Suy niệm Lời Chúa CN III Mùa Chay A – Lm. Inhaxiô Hồ Thông

print

Suy niệm Lời Chúa CN III Mùa Chay A – Lm. Inhaxiô Hồ Thông

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Trong chu trình Mùa Chay, Giáo Hội dành Chúa Nhật III và Chúa Nhật IV Mùa Chay cho bí tích Thánh Tẩy, vì thế các Bài Đọc được chọn lựa nhằm chuẩn bị cho tân tòng đón nhận Thánh Tẩy vào đêm vọng Phục Sinh. Như vậy, vào Chúa Nhật III Mùa Chay nầy, chủ đề nổi bật là  “nước hằng sống”, nguồn mạch cứu độ.
Xh 17: 3-7
Suốt cuộc hành trình trong hoang địa, dân Do thái phải chịu cảnh đói khát. Thiên Chúa đã ban cho họ nước mát trong tuôn trào từ tảng đá. Qua đó, Thiên Chúa tỏ cho dân Ngài biết rằng Ngài vừa là Đá Tảng vừa là Nguồn Mạch luôn luôn tuôn trào sự sống và ơn cứu độ.
Rm 5: 1-2; 5-8
Thánh Phao-lô nói cho tín hữu Rô-ma biết rằng chính nhờ Đức Tin mà họ trở nên công chính và vui hưởng niềm hy vọng lớn lao, đó là một ngày kia sẽ được dự phần vào vinh quang của chính Thiên Chúa. Đức cậy nầy có một nền tảng vững chắc bởi vì nó cắm rễ sâu vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ga 4: 5-42
Tin Mừng tường thuật cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri ở bên bờ giếng Gia-cóp. Đức Giê-su tự đồng hóa mình với nguồn nước hằng sống đem lại sự sống đời đời.
BÀI ĐỌC I (Xh 17: 3-7)
Nhan đề của sách Xuất Hành tự nó nói lên nội dung của sách: “cuộc xuất hành khỏi đất Ai-cập”. Chương 17 nầy tường thuật một loạt những thử thách mà dân Do thái đã trải qua trong suốt cuộc hành trình gian khổ băng qua hoang địa: cái đói, cái khát, chiến tranh, từ đó họ kêu trách, gây gỗ và nổi loạn.
Đoạn văn được trích dẫn hôm nay tường thuật dân Do thái trải qua cuộc thử thách về cái khát, và từ đó nẩy sinh sự nghi nan ngờ vực về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Đối lại, Thiên Chúa đáp trả nhu cầu của dân. Vì thế biến cố nầy bao gồm hai bài học.
1.Qua việc ban nước hằng sống, Thiên Chúa tỏ mình ra là Đấng cứu độ:
“Ông Mô-sê đập cây gậy vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy tràn ra cho dân uống”. Đây không là một phép lạ từ hư không (ex nihilo). Chính Đức Giê-su cũng sẽ không thực hiện bất kỳ phép lạ từ hư không nào. Ngài luôn luôn sử dụng chất liệu tự nhiên: từ nước ở Ca-na, Ngài biến thành rượu; từ năm chiếc bánh và hai con cá Ngài nuôi một đám đông dân chúng. Cũng vậy trong trường hợp của ông Mô-sê, từ đá tảng Thiên Chúa cho nước mát trong chảy tràn ra cho dân chúng uống.
Cây gậy mà ông Mô-sê sử dụng là cây gậy mà Thiên Chúa đã ban cho ông để chiến thắng các cây gậy của các nhà phù thủy của Pha-ra-ô (Xh 7: 11-12). Việc cây gậy thần hay chiếc đũa thần làm nên những điềm thiêng dấu lạ chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với những chuyện tích nhân gian, nhưng điều quan trọng chính là Thiên Chúa, qua người đại diện của Ngài, cho thấy quyền năng của Ngài hơn các quyền năng của các vị thần linh Ai-cập, qua các vị pháp sư này. Thật ý nghĩa biết bao ở Ds 20: 7-8, câu chuyện nầy được đọc lại, thay vì cây gậy của ông Mô-sê, chính là “lời của ông” khiến nước phun ra từ tảng đá: “Đức Chúa phán với ông Mô-sê: ‘Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với A-ha-ron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước…”.
Ân ban nước trong sa mạc Rơ-phi-đim được ghi trong sách Xuất Hành nầy là một hành động cứu độ. Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Vì thế, trong Kinh Thánh, “nước” không chỉ là một yếu tố tự nhiên đảm bảo sự sinh tồn, nhưng còn hổ trợ cho một chủ đề huyền nhiệm và biểu tượng: hình ảnh về sự sống tâm linh:
“Hai tay cầu Chúa giơ lên,
hồn con khát Chúa như miền đất khô” (Tv 143: 6)
hay:
 “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trong mong được gần Ngài, lạy Chúa” (Tv 42: 2).
Tảng đá phun trào nước mát trong cho dân chúng uống ở Rơ-phi-lim mặc lấy cũng một ý nghĩa nầy. Truyền thống nầy vang dội trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô: Cha ông chúng ta “cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 10: 4).
2.Kiên vững trong thử thách:
Ông Mô-sê đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của dân chúng. Họ sợ hãi trước một cái chết thảm khốc: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập để làm gì? Có phải để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?”. Đoạn, sự nghi nan ngờ vực trở thành lời nói phạm thượng: “Có Chúa ở giữa chúng tôi hay không?”.
Trước cuộc nổi loạn của dân chúng, ông Mô-sê sợ hãi kêu lên cùng Chúa: “Tôi phải làm gì cho dân nầy bây giờ? Chỉ còn chút nữa là họ lấy đá ném chết tôi!”. Ông Mô-sê chấp nhận đánh cược niềm tin của mình; Thiên Chúa phục hồi uy tín cho ông trước mắt mọi người khi cho ông thực hiện ân ban của Ngài trước sự chứng kiến của một số kỳ mục mà ông dẫn theo đến tảng đá.
Chính nhờ niềm tin mà ông Mô-sê đã vượt qua cơn nguy khốn này. Ông tin rằng không gì mà Thiên Chúa không thể làm được. Hơn nữa, ông đặt trọn niềm tin tưởng vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng, bất chấp những cằn nhằn gây gỗ của dân Ngài, đã không từ chối ra tay cứu giúp họ. Đức tin không thể tương hợp với sự tuyệt vọng.
Việc dân Do thái thách thức và cằn nhằn gây gỗ ở Ma-xa và Mê-ri-ba được sách Đệ Nhị Luật nêu lên: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa” (Đnl 6: 16). Khi chịu thử thách trong hoang địa, Đức Giê-su đáp lại cơn cám dỗ thứ hai của Xa-tan cũng bằng chính những lời nầy: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4: 7).
BÀI ĐỌC II (Rm 5: 1-2, 5-8)
Thần học về ơn công chính hóa là phần cốt yếu của thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Trong phần đạo lý (1: 16-11: 36), thánh Phao-lô nói cho chúng ta biết rằng chúng ta được trở nên công chính nhờ tin vào Đức Ki-tô. Phần đạo lý nầy được khai triển thành hai phần: phần thứ nhất (1: 18-4: 25) trong đó thánh Phao-lô chứng minh rằng ơn công chính hóa đạt được nhờ đức tin và phần thứ hai (5: 1-11: 36) trong đó thánh nhân sẽ bàn đến những hoa trái mà ơn công chính hóa sản sinh ở nơi những ai được trở nên công chính.
Đoạn trích hôm nay là phần đầu chương 5, chương đóng chức năng như bản lề của phần đạo lý này. Trong các chương trước, thánh Phao-lô đã trình bày cho chúng ta biết rằng chúng ta được cứu độ và trở nên công chính nhờ đức tin chứ không nhờ công này việc nọ. Bây giờ thánh nhân tiếp tục giải thích những hoa trái của đời sống mới. Hoa quả đầu tiên là “sống hòa hợp với Thiên Chúa” và “niềm hy vọng vào vinh quang tương lai”.
1.Sống hòa hợp với Thiên Chúa (5: 1-2):
Được trở nên công chính, con người lại có thể sống trong mối thân tình với Thiên Chúa. Tội lỗi kéo theo sự thù địch giữa con người với Thiên Chúa, trong khi ơn công chính hóa chấm dứt tình trạng thù địch nầy. Con người sống trong tình trạng giao hòa với Đấng Tạo Hóa của mình. Những mối liên hệ giữa thụ tạo và Tạo Hóa được bình thường hóa. Đức Giê-su Ki-tô là Đấng trung gian của cuộc sống hoà hợp nầy. Để nhắc lại vai trò trung gian của Đức Giê-su, thánh Phao-lô cậy nhờ đến hình ảnh tế tự. Như một người tiến vào cung thánh nhờ chu toàn vài điều kiện, cũng vậy, hiện nay Đức Giê-su, Đấng cứu độ chúng ta, mở lối cho chúng ta vào để chúng ta được vui hưởng ân sủng của Thiên Chúa.
Vì thế, ân sủng không gì khác hơn là hành động của Thiên Chúa, nhờ đó con người được thụ hưởng ân nầy đến ân khác. Con người chỉ có thể tự hào và hoan hỉ vì những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Cuộc sống hòa hợp với Thiên Chúa mà con người được thụ hưởng hôm nay bảo đảm cho họ rằng ngày mai họ sẽ dự phần vào vinh quang Thiên Chúa, vào chính cuộc sống của Thiên Chúa. Ân ban bình an là tham dự trước vinh quang thiên quốc, ân ban nầy là bảo chứng cho cuộc sống thần linh mà một ngày kia họ sẽ thụ hưởng viên mãn.
2.Niềm hy vọng vào vinh quang tương lai (5: 5-8):
Thánh Phao-lô nêu lên hai lý do để khẳng định rằng niềm hy vọng vào vinh quang tương lai là có cơ sở vững chắc:
A-Ân ban Thánh Thần (5: 3-5):
Được công chính hóa, chúng ta không chỉ vui mừng vì đang được sống hòa hợp với Thiên Chúa và hy vọng về phần thưởng ngày mai, cho dù hiện nay phải gặp thấy niềm hoan hỉ trong những gian truân thử thách, vì “ai quen gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là người trung kiên, thì có quyền trông cậy” (5: 4). Điều quan trọng nhất chính là Thiên Chúa đang hoạt động để dẫn đưa chúng ta đến cứu cánh tối hậu mà Ngài dành sẵn cho chúng ta. “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”.
B-Hiến dâng Con Một của Người (5: 6-8):
Thánh Phao-lô nêu ra một bằng chứng khác để khẳng định rằng niềm cậy trông của chúng ta là có cơ sở vững chắc, đó là Đức Giê-su đã chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu nầy còn lớn lao hơn, bởi vì thật khó gặp thấy một ai sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình cho một người lương thiện, ấy vậy, Đức Giê-su đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta còn là hạng phản nghịch cùng Thiên Chúa. Như vậy, không chỉ Chúa Con, nhưng cũng Chúa Cha đã bày tỏ tình yêu của mình trong cái chết của Đức Ki-tô.
TIN MỪNG (Ga 4: 5-42)
Phần mở đầu (4: 5-6) cho chúng ta biết cuộc hành trình của Đức Giê-su từ miền Giu-đê trở lại Ga-li-lê băng qua Sa-ma-ri, thời gian: “khoảng mười hai giờ trưa”, giờ nóng nhất trong ngày, và nơi diễn ra những cuộc đối thoại của Ngài với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri (4: 7-26), với các môn đệ Ngài (4: 27-38) và sau cùng với dân Sa-ma-ri (4: 39-42) là bên “giếng của ông Gia-cóp”.
1.Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri (4: 7-26)
Trong khi các môn đệ vào thành để mua thức ăn để Thầy lại một mình vừa đói vừa khát bên bờ giếng Gia-cóp, thì có một người phụ nữ xứ Sa-ma-ri đến múc nước. Vì thế, Ngài ngỏ lời xin chị: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (4: 7), nhưng gặp phải phản ứng không mấy thuận lợi từ phía người phụ nữ qua câu trả lời của chị: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” (4: 9). Cuộc đối thoại khởi đi từ đó. Phải nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại phát xuất từ sáng kiến của Đức Giê-su. Chính Ngài là người đầu tiên ngỏ lời bắt chuyện với người phụ nữ để dẫn chị vào trong mầu nhiệm của Ngài.
Trong cuộc đối thoại, những trao đổi giữa Đức Giê-su và người phụ nữ đề cập đến hai chủ đề quan trọng: nước hằng sống (4: 10-14) và thờ phượng đích thật (4: 20-26). Chen vào giữa hai chủ đề nầy là một cuộc trao đổi ngắn về đời tư của người phụ nữ (4: 15-19) như một nhịp cầu nối giữa hai chủ đề này.
A-Nước hằng sống (4: 10-14):
Trong câu trả lời của mình, người phụ nữ nêu lên hai lý do để từ chối nói chuyện với Đức Giê-su: trước hết, mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc này như lời giải thích của người kể chuyện: “Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri” (4: 9); thứ nữa, phong tục tập quán vào thời ấy không cho phép người phụ nữ được nói chuyện với một người đàn ông, nhất ở nơi hoang vắng.
Nhưng Đức Giê-su muốn phá đổ bức tường ngăn cách giữa hai dân tộc này cũng như giữa nam và nữ, để mở ra cuộc đối thoại với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người đang nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (4: 10). Đức Giê-su lợi dụng biểu tượng phong phú về “nước hằng sống” để chị có thể khám phá chân tính của Đấng không chỉ là ân huệ Thiên Chúa ban, nhưng còn là Thiên Chúa đích thân, Đấng đến từ trên cao (Ga 3: 3), từ trời (Ga 3: 31), nhờ đó chị có thể đón nhận lời của Ngài, lời ban sự sống.
Với câu trả lời nầy, vai trò của Đức Giê-su và của người phụ nữ đảo ngược: giếng ban nước mát trong vẫn ở đó, nhưng nhường chỗ cho sự hiện diện của Đức Giê-su, Đấng ban “nước hằng sống”. Cặp đối lập: “Ông, người Do thái” và “tôi, người phụ nữ Sa-ma-ri” vẫn còn đó, nhưng bị vượt qua bởi “Đấng hiện thân ân huệ Thiên Chúa”. Câu trả lời của Đức Giê-su ở thể điều kiện, nghĩa là lời đề nghị, hay lời mời gọi. Nếu chị chấp nhận điều kiện, lời hứa sẽ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, người phụ nữ chưa nắm bắt thực tại thần linh của biểu tượng, vì thế chị vẫn cứ bám vào thực tại vật chất của giếng Gia-cóp : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính người đã uống giếng nước này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy” (4 : 11-12). Đây là phương pháp “ngộ nhận” của Tin Mừng Gioan được dùng hai lần: trong cuộc đối thoại với người phụ nữ về “nước hằng sống” và trong cuộc đối thoại với các môn đệ về “lương thực đích thật”. Điều này giúp cho Chúa Giê-su khai triển sâu xa hơn điều Ngài muốn người đối thoại đạt đến.
Vì thế, Chúa Giê-su xác định rõ ra sự khác biệt giữa nước mà giếng Gia-cóp ban cho và nước mà Ngài ban cho : “Ai uống nước nầy, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (4 : 13-14). Trong câu 13 nói về nước mà giếng Gia-cóp ban cho, kiểu nói: “Ai uống nước nầy, sẽ lại khát” đã được sách Huấn Ca sử dụng: “Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát” (Hc 24: 21) để diễn tả người nào đã nếm lời Khôn Ngoan, sẽ ao ước được nếm mãi không thôi. Trong câu 14a nói về nước mà Ngài ban cho, kiểu nói: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” đã được ngôn sứ I-sai-a sử dụng: “Họ sẽ không còn đói và khát nữa” (Is 49: 10-13) để loan báo thời thiên sai và hoàn vũ. Như vậy Đức Giê-su khẳng định rằng nước mà Ngài ban cho không thuộc trật tự vật chất, nhưng thuộc trật tự biểu tượng: Ngài tỏ mình ra như “ân huệ” tuyệt mức mà Thiên Chúa ban cho con người (Ga 3: 16-17). Khi gặp gỡ Ngài, người ta không đơn giản gặp bậc tôn sư dạy những lời khôn ngoan xuất phát từ Mặc Khải, nhưng chính nguồn Mặc Khải. Đức Giê-su là hiện thân Mặc Khải (Ga 1: 14). Đó là lý do tại sao Ngài mời người đối thoại hãy tiếp nhận và sở hữu lời Ngài để lời Ngài trở nên nguồn sống đời đời trong lòng của mình: “Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (4 : 14b).
B-Đời tư của người phụ nữ (4 : 15-18):
Chủ đề “nước hằng sống” xem ra đến hồi kết thúc với lời đáp trả của chị: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (4 : 15). Như vậy, với lời đáp trả này, chị chấp nhận một sự hoán chuyển vai trò giữa “người xin” và “người cho” như lời đề nghị của Chúa Giê-su ngay từ đầu câu chuyện (3 : 10). Nhưng rõ ràng người phụ nữ này chưa đạt đến niềm tin vào Ngài như Chúa Giê-su muốn, vì thế Ngài muốn câu chuyện được tiếp tục để dẫn chị đi xa hơn nữa.
Để thoát khỏi thế bế tắc, Đức Giê-su chứng tỏ cho chị thấy là Ngài biết mọi điều ẩn kín về chị như Ngài đã làm đối với ông Na-tha-na-en. Cho dù đã không đạt được lời tuyên xưng tròn đầy như Na-tha-na-en (1 : 49), chị nhận ra rằng người biết đời tư của chị phải là một ngôn sứ. Khởi đi từ đó, chị bắt đầu cởi mở tấm lòng mình cho Ngài. Như vậy phân đoạn này đóng vai trò chuyển tiếp giữa chủ đề “nước hằng sống” đi trước và chủ đề “thờ phượng đích thật” theo sau.
C-Thờ phượng đích thật (4: 19-26):
Từ đó, người phụ nữ Sa-ma-ri nêu lên với Ngài một vấn đề then chốt, một vấn đề ám ảnh tâm thức tôn giáo của chị: chân lý thuộc về phía nào, về phía tín đồ phụng thờ Thiên Chúa ở đền thờ Ga-ri-zim hay về phía tín đồ phụng thờ Ngài ở đền thờ Giê-ru-sa-lem? Câu trả lời của Chúa Giê-su không là người nầy hay kẻ kia, “nhưng đến giờ – và chính là lúc nầy – những người thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Chúa Cha theo thần khí và sự thật” (4 : 23).
Cụm từ “thần khí và sự thật” theo “kiểu thế đôi” đặc trưng của Tin Mừng Gioan theo đó chữ thứ hai bổ túc cho chữ thứ nhất, vì thế phải được hiểu là “Thần Khí sự thật”, tức là Đấng mà Đức Giê-su sẽ nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly (Ga 14: 17; 15: 26; 16: 13) và là Đấng mà Ngài sẽ hứa ban cho họ sau khi Ngài sống lại (Ga 7 : 37-39 ; 20: 22). Như vậy, thờ phượng đích thật là thờ phượng được nuôi dưỡng bằng Mặc Khải của Đức Giê-su dưới tác động của Thần Khí sự thật, Đấng “sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14 : 26) và “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (16 : 13). Tác động của Thần khí sự thật cốt là làm cho sự thật của Đức Giê-su hiện diện trong chúng ta và giúp chúng ta hiểu biết đích thật về Ngài. Vì thế, thờ phượng đích thật không còn quy chiếu đến một đền thờ do người phàm xây dựng, nhưng đến Mặc Khải của Chúa Giê-su dưới tác động của Chúa Thánh Thần, qua đó Chúa Cha bày tỏ tận mức tình yêu của Ngài cho nhân loại. Đó sẽ là thờ phượng đích thật, nét đặc trưng của thời đại mới.
Trên bình diện cấu trúc và ngữ nghĩa, câu trả lời của người phụ nữ: “tôi biết” ở 4 : 25 là lời đáp trả tương ứng với lời đề nghị của Đức Giê-su ngay đầu câu chuyện: “nếu chị biết” ở 4 : 10.  Như vậy cuộc đối thoại khởi đi từ lời mời gọi khám phá chân tính của “Đấng đang nói với chị” (4: 10) và hoàn tất ở nơi việc Ngài tự mặc khải mình ra: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (4: 26).
2.Cuộc nói chuyện của Đức Giê-su với các môn đệ (4 : 31-38):
Có một cuộc hoán chuyển vai trò của những người đối thoại với Chúa Giê-su. Trước đó, các môn đệ đi vào thành phố mua thức ăn để nhường không gian và thời gian cho người phụ nữ Sa-ma-ri từ thành phố đến múc nước bước vào cuộc đối thoại với Chúa Giê-su. Bây giờ, người phụ nữ Sa-ma-ri trở về thành phố để nhường không gian và thời gian cho các môn đệ từ thành phố trở về bước vào cuộc đối thoại với Thầy.
Ở giữa lòng lịch sử niềm tin của dân Sa-ma-ri xảy ra một cuộc đối thoại của Đức Giê-su với các môn đệ của Ngài (4: 31-38). Cuộc đối thoại nầy là dịp để Đức Giê-su giải thích không chỉ cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri và việc dân Sa-ma-ri đến với Ngài, nhưng cũng sứ mạng của Ngài và sứ mạng của các môn đệ Ngài. Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với các môn đệ được dàn dựng như bức tranh bộ đôi: ở tiền cảnh, dân Sa-ma-ri đang trên đường đến với Ngài vì lời loan báo của người phụ nữ, trong khi ở hậu cảnh, Đức Giê-su vẫn ngồi bên bờ giếng và nói chuyện với các môn đệ về ý nghĩa của những gì đã và đang xảy ra.
Trong cuộc đối thoại, những trao đổi giữa Đức Giê-su với các môn đệ đề cập đến hai chủ đề quan trọng: “lương thực” (4: 31-34) và “sứ vụ” (4: 37-38). Chen vào giữa hai chủ đề nầy là một cuộc trao đổi ngắn về “mùa gặt” (4: 35-36) như một nhịp cầu nối giữa hai chủ đề này.
A-Lương thực (4: 31-34)
Chủ đề “lương thực” là một bước tiến giúp hiểu mầu nhiệm của Đức Giê-su so với chủ đề “nước hằng sống” trước đó. Người phụ nữ Sa-ma-ri đã ngộ nhận ý nghĩa “nước hằng sống” mà Đức Giê-su nói với chị như thế nào, thì các môn đệ ngộ nhận ý nghĩa “lương thực” mà Chúa nói với họ cũng như thế khi họ hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” (4: 33).
Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su đã đáp trả Tên Thử Thách muốn khai thác cái đói vật chất của Ngài trong hoang địa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Mt 4: 4), theo đó lương thực nuôi sống Đức Giê-su không chỉ cơm bánh vật chất nhưng còn là Lời Thiên Chúa. Theo Tin Mừng Gioan, lời đáp trả của Ngài còn triệt để hơn: lương thực duy nhất nuôi sống Ngài là “thực hiện ý muốn của Cha, chính là hoàn tất công trình của Người” (4: 34).  
Khi đối chiếu lời đáp trả của Đức Giê-su ở đây: “Thực hiện ý muốn của Cha, chính là hoàn tất công trình của Người” (4: 34) với lời nguyện hiến tế của Ngài: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao phó cho con làm” (17: 4) và với lời nói sau cùng của Ngài trên thập giá: “Thế là đã hoàn tất”(19: 30), các nhà chú giải đều nhận định rằng “công việc” mà trọn cuộc đời Đức Giê-su theo đuổi trên trần gian cho đến khi “hoàn tất” đó là kế hoạch cứu độ mà Chúa Cha đã khởi xướng. Nói cách khác, ý muốn của Chúa Cha được hoàn thành ở nơi công trình của Chúa Con, như Chúa Giê-su nói với người Do thái: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng tin các việc đó. Như vậy các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (11: 37-38). Như vậy, “thực hiện ý muốn của Cha” không cốt chỉ thực hiện một sứ vụ đúng thời đúng buổi, nhưng theo đuổi trọn một cuộc đời cho đến lúc hoàn tất trên Thập Giá.
B-Mùa gặt (3: 35-36)
Đức Giê-su dùng hình ảnh “lương thực” để diễn tả sứ mạng của Ngài hiệp nhất với ý muốn của Cha Ngài cho đến mức cả hai nên một lòng một ý. Những câu tiếp theo (4: 35-36) sẽ soi sáng sứ mạng của Ngài bằng hình ảnh khác, hình ảnh “mùa gặt”.
Mới nhìn thoáng qua, có một mối liên hệ giữa hình ảnh “lương thực” và hình ảnh “mùa gặt”. Nếu lương thực là thành quả của mùa gặt, thì mùa gặt là thời gian sau cùng của một tiến trình khởi đi từ gieo giống. Tương tự như vậy, công việc của mỗi vụ mùa bắt đầu với “người gieo” và hoàn tất với “người gặt”.
Đức Giê-su lưu ý các môn đệ: “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt sao?” (4: 35), lời này rõ ràng ám chỉ đến mùa gặt chưa đến, vì câu trả lời được mong đợi phải là: “Vâng, còn bốn tháng nữa sẽ đến mùa gặt”. Quả thật, đây là khoảng thời gian giữa “gieo” và “gặt” ở miền đất Pa-lét-tin (Am 4: 7). Nhưng lời mời gọi tiếp theo: “Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!” (4: 35) đưa các môn đệ vào bình diện khác, từ bình diện mùa gặt vật chất sang bình diện mùa gặt biểu tượng, theo đó mùa gặt không còn phải đợi cho đến bốn tháng nữa. Đức Giê-su chỉ cho các môn đệ cánh đồng lúa chung quanh còn bốn tháng nữa sẽ đến mùa gặt để mời gọi họ vươn tầm nhìn cao hơn: đồng lúa chín vàng đang chờ ngày thu hoạch đó chính là dân Sa-ma-ri đang trên đường đến với Ngài.
Trong khi truyền thống Nhất Lãm nhấn mạnh mùa gặt dưới khía cạnh án phạt: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13: 30, 40), thì Tin Mừng Gioan nhấn mạnh mùa gặt dưới khía cạnh niềm vui: “Cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng” (Ga 4: 36b). Truyền thống Cựu Ước cũng loan báo rồi vào thời Thiên Sai không còn khoảng cách giữa người gieo với kẻ gặt: “Này đây sắp đến những ngày thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp nối bước người gieo giống” (Am 9: 13; Lv 26: 5). Trong bối cảnh cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su với dân Sa-ma-ri, chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Giê-su ám chỉ đến cuộc quy tụ của dân Sa-ma-ri chung quanh Ngài như niềm vui của mùa gặt thời Thiên Sai (4: 39-42).
C-Sứ vụ (4: 37-38).
Xét về phương diện hình thức, có một sự liên tục giữa đề tài mùa gặt đi trước (4: 35-36) và đề tài sứ vụ theo sau (4: 37-38). Trước hết, liên từ: “Thật vậy” ở đầu câu 37 tiêu biểu Tin Mừng Gioan, khẳng định những điều đi trước, đồng thời khai triển những điều theo sau như nhân với quả (x. Ga 9: 30; 13: 35; 15: 8). Quả thật, qua câu tục ngữ: “kẻ nầy gieo, người kia gặt”, việc sai các môn đệ ra đi thi hành sứ vụ như những thợ gặt khai thác cùng một hình ảnh “mùa gặt” trước đây. Nhưng nếu 4: 36b hiệp nhất “cả người gieo lẫn kẻ gặt”, thì 4: 37 lại phân biệt “kẻ nầy gieo, người kia gặt”.
Chính trên nền tảng của sự phân biệt nầy mà chủ đề sứ vụ của các môn đệ như những thợ gặt được khai triển: “Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ” (4: 38). Câu nói trầm buồn này ám chỉ cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài. Nhờ sự nhọc mệt vất vả của Ngài, mùa thu hoạch sẽ là ơn cứu độ cho con người. Như vậy, cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô đóng khung toàn bộ câu chuyện lớn lao nầy: cái khát của Ngài bên bờ giếng Gia-cóp loan báo một cái khát khác: “Ta khát” (Ga 19: 28) trên thập giá. Chính vì mùa gặt nầy mà Ngài sẽ sai các môn đệ Ngài đi gặt những gì Ngài gieo bằng cuộc sống vắt cạn của mình.
3.Cuộc gặp gỡ của dân Sa-ma-ri với Đức Giê-su (4 : 39-42):
Lời chứng của người phụ nữ làm xôn xao dân Sa-ma-ri và thúc dục họ lên đường đích thân đến với Đức Giê-su, xin Ngài ở lại với họ, và Ngài đã chấp nhận ở lại với họ hai ngày.
Dù khởi điểm niềm tin của họ xuất phát từ lời chứng của người phụ nữ, tuy nhiên niềm tin của họ không dừng lại nhưng vượt qua lời chứng này: Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian (4: 42).  Do đâu mà dân Sa-ma-ri đạt đến một niềm tin sâu xa như vậy, nếu không phải là họ đã lợi dụng hai ngày Đức Giê-su ở lại với họ để đích gặp gỡ và đối thoại với Ngài? Nếu thế, đức tin của họ không còn dựa trên lời chứng của người phụ nữ, nhưng trên kinh nghiệm cá nhân của mình trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với Đức Ki-tô. Lúc đó, sự kiện Dân Sa-am-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày (4: 40) phải là trọng tâm của câu chuyện giữa Chúa Giê-su và dân Sa-ma-ri.
Thật kỳ diệu, Đấng Cứu Độ xuất thân từ dân Do thái được người Sa-ma-ri đón tiếp một cách nồng hậu và được tuyên xưng là Đấng cứu độ trần gian, tức là Đấng vượt lên trên tất cả mọi xung đột chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Sự nghịch lý này vang dội ngay ở đầu Tin Mừng:
“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở thành con Thiên Chúa” (Ga 1 : 11-12).
Thánh ký kết thúc câu chuyện của mình bằng cách gợi lên tước hiệu mà dân Sa-ma-ri ban cho Ngài: Đấng cứu độ trần gian. Quả thật, thánh Gio-an là thánh ký duy nhất sử dụng tước hiệu nầy. Toàn bộ câu chuyện nhận được ý nghĩa sâu xa của nó: loan báo chiều kích hoàn vũ của ơn cứu độ.
Vài nhà chú giải vạch ra một sự đối xứng đáng ngạc nhiên giữa bài tường thuật về sứ vụ của Đức Giê-su ở Sa-ma-ri và bài trình thuật về cuộc Tử Nạn của Ngài trong Tin Mừng Gioan. Quả thật, cả hai đều kể ra thân xác mệt mỏi của Ngài, cơn khát của Ngài và sự hoàn tất công việc của Ngài. Từ đó, họ nghĩ rằng có một mối liên hệ giữa công trình truyền giáo mà Đức Giê-su thực hiện ở Sa-ma-ri, ở đó, Ngài được tuyên xưng là “Đấng Cứu Độ trần gian” và công trình cứu độ thế giới mà Ngài thực hiện trên thập giá; nghĩa là giữa thời gian mặc khải Đấng cứu độ trần gian và thời gian thực hiện ơn cứu độ cho trần gian. Lúc đó, “mười hai giờ trưa” ở trong câu chuyện nầy ám chỉ đến “mười hai giờ trưa” trong 19: 14, giờ siêu thăng, giờ ban Thánh Thần, giờ sinh ra Giáo Hội.