Suy Niệm Lời Chúa Tuần X Thường Niên

print

Suy Niệm Lời Chúa Tuần X TN

Lm Seoka

LỄ CHÚA BA NGÔI

LỄ CHÚA BA NGÔI 2.

Thứ hai: Mt 5, 1-12.

Thứ ba: Mt 5, 13-16.

Thứ tư: Mt 5, 17-19.

Thứ năm: Mt 10, 6-13.

Thứ sáu: Mt 5, 27-32.

Thứ bảy: Mt 5, 33-37.

LỄ CHÚA BA NGÔI

SỐNG TINH THẦN MẦU NHIỆM

Ai đó đã nói: “Đã là người thì không ai là vô thần cả.” Bởi vì ngay những người tuyên bố mình là vô thần, thì một cách mặc nhiên họ đã tin nhận là có thần (vì nhìn nhận có, thì mới cho là không).

Nhìn vào các mối đạo, có lẽ ít có đạo nào tin nhận các Mầu Nhiệm nhiều như đạo Công Giáo chúng ta. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng đức tin vào rất nhiều mầu nhiệm…

Theo sách giáo lý Công Giáo dạy, trong rất nhiều mầu nhiệm ấy thì chỉ có 3 Mầu Nhiệm chính trong đạo: Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm người, Ngôi Hai cứu chuộc. Nhưng trong 3 mầu nhiệm ấy thì mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là quan trọng nhất, mà xem ra cũng khó hiểu nhất. Khó hiểu, vậy sao chúng ta lại tin nhận? Đơn giản là vì Thánh Kinh hướng dẫn và chính Chúa Giêsu chỉ dạy.

Đọc Tin mừng chúng ta thấy có nhiều chỗ nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi:

– Khi Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria:“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 45). Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha. Đấng quyền năng là Chúa Thánh Thần sẽ làm Đức Maria thụ thai và sinh hạ. Hài Nhi sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.

– Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là con Ta yêu dấu” (Mt 1,11). Tiếng nói, chim câu và Chúa Giêsu là ba hình ảnh tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.

– Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.”(Ga 15, 26). Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bảo Trợ là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.

– Chính Chúa Giêsu mặc khải: “Bất kỳ ai thấy Ta là thấy Cha Ta” (Ga 14,9); “Cha và Ta là một” (Ga 10,30); “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14,16).

– Đặc biệt trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy các tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” (Mt 28,19).

– Thánh Phaolô cũng luôn cầu chúc: “Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.”.

Như thế nhờ vào Thánh Kinh và lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta biết được có Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên để thấu hiểu về chân lý mầu nhiệm này thì với khả năng của thụ tạo làm sao chúng ta có thể suy thấu Đấng sáng tạo cao vời được. Ngay cả những điều xảy ra trong cuộc sống này, khoa học vẫn không thể giải thích được. Cha ông chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng có những điều không thể hiểu nổi, nên mới đố nhau : Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây

Một trong những điều nhiệm mầu nhất trong cuộc sống có lẽ là tình yêu. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn biết bao thời gian, công sức và giấy mực. Vậy mà vẫn không có được một định nghĩa nào trọn vẹn về tình yêu. Thế nhưng, tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm, nhất là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

Có lẽ Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa không phải để chúng ta đem ra mổ xẻ, giải thích cách thấu đáo, cho bằng mong muốn chúng ta sống tinh thần của mầu nhiệm này.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta một số bài học nhằm giúp ta sống tinh thần của mầu nhiệm này:

– Thứ nhất, chúng ta hãy dâng lời chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa về những kỳ công lạ lùng mà TC đã dành cho chúng ta qua công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Như ông Môsê đã nhắc nhở dân Do Thái khi xưa trước khi vào đất hứa, nhằm giúp họ nhớ lại ân huệ mà Thiên Chúa đã dành cho họ qua việc tạo dựng, chọn làm dân riêng và ban truyền giới luật: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa”.

– Thứ hai, chúng ta phải luôn trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa với tâm tình con thảo để xứng đáng được Thiên Chúa chúc phúc. Chính ông Môsê long trọng truyền lệnh cho dân: “Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.”

– Thứ ba, chúng ta hãy ngoan ngoãn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để được Người chứng thực chúng ta là con Thiên Chúa và vinh dự được gọi Thiên Chúa là “Áp-ba! Cha ơi! “. Như lời Phaolô xác quyết: “Quả vậy, phàm ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”.

–  Thứ tư, tích cực thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu, nhiệt tâm ra đi rao giảng Tin mừng cứu độ, cho dẫu có phải đối mặt với muôn ngàn gian lao, thử thách, ngay cả hy sinh mạng sống, chúng ta cũng an lòng vì có Chúa ở cùng “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.   hãnh diện vì được thông phần vào cuộc khổ nạn và hy sinh của Chúa, cùng với hy vọng sẽ được thừa kế gia tài vinh quang với Người “vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người”. 

Chúng ta không mong muốn thấu hiểu hết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Nhưng xin cho chúng ta biết sống mầu nhiệm này cho xứng đáng. Đó là biết chúc tụng và tôn vinh danh thánh Thiên Chúa Ba Ngôi không ngừng. Biết yêu mến và trung thành tuân giữ lời Chúa dạy với lòng con thảo, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhất là biết nhiệt tâm ra đi loan báo tin mừng tình thương cao vời của Chúa.

LỄ CHÚA BA NGÔI 2

CÁCH THỨC YÊU MẾN CHÚA BA NGÔI

(Giới thiếu nhi)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng kính mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo vì mầu nhiệm này ảnh hưởng quan trọng trên đời sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như trong đời sống đạo chúng ta ít quan tâm tìm hiểu và sống tâm tình của mầu nhiệm này. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu rõ hơn về mầu nhiệm này; và xin Chúa giúp ta sống tinh thần của mầu nhiệm này cho xứng hợp.

1. H. Chúa nhật hôm nay, chúng ta và Giáo Hội toàn cầu mừng kính mầu nhiệm nào?

T. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Một Chúa nhưng có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng chỉ có một Chúa. Ba Ngôi bằng nhau không ngôi nào hơn ngôi nào kém.

2. H. Hội thánh dạy chúng ta biết có mấy mầu nhiệm chính trong đạo?

T. Có ba mầu nhiệm chính trong đạo: Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc.

3. H. Ai dạy cho ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi?

T. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.

4. H. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi khi nào?

T. Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy các tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).

5. H. Trong Tin mừng có chổ nào diễn tả về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi Không?

T. Đọc Tin Mừng, chúng ta gặp thấy nhiều hình ảnh và lời nói trình bày về mầu nhiệm Ba Ngôi:

– Khi Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha. Đấng quyền năng là Chúa Thánh Thần sẽ làm Đức Maria thụ thai và sinh hạ. Hài Nhi sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.

– Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán : Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11). Tiếng nói, chim câu và Chúa Giêsu ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.

– Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ:“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” . Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.

– Đức Kitô mặc khải : “Ai thấy Ta là thấy Cha…Cha và Ta là một….Ta sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở cùng anh em luôn mãi

– Thánh Phaolô luôn cầu chúc: “Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.

6. H. Tại sao Giáo Hội cho rằng: Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm?

T. Vì đây là điều vượt trên trí năng suy luận và hiểu biết của con người. Con người chúng ta không thể dùng bất cứ hình ảnh  hay ngôn từ nào để có thể diễn tả hết về mầu nhiệm này.

7. H. Thông thường khi diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, người ta dùng đến những hình ảnh nào?

T. Người ta hay dùng những hình ảnh minh họa sau đây:

– Có người dùng tam giác đều. Có ba cạnh bằng nhau làm nên một tam giác.

– Có người dùng ngón tay. Ngón tay có ba đốt trên cùng một ngón tay.

– Có người diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi bằng nước ở ba thể: lỏng, đặc và hơi.

– Người ta cũng có thể diễn tả mầu nhiệm này như là: Mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Mặt trời là Chúa Cha, từ mặt trời có ánh sáng là Chúa Con, từ đó sinh ra sức nóng là Chúa Thánh Thần…

– Cũng có người thích dùng hình ảnh dòng sông để diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha là nước nguồn; Chúa Con là con sông chứa đựng nguồn nước ấy và CTT là sức đẩy dòng chảy của dòng nước ấy.

– Có người thích thể chế chính trị thì ví: Chúa Cha là lập pháp; Chúa Con là hành pháp và CTT là tư pháp…

Dù chúng ta có đưa ra nhiều hình ảnh để minh họa về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng sẽ không bao giờ diễn tả hết về mầu nhiệm này. Vì Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm nên chúng ta không bao giờ thấu suốt được. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.

Không riêng về các mầu nhiệm trong đạo mà còn nhiều điều trong cuộc sống, trí khôn chúng ta cũng không bao giờ hiểu thấu được. Nên để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, ông cha ta ngày xưa hay đố nhau : “Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.”.

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người, thì tình yêu là khó hiểu nhất. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm. Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Tuy dẫu trí khôn con người nhỏ bé, không tài nào hiểu thấu hết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhưng con tim chúng ta có lẽ cũng đủ lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng là để chúng ta yêu mến. Vậy chúng ta phải yêu mến bằng cách nào?

– Yêu mến bằng lời ca tụng:

Mỗi khi hát “vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”; mỗi khi đọc “sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”; mỗi khi “làm dấu thánh giá”… là chúng ta đang ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi..

– Yêu mến bằng tâm tình cảm tạ:

Cảm tạ Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta và ban vũ trụ này cho ta hưởng dùng. Cảm tạ Chúa Con đã dùng cái chết trên thập giá để cứu chuộc ta; và cảm tạ Chúa Thánh Thần luôn gìn giữ, thánh hóa ta. Cảm tạ Chúa Ba Ngôi vì nhờ bí tích Rửa tội mà ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, ta được tẩy sạch mọi tội lỗi.

– Yêu mến bằng cách để Chúa ngự trị trong tâm hồn ta:

Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài thích ở cùng và ở trong tâm hồn ta vì nơi đó chính là đền thờ sống động của Ngài. Nên ta cần phải giữ tâm hồn mình sao cho trong sạch, để Chúa Ba Ngôi dễ dàng ngự vào mà ban tràn đầy ân sủng trong chúng ta.

– Yêu mến bằng cách “yêu như Chúa yêu”:

Yêu như Chúa yêu là cho đi“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian”.

Yêu thương như Chúa là làm cho sống và sống dồi dào: “ … để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Yêu thương như Chúa là tha thứ: Thiên Chúa mạc khải cho Môisen biết Ngài là : “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.

Yêu thương như Chúa yêu là ở chungsống chungđi chung. Môisen đã nài xin và được Thiên Chúa chấp nhận: “Dám xin Chúa cùng đi đường với chúng con”. Thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết Thiên Chúa “sẽ ở trong anh em.”.

Chúng ta không mong muốn thấu hiểu hết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Nhưng xin cho chúng ta biết sống mầu nhiệm này cho xứng đáng. Đó là biết chúc tụng và tôn vinh danh thánh Ba Ngôi Thiên Chúa không ngừng. Biết siêng năng cảm tạ tình thương Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta, cũng như luôn biết gìn giữ tâm hồn mình trong sạch, để xứng đáng là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị; nhất là biết sống theo mẫu gương tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Thứ hai: Mt 5, 1-12

Ở đời luôn có hai mặt thật và giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có những thứ đem đến cho con người hạnh phúc thật. Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ đem đến cho con người hạnh phúc giả tạo, không bền lâu. Điều nghịch lý là ai cũng mong muốn có được hạnh phúc thật, nhưng rồi lại thích đi tìm những thứ chỉ mang đến hạnh phúc giả tạo, chóng qua.

Xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng hạnh phúc là có 1,2,3,4,5: một là vợ đẹp, hai là con ngoan, ba là nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh và năm là du lịch 5 châu. Thế nhưng thực tế cho thấy, khi đạt được những điều mong ước ấy, con người vẫn không tìm thấy hạnh phúc thật. Như thế thì tiền bạc của cải, vật chất tiện nghi, đam mê lạc thú nơi trần gian không lấp đầy được khát vọng sâu xa nơi cỏi lòng con người và không là phương thế đưa đến hạnh phúc thật. Vậy ta phải làm gì để có hạnh phúc thật?

Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết những phương cách để đạt đến hạnh phúc đích thực thật. Đó chính là thực thi 8 mối phúc thật. Điều đáng nói là con đường 8 mối phúc thật mà Chúa Giêsu đề ra hình như đi ngược lại với suy nghĩ thực tế của con người thời nay và lắm khi trở thành xa lạ ngay cả đối với người Kitô hữu chúng ta. Vì con người thời nay vẫn còn bám víu quá nhiều vào tiền bạc, của cải, danh vọng… nên không dám chấp nhận những phương cách mà Chúa Giêsu đề ra: là tinh thần khó nghèo, từ bỏ, đau khổ ngay cả hy sinh vì chính đạo để phục vụ tha nhân và nước Chúa.

Con đường 8 mối phúc không phải là viễn vong, mơ hồ hay bất khả thi nhưng là con đường chính đạo. Bởi vì chính Chúa Giêsu Đức Giêsu đã kinh qua bằng chính đời sống nghèo khó, hi sinh từ bỏ và hiến thân cho tha nhân vì nước trời. Do đó muốn có hạnh phúc thật chúng ta không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi và đã chỉ dạy.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm bước theo con đường mà Chúa Giêsu đã đi, bằng cách trung thành thực thi 8 mối phúc thật mà Chúa Giêsu vạch ra, nhờ đó ta đạt được điều mà mình khao khát là hạnh phúc thật. Amen.

Thứ ba: Mt 5, 13-16

Bằng hai hình ảnh muối và ánh sáng, Chúa Giêsu muốn nói đến bản chất và sứ mạng của người kitô hữu.

  1. Bản chất và sứ mạng của muối:

Nếu bản chất của muối là phải mặn. Muối không mặn thì không còn là muối nữa, chỉ còn cách quăng xuống đường cho người ta giẫm đạp lên. Cũng vậy, bản chất của người Kitô hữu phải mang đậm chất mặn của tình yêu. Nếu ta không có tình yêu thì không còn là Kitô hữu nữa. Bởi lẽ “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,7). Ngài đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, nên tự bản chất nơi ta phải mang chất tình yêu. Dĩ nhiên tình yêu ấy phải đặt trên nền tảng Tình Yêu như Chúa. “Yêu như Thầy đã yêu” (Ga 15,12).

Còn nếu sứ mạng của muối là giữ cho thức ăn khỏi hư thối và đem lại mùi vị thơm ngon cho thức ăn. Thì sứ mạng của người kitô hữu phải có nhiệm vụ ướp đời, ướp người khỏi những băng hoại của dối trá, hận thù, ganh tị, lường gạt, bất trung… Ngoài sứ mạng ngăn chặn cuộc sống khỏi những băng hoại, chúng ta còn phải là tác nhân đem lại hương vị ngọt ngào cho cuộc sống bằng những cử chỉ, lời nói, việc làm thắm đợm tình thương, nhằm mang đến niềm vui, an bình và hạnh phúc cho tha nhân.

  1. Bản chất và sứ mạng của đèn:

Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là “tín hữu”.

Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết ” (Gc. 2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn giữ được chất tình yêu của Chúa, để chúng ta có thể ướp mặn cho đời và cho người; cụ thể là những thành viên trong gia đình chúng ta khỏi những băng hoại do tội lỗi gây nên. Đồng thời xin Chúa cũng ban thêm chất Đức Tin nơi mỗi chúng ta, hầu ta có thể can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin ấy bằng những hành động bác ái cụ thể cho tha nhân, qua đó mà mọi người nhận ra Chúa mà ngợi ca Danh Người.

Thứ tư: Mt 5, 17-19

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng như chúng ta biết thêm về lý do quan trọng mà Ngài đến trần gian này là:“không phải hủy bỏ lề luật hay các tiên tri, nhưng là để kiện toàn”.

Luật của Chúa được ban cho nhân loại xuyên qua dân tộc Do Thái, bởi trung gian là ông Môsê. Luật đó được gìn giữ và bảo tồn qua thời các ngôn sứ. Nhưng đến thời Chúa Giêsu, luật Chúa được trao quyền cho các kinh sư giải thích và hướng dẫn cho dân chúng. Thay vì giúp người dân hiểu biết rõ về luật Chúa cũng như tinh thần đúng đắn phải có khi tuân giữ luật Chúa, thì trái lại các ông lại thêm thắt vào đó quá nhiều chi tiết từ 10 điều lên đến 613 điều khoản khiến cho dân chúng rối ren không còn phân biệt đâu là điều chính đâu là điều phụ. Hơn nữa các ông lại quá chú trọng đến hình thức làm cho người dân có cảm giác luật Chúa quá nặng nề bởi những ràng buộc. Nên khi rao giảng, Chúa Giêsu đã nhiều lần đả kích lối sống vị luật của người Pharisêu; cũng như cảnh báo về mối nguy hiểm của những gánh nặng mà dân chúng phải chịu do các kinh sư chất chồng lên vai họ. Có lẽ vì đó mà nhiều người tưởng rằng Chúa Giêsu muốn phá bỏ lề luật và các tiên tri. Để chỉnh sửa lại ý nghĩ sai lệch ấy, Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ về lý do mà Ngài đến thế gian này là nhằm mục đích để kiện toàn lề luật. Vậy Chúa muốn kiện toàn điều gì?

– Trước hết Chúa Giêsu kiện toàn về nội dung văn bản của luật: Phải giữ nguyên trạng giới luật của Chúa, dù một chấm, một phẩy cũng không được thay đổi hay bỏ sót.

– Thứ đến Chúa kiện toàn về hình thức thi hành luật: Nếu các kinh sư và người Pharisêu quá chú trọng bởi hình thức bên ngoài thì Chúa Giêsu nhấn mạnh đến trọng tâm giữ luật bên trong. Việc giữ luật chỉ có giá trị  đích thực khi nó xuất phát từ trái tim và tấm lòng.

– Cuối cùng Chúa Giêsu kiện toàn về tâm tình phải có khi giữ luật:  Việc giữ luật không phải vì lo sợ. Sợ không giữ thì bị Chúa phạt; lo vì nếu không thi hành luật sẽ bị người đời khinh thường và lên án… nếu mang nặng tâm tình ấy thì quả thật luật trở nên gánh nặng cho đời sống. Điều mà Chúa Giêsu muốn là mọi người hãy tuân giữ luật với tấm lòng yêu mến. Với lòng yêu mến Chúa chân thành sẽ giúp ta cảm thấy vui tươi thoải mái thi hành luật Chúa; sẽ không còn sợ hãi bởi ràn buộc của luật nữa.

Xin Chúa giúp chúng ta ý thức được rằng: vì không muốn chúng ta phải đi lạc đường nên Chúa đã ban lề luật để hướng dẫn bước đường chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương lớn lao ấy, mà hăng hái thi hành luật Chúa và GH chỉ dạy bằng tất cả tấm lòng yêu mến của chúng ta.

Thứ năm: Mt 10, 6-13.

11/06 : Nhớ Thánh Barnaba Tông Đồ

Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác. Cụ thể bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi các tông đồ, ban quyền chữa bệnh, trừ quỷ cho các ông và sai các ông ra đi gieo rắc Bình an của Chúa cho mọi nhà, mọi người. Sứ mạng thì to lớn, nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức các Tông đồ hãy cậy trông vào Chúa.

– Cậy trông vào Chúa, nên tông đồ Barnaba đã sống tinh thần khó nghèo. Ngài sẵn sàng bán đi thửa ruộng của mình có và đem bạc đặt dưới chân các Tông đồ (Cv 4,36-37).

– Cậy trông vào Chúa, tông đồ Barnaba dễ dàng sống siêu thoát, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào khi Giáo hội muốn với tinh thần phó thác.

Sách Công vụ cho biết khi được mọi người cử đi An-ti-ô-khi-a xem tình hình ở đó thực hư thế nào, Barnaba đã sẵn sàng lên đường và khi Barnaba tới nơi thì thấy rõ đó là kết quả của “Ơn Thiên Chúa” cho nên ông không nghi ngờ gì, trái lại còn “mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa” ( Cv 11, 23-24).

Rồi khi nhận được bài sai từ Thánh Thần: “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13, 2). Ông cùng với Phaolô đã lên đường, nhiệt thành với công việc loan báo Tin Mừng cho lương dân, âm vang Lời Chúa lan rộng ở các cộng đoàn nhất là ở Giêrusalem, Antiokhia ….

– Cậy trông vào Chúa, Banaba đã khiêm tốn đón nhận mọi cảnh huống của cuộc sống, nhằm thi hành tốt sứ mạng đem Bình an của Chúa cho mọi người. Bằng chứng là Ngài đã giúp Phaolô hoà nhập với tông đồ đoàn tại Giêrusalem trong lần gặp mặt đầu tiên, khi mọi người chưa dám tin Phaolô là tông đồ (x. Cv 9, 26-27);  và sau đó hai bên hoà thuận với nhau, cộng tác nhau vui vẻ (x. Cv 9, 28.30).

Cùng với Phaolô, ngài rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, khiến họ vui mừng tôn vinh Lời Chúa… Lời Chúa lan tràn khắp vùng. (Cv 14, 48-49). Rồi bênh vực họ trong hội nghị Giêrusalem (Cv 15, 12). Việc này góp phần làm cho kitô hữu gốc Do thái và kitô hữu gốc lương dân hiểu nhau và sống hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin. Ngay cả khi đụng độ với Phaolô về việc đem theo Mác-cô đi truyền giáo mà Thánh Phaolô không muốn, nên họ to tiếng với nhau và chia tay nhau, thì Barnaba cũng được thúc đẩy bởi tấm lòng khiêm tốn hòa giải vì ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm (x. Cv 15, 37.39). Quả là ý định tốt lành của Barnaba đạt kết quả tốt lành vì Mác-cô trở thành một tông đồ nhiệt thành và tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.

Bổn phận truyền giáo không là việc của riêng ai mà là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu. Mừng lễ Thánh Barnaba Tông đồ, là dịp chúng ta kiểm xét lại chính mình, xem chúng ta đã góp được gì cho công cuộc truyền giáo, hay chúng ta cũng chỉ là những kẻ cổ suý hô hào cho việc truyền giảng Tin Mừng bằng môi miệng, mà cuộc sống thì lại là một phản chứng ghê gớm đối với Tin Mừng?! 

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Barnaba tông đồ, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc truyền giáo, để chúng ta tích cực góp phần vào công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng sức lực, tài lực và cả của cải. Nhất là xin Chúa ban cho chúng con có tinh thần khó nghèo, siêu thoát và khiêm tốn hầu trở nên khí cụ Bình an của Chúa trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, theo mẫu gương của thánh Barnaba tông đồ.

Thứ sáu: Mt 5, 27-32

Chúa Giêsu tiếp tục kiện toàn giới luật một vợ một chồng.

Để tránh đi tình trạng đỗ vỡ trong đời sống hôn nhân, chẳng những Chúa Giêsu cấm không được li dị mà Chúa còn ngăn chặn ngay cả nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng bất trung trong đời sống hôn nhân nữa. “Anh  em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình, còn Thầy, Thầy bảo cho anh  em  biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi…”(Mt 5:  27-28).

Như thế là dù chỉ thèm muốn trong lòng vợ hay chồng của người khác thì đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng rồi; vì trong lòng đã nuôi dưỡng ước muốn sai trái. Từ đó sẽ dễ dẫn đến hành động phản bội tình nghĩa vợ chồng.

Có thể nói mọi tội lỗi con người phạm, đều xuất phát từ trong lòng. Do đó, muốn tránh tội thì phải dứt khoát từ bỏ ước muốn bất chính ngay trong lòng. Nhưng để tránh được ước muốn bất chính trong lòng, chúng ta cần phải giữ gìn đôi mắt. Đôi mắt là của sổ tâm hồn nên mọi điều tốt xấu muốn vào được căn nhà tâm hồn đều phải qua cửa sổ của đôi mắt.

E-va chính vì đã không gìn giữ được đôi mắt nên đã hướng cái nhìn về trái cấm và đã nuôi dưỡng trong lòng sự thèm muốn. Từ ước muốn ấy bà đã cả lòng đưa tay hái trái cấm ăn, dầu biết rằng hành động ấy là phạm tội bất trung với Chúa.

Ða-vít cũng vì không giữ được đôi mắt nên đắm đuối nhìn người phụ nữ khỏa thân và có ước muốn khoái lạc. Từ đó đưa đến những hành vi tội ác: ngoại tình và giết người giấu tay.

Lạy chúa xin giúp chúng con biết gìn giữ đôi mắt luôn có cái nhìn trong sáng và can đảm dứt bỏ những nguyên nhân làm cớ chúng con lỗi đức trong sạch, cho dù đó là một phần của cơ thể như: là mắt, là tay… bởi vì Chúa đã phán: “thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục”.

Thứ bảy: Mt 5, 33-37

Trong cuộc sống, ta thường nghe được những luồng thông tin khác nhau về một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội, cũng như trong Giáo Hội. Có những thông tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi, phe nhóm và thế lực của mình cũng không ít những thông tin sai lạc, ta cần phải dè chừng.

Hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình ta bắt gặp rất nhiều thông tin quảng cáo nhằm thu hút khách hàng và lợi nhuận. Bên cạnh những thông tin thật cũng có nhiều thông tin không thật. Sống trong một xã hội mà phải liên tục đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả thật là bất an.

Chắc chắc ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy xảy ra. Nhưng rồi chính cuộc sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều lần vì sợ, vì tham, vì bị mua chuộc… ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng cho chân lý. Lắm khi vì ham mê tiền bạc, chức quyền… ta cũng sẵn sàng chối bỏ niềm tin cách dễ dàng.

Chúa Giêsu xác định:“Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Do đó để thuộc về Chúa chúng ta cần phải sống và làm chứng cho sự thật, vì sự thật mới giải phóng chúng ta khỏi những ràn buột của gian dối và bóng tối của sự dữ. “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32). Vì thế, “hể có thì nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Xin cho chúng ta biết vâng nghe lời Chúa, luôn can đảm nói và làm theo sự thật, để chúng ta khỏi sa vào cạm bẫy của ma quỷ. Nhờ đó cuộc sống mới được an vui, hạnh phúc.