Suy Niệm Lời Chúa Tuần 28 Thường Niên 2018 – Lm Seoka

print

Suy Niệm Lời Chúa Tuần 28 Thường Niên 2018 – Lm Seoka

CHÚA NHẬT XXVIII TN B..

Thứ hai: Lc 11, 29-32.

Thứ ba: Lc 11, 37-41.

Thứ tư: Lc 11, 42-46.

Thứ năm: Lc 10, 1-9.

Thứ sáu: Lc 12, 1-7.

Thứ bảy: Lc 12, 8-12.

CHÚA NHẬT XXVIII TN B

Có lẽ khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Nhưng làm thế nào để có được sự sống ấy? Lời Chúa hôm nay sẽ khai mở cho chúng ta biết cách để đạt đến khát vọng cao quý ấy.

Sách Giáo Lý Công Giáo thường được chia thành 4 phần: Tín lý, luân lý, bí tích và cầu nguyện. Nhưng hình như đa phần người Công giáo chúng ta chỉ chú trọng đến phần luân lý mà ít quan tâm đến phần tín lý nên có những sai lệch trong cái nhìn và cách sống đạo.

Nền luân lý Công giáo ngày nay nhấn mạnh đến mục đích và phương tiện trong cái nhìn đạo đức sinh học. Theo cái nhìn này, thì một hành vi luân lý được chấp nhận khi thỏa mãn hai diều kiện: phương tiện và mục đích đều đúng. Nếu một trong hai yếu tố ấy không đúng thì hành vi đó bị xem là sai trái.

Ví dụ: Vì nhân danh mục đích giúp đỡ người nghèo mà ta đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèohoặc vì muốn giúp cho bệnh nhân thoát khỏi tình trạng đau đớn cùng cực về thể xác mà ta tiêm cho họ một mũi thuốc an tử thì không đúng, vì ta đã xử dụng phương tiện sai trái cho dù hướng đến mục đích là tốt đẹp. Lý do là vì sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa nên quyền quyết định sinh tử đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết trên mình hay người khác.

Anh thanh niên trong bài tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và giữ luật rất tốt. Nhưng xem ra anh ta vẫn không an lòng, bởi vì luật lệ và của cải hình như không phải là phương thế thật sự để đưa anh đạt đến vinh quang nước trời. Vì thế anh ta đã tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi xem: “phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Thật bất ngờ với lời đề nghị của Chúa Giêsu: “hãy bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó…rồi đến theo Ta”. Như vậy yêu thương và chia sẻ cho người nghèo mới chính là phương thế để được sự sống đời đời. Do không muốn hy sinh chia sẻ cho người nghèo theo lời đề nghị của Chúa Giêsu nên anh ta buồn và quay mặt bỏ đi trong thất vọng.

Tóm lại, phương tiện để đạt đến mục đích sự sống đời đời không phải là tiền bạc, cũng không chỉ là tuân giữ một số luật lệ chay cứng vô hồn, nhưng phải là tích cực thi hành những việc làm bác ái, chia sẻ cho tha nhân với niềm tin yêu và phó thác vào Chúa.

Yêu Chúa, thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “ hãy bán tất cả …mà theo Ta”.

Yêu người, là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.

Lạy Chúa, cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa với tấm lòng yêu mến; và biết yêu thương tha nhân bằng những hành vi bác ái, chia sẻ chân tình. Nhờ đó, chúng con mới có được hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen

Thứ hai: Lc 11, 29-32

Mặc dù được nghe rất nhiều lời giảng dạy và chứng kiến không ít những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng người Do Thái thời Chúa Giêsu vẫn cứng lòng, không ăn năn hoán cải. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách họ rất nặng lời. Xin đừng để chúng ta đi vào vết xe củ như người Do Thái xưa. Nhưng cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội chỉ dạy mà hoán cải đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.

“Người buồn cảnh có vui bao giờ”. Việc thay đổi con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn. Dù có chứng kiến bao là phép lạ, dù có vỗ tay ca ngợi không ít những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, rốt cùng họ vẫn không tin.

Như hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”.

Như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu chuyện ngày xưa, hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.

Nhắc lại chuyện Gio-na ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa chỉ lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành Ninivê, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay, sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng vậy mà họ lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!

Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau lòng!

Chính lòng tự mãn và mù quáng đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.

Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa mù quáng và tự mãn, nhưng trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng phương nam mau mắn lắng nghe lời Chúa và quyết tâm ăn năn sám hối; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.

Thứ ba: Lc 11, 37-41

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xác định lại tính sạch dơ phát xuất từ đâu?  và đâu là sự dơ bẩn đáng sợ nhất trong đời sống?

Chúng ta đang sống trong một thế giới báo động đỏ về nạn ô nhiễm môi trường. Các nhà lãnh đạo tâm huyết của thế giới đã kêu gọi liên kết với nhau để nhằm tìm ra những giải pháp làm giảm đi nạn ngây ô nhiễm môi sinh.

Năm 2015 ĐGH Phanxicô trong thông điệp Laudato-si cũng cho thấy tác hại ghê gớm của nạn ô nhiễm môi trường và tha thiết kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ ngôi nhà chung, nhằm để lại cho thế hệ mai sau một bầu không khí trong lành.

Dẫu những ô nhiễm bên ngoài tác động không nhỏ đến đời sống thể lý của con người cần phải thanh tẩy cho trong sạch nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người.

Tuy nhiên ô nhiễm bên trong mới là điều đáng lo ngại.

Chính ô nhiễm tâm hồn, ô nhiễm lối sống ích kỷ và tham lam đồng tiền đã đánh mất những giá trị sống lành mạnh. Từ đó đẩy con người đến chỗ không còn biết hành xử văn hóa nữa. Dẫn đến tình trạng vức rác bừa bãi, xả thải nước công nghiệp độc hại ra môi trường, sản xuất nông nghiệp độc hại vô tư; tình trạng thức ăn bẩn được rao bán tràn lan…dẫn đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm ngập mặn và bệnh tật bùng phát làm cho đời sống người dân điêu đứng khốn cùng!

Chính vì thế trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận cho những người Biệt phái và Luật sĩ hiểu rằng: Những gì xuất phát từ bên trong mới gây nên những điều xấu xa và nguy hại. Nếu tâm trí lành mạnh sẽ dẫn đến hành động tốt đẹp, ngược lại tâm trí đầy u tối và toan tính xấu xa sẽ đưa đến những việc làm đen tối gây nguy hại cho con người và cuộc sống. Do đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ý thức trong việc thanh tẩy tâm hồn hơn là chú tâm vào việc tẩy rửa bên ngoài chén đĩa. 

Khi nuôi dưỡng trong lòng những ý nghĩ tốt sẽ làm những điều lành và có ích cho mọi người. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết thanh tẩy tâm hồn khỏi những dơ bẩn của tính xấu và những vấn vương tội lỗi để chúng ta có những lời nói và hành vi tốt đẹp trong sáng chân thành dành cho Chúa và cho nhau trong đời sống.

Thứ tư: Lc 11, 42-46

Với những lời khiển trách của Chúa Giêsu dành cho những người Biệt phái và Tiến sĩ luật trong đoạn tin mừng hôm nay, giúp chúng ta nhận dạng ra những biểu hiện của lối sống giả hình:

– Tư lợi: Theo luật quy định thì: “Mỗi năm anh (em) phải trích một phần mười tất cả hoa lợi lấy từ những gì anh (em) gieo, những gì mọc lên ngoài đồng.  Anh (em) sẽ dùng trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ở nơi Người chọn cho Danh Người ngự…để mọi ngày anh (em) học cho biết kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) (Đnl 14, 22). Nhưng do quá tham lam tiền bạc nên giới Biệt phái và Luật sĩ đã đánh vào những loại thuế hơn những gì sách luật quy định như:“bạc hà, vân hương và các thứ rau”, từ đó làm mất đi ý nghĩa tôn giáo của bổn phận nộp thuế. Trong khi đó họ lại sao lãng “những điều quan trọng trong lề luật, là đức công bình, lòng yêu mến Thiên Chúa thì lại bỏ qua; lẽ ra phải làm những điều này và không được bỏ những điều kia”. 

– Hám danh: Những người Biệt phái và Luật sĩ rất hám danh nên lúc nào cũng muốn đặt mình vào vị trí cao trọng nhất “ưa thích ngồi ghế nhất trong hội đường và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ”. Nhưng họ có biết đâu rằng: danh dự không do tự mình đặt lên mà là do người khác nhìn nhận và đặt để cho mình lên mới xứng hợp.

– Chuộng hình thức: Vì muốn che đậy tâm địa xấu xa và thối nát bên trong nên những người Biệt phái và Luật sĩ cố tình tạo ra bên ngoài một lớp vỏ đạo đức bằng cách: “họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23, 5). Nhưng những hành vi che đậy tinh vi ấy không thể nào qua được con mắt tinh tường của Chúa Giêsu. Vì thế, Ngài không ngần ngại dùng hình ảnh mồ mả để sánh ví lối sống chuộng hình thức của họ: “khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết”.

– Nói mà không làm: Lối sống này biểu hiện rất rõ nét nơi các Tiến sĩ luật. Theo truyền thống hội đường Do-thái thời Chúa Giêsu, các tiến sĩ luật đã đề ra đến 613 điều luật. 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng điều luật như thế thì ngay cả chính người thông luật còn bối rối huống chi là người dân. Nên có lần một người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê ?” (Mt 22, 36). Chính vì quá nhiều luật lệ do các tiến sĩ luật đặt ra, vô hình chung đã trở nên gánh nặng chất chồng lên vai người dân. Trong khi đó, những tiến sĩ luật lại không hề thực hiện. Do đó, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên án họ rất

nặng lời: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa, vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.

 Những lời quở trách của Chúa Giêsu dành cho những người Biệt phái và giới Luật sĩ khi xưa, âu cũng là lời nhắc nhở chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy nghiêm túc xét mình, xem coi có những biểu hiện của lối sống giả hình như những người Biệt phái và Luật sĩ không? Nếu có, ta hãy khiêm tốn xin Chúa tha thứ mà can đảm chấn chỉnh lại đời sống sao cho phù hợp với ý muốn của Chúa.

Thứ năm: Lc 10, 1-9

Kính Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng

Cùng với GH hôm nay chúng ta dâng thánh lễ mừng kính thánh Luca, tác giả sách Tin mừng. Chúng ta không biết rõ về quê quán và gia thế của ngài, chỉ biết ngài gia nhập kitô giáo ở Antiokia và qua đời bên Hy lạp. Ngài được thánh Phaolô nhắc đến như người bạn đồng hành trong bước đường loan báo Tin mừng. Ngài chính là tác giả của sách Tin mừng thứ ba và sách công vụ tông đồ.

Đọc những tác phẩm của thánh Luca ta nhận ra được thao thức lớn nhất của thánh nhân là làm chứng niềm vui Tin mừng của Chúa đến tận cùng trái đất theo lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh.

Tạ ơn Chúa vì GH có được một vị thánh tài hoa và nhiệt tâm tông đồ.

Tạ ơn Chúa đã chọn thánh Luca, sai đi rao giảng và viết sách Tin Mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa là người Cha giàu lòng thương xót.  

Xin cho chúng ta biết siêng năng học hỏi TM của thánh Luca để chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Chúa, nhờ đó ta mới có thể loan báo niềm vui Tin mừng của Chúa cách tích cực và hiệu quả.

Suy niệm:

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Sẽ không còn là Giáo Hội nữa nếu như Giáo Hội không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, đã trao lại sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội qua các tông đồ:“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”(Mc 16,15). Nhưng không phải đợi đến khi về trời, Chúa mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ, mà ngay khi còn ở tại thế, Chúa đã sai phái không chỉ 12 tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng mà Người còn chỉ định thêm 72 môn đệ nữa. 

Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại sự kiện Chúa Giê-su sai 72 môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên”

Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ và 72 môn đệ, nay Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.

Phải chăng truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn? Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống và khả năng của mình.

Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý và học hỏi Phúc âm. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? 

Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.

Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.

Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.

Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!

Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người chúng con hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh Luca thao thức sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi nơi.  Xin cho chúng con biết cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực của mình theo gương thánh Luca mà hôm nay GH mừng kính.

Thứ sáu: Lc 12, 1-7

Tin mừng hôm nay gồm 2 phần:

  1. Phần thứ nhất: Chúa Giêsu lên án lối sống giả hình của nhóm Biệt Phái và lưu ý các môn đệ cũng như đám đông dân chúng hãy ý tứ giữ mình khỏi lây nhiễm thứ men giả hình ấy của Biệt Phái.
  2. Phần thứ hai: Chúa mời gọi các môn đệ can đảm sống và làm chứng cho sự thật, đừng sợ! Chúa Giêsu đưa ra nhiều lý do để khuyến khích các môn đệ can đảm sống và làm chứng cho sự thật:

   – Thứ nhất: “không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì dấu kín mà chẳng biết được”.

   – Thứ hai: Tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không con nào bỏ bị quên trước mặt Thiên Chúa. Tóc trên đầu các con cũng được đếm cả rồi. Vậy các con đường sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ”.

   – Thứ ba: Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài làm chủ sự sống chết của chúng ta. Do đó Người nhắc nhở chúng ta “đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa”.  Nhưng “hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục”.

Trong một xã hội có quá nhiều gian dối như ngày nay. Xin cho chúng ta biết can đảm dám sống sự thật về mình trước Chúa, người khác và lương tâm.

Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng cảnh cáo các môn đệ tránh xa men Biệt Phái. Bởi lẽ loại men này rất nguy hiểm và có sức mạnh lan tỏa rất ghê gớm nên cần đề phòng.

Vậy loại men ấy là men gì mà nguy hiểm thế, đến nỗi Chúa Giêsu phải cảnh tỉnh các môn đệ Ngài tránh xa? 

Thưa men ấy là chính đời sống xấu xa, tội lỗi của họ.

Men của Biệt Phái chính là lòng kiêu căng, tự mãn và thói sống giả hình.

Loại men này có độc tố mạnh và lan tỏa rất nhanh. Trái lại có một thứ men rất bổ dưỡng và đem lại sức khỏe cho tâm hồn rất tốt. Loại men ấy Chúa Giêsu đã nói đến qua dụ ngôn nấm men trộn trong ba đấu bột cho đến khi toàn bộ bột dậy men. Men ấy là men Tin mừng, men của tình yêu, men của hy sinh, bao dung và tha thứ…nhưng đáng tiếc loại men này lại ít ai thích sử dụng nên lan tỏa rất chậm chạp.

Ngày nay những loại men độc hại luôn âm thầm thấp nhập và lan tỏa vào trong xã hội và dễ đi vào lòng người. Nên lời cảnh báo của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên giá trị.

Men của ích kỷ, dối trá, dửng dưng, tham vọng, tự do phóng túng…rất nguy hiểm gây xáo trộn xã hội và giết chết tâm hồn con người nên cần phải tránh xa.

Xin Chúa cho chúng ta biết loại trừ khỏi tâm hồn chúng ta những độc tố của những loại men nguy hại bằng cách tiếp nhận những loại men tốt mang lại sức khỏe và sự sống tinh thần. Nhất là luôn can đảm khước từ những cám dỗ do hương vị ngọt ngào của men độc tố mời gọi bằng việc gắn bó với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bác ái và chay tịnh tâm hồn.

Thứ bảy: Lc 12, 8-12

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục khuyến khích các môn đệ hãy can đảm xưng nhận Chúa trước mặt người đời, cũng như trước mặt vua quan thế quyền với những lý do sau:

– Chính Chúa Giêsu sẽ bênh vực họ trước mặt Thiên Chúa. Nên người môn đệ hãy mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu. Còn ngược lại nếu chối bỏ Chúa Giêsu thì Người cũng sẽ chối bỏ họ trước mặt Chúa Cha. Nếu chối bỏ Chúa Giêsu cũng là chối bỏ sự thật và chân lý, bởi lẽ “Chúa Giêsu là đường là sự thật và là chân lý”. Mà chối bỏ chân lý là xúc phạm đến Thần Chân Lý là Chúa Thánh Thần. Đó là tội mà Chúa Giêsu khẳng định là sẽ không được tha.

Cuộc đời của Giuđa Ítcariốt và Phêrô đều giống nhau là đã chối bỏ Chúa Giêsu. Nhưng lại có kết quả khác nhau: ông Giuđa không biết ăn năn, không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã đi tự tử. Còn thánh Phêrô đã được tha thứ, vì ông tin vào tình thương tha thứ của Chúa nên đã ăn năn hối cải. Như thế tội xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là cố tình chối bỏ chân lý, sự thật mà không chân thành sám hối.

– Có Chúa Thánh Thần bảo vệ và hướng dẫn. Chúa Giêsu cho biết khi làm chứng cho Chúa chắc chắn sẽ gặp nhiều nguy hiểm bởi thế gian và sẽ bị bắt hại bởi vua quan, chính quyền. Nhưng Chúa Giêsu cũng bảo đảm với các môn đệ là có Chúa Thánh Thần luôn hiện diện ngay bên để nâng đỡ họ: “Các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào: vì trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con để chúng con can đảm sống và làm chứng cho chân lý.  Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con kiên vững niềm tin để không bao giờ chối bỏ Chúa trước những lời mời gọi thấp hèn của thế gian nhưng luôn mạnh dạn xưng nhận Chúa trước mặt người đời.