Suy tư của linh mục Nguyễn Tầm Thường. SJ – Bài 44: Tự do

Suy tư của linh mục Nguyễn Tầm Thường. SJ – Bài 44: Tự do

 
 

 

Tôi cầu mong cho tôi được bình yên. Cuộc sống có nhiều khi vất vả, nên tôi muốn gạn lọc những giây phút muộn phiền để được thảnh thơi. Tôi muốn quên những đau buồn của ngày tháng cũ. Tôi không muốn nhớ những chua xót của một lầm lỡ, những tiếc nuối của một vụng về. Nhưng, vết thương lòng, khi tôi muốn quên lại là khi tôi càng nhớ thêm. Tôi muốn quá khứ rơi vào vùng biệt tích hư vô, nhưng quá khứ vẫn buông cánh đậu xuống đời tôi những đám mưa buồn.

Tôi cầu mong cho tôi được bình yên. Nhưng cuộc sống hôm nay xô đẩy tôi vào nỗi lo âu của ngày mai. Những công danh chưa toại nguyện. Những mộng đời đang dệt dở dang. Những tình yêu có khi đang nhen nhúm hé nụ, có khi đang mong manh. Hồi hộp và băn khoăn, đợi chờ và bấp bênh là những đám mây đen phủ đi vùng trời thảnh thơi. Tương lai là một vòng kẽm gai vô hình làm héo úa nỗi vui của tôi.

Tôi sống trong hiện tại mà bị giăng mắc bởi lo âu về tương lai. Bị ràng buộc vì ám ảnh của quá khứ. Như thế, tôi có tự do của thân xác cũng chưa hẳn đã có tự do của tâm hồn.

Trở về với tôn giáo. Tôi nghe tiếng vọng từ nghìn năm trước và vẫn là lời kinh cầu hôm nay. “Trời cao ơi, hãy đổ sương xuống. Ngàn mây hỡi, hãy mưa vị cứu tinh”. Nói đến vị cứu tinh là nói đến nô lệ. Đề cập đến giải thoát là hàm chứa tù đày. Như vậy, mục đích đạo của tôi là đi tìm tự do?

Tự do của thân xác không đồng nghĩa với tự do của tâm hồn. Xét như vậy thì tự do cao cả quá. Tự do là yếu tố xác định tình yêu. Tự do là giấc mơ hạnh phúc. Tự do đi vào mức độ sâu xa căn bản của đạo. Tôi biết, những gì càng cao cả thì càng khó khi nói tới. Tự do liên hệ đến tình yêu, tự do là chiều sâu thẳm của tôn giáo. Tôn giáo và tình yêu là những vấn đề mênh mông. Mà những gì càng mênh mông thì khi nói đến lại càng hay có nhiều thiếu sót.

Bởi vậy, những gì tôi viết ở đây chỉ là những suy tư của một người đang đi tìm con đường giải thoát. Có thể là tìm thấy rồi nhưng chưa đủ nghị lực lên đường. Có thể là lên đường nhưng chưa trọn vẹn tìm được tự do. Vì thế, những gì tôi viết ở đây, suy tư cũng là ưu tư.

Tự do có phải là thoát mọi ràng buộc, có phải là không để cho một năng lực nào ảnh hưởng trên những quyết định chọn lựa của tôi? Nếu hiểu như thế thì tôi không bao giờ có thứ tự do này. Là một hữu thể giới hạn được đặt vào trong một thế giới chằng chịt những liên hệ với những hữu thể khác. Liên hệ giữa tôi với người chung quanh. Giữa tôi với vũ trụ. Giữa tôi với chính tôi. Tôi không hiện hữu độc lập nên tôi không bao giờ có tự do tuyệt đối độc lập. Sự sống của tôi đến từ một sự sống khác. Vì thế, có cùng liên hệ tới sự sống khác. Nếu chỉ vì một lầm lỡ của tha nhân gây bất bình cho tôi mà tôi chối từ tất cả, gọi là “để sống tự do một mình”. Thì tôi chỉ nghèo nàn hóa đời tôi chứ tôi cũng chẳng thể thoát khỏi được những ràng buộc vô hình. Tôi muốn có sức khỏe nhưng làm sao tôi tránh được cảm lạnh của mùa đông, chiều sương ảm đạm của mùa thu? Tôi không thể tránh được mọi ảnh hưởng của vũ trụ, để gọi là “sống tự do một mình”. Tôi bị chi phối và luôn luôn bị chi phối. Rồi còn chính tôi. Đã bao lần không đồng ý với mình, mà nào tôi có thoát được chính mình. Như vậy, chối từ mọi ràng buộc để đi tìm tự do tuyệt đối là trở thành hư vô.

Chỉ Thiên Chúa, Ngài là hữu thể vô giới hạn, Ngài không sống trong tự do nhưng Ngài là tự do. Ngài không bị ràng buộc, nên Ngài mới có tự do tuyệt đối này.

Tôi là hữu thể bất toàn nên tôi chỉ có tự do tương đối. Thứ tự do trong đó có những ràng buộc liên hệ. Thứ tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm mà chỉ có nghĩa làm những gì xây dựng thêm giá trị cho sự hiện hữu của tôi và những hiện hữu chung quanh tôi.

Nói đến tự do, người ta thường nghĩ ngay đến khả năng chọn lựa. Chọn thì có thể chọn đúng, có thể chọn sai. Sai, lại có nhiều thứ sai khác nhau. Có thứ sai ít, có thứ sai nhiều. Có thứ sai người ta có thể làm lại được. Có thứ sai một lần là mãi mãi mang niềm tủi hận. Đi lộn một khúc đường thì mất giờ đi lại. Nhưng đi lộn lý tưởng cuộc sống là mất cả cuộc đời. Mua lầm cái áo thì tôi có thể mua cái khác. Cưới lầm một tình yêu thì vấn đề lại khác rồi. Nhưng cái sai lầm lớn nhất là chối từ Chúa. Nếu trước giờ chết mà tôi vẫn xa Ngài thì tôi sẽ vĩnh viễn đi về cô đơn mà chẳng bao giờ có thể làm lại được. Đấy là thảm cảnh của tự do trong vấn đề chọn lựa.

Sống là đi tìm hạnh phúc. Chọn lựa sai lầm là làm hao mòn hạnh phúc đó. Vì thế, khi biết giữa cái sai và cái đúng thì người ta không còn tự do để chọn cái sai mà phải chọn cái đúng. “Ngài chính là Thần Khí, nơi đâu có Thần Khí của Chúa thì có tự do” (2Cor 3,17). Bởi đó, tự do chân chính là định hướng cuộc sống đi tìm sự thật, tìm Chúa.

Tội và đam mê đối nghịch với Thần Khí của Chúa nên nơi nào có tội thì không có tự do. “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rom 6,23). Con đường của đam mê dẫn tới băn khoăn và lo âu. Tôi nhớ tới Yuđa. Có lẽ Yuđa là con người cô đơn nhất. Yuđa không bị bắt như Phêrô. Yuđa có tự do, nhưng tâm hồn Yuđa là một cõi vắng mênh mông, là lo âu chập chùng. “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rom 6,23). Câu chuyện người thanh niên giàu có cũng nói rõ giá trị chọn lựa của tự do.

– Thưa Thầy, tôi phải làm gì để nên trọn lành?

– Hãy cho hết những gì ngươi đang có, rồi đến theo Ta.

Nghe xong, người thanh niên buồn bã, lặng lẽ bỏ đi (Mt 18,21-22).

Anh có một giấc mơ nhưng anh chẳng bao giờ đạt được. Anh có một chân trời để đi tới, nhưng anh không bao giờ lên đường nổi. Có lựa chọn là có từ bỏ. Từ bỏ nào cũng có chiến đấu. Vì thế, tự do không phải là sự giải thoát tự nhiên mà có. Bình an của tự do là một cuộc chiến đớn đau. “Xác thịt có đam mê chống lại thần khí. Thần khí chống lại xác thịt. Khiến anh em không thể hễ muốn gì là làm được” (Gal 5,17).

Đam mê và tội lỗi là một thứ mật ngọt ngào. Đam mê đẹp như lời mời êm ái. Trong đời có nhiều vất vả, có lắm lúc thiếu vắng hạnh phúc, nên tôi bước xuống, gặm những đám cỏ xanh mà không nhìn thấy đám cỏ mọc trên vũng bùn. Khi đam mê đã trở thành căn nhà rồi thì ngại ngùng từ bỏ nó. Bởi, nếu tôi nêu lên vấn đề là chạm tới cả một cuộc chiến. Cuộc chiến của lựa chọn. Nhiều khi biết mình phải chọn gì. Tìm con đường mình phải đi không phải là điều khó. Nhưng có lên đường về chân trời mơ ước của lý tưởng không, đấy mới là thảm cảnh bi đát và hùng tráng của một tâm hồn. Mới là lằn mức xác định giá trị. Mới là hoa trái của tự do hay là bất hạnh của tự do. Đức Kitô đã chỉ cho người thanh niên con đường của tự do là theo Ngài. Nhưng người thanh niên buồn bã, lặng lẽ bỏ đi.

“Tội ngự trong thân xác chết dở của tôi khiến tôi phải theo nó” (Rom 6,2). Như vậy, làm sao tôi có thể cất bước lên đường. Trong cái đêm tối của yếu đuối, giữa niềm thao thức đi về một nẻo sớm mai có nắng reo vui, có an hòa của cõi lòng. Trong cái chán nản của linh hồn giữ bóng tối. Phaolô đã tự hỏi như một lời kinh thầm lặng tự thú nỗi đau thương bất lực của mình: “Vô phúc thay con người tôi, ai sẽ giải cứu tôi khỏi cái xác chết này?”

Tôi không đi tìm tự do chỉ vì tự do. Trong tự do tôi kiếm tìm bình an. Bình an của tự do là được đi về vùng trời mơ ước, không bị đam mê bắt quay về mảnh vườn mà tôi không muốn. “Tội ngự trong thân xác chết dở của tôi khiến tôi phải nghe nó”. Vậy, “ai sẽ giải cứu tôi khỏi cái chết này?” Qua Phúc Âm thánh Yoan, Chúa đã trả lời cho Phaolô, và cũng cho ta: “Nếu ta cho ngươi tự do thì các ngươi mới đích thực tự do” (Yn 8,36). Như vậy, hạnh phúc của tôi là sống trong tự do mà Chúa ban.

Tự do của Chúa là gì?

Thực sự Chúa không có tự do, nhưng Ngài là tự do. Vì Ngài là tự do nên tôi không thể có tự do mà lại không có Ngài. Chúa không có tình yêu nhưng Ngài là tình yêu. Khi nói có là nói ai có và có cái gì. Nói đến liên hệ giữa hữu chủ và vật sở hữu. Thiên Chúa là tất cả, không có gì hiện hữu độc lập ngoài ơn sủng của Ngài. Thiên Chúa không Có, nhưng Thiên Chúa Là. Vì chính Ngài là hạnh phúc nên tôi không thể có hạnh phúc mà lại không thuộc về Ngài.

Nếu Chúa chỉ cho tôi một món quà thì tình yêu ấy chưa phải là tình yêu tuyệt hảo. Cho một món quà chưa phải là cho tất cả. Ngài là tình yêu, nên khi cho tôi tình yêu thì Ngài cho tôi chính Ngài. Nếu Ngài cho tôi một món quà thì tôi cũng có thể đáp lại bằng một món quà khác. Nhưng Ngài cho tôi chính Ngài thì tôi không thể lấy gì đại diện để cám ơn Ngài. Tình yêu sâu thẳm hay hờ hững hệ tại cho đi nhiều hay ít. Những gì đại diện thì không thể nói được là tất cả. Chính vì thế, tôi không thể nói: Lạy Chúa, con xin dâng hiến tất cả, trừ điều này. Con xin hiến dâng tất cả, ngoại trừ điều kia.

“Thành quả thu lượm được nơi Ngài là tự do, có sức thánh hóa” (Rom 6,22). Những gì tôi giữ lại cho riêng tôi, chẳng làm tôi nên giàu có mà chỉ cản tôi về với tự do có sức thánh hóa đó.

Tôi biết thế, nhưng đường về tự do không dễ. Lời vẫy gọi của đam mê thì gợi cảm, ngay bên tôi, ở trong tôi. Tiếng gọi của niềm tin thì vô hình. Vất vả để lắng nghe, nhưng còn gian nan hơn nếu chấp nhận theo tiếng gọi, vì niềm tin không bao giờ nhượng bộ. Đã hơn một lần trong đời, tôi hỏi Ngài:

– Thưa Thầy, con phải làm gì để được tự do?

Ngài cũng chỉ đáp:

– Hãy bỏ tất cả những gì thuộc về ngươi rồi theo Ta.

Tôi thấy bâng khuâng và thao thức vì bóng hình người thanh niên thuở xưa. Chàng thông minh. Chàng đã nhìn thấy một vùng trời biển rộng. Chàng mơ ước đi về vùng biển rộng có gió ngàn tự do đó. Nhưng chàng đã chẳng bao giờ tới nơi.

Lm Nguyễn Tầm Thường

 Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc
print