maria “trọn đời đồng trinh”, trước và sau khi sinh con.[18]
3/. Đối lại với hai ý kiến vừa rồi, ý kiến thứ ba khẳng định rằng Thánh Giuse cũng hoàn toàn khiết tịnh: ông không có bà vợ nào trước bà Maria,[19] và thậm chí ông đã khấn giữ khiết tịnh cùng với bà Maria.
Tuy điều này không nằm trong đạo lý chính thức của Giáo Hội, nhưng đã được các nhà thần học khẳng định ngay từ thời Trung cổ, cách riêng với Thánh Alberto và Thánh Thomas Aquinas.[20] Các văn kiện của Huấn quyền vào thời cận đại cũng quả quyết như vậy.[21]
Thực ra, nên phân biệt nhiều cấp độ chung quanh sự khiết tịnh trọn hảo của Thánh Giuse:
– Không có đoạn văn nào trong Tân Ước nói đến sự khiết tịnh của Thánh Giuse; và cũng không có đoạn văn nào trong Tân Ước khẳng định ngược lại. Vì thế, sự khiết tịnh trọn hảo của Thánh Giuse là điều suy đoán dựa trên sự Thánh Thiện của ba nhân vật trong thánh gia Nazareth.
– Việc khẳng định đức khiết tịnh trọn hảo của Thánh Giuse không nhất thiết đòi hỏi rằng Người đã “khấn hứa” hoặc riêng với Chúa hay cùng với Đức Maria:[22] không có tài liệu nào khẳng định điều đó (nhưng cũng không có tài liệu nào nói ngược lại). Thiết tưởng nên hiểu sự “khấn hứa” (votum) như là một điều dốc quyết của ý chí hơn là một thứ nghi thức đặc thù.[23]
– Một thắc mắc đương nhiên sẽ nảy lên: nếu đã quyết định giữ mình trinh khiết (nghĩa là dâng hiến trọn trái tim không chia sẻ cho Thiên Chúa), thì tại sao lại còn kết hôn? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong loạt bài huấn giáo về Đức Maria [24] đã trình bày vấn nạn và tìm cách trả lời như sau:
“Vào lúc Truyền tin, Đức Maria ở trong tình trạng đính hôn. Thử hỏi: tại sao Người đã chấp nhận sự đính hôn một khi đã dốc lòng giữ mình trinh khiết suốt đời?
Thánh sử Luca đã nhận thấy sự khó khăn đó, nhưng ông chỉ ghi nhận tình hình mà không đưa ra một lời giải thích nào hết. Sự kiện thánh sử nêu bật quyết tâm sống trinh khiết của Đức Maria nhưng đồng thời cũng trình bày như là vợ của ông Giuse là một dấu chỉ cho thấy cả hai chi tiết này đều đáng tin về khía cạnh lịch sử.
Có thể giả thiết rằng giữa ông Giuse và bà Maria, vào lúc đính hôn, họ đã đồng ý với nhau về cuộc sống trinh khiết. Mặt khác, Chúa Thánh Thần, Đấng đã gợi hứng cho Đức Maria lựa chọn sự trinh khiết để nhằm tới mầu nhiệm Nhập Thể và đã muốn cho mầu nhiệm này diễn ra trong khung cảnh một gia đình thích hợp cho sự tăng trưởng của Hài nhi, thì ắt là Ngài cũng có thể gợi nơi ông Giuse lý tưởng trinh khiết.
Sứ thần của Chúa, khi hiện ra với ông Giuse trong giấc mơ, đã nói như sau: “Này, ông Giuse, con vua David, đừng sợ đón bà Maria về làm vợ, bởi vì đứa con mà bà sinh ra là do Thánh Thần” (Mt 1, 20). Như vậy ông Giuse đã nhận được lời xác nhận ơn gọi sống con đường hôn nhân một cách hết sức đặc biệt.
Qua việc hiệp thông trinh khiết với người nữ đã được chọn để sinh hạ Đức Giêsu, Chúa đã gọi ông Giuse hợp tác vào việc thực hiện chương trình cứu chuộc.
Kiểu hôn nhân mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn bà Maria và ông Giuse chỉ có thể hiểu được trong toàn bộ kế hoạch cứu độ và trong khung cảnh một linh đạo cao siêu. Việc thực hiện cụ thể mầu nhiệm Nhập Thể đòi hỏi một sự sinh hạ trinh khiết để nêu bật Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và đồng thời đòi hỏi một gia đình để bảo đảm cho nhân cách của Hài nhi được phát triển điều hòa.
Chính vì phải góp phần vào mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể mà ông Giuse và bà Maria đã lãnh nhận ơn thánh để họ vừa sống đặc sủng trinh khiết vừa sống hồng ân hôn nhân. Sự thông hiệp tình yêu trinh khiết giữa Đức Maria và ông Giuse, tuy tạo nên một trường hợp hết sức đặc biệt, gắn liền với việc thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng vẫn là một hôn nhân đích thực”.[25]
Chúng ta phải nhìn nhận rằng đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người: Đức Maria vừa là trinh nữ vừa là mẹ, Thánh Giuse vừa trinh khiết vừa là chồng. Sự nghịch lý này chỉ có thể giải thích được ngay từ cội rễ của nó là mầu nhiệm Nhập Thể: Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người.
Dù sao, trong chế độ Tân Ước, hai nếp sống hôn nhân và trinh khiết không tương phản với nhau, nhưng được kêu gọi để bổ túc cho nhau trong việc diễn tả một mầu nhiệm của sự kết hiệp huyền nhiệm của Đức Kitô với Hội Thánh (xc. Ep 5,32). Dĩ nhiên, để có khả năng diễn tả mầu nhiệm này, chúng ta cần nhận được ân sủng của Thiên Chúa: ân sủng để dâng hiến con tim không chia sẻ cho Thiên Chúa, ân sủng để trao ban hỗ tương trong đời vợ chồng.
Do đó, cũng như Đức Maria là mẫu gương cho các trinh nữ và các bà mẹ,[26] thì Thánh Giuse cũng là mẫu gương và bảo trợ cho những người chồng cũng như những người trinh khiết(nam hoặc nữ). Thiết tưởng trong quá khứ chúng ta thường nhấn mạnh rằng sự “độc thân vì Nước Trời” là một “ơn gọi” (một đặc sủng: xc. 1Cr 7,7; Mt 19,10-12), nhưng ít lưu ý đến hôn nhân cũng là một “ơn gọi”: đôi bạn cần ân sủng của Chúa để đón nhận nhau theo đức ái chứ không chỉ vì đam mê (cũng như Thánh Giuse nhận Đức Maria làm vợ “theo ý Chúa”). Bí tích Hôn Nhân được thiết lập nhằm đạt đến lý tưởng ấy.
III. NHỮNG ĐẶC ÂN VÀ NHÂN ĐỨC
Các tác phẩm thần học về Thánh Giuse thường nói đến các đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Người, dựa theo vài nguyên tắc chung của đường lối quan phòng đã được Thánh Thomas Aquinas phát biểu dựa theo giáo huấn của các Giáo phụ.
1/. Khi Thiên Chúa đã tuyển chọn người nào vào một sứ mạng đặc biệt thì Người cũng ban những ơn huệ cần thiết (kể cả trên bình diện tự nhiên) để chu toàn sứ mạng (“illos quos Deus ad aliquid eligit, ita praeparat et disponit ut ad id ad quod eliguntur inveniantur idonei”).[27]
2/. Ai càng gần gũi với nguồn mạch ân sủng, thì càng nhận được những hiệu quả dồi dào của ân sủng (“quanto aliquid magis appropinquat principio in quolibet genere, tanto magis participat effectum illius principii”).[28]
Từ những nguyên tắc vừa rồi, các nhà thần học lý luận thế này: ở trên đời này, có ai được Thiên Chúa ủy thác trách vụ cao quý như là Đức Maria và Thánh Giuse? Vì thế, sau đức Mẹ, Thánh Giuse chắc chắn đã lãnh nhận những ân huệ tương xứng với ơn gọi của mình. Một cách tương tự như vậy, ngoài Đức Mẹ ra, thử hỏi có ai gần gũi với Đức Giêsu nguồn mạch ân sủng và thánh hóa như Thánh Giuse? Vì thế chắc chắn là Người đã được thánh hóa bởi đủ mọi thứ nhân đức.
Nói chung, các tác giả thường bàn đến những đặc ân và nhân đức sau đây.
- Những đặc ân
Cũng như Đức Maria được đặc ân vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời, hẳn Thánh Giuse cũng được chia sẻ hai đặc ân ấy.
1/. Vô nhiễm nguyên tội
Dựa theo ý kiến của nhiều nhà thần học(Gerson, Isolani, thánh An-phong,v.v…), nếu Thánh Gioan Tiền Hô đã được thánh hóa ngay từ trong lòng mẹ (xc. Lc 1,41-44), thì đâu có lý do gì mà Thánh Giuse lại không được ân huệ đó?
Tuy trước đây nhiều tác giả chấp nhận đạo lý“vô nhiễm nguyên tội” cách dễ dàng, nhưng ngày nay, người ta tỏ ra dè dặt hơn. Lập luận của thần học không thể chỉ trên phương pháp suy diễn, nhưng còn phải được kiểm chứng với nền tảng mặc khải nữa. Việc Thánh Giuse không mắc tội tổ tông không dựa trên cơ sở của Kinh Thánh và Huấn quyền.
2/. Hồn xác lên trời
Dựa theo đoạn văn của Mt 27,52-53 (sau khi Đức Giêsu sống lại, nhiều vị thánh cũng được phục sinh), cha Francisco Suarez và thánh Francois de Sales cho rằng Thánh Giuse cũng được liệt vào số những người đó, nghĩa là đã được sống lại cả linh hồn lẫn thân xác.
Về điểm này, chúng ta cũng có thể đưa ra nhận xét tương tự như đối với đặc ân vô nhiễm nguyên tội.
- Những nhân đức
Chúng ta thấy trong Tân Ước, Thánh Giuse đã được mệnh danh là “công chính” (công bình chính trực: Mt 1,19). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Người chỉ có một nhân đức mà thôi. Các nhà thần học tìm cách thiết lập danh sách các nhân đức dựa theo những tiêu chuẩn khác nhau.
Có lẽ cha Isolani là người đầu tiên tán giải các nhân đức của Thánh Giuse dựa theo những chữ cái ghép thành tên riêng (IOSEPH trong tiếng Latin): Iustitia (công bằng), Oboedientia(vâng lời), Sapientia (khôn ngoan), Experientia (kinh nghiệm), Patientia (nhẫn nhục), Humilitas (khiêm nhường). Các nhà giảng thuyết như Bossuet không tiếc lời ca ngợi đời sống đức độ của Người, dựa theo danh sách cổ truyền các nhân đức (Tin, Cậy, Mến, Khôn ngoan, Công bằng, Mạnh bạo, Tiết độ), hoặc tám mối phúc thật, hoặc bảy ơn Chúa Thánh Thần. Một danh mục dài hơn có thể tìm thấy trong kinh cầu Thánh Giuse.
Dĩ nhiên, mỗi thời đại thích nhấn mạnh đến một vài nhân đức đặc biệt. Một cách tương tự như vậy, mỗi hàng ngũ (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) hoặc chức nghiệp cũng thích đề cao một điểm nổi bật (lao động, thợ mộc), như sẽ thấy trong mục tới khi bàn về những mẫu gương.
Trong quá khứ, nhiều tác giả còn thêm hai phụ lục sau đây:
1/. So sánh “vị trí cao trọng” của Thánh Giuse với các thánh khác, cách riêng với Thánh Gioan tiền hô (xc. Mt 11,11: “Trong số những phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tiền Hô”), các thánh tông đồ (luôn được xếp vào hàng đầu trong danh sách đặc sủng, thí dụ Ep 4,11).
Người ta tìm cách phân biệt nhiều khía cạnh khác nhau. Ông Gioan Tiền Hô lớn nhất xét theo Cựu Ước; sự so sánh này hết giá trị khi bước sang Tân Ước (“Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”: Mt 11,11). Thánh Giuse lớn xét về gần gũi với nguồn mạch ân sủng; các thánh tông đồ lớn xét về mặt phẩm trật.
2/. Cấp đẳng “lòng sùng kính” dành cho Thánh Giuse. Theo thần học, các việc tôn kính được phân làm ba cấp độ:
a/. “Latria” (adoratio): “thờ phượng”, dành riêng cho Thiên Chúa;
b/. “Dulia” (veneratio): “tôn kính”, dành cho các thánh;
c/. “Hyperdulia”: “biệt kính”, dành cho Đức Maria.
d/. Có người muốn chỉ định cấp thứ bốn cho Thánh Giuse là “protodulia”.
Những văn kiện gần đây của Tòa Thánh tuy tiếp tục đề cao vị trí cao cả vô song của Thánh Giuse trong kế hoạch cứu độ (thí dụ: Tông huấn Redemptoris Custos, số 8; 20), nhưng không đả động đến vấn đề so sánh cao thấp với các vị thánh khác.
***
MỤC II. THÁNH GIUSE TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH
Trong mục vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu vai trò của Thánh Giuse trong cuộc đời Đức Giêsu: người được kêu gọi làm chồng của Đức Maria, và trở thành cha của đấng Cứu thế. Tuy nhiên, trong giai đoạn Đức Giêsu hoạt động công khai, Tân Ước không nhắc đến sự hiện diện của Thánh Giuse nữa. Phải chăng sứ mạng của Người đã hoàn tất, và nên rút lui vào bóng tối, cũng tựa như vị tiền hô dọn đường cho Đấng Messia (xc. Ga 3,30)? Nếu chỉ nhìn vào lịch sử Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ nhất, thì chúng ta có thể trả lời rằng: “đúng vậy!”: sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ che chở Đức Giêsu trong thời thơ ấu, Thánh Giuse hoàn toàn bị rơi vào quên lãng, như chúng ta đã thấy trong chương trước (Mục II). Tuy nhiên, khi bước sang thiên niên kỷ thứ hai, và đặc biệt vào những thế kỷ gần đây, Thánh Giuse không những được tôn kính trong phụng vụ, nhưng còn được Giáo Hội tôn phong làm “Bổn mạng” (hay Bảo trợ: Ecclesiae Patronus) của mình cách chính thức kể từ Đức Giáo Hoàng Piô IX đáp lại thỉnh nguyện của Công Đồng Vatican I.[29]
Vì lý do gì Hội Thánh thời này nhận ra một tương quan đặc biệt với Thánh Giuse? TrongThông điệp Quamquam Pluries,[30] Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trả lời là dựa trên sứ mạng của Thánh Giuse đối với thánh gia. “Ngôi nhà mà Thánh Giuse cai quản với quyền hành của người cha đã chứa đựng những mầm mống của Hội Thánh sơ sinh. Cũng như Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Đức Giêsu thì cũng là Mẹ của tất cả mọi Kitô hữu; Đức Giêsu là trưởng tử của các tín hữu và họ trở nên những người em của Chúa do ơn làm nghĩa tử nhờ sự cứu chuộc. Đó cũng là những lý do mà thánh Tổ phụ coi như mình được ủy thác bảo trợ đoàn dân Kitô hữu họp thành Hội Thánh. Bởi vì là chồng của Đức Maria và là cha của Đức Giêsu Kitô cho nên Thánh Giuse cũng có một thứ quyền phụ hệ đối với Hội Thánh. […] Sứ mạng mà Chúa quan phòng trao cho Thánh Giuse đã có một tiền mẫu ở nơi ông Giuse, con của cụ Jacob, được vua nước Ai Cập gọi là “vị cứu tinh của thế giới”. Cũng như ông Giuse xưa kia đã quản lý tốt đẹp những công việc trong nhà của chủ mình và phục vụ hữu ích cho cả nước, thì Thánh Giuse, được đặt làm vị hộ thủ Đức Kitô, phải được nhìn nhận như là kẻ che chở và bảo vệ Hội Thánh là nhà của Chúa và là nước Chúa ở dưới đất”.
Như vậy, việc nhìn nhận Thánh Giuse làm Bảo trợ Giáo Hội dựa trên những nguyên tắc thần học sau đây:
1/. Hội Thánh là thân thể của Đức Kitô (xc. Thánh Phaolô);
2/. Đức Maria thân mẫu của Đức Giêsu cũng trở thành thân mẫu của Giáo Hội (xc. Ga 19,26-27; Cv 1,14);
3/. Tín điều “các thánh thông công”: Các thánh trên trời tiếp tục cầu nguyện cho các anh chị em của mình ở dưới thế. Vì thế, cũng như Thánh Giuse xưa kia đã gìn giữ Đức Giêsu khi còn ở dưới đất, thì ngày nay trên trời Người cũng tiếp tục chuyển cầu cho Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa. Như Đức Maria được gọi là Mẹ của Giáo Hội, thì Thánh Giuse, đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế, cũng được gọi là đấng Bảo trợ Giáo Hội.
Như sẽ thấy trong mục tới, việc suy tôn Thánh Giuse làm vị Bảo trợ đi kèm theo một lễ phụng vụ. Dù sao, trước khi được Tòa Thánh chính thức tuyên bố làm Bảo trợ Giáo Hội, tước hiệu này đã được tôn kính tại nhiều địa phương, Dòng tu. Dĩ nhiên, đã không thiếu Giáo phận, quốc gia, Dòng tu, hội đoàn, ban ngành nhìn nhận Người như vị Bảo trợ. Nền tảng của việc suy tôn đó dựa trên hai lý do căn bản: bởi vì Người là mẫu gương, và bởi vì Người có thế lực chuyển cầu. Theo như lời của thánh Têrêsa Avila, Thánh Giuse không chỉ là Đấng bảo trợ và chuyển cầu trong những ân huệ tinh thần mà ngay cả trong những ân huệ vật chất nữa.
I. MẪU GƯƠNG NHÂN ĐỨC
Thánh Giuse được coi như mẫu gương nhân đức cho mỗi tín hữu cũng như cho toàn thể Hội Thánh.
- Giuse người công chính
Trong những sách suy ngắm về Thánh Giuse trong tháng Ba dương lịch (cũng như trong kinh cầu kính Thánh Nhân), danh mục các nhân đức khá dài. Tông huấn Redemptoris Custosmuốn nêu bật vài khía cạnh thích hợp cách riêng trong thời đại chúng ta: đức tin, trung thành với bổn phận, chiêm niệm.
Chương ba của Tông huấn mang tựa đề của một đức tính trích từ Tân Ước, đó là “người công chính” (Mt 1,19), và khai triển cách riêng việc Thánh Giuse nhận Đức Maria làm vợ tuân theo ý Chúa.
1/. Mẫu gương đức tin
Tuy nhiên, một chủ đề khác được tông huấn khai triển ở nhiều đoạn là đức tin. Tin là thái độ của con người lắng nghe và tuân theo lời Chúa.[31] Việc chấp nhận này không chỉ diễn ra một lần qua tiếng “Xin vâng”, nhưng được diễn tả ra hành động,[32] và kéo dài ra suốt đời. Cũng như Đức Maria, Thánh Giuse trải qua nhiều thử thách trong cuộc “lữ hành đức tin”.[33]
Đừng kể những nỗi nhọc nhằn trong việc bảo vệ thánh gia (những cuộc di chuyển đi Bethlehem, sang Ai Cập, về Nazareth), chắc hẳn sự thử thách lớn lao nhất của Đức Mẹ và Thánh Giuse ở chỗ tin rằng người con của mình là “Thiên Chúa cứu chữa”, “Con Thiên Chúa”. Một cuộc “chạm trán” đã xảy ra tại đền thờ Jerusalem, khi Đức Maria trách con mình đã gây lo lắng cho song thân, thì Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu mà “hai ông bà không hiểu nổi” (Lc 2,50).
2/. Mẫu gương trung tín với bổn phận
Đức tin không chỉ giới hạn trong phạm vi lý trí và ý chí, cũng không thể nào chỉ giới hạn vào việc thưa “xin vâng”. Tông huấn Redemptoris Custos số 17 đã đối chiếu hai trình thuật thiên sứ truyền tin cho Đức Maria và Thánh Giuse, và nhận thấy rằng, Đức Maria đã đáp lại bằng lời “Fiat” còn Thánh Giuse đáp lại bằng sự thinh lặng. Thực ra, sự thuận tuân của Thánh Giuse được diễn tả qua việc làm theo ý Chúa, qua việc chu toàn bổn phận của người chồng(đối với Đức Maria) và người cha (đối với Đức Giêsu).
Mặt khác, việc trung thành với bổn phận mang tính cách năng động, nghĩa là nhạy cảm với tiếng gọi của Chúa, và cụ thể là với tiếng gọi tình yêu. Tông huấn đã trình bày cho thấy Thánh Giuse đã thực hiện chức vụ làm cha và làm chồng với một ý thức mới, dưới tác động của Chúa Thánh Thần: tất cả biến thành một cuộc hiến dâng và trao ban.[34] Điều này cũng được ghi nhận một cách tổng quát hơn đối với các việc làm thường ngày: lao động được thánh hóa nhờ tình yêu dâng hiến.[35]
3/. Mẫu gương của đời chiêm niệm
Như vừa nói, Thánh Giuse đã biểu lộ đức tin qua hành động. Tuy nhiên Người không phải là con người náo động. Tiếp theo chương 4 về lao động, chương 5 của Tông huấn Redemptoris Custos dành cho đời sống nội tâm. Thánh Giuse không những là con người thầm lặng nhưng nhất là con người chiêm niệm: Người sống trong sự đối thoại thân tình với Thiên Chúa, tìm hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa qua những dấu chỉ của các biến cố, và đặc biệt qua dấu chỉ nhân tính của Đức Kitô.
Thánh Giuse trở thành mẫu gương cho những ai được kêu gọi sống đời chiêm niệm, theo như thánh Têrêsa Avila đã nhấn mạnh.[36] Nhưng cũng thể nói được là Thánh Giuse trở thành mẫu gương cho tất cả các tín hữu, cách riêng những người hoạt động tông đồ, bởi vì hiệu quả của hoạt động tông đồ tùy thuộc vào mức độ kết hiệp với Thiên Chúa: “không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5).[37]
Tông huấn đã trưng dẫn lý tưởng về sự hòa hợp giữa chiêm niệm và hoạt động dựa theo những diễn ngữ của Thánh Augustino và Thánh Gregorio được Thánh Thomas tóm tắt qua hai chiều hướng của lòng yêu mến (đức ái: “charitas”):
a/. Lòng yêu mến chân lý (amor charitatis), hiểu về Đức Kitô, chân lý hằng sống, đưa đến việc tìm kiếm tiếp xúc thân tình với Chúa;
b/. Những đòi hỏi của lòng yêu mến (necessitas charitatis), nghĩa là việc phục vụ tha nhân do đức ái thúc đẩy: vừa có thể hiểu như là đức ái muốn mang Chúa Kitô đến cho tha nhân, vừa như là đức ái phục vụ Chúa Kitô nơi tha nhân. Tất cả hai chiều hướng đều xoay quanh đức ái và Chúa Kitô.
- Mẫu gương cho toàn thể Hội Thánh
Thánh Giuse được suy tôn làm vị bảo trợ Giáo Hội. Giáo Hội tin tưởng rằng Người sẽ tiếp tục bảo vệ và chuyển cầu cho Giáo Hội cũng như xưa kia Người đã bảo vệ thánh gia.
Đồng thời, Giáo Hội cũng nhìn lên Thánh Giuse như một tấm gương trong công cuộc phục vụ ơn cứu độ.[38] Nói khác đi, Giáo Hội cũng nhận lãnh một sứ mạng tương tự như Thánh Giuse, đó là bảo vệ những mầu nhiệm thánh. Sứ mạng này không chỉ giới hạn vào việc bảo vệ chân lý đức tin khỏi những lầm lạc, nhưng còn kèm theo nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới: hoặc truyền bá Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô cho những người ở ngoài Giáo Hội, hoặc linh hoạt đức tin nơi những người đã tin Chúa nhưng thờ ơ với tôn giáo.[39]
- Mẫu gương cho các thành phần trong Giáo Hội
Ra như được soi sáng bởi một thứ trực giác đức tin, từ lâu nhiều thành phần xã hội hoặc hàng ngũ Dân Chúa đã tìm thấy nơi Thánh Giuse một tấm gương và một người bầu cử, chẳng hạn như:
– Những người đính hôn và những người chồng: họ muốn học hỏi tấm gương tôn trọng người bạn của mình, tìm cách bảo vệ thay vì lợi dụng nàng.
– Những người cha: Thánh Giuse là tấm gương của một người cha quan tâm đến việc dưỡng nuôi và giáo dục con cái, hợp tác với Cha trên trời.
– Những gia đình: Thánh Giuse cùng với Mẹ Maria là mẫu gương của sự hòa hợp về tình yêu và đức tin, đặt ích chung lên trên sở thích cá nhân.
– Những người thợ: Thánh Giuse là thợ mộc, đã cần cù làm việc để kiếm kế sinh nhai, và đã dạy nghề cho con mình.
– Những người nghèo, những người tha hương, những người bị xã hội gạt ra bên lề: Thánh Giuse cũng đã nếm cảnh đó tại Bethlehem, Ai Cập, Nazareth.
– Những vị mục tử: Thánh Giuse là mẫu gương của “cha tinh thần”, tận tụy phục vụ Giáo Hội.
– Những người chiêm niệm: Thánh Giuse là mẫu gương của sự thinh lặng, dồn hết tâm trí vào việc sống thân mật với Đức Giêsu.
– Những người lâm chung: Thánh Giuse đã lìa đời với Đức Giêsu và Đức Mẹ đứng bên cạnh. Vì vậy các tín hữu cũng cầu khẩn Người ơn được nhắm mắt an bình trong tình nghĩa với Chúa.
Tông huấn Redemptoris Custos đã nhắc riêng đến một vài hàng ngũ:
1/. Các gia đình:[40] tổ hợp của sự sống, cầu nguyện, lao động. Gia đình là Giáo Hội gia thất.[41] Tông huấn Redemptoris Custos quy chiếu về nhiều văn kiện của Tòa Thánh được trưng dẫn ở nota 17, đặc biệt là Tông huấn Familiaris consortio (22/11/1981).
2/. Giới công nhân, lao động, người nghèo.[42]
3/. Các người chiêm niệm.[43]
II. QUAN THẦY BẢO TRỢ
Như đã nói trên, trước khi được Tòa Thánh chính thức công bố làm Đấng bảo trợ toàn thể Giáo Hội, Thánh Giuse đã được tôn kính tại nhiều nơi dưới tước hiệu ấy. Ngoài ra, Người cũng còn được đặt làm quan thầy cho nhiều thành phần xã hội, các giáo đoàn địa phương. Chúng ta có thể kể ra vắn tắt:
- Các quốc gia
– Áo: Đức Giáo Hoàng Clemente X – 1675
– Bohemia (miền của cộng hòa Séc): Hoàng đế Ferdinand III – 1655
– Canada: Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII – 1637
– Trung Hoa và Việt Nam: Đức Giáo Hoàng Innocentê XI, Tông hiến Sacrosancti Apostolatus17/8/1678.
– Mexico: Đức Giáo Hoàng Innocentê XI – 1679
– Nga: Đức Giáo Hoàng Piô XI – 1930
– Peru: Đức Giáo Hoàng Piô XII – 1957
- Các Giáo phận
Vài trường hợp điển hình:
– Mexico: Các Giáo phận Tapachula (1957), Autlán và Chihuahua, Ciudad Guzman (1972), Culiacán (1991), Coatzacoalcos (1994). Các thành phố: Puebla de los Angeles (1611), Oxaca (1727), Mexico (1732), San Miguel el Grande (1764), Morelia (1949).
– Philippin: Các Giáo phận San José de Antique, Daet, San José (1984).
– Pháp: Giáo phận Paris (1891). Các thành phố Avignon (1630), Verdun, Laneuville-à-Bayard (1866).
– Canada: Các Giáo phận Ottawa (1848), Gravelbourg, Labrador-Schefferville, Mackenzie-Fort Smith, Winnipeg (1915).
– Hoa Kỳ: Các Giáo phận Hartford (1962), Saint-Joseph-Kansas City, Anchorage, San José in California (1981).
– Việt Nam: Công Đồng Đàng Ngoài họp tại Phố Hiến (14/2/1670) dưới sự chủ tọa của Đức Cha Lambert de la Motte xin nhận Thánh Giuse làm quan thầy địa phận Đàng Ngoài, và Đức Thánh Cha Clemente X đã chấp thuận (Tông hiến Apostolatus Officium 23/12/1673). Các Giáo phận: Quy Nhơn, Đà Lạt, Xuân Lộc cũng nhận Thánh Giuse làm bảo trợ.
- Các Dòng tu
Có những Dòng mang tên Thánh Giuse và nhiều Dòng chọn Thánh Giuse làm bổn mạng:
1/. Dòng Thánh Giuse
Theo tự điển các Dòng tu (Dizionario degli Istituti di Perfezione), Hội Dòng đầu tiên mang tên Thánh Giuse được thành lập tại Genova (Italia) năm 1517. Từ đó đến nay, đã có 244 Dòng nam nữ mang tên Thánh Giuse, đặc biệt 45 Dòng nữ phát xuất từ Hội Dòng Thánh Giuse(Soeurs de Saint Joseph) do cha Jacques Crétenet, SJ. lập tại Le Puy (Pháp) năm 1650.
Tại Việt Nam có Dòng Thánh Giuse được cha Jean Sion, MEP. thành lập tại Nhà Đá, Phù Mỹ, Bình Định ngày 1/11/1926.
2/. Nhiều Dòng nhận làm bổn mạng
Nhiều Dòng tu khác tuy không mang tên Thánh Giuse, nhưng đã nhận Người làm bổn mạng. Ví dụ: Dòng Carmelo cải tổ năm 1621, Dòng Augustino năm 1700, Dòng Phansinh viện tu năm 1741, Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ vô nhiễm.
Tại Việt Nam, Thánh Giuse được Đức Cha Lambert de la Motte đặt làm bổn mạng cho các Hội Dòng Mến Thánh Giá (1670).
- Những thánh đường và Hiệp hội
1/. Theo các sử gia, ngôi thánh đường đầu tiên được dâng kính Thánh Giuse là nguyện đường do các cha Dòng Benedicto cất ở Bologna năm 1129. Thật khó đếm nổi hiện nay trên thế giới có bao nhiêu thánh đường được cung hiến cho Người. Đền thờ nổi tiếng nhất hiện nay có lẽ là Thánh Điện tại Montréal (Canada), được xây cất do sáng kiến của Frère André(Alfred Besset, 1845-1937, được phong chân phước năm 1982), khởi công từ năm 1904 như một ngôi nhà nguyện nhỏ bé, nhưng hoàn tất năm 1969 với nóc lớn thứ nhì thế giới (chỉ thua đền thờ thánh Phêrô ở Roma).
Một ngôi đền thờ vĩ đại được cất tại Barcelona kính Thánh Gia (Sagrada Familia), được khởi công từ năm 1882, với mục đích truyền bá lòng tôn kính Thánh Giuse. Nhiều kiến trúc sư thời danh đã cộng tác vào việc xây cất (đến nay vẫn chưa hoàn thành), như ông Antoni Gaudí.
Tại Việt Nam, nhà thờ Chính tòa Hà Nội mang tước hiệu Thánh Giuse, cũng như hai Đại Chủng Viện Sài Gòn và Hà Nội.
2/. Thánh Giuse được nhận làm bổn mạng của nhiều Hiệp hội và Đoàn thể Công Giáo, cách riêng Hiệp hội các thợ mộc (Venerabile Arciconfraternita di san Giuseppe dei Falegnami, Roma 1450), Hiệp hội cầu nguyện cho những người lâm tử (Pia Unione del Transito di san Giuseppe per la salvezza dei morenti, Roma 1913).
***
MỤC III. NHỮNG KINH NGUYỆN VÀ VIỆC TÔN KÍNH
Giáo Hội nhìn nhận tầm quan trọng của Thánh Giuse không chỉ qua những tuyên ngôn, những văn kiện, nhưng nhất là qua những việc tôn kính đạo đức. Trong chương Hai, chúng tôi đã nói qua sự phát triển của lòng sùng kính Thánh Giuse trải qua các thế kỷ. Trong mục này, chúng ta hãy tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của vài hình thức cụ thể, được xếp vào hai loại chính:[44]
1/. Những hình thức phụng vụ, theo lịch phổ quát và địa phương: lễ kính Thánh Giuse ngày 19/3 (bài lễ; kinh Tiền Tụng và phụng vụ giờ kinh); lễ ngoại lịch kính Thánh Giuse; lễ Thánh Gia; lễ Thánh Giuse lao động; lễ kính cuộc kết hôn; lễ kính Thánh Giuse bảo trợ Hội Thánh; tưởng nhớ việc trốn sang Ai Cập.
2/. Những việc đạo đức dân gian:
- a) Các kinh nguyện: kinh cầu Thánh Giuse; bảy sự vui buồn;
b) Các thời điểm: thứ tư hàng tuần, tháng 3 dương lịch.
I. PHỤNG VỤ
Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu những lễ được ghi trong lịch phụng vụ phổ quát, sau đó là những lễ của vài địa phương, hoặc đã thuộc về quá khứ.
- Ngày lễ chính: 19 tháng Ba
Như đã nói trong chương Hai, bên Đông Phương, nghi điển Byzantin kính nhớ Thánh Giuse chung với các thánh tổ phụ vào mùa Giáng Sinh; riêng nghi điển Copto (bên Ai Cập) mừng vào ngày 26 tháng Abib. Bên Tây Phương, ngày lễ chính được cử hành vào ngày 19 tháng Ba, với một tiến trình lịch sử kéo dài qua nhiều thế kỷ.
Lần đầu tiên, tên Thánh Giuse được nhắc đến vào ngày 19/3 là một cuốn “Tử Đạo Thư”(“Martyrologium”: nêu danh tánh của các thánh nhân dịp kỷ niệm ngày qua đời của các ngài)tại thế kỷ VIII của một đan viện Benedicto ở Rheinau (thuộc Tổng Giáo phận Zurigô, Thụy sĩ). Vào thế kỷ IX, một đan viện khác cũng thuộc Dòng Benedicto ở Reichenau (miền nam nước Đức) tưởng nhớ Người vào ngày 19/3, và cũng có thể là nơi xuất phát phong trào phổ biến lòng tôn kính Thánh Nhân. “Tử Đạo Thư” ở thế kỷ X của Fulda đã đặt tiêu đề ngày 19/3 là:“Tại Bethlehem, Thánh Giuse, Đấng dưỡng nuôi Chúa” (In Bethleem, sancti Joseph, nutritoris Domini).
Người ta không rõ nguồn gốc mối liên hệ giữa ngày 19/3 với Thánh Giuse. Một giả thuyết cho rằng, trước kia đã có lễ Thánh Giuse Antiokia vào ngày 20/3 trong nhiều “Tử Đạo Thư”. Có thể do sự trùng tên, cho nên lịch đã ghi Thánh Giuse hôn phu của Đức Maria vào cùng ngày hoặc vào ngày hôm trước. Một giả thuyết nữa cho rằng, thời xưa tại Roma, ngày 19/3 là lễ của các người thợ tôn kính nữ thần Minerva; vì thế, nó được thay thế bằng lễ kính Thánh Giuse là một người thợ xem ra dễ hiểu. Tiếc rằng, chưa có đủ bằng chứng lịch sử về lễ kính Thánh Giuse thợ vào các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Dù nguồn gốc như thế nào đi nữa, việc mừng lễ Thánh Giuse vào ngày 19/3 đã được thành hình từ đầu thiên niên kỷ thứ hai.
Vào khoảng năm 1030, một đan viện Dòng Benedicto tại Winchester đã cử hành lễ Thánh Giuse. Cũng trong thế kỷ này, Dòng Carmel từ thánh địa trở về châu Âu đã góp phần vào việc quảng bá lòng sùng kính.
Vào năm 1129, các đan sĩ Benedicto thuộc đan viện thánh Helena đã cất một nhà thờ dâng kính Thánh Giuse ở Borgo Galliera (thành phố Bologna, Italia). Có thể nói được, đây là trung tâm phổ biến lòng sùng kính Thánh Nhân sang các nơi khác. Cũng tại nơi đây, tên Thánh Giuse, vốn đã trở thành quen thuộc bên Đông Phương, bắt đầu được đặt cho các trẻ em khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Có lẽ, lòng đạo đức sơ khởi kính Thánh Giuse trong Dòng Phanxicô bắt nguồn do ảnh hưởng của cuộc tiếp xúc với Bologna.
Sang thế kỷ XIII, chúng ta tìm thấy những bản văn được soạn để mừng lễ. Tại Liège có một Lời Nguyện riêng cho Thánh Giuse. Đan viện Benedicto thánh Lorenso tại thành phố đó đã có toàn bộ kinh nguyện, với cung hát, để tôn kính Người. Đan viện thánh Floriano ở nước Áo có một quyển sách lễ với một bài lễ kính Thánh Giuse, và một bài lễ khác kêu cầu những công nghiệp của Người “chống lại sự phỉ báng của phường tội lỗi”.
Trong thế kỷ XIII, các tu sĩ Dòng Phanxicô đã tự động mừng lễ Thánh Giuse, và một “tử đạo thư” đã xếp ngày 19/3 như là ngày lễ “duplex maior” trong khi một quyển trước đó chỉ mừng với cấp “duplex minor”.[45] Tại Pháp, nhà thờ Phanxicô ở Toulouse có một nhà nguyện tôn kính Thánh Giuse từ năm 1222, và vào ngày 07/07/1275 một nhà thờ kế cận tu viện Phanxicô ở Bourbonnais miền Champagne đã được cung hiến long trọng với thánh hiệu này.
Những cuộc thập tự chinh cũng là cơ hội để mang những di tích thánh từ thánh địa về châu Âu, ví dụ như cây gậy của Thánh Giuse, và chiếc nhẫn đính hôn Người trao tặng Đức Maria. Vào năm 1254, một nhà nguyện được xây cất trong nhà thờ thánh Lorenso ở Joinville-sur-Marne (Pháp) để tôn kính đai thắt lưng, và nơi đây đã trở thành trung tâm hành hương.[46] Có lẽ tại những nhà nguyện được cất lên để tôn kính Thánh Giuse, lễ mừng kính Người được cử hành vào tháng Ba.
Vào ngày 1/5/1324, Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ trở thành Dòng tiên khởi tuyên bố tại Tổng Hội rằng, các thành viên của Dòng phải cử hành trong tất cả nhà thờ của họ lễ Thánh Giuse được ấn định mừng vào ngày 15/3. Các tu sĩ Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ đã làm chủ nhà thờ Thánh Giuse ở Bologna kể từ năm 1301, và họ đã phổ biến việc cử hành lễ này. Tổng Hội Dòng Phansinh, vào năm 1399, cũng đã thiết lập lễ Thánh Giuse với chín bài đọc trong Giờ Kinh Phụng Vụ và một Thánh lễ sử dụng phần chung của các thánh “hiển tu”[47] (Commune confessorum); đồng thời quyết định rằng, lễ này phải được cử hành vĩnh viễn trong toàn Dòng. Tuy nhiên, không rõ các quyết nghị này có ảnh hưởng đến đâu.
Tại Agrigento (nam Italia), nơi có các tu viện của Dòng Phanxicô, Đaminh, Carmel, vào thế kỷ XIV đã lưu hành “Kinh nguyện kính Thánh Cả Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Officium Santissimi Joseph nutricii et patris adoptivi Domini nostri Jesu Christi). Trong phần điệp ca của kinh Magnificat, Người được gọi là “dòng dõi ưu tuyển của Bethlehem, được giải thoát khỏi mọi vết nhơ tội lỗi” (O proles almifica de Bethleem electa, gemma nimis ardua, ab omni labe erepta).
Những chi tiết vừa rồi nhằm trình bày nguồn gốc của việc mừng kính lễ Thánh Giuse trong tháng Ba cùng với việc phát triển ở Tây Phương. Sang thế kỷ XV, ngày lễ mới bắt đầu được phổ biến hơn. Tại Công Đồng Constance (1414-1418), các Nghị phụ đã nghe cha Jean Gerson thuyết minh về lời bầu cử đầy quyền năng của Thánh Giuse, Đấng đã sai khiến hài nhi Giêsu và Đấng có thể được kêu cầu cách hiệu nghiệm để chấm dứt nạn ly giáo đang gây đau khổ cho Hội Thánh. Cha Gerson đã xin Công Đồng xem xét và tuyên Thánh Giuse với một danh dự lớn lao hơn. Tuy nhiên, xem ra ảnh hưởng của Dòng Phanxicô trong thế kỷ này mới thực là nhân tố chính cho việc bành trướng ngày lễ.
Các tu sĩ Dòng Phanxicô, như thánh Bernardino Siena (+ 1414), không chỉ giảng về Thánh Giuse mà còn phân phát lược đồ các bài giảng nữa. Tu sĩ Bernardino Feltre đã thiết lập ở khắp nước Italia những quỹ tín dụng(cho vay không lãi) mang tên “những ngọn núi đạo đức” (Monte di pietà) đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse. Năm 1461, ở Salamanca, Tổng Hội Dòng Phanxicô (nhánh nhiệm nhặt)đã ấn định ngày lễ vào 19/3. Năm 1471, một người bạn của cha Bernardino Feltre và là nguyên Bề trên Tổng Quyền của Dòng Phansinh đắc cử Giáo Hoàng, với niên hiệu Sixto IV. Vào tháng Mười Một năm 1480, ngài cho phép Dòng Phanxicô được cử hành mừng lễ bậc “duplex maior” ngang hàng với các lễ Hiển Linh, Truyền Tin, và Phục Sinh. Mặc dầu là đặc ân được ban cấp cho một Dòng tu, nhưng sự phê chuẩn công khai của Đức Thánh Cha đã mở đường cho việc bành trướng lễ rộng rãi hơn. Nhiều ấn bản của Sách Lễ Roma và Sách Nguyện, chẳng hạn như những quyển do tu sĩ Philipphe Rotingo ở Venise xuất bản năm 1481, đã sắp xếp ngày lễ với bậc “duplex maior” với bài đọc riêng. Người ta cho rằng, Đức Giáo Hoàng Sixto IV đã mở rộng lễ này ra khắp Hội Thánh với cấp “simplex”, mặc dầu chưa có tính cách bó buộc. Một ấn bản Sách Lễ Roma tại Venise do Giovanni Sessa in vào năm 1497, đăng lịch của Dòng Phanxicô với ngày lễ này và những bản văn riêng mà Sách Lễ của Đức Giáo Hoàng Piô V sẽ sử dụng.
Qua thế kỷ XVI, người ta thấy sự bành trướng của việc cử hành lễ 19/3 trong các Giáo phận và các Dòng tu, với việc ghi tên trong các lịch phụng vụ cùng với việc xuất bản những bản văn dùng trong các Sách Lễ và Sách Nguyện. Việc cải tổ Phụng vụ sau Công Đồng Trento đã thiết lập sự thống nhất các sách phụng vụ trong toàn thể nghi lễ Latin. Khi Đức Giáo Hoàng Piô V cho xuất bản Sách Nguyện (năm 1568) và Sách Lễ Roma (năm 1570), ngày 19/3 được dành kính “Thánh Giuse hiển tu” ở bậc “duplex”. Nói chung, những Lời Nguyện được trích từ bài lễ của các vị thánh khác (Thánh Matthew và thánh Tôma). Tuy nhiên, trong thế kỷ này, nhiều Thánh Thi và Lời Nguyện được sáng tác và sử dụng trong các lịch riêng, kể cả sau cuộc canh tân của Đức Giáo Hoàng Piô V.
Theo lời yêu cầu của nhiều quốc gia và Đoàn thể, Đức Giáo Hoàng Gregorio XV tuyên bố lễ Thánh Giuse là ngày lễ buộc trong toàn thể Giáo Hội (ngày 8/5/1621). Ngày 6/12/1670, Đức Giáo Hoàng Clemente X nâng lên bậc “duplex secundae classis”, và soạn ba bài Thánh Thi cho Giờ Kinh Phụng Vụ (kinh Chiều: “Te Ioseph celebrent”; kinh Sách: “Caelitum, Ioseph, decus”; kinh Sáng: “Iste, quem laeti”).
Ngày 4/2/1714, Đức Giáo Hoàng Clemente XI phê chuẩn những bản văn riêng cho ngày lễ 19/3, bao gồm những Thánh Thi đã được Đức Giáo Hoàng Clemente X chứng nhận. Ngày 8/12/1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố Thánh Giuse là bảo trợ của Hội Thánh và nâng lễ Thánh Giuse lên bậc “duplex primae classsis”.
Trong Thông điệp Quamquam Pluries năm 1889, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ước muốn rằng, tại những nơi nào mà ngày 19/3 không phải là lễ buộc, thì cũng nên được tuân giữ với lòng đạo đức và lòng nhiệt thành như ngày lễ buộc.
Năm 1911, Đức Giáo Hoàng Piô X dời ngày lễ vào Chúa Nhật sau ngày 18/3 như để giảm bớt số lượng ngày lễ buộc trong tuần. Tuy nhiên, chỉ sau ba tuần lễ, do những cuộc tranh luận về phụng vụ mùa Chay, lễ Thánh Giuse được mừng trở lại vào ngày 19/3 ở bậc “duplex primae classsis”, nhưng không phải là lễ buộc, với tiêu đề mới: “Lễ trọng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, hiển tu” (Commemoratio Sollemnis S.Ioseph, Sponsi B.M.V. Confessoris). Với việc cải tổ phụng vụ năm 1913, ngày lễ được giảm xuống bậc“duplex secundae classis”.
Khi Đức Giáo Hoàng Benedicto XV ban hành Bộ Giáo Luật năm 1917, điều khoản 1247 một lần nữa ấn định lễ Thánh Giuse là ngày lễ buộc trong toàn thể Hội Thánh. Hậu quả là vài tháng sau, lễ nghi phụng vụ được nâng lên bậc “duplex primae classsis”. Trong Bộ Giáo Luật năm 1983, lễ Thánh Giuse là một trong mười ngày lễ buộc của Hội Thánh hoàn vũ, tuy hội đồng Giám mục địa phương có thể xin loại bỏ các ngày đó.
Năm 1956, một quyết định quan trọng theo sau việc thiết lập “lễ Thánh Giuse lao động” là hủy bỏ “lễ Thánh Giuse bảo trợ” được cử hành vào ngày thứ Tư trong tuần thứ Ba sau lễ Phục Sinh. Sắc lệnh này đã nối kết tiêu đề của lễ trọng này: “Bảo trợ Hội Thánh hoàn vũ” vào ngày lễ chính của Thánh Giuse 19/3.
Năm 1969, trong lịch phụng vụ canh tân do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành, ngày 19/3 được xếp vào hàng lễ trọng và mang tiêu đề: “Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria” (S.Ioseph, Sponsi B.M.V.). Với sự thay đổi này, không chỉ ngày lễ, mà cả tiêu đề “bảo trợ Hội Thánh hoàn vũ” cũng bị loại bỏ.
1/. Thánh lễ ngày 19/3
Sách Bài đọc ban hành năm 1969 ấn định ba bài đọc như sau: 2Sm 7,4.12-14a.16 (Đức Messia dòng dõi vua David); Rm 4,13.16-18.22 (gương mẫu đức tin); Mt 1,16,18-21.24 hay Lc 2,41-51a.
Sách Lễ Roma ban hành năm 1970 có những Lời Nguyện mới về Thánh Giuse trong thánh lễ, đề cao vai trò của Người trong nhiệm cục cứu độ và về niềm vui của Hội Thánh có Thánh Giuse như là mẫu gương và Đấng bầu cử. Những bản văn hiện tại chú trọng đến Thánh Giuse trong tương quan với Đức Kitô và với Hội Thánh:
– Đối với Đức Kitô, Thánh Giuse “đã hết lòng phục vụ Đức Kitô, Con Một Chúa”. “Chúa đã giao phó Con Một Chúa chăm sóc giữ gìn như người cha lo cho con cái”.
– Đối với Hội Thánh, Thánh Giuse là vị bảo trợ “được thánh nhân phù trợ ở dưới thế gian này thì cũng được cầu thay nguyện giúp trước toà Chúa”; đồng thời, Người cũng là mẫu gương cho Hội Thánh trong việc “cộng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu”, biết “phục vụ hy sinh suốt đời như người tôi trung”.
Kinh Tiền Tụng duy trì bản văn được Đức Giáo Hoàng Benedicto XV châu phê ngày 9/4/1919, tóm tắt những điều chính yếu của Tin Mừng về vai trò thánh Giuse “người công chính, kết bạn với Đức trinh nữ Mẹ Chúa Trời… tôi tớ trung tín và khôn ngoan được trao phó coi sóc Thánh Gia”, để thay quyền Chúa Cha “gìn giữ Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa Nhập thể bởi quyền năng Thánh Thần”.
2/. Phụng Vụ các Giờ Kinh
Khi bàn về lịch sử lễ kính Thánh Giuse, chúng ta đã đề cập đến sự phát triển của Sách Nguyện về lễ này. Vào thế kỷ XIII, một đan viện Dòng Benedicto ở Liège đã có một bài nguyện riêng, và vào năm 1399, các tu sĩ Dòng Phanxicô đã đọc các giờ kinh với chín bài đọc. Đức Giáo Hoàng Sixto IV (1471-1484) thuộc Dòng Phanxicô đã đưa các bản văn này vào Sách Nguyện Roma. Nhiều sách nguyện khác có kinh Phụng Vụ kính Thánh Giuse vào thế kỷ XVI. Sau Công Đồng Trento, những bản văn được thống nhất dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô V (1566-1572) nhưng bản văn đầy đủ hơn được Đức Giáo Hoàng Clemente XI công bố ngày 4/2/1714 mà người ta nói do chính ngài soạn ra. Những bản văn này không thay đổi trong hai thế kỷ rưỡi, cho đến khi duyệt lại sách Phụng Vụ Giờ Kinh năm 1971, bao gồm những bản văn mới cho ngày lễ 19/3, lễ Thánh Gia, lễ Thánh Giuse lao động.
3/. Lễ ngoại lịch kính Thánh Giuse
Lễ ngoại lịch kính Thánh Giuse bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XIII, và được đưa vào nhiều Sách Lễ xuất bản vào thế kỷ XVI như ở Orleans, Paris, Strasbourg, Salzburg, Chalon va Reims.
Sắc lệnh năm 1883 cho phép các công nghị Giáo phận và các cộng đoàn tu trì sáng tác các kinh nguyện ngoại lịch, và ấn định những lễ ngoại lịch vào các ngày khác nhau trong tuần, riêng ngày thứ Tư là: “Thánh Giuse, bạn của Đức Trinh Nữ Maria, bảo trợ của Hội Thánh Công giáo”. Tiêu đề này xuất hiện ở phần “Lễ nhớ ngoại lịch quanh năm” trong Sách Lễ Roma, được xuất bản dưới thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, nhưng trong ấn bản của Đức Giáo Hoàng Benedicto XV, tiêu đề chỉ còn giữ lại “Lễ Thánh Giuse” mặc dầu các bản văn không thay đổi. Thỉnh thoảng, Tòa Thánh ban phép cho một vài Hội Dòng được cử hành lễ nhớ ngoại lịch vào những dịp không bị ngăn trở bởi lịch phụng vụ.
Trong Sách Lễ Roma năm 1970, các thánh lễ ngoại lịch không còn gắn với ngày nào đặc biệt trong tuần nữa, nhưng được xếp theo thứ tự hệ thống cấp bậc: bắt đầu với lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Maria ở vị trí thứ tám, các thiên thần ở vị thế thứ chín, Thánh Giuse được xếp vào hàng thứ mười, trước các tông đồ.
Ca Nhập Lễ trích từ Lc 12,42 và ca Hiệp Lễ lấy từ Mt 25,21 nhằm trình bày Thánh Giuse như mẫu người đầy tớ trung tín mà Đức Kitô nói đến. Lời tổng nguyện của bản văn cũ vẫn duy trì, trong khi Lời Nguyện trên lễ vật và Lời Nguyện hiệp lễ là những bản văn mới: “xin vì mẫu gương và lời chuyển cầu của Thánh Giuse, người công chính và vâng phục cùng là thừa tác của các mầu nhiệm cứu độ giúp chúng ta sống Thánh Thiện và công chính trong tác vụ của mình”.
- Lễ Thánh Gia
Lòng tôn kính Thánh Gia “tam vị ở trần gian”: Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, mới phát triển ở những thế kỷ gần đây. Vào thế kỷ XVII, việc đạo đức đã trải rộng ở Âu châu và Canada, được hỗ trợ bởi những nhân vật như chân phước Marie de l?Incarnation Dòng Ursuline, cha Jean Jacques Olier sáng lập Tu Hội Xuân Bích, và cha Pierre Marie Chaumonot, SJ. Năm 1665, Giám mục Nouvelle France, chân phước Francois Xavier de Montmorency-Laval, đã cho phép huynh đoàn Thánh Gia Québec cử hành một lễ kính vào ngày 22/1. Khi lễ kết hôn Thánh Giuse được mừng vào ngày này, lễ Thánh Gia được dời lên Chúa Nhật thứ hai sau lễ Hiển Linh. Đặc ân này đã sớm mở rộng tới toàn thể Giáo phận với bài lễ và kinh nguyện riêng.
Năm 1865, bài lễ và kinh nguyện riêng đã được phép sử dụng trong Giáo phận Montréal, rồi cho toàn thể tỉnh Québec.
Tông Thư Neminem Fugit năm 1892 của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phê chuẩn những quy chế của Hiệp hội Thánh Gia quốc tế. Vào ngày giáp năm Tông thư này, đáp lại những lời thỉnh cầu của nhiều Giám mục, một thánh lễ và kinh Phụng Vụ mới về lễ này đã được chấp thuận với những bài thánh ca mà người ta cho rằng do chính Đức Giáo Hoàng Lêô XIII sáng tác: Kinh Chiều “O lux beata caelitum”, Kinh Sách “Sacra iam splendent” vàKinh Sáng “O gente felix hospita”. Tất cả những nơi và tổ chức đã được phép mừng lễ có thể sử dụng những bản văn này, và dĩ nhiên những Giáo phận và Hội Dòng khác cũng có thể áp dụng phép này. Giáo quyền đã thống nhất việc mừng ngày lễ vào Chúa Nhật thứ ba sau lễ Hiển Linh.
Năm 1893, những Giáo phận sau đây đã xin và đã được phép cử hành lễ này: Albano, Rome và các vùng phụ cận, Andria, Melfi, Rapolla, Acquapendente, Ariano, Chioggia, Lipari, Caiazzo, Trezzo và Trevisio trong Tổng Giáo phận Milan, tất cả ở trong nước Italia; Lavant ở Nam Tư; Tours và Lyons ở Pháp; Brugge ở Bỉ; Eichstatt ở Đức; năm 1894 tại Litomerice ở Tiệp Khắc; năm 1903 Biella ở Italia. Các Hội Dòng được phép cử hành trong năm 1893-1894 bao gồm Dòng Phanxicô, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Gioan Thiên Chúa, Dòng Benedicto Silvestrini và các Tỉnh Dòng Đaminh ở đảo Sicilia và Malta. Lễ được xếp vào bậc “duplex maior”. Tại Thánh địa, nhà thờ Thánh Giuse ở Nazaret và Thượng Phụ Latin ở Jerusalem được phép cử hành lễ ngoại lịch về Thánh Gia trong một số ngày.
Năm 1914, lễ Thánh Gia được ấn định mừng vào ngày 19/1. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Benedicto XV, theo lời thỉnh cầu của nhiều vị Giám mục, lễ này đã mở rộng cho toàn thể Hội Thánh với bậc “duplex maior”, vào Chúa Nhật trong tuần bát nhật lễ Hiển Linh với những đặc ân giống như ngày Chúa Nhật. Trong lịch canh tân 1969, lễ này là một trong bốn lễ được chỉ định thường xuyên mừng vào ngày Chúa Nhật, ấn định vào Chúa Nhật trong tuần bát nhật Giáng sinh hoặc vào ngày 30/12 trong những năm không có ngày Chúa Nhật trong tuần bát nhật.
Các bài đọc mới được thêm vào cho chu kỳ ba năm của Thánh lễ là: Huấn Ca 3, một vài câu của Colose 3 và hai đoạn Tin Mừng. Sách Lễ năm 1969 đã thay đổi các Lời Nguyện. Năm 1971, những bản văn mới cho Phụng vụ các giờ kinh, bao gồm bài đọc trích ở diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đã hoàn tất việc sửa đổi lễ này.
- Lễ Thánh Giuse lao động
Lễ này có nguồn gốc gần đây, mặc dầu việc chọn Thánh Giuse làm bổn mạng giới công nhân và lao động có một lịch sử lâu dài. Ở đây, chúng ta truy tầm một vài dấu vết trong hai thế kỷ vừa qua. Thí dụ trong diễn từ năm 1871, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã nhìn nhận rằng, việc đặt tên Thánh Giuse cho một Hiệp hội tìm kiếm việc làm cho những người thất nghiệp thật là thích hợp, bởi vì Người đã nuôi sống Thánh Gia. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII dành một vài đoạn trong Thông điệp Quamquam Pluries cho Thánh Giuse như là kiểu mẫu và bổn mạng của những người lao động. Năm 1905, Đức Giáo Hoàng Piô X ban ân xá cho một lời cầu nguyện với Thánh Giuse, đề cao việc Thánh Nhân nghỉ việc vào ngày của Chúa và là gương mẫu cho tất cả các công nhân bắt chước. Năm sau, ngài cũng ban ân xá cho ai đọc kinh cầu nguyện với Thánh Giuse, gương mẫu của các công nhân. Kinh cầu nguyện nổi tiếng này do chính ngài sáng tác. Năm 1909, kinh cầu Thánh Giuse được chấp thuận bao gồm lời cầu“gương mẫu thợ thuyền”. Tự sắc Bonum Sane do Đức Giáo Hoàng Benedicto XV ban hành năm 1920 đã đặt Thánh Giuse như mẫu gương cho những người lao động để họ có thể học hỏi nơi Người.
Trong một bài huấn từ ngày 11/3/1945, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã đặt các Hiệp hội những người lao động Công giáo Italia (ACLI)dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse. Để kỷ niệm mười năm biến cố này, ngài đã loan báo vào ngày 1/5/1955 việc thiết lập lễ Thánh Giuse lao động trong phụng vụ, được cử hành ngày đầu tiên của tháng Năm, để Kitô hóa ngày lao động trần thế. Ngày lễ muốn trưng bày người thợ khiêm tốn Nazaret như mẫu gương cho các người lao động, giúp họ nhận ra phẩm giá thật sự của sự làm việc và lôi kéo họ đến gần Đức Kitô.
Ngày 1/5/1956 những bản văn mới cho Sách Lễ và Sách Nguyện được ban hành với tiêu đề:“Lễ trọng Thánh Giuse lao động, chồng của Đức Trinh Nữ Maria, hiển tu”. Một đề tài quan trọng, là công việc của Thánh Giuse tiếp tục công việc của Thiên Chúa trong việc tạo dựng thế giới. Đặc biệt, trong Thánh Thi kinh Sáng (Te, pater Ioseph, ópifex), chúng ta kêu xin Thiên Chúa là Cha và là thợ đã làm nên tất cả mọi sự, đến giúp đỡ chúng ta trong công việc của mình, biết bắt chước Thánh Giuse, người cũng là cha và là thợ. Chín bài đọc trích từ sách Sáng Thế 1-3, Đức Giáo Hoàng Piô XII, Thánh Alberto Cả, cùng với Colose 3 và Matthew 13,54-58 được dùng cho các bài đọc trong thánh lễ và các giờ kinh nhỏ.
Bậc lễ trọng chỉ kéo dài một thời gian ngắn, bởi vì từ năm 1969, lễ này chỉ còn là lễ nhớ tự do. Tuy nhiên, các bài đọc của Sách Lễ vẫn giữ như cũ, chỉ thêm vào một vài bản văn mới. Bản văn Giờ Kinh Phụng Vụ đã chọn số 33-34 của Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng) cho bài đọc kinh Sách, và soạn ra những lời cầu mới cho kinh Sáng và kinh Chiều. Thánh Giuse được nhìn nhận như là bổn mạng và gương mẫu cho các người thợ, và mặc dầu bậc lễ bị rút lại là lễ nhớ tự do, lễ này còn được cử hành long trọng tại nhiều nơi trên thế giới.
Trên đây là những lễ được mừng trong toàn thể Giáo Hội; tiếp theo là những lễ được mừng ở một vài địa phương hay thuộc về quá khứ.
- Lễ kết hôn của Đức Maria và Thánh Giuse
Tại Công Đồng Constance năm 1416, cha Jean Gerson đã đề nghị các linh mục cử hành một lễ ngoại lịch kính nhớ việc kết hôn của Đức Maria và Thánh Giuse vào ngày thứ Năm của tuần III mùa Vọng, vì thích hợp với đoạn Tin Mừng của ngày này. Năm 1474, cha Bernardino Bustis thuộc Dòng Phanxicô đã viết một kinh Phụng Vụ cho ngày lễ. Năm 1537, các tu sĩ Dòng Phanxicô mừng lễ vào ngày 7/3, và chẳng bao lâu, Dòng Tôi Tớ Đức Bà mừng ngày 8/3, Dòng Đaminh vào ngày 22/1.
Năm 1684, Đức Giáo Hoàng Innocente XI cho phép cử hành trong vương quốc của Leopold I, và sau đó ở Tây Ban Nha. Ở Pháp và Canada, lễ mừng vào ngày 22/1, trong khi những huynh đoàn ở Ba Lan mừng ngày 23/1. Năm 1725, Đức Giáo Hoàng Benedicto XIII mở rộng lễ này cho các quốc gia thuộc quyền Giáo Hoàng và ấn định ngày lễ vào ngày 23/1.
Trong thế kỷ XIX và XX, Tòa Thánh ban phép đặc biệt cho nhiều nơi cử hành lễ, thông thường vào ngày 23/1, nhưng đôi khi vào các ngày khác. Ví dụ năm 1859, lễ được ghi vào ngày 11/2 trong sách kinh nguyện riêng cho Tổng Giáo phận Fribourg (và ngày 13/2 theo ấn bản 1894) và ngày 26/11 cho Giáo phận Cordoba.
Năm 1961, Thánh Bộ Nghi Lễ ban hành một Huấn thị loại bỏ các lễ đặc biệt trong những lịch riêng, trong đó có lễ kết hôn của Đức Maria và Thánh Giuse, ngoại trừ những nơi có một lý do đặc biệt để cử hành. Trong thời kỳ canh tân phụng vụ hậu Công Đồng Vatican II, lễ này một lần nữa được cho phép trong những lịch phụng vụ riêng. Ví dụ, năm 1989, Dòng Hiến Sĩ Thánh Giuse (Oblati di San Giuseppe) được phép cử hành lễ “kết hôn thánh của Đức Maria và Thánh Giuse” như lễ kính vào ngày 23/1, với những bản văn riêng, trong đó có kinh Tiền Tụng như sau:
“Cha đã cho Hội Thánh niềm vui cử hành lễ kết hôn Thánh Thiện của Đức Maria và Thánh Giuse: nơi Đức Maria, đầy ân sủng và xứng đáng là mẹ Con Một của Cha, Cha đã báo cho biết sự khởi đầu của Hội Thánh, vị hôn thê xinh đẹp của Đức Kitô; Cha đã chọn Thánh Giuse, người tôi tớ trung tín và khôn ngoan như là chồng của đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, và đặt người làm đầu gia đình của Cha, để trông coi người Con duy nhất của Cha, đấng được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”.
- Lễ Thánh Giuse bảo trợ Hội Thánh
Năm 1416, cha Jean Gerson, trong bài giảng cho các Nghị phụ của Công Đồng Constance, đã khẩn cầu Thánh Giuse như là bảo trợ của Hội Thánh, với niềm hy vọng được thấy sự hiệp nhất trong Hội Thánh đang bị chia rẽ do sự hiện diện của hai Giáo Hoàng giả và một Giáo Hoàng chính thức. Năm 1621, Tổng Hội Dòng Carmel đã chọn Thánh Giuse làm bảo trợ và người cha của toàn thể Hội Dòng. Năm 1680, Tòa Thánh đã ban phép cho Dòng Carmel cử hành lễ Thánh Giuse là bảo trợ. Lễ được cử hành vào Chúa Nhật thứ Ba sau lễ Phục Sinh với những bản văn riêng cho thánh lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ. Lễ này đã mở rộng cho Dòng Augustino năm 1700, Dòng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi năm 1702, Giáo phận Mexico năm 1703; chẳng bao lâu sau đó lan đến nhiều Dòng tu và các Giáo phận khác. Vào giữa thế kỷ XIX, lễ đã lan rộng đến nỗi, vào ngày 10/9/1847, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã châu phê cho toàn thể Hội Thánh Sách Lễ và Sách Nguyện riêng cho lễ này, được cử hành vào Chúa Nhật thứ Ba sau lễ Phục Sinh như lễ bậc “duplex secundae classis”. Sắc lệnh quan trọng ngày 8/12/1870 công bố, Thánh Giuse bảo trợ toàn thể Hội Thánh tăng thêm lý do thần học cho việc cử hành, mặc dầu không thêm gì long trọng cho phụng vụ.
Năm 1911, Sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô X đã ấn định “Lễ trọng Thánh Giuse, hiển tu, bảo trợ toàn thể Hội Thánh” được cử hành vào Chúa Nhật thứ Ba sau lễ Phục Sinh, như lễ bậc “duplex primae classis” với tuần bát nhật. Với những thay đổi năm 1913, nhằm tách rời các ngày lễ khỏi ngày Chúa Nhật, lễ này được ấn định mừng vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ Ba sau lễ Phục Sinh, tuy vẫn duy trì tuần bát nhật và bậc lễ.
Năm 1956, sau khi thiết lập lễ Thánh Giuse lao động, lễ này đã bị bỏ đi, nhưng ít là tiêu đề“Bảo trợ của toàn thể Hội Thánh” được giữ lại bằng cách gắn thêm cho ngày lễ 19/3. Năm 1957, vì Dòng Carmel đã mừng lễ này hơn ba trăm năm, nên được phép giữ lại trong lịch canh tân của Dòng như lễ bậc “duplex primae classis” với kinh Phụng Vụ và thánh lễ riêng vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ Ba sau lễ Phục Sinh.
Trong lịch phụng vụ 1969, lễ ngày 19/3 được đặt tên “Thánh Giuse, chồng của Đức Maria” đã bỏ đi tiêu đề “bảo trợ Hội Thánh”.
Từ năm 1979, nhiều thỉnh cầu khôi phục lại tiêu đề do các Bề trên Tổng Quyền, các Trung tâm và Hội thảo quốc tế về Thánh Giuse đệ trình lên Tòa Thánh, nhưng không được chấp thuận. Năm 1981, Thánh Bộ Bí Tích Và Phụng Tự lặp lại phúc thư của Hồng y Villot năm 1973, theo đó, tước hiệu “Bảo trợ” nên để trong lịch riêng hơn là trong lịch phổ quát. Cha Gauthier đã lưu ý rằng, trong những ấn bản Sách Lễ Roma bằng tiếng Pháp, một số các thánh bảo trợ được ghi trong lịch riêng như các vị thánh bổn mạng của nước Pháp,Luxemburg và châu Âu.
Trong Tông huấn Redemptoris Custos, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác nhận cách chính thức sự quan trọng của tước hiệu “Bảo trợ Giáo Hội ngày nay” như sau:[48]
“Giáo Hội luôn phải kêu cầu Thánh Giuse bảo trợ, không những để bảo vệ Giáo Hội khỏi những nguy hiểm không ngừng nẩy sinh, nhưng nhất là còn để nâng đỡ Giáo Hội trong những nỗ lực canh tân nhằm rao giảng Tin Mừng cho thế giới cũng như tái rao giảng Tin Mừng”.
- Lễ nhớ cuộc trốn sang Ai Cập
Dòng Chúa Cứu Thế đã cử hành lễ này vào Chúa Nhật thứ Tư của tháng Tư. Năm 1856, lễ này được dời vào ngày 17/2. Giáo phận Castellammare di Stabia (gần Napoli, Italia) đã xin phép cử hành lễ này vào năm 1866 nhưng bị từ chối. Năm 1937, giáo quyền đã cho phép cử hành các lễ riêng tại đền Thánh Giuse ở Allex (Drome) bên Pháp: hoặc là lễ kết hôn ngày 23/1 hay lễ nhớ cuộc trốn sang Ai Cập ngày 17/2. Năm 1958, nhà nguyện Thánh Giuse ở Montréal đã được phép cử hành thánh lễ riêng như lễ “duplex maior”. Lời thỉnh cầu của họ ghi nhận rằng, đây là một biến cố trong đời sống của Chúa, trong đó Thánh Giuse đóng vai trò chính như là “Đấng bảo trợ cho Đức Kitô”. Những bản văn của lễ này là Isaia 19,20-22 và Matthew 2,13-15. Năm 1961, chỉ thị về việc sửa đổi các lịch phụng vụ riêng đã loại bỏ lễ này, ngoại trừ những nơi có sự liên kết đặc biệt của thánh lễ với biến cố này.
- Tên Thánh Giuse trong nghi thức cầu cho bệnh nhân và người hấp hối
Năm 1920, “Hiệp hội Thánh Giuse chết lành”đã nhận được phép thêm vào những lời cầu nguyện đặc biệt đến Thánh Giuse trong lễ ngoại lịch cho người hấp hối, và cho người chết lành ở nhà thờ của họ tại khu phố Trionfale, Roma; và chẳng bao lâu phép này được mở rộng cho tất cả các linh mục và các nhà của Hiệp hội.
Vào ngày 9/8/1922, Thánh Bộ Nghi Lễ đã thêm vào sách Nghi Thức Roma những lời cầu khẩn đến Thánh Giuse trong nghi thức xức dầu thánh (nay là xức dầu bệnh nhân), trong nghi thức trao phó linh hồn đang hấp hối và trong những lời cầu nguyện cho người mới qua đời.
Năm 1964, Tòa Thánh phê chuẩn cho vùng Canada nói tiếng Pháp những lời cầu khẩn Thánh Giuse trong nghi thức Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, trong kinh cầu phó dâng linh hồn người đang hấp hối và người vừa tắt thở. Năm 1972, Nghi Thức Xức Dầu và chăm sóc mục vụ cho bệnh nhân ban hành cho toàn thể Giáo Hội có nhắc tới Thánh Giuse trong những lời cầu nguyện phó dâng người hấp hối và người sinh thì.
- Tên Thánh Giuse trong Kinh Nguyện Thánh Thể
Ít là từ năm 1815, nhiều thỉnh cầu được gởi về Roma để xin ghi tên Thánh Giuse vào trong các lời cầu nguyện của thánh lễ, bao gồm trong Lễ Quy (nay gọi là Kinh Nguyện Thánh Thể). Trong nhiều năm, hàng triệu chữ ký đã được thu thập cho lời thỉnh cầu này. Năm 1868, cha Lataste, OP. đã viết thư cho Đức Thánh Cha sẵn sàng dâng hiến chính mạng sống của mình cho việc công bố Thánh Giuse là bảo trợ của Hội Thánh, và ghi tên Người vào trong Lễ Quy. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã chấp thuận đề nghị thứ nhất để đáp lại những thỉnh cầu của các Nghị phụ Công Đồng Vatican I, nhưng ngài đã không ghi tên Thánh Giuse vào trong Lễ Quy. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã vui mừng vì nhiều lời thỉnh cầu gởi đến ngài, nhưng ngài cho rằng, không thích hợp để thay đổi một kinh nguyện phụng vụ đã có từ lâu đời. Đức Giáo Hoàng Piô X đã trả lời bằng miệng với Tổng Giám mục Camilli rằng, mặc dầu đề nghị bị từ chối năm 1892, nhưng ngài có thể tiếp tục thúc đẩy phong trào ghi tên Thánh Giuse vào trong Lễ Quy.
Khi người ta đệ trình những thỉnh cầu này lên Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, ngài cảm thấy đã đến thời cơ thuận tiện và ngài đã thông báo cho Thánh Bộ Nghi Lễ biết ý kiến riêng của ngài về vấn đề này. Tại Công Đồng Vatican II, nhiều Giám mục đã thỉnh cầu việc ghi danh bằng những lời đề nghị mạnh mẽ. Ngày 13/11/1962, Đức Thánh Cha đã gây ngạc nhiên cho các Nghị phụ, qua hồng y Quốc vụ khanh, ngài thông báo sẽ thêm câu “và Thánh Giuse, bạn của Đức Trinh nữ Maria” ngay liền sau tên Maria trong Lễ Quy. Ngài ước mong quyết định này có hiệu lực vào ngày 8/12 như biểu lộ ước muốn của Công Đồng. Ngày 30/12/1962, một ấn bản mới của Sách Lễ Roma đã ghi thêm tên Thánh Giuse trong đó. Sau đó, Đức Giáo Gioan XXIII đã tặng nhà thờ Kalisz, Ba Lan, một trong những chiếc nhẫn của ngài để tưởng nhớ biến cố này, và chiếc nhẫn này đã được gắn vào hình Thánh Giuse vào dịp lễ Thánh Gia.
Tiếc rằng, 5 năm sau đó, ba Kinh Nguyện Thánh Thể mới được ban hành lại không có tên Thánh Giuse.
- Tên Thánh Giuse trong kinh cầu các thánh
Thành phố Bologna là địa điểm đầu tiên đưa tên Thánh Giuse vào trong kinh cầu các thánh vào năm 1359. Vào thế kỷ XVI, Dòng Đaminh, Carmel và nhiều Dòng khác đã ghi tên Thánh Giuse vào trong kinh cầu. Tuy nhiên, sau việc canh tân của Công Đồng Trento dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô V, tên Thánh Giuse đã bị bỏ đi, do lỗi của nhà in hơn là do Sắc lệnh của cấp thẩm quyền. Sau khi đón nhận vô số thỉnh cầu và theo lời khuyên của Hồng y Lambertini(Giáo Hoàng Benedicto XIV tương lai) vào ngày 19/12/1726, Đức Giáo Hoàng Benedicto XIII đã thêm tên Thánh Giuse vào trong kinh cầu, sau tên Đức Maria, các thiên thần và Thánh Gioan Tiền Hô, nhưng trước tất cả các vị thánh khác.
II. NHỮNG VIỆC ĐẠO ĐỨC DÂN GIAN
Chúng tôi chỉ giới hạn vào một vài hình thức quen thuộc đối với giáo dân Việt Nam và bỏ qua những tập tục chỉ lưu hành ở vài nước châu Âu.
- Những kinh nguyện
1/. Kinh cầu Thánh Giuse
Bản kinh cầu Thánh Giuse lâu đời nhất là của cha Jerónimo Gracián Dòng Carmel, xuất bản ở Roma năm 1597 bằng tiếng Italia và Tây Ban Nha. Có thể ngài đã lấy từ quyển sách nhỏ về bảy sự buồn cùng bảy sự vui của Thánh Giuse do Hiệp hội các thợ mộc in ở Perugia. Tuy nhiên, dường như ngài đã thêm vào nhiều lời cầu, và ấn bản tiếng Tây Ban Nha có 49 lời cầu trong khi bản tiếng Italia chỉ có 21 lời.
Trong thời gian này, nhiều kinh cầu của các thánh khác đã xuất hiện. Một vài bản kinh chứa đựng những lời cầu sai lầm về thần học; vì thế, năm 1601 dưới thời Đức Giáo Hoàng Clemente VIII, Tòa Thánh đã ra sắc lệnh tất cả các kinh cầu, ngoại trừ những kinh cầu đã được chấp thuận (đó là kinh cầu Các Thánh và kinh cầu Đức Bà Loreto) phải đệ trình để được duyệt y trước khi cho sử dụng công khai. Các hàng giáo phẩm tại Italia và Tây Ban Nha giải thích và áp dụng Sắc lệnh này cách chặt chẽ, nên không sử dụng kinh cầu Thánh Giuse trong hai nước này. Tại các nước khác ở Âu châu, hàng giáo phẩm giải thích rằng, Sắc lệnh chỉ áp dụng cho các kinh cầu được đọc nơi công cộng chứ không áp dụng cho việc sử dụng riêng tư. Có hơn ba mươi phiên bản kinh cầu khác nhau, những bản kinh cầu ảnh hưởng nhất là của: chị María de San José Dòng Carmel (1548-1603), người bạn thân của Thánh Terexa Avila và cha Gracián; Thánh Francois de Sales trong lá thư gửi cho thánh nữ Gioanna Chantal năm 1614,.v.v… Trong những kinh cầu đa dạng, một vài lời cầu ca ngợi Thánh Giuse, nhìn nhận vai trò của Người trong thời thơ ấu của Chúa Kitô, sự hiệp nhất của Người với Đức Maria và những đặc ân của Người như là người chủ của Thánh Gia. Một vài kinh tóm tắt đời sống và sự ưu việt của Người, trong khi những kinh khác liệt kê những ân huệ chính với ước vọng sẽ đạt được nhờ lời chuyển cầu của Người. Một vài kinh chứa đựng những ý kiến đạo đức cá nhân chưa được Hội Thánh tuyên bố, ví dụ như sự thánh hóa của Người trong lòng mẹ và thân xác Người được đưa về trời, nhưng những điều này không bị Hội Thánh phản đối bởi vì nó phản ánh những ý tưởng thần học của thời đại.
Vào đầu thế kỷ XX, nhiều Giám mục tại châu Âu và châu Mỹ xin Tòa Thánh phê chuẩn kinh cầu để được đọc công khai. Sau nhiêu lần thỉnh nguyện bị từ chối, sau cùng Tổng Viện phụ Dòng Trappe, cha Sébastien Wyart (+ 1904) đã soạn một kinh cầu để xin phê chuẩn. Tuy nhiên theo nhiều học giả, công thức của kinh cầu được Đức Giáo Hoàng Piô X châu phê ngày 18/3/1909 và được lưu hành hiện nay là của Đức Hồng y A.M. Lépicier.
Kinh cầu Thánh Giuse dựa theo khung sườn của kinh cầu Đức Bà, với bố cục như sau:
Sau phần dẫn nhập (kêu cầu Chúa Ba Ngôi, và Đức Mẹ), là lời khẩn nài Thánh Giuse kèm theo “25 danh hiệu”. Có thể phân chia ra thành 6 nhóm:
– a/. Sự Thánh Thiện (số 1);
– b/. Nguồn gốc: dòng dõi vua David, và miêu duệ các tổ phụ (số 2-3);
– c/. Các chức vụ được ủy thác đối với Đức Maria (số 4-5) và với Đức Giêsu (số 6-8);
– d/. Các nhân đức nội tâm, gồm 6 nhân đức: công chính, khiết tịnh, khôn ngoan, mạnh bạo, vâng lời, trung thành (số 9-14);
– e/. Các nhân đức trong tương quan với tha nhân: nhẫn nại, thanh bần, cần cù lao động, mẫu gương cho các gia trưởng (số 15-18);
– f/. Bảo trợ: những người trinh khiết (số 19), các gia đình (số 20), những người túng quẫn (số 21), những người ốm đau và lâm tử (số 22-23), chống cự ma quỷ (số 24), bổn mạng Hội Thánh (số 25).
2/. Suy gẫm “bảy sự buồn” cùng “bảy sự vui” Thánh Giuse
Năm 1536, cha Giovanni da Fano (+ 1539), một tu sĩ Dòng Capuchino người Italia, đã phổ biến một việc đạo đức gọi là “bảy kinh Lạy Cha của Thánh Giuse” trong một phụ lục của cuốn sách “De arte unione”. Cha nói rằng, chính Thánh Giuse đã khuyến khích thói tục ấy, khi hiện ra để cứu hai tu sĩ bị đắm tàu ở Flandre. Kinh này họa theo việc suy gẫm bảy sự đau đớn Đức Mẹ do các tu sĩ Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ phổ biến.
Công thức hiện tại được gán cho chân phúc Gennaro Sarnelli (+ 1744). Vào ngày 9/12/1819, Đức Giáo Hoàng Piô VII ban ân xá cho việc đạo đức này. Ngoài ra, ngày 22/1/1836, Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI cũng ban thêm ân xá cho việc thực hành “Bảy ngày Chúa Nhật kính nhớ bảy sự buồn cùng bảy sự vui của Thánh Giuse”.
Bảy sự vui buồn Thánh Giuse suy gẫm những biến cố vui buồn của Thánh Giuse, dựa theo những trình thuật Tin Mừng thơ ấu của Thánh Matthew và Thánh Luca, đó là:
– Thứ nhất, Đức Mẹ mang thai Đức Giêsu, gây ra nhiều băn khoăn cho Thánh Giuse, nhưng sau đó được thiên thần giải thích.
– Thứ hai, khi chứng kiến cảnh khó nghèo của Đức Giêsu khi sinh ra tại Bethlehem.
– Thứ ba, khi làm phép cắt bì cho Đức Giêsu.
– Thứ tư, khi cụ Simeon tiên báo những đau khổ của Đức Giêsu.
– Thứ năm, khi trốn qua Ai Cập.
– Thứ sáu, khi trở về Nazareth.
– Thứ bảy, khi lạc mất và tìm lại Đức Giêsu trong đền thờ.
Sau mỗi cảnh suy niệm, đọc một kinh Lạy Cha và Kính Mừng, có thể thêm kinh Sáng Danh.
- Những thời điểm dâng kính Thánh Giuse
Ngoài những lễ phụng vụ, những kinh đọc, truyền thống dân gian còn dành vài thời điểm kính ngài, đó là: ngày thứ Tư hàng tuần và tháng Ba dương lịch.
1/. Thứ tư hàng tuần
Tục lệ Kitô giáo dành ngày thứ Sáu để kính nhớ cuộc Tử nạn của Chúa, ngày thứ Bảy kính Đức Mẹ, và ngày thứ Tư kính Thánh Giuse. Năm 1876, các sư huynh giáo dục Dòng Mariste được phép tưởng nhớ Thánh Giuse mỗi ngày thứ Tư trong kinh Tiểu nhật khóa kính Đức Mẹ. Năm 1883, Sách Lễ Roma và Sách Nguyện đã xếp Thánh lễ ngoại lịch kính Thánh Giuse vào ngày thứ Tư.
Dưới khía cạnh lịch sử, các học giả không thấy một mối liên hệ nào giữa ngày thứ Tư với Thánh Giuse. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu ăn chay mỗi tuần hai ngày (thứ Tư và thứ Sáu), khác với người Do Thái cũng ăn chay mỗi tuần hai ngày, nhưng là vào thứ Hai và thứ Năm. Theo sự giải thích của vài Giáo phụ, ngày thứ Sáu tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết trên thập giá, còn ngày thứ Tư tưởng nhớ ngày Chúa bị Judas phản bội. Không rõ từ hồi nào người ta dành thứ Tư để kính Thánh Giuse và vì lý do gì. Tuy vậy, cũng có người bóp trán để giải thích thế này. Ngày thứ Tư là ngày ở giữa tuần lễ, với nhịp độ làm việc cao, khác với nhịp độ uể oải hay cầm chừng của đầu tuần hay cuối tuần. Như vậy đáng để dành cho Thánh Giuse, gương mẫu của sự cần cù làm việc.
2/. Tháng ba dương lịch: tháng Thánh Giuse
Lễ Thánh Giuse được mừng vào ngày 19/3 dần dần đưa đến sự phát triển nhiều việc đạo đức kính Thánh Nhân.
a/. Trước tiên là tập tục chuẩn bị ngày lễ với một tuần cửu nhật
Như đã nói, sự phát triển lòng đạo đức kính Thánh Giuse đã tập trung vào ngày lễ chính của Người 19/3. Việc cử hành được nối dài với tuần bát nhật và được chuẩn bị bởi tuần chín ngày. Ngày 4/3/1713, Đức Giáo Hoàng Clemente XI ban ân xá cho những người tham dự tuần cửu nhật được tổ chức tại nhà thờ Thánh Inhaxio tại Roma.
b/. Kế đó người ta kéo dài việc tôn kính Thánh Giuse ra suốt tháng Ba dương lịch
Năm 1802, giáo xứ Thánh Augustino tại Modena (Italia) in một quyển sách nhỏ với tựa đề:“Tháng hoa huệ, tháng ba dâng hiến Thánh Giuse” (Il mese del Giglio, ossia il mese consacrato a Giuseppe). Kể từ đó, nhiều sách tương tự được xuất bản tại nhiều nơi, nổi tiếng nhất là tác phẩm của Giuseppe Marconi xuất bản tại Roma năm 1810 (Il mese di marzo consacrato al glorioso patriarca San Giuseppe) và được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
Ngày 27/4/1865, Đức Giáo Hoàng Piô IX ban ân xá cho những ai làm viêc đạo đức trong một tháng để kính Thánh Giuse. Sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô IX ngày 4/2/1877 cho phép tính tháng Thánh Giuse từ ngày 16/2 đến ngày 19/3. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong Thông điệp Quamquam Pluries năm 1889 đã khuyên nhủ thực hành chung việc đạo đức hằng ngày trong tháng Ba để tôn kính Thánh Giuse.
c/. Ngày lễ được mừng vào ngày 19/3 đưa tới một tập tục khác là kính nhớ Thánh Giuse vàongày 19 mỗi tháng.
Năm 1884, Tòa Thánh phê chuẩn thói quen lâu đời của Giáo phận La Paz (Bolivia) đọc kinh nguyện và cử hành thánh lễ ngoại lịch vào ngày 19 của mỗi tháng khi không bị ngăn trở. Những đặc ân tương tự cũng được ban cấp cho nhiều chỗ khác, tựa như nhà nguyện của đại học Guatemala và một đan viện Carmel bên Tây Ban Nha.
***
THAY LỜI KẾT
Trong bài viết này, chúng tôi đã trình bày một đường hướng thần học về Thánh Giuse dựa theo Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô
- Dĩ nhiên là còn rất nhiều thiếu sót.
– Thứ nhất, cần phải đọc Tông huấn này trong toàn bộ tư tưởng của Đức Thánh Cha, mà tựa đề đã gợi lên xoay quanh “Đấng Cứu Chuộc”: “Redemptor hominis”, “Redemptoris mater”, “Redemptoris missio”.
– Thứ hai, cần phải bổ túc với những văn kiện khác của ngài nhắc đến Thánh Giuse, đặc biệt về gia đình (Familiaris consortio), về lao động (Laborem exercens), và các bài giảng nhân lễ kính Thánh Giuse.
– Thứ ba, cần chấp nhận còn nhiều đường hướng khác nữa để nghiên cứu về Thánh Giuse.Tông thư Redemptoris custos muốn nêu bật mối tương quan của Người với Đức Kitô (Mầu nhiệm cứu chuộc), Đức Maria, Hội Thánh. Vai trò của Chúa Thánh Linh chỉ mới phớt qua. Thánh Linh không chỉ tác động nơi Đức Maria trong việc Ngôi Lời thụ thai, nhưng chắc hẳn là cả nơi Thánh Giuse, qua việc nâng đỡ đức tin cho Người để đón nhận ý Chúa (số 3-4), qua việc tăng cường lòng nhiệt thành hy sinh phục vụ Đức Kitô (số 8), qua việc thánh hiến tình yêu với Đức Maria (số 18-19).
Bài viết này chỉ là một thứ nhập đề vào việc nghiên cứu thần học về Thánh Giuse, chứ chưa thể kết thúc. Trước khi kết thúc, chúng tôi xin giới thiệu vài địa chỉ internet, để những người muốn tìm hiểu có thêm nguồn tài liệu:
- Thư tịch tổng quát Internet
– Johannes Stoehr, Josefsbibliographie: http://www.teol.de/BIB-JOS.htm
B. Những tạp chí nghiên cứu về Thánh Giuse
– Estudios Josefinos, Valladolid, Tây Ban Nha. Xuất bản từ năm 1947, do sáng kiến của cha J.A. Carrasco OCD. Indices 1977-2000 in n.108, vol. 54 (2000).
– Cahiers de Joséphologie, Montréal, Canada, từ năm 1953.
C. Những hội nghị và hội thảo quốc tế về Thánh Giuse
1/. Những hội nghị
– AA. VV., Die Bedeutung des hl. Josef in der Heilsgeschichte.Akten des IX. internationalen Symposions ber den hl. Josef, 2 Bde., Kevelaer 2006.
– AA. VV., San José en el siglo XIX. Actas del sexto Simposio Internacional, in: Estudios Josefinos 39 (1995); Cahiers de Joséphologie 53 (1995) .
– AA. VV., San José en el siglo XVIII. Actas del quinto Simposio Internacional, in: Estudios Josefinos 45 (1991); Cahiers de Joséphologie (1991) 39.
– AA. VV., Presencia de San José en el siglo XVII. Actas del quarto Simposio Internacional (Kalisz, 22-29 septiembre 1985), Valladolid 1987; Estudios Josefinos 51 (1987) n. 81-82; Cahiers de Joséphologie (1987) vol. 35.
– AA. VV., San Giuseppe nel Seicento. Atti del terzo Simposio Internazionale su San Giuseppe, Libreria Editrice Murialdo, Roma 1981.
– AA. VV., San José en el Renacimiento. Actas del segundo Simposio Internacional, Toledo 1977, 882 pp.
– AA. VV., San Giuseppe nei primi quindici secoli della Chiesa. Atti del Primo Simposio Internazionale, Roma 1971, 838 pp. = Estudios Josefinos 25 (1971).
2/. Những hội thảo
– AA. VV., La Sagrada Familia en el siglo XVIII. Actas del Tercer Congreso Internacional sobre la Sagrada Familia (Barcelona, 6-10. 9. 1996), Barcelona 1997.
– AA. VV., Actas del Segundo Congreso sobre la Sagrada Familia, Barcelona-Roma 1995.
– AA. VV., Actas del Primer Congreso sobre la Sagrada Familia, Barcelona-Roma 1993.
– AA. VV., La Sagrada Familia en los primeros XVI siglos de la iglesia, Actas del Congreso, Barcelona 1992.
- Những trung tâm phổ biến những nghiên cứu về Thánh Giuse: tài liệu thần học, bài giảng, kinh nguyện, hình ảnh.
1/. Tiếng Pháp:
– Site international de chercheurs josephains pluridisciplinaires:http://www.josephologie.info/
– Oratoire Saint Joseph du Mont-Royal: http://www.saint‑joseph.org/
– Famille Saint Joseph: http://www.saint‑joseph.fr/
2/. Tiếng Anh:
– Oblates of Saint Joseph in California: http://www.osjoseph.org(St Joseph in Scripture, Liturgy, Apocrypha, Magisterium, Church Fathers, Art)
3/. Tiếng Italia:
– Centro Studi San Giuseppe (Giuseppini del Murialdo):http://www.murialdo.org/sangiuseppe/centro.htm
– Movimento Giuseppino: http://www.osjcuria.org/movgiuseppino/
4/. Tiếng Tây Ban Nha:
– Centro Josefino Espanol (OCD, Valladolid): http://www.centrojosefino.org
– Movimiento de Vida Cristiana, Medellín (Colombia): http://www.redemptoriscustos.org
– Centro Josefino de Centro America (Salvador): http://www.centroiph.org/
5/. Tiếng Việt:
– Thánh Giuse quan thầy Giáo Hội Việt Nam (Lm Nguyễn Phúc Kim): http://hivong.org/giusequanthayvn.php
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– AA.VV. Custodio del Redentor. Comentario a la exhortación apostolica “Redemptoris Custos”, in: Estudios Josefinos 44(1990) n. 87-88, pp. 3-266.
– Doublier-Villette Christian Michel, Joséphologie. Etat de la question, Mémoire de Maitrise d’Archéologie, Lyon 2004.
– Griffin Michael, St Joseph: a Theological Introduction, in: Cahiers de Joséphologie 1972, p. 219-251.
– Stramare Tarcisio, San Giuseppe nella storia della salvezza, LDC, Torino 1993.
– Stramare Tarcisio, Gesù lo chiamò Padre. Rassegna storico-dottrinale su san Giuseppe, LEV, Città del Vatican 1997.
– Stramare Tarcisio, Vangelo dei Misteri della Vita Nascosta di Gesù, Sardini, Bornato in Franciacorta 1998.
– Stramare Tarcisio, San Giuseppe. Il custode del redentore nella vita di Cristo e della Chiesa, Temi di Predicazione n. 98, Napoli 2006.
– Toschi Larry M., Joseph in the New Testament, Guardian of the Redeemer Book, Santa Cruz 1991.
– Toschi Larry M., St Joseph in Liturgy. Liturgical and paraliturgical recognition of Saint Joseph, in: http://www.osjoseph.org/stjoseph/liturgy/index.php
[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 21.
[2] Xc. Ibid., số 8.
[3] Thực ra, trong tiếng Latin, người ta dùng nhiều từ ngữ: Sponsus, Coniux, Vir.
[4] Trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta gặp thấy nhiều lập trường đối nghịch: 1/ Một bên phủ nhận sự trinh khiết của Đức Maria (ông Giuse và bà Maria là hai vợ chồng giống như bao đôi vợ chồng khác). Chủ trương này đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu tiên, thí dụ các ông Cerinthius, Carpocrates, nhóm Ebionist, ông Helvidius; họ phủ nhận Đức Maria đồng trinh. 2/ Ngược lại, một lập trường cho rằng giá thú của ông Giuse và bà Maria chỉ có hình thức bên ngoài để che mắt thiên hạ: hai người không có ý định nên vợ nên chồng (bởi vì Đức Maria đã khấn giữ trinh khiết trọn đời). Đây là chủ trương của ông Giulianô mà Thánh Augustino đã phải đương đầu (Contra Iulianum), và của vài nhà thần học thời Trung cổ như Gratianus và Miguel de Medina.
[5]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 2-3.7
[6] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Những bài huấn giáo về Đức Maria, Tp. HCM 1999. Bài 26: “Chân lý đức tin về sự trinh khiết của Đức Maria”.
[7] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III pars, q. 29.
[8] Thánh Augustino sử dụng một diễn ngữ xem ra mâu thuẫn khi diễn tả hôn nhân của Thánh Giuse, đó là “hôn nhân trinh khiết” (virginale connubium) chứ không chỉ nguyên “khiết tịnh” (castum); xc. Contra Iulianum, lib.3, n.2: PL 42,214.
[9] De nuptiis et concupiscentia, 1,11,13: được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại trongTông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số trích dẫn ở nota 14.
[10] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 7.
[11] Ibid., số 4.
[12] Ibid., số 3.
[13] Ibid., số 4; Thông điệp Redemptoris mater.
[14] Ibid., số 7.
[15] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa Là Tình Yêu), Ngày 25-12-2005, số 3-8.
[16] Tuy ngôn ngữ thông thường chỉ dành từ ngữ “đồng trinh” (hay “trinh khiết”) cho nữ giới, nhưng các Giáo phụ và nhà thần học áp dụng cho cả nam giới nữa. Nên biết là đức “khiết trinh” (virginitas) không chỉ giới hạn vào phạm vi thể lý mà thôi. Xc. Florent Raymond Bilodeau, The Virginity of Saint Joseph in the Latin Fathers and Medieval Ecclesiastical Writers, St. Mary’s University – Baltimore, Maryland – 1957.
[17] Nên biết là cha Jean Gerson đã nêu vấn nạn như thế này: nếu Thánh Giuse già lão như vậy thì làm sao đủ sức mà giúp đỡ thánh gia trong bao nhiêu việc nặng nề, chẳng hạn trong suốt cuộc hành trình sang Ai Cập?
[18] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 499.
[19] Nhiều Giáo phụ bên Đông nghiêng theo lưu truyền về Thánh Giuse goá vợ trước khi đính hôn với Đức Maria. Bên Tây Phương, thánh Hieronimo bác bỏ ý kiến đó, và chủ trương Thánh Giuse trinh khiết.
[20] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q. 28, a. 4.
[21] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 7: “Opus namque salutis Servator ex virginali hac et sacra coniunctione incohavit, ubi omnipotens ipsius ostenditur voluntas purificandae ac sanctifcandae familiae, quae et amoris sacrarium est et vitae ipsius seminarium”; số 20: “Est enim coniugium societas necessitudoque omnium maxima, quae natura sua adiunctam habet bonorum unius cum altero communicationem. Quocirca si sponsum Virgini Deus Iosephum dedit, dedit profecto non modo vitae socium, virginitatis testem, tutorem honestatis, sed etiam excelsae dignitatis eius ipso coniugali foedere participem”.; Trưng dẫn Thông điệp Quamquam Pluries.
[22] Có tác giả dựa trên lời của Đức Maria thưa với sứ thần (Lc 1,34) như nền tảng của lời khấn trinh khiết (“Điều ấy xảy đến thế nào được, bởi vì tôi không biết đến người đàn ông?”).
[23] xc. St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, II-II, q. 152, a. 4.
[24] Bài thứ 30, ngày 21/08/1996.
[25] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 7.
[26] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quảng diễn đề tài này trong Tông thư Mulieris dignitatem (Phẩm giá phụ nữ), ban hành ngày 15/8/1988, nghĩa là một năm trước Tông huấn Redemptoris Custos.
[27] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q. 27, a. 4, c.
[28] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, III, q. 27, a. 5, c.
[29] Đức Giáo Hoàng Piô IX, Sắc lệnh Quemadmodum Deus, Ngày 8-12-1870.
[30] Được Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, trưng dẫn một đoạn ở số 28.
[31] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 4, trưng dẫn Hiến chế về Mặc khải của Công Đồng Vatican II.
[32] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 17.
[33] Ibid., số 4; 6; 21.
[34] Ibid., số 8; 19.
[35] Ibid., số 24.
[36] Ibid., số 25.
[37] Xc. Ibid., số 30.
[38] Ibid., số 31.
[39] Xc. Ibid., số 29.
[40] Ibid., số 21-22.
[41] Ibid., số 5; 26.
[42] Ibid., số 23.
[43] Ibid., số 25.
[44] Larry Toschi, St Joseph in Liturgy. Liturgical and paraliturgical recognition of Saint Joseph, in: http://www.osjoseph.org/stjoseph/liturgy/index.php
[45] Trong lịch phụng vụ hiện hành (sau Vatican II) các lễ được chia làm 3 cấp: lễ Trọng, lễ Kính, lễ Nhớ. Trước đây, các lễ được chia làm nhiều cấp, tùy nơi tùy thời. Nói chung, các bậc từ dưới lên trên như sau: “simplex”, “semiduplex”, “duplex minor”, “duplex maior”, “totum duplex”,.v.v…
[46] Tại Âu châu, vài nhà thờ tự hào là lưu giữ các di tích của Thánh Giuse. Perugia (Italia), Auxois (Pháp) giữ chiếc nhẫn cưới của Thánh Giuse. Nhà thờ Notre-Dame de Joinville-sur-Marne (Langres, Pháp) giữ thắt lưng của Thánh Giuse. Đan viện Camaldoli (Italia) giữ chiếc gậy của Thánh Giuse.
[47] “Confessores”. Theo lịch sử, vào những thế kỷ đầu tiên, phụng vụ kính các thánh “tử đạo” (martyres); sau đó thêm “confessores” nghĩa là các tín hữu đã tuyên xưng đức tin và bị giam cầm, nhưng không bị sát hại. Sau thời kỳ bắt đạo, hạn từ “confessores” áp dụng cho các thánh không tử đạo: giám mục, tu sĩ, giáo dân.
[48] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos, chương VI.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Nguồn: catechesis.net