Suy Niệm Lời Chúa Tuần XX Thường Niên
Lm Seoka
Thứ bảy: Lc 1, 26-38: Lễ nhớ ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG.
Mt 15, 21-28
Trình thuật Tin mừng hôm nay để lại tâm trí chúng ta về một hình ảnh phụ nữ tuyệt đẹp về đức tính, cách ứng xử và đức tin thật cao đẹp. Xin cho chúng ta biết học đòi bắt chước gương sáng của bà, để chúng ta cũng được Chúa ban ơn và chúc phúc.
Nét đẹp của người phụ nữ cách chung và của người phụ nữ Á đông chúng ta nói riêng, xưa nay luôn được nhân loại trân quý bởi những đức tính chịu thương chịu khó, khiêm tốn hiền hòa và nhẫn nại. Nói như thế thì người phụ nữ ngoại giáo được tin mừng hôm nay nói đến quả là tuyệt vời, vì hầu như bà có đầy đủ những đức tính ấy.
– Với đức tính chịu thương của người phụ nữ, người mẹ ngoại giáo này rất khổ tâm khi phải từng ngày chứng kiến nỗi đau quằn quại của đứa con yêu quý mình mỗi khi ma quỷ ám hại. Rất có thể trước nay bà ta đã tiêu tốn không ít tiền của, sức lực, thời gian… để tìm thầy, chạy thuốc khắp nơi với mong muốn cứu chữa đứa con yêu quý của bà khỏi tình trạng khốn khổ này. Chính nhờ sức mạnh tình thương mẫu tử ấy đã giúp bà đủ can đảm và sức mạnh để vượt qua rào mọi rào cản ngăn cách để tìm đến gặp gỡ Thầy Giêsu.
– Với đức tính chịu khó, bà đã không ngần ngại vượt qua làn ranh giới địa lý xa cách, nhiều hiểm trở và làn biên ngăn cách của luật lệ cấm kỵ giữa người Do Thái và dân ngoại, giữa người nam và người nữ để gặp cho bằng được Thầy Giêsu, với mong muốn duy nhất là cứu chữa cho đứa con mình khỏi thần ô uế ám hại.
– Với lòng khiêm tốn thẳm sâu, bà ta đã không ngần ngại đến trước mặt Chúa Giêsu và phục lạy Người với lời khấn xin tha thiết: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Lòng khiêm tốn ấy càng sâu thẳm hơn khi sẵn sàng nhìn nhận mình chỉ là chó con trước mặt Chúa“Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Bởi bà hiểu rằng, trước mặt Chúa bà chỉ là thụ tạo chẳng là gì khi hiện diện trước một TC sáng tạo, quyền năng và giàu lòng thương xót.
– Với tinh thần nhẫn nại, bà đã không nản lòng trước lời từ chối khó nghe của Chúa Giêsu “Hãy để con cái ăn no trước đã vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Những lời đắng lòng ấy đã không làm cho bà tự ái, nản lòng và bỏ cuộc; trái lại còn làm cho bà thêm nhẫn nại và kiên cường hơn nên bà đã van xin cho tới cùng: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.”
Tất cả những đức tính cao quý trên sẽ không có được nơi người phụ nữ nếu không có được đức tin mạnh mẻ. Chính nhờ lòng tin mạnh mẻ của bà mà đứa con con yêu quý của bà được Chúa Giêsu cứu chữa, như lời Chúa Giêsu xác nhận: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy.”.
Suy gẫm về hình ảnh của người phụ nữ ngoại giáo tuyệt đẹp hôm nay, ta cảm thấy hổ thẹn vì nhiều người trong chúng ta không còn giữ được những đức tính cao đẹp và đáng yêu như: chịu thương chịu khó, lòng khiêm tốn và sự kiên nhẫn trong tương quan với Chúa, với nhau và với công việc như người đàn bà ngoại giáo; nhất là đức tin của chúng ta cũng chưa đủ mạnh để dám tin tưởng, phó thác hoàn toàn vào tình thương và quyền năng của Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ.
Xin Chúa giúp chúng ta có được đức tin mạnh mẽ để trong mọi hoàn cảnh ta luôn sẵn sàng tín thác vào lòng thương xót. Đồng thời cũng cho chúng ta ý thức sống tốt những đức tính nhân bản cần thiết trong đời sống làm người.
Thứ hai: Mt 19, 16-22.
Có lẽ khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Nhưng làm thế nào để có được sự sống ấy? Lời Chúa hôm nay sẽ khai mở cho chúng ta biết cách thức để đạt đến khát vọng cao quý ấy.
Sách Giáo Lý Công Giáo thường được chia thành 4 phần: Tín lý (tuyên xưng đức tin), luân lý (sống đức tin), bí tích (cử hành đức tin) và cầu nguyện (đức tin cầu nguyện). Nhưng hình như đa phần người Công giáo chúng ta chỉ chú trọng đến phần luân lý (sống đức tin) mà ít quan tâm đến phần tín lý (tuyên xưng) và những phần còn lại nên có sự sai lệch trong cái nhìn và cách sống đạo.
Nền luân lý Công giáo luôn nhấn mạnh đến Mục đích và Phương tiện phải song hành trong cái nhìn đạo đức sinh học. Theo cái nhìn này, thì một hành vi luân lý được chấp nhận khi thỏa mãn hai diều kiện: phương tiện và mục đích đều đúng và trúng. Nếu một trong hai yếu tố ấy không đúng và trúng thì hành vi đó bị xem là sai lạc.
Ví dụ: Vì nhân danh mục đích giúp đỡ người nghèo mà ta đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo; hoặc vì muốn giúp cho bệnh nhân thoát khỏi tình trạng đau đớn cùng cực về thể xác mà ta tiêm cho họ một mũi thuốc an tử thì không đúng, vì làm như thế là ta đã xử dụng phương tiện sai trái để biện minh cho mục đích tốt. Lý do là vì sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa nên quyền quyết định sinh tử đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết cho mình hay cho người khác.
Anh thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và giữ luật rất tốt. Nhưng xem ra anh ta vẫn không an lòng, bởi vì luật lệ và của cải hình như không phải là phương thế thật sự để đưa anh đạt đến vinh quang nước trời. Vì thế anh ta đã tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi xem: “phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Thật bất ngờ với lời đề nghị của Chúa Giêsu: “hãy bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó…rồi đến theo Ta”. Như vậy yêu thương và chia sẻ cho người nghèo mới chính là phương thế để được sự sống đời đời. Do không muốn hy sinh chia sẻ cho người nghèo theo lời đề nghị của Chúa Giêsu nên anh ta buồn và quay mặt bỏ đi trong thất vọng.
Tóm lại, phương tiện để đạt đến mục đích sự sống đời đời không phải là tiền bạc, cũng không chỉ là tuân giữ một số luật lệ chay cứng vô hồn, nhưng là phải tích cực thi hành những việc làm bác ái, chia sẻ cho tha nhân với niềm tin yêu và phó thác vào Chúa.
Tin Chúa, thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “hãy bán tất cả …mà theo Ta”.
Yêu người, là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa, cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa với tấm lòng yêu mến; và biết yêu thương tha nhân bằng những hành vi bác ái, chia sẻ chân tình. Nhờ đó, chúng con mới có được hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen
Thứ ba: Mt 19, 23-30
Tiếp nối bài tin mừng hôm qua, sau khi người thanh niên giàu có từ chối bán tài sản của mình để đổi lấy sự hoàn thiện (hay sự sống đời đời) thì ngay sau đó, Chúa Giêsu đưa ra kết luận: “người giàu có khó vào được Nước Trời”. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn cho biết phần thưởng lớn lao cho những ai dám chấp nhận từ bỏ mọi sự vì danh Ngài. Đó là sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Khi nói tới hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng với phương châm “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Nên tông đồ Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta: “chúng con đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”.
Tin tưởng vào Đức Giêsu là Chúa uy quyền và giàu tình thương nên Ngài sẽ không để cho những ai theo Ngài phải chịu thiệt thòi. Chắc chắn Ngài sẽ ban lại cho những ai dám từ bỏ, hy sinh và cho đi vì Ngài một phần thưởng lớn lao hơn, đó là “được gấp bội và được sống đời đời”. Đây quả là một phần thưởng cao quý mà lòng người chẳng dám ước mong.
Ngày hôm nay, nếu ai đó bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa, ruộng đất… mà theo Chúa thì bị xem là người không bình thường, mất tính nhân bản vì đi ngược lại với đạo lý làm người. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì đúng như thế, nhưng việc theo Chúa không phải hiểu như thế. Theo Chúa là biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, làm lẽ sống cho đời ta, còn những giá trị khác ngoài Chúa chỉ là thứ yếu. Bởi lẽ nếu xét cho đến cùng thì mọi thứ trên trần gian này đều do Chúa dựng nên và tất cả cũng chỉ là phù vân, tạm bợ, chóng qua… Duy chỉ có mình Chúa và nước trời mới là vĩnh hằng và hạnh phúc thật. Chính vì thế mà Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc nhở chúng ta đừng quá bám víu vào của cải, vật chất, tiền bạc… như người thanh niên giàu có, mà loại trừ Chúa ra khỏi những chọn lựa ưu tiên trong đời sống của mình.
Lạy Chúa, xã hội càng ngày càng văn minh, đầy đủ tiện nghi vật chất, vì thế mà cuộc sống con người cũng được cải thiện và sung túc hơn. Nhưng chính vì thế mà con người ngày nay dễ dàng quên và xa Chúa do không cưỡng lại sức hút của đồng tiền. Xin Chúa đừng để chúng con sa vào ma lực của đồng tiền mà xa rời bước đường theo Chúa và lý tưởng hạnh phúc nước trời.
Thứ tư: Mt 20, 1-16a.
Thiên Chúa là Đấng công bằng, nhưng cũng đầy lòng yêu thương vô cùng. Đó là chân lý mà lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta qua dụ ngôn những người làm vườn nho.
- Thiên Chúa rất ư là công bằng.
Những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, tỏ ra bất bình và khó chịu trước cách thức trả lương của ông chủ. Họ cho rằng đã làm nhiều giờ, vất vã đổ mồ hôi nhiều thì chủ phải trả tiền nhiều. Kẻ làm ít giờ, chịu nắng mưa và đổ mồ hôi ít thì tiền công phải ít. Vậy mà tất cả đều được ông chủ trả như nhau, là một đồng. Làm như vậy ông chủ có công bằng không?.
Tưởng như không công bằng trước cách thức trả tiền công của chủ. Nhưng qua lời giải thích của ông chủ, ta thấy việc trả công của ông quá ư là công bằng. Bởi lẽ ngay từ đầu họ đã thoả thuận và chấp nhận với chủ ngày công là một đồng. Như thế ông chủ đã trả cho họ đúng với những gì họ đã thỏa thuận và xứng với những gì họ đã làm. Còn ông chủ có trả cho thợ làm vào giờ chót bằng số tiền của họ là vì tình thương của ông chủ. Chẳng lẽ ông chủ không được làm điều ấy sao?
Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng. Do đó, Ngài sẽ ban thưởng hay luận phạt chúng ta theo công việc tội phúc mà chúng ta đã làm. Dĩ nhiên chúng ta không nên đòi hỏi nơi Ngài sự công thẳng “vì nếu chấp tội nào ai đứng vững”.
- Thiên Chúa còn là Đấng giàu lòng thương xót.
Thiên Chúa của chúng ta không chỉ công bằng mà Người còn giàu lòng yêu thương. Những người thợ được ông chủ kêu gọi vào làm vườn nho ngay từ sáng sớm đã là một vinh dự và là niềm an vui lớn lao rồi. Bởi lẽ họ không phải lo lắng và chờ đợi việc làm. Kẻ được mời gọi vào những giờ chót trong ngày, họ phải sống trong tâm trạng phập phòng lo lắng và phải lang thang suốt cả ngày đi tìm việc làm. Cuối cùng tất cả đều được kêu gọi vào làm cùng một việc và trong cùng vườn nho của chủ. Đó không chỉ là niềm vui lớn lao của người những thợ làm vườn sau chót mà còn là vinh hạnh cao quý của người được gọi làm từ ban mai. Sở dĩ ông chủ mời gọi tất cả vào làm vườn nho của ông, đó là vì Ngài giàu lòng yêu thương, muốn tạo công ăn việc làm và cuộc sống cho mọi người. Hình ảnh ông chủ ấy là Thiên Chúa và vườn nho là Giáo Hội của Người.
Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có những người được mai mắn gia nhập vào vườn nho Chúa rất sớm, ngay từ khi ban mai của cuộc đời; cũng có những người vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, họ chỉ được mời gọi vào vườn nho Giáo Hội trong thời điểm của ngày tàn. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo Hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết sức trước tình yêu mời gọi của Người.
Lạy chúa, xin cho chúng con đừng tự hào về những công việc chúng ta đã làm, nhưng cho chúng con biết tự hào vì chúng con có một người Cha giàu lòng xót thương. Người sẽ ban thưởng cho chúng con hơn những gì chúng con đã làm.
Thứ năm: Mt 22, 1-14.
Dụ ngôn tiệc cưới cho hoàng tử mà Chúa Giêsu nói đến trong đoạn tin mừng hôm nay hơi lạ.
Lạ vì những người được nhà vua ưu ái mời đến đều từ chối vì nhiều lý do: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”.
Lạ là sau khi những người được mời khướt từ thì vua lại sai đầy tớ ra các ngả đường để mời gọi tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu vào tham dự tiệc cưới.
Lạ vì bất ngờ nhà vua lại trừng phạt nặng nề đối với người không mặc y phục lễ cưới “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!”. Chính vì những điều lạ như thế nên ta hiểu rằng đây không phải là tiệc cưới bình thường mà là tiệc cưới nước trời.
Bàn tiệc nước trời được mở ra và lời mời gọi của Chúa được gửi đến tất cả mọi người. Được tham dự bữa tiệc nước trời là khao khát lớn nhất của con người. Tuy nhiên để xứng đáng tham dự vào bữa tiệc ấy, cần phải hội đủ hai điều kiện:
– Biết trân quý lời mời gọi của Chúa mà tích cực đáp lại.
– Phải “mặc y phục lễ cưới”. Nghĩa là mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô là sống công chính và thánh thiện: “Anh em hãy mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4,24).
Xin cho chúng ta biết tích cực đáp lại lời mời gọi của Chúa qua việc siêng năng đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể do Chính Chúa Giêsu thết đãi hằng ngày trên bàn thờ và luôn sống công chính, thánh thiện trước thiên nhan Chúa hầu chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho việc tham dự vào bữa tiệc viên mãn trong nước trời mai ngày.
Thứ sáu: Mt 22, 34-40.
Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu ngổn ngang những luật lệ, khiến dân chúng không còn phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Ngay cả những người Biệt phái còn cảm thấy rối não huống chi là giới bình dân. Tận dụng cơ hội ấy để làm bẻ mặt Chúa Giêsu, nhóm Biệt phái đã cử một người thông luật đến với Chúa Giêsu để hỏi thử xem điều luật nào là quan trọng nhất? Với câu hỏi ấy, họ không nhằm tìm hiểu chân lý cho bằng nhắm đến hai mục tiêu:
- Thử xem trình độ am hiểu về thánh kinh luật lệ của Chúa Giêsu ra sao? Để bắt bẻ và hạ nhục nếu Người không giải thích thỏa đáng.
- Nhân dịp này, họ cũng biết được Chúa Giêsu đang đứng về phe nhóm nào? Bởi lẽ, thời bấy giờ có khá nhiều phe nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ.
Chúa Giêsu dư biết dã tâm của họ. Nhưng vì muốn xác định lại tính chất tinh tuyền của lề luật nên Chúa Giêsu đã trích dẫn lại hai câu Thánh kinh, một trong sách Đệ-nhị-luật và một trong sách Lê-vi để trả lời cho họ: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.”(Đnl 6, 5). Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18). Rồi Người kết luận: “Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”. Như vậy là đã rõ, điều luật quan trọng nhất mà TC ban cho nhân loại chính là tình yêu…
– Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa phải chân thành và luôn trung thành, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh vẫn chấp nhận. Tình yêu ấy phải được hướng dẫn bởi những tài năng của linh hồn như: lý trí, ý chí và nhất là tự do; chứ không phải là tình yêu mù quáng.
– Yêu thương người khác như chính mình nghĩa là phải đối xử với người khác cùng một “tình yêu” như ta đã xử với bản thân mình. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta quy hướng đến tình yêu “như Chúa yêu”. Đó là một tình yêu phổ quát dành cho hết mọi người. Đó là một tình yêu trao ban nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng cho tha nhân: “người mù được sáng, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được…”. Và trên hết đó là một tình yêu hy hiến, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì tha nhân với mong muốn tha nhân được hạnh phúc, vui sướng và “được sống dồi dào”.
Lạy Chúa, yêu Chúa thì còn dễ nhưng yêu người khác như chính mình quả là khó; mà yêu người khác như Chúa yêu thật khó biết bao nếu không có ơn Chúa giúp. Xin Chúa ban ơn giúp sức và đong đầy sức mạnh tình yêu của Chúa vào trong tâm hồn chúng con, để mỗi người chúng con can đảm sống và ứng xử với nhau bằng chính tình yêu như Chúa yêu chúng con. Amen.
Thứ bảy: Lc 1, 26-38.
Lễ nhớ ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG
Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, GH mời gọi chúng ta hướng tâm hồn về Mẹ, vì Mẹ là một phần tử ưu việt của GH, đã sống với Thiên Chúa cách trọn hảo, và đã luôn xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Thánh Bênađô đã khẳng định rằng “nói về Mẹ thì không bao giờ đủ”; bởi vì các nhân đức của Mẹ thật tuyệt vời. Một trong những nhân đức ấy, là sự khiêm nhường của Mẹ. Thánh sử Luca cho biết, khi kết thúc biến cố truyền tin, Mẹ đã đáp lại “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Trong bài ca Magnificat, Mẹ cũng nhìn nhận mình là ‘phận nữ tỳ hèn mọn’. Nơi mái ấm gia đình Na-da-rét, Mẹ đã sống âm thầm lặng lẽ phục vụ thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu. Vâng, Nữ tỳ của Chúa là người thuộc nữ giới, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, chỉ biết thực hiện mọi ý của Chúa, chứ không làm theo ý riêng. Vì thế, Mẹ đã để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời của Mẹ, trong mọi hoàn cảnh sống, Mẹ sẵn sàng phó thác tất cả cho sự quan phòng của Chúa.
Sống khiêm nhường là một nhân đức, nhưng thật là khó để tập nhân đức này. Bởi vì, mỗi người trong chúng ta vốn ‘mang gen’ kiêu ngạo, luôn tự cho mình là tài giỏi và trên hết. Càng có chức có quyền thì cái tôi càng lớn, theo đó tính kiêu ngạo cũng càng cao. Được làm ông này bà nọ thì coi mọi người chỉ là hạng thứ dân. Người có chút tài năng thì sinh tính kiêu ngạo, mang cái ‘bệnh của sao’ và coi người khác chẳng ra gì… thật vậy, ai cũng muốn sống khiêm nhường trước mặt mọi người và Thiên Chúa, vì nó là một khát vọng chính đáng, nhưng nhiều khi ta không biết cách thực hành như thế nào, vậy phải làm sao đây?
Thiết nghĩ, muốn sống khiêm nhường thì cần phải diệt cái tôi của bản thân. Cha Vincente Lebbe cho rằng, chúng ta cần phải chiến đấu với cái tôi hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, nên phải luôn đánh tôi, đánh ngã tôi, và đánh chết tôi. Nói như thế, cái tôi trong mỗi người chúng ta thật là lớn, và rất khó để diệt nó. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được cái tôi thì ta mới có thể sống khiêm nhường được. Một tâm hồn khiêm nhường thì dễ lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng đáp lại thánh ý Ngài, và rồi ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, chúng ta cùng nhau xin Mẹ luôn chở che nâng đỡ mỗi người chúng ta trên hành trình dương thế này. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết thưa tiếng xin vâng như Mẹ trước thánh ý của Thiên Chúa, và để cho thánh ý của Chúa được hoàn thiện nơi bản thân chúng ta.
Mẹ đã sống khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Noi gương Mẹ chúng ta hãy sống khiêm tốn trở nên người tôi tớ trung tín của Chúa, và phục vụ tha nhân cách chân thành. Cùng với Mẹ, ta hãy trở nên thành phần thánh thiện trong Hội thánh.