Suy Niệm Lời Chúa Tuần 18 Thường Niên, 2018 – Lm Seoka

print

Suy Niệm Lời Chúa Tuần 18 Thường Niên, 2018

Lm Seoka

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN B

Thứ hai: Chúa Biến Hình

Thứ Ba: Mt 14, 22-36

Thứ tư: Mt 15, 21-28

Thứ năm: Mt 16, 13-23

Thứ sáu: Ga 12, 24-26

Thứ bảy: Mt 17, 14-20

 

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN B

Làm việc để tìm kiếm cơm bánh nuôi dưỡng thân xác là mục tiêu cơ bản nhất của con người. Nhưng con người không chỉ có nhu cầu ăn uống mà còn có nhu cầu tinh thần và tâm linh. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải vượt lên những cái tầm thường của cuộc sống mau qua mà vươn lên những giá trị vĩnh cửu. Muốn vươn lên giá trị sự sống vĩnh cửu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy “Đến với” và hãy “Tin vào” Ngài.

Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông, cho thấy Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác của con người. Nhưng Ngài không dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu cơ bản là “đói cho ăn, khát cho uống”. Cơm bánh chỉ là thứ lương thực mau qua dành cho thân xác, chứ không phải là thứ lương thực đem lại sự sống đời đời. Do đó Ngài muốn ban cho con người thứ lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu.

Để có được của ăn mau qua, nuôi dưỡng thân xác, con người phải ra công làm việc vất vã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt ” mới có của ăn.

Để có của ăn vĩnh cửu, nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, con người chỉ cần làm hai việc: “Đến với Chúa Giêsu và Tin vào Ngài”.

Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.

Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.

Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.

Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát ai đó để mình yêu mến, tôn thờ.

Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.

Lạy Chúa, Xin cho chúng con biết siêng năng đến với Chúa Giêsu với niềm tin yêu, để chúng con được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh Thánh, là thứ lương thực không hư nát và đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.

Thứ hai: Chúa Biến Hình

Mc 9, 2-10

Ơn gọi của người Kitô hữu chính là trở nên người con trong Người Con yêu dấu của Chúa Cha trong Đức Giêsu. Nhưng làm thế nào để ta trở nên người con yêu dấu của Chúa Cha trong Đức Giêsu? Tin mừng hôm nay chỉ ra cho chúng ta một vài gợi ý sau đây:

Chấp nhận đi vào con đường thập giá. Nếu trước đó, khi loan báo về cuộc thương khó mà Chúa Giêsu sắp trãi qua, các môn đệ, nhất là Phêrô đã không chấp nhận và quyết liệt can ngăn; thì với cuộc biến hình này, Chúa Giêsu muốn giúp các ông hiểu rằng: vinh quang chỉ đến sau khi chấp nhận đi vào con đường thập giá.

 Tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Tin mừng cho biết trong khi cầu nguyện trên núi cao, thì hình dạng Ngài bổng biến đổi: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Chính khi ấy, Chúa Cha đã xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”( Mt 3, 16-17).

Vâng nghe lời Chúa Giêsu chỉ dạy. Trong cuộc biến hình xác nhận cho biết: Đức Giêsu là Môsê mới và Êlia mới. Nơi Ngài gom tóm toàn thể lề luật và ngôn sứ được nói trong cựu ước; nay lề luật và lời ngôn sứ được kiện toàn nơi Chúa Giêsu: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Chính vì thế mà Chúa Cha kêu gọi chúng ta hãy “vâng nghe lời Người”.

* Tóm lại, để trở nên người con yêu dấu của Chúa Cha trong Đức Giêsu, đòi buộc chúng ta phải thực hiện hai việc sau đây:

–  Chấp nhận từ bỏ tất cả để tiến bước trên hành trình đức tin theo Đức Giêsu, với niềm tín thác tuyệt đối vào thánh ý Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

– Phải luôn chú tâm lắng nghe và thực hành lời Chúa Giêsu chỉ dạy qua việc say mê học hỏi, suy niệm và thực hành. Hãy để cho lời Chúa thấm nhập vào mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm chúng ta trong mọi sinh hoạt đời thường giống như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nhờ thế, đời ta mới xứng danh là “con yêu dấu của Chúa Cha”.  Amen

 

Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi cao, nhằm củng cố niềm tin cho các môn đệ và mạc khải Thiên Tính của Người. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào Chúa Giêsu, để sẵn sàng đón nhận những thập giá xảy đến trong đời sống.

Biến cố biến hình trên núi Tabor xảy ra sau khi Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết về con đường thập giá mà Ngài phải trãi qua. Nhưng trước đó Phêrô đã không chấp nhận con đường ấy, nên đã can ngăn cách quyết liệt khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Do đó, ông đã bị Chúa Giêsu khiển trách rất nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”(Mc 8, 33). Đặt sự kiện biến hình trong bố cảnh ấy, ta hiểu được biến cố hiển dung của Chúa Giêsu hôm nay là nhằm hướng đến 2 mục đích:

Cũng cố đức tin cho các môn đệ: Qua lời tuyên bố của Chúa Cha từ trên cao: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”, như muốn giúp các môn đệ xác tín vững vàng niềm tin vào Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. 

Giúp các môn đệ can đảm chấp nhận con đường thập giá: Con đường thập giá là đường đau khổ chẳng ai muốn đi. Cuộc biến hình rực rỡ trên đỉnh đồi Tabor chính là liều thuốc đắng bọc đường gíúp các môn đệ dễ dàng nuốt lấy vị đắng của hy sinh thập giá mà Chúa Giêsu sắp bước vào; cũng như đủ sức vượt qua những đau khổ và hy sinh khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng nước trời sau này.

Đức tin đem lại cho ta niềm hy vọng để dấn bước theo Chúa trên con đường thập giá. Đức tin cũng chính là sức mạnh giúp ta can đảm đón nhận những nghịch cảnh trong cuộc đời. Nhờ đức tin mà chúng ta dễ dàng vâng theo thánh ý Chúa, ngay khi mạng sống của ta bị đe dọa. Bởi ta tin rằng phía sau thập giá sẽ vinh quang phục sinh.  

Xin Chúa thương ban thêm niềm tin cho chúng ta, để chúng ta luôn trung thành đi theo Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống theo gương các thánh tử đạo Việt Nam.

Thứ Ba: Mt 14, 22-36

Cuộc đời chúng ta có lúc yên bình nhưng lắm khi cũng gặp phải sóng gió, khiến chúng ta sợ hãi bất an. Xin Chúa luôn ở bên để che chở, chấn an và giúp ta biết chọn lựa hướng sống sao cho tốt đẹp ý Người, nhờ đó thuyền đời của ta dễ dàng vượt qua sóng gió hiễm nguy giữa biển đời trần gian này để đạt đến bến bờ an vui nhờ sức mạnh ơn ban của Chúa.

Những hình ảnh được đề cập trong đoạn Tin mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: Các môn đệ chính là mỗi người chúng ta. Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội. Biển khơi là hình ảnh trần gian. Đêm tối, bảo tố, gió mạnh là những thử thách do ma quỷ gây nên.

– Giống như các môn đệ xưa, chúng ta đã bước vào con thuyền của Giáo Hội khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Cùng ở trong con thuyền Giáo hội, chúng ta đang tiến bước trên biển đời trần gian.

– Tựa như con thuyền của các môn đệ bị những con sóng to đánh dữ dội, thì ở mọi thời, mọi nơi Giáo Hội cách chung; cách riêng thuyền đời của mỗi chúng ta cũng phải đương đầu với những chống đối, những vu khống, bôi nhọ và loại trừ do thế lực ma quỷ gây ra.

– Ví như bóng đêm là những vết đen đáng tiếc xảy ra trong Giáo Hội. Hay những đau khổ, thất bại và bất hạnh xảy đến trong cuộc sống, làm cho niềm tin của chúng ta như chao đảo, lắm khi mất cả phương hướng cho cuộc sống.

– Sánh như tông đồ Phêrô vì nghi ngờ vào quyền năng của Chúa khiến ông sợ hãi, sắp chìm. Cuộc đời của người Kitô hữu chúng ta khi đối mặt với những khó khăn, đau khổ và thử thách… trong cuộc sống cũng làm chúng ta lo sợ, nghi ngờ vào quyền năng của Chúa và lắm khi đánh mất cả niềm tin và hy vọng mà buông mình chìm sâu vào dòng chảy của biển đời. Nhưng chúng ta hãy vững tin vì Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta để nâng đỡ và ra tay cứu giúp, nếu chúng ta biết trông cậy và tha thiết kêu cầu Người như Phêrô: “Lạy Thầy, xin cứu tôi”. 

Xin Chúa ban thêm lòng tin kiên vững nơi chúng con, để dù trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng con vẫn an tâm tiến bước trên biển đời. Xin Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con, để đưa dẫn chúng con đạt tới bến bờ bình an.

 

Thứ tư: Mt 15, 21-28

Lễ Thánh Tổ Phụ Đaminh

Trình thuật của Tin mừng hôm nay để lại trong ta về một hình ảnh của người phụ nữ tuyệt đẹp trong đức tính, cách ứng xử cũng như về một đức tin mạnh mẻ.

Xin cho chúng ta học đòi bắt chước gương sáng của bà, để chúng ta xứng đáng được Chúa chúc lành.

Nét đẹp của người phụ nữ cách chung và Á đông nói riêng, xưa nay người ta thường quý trọng ở những đức tính chịu thương, chịu khó, khiêm tốn và kiên nhẫn.

Nói như thế thì người phụ nữ ngoại giáo trong đoạn tin mừng hôm nay thật tuyệt vời, vì bà ta đã có đầy đủ những đức tính ấy.

Với tình thương mẫu tử cao cả, chắc hẳn bà ta đã tiêu tốn không ít là tiền của và sức lực để tìm thầy, chạy thuốc khắp nơi để cứu chữa cho đứa con yêu quý của bà khỏi tình trạng khốn khổ do ma quỷ gây nên. Chính sức mạnh tình thương đã giúp bà ta vượt qua rào cản ngăn cách của luật lệ cấm kỵ giữa người Do Thái và dân ngoại để tìm đến với Chúa Giêsu. 

Với đức tính chịu khó, bà đã không ngần ngại vượt qua ranh giới hiểm trở để tìm đến với Thầy Giêsu, với mong muốn con mình được cứu chữa khỏi thần ô uế ám hại.

Với lòng khiêm tốn thẳm sâu, bà ta đến trước mặt Chúa Giêsu và phục lạy Người với lời khấn xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Lòng khiêm tốn ấy càng sâu thẳm khi nhìn nhận mình chỉ là chó con trước mặt Chúa. “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”.

Với tinh thần nhẫn nại, bà đã không nản lòng trước lời từ chối khó nghe của Chúa Giêsu “Hãy để con cái ăn no trước đã vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”.  Nhưng những lời đắng lòng ấy đã không làm cho bà tự ái và bỏ cuộc; trái lại làm cho bà thêm kiên nhẫn nên van xin cho tới cùng “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

* Tất cả những đức tính cao quý trên sẽ không có được nơi người phụ nữ nếu không có được đức tin mạnh mẻ. Chính nhờ lòng tin mạnh mẻ của bà mà đứa con con yêu quý của bà được Chúa Giêsu cứu chữa, như lời Chúa Giêsu xác nhận: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”.

Suy gẫm về hình ảnh của người phụ nữ ngoại giáo tuyệt đẹp hôm nay, ta cảm thấy hổ thẹn vì nhiều người trong chúng ta không  có được những đức tính cao quý và đáng yêu như bà: chịu thương, chịu khó, lòng khiêm tốn và kiên nhẫn trong tương quan và công việc. Nhất là đức tin của chúng ta còn chưa đủ mạnh để dám phó thác hoàn toàn vào tình thương và quyền năng của Chúa, đấng chúng ta tôn thờ.

Xin Chúa giúp chúng ta có được đức tin mạnh mẽ để trong mọi hoàn cảnh ta luôn sẵn sàng tín thác vào lòng thương xót. Đồng thời cũng cho chúng ta ý thức sống tốt những đức tính nhân bản cần thiết trong đời sống làm người.

Hôm nay cũng là ngày GH kính nhớ thánh Đa Minh, một vị thánh hết lòng sống cho tình yêu. Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa và yêu thương con người bằng những lời nói chân thành, dịu dàng và cởi mở; Và tích cực thực hiện những việc làm bác ái cụ thể như: tiết chế ăn uống, hy sinh chi tiêu hàng ngày, cũng như sẵn sàng bán đi những vật dụng cần thiết nếu ai đó đang gặp khốn khổ cần sự trợ giúp của chúng ta theo gương thánh Đa Minh.

 

Thứ năm: Mt 16, 13-23

Sau một thời gian rao giảng thi hành sứ vụ đó đây, hôm nay Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò có tính cách xã hội học. Nên bất ngờ Ngài phỏng vấn các môn đệ để xem dư luận nghỉ về Người thế nào?

Theo nghe ngóng đây đó, các môn đệ cho biết có 3 luồng ý kiến đánh giá về Thầy Giêsu.

– Một số người thì cho Thầy là Gioan Tẩy Giả, bởi lẽ Chúa Giêsu cũng có đời sống khắc khổ chay tịnh và mạnh mẽ lên án lối sống giả hình của người Pharisêu cũng như rao giảng về sự sám hối gần giống như Gioan Tẩy Gỉa.

– Một số khác thì cho rằng Thầy là Êlia, bởi Chúa Giêsu cũng đã từng làm phép lạ tựa như Êlia xưa kia.

– Phần đông còn lại thì xem Chúa Giêsu là một vị tiên tri, vì cách chung họ cũng thấy Đức Giêsu cũng nói lời Chúa và tiên báo về những vấn đề tương lai tựa như các tiên tri xưa nay.

Nhưng điều quan tâm nhất mà Chúa Giêsu muốn biết là các môn đệ hiểu về Ngài như thế nào? nên Ngài đặt câu hỏi thứ 2: “phần  các con, các con bảo Thầy là ai?”.  Phêrô thay mặt anh em tuyên xưng đúng như Ngài là: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Sau đó, Chúa Giêsu mạc khải về con đường đau khổ mà Ngài phải đi để hoàn thành sứ mạng, thì lập tức Phêrô lại không chấp nhận nên đã quyết liệt can ngăn. Vì thế, Chúa Giêsu đã khiển trách Phêrô nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Cho dẫu rằng Phêrô tin vào Đức Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa nhưng ông vẫn mong muốn một đấng Messia theo quan niệm trần tục. Ông không thích đón nhận một Đấng Kitô phải đi vào con đường thập giá để cứu độ nhân loại theo ý Chúa Cha.

Ngẫm đi nghĩ lại, nhiều lúc chúng ta cũng có quan niệm giống như Phêrô về một Đức Giêsu. Đó là khi ta mong muốn Người ban phát cho ta về quyền lợi kinh tế, chính trị, và xã hội…Nên ta dễ gắn bó với Chúa khi có tiền, thành công và gặp may mắn…ta dễ thất vọng và xa cách Chúa khi gặp phải khó khăn, thử thách và thất bại…

Xin Chúa nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con, nhất là trong những lúc gặp gian nan, thử thách.

 

Thứ sáu: Ga 12, 24-26

Kính Thánh Laurensô, phó tế tử đạo

Cả hai bài đọc hôm nay đều nói lên tinh thần hy sinh vô vị lợi vì nước trời.

Bài đọc 1: Với nguyên tắc bình thường, ngoại trừ bất thường, Thánh Phaolô cho biết: “gieo nhiều” sẽ “gặt nhiều”. Theo nguyên tắc này, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Côrintô cũng như chúng ta hãy tích cực dâng hiến đời mình để phục vụ Chúa. Nhưng để dâng hiến phục vụ, đòi hỏi ta phải hy sinh. Mà hy sinh là việc làm khó. Bởi lẽ ta thường cho rằng những gì ta dâng hiến là của ta. Nhưng thực ra những gì ta “Có” và ta “Là” đều do Thiên Chúa ban tặng. Nên “ai vui vẻ dâng hiến sẽ được Thiên Chúa yêu thương” (x. 2 Cr 9,7).

Còn  bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại đưa ra cho chúng ta hiểu được quy luật căn bản: chết để được sống. “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt”. (Ga 12,24); theo nguyên tắc này Chúa Giêsu xác quyết: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. (Ga 12,25).

Thầy phó tế Lô-ren-sô đã nhận ra nguyên tắc và hiểu được quy luật ấy nên đã vui vẻ dâng hiến đời mình, sẵn sàng chết đi vì tình yêu.

Yêu Chúa, thánh nhân đã rời bỏ quê hương Hu-ét-cô, nước Tây Ban Nha thân yêu để đến Roma du học. Tại đây ngài được biết đến là con người nổi danh về tài đức. Nhưng không vì thế mà ngài tìm cho mình cuộc sống vinh hoa, phú quý. Trái lại, thánh nhân đã dùng tài đức Chúa ban dấn thân phục vụ Chúa, dưới thời giáo hoàng Xít-tô II, trong bối cảnh đầy hiểm nguy bởi sự cấm cách và bách hại khắc nghiệt của hoàng đế Đê-ci-ô.

Yêu người, thánh nhân đã không ngại hy sinh dấn thân trong trách nhiệm phục vụ người nghèo. Với vai trò là vị phó tế trưởng, quảng trị tài sản của Giáo hội, ngài luôn ưu tư lo cho người nghèo. Ngay trong giờ phút nguy khốn nhất, với cái chết cận kề, ngài vẫn không quên dùng tất cả tài sản của Giáo hội đem ra phân phát cho người nghèo. Với ngài tài sản quý giá nhất chính là người nghèo. Nên sau khi phân phát hết của cải cho người nghèo, ngài đã dẫn họ đến trước mặt viên tổng trấn Va-lê-ri-a-nô và xác nhận cho biết: những người nghèo đứng trước mặt tổng trấn chính là tài sản của Giáo hội.

Tình yêu chính là sức mạnh thúc đẩy thánh Lau-ren-sô sẵn sàng phục vụ Chúa và tha nhân cho dẫu phải hy sinh tính mạng. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Ai vui vẻ dâng hiến sẽ được Thiên Chúa yêu thương”.  Thánh nhân đã vui vẻ dâng hiến vì cảm thấy mình được Chúa yêu thương. Nên khi bị hỏa thiêu, ngài còn khôi hài nói với hoàng đế: Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn!.  Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 258 và đã được Thiên Chúa yêu thương ban thưởng sự sống đời đời vì đã coi thường mạng sống mình ở đời này.

Xin cho chúng ta có được tình yêu Chúa nồng nàn, để ta luôn trung kiên sống và làm chứng niềm tin dù có phải chịu nhiều gian khổ, ngay cả hy sinh mạng sống mình; đồng thời cũng xin cho chúng ta có được lòng yêu người, nhất là những người nghèo như thánh Lau-ren-sô, để ta tận tâm phục vụ tha nhân với hết khả năng của mình.

Thứ bảy: Mt 17, 14-20

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho ta biết hậu quả tai hại do cứng lòng tin.

– Do cứng lòng tin đã làm hư hỏng cả thế hệ. Đó là lời than phiền của Chúa Giêsu khi phải đối mặt với tình trạng đau khổ của đứa bé trai bị mắc chứng bệnh kinh phong: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng!”.

Sách sáng thế cho biết: Do Nguyên Tổ đã không tin vào tình thương của TC nên đã dùng tự do Chúa ban để khướt từ Ngài; với mong muốn đi tìm một hạnh phúc mà không cần TC. Từ đó đau khổ, bệnh tật và sự dữ xuất hiện lan tràn qua muôn thế hệ. Nhìn thấy những nỗi khổ đau của nhân loại cách chung, cách riêng tình trạng của đứa bé phải chịu sự khống chế của ma quỷ, Chúa Giêsu đã cất lên lời than thở “Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ nữa?”.

Qủa vậy, một khi con người không còn ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình, thì hậu quả thật khôn lường xảy ra không chỉ làm hư hỏng đến thế hệ tương lai mà còn hư hoại cả vũ trụ này.

Do kém lòng tin không thể khống chế được ma quỷ. Chính Chúa Giêsu cho  biết lý do tại sao các môn đệ không thể chữa lành được đứa bé trai bị quỷ ám. “Vì các con yếu lòng tin!”. Và Người còn khẳng định: “nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải… thì chẳng có gì các con không làm được”.

 Thật vậy, đức tin là món quà do lòng yêu thương của Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Nhờ đức tin mà ta dễ dàng vượt qua mọi gian nan thử thách. Chính đức tin đem đến cho ta niềm hy vọng ngay khi gặp đau khổ.

– Nhờ tin tưởng vào Chúa, cụ già Abraham đã đón nhận niềm vui vì được Chúa ban cho đứa con trai khi tuổi đời đã 90.  Nhờ đức tin, ông sẵn sàng vâng lệnh Chúa mà sát tế người con yêu dấu của mình vì tin rằng Chúa sẽ thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho ông.

– Cũng vậy, nhờ tin tưởng vào Chúa, mà Phêrô đã can đảm bước đi trên mặt nước. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.

– Đọc Phúc âm, chúng ta thấy rằng bao nhiêu phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện được khởi đi từ lòng tin của con người, như lời Chúa phán: “Này conlòng tin của con đã cứu chữa conCon hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5, 34). Chúa Giêsu còn quả quyết mạnh mẻ: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23).

Xin Chúa củng cố đức tin nơi chúng ta, nhờ đó ta mới có thể vượt thắng được mọi gian lao thử thách và đủ sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu và khống chế được ma quỷ.