Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII thường niên C

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII thường niên C

Cựu Ước có luật: “Răng đền răng, mắt đền mắt” nghĩa là ta được quyền báo thù tương ứng với thiệt hại kẻ khác gây ra cho mình. Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mosê hay lời các ngôn sứ. Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn (Mt 5, 17)”, Chính để kiện toàn mà Chúa dạy chúng ta yêu thương kẻ thù và tránh việc báo thù như Lời Chúa trong Tin mừng hôm nay: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.”

Chúa Giêsu đề ra cách cư xử mà ngày nay chúng ta thường gọi là “bất bạo động”. Trong chiến tranh người ta thường dùng phương thế phản pháo: địch pháo kích mình thì cấp tốc mình phản pháo ngay và nếu cứ tiếp tục như vậy thì không biết đến bao giờ mới chấm dứt được!  Và nếu chiến tranh có chấm dứt đi nữa, sẽ không kể xiết được những thiệt hại cho cả hai bên nhất là khi người ta có những vũ khí tối tân như  bom nguyên tử… Ông Gandhi rất quí trọng những lời Chúa Giêsu dạy và được thấm nhuần giáo lý Phúc Âm nên ông đã đề ra đường lối tranh đấu bất bạo động cùng kiên trì theo đường lối này nên ông đã thành công đưa đất nước Ấn độ thoát khỏi chế độ thuộc địa Anh quốc và hoà giải người Ấn độ với người Hồi giáo. Ông không có sử dụng súng đạn nhưng ông chỉ dùng việc tuyệt thực, hoặc là biểu tình thôi mà vẫn thành công, không hao tốn xương máu của đồng bào ông cũng như của bên đối phương.

Chúa Giêsu hướng chúng ta tới những điều tốt đẹp. Khổng Tử dạy: “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác nhưng Chúa Giêsu dạy tích cực hơn khi Chúa nói: “Anh em muốn người ta làm  làm gì cho mình, thù hãy làm cho người ta như vậy (Lc 6,31)”. Từ tiêu cực chuyển sang tích cực và phải đi tiên phong trong việc làm điều thiện

Chúa dạy chúng ta ba cách đối lại kẻ thù là làm phúc, chúc lành và cầu nguyện cho họ trong khi khuynh hướng tự nhiên con người là muốn làm điều dữ để đối địch lại.

Trong Tin Mừng hôm nay có câu: “Ai vả má con bên này thì đưa cả má bên kia, ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong”. Chúa Giêsu đã phải trải qua trong cuộc Thương khó: bị đánh đòn, bị xỉ vả và bị lột cả áo trong lẫn áo ngoài. Nhưng Chúa cũng nêu gương khi Chúa phân định điều nào là phải lẽ, điều nào là sai trái bất công như khi đầy tớ của thầy thượng tế vả mặt Chúa, Chúa không đưa má kia cho nó vả mà Chúa đã đối lại: “Nếu Ta nói sai hãy chứng mình điều sai đó, mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta .(Ga 18, 23)”

Chúa Giêsu tỏ ra khoan dung tha thứ để đánh thức lương tâm của Giuđa khi Giuđa dẫn quân lính tới bắt Chúa, nó ra dấu hiệu: “Hễ tôi hôn ai thì chính là người ấy, hãy bắt lấy (Mc 14,48)” và lúc Giuđa tới hôn, Chúa nói: “Này bạn! bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi (Mt 26,50)”, Chúa cũng tha thứ khi chữa lành tai cho một người bị ông Phêrô chém đứt, nhất là trên Thập Giá Chúa đã tha thứ cho tất cả những kẻ đóng đinh Chúa khi cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. (Lc 23,24)”

Chúa dạy chúng ta phải biết noi gương tình yêu và lòng Thương xót của Thiên Chúa vì chúng ta là con cái Thiên Chúa. Trong năm thánh Lòng Thương xót, Giáo hội lấy câu châm ngôn “Sicut Pater” như Chúa Cha đã tha thứ cho chúng ta thì chúng ta cũng tha thứ và thương xót anh em như vậy. Chính nhờ lòng thương xót và tha thứ mà chúng ta có thể nên hoàn thiện như lời Chúa kêu gọi: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện (Mt 5,48)”

Lòng tha thứ cũng có thể giúp ta có thể  biến thù thành bạn. Khi trả thù, người ta biến mình thành ngang hàng với kẻ thù còn khi tha thứ, người ta sẽ vượt cao hơn hẳn kẻ thù. Tổng thống Abraham Lincoln nói: “khi ta biến được kẻ thù thành bạn tức là ta đã tiêu diệt được kẻ thù rồi”. Ông Đavit tuy là một người thuộc thời Cựu ước nhưng đã quảng đại tha thứ cho vua Saolê khi vua đem 3.000 quân để truy bắt ông. Ông có thể dễ dàng giết được vua khi ông tiếp cận vua đang lúc ngủ say, nhưng ông quyết không ra tay vì vua Saolê là người được tiên tri Samuel Xức dầu khi phong vương. Sự việc này khiến vua Saolê phải nể phục và khen ngợi Đavit.

Câu chuyện: Tai hại của óc báo thù: Không có gì hủy hoại sức con người bằng lòng thù hận: cừu hận là một hành động tự sát, ghét người cũng có nghĩa là ghét chính bản thân. Truyện Lã thị Xuân Thu có kể lại như sau: Một người nọ nằm mơ thấy có người đeo gươm tự dưng đi vào tận nhà mắng chửi, nhổ vào mặt, rồi bỏ đi. Giật mình tỉnh dậy, anh ta ngồi bực dọc suốt đêm không sao ngủ được. Sáng hôm sau, anh tâm sự với một người bạn: “Từ thủa nhỏ đến giờ tôi vẫn là người hiếu dũng, chưa hề bị ai làm nhục, thế mà đêm hôm qua bị đứa nào làm nhục, tôi định tìm cho kỳ được đứa ấy để trả thù, nếu tìm thấy nó rồi thì tốt, còn không, chắc tôi phải chết mất”. Từ hôm đó, cùng với người bạn, sáng nào anh cũng ra đứng ngoài đường để rình. Rình báo thù mãi không được khiến anh héo hon chết dần chết mòn.

Chúng ta nhớ lời thánh Fanxicô  Assisi trong Kinh hoà Bình: “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ” để chúng ta sống  tình yêu thương tha thứ như Chúa dạy chúng ta. Amen

Lm Phạm Hồng Thái

print