Suy Niệm Và Cầu Nguyện CN Chúa Thăng Thiên B: Vinh Quang Và Sứ Mạng

print

Vinh Quang Và Sứ Mạng

Chúa Nhật 7 Phục Sinh B. Lễ Chúa thăng thiên : Mc 16,15-20

Suy niệm

Chúng ta mừng Chúa lên trời có nghĩa là mừng Ngài được tôn vinh vì đã hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó, là hoàn tất công việc cứu độ nhân loại qua sự chết và sự Phục Sinh. Thánh Marcô chỉ ghi vắn tắt là: Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Chúa lên trời không có nghĩa là Chúa xa cách chúng ta, mà trái lại, Chúa càng ở gần chúng ta hơn. Khi xưa Ngài hiện diện hữu hình nên hạn chế mình vào một vài nơi chốn, chỉ ở gần bên với một số người. Nay Ngài hiện diện vô hình nên Ngài có thể ở với mọi người trong mọi nơi qua mọi lúc, và ở riêng với mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời mình. Với đức tin và lòng yêu mến Chúa, ta cảm nhận được điều này từ chính tâm hồn mình. Thánh Augustinô đã nhận ra và diễn đạt điều đó thật sâu xa: “Deus intimior intimo meo!” (Thiên Chúa còn thân thiết với tôi hơn cả chính bản thân tôi).

Bài Tin Mừng liên kết hai sự kiện song song: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Vì ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên trần gian mang tính phổ quát, dành tất cả mọi người. Do đó, Ngài đã trao cho các tông đồ sứ mạng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Tại sao lại loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo? Cây cối có thể nghe Tin Mừng được chăng? Khi người ta nghe theo Tin Mừng của Chúa Kitô, phải chăng tất cả vũ trụ sẽ được biến đổi? Điều này được thánh Phaolô giải thích trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… với niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rm 8,19-21).

Khi chúng ta sử dụng các thụ tạo sai cách hay trái ý Chúa, là chúng ta làm điều dữ. Khi sứ điệp Tin Mừng thay đổi con tim chúng ta, muôn loài thụ tạo cũng sẽ được hưởng nhờ. Chúng không còn bị sử dụng cho điều xấu nữa, mà được sử dụng đúng mục tiêu của chúng như chúng đã được tạo thành: một phương tiện để yêu thương và sống hạnh phúc. Sứ mạng của các môn đệ là làm việc để cho có một nhân loại mới và một thế giới mới chào đời. Đức tin chính là lời đáp trả lời rao giảng và được liên kết với phép rửa tội (Cv 2,41; 8,12…). Còn về các dấu lạ trong Hội Thánh lúc ấy, không chỉ do các tông đồ thực hiện, mà nhiều lần Thánh Thần hành động nơi và qua các thính giả (x. Cv 10,44-46).

Các dấu lạ hôm nay cũng không hẳn xảy ra cùng một cách thức như thời các tông đồ, nhưng chủ yếu là để khơi động lòng tin cho những ai muốn đón nhận Tin Mừng. Biết bao dấu chỉ lạ lùng của các Kitô hữu qua mọi thời đại mà Giáo hội không ngừng tuyên thánh. Những dấu chỉ đó là những tấm gương rạng ngời xả thân vì tình yêu tha nhân, để xây dựng công lý, hòa bình, đem lại niềm tin, an vui và hy vọng cho nhân thế. Tin Mừng được loan báo đến đâu là sự sống mới của Đức Kitô lan rộng tới đó, để đem lại ơn cứu độ cho con người.

Chúng ta được chọn gọi làm Kitô hữu cũng vì sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đọc kinh cầu nguyện hay tham dự thánh lễ cũng là để kín múc sức mạnh thiêng liêng để thi hành sứ mạng đó. Sứ mạng được thi hành dưới nhiều cách thức tùy lòng yêu mến và khả năng của mỗi người. Đặc biệt đối với giới trẻ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từng kêu gọi như sau: “Các con hãy làm nhân chứng cho đức tin của chúng con qua thế giới kỹ thuật số. Hãy dùng những kỹ thuật mới đó để truyền bá Thánh Kinh, hầu cho Tin Mừng về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa vang dội bằng những phương thức mới khắp trong thế giới…”[1]. Ước gì mỗi người chúng ta hăng say với sứ mạng mà Chúa đã trao ban với tất cả khả năng theo hoàn cảnh và bậc sống của mình.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được gọi mời thi hành một sứ vụ,
là niềm vinh hạnh để phục vụ Nước Trời,
để đời con nên nhân chứng Đức Kitô,
đem đến cho con người ơn cứu độ.

Đó cũng là ý nghĩa toàn bộ của đời con,
khi lắng nghe Chúa trong nguyện cầu,
để nhận ra các dấu chỉ của trời cao,
cho đời con trở thành lời loan báo.

Nhận ra sứ vụ của đời mình,
nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm hoặc mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn âm thầm đang mong đợi.

Có khi con sống sứ vụ như người đời,
muốn có quyền lợi và ham mê địa vị,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
hoặc làm với thái độ khoe khoang tự mãn,
nên phúc không thấy mà tội lại vương mang.

Có khi con lại sống sứ vụ rất mơ màng,
nghĩ rằng giữ đạo lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi phải nhiệt tình với sứ vụ,
nhưng đó là cách con phòng thủ biện minh,
để mình được sống an nhàn khỏi hy sinh.

Con đã quên mình trở về từ trong tội lệ,
với phẩm giá cao sang và vị thế cao vời,
để hôm nay con đáp lại lời mời cao cả,
là sống cuộc đời mình để đáp trả tình Cha.

Ước chi sứ vụ đời con là một khúc tình ca,
để góp phần đem lại an hòa cho thế giới,
để mỗi ngày thiên hạ thêm biết Cha,
Đấng là tất cả bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

===

[1] Buổi triều yết chung tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng ngày 20/5/2009.