Suy tư TM Chúa nhật Lễ Lá: Tôn thờ một Thiên Chúa chịu đau khổ
Nhiều bạn ngoài Công giáo cảm thấy sốc khi bước vào một nhà thờ, cũng như ngôi nhà của người Công giáo, vì hình ảnh đầu tiên đập vào mắt họ là tượng Chúa chịu nạn. Các bạn ấy không hiểu: tại sao người Công giáo lại tôn thờ một hình tượng ghê rợn, một người chịu chết treo trên thập giá?
Thông thường ở đời, người ta tung hô và ngưỡng mộ các anh hùng, những người thành công và chiến thắng… chứ ai tôn thờ một kẻ thất bại, bị nhiều người ghét bỏ và chết tủi nhục! Có lẽ, bạn và tôi cũng cảm thấy một chút hãnh diện và tự tin khi nói về, và tôn thờ một Thiên Chúa oai hùng: Ngài ở trên thiên đàng, ngự trên tòa cao sang và có các thiên thần hầu cận, hơn là tôn thờ một Thiên Chúa chịu đau khổ và chết tức tưởi trên thập giá!
Thú thật, nếu nhìn theo con mắt của người đời, thì không dễ hiểu và chẳng dễ chấp nhận việc tôn thờ một Thiên Chúa chịu nhiều đau khổ! Nhưng khi chiêm ngắm và suy ngẫm từng bước chân của Đức Giê-su trong cuộc thương khó, bạn và tôi sẽ kính phục trước sự thánh thiện và khiêm nhường của Thiên Chúa.
Khi trò chuyện với các bạn trẻ, tôi thấy rằng nhiều người chưa hiểu đúng về cuộc thương khó của Đức Giê-su. Điều thứ nhất. Đôi khi, chúng ta quá nhấn mạnh đến những đau khổ Đức Giê-su phải chịu, mà bỏ qua những điều quan trọng và thâm sâu hơn ẩn chứa ở đó. Đúng là các tác giả Tin Mừng có ghi lại một số khổ hình mà Đức Giê-su phải chịu: bị đánh đòn, bị trói, và nhiều đau đớn thể xác…chắc hẳn, thực tế những gì Ngài phải chịu khủng khiếp hơn nhiều! Thánh sử Mác-cô chỉ tóm gọn trong một câu: “Họ dẫn Ngài đi và đóng đinh Ngài vào thập giá”[1]. Nhưng điều quan trọng hơn, các tác giả Tin Mừng muốn nhấn mạnh rằng, trong tất cả những sự kiện ấy, Đức Giê-su đơn độc, bị hiểu lầm, bị cô lập, và không có sự trợ giúp nào cả! Có lẽ, nỗi đau đớn nhất không phải là những cực hình thể xác, nhưng là nỗi thống khổ trong tâm hồn của một người yêu – một người có trái tim cực kỳ nhạy cảm, yêu thương, thấu hiểu, ấm áp, khao khát được ôm lấy mọi người, nhưng thay vào đó lại thấy mình bị hiểu lầm, cô đơn, bị cô lập, bị căm ghét, bị hành hạ, phải đối mặt với án tử hình.
Điều thứ hai. Là Kitô hữu, bạn và tôi tin rằng Đức Giê-su đã trao ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có, cả đời sống lẫn cái chết của Ngài. Nhưng, chúng ta lại thường không phân biệt được giữa hai điều này. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm[2], chúng ta có thể nhận thấy hai cách thế riêng biệt: Đức Giê-su trao ban đời sống của Ngài cho chúng ta theo một cách tích cực và chủ động hành động, còn cái chết của Ngài, thì Ngài trao ban cho chúng ta ở thể bị động. Nói một cách dễ hiểu, tất cả mọi chuyện trước khi Đức Giê-su bị bắt trong vườn Giết-sê-ma-ni, Ngài chủ động thực hiện: rao giảng, dạy dỗ, làm các phép lạ, an ủi dân chúng…; phần còn lại là cuộc thương khó, từ khi Ngài bị bắt, tất cả mọi động từ đều chuyển sang thể bị động: bị lôi đi, bị đánh đòn, bị sỉ nhục… và cuối cùng là bị đóng đinh vào thập giá. Khi chiêm ngắm sự trao hiến của Đức Giê-su cả ở thể chủ động và thể bị động[3], chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong cuộc thương khó của Ngài. Bạn và tôi sẽ ngưỡng mộ trước sự khiêm nhường tột cùng của một Thiên Chúa yêu thương chịu đau khổ[4]. Ngài đã hạ mình bước xuống nơi thấp nhất để ở với con người, và nâng chúng ta lên cuộc sống mới với Ngài.
Bước vào tuần thánh, bạn và tôi được mời gọi: hãy quảng đại mở lòng và đi cùng với Đức Giê-su trong cuộc thương khó[5]; hãy để Ngài tỏ lộ cho chúng ta biết sống cuộc thương khó của riêng mình. Bạn và tôi được mời gọi bắt chước cách hành xử của Ngài: không đi theo con đường của sự dữ – cay đắng, hận thù, hay giận dữ, nhưng đi theo con đường của sự thiện – tình yêu, tin tưởng và tha thứ. Chính tình yêu và lòng nhân từ của Đức Giê-su đã biến con đường thập giá hận thù thành con đường tình yêu, và ngày thứ sáu xấu xa tội lỗi trở thành ngày thứ sáu tốt lành thánh thiện.
Khi chiêm ngắm và suy ngẫm về một Thiên Chúa chịu nhiều đau khổ, là con cái của Thiên Chúa, bạn và tôi không nên né tránh những gì Đức Giê-su đã phải chịu đựng. Thay vào đó, chúng ta mạnh dạn cầu xin Ngài ban ơn can đảm đối diện và dám bước vào cuộc thương khó của riêng mình. Nếu bạn càng bước theo sát Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn, thì bạn càng nhận được phương dược chữa lành cho mọi đau khổ của mình.
Khi sống gắn bó mật thiết với Đức Giê-su trên con đường thương khó, bạn và tôi sẽ cảm nếm một sự thật: sự sống và tình yêu được trao ban không chỉ trong những gì chúng ta làm cho người khác, nhưng có lẽ thâm sâu hơn, còn là trong những gì mà chúng ta tự nguyện hy sinh nhận lấy, đôi khi phải chấp nhận trong sự bất lực vì thân phận con người và không còn chọn lựa nào khác – là một người hoàn toàn bị động. Nếu bạn và tôi dám đối diện với những sự bất lực đó như cách thức mà Đức Giê-su đã làm: dùng tin yêu, phó thác và tha thứ để chiến đấu với hận thù và bạo tàn, thì đời sống của chúng ta sẽ trở nên món quà và sinh nhiều hoa trái.
Trong tuần thánh, mỗi người mạnh dạn và chân thành tự hỏi chính mình: Tôi có khao khát bước theo Đức Giê-su khổ nạn, hay tôi chỉ muốn bước theo Đức Giê-su vinh quang? Nếu tôi thấy sợ và chưa có được khao khát này, thì hãy tha thiết xin cho con có được ơn khao khát ấy!
Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
—
[1] Xem Mc 15,20b.
[2] Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca.
[3] Từ Passion được dịch là Thương khó. Từ này có gốc là tiếng La tinh passio có nghĩa là bị động, hay thụ động. Từ bệnh nhân patient cũng có gốc từ passio. Có thể hiểu, trình thuật Thương khó mô tả lại sự bị động của Đức Giê-su. Ngài trở nên bị động, giống như một người bệnh nhân phải gánh chịu một căn bệnh.
[4] Trong bài ca Người Tôi Tớ: “Bị Ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7).
[5] Tin Mừng Chúa Nhật lễ Lá Năm B (Mc 14,1 – 15,1-3).