Suy Niệm Lời Chúa Tuần 23 Thường Niên 2018 – Lm Seoka

print

Suy Niệm Lời Chúa Tuần 23 Thường Niên 2018

Lm Seoka

CHÚA NHẬT XXIII TN B..

Thứ hai: Lc 6, 6-11.

Thứ ba: Lc 6,12-19.

Thứ tư: Lc 6, 20-26.

Thứ năm: Lc 6, 27-38.

Thứ sáu: Ga 3, 13-17.

Thứ bảy: Ga 19, 25-27.

CHÚA NHẬT XXIII TN B

Mc 7, 31-37

Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho người bị điếc và ngọng do tình thương và quyền năng của Người. Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta cũng tha thiết xin Chúa dùng quyền năng và tình thương của Người mà cứu chữa căn bệnh câm và điếc tâm hồn của chúng ta.

Nghe và nói là hai khả năng tự nhiên mà Chúa ban cho con người. Nhờ nói được và nghe được mà con người mới có thể giao tiếp được với nhau. Có nghe được, ta mới thấu hiểu tư tưởng của tha nhân; có nói được, người khác mới biết được ước muốn của mình. Mất đi hai khả năng này, con người sẽ bị giới hạn trong các mối tương quan với người khác. Chính vì không tương quan được dễ dàng với tha nhân nên người bị ngọng và điếc thường mang tâm lý mặc cảm và sống co cụm. 

Phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho người bị ngọng và điếc được Tin mừng Marcô hôm nay trình thuật hôm nay diễn ra một cách tiệm tiến: “…Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “ Epphata!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”)…, xem ra Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này khác hẳn với những phép mà Chúa Giêsu đã từng làm. Thật ra, với quyền năng của Thiên Chúa, Đức Giêsu chỉ cần phán một lời thì tức khắc mọi bệnh tật đều tan biến. Tuy nhiên, Marcô trình bày việc cứu chữa cho người bị ngọng và điếc này cách lạ thường vì muốn cho thấy: Đức Giêsu không chỉ là một Thiên Chúa uy quyền mà còn là một Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Vì là một Thiên Chúa gần gũi với con người nên khi cứu chữa cho người bị ngọng và điếc, Chúa Giêsu cũng dùng những phương cách xem ra rất là “người” như: “…đến gần, nắm tay đem người bệnh ra khỏi đám đông, rồi đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta…”. Tất cả những cử chỉ ấy, thánh Marcô minh chứng cho thấy Đức Giêsu là người thật, nhưng cũng là Thiên Chúa thật. Là người thật nên Chúa Giêsu luôn gần gũi, cảm thông và rất yêu thương chúng ta. Là Thiên Chúa thật nên Người làm được tất cả mọi sự theo ý Người muốn. Nên những ai biết đặt niềm tin tưởng và cậy trông vào Người thì sẽ không hề thất vọng.

Có lẽ trong chúng ta, không ai bị câm và điếc thể lý, đó là ơn huệ lớn lao mà Chúa thương ban, chúng ta hãy cảm tạ và tôn vinh Chúa! Tuy nhiên, chắc gì trong chúng ta không mắc phải chứng bệnh câm và điếc tâm hồn. Chứng bệnh này rất là nguy hiểm chỉ có Chúa mới cứu chữa khỏi. Vậy với lòng khiêm tốn, ta hãy tin tưởng cầu xin uy quyền và tình thương của Chúa cứu chữa cho ta:

– Thoát khỏi tình trạng câm tâm hồn:  để ta biết thốt lên những lời yêu thương, cảm thông, tha thứ, an ủi, khích lệ… nhau trong đời sống hằng ngày; nhất là biết mở miệng để ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh quyền năng và lòng thương xót Chúa không ngừng, như dân chúng chứng kiến phép lạ xưa kia.  

– Vượt thoát được tình trạng điếc thiêng liêng: để chúng ta nghe được lời hay ý đẹp dành cho nhau hơn là những lời chua chát, gắt gỏng, đắng cay…; nhất là luôn biết mở rộng tâm hồn “Epphata” để lắng nghe tiếng Chúa và GH chỉ dạy.

Xin Chúa cũng cho chúng ta đừng giả điếc làm ngơ trước những tiếng kêu cứu của tha nhân, nhưng biết luôn sẵn sàng mở rộng tâm hồn lắng nghe để cảm thông, an ủi và giúp đỡ họNhờ đó mà niềm vui Tin mừng của Chúa được lan tỏa đến với mọi người và mọi nơi. Amen.

 

Thứ hai: Lc 6, 6-11

Ý nghĩa và mục đích của việc giữ luật ngày Sabat là gì?đó là điều mà Chúa Giêsu cho chúng ta biết trong bài tin mừng hôm nay. Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe lời dạy của Chúa để áp dụng vào đời sống của mình.

Ý nghĩa của việc nghỉ ngày Sabat được khởi đi từ ý định của Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người trong vòng 6 ngày, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi. (x. St 1,1-8.27-28-2,3).

Trong dòng lịch sử, dân Do Thái đã hiểu và tuân giữ quy luật thiên định ấy. Nhất là trong biến cố vượt qua biển đỏ cách lạ lùng. Dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập do sự can thiệp kỳ diệu của bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Ý thức về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa dành cho họ cách lạ lùng nên họ dành ngày Sabat để tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì vậy mà ngày Sabat thuở ban đầu được xác định là ngày kính nhớ tình thương tạo dựng và sự sống Chúa trao ban. Nhưng trải qua dòng thời gian, ý nghĩa chính của ngày nghỉ Sabat đã bị những người Biệt Phái làm sai lệch. Chính vì thế mà Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác định rõ lại cho họ thấy ý nghĩa đích thực của ngày Sabat. Ngày Sabat được đặt ra là để“làm việc lành và để cứu sống”. Nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại làm việc lành là cứu chữa cho người bị bại liệt được khỏi và ban lại cho anh ta sự sống mới.

Xin cho chúng ta ý thức được ý nghĩa và mục đích của việc nghỉ ngày Chúa nhật là để dành thời giờ sống thân tình với Chúa; quan tâm giúp đỡ tha nhân nhất là những người nghèo khổ; nhất là qua đó giúp ta thắng vượt lòng ham mê của cải vật chất của mình, với niềm tin tưởng, phó thác vào lòng thương xót của TC.

Thứ ba: Lc 6,12-19

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho ta biết được sức mạnh của cầu nguyện. Xin cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện để nhận ra ý Chúa mà thi hành tốt những bổn phận hằng ngày.

Chúa Giêsu hằng khẳng định “lương thực của Ta là làm theo ý Cha”. Nhưng làm thế nào để biết được ý Cha nếu không cầu nguyện. Bởi cầu nguyện chính là cách thế tiếp cận mật thiết với Chúa Cha để lắng nghe và nhận ra thánh ý của Cha mà thực hiện trong đời sống.

Cuộc sống của Chúa Giêsu dù tất bật những công việc trong ngày, nhưng Ngài vẫn dành “giờ vàng” cho cầu nguyện. Phúc âm nhiều lần cho biết Chúa Giêsu dành thời gian sáng sớm cho việc cầu nguyện: “Sáng sớm tinh sươngNgười chỗi dậyra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó” (Mc 1, 35). Nhất là trong những lúc quyết định những việc hệ trọng, Chúa Giêsu lại càng cầu nguyện cách tha thiết. Trong vườn cây dầu sắp bước vào cuộc khổ nạn “Ngài sấp mình xuống đất và cầu nguyện nếu có thể được thì cho giờ đó đi khỏi Ngài. Ngài nói: “Abba, lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này đi khỏi Con; nhưng không phải: Con muốn gì, mà là Cha muốn gì!” (Mc 14, 35-36). Cụ thể là khi chọn 12 tông đồ để tiếp tục sứ vụ loan báo niềm vui Tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện. “Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyệnvà Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. (Lc 6, 12)

Nhờ cầu nguyện mà những công việc của Ngài luôn phù hợp với ý Cha. Nhờ cầu nguyện mà Ngài có được cuộc sống an bình dẫu có gặp phải nhiều chống đối thử thách. Nhờ cầu nguyện mà Ngài múc lấy năng lượng và sức mạnh của Chúa Cha để rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ và làm phép lạ không mệt mỏi.

Xin cho chúng ta ý thực được giá trị cao quý của cầu nguyện mà can đảm  hy sinh thời gian cho việc này. Nhờ cầu nguyện ta mới an vui sống và hoạt động theo ý Chúa muốn.  

Thứ tư: Lc 6, 20-26

Mong muốn lớn nhất của con người là được hạnh phúc thật. Nhưng làm thế nào để đạt được điều mong ước sâu xa đó? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe và thực hành lời chỉ dạy của Chúa để cuộc đời ta có được hạnh phúc đích thực. Xin Đức Mẹ ngự bên tòa Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta biết đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc thật và đâu là con đường đưa dẫn đến những hiểm họa không ngờ.

4 cách thế mà Chúa Giêsu hướng dẫn trong đoạn tin mừng thánh Luca hôm nay xem ra mâu thuẫn với lối suy nghĩ của thế gian. Bởi lẽ những gì Chúa Giêsu coi là phúc thì thế gian xem đó là họa và ngược lại những gì Chúa Giêsu xem là họa thì thế gian coi đó là phúc.

Kinh nghiệm cho thấy tiền bạc, của cải, danh vọng, lạc thú không thể đem lại cho con người hạnh phúc đích thực. Đã bao vị vua quyền lực nhất thế gian có đầy đủ những thứ mà người đời xem là hạnh phúc đều cảm thấy bất an và đều buông bỏ lại tất cả sau cái chết. Giàu sang, danh vọng rồi cũng mất; no đủ dư đầy mãi rồi cũng chán nản; hoản hỉ vui cười rồi cũng đau buồn; những lời tung hô chúc tụng cũng nhạt nhòa. Vì thế gian này rồi cũng qua đi và cuộc đời rồi cũng sẽ kết thúc.

Điều quan trọng là làm thế nào khi gặp những bất toàn, bệnh tật, đau khổ, túng nghèo… mà vẫn có được hạnh phúc, đó mới là điều quan trọng. Muốn có được hạnh phúc thì phải chấp nhận đón lấy những nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống bằng cách tập đi vào con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi; vì đó chính là chính lộ dẫn ta đến vinh quang phục sinh. Đó cũng chính là hạnh phúc đích thực đời ta.

Xin cho chúng có được tinh thần buông bỏ những thứ chóng qua đời này mà nắm bắt những giá trị bền lâu cao quý. Nhờ đó ta mới can đảm chấp nhận bước vào con đường hẹp, đường thập giá, đường đưa ta đến bến bờ của hạnh phúc thật.

 

Thứ năm: Lc 6, 27-38.

Đâu là những tiêu chí cần thiết để trở nên con cái Đấng tối cao và xứng đáng nhận lãnh phần thưởng lớn lao do Thiên Chúa ban tặng?

Thưa đó là: 1. “Hãy yêu thương địch thù và làm ơn cho những kẻ ghét mình”.

  1. “Hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình…”.

Thực hiện những tiêu chí ấy do Chúa Giêsu đòi hỏi không phải là điều dễ dàng. Rất khó! Khó nhưng không phải là không thể, bởi lẽ chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Ngài đã yêu thương đến tận cùng bằng cái chết để cho nhân loại được sống. Trên đỉnh cao thập giá, Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết hại Ngài và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chúng: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).

Ngài còn hướng chúng ta đến mẫu gương cội nguồn Tình yêu nơi Thiên Chúa. Một tình yêu phổ quát, dành cho hết mọi loài và mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo. Không giới hạn giới tính nam hay nữ; hoàn cảnh giàu hay nghèo; tình trạng tốt hay xấu… tất cả đều được Ngài yêu thương và chúc lành.

Tình yêu của Chúa tựa như “mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết cũng như kẻ bất lương” (x. Mt 5, 45)Tình yêu cao vời ấy luôn thôi thúc và vẫy gọi chúng ta bước theo để xứng danh là môn đệ Chúa và được xem là cao quý hơn những con người tội lỗi.

Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn vào đoàn dân thánh và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta biết nghe theo lời dạy của Chúa Giêsu để luôn sống: bao dung- tha thứ, quảng đại- hy sinh cho hết mọi người, nhất là kẻ thù nghịch với chúng ta. Nhờ đó ta mới xứng danh là con cái Đấng Tối Cao, và đón nhận được phần thưởng lớn lao do Thiên Chúa ban tặng.

 

Thứ sáu: Ga 3, 13-17

14/9: LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Suy niệm 1:

Cùng với GH hôm nay chúng ta dâng thánh lễ suy tôn Thánh Giá Chúa. Đây là dịp chúng ta chiêm ngắm kỹ hơn Thánh Giá Chúa. Để qua đó, ta nhận ra tội lỗi của mình; nhất là nhận ra tình yêu vô cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Nói đến thánh giá là nói đến tình yêu. Mà đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta chính là cái chết đau thương của Đức Giêsu trên thập giá. Kể từ khi thập giá treo Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế thì thập giá lại trở nên Thánh Giá bởi nơi ấy gắn liền với Đấng Thánh đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Xin cho chúng ta nhận ra con đường tình đó mà Chúa đã dành cho chúng ta và xin cho chúng ta cũng biết can đảm dấn bước vào con đường tình thập giá Chúa, để được tham dự vào sự phục sinh vinh quang của Người.  

Suy niệm 2:

Lễ suy tôn thánh giá hôm nay, GH như muốn mời gọi chúng ta chiêm ngắm kỹ hơn về Thánh Giá Chúa.

– Bài đọc 1 hôm nay trình thuật cho chúng ta biết, dân Israel đã được Thiên Chúa yêu thương. Qua ông Môsê, Thiên Chúa đã đưa dẫn họ về đất hứa. Nhưng trên hành trình trong sa mạc, dân Israel đã nhiều lần bất trung, kêu trách Đức Chúa và trút tội lên đầu Môsê. Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện và cắn chết nhiều người. Nhận ra sự bất trung về tội lỗi của mình đã phạm, toàn dân đồng loạt kêu cầu ông Môsê xin sự  tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhận lời Môsê và truyền cho ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21, 8).

–  Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu xác định hình ảnh con rắn đồng treo trong sa mạc xưa chính là Ngài, khi nói: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15).

Như vậy, khi chiêm ngắm Thánh Giá, chúng ta thấy gì? và được gì?

– Thấy gì?

. Thấy tội phản phúc của mình đã gây nên cái chết đau thương của Chúa, tựa như những người Do Thái trong sa mạc và những người cùng thời với Chúa Giêsu.

. Thấy tình thương lớn lao mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tội lỗi đáng lẽ làm cho chúng ta phải chết, nhưng Chúa đã chết hay cho chúng ta. Một vị Thiên Chúa quyền năng và thánh thiện mà lại sẵn sàng chết cho thụ tạo là tội nhân, quả là lớn lao biết bao.

. Thấy được sự tự hạ tột cùng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã diễn tả tư tưởng này trong thư gửi cho tín hữu Philipphê như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng phục cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-7).

– Và được gì?

. Được Chúa ban lại ơn sự sống. Tội lỗi làm cho chúng ta phải chết nhưng qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta sự sống.

. Được phục hồi chức vị làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.

. Được hiệp thông với nhau trong tình anh em và được đón nhận dồi dào ân sủng của Thiên Chúa, nhất là ơn cứu độ.

Chiêm ngắm Thánh Giá Chúa, chúng ta cũng nhận ra rằng: Muốn được phục sinh vinh quang cùng với Đức Giêsu thì chúng ta cũng phải chấp nhận trãi qua thập giá đau khổ. Xin cho chúng ta học được những bài học cao quý nơi Thánh Giá Chúa. Nhờ đó, ta ý thức sống xứng đáng hơn với mầu nhiệm thập gía của Chúa Giêsu bằng cách noi gương thánh Phaolô luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong niềm xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Thứ bảy: Ga 19, 25-27

15/9: LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

Hôm qua, chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Suy tôn Thánh giá là suy tôn chính tình yêu tự hiến của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô để đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi, tức là chúng ta kính nhớ đến những đau khổ của Đức Mẹ phải chịu để thông phần vào ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Đó là lý do mà Giáo Hội mừng hai ngày lễ này sát kề nhau. 

“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người”(Ga 19,25).

Hành trình môn đệ của Mẹ Maria là tiếng xin vâng trọn vẹn. Mẹ đã vâng phục ý Chúa khi sứ thần truyền tin. Mẹ cũng dõi bước theo Chúa Giêsu trên con đường sứ vụ của Ngài và hiện diện bên Ngài trong những giây phút cuối của cuộc khổ nạn.

Dưới chân thập giá, trong thân phận người phụ nữ yếu đuối, trái tim Mẹ đã tan nát như điều mà cụ già Simêon đã tiên báo thuở xưa. Mẹ chứng kiến những làn roi, những vết thương đang rỉ máu trên thân thể người con yêu dấu mà mẹ đã sinh hạ. Có người nào có thể hiểu thấu nỗi đau mà mẹ đang chịu đựng. Tuy nhiên, mẹ chấp nhận tất cả bằng việc phó thác mọi điều đang xảy ra trong chương trình của Chúa. Chính tự nơi đây và giờ phút này, hình ảnh người môn đệ càng thể hiện tuyệt hảo nơi mẹ. Đứng bên thập giá Chúa Kitô, mẹ cảm nghiệm được trọn vẹn thực tại ơn cứu độ để rồi thâm tín vào tình yêu và quyền năng của Chúa. Mẹ đã làm trọn vẹn lời xin vâng của mình.

Người môn đệ của Chúa là người vâng phục ý Chúa, đáp lại lời mời gọi của Chúa và bước theo con đường Ngài đã đi. Con đường đầy gian nan thử thách và đỉnh cao là cái chết trên thập giá. Đức Maria đã đi trọn vẹn con đường này và cùng với Chúa Giêsu, dâng chính cuộc sống mình trong thánh ý Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta hãy học theo mẹ Maria, tin tưởng, phó dâng cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa. Điều này thể hiện qua sự chấp nhận những thua thiệt, hy sinh trong đời sống thường ngày vì tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Mẹ Maria, một tấm gương tuyệt hảo để bước theo Chúa trong cuộc hành trình tiến về quê trời. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng tin tưởng và yêu mến Chúa, để chúng con nhận ra tình yêu của Chúa qua mọi sự xảy đến với chúng con. Amen.