Suy Niệm Lời Chúa Tuần  III Thường Niên

print

Suy Niệm Lời Chúa Tuần  III Thường Niên

 Lm. Vĩnh Hòa

Chúa Nhật III Thường Niên B.

Thứ hai: Cv 22, 3-16; Mc 16, 15-18.

Thứ ba: Lc 10, 1-9.

Thứ tư: Mc 4, 1-20.

Thứ năm: Mc 4, 21-25.

Thứ sáu: Mc 4, 26-34.

Thứ bảy: Mc 4, 35-41.

Chúa Nhật III Thường Niên B

Mc 1, 14-20

Để khai mở cho một triều đại mới, triều đại Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban ơn cứu độ, Chúa Giêsu tiến hành làm hai việc:

Một là kêu gọi mọi người “sám hối và tin vào Tin mừng”.  

Hai là chọn gọi 4 môn đệ đầu tiên.

–  Sám hối là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin mừng. Nếu không sám hối, con người không có khả năng nhận ra những khiếm khuyết, tội lỗi… của mình mà chấn chỉnh. Không sám hối thì không thể đổi mới tinh thần cho phù hợp với thời đại mới, thời đại của Tin mừng cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến.

–  Mặc dù Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Người vẫn mang thân phận con người nên Ngài cũng lệ thuộc vào không gian và thời gian. Một mình Người không thể loan báo Tin mừng cứu độ đến cho hết mọi người được. Nên điều ưu tiên thứ hai mà Chúa Giêsu phải thực hiện đó chính là kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên để cộng tác vào sứ vụ quan trọng của Người.

Cách thức mà Chúa Giêsu chọn gọi các môn đệ  cũng rất lạ. Người không kêu gọi những cộng sự viên tài năng, có học thức hay có chổ đứng trong xã hội…Trái lại lại  mời gọi những dân chài mộc mạc, dốt nát, nghèo khổ… Điều quan trọng Chúa mong muốn nơi người môn đệ là hãy biết đặt trọn niền tin tưởng vào tình thương và uy quyền của Chúa mà sẵn sàng từ bỏ mọi sự để dấn thân cho sứ vụ cao cả là loan báo Tin mừng cứu độ đến cho mọi người.

Lời kêu gọi hãy sám hối và tin vào Tin mừng cũng như sứ vụ truyền giáo phải là sứ điệp của Chúa thôi thúc tâm hồn chúng ta mỗi ngày.

Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những thiếu sót, lầm lỗi… mà chấn chỉnh lại đời sống mình mỗi ngày sao cho phù hợp với tin mừng. Nhất là biết tích cực sống và làm chứng cho những giá trị tin mừng tình thương. Có như vậy chúng ta mới xứng danh là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

 

Thứ hai: Cv 22, 3-16; Mc 16, 15-18

Kính thánh Phaolo, tông đồ trở lại.

Mỗi ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao là thay đổi. Sự thay đổi số phận con người có khi cũng lắm bất ngờ. Hôm qua tội lỗi, hôm nay trở nên tốt lành; hôm qua nghèo khổ, hôm nay trở nên giàu sang, hôm qua đầy tớ, hôm nay là ông chủ…và có thể ngược lại. Vận mạng con người thay đổi cũng bởi nhiều lý do khác nhau: có khi do một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một gương sáng, một lời cầu nguyện chân thành hay một biến cố vui buồn, thành công thất bại… nào đó xảy ra trong cuộc sống.

Sách Cv hôm nay thuật lại biến cố ngã ngựa bất ngờ, làm thay đổi cuộc đời của Sao-lô, nhờ gặp gỡ Đức Giêsu.

Sách Cv cho biết: Sao-lô, quê ở Tác xô, là người Do-thái trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do-thái và Hy Lạp. Vốn là một biệt phái nhiệt thành, Sao-lô thường đi lùng sục bắt bớ đạo Chúa, tham gia vào vụ giết thánh Tê-pha-nô. Sau khi nhận được thư giới thiệu của vị thượng tế, chàng trai Sao-lô hăng máu phóng ngựa như bay rong ruổi khắp các nẻo đường thành Đa-mát để truy bắt các Ki-tô hữu đem về Giê-ru-sa-lem trị tội. Hành động ấy Sao-lô xem là nhiệt thành với lề luật Do Thái giáo đúng như lời Chúa Giêsu đã nói:“Có lúc, những người bắt bớ các con, cứ tưởng rằng đó là việc tôn thờ Thiên Chúa”. (Ga.16, 2). Nhưng không ngờ đang lúc ông hăng máu phóng ngựa truy cùng, diệt tận các kitô hữu trên đường Đa-mat, bất ngờ một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, khiến ông ngã xuống đất. Lúc đó ông nghe có tiếng nói: “Sa-un, Sa-un, tại sao người bắt bớ Ta?”. Ông hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?“. Người ấy đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”. Nhưng không ai trông Chúa Giêsu. Sau đó Sao-lô được người ta đưa vào một căn nhà trong thành Đa-mát với tình trạng mắt ông bị mù. Tại đây Sao-lô được chữa lành đôi mắt và nhận lãnh Chúa Thánh Thần, nhờ việc đặt tay của Kha-na-ni-a, người môn đệ Chúa Giêsu sai đến.

Thế là sau ba ngày ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn uống được gì. Nay ông đứng dậy chịu phép rửa, rồi ăn uống và khỏe lại. Thế là đời ông được thay đổi từ đây!

Từ một con người trung thành với quan niệm duy Do Thái giáo, nay Phaolô lại thay đổi trở nên con người say mê Giêsu đến độ ngài nói: “kể từ khi tôi biết Đức Giêsu Phục Sinh, tôi coi mọi sự như phân bón. Kể từ khi biết Đức Giêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi cả trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô Chúa tôi”. (Pl.3, 8-9).

Nếu trước đây Sao-lô tìm mọi cách để tiêu diệt những người theo Chúa Giêsu, thì nay Phao-lô lại hăng say rao giảng Tin mừng để đưa mọi người đến cùng Giêsu. Lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng của Chúa đã trở thành phương châm sống của ông: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng”. (1Cr 9,16) 

Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, lắm khi một biến cố, một dấu chỉ nào đó xảy ra làm ta cảm thấy khó chịu, đau đớn lòng, nhưng có khi đó lại chính lại là hồng ân đổi mới. Giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin và dạng dày hơn trong cuộc sống nhờ ơn ban của Chúa.

Xin Chúa cho con biết nhìn các biến cố bằng cặp mắt đức tin, để chúng con không ngã lòng, buông xuôi khi gặp thử thách, thất bại; Và xin cho chúng con cũng đừng bao giờ tự mãn khi thành công. Vì cuộc đời có lắm đổi thay!.  

Thứ ba: Lc 10, 1-9

Nhớ thánh Timôthê & thánh Titô, Giám mục.

– Ti-mô-thê sinh tại Lít-tra, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ; cha là một người ngoại giáo, mẹ theo Do Thái giáo. Thánh Phaolô, trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất, đã rửa tội cho Ti-mô-thê; từ đó Ti-mô-thê luôn theo Phaolô và trở thành cộng tác viên đắc lực cho thánh nhân. Cả khi Phaolô bị tù đày, Ti-mô-thê vẫn ở với ngài. Theo truyền thuyết, Ti-mô-thê là giám mục tiên khởi của giáo đoàn Êphêsô. Hai lá thơ Phaolô được đề tựa gửi cho ngài.

– Ti-tô là con của một gia đình hoàn toàn ngoại giáo. Trong Công vụ Tông đồ, Ti-tô không bao giờ được nhắc đến; nhưng trong các lá thơ, thánh Phaolô đều gọi ông Ti-tô là cộng tác viên. Phaolô đã rửa tội cho Ti-tô, đem theo lên Giêrusalem để dự Công đồng các Tông đồ. Phaolô đã trao cho Ti-tô nhiều trách vụ quan trọng. Theo truyền thuyết, thánh Phaolô đã đặt Ti-tô làm giám mục cho giáo đoàn Cờ-rê-ta.

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Sẽ không còn là Giáo Hội nữa nếu như Giáo Hội không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, đã trao lại sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội qua các tông đồ:“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”(Mc 16,15). Nhưng không phải đợi đến khi về trời, Chúa mới trao sứ mạng này cho các Tông Đồ, mà ngay khi còn ở tại thế, Chúa đã sai phái không chỉ 12 tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng mà Người còn chỉ định thêm 72 môn đệ nữa. 

Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại sự kiện Chúa Giê-su sai 72 môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên.”

Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ và 72 môn đệ, nay Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.

Phải chăng truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn? Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là: Ngôn Sứ, Tư Tế Và Vương Giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống và khả năng của mình.

Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý và học hỏi Phúc âm. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.

– Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.

– Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.

– Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!

Vậy, mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người theo gương 2 thánh Ti-mô-thê và Ti-tô mà GH hôm nay kính nhớ. Thánh Timôthê và Titô là môn đệ nổi tiếng gắn bó mật thiết và nhiệt thành cộng tác với thánh Phaolô trên các hành trỉnh loan báo Tin mừng cho dân ngoại. Cho dẫu bước đường rao giảng của các ngài gặp phải trăm ngàn thử thách gian khổ như lời Chúa Giêsu tiên báo :“Như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Nhưng các ngài đã vượt thắng tất cả nhờ sức mạnh của Chúa ban và đã chu toàn xuất sắc sứ mạng mà Chúa trao phó.

Xin cho chúng ta biết noi gương hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô can đảm hăng say chứng tá Tin mừng cho những người chung quanh chúng ta bằng lời nói và việc làm. Xin cho chúng ta biết ý thức:“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10, 2), để tích cực cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực của mình.

Thứ tư: Mc 4, 1-20

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để vừa cho thấy tình thương hào hiệp của TC, vừa mời gọi con người tích cực chuẩn bị mãnh đất tâm hồn thật xứng hợp cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở và trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành.

Trong hành trình rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu dùng rất nhiều dụ ngôn để trình bày về mầu nhiệm nước trời cũng như những chân lý của Tin mừng. Dụ ngôn người ra đi gieo hạt giống mà Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta biết:

– Người ra đi gieo hạt giống là Thiên Chúa và chính Chúa Giêsu.

– Hạt giống chính là Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Tin mừng mà Chúa Giêsu loan báo cũng là hạt giống mà Chúa Giêsu gieo giãi vào tâm hồn con người. Hạt giống ấy tự bản chất thì luôn luôn tốt, mang mầm sống dồi dào và có khả năng sinh hoa kết quả tốt đẹp.

– Mãnh đất được hạt giống gieo vào chính là tâm hồn của mọi người. Mãnh đất tâm hồn con người được Chúa Giêsu cho biết có nhiều loại: Vệ đường, sỏi đá, gai góc và đất tốt.

  1. Loại đất vệ đường là loại tâm hồn chai cứng không hề quan tâm đến việc lắng nghe Lời Chúa.
  2. Loại đất sỏi đá là loại tâm hồn còn quá nhiều vướn bận chuyện đời như: cơm áo gạo tiền; chức quyền danh vọng. Lúc đầu có thể đón nhận hạt giống lời Chúa nhưng vì vướn bận chuyện đời họ dễ dàng lãng quên Lời Chúa.
  3. Loại đất gai góc là tâm hồn có quá nhiều vướn bận bởi những đam mê dục vọng trần gian. Lúc đầu có thể họ háo hức đón nhận Lời Chúa, nhưng những đam mê xác thịt, họ bất chấp Lời Chúa hướng dẫn mà dễ dàng thỏa hiệp với những đam mê lạc thú trần gian.
  4. Chỉ có loại đất tốt là những tâm hồn khiêm tốn lắng nghe và thực thi đời sống với tấm lòng yêu mến Chúa, thì hạt giống Lời Chúa mới sinh trưởng mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái tốt đẹp qua những việc làm bác ái yêu và đời sống đạo sáng ngời, mang lại kết quả niềm vui hạnh phúc cho mình và cho nhiều người.

Xin Chúa cho chúng ta biết tích cực chuẩn bị tâm hồn thật tốt để hạt giống Lời Chúa có cơ may phát triển và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng ích lợi cho mình và cho nhiều người hưởng nhờ.

Thứ năm: Mc 4, 21-25

Nhớ thánh Tôma A-qui-nô, linh mục tiến sĩ Hội thánh.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc chúng ta về bản chất và sứ mạng đích thực của người Kitô hữu. Ta hãy lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy để chấn chỉnh lại đời sống của mình cho phù hợp với bản chất và sứ vụ mà Chúa muốn.

– Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là “tín hữu”.

– Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết ” (Gc.2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 16).

Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian. Nhờ ánh sáng của những việc làm vì đức tin ta mới có thể đẩy lui được những bóng tối của gian dối, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, đau khổ và sự chết ta khỏi cuộc sống để nhường lại cho ánh sáng của yêu thương, tha thứ, bác ái, niềm vui và sự sống…

Nếu mỗi chúng ta tích cực thắp lên ánh sáng của đức tin thì bóng tối của sự dữ sẽ tan biến. Ngược lại nếu ta ích kỷ chỉ giữ lại ánh sáng cho riêng mình hay che đậy nó lại thỉ sẽ nguy hại cho ta và cho người nên Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta : “Ai có sẽ được cho thêm, còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng bị lấy đi.” (Mt 13, 12).

Xin Chúa củng cố Đức Tin nơi mỗi chúng con, hầu chúng con có thể can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin ấy bằng những hành động yêu thương bác ái cụ thể cho tha nhân, để qua đó mà mọi người nhận ra Chúa và ngợi ca danh Người.

Thứ sáu: Mc 4, 26-34

Khi muốn nói những điều khó nói, người ta hay dùng cách nói ví von.

Khi muốn bộc bạch những tâm tình sâu kín, khó nói thành lời, người ta hay nhờ đến những câu chuyện.

Còn khi mạc khải mầu nhiệm nước trời cho dễ hiểu, Chúa Giêsu lại hay dùng đến những dụ ngôn. Có thể nói dụ ngôn là con đường ngắn nhất, thực tế nhất, gần gũi nhất nhưng cũng hữu hiệu nhất đưa dẫn chúng ta tiếp nhận dễ dàng những giá trị thiêng liêng và thực tại vô hình.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến hai dụ ngôn: Dụ ngôn hạt giống và dụ ngôn hạt cải để mạc khải về mầu nhiệm nước trời.

Với hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết nước trời khởi đầu bé tí ti như hạt cải, và mong manh như hạt lúa, nhưng với thời gian nó dần dần lớn lên, vững mạnh và mang đến những điều bất ngờ!

– Hạt giống được gieo trong lòng đất, nó bị vùi lấp, bị hủy đi nó mới nảy mầm lớn lên và trổ sinh nhiều bông hạt tốt tươi mang lại mùa thu hoạch kết quả tốt đẹp, làm vui thỏa lòng người.

– Với hạt cải nhỏ bé, nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó lại âm thầm lớn lên vững mạnh, to lớn đến nổi làm chổ nương tựa cho chim trời ẩn trú an toàn.

Bằng hai hình ảnh gần gũi trên, Chúa Giêsu muốn nói đến những thực tại quan trọng của nước trời nơi Hội Thánh trần gian.

– Hội thánh Chúa ở trần gian khởi đầu rất khiêm tốn, nhỏ bé chỉ với nhóm tông đồ 12 nhỏ nhoi.  Nhưng trãi qua hơn 2000 năm, GH đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay đã có trên 2 tỷ người kitô giáo, chiếm 1/3 dân số thế giới. Đồng thời vai trò của Đức Thánh Cha trong HT có ảnh hưởng rất lớn trên các quốc gia trên toàn thế giới. Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói! Dù Hội Thánh ban đầu nhỏ nhoi ít ỏi thì hôm nay lớn mạnh lan rộng khắp nơi.

  1. Như  hạt giống mang mầm sống nuôi dưỡng đời sống con người, thì Hội Thánh cũng là nơi chứa đựng sức sống thần lương nuôi dưỡng cho người tín hữu trên đường đời nơi Lời Chúa, qua Giáo huấn của Giáo hội nhất là nhờ lãnh nhận các bí tích do Chúa Giêsu trao ban.
  2. Tựa như cây cải lớn rộng trở thành cây cao bóng cả làm nơi trú ẩn cho chim trời những khi mõi mệt và gặp hiểm nguy, thì GH cũng trở thành nơi tựa nương cho những ai yếu đuối, nghèo khổ tựa vào; làm bóng mát cho những ai mệt mỏi trên đường đời ẩn náo. Bởi lẽ lúc nào GH cũng đứng về người nghèo, cô thế cô thân để bên vực chở che nhằm đen lại cho họ nguồn bình an đích thực. Như lời Chúa Giêsu mời gọi: “Tất cả những aiđang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28).

Với những ý nghĩa trên của hai dụ ngôn, Chúa Giêsu còn muốn nhắc nhở chúng ta hãy tích cực góp phần vào sự nghiệp nước trời nữa. Nhưng để góp sức mình cho sự nghiệp nước trời, chúng ta cần phải thể hiện hai việc cụ thể sau:

– Phải hy sinh như hạt giống tự hủy, nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải tập chết đi cho ý riêng tích kỷ của mình, phải khử trừ những đam mê dục vọng thấp hèn nơi lòng mình và phải diệt trừ khỏi những thói hư tật xấu nơi bản thân, nhờ đó đời ta mới có thề trổ sinh được nhiều hoa trái bẳng những việc làm tốt đẹp dâng hiến cho người, cho đời.

– Phải kiên nhẫn như hạt giống, phải từng ngày âm thầm mọc lên và phát triển. Nước trời cũng vậy. Nên đừng vội nôn nóng khi thấy bản thân mình đã cố gắng nhiều mà không tiến triển gì trên đường nhân đức. Cũng đừng thất vọng khi thấy GH Chúa vẫn còn nhiều người xấu xa tội lỗi và nhất là đừng thua buồn vì công cuộc loan báo tin mừng của GH xem ra không có kết quả gì. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta hãy kiên trì làm hết sức mình với sự phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng. Nhiệm vụ của chúng ta là kiên nhẫn gieo trồng, việc còn lại là do Thiên Chúa mới có quyền cho mọc lên. Chúng ta chỉ cần nổ lực góp phần mình bằng việc năng cầu nguyện chân thành, kèm theo những việc làm bác ái cụ thể để phục vụ tha nhân. Nhất là những người đau khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi. Nhờ những góp phần bé nhỏ của mỗi chúng cộng tác vào ơn Chúa mà HT mới có thể lớn mạnh và lan rông mỗi ngày một hơn. 

Thứ bảy: Mc 4, 35-41

Bài Tin mừng hôm nay thì nêu lên những sóng gió mà các tông đồ gặp phải khi xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ trong đêm tối. Nhưng nhờ có Chúa Giêsu hiện diện sóng nước mới yên lặng, con thuyền được cập bến bình an.

Cuộc đời ta của chúng ta có lúc yên bình nhưng cũng có lúc sóng gió nổi lên khiến ta sợ hãi bất an.  Xin Chúa luôn ở bên để che chở, chấn an nhờ đó ta mới dễ dàng vượt qua sóng gió hiễm nguy của biển đời trần gian mà đạt đến bến bờ của an vui và hạnh phúc.

Suy niệm về bài tin mừng hôm nay, ta nhận ra rằng:

Các môn đệ chính là mỗi người chúng ta.

Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội.

Biển Hồ là hình ảnh trần gian.

Đêm tối, bảo tố, gió mạnh là những thử thách do ma quỷ gây nên.

Bờ bên kia là hạnh phúc nước trời mà con người cần vươn tới.

Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta đã bước vào con thuyền của Giáo Hội khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Cùng với con thuyền Giáo hội, chúng ta đang tiến bước trên biển đời trần gian.

Giống như con thuyền của các môn đệ bị những cơn sóng to, gió lớn đánh dữ dội, thì ở mọi thời, mọi nơi Giáo Hội cách chung, cách riêng mỗi chúng ta cũng đương đầu với những chống đối, những vu khống, bôi nhọ và loại trừ, do thế lực ma quỷ gây ra.

Có khi những bóng tối, những vết đen đáng tiếc xảy ra trong Giáo Hội cách chung hay những đau khổ, những thất bại và những bất hạnh xảy đến cho bản thân, làm cho ta dao động, mất hướng sống. Khi đó là lúc thuyền đời của ta đang đi trong đêm tối đức tin, đến nỗi ta muốn buông xuôi tất cả.

Quan trọng là Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta khi gặp gian nan thử thách. Chính lúc đó, Chúa sẽ ra tay cứu giúp chúng ta, không để cho sóng gió nhận chìm chúng ta vì “Ơn Ta đủ cho con.” (2Cr 12, 9) Ngài vẫn ở bên Giáo Hội; Ngài luôn đồng hành và hiện diện bên mỗi người chúng ta. Ngài ban Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội và ban ơn trợ giúp chúng ta đủ sức lướt thắng mọi sóng to gió lớn và dìu bước chúng ta cập bến bình an, nếu chúng ta tin tưởng cậy trông phó thác vào quyền năng của Người.

Xin Chúa ban thêm lòng tin kiên vững nơi chúng con, để dù trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng con vẫn an tâm tiến bước trên biển đời. Xin Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con, để đưa dẫn chúng con đạt tới bến bờ bình an.