Giới thiệu quyển Tân Phúc Âm hóa Đời sống cộng đoàn – Cha Ant Đồng

print

TÂN PHÚC ÂM HÓA

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

  1. Dẫn nhập.

Tôi bị đột qụy ngày 16 – 04 – 2022  phải vào bệnh viện Hoàn Mỹ cấp cứu. Nằm 18 ngày trong phòng hồi sinh 5 người, chật chội và ồn ào suốt ngày, ăn ngủ khó khăn, nằm giường bệnh nhìn trần nhà trắng để vô nước và thuốc, không thể đọc kinh đọc sách…tôi nhớ đến lần đột qụy trước vào 25-7-2020, không phải đi bệnh viện, nằm bất tỉnh ở phòng nhà hưu 2 tiếng, từ 7 giờ đến 9 giờ tối rồi tỉnh lại và tiếp tục sống, vì Chúa chưa cho chết, và tôi không biết để sống làm gì. Đến tháng 11 – 2020 dịp cấm phòng năm sách tĩnh tâm linh mục Cần Thơ cho biết tôi mừng Ngọc Khánh linh mục 20 – 05 – 2021. Cha Giuse Nguyễn Bá Long và một số tiểu chủng sinh Á Thánh Quý đề nghị tôi mừng Ngọc Khánh bằng cách in một tuyển tập bằng các bài viết của tôi để làm kỷ niệm. Tôi nghĩ có lẽ Chúa còn cho tôi sống để mừng Ngọc Khánh, nên chấp thuận in tuyển tập, được 1000 cuốn, tặng quý cha Giáo Phận Cần Thơ, Tặng quý cha Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế, các cựu chủng sinh Thánh Quý Cái Răng, và một số ít tặng bổn đạo họ Trà Cú, cũng như họ đạo Trung Hải.

Thế rồi ngày 16 – 04 – 2022 tôi lại bị đột quỵ bất tỉnh, phải vào bệnh viện Hoàn Mỹ cấp cứu và nằm 18 ngày để được vô nước biển và thuốc, nhưng ăn ngủ thì không yên. Tôi năn nỉ bác sĩ cho xuất viện sớm nhưng phải đút 1 stent vào tim mới được về Nhà Hưu để ăn ngủ và bồi dưỡng.

Bất ngờ tôi được cha Matthêu Hoàng Đình Ninh đến thăm và vác một thùng quà lớn tôi thấy là thùng mì ăn liền A-One, tôi nghĩ để giúp tôi “ăn trả bữa”. Nhưng không phải vậy, cha Ninh nói với tôi rằng cha mang một thùng sách đến tặng tôi, thùng có 26 cuốn sách của cha Giuse Đỗ Văn Thụy mới tặng ngài, và ngài biết tôi rất thích sách và nhất là sách viết về Tân Phúc Âm Hóa. Rồi tôi mở thùng sách để khám phá thì thấy dán ở mặt thùng tờ giấy: Bộ sách Tân Phúc Âm Hóa (26 quyển) dưới đây là danh sách đầu đề 26 quyển:

  1. Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Cộng Đoàn
  2. Tân Phúc Âm Hóa Cuộc Sống Đời Thường
  3. Tân Phúc Âm Hóa Nóng Giận
  4. Tân Phúc Âm Hóa Thời Gian
  5. Tân Phúc Âm Hóa Đam Mê Lạc Thú
  6. Tân Phúc Âm Hóa Tiền Của
  7. Tân Phúc Âm Hóa Danh Vọng
  8. Tân Phúc Âm Hóa Quyền Lực
  9. Tân Phúc Âm Hóa Quyền Bính
  10. Tân Phúc Âm Hóa Lòng Sám Hối
  11. Tân Phúc Âm Hóa Lòng Thương Xót
  12. Tân Phúc Âm Hóa Lòng Tha Thứ
  13. Tân Phúc Âm Hóa Đau Khổ
  14. Tân Phúc Âm Hóa Cuộc Sống Ngang Qua Cái Chết
  15. Tân Phúc Âm Hóa Lòng Nhân Hậu
  16. Tân Phúc Âm Hóa Thất Bại
  17. Tân Phúc Âm Hóa Thử Thách
  18. Tân Phúc Âm Hóa Tĩnh Lặng
  19. Tân Phúc Âm Hóa Cô Đơn
  20. Tân Phúc Âm Hóa Niềm Tin
  21. Tân Phúc Âm Hóa Niềm Vui
  22. Tân Phúc Âm Hóa Các Đường Lối Phúc Âm Hóa
  23. Tân Phúc Âm Hóa Các Cộng Đồng Cơ Bản
  24. Tân Phúc Âm Hóa Sống Đời Chứng Nhân
  25. Tân Phúc Âm Hóa Hội Nhập Văn Hóa
  26. Tân Phúc Âm Hóa Truyền Thông Để Loan Báo Tin Mừng.

Tôi đã ghi toàn bộ để độc giả thấy tất cả những vần đề mà cha Thụy quan tâm, những vấn đề rất thực tế trong đời thường.

Trước món quà như kho tàng kiến thức, tôi chọn mấy quyển có đề tài hấp dẫn thiết thực nhất, như:

  1. Tân Phúc Âm Hóa đời sống cộng đoàn
  2. Tân Phúc Âm Hóa đam mê lạc thú
  3. Tân Phúc Âm Hóa cuộc sống ngang qua cái chết.

Tôi thấy các sách được in rất đẹp, bìa có hình màu phù hợp với nội dung, quyển dày nhất là 431 trang, mỏng thì trên 200 trang, quyển nào cũng có tài liệu tham khảo văn kiện Tòa Thánh, các sách, Anh, Pháp, Việt, La Tinh, đạo đời, quyển nhiều nhất là 110 tài liệu tham khảo. Tất cả chứng tỏ tác giả đã làm việc công phu. Đọc lướt qua mấy quyển đã chọn, tôi chọn giới thiệu quyển 1, Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Cộng Đoàn.

  1. Giới thiệu quyển Tân Phúc Âm Hóa đời sống cộng đoàn.

Để giúp ta hiểu việc Tân Phúc Âm Hóa (TPAH) đời sống cộng đoàn, tác giả ngay từ trang bìa đã trình bày hình màu: “Đàn chim bay theo đội hình chữ V”. Cứ đến khi mùa thu sang và mùa đông chuẩn bị về thì đàn chim lại bay từ Phương Bắc về Phương Nam để tránh rét và tìm thức ăn. Chúng thường bay theo đội hình chữ V. Con đầu đàn bao giờ cũng khỏe nhất và bay ở đỉnh chữ V. Con càng khỏe càng phải bay gần đỉnh chữ V hơn. Khi con chim đầu đàn cảm thấy đuối sức, nó sẽ bay lui về một bên và con chim khác sẽ tự động bay lên thay thế vị trí dẫn đầu. Theo các nhà khoa học giải thích, có hai lý do để chúng bay theo đội hình chữ V: Thứ nhất để tiết kiệm năng lượng, bởi vì khi chim vỗ cánh sẽ làm khấy động tạo ra một luồng không khí làm sức đẩy cho chim bay sau. Khi bay theo đội hình, chim sẽ bay nhanh hơn khi chim bay một mình 71%; thứ hai để dễ liên lạc và giúp đỡ nhau. Các chim sau dễ thấy các chim trước, không sợ bị lạc đàn, và khi chim đầu đàn dừng để tìm thức ăn, hoặc khi có chim bị mệt hay đau ốm thì một vài con sẽ rời đàn bay theo bảo vệ bạn mình, khi khỏe sẽ cùng tiếp tục lên đường. Chuyện đàn chim theo bản năng để bay theo đàn sinh sống, đáng cho con người chúng ta vừa có bản năng vừa có trí tuệ phải suy nghĩ.

Kitô hữu chúng ta phải suy nghĩ gì?

Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế làm người để loan báo Phúc Âm  của Thiên Chúa, là Tin Mừng Thiên Chúa cứu chuộc loài người, tới nay là 21 thế kỷ, thế mà loài người chưa đón nhận Phúc Âm trọn vẹn, bằng chứng là chiến tranh thế giới, và Giáo Hội Chúa Giêsu phải họp Công Đồng Vatican II để canh tân Giáo Hội (1963-1965), đức giáo hoàng Phaolô VI công bố phải Phúc Âm Hóa (1967); đức giáo hoàng Phanxicô quyết định phải Tân Phúc Âm Hóa (2012) và nay đang tổ chức để giáo hội Hiệp Hành. Cha Giuse Thụy theo giáo hội để suy nghĩ và để soạn sách “Tân Phúc Âm Hóa đời sống cộng đoàn” được cha tóm lược như sau:

Con người ta ai cũng phát xuất từ một cộng đoàn nhỏ, là gia đình, lớn là xã hội và nhân loại, ai cũng mong được sống sung sướng và hạnh phúc nhưng hạnh phúc luôn bị đe dọa bởi những lời nói và xét đoán thiếu yêu thương. Những cái thiếu yêu thương lại xuất phát từ lòng ghen tị. Muốn sống hạnh phúc phải Tân Phúc Âm Hóa đời sống cộng đoàn. Muốn sống cộng đoàn phải Tân Phúc Âm Hóa lời nói và xét đoán. Muốn Tân Phúc Âm Hóa lời nói và xét đoán phải Tân Phúc Âm Hóa lòng ghen tị, muốn Tân Phúc Âm Hóa lòng ghen tị phải có sự thinh lặng nội tâm cá nhân và cộng đoàn.

Sau đây ta khai triển công việc của ngài.

II.1. Tân Phúc Âm Hóa – Cần hiểu cho đúng thế nào là Tân

Phúc Âm Hóa. Tác giả cho biết: Tân Phúc Âm Hóa không phải là làm lại cái gì mình đã làm không đầy đủ hay không đạt được mục đích, cũng không là lại tiếp tục cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất hay đơn giản là lặp lại quá khứ. Tân Phúc Âm Hóa là việc dũng cảm mở ra những con đường mới đáp ứng những hoàn cảnh và điều kiện mới mẻ của sân khấu xã hội hôm nay mà giáo hội đang đối diện. Việc Tân Phúc Âm Hóa là công việc tương giao giữa hai bên: Một bên là Thiên Chúa, một bên là con người. Thiên Chúa sáng tạo con người để chia sẻ hạnh phúc cho con người, con người muốn được thì phải tự nguyện đón nhận ý Thiên Chúa. Con người đã không đón nhận. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn muốn con người hạnh phúc nên sai Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa xuống trần gian, để loan báo tin Thiên Chúa muốn cứu chuộc, là Tin Mừng, là Phúc Âm, để con người lại có thể làm con Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã lập Giáo Hội gồm 12 tông đồ để tiếp Ngài loan báo Phúc Âm. Như vậy chỉ khi nào Phúc Âm đích thật của Chúa được loan báo cho con người, và con người tự nguyện sống theo thì việc loan báo Phúc Âm mới thành đạt. Thần học gọi đó là Phúc Âm của Chúa giao thoa (gặp gỡ, kết hiệp) với ý muốn tự do sống theo của con người thì con người trở thành Kitô hữu đích thực là con cái Thiên Chúa. Do đó, nhìn vào lịch sử giáo hội từ đầu cho đến nay, tác giả phân chia hai loại Kitô hữu: Kitô hữu đích thực, và Kitô hữu hữu danh vô thực. Kitô hữu đích thực thì tự nguyện tin theo và sống Phúc Âm của Ngài, đi theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cộng đoàn giáo hội. Kitô hữu hữu danh vô thực thì theo và giữ đạo bề ngoài, theo thói quen, không có lòng tin dấn thân cho Phúc Âm, bị lôi cuốn theo xã hội tục hóa, nhất là từ đầu thế kỷ 20, công nghệ, kỹ thuật số, vi tính, điện tử, nguyên tử… phát triển rất mau, hấp dẫn mọi người xa rời Phúc Âm, Giáo hội phải đối phó rất khó khăn vất vả  nhờ các Công Đồng, như Công Đồng Vatican II nhấn mạnh đến hiệp thông với Chúa Giêsu, với Chúa Thánh Thần; Đức giáo hoàng Phaolô VI cổ võ việc Phúc Âm Hóa (từ năm 1967); Đức Phanxicô tiến tới việc Tân Phúc Âm Hóa (2012) và đang tiến tới một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp thông và tham gia vào sứ vụ loan báo Phúc Âm.

II.2. Đời sống cộng đoàn. Cần nắm vững sự cần thiết và lợi ích của cộng đoàn.

Nói đến cộng đoàn, ta thường nghĩ đến cộng đoàn các dòng tu, nhưng cộng đoàn bao gồm nhiều thứ, nhỏ như gia đình, lớn như hiệp hội, xã hội, nhân loại… dù sống trong cộng đoàn nào, nhỏ hay lớn, đạo hay đời, mọi người trong cộng đoàn phải xây dựng một tương quan với nhau, các nhà xã hội học gom lại 12 loại tương quan: 1 là tương quan đối lập, 2 là đối nghịch, 3 là gây chiến, 4 là băng nhóm, 5 là độc quyền, 6 là cô lập, 7 là lạnh lùng, 8 là lãnh đạm, 9 là ổn định giả tạo, 10 là hình tròn theo chức vụ, 11 là giữa hai người, 12 là do truyền thông và lý tưởng. Qua những tương quan phức tạp, ta dễ nghĩ cộng đoàn có thể là nơi khủng khiếp gây nên những kinh nghiệm đau thương, cũng có thể là nơi để tập sống và phát triển. Hai mối nguy hiểm của cộng đoàn là người ta dễ kết thân với những người giống mình (similis similem quaerit) để làm bạn, và cũng dễ có ác cảm với người luôn bất đồng, cản trở, công kích, chống đối, ghen tuông, đòi hỏi quá nhiều… đây lại là điều tự nhiên, trong cộng đoàn mọi người phải tập chấp nhận nhau là bạn cũng như thù, đây là hành trình lâu dài. Chúa Giêsu dạy ta rất rõ: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét mình, hãy chúc lành cho những người nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho những người vu khống cho anh em” (Lc 6,32).

Ngày nay người ta đưa ra 90 định nghĩa về cộng đoàn, theo đời tu, theo giáo luật, theo xã hội, theo nhân chủng… ở đây tác giả đưa ra một định nghĩa: cộng đoàn là một tập hợp các cá nhân cùng hoạt động cùng có quan hệ với nhau, xung quanh một cùng đích chung, để sống và chia sẻ những giá trị của Phúc Âm”. Cộng đoàn được so sánh như một thân thể, có nhiều bộ phận liên đới với nhau, mỗi bộ phận đóng một vai trò, một đặc sủng, một mắt xích luôn móc nối giúp đỡ nhau, nhưng trước hết mỗi người phải sống tương quan với Chúa Cha, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần. Mỗi người có thể là một người bình thường với công việc nhỏ bé, là một người thầm lặng nhạy cảm đầy yêu thương, một người sống bên lề cộng đoàn, một người già không chấp nhận người trẻ, một người già với tâm hồn trẻ thơ tỏa sáng cho cộng đoàn… vì thế xãy ra nhiều vần đề trong cộng đoàn: nhiều người sống khiêm nhu theo tinh thần các mối phúc, có người sống căng thẳng xung đột rắc rối, có cộng đoàn khó nghèo, cộng đoàn giàu có, trong cộng đoàn còn vấn đề giải trí, lao động chân tay. Ngoài ra còn vấn đề quyền bính: Trước Công đồng Vatican II quyền bính trong Giáo hội theo hình “Kim tự tháp” trên chóp là bề trên, ở dưới là bề dưới phải vâng lời và xin phép trong mọi sự, ít có đối thoại… Sau Công đồng Vatican II, hình tròn đồng tâm được đưa vào cộng đoàn, Chúa Giêsu là tâm điểm, bề trên là đại diện, mọi người sống hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, hiệp thông với nhau trong khiêm tốn để phục vụ trong chân lý. Quyền bính của nhà lãnh đạo phải phục vụ công ích trong cộng đoàn, biết tha thứ kiên nhẫn vì sự chậm trễ của cộng đoàn, tham khảo ý kiến mọi người, lắng nghe những người trẻ, tránh tự mãn, ghen tị… cần ý thức những khó khăn ở Việt Nam ít được đào tạo để làm việc theo ê kíp (nhóm) và phải mất nhiều thời gian mới có được “tấm lòng tận tụy, thái độ bao dung, và tình yêu thương gắn kết với nhau”. Vậy muốn cộng đoàn được sống hạnh phúc, phải Tân Phúc Âm Hóa đời sống cộng đoàn bằng Tân Phúc Âm Hóa lời nói và xét đoán đối với nhau.

 

II.3. Tân Phúc Âm Hóa lời nói và xét đoán.

Bất kỳ một cộng đoàn nào cũng đều được hình thành bởi những người có cả mặt tốt và mặt xấu. Chúng ta được sinh ra với đôi mắt, đôi tai, đôi vai, đôi tay, đôi chân, và một cái miệng. Nhưng từ một cái miệng mà phát xuất ra những lời nói và xét đoán tốt đẹp hoặc thiếu tình thương, không phù hợp với Phúc Âm Chúa, mà ta cần phải Tân phúc Âm hóa để xây dựng cộng đoàn.

II.3.1 Lời nói trong cuộc sống. Tác giả chia hai loại: lời nói tích cực và lời nói tiêu cực.

Lời nói tích cực: bao gồm những lời nói thật “có nói có không nói không”, đúng với chân thiện mỹ “sự thật sẽ giải thoát các con” (Ga 8,32), những lời nói xây dựng làm ấm lòng, xua tan mây mù, những lời nói khích lệ, động viên, khen ngợi, những câu chuyện minh họa

Lời nói tiêu cực: bao gồm những lời nói dối, khoe khoang, khoác lác, những lời nịnh hót, bốc thơm “thượng đội hạ đạp”, những lời châm chọc “đâm bị thóc thọc bị gạo” có ý gây chia rẽ, những lời “suy bụng ta ra bụng người”, những lời vu khống, những lời la lối kiểu “cả vú lấp miệng em”…

Hậu quả của lời nói tiêu cực, là làm mất giá trị người nói, có khi “gậy ông đập lưng ông”, có khi “gây thù chuốc oán”.

II.3.2 Lỗi đức yêu thương qua lời nói. Điều cốt yếu của đạo là mến Chúa yêu người. Kẻ vô thần không mến Chúa thì gọi là kẻ vô đạo, người công giáo không yêu người cũng là một thứ vô đạo (Đức cha Bùi Tuần). Thánh Kinh Cựu Ước đã nói đến mến Chúa trong sách Đệ Nhị Luật “Hỡi Israel, hãy mến Thiên Chúa ngươi hết lòng” (Đnl 6,4-9) và yêu người trong sách Lêvi: “Hãy yêu thương người lân cận như chính mình ngươi” (Lv 19,18). Thánh Kinh Tân Ước Chúa Giêsu dạy: “Điều răn thứ nhất yêu mến Thiên Chúa hết lòng… điều răn thứ hai cũng giống như vậy là yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 22, 37-39).

  • Ta có thể “lỗi đức yêu thương qua lời nói hành nói xấu”. Thánh Bônaventura chỉ ra 4 cách nói xấu:

+ một là khi người khác có sự tốt còn kín ta tìm cách giấu đi kẻo có ai biết mà khen.

+ hai là khi người khác có sự tốt đã trống ta tìm cách dèm pha để người ta nghi ngờ mà bớt khen.

+ ba là khi người khác có sự xấu còn kín, ta tìm cách khui ra để người ta biết mà chê.

+ bốn là khi người khác có sự xấu đã trống ta tìm cách tuyên truyền rộng ra để người ta càng biết.

Còn có một cách nói xấu thâm độc là kèm thêm chuyện hài hước hay bông đùa tinh quái như thuốc độc vậy…

+ Hậu quả của việc nói hành nói xấu là nó sát hại hồn người nói, hồn kẻ nghe, hồn kẻ bị nói hành nói xấu, và họ trở thành tiểu nhân, đê tiện, trộm lén, phạm lỗi công bằng bác ái, khó đền trả, bị Chúa phạt,

II.3.3 Lỗi đức yêu thương qua việc xét đoán. Thường nhận định của ta về người khác dễ bị yêu ghét làm lệch lạc: yêu nên tốt, ghét nên xấu, yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng. Việc xét đoán xấu đến từ nguyên nhân xấu, mà nguyên nhân thứ nhất là do lòng xấu (đức cha Fulton Sheen), thứ hai là do thiếu lòng mến Chúa, thứ ba là do kiêu ngạo. Từ nguyên nhân xấu gây nên hậu quả xấu là dễ sai lầm, là làm tổn thương sự bình an tâm hồn mình và kẻ khác, sẽ bị Chúa xét xử nghiêm ngặt. Như vậy ta chỉ nên xét đoán khi hội đủ ba điều kiện: khi có quyền xét đoán, khi biết rành mạch việc phải xét đoán, khi hoàn toàn sạch mọi thiên kiến. (Đức cha Bùi Tuần). Hãy bắt chước Chúa Giêsu đã xét đoán cái hôn của tông đồ Giuđa là hôn để phản bội, xét đoán cái hôn của cô Mađalêna là hôn để xin ơn làm lại cuộc đời. Chúa luôn bênh đỡ người tội lỗi như đã bênh đỡ người phụ nữ ngoại tình và bảo chị: chị về bình an và đừng phạm tội nữa (Ga 8, 1-11). Và trên núi Sọ quân Do Thái đã đóng đinh Chúa thì Chúa xin Chúa Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,24).

II.3.4 Tân Phúc Âm Hóa lòng ghen tị. Lòng ghen tị là một cảm xúc phổ biến như tình yêu hay giận dữ, và nó mạnh mẽ như bất cứ đam mê nào khác. Thần học và truyền thống Kitô giáo coi ghen tị là một trong những bảy mối tội đầu (một là kiêu ngạo, sáu là ghen ghét). Lịch sử cho ta biết: trong Cựu Ước vì lòng ghen tị nên Cain đã giết em là Abilê, các anh em của Giuse con của Israel đã hại em mình là Giuse vì Giuse được cha yêu hơn; trong Tân Ước người con cả cũng ghen tị với em mình là đứa con đã đòi cha chia tiền để đi hoang, xài hết tiền về thì cha lại dọn tiệc đón mừng. Ghen tị là cảm thấy đau đớn khi thấy người khác có được những gì ta thèm muốn, là nhìn một cách độc ác hay tức giận và thèm muốn. Theo từ điển Webster (Anh) ghen tị là cảm thấy đau đớn hay tức giận khi người khác vui hưởng một lợi lộc, cùng với lòng ước ao muốn chiếm đoạt lợi lộc ấy. Các nhà tâm lý còn bổ túc là kẻ ghen tị muốn phá hoại kẻ đang chiếm hữu lợi lộc ấy. Ghen tị khác với ghen tuông ở chỗ ghen tị chỉ liên hệ đến hai người, còn ghen tuông liên hệ đến một tương quan tay ba.

Tìm hiểu sâu hơn, ghen tị có mặt tối và mặt sáng. Mặt tối của ghen tị ở chỗ nó làm ta mất giá trị vì nó như nọc độc gây cho ta cảm thấy thấp hèn hổ thẹn, mà xã hội cho là một trong bảy mối tội đầu và khiến cho tương quan giữa vợ chồng, con cái, bạn bè và quốc gia đổ vỡ. Ta có thể khám phá hai điều trong lòng ghen tị: một là vừa biểu lộ nổi khát khao muốn đón nhận những điều thiện hảo của đời sống, vừa biểu lộ sự thất vọng vì những điều thiện hảo mình đã đón nhận từ cuộc sống. Họ cố tước đoạt của người khác những điều họ khao khát. Hai là lòng ghen tị luôn luôn xuất hiện nơi những người không có lòng biết ơn. Đang khi lòng biết ơn sản sinh tình yêu thì lòng ghen tị lại sản sinh ra căm thù. Mặt sáng của lòng ghen tị là sự khao khát hoàn thiện mình, nhưng họ lại không hy vọng chiếm được những điều tốt mà mình khao khát, nên sự trống vắng và khao khát của họ bị thay thế bằng tức giận và căm thù. Như thế, nếu bạn bị ghen tị bạn không nên buồn khổ, nhưng hãy tự hào vì nó có cái gì hơn người và cố gắng giữ lấy bản lĩnh, đừng vì thế mà lại tức giận. Người hay ghen tị thì kém đức kém tài muốn làm hại hạnh phúc người khác.

Muốn tránh thảm họa của lòng ghen tị trong đời sống cộng đoàn. Nếu bạn bị ghen tị, bạn nên ý thức đúng về mặt sáng mặt mạnh của mình, không buồn, khổ, sợ, nhưng giữ vững bản lĩnh của mình, không để mình cũng tức giận căm phẫn như người có lòng ghen tị. Nên nhớ người ghen tị thường kém tài kém đức, muốn làm hại hạnh phúc người khác để an ủi mình. Đồng thời bạn cũng canh chừng đừng tự khoe, tự kiêu hay làm gì chọc tức người khác. Nên nhớ rằng sự khác biệt hơn kém giữa các cá nhân có thể là cơ hội làm giàu cho cộng đoàn, nếu liên kết các khác biệt và hợp tác với nhau. Tác giả đưa ra một ví dụ: có hai người đang cơn đói kém, gặp được ông cụ có một giỏ cá và một cần câu, ông cụ cho hai người chọn, một người chọn giỏ cá rồi lo đi kiếm củi nướng cá thưởng thức hết giỏ cá rồi chết đói cạnh giỏ cá; người kia lấy cần câu nhịn đói đi kiếm sông để câu cá, nhưng kiệt sức và cũng chết. Lại có hai người khác cũng gặp cảnh đói kém và đuợc ông cụ cho giỏ cá và cần câu. Hai người không chia tay, nhưng cùng nhau đi tìm dòng sông, đói thì chia nhau nấu cá ăn, cuối cùng gặp được sông và hai người làm nghề câu cá, mấy năm sau cả hai có tiền xây nhà, lập gia đình, có con cái và sống hạnh phúc.

Để giúp chữa trị lòng ghen tị, có những phương thế tự nhiên và siêu nhiên. Phương thế tự nhiên. Các nhà tâm lý cho rằng có nhiều hình thức mà vô thức sử dụng để tránh né chống lại những cảm nghĩ đau đớn và tâm trạng khó chịu do ghen tị khơi dậy. Tác giả nêu rất nhiều hình thức như: lý tưởng hóa cái hay và tài năng, đánh giá thấp như thái độ “cáo chê nho xanh” chỉ vì không chiếm được, bối rối không thể quyết định, coi thường bản thân vì thiếu tự trọng, tham lam vì không thể được mãn nguyện, khoe khoang tự tôn để hơn kẻ khác, căm thù và dửng dưng để dập tắt cảm xúc yêu thương, thoái lui cắt đứt liên quan với người khác, chỉ trích nói xấu bôi nhọ thiếu xây dựng kẻ khác, nhìn nhận thành công đến với người khác do nỗ lực của họ, học cái hay của kẻ khác, phát huy sở trường hạn chế sở đoản để giúp làm được những việc tốt và giảm bớt những thiếu sót, chuyển từ tiêu cực sang tích cực nghĩa là chuyển những gì xấu kém sang những gì tốt lành hơn, chuyên tâm vào công việc và cuộc sống của mỗi người đừng lãng phí thời giờ để ghen tị, hãy trân trọng bản thân, đừng tự ti mặc cảm, không nản lòng trước thất bại, đừng đánh mất niềm tin, đừng dại dột làm tổn thương người khác, vì hại người tức là hại mình, không ngồi lê đôi mách, tán gẫu nói chuyện tầm phào, không rỉ tai nói xấu, không chỉ trích vạch cái xấu cái sai để chê trách, không nói hành nói xấu. Tóm lại không ghen tị để làm điều dại dột tổn thương đến người khác, nhưng lựa chọn hành động đúng đắn cao thượng, có lý có tình mà vui hưởng cuộc sống. Phương thế siêu nhiên. Người ghen tị thấy những của tốt đẹp người khác có hơn mình mà mình không có, họ thích cuộc sống của người khác nhưng lại bị ám ảnh về chuyện mình không có nên họ căm thù tức giận mình, từ chối bản thân, và không chấp nhận bản thân như vậy, do đó mà không chấp nhận cả Thiên Chúa là Đấng dựng nên mình. Và Satan là nguyên mẫu của ghen tị, Satan không muốn chấp nhận địa vị thụ tạo của mình trong trật tự sáng tạo, thi sĩ Milton đã diễn giải trong Paradise Lost ( đánh mất thiên đàng) rằng lòng ghen tị đã vào thế gian do Satan:

Satan đội lốt mãng xà (rắn bự)

      Ôm lòng ghen tị gian tà khôn nguôi

      Âm mưu lôi kéo loài người

      Evà mắc bẫy loài người hư vong.

Ghen tị là một trong bảy mối tội đầu mà mọi thụ tạo phải lo hoán cải, thay đổi suy nghĩ và lối sống. Đây là việc quan trọng và cần thiết, vì ghen tị không phải chỉ là tội đáng xấu hổ mà là tội trong các tội đầu xỏ, cần phải có nội tâm thinh lặng mới diệt trừ được để có tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và mọi người.

II.3.5 Tân Phúc Âm Hóa lòng ghen tị bằng thinh lặng nội tâm. Thinh lặng nội tâm là một phương thế Chúa Giêsu và Giáo hội luôn yêu quí và trân trọng. Ngay từ thế kỷ thứ IV việc thinh lặng nội tâm, sống cô tịch, đã trở thành phương thế chuyên biệt cho đời sống đan tu, với thánh Antôn tu rừng. Đến thế kỷ XX, trước sân khấu xã hội đầy đổi mới phức tạp, đầy dẫy những tục hoá xáo trộn, Công đồng Vatican II khuyên dạy các tín hữu phải  thinh lặng nội tâm, biết sống cô tịch để lắng nghe lời Chúa, chuyên cần cầu nguyện (xem Ánh sáng muôn dân số 41)Thinh lặng nội tâm là điều kiện cần thiết và quan trọng để có được cuộc sống liên lỉ đối thoại với chính mình và với Thiên Chúa. Thinh lặng nội tâm mới giúp ta chiến thắng được bảy mối tội đầu xỏ, rất khó sửa chữa là : kiêu ngạo, hà tiện, dâm ô, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, lười biếng. Thinh lặng nội tâm giúp ta khám phá ra chính con người thật của ta, như khi ta soi mình trong mặt nước lặng im. Nhưng ta lại thường bị cám dỗ chạy trốn sự thinh lặng. Vậy ta cần hiểu cho thật đúng thinh lặng nội tâm – Thinh lặng nội tâm có nhiều hình thái: trước hết là thinh lặng thể lý nghĩa là không chỉ vắng bóng lời nói tiếng ồn, vắng bóng hình ảnh kích động, tư tưởng cảm xúc xáo trộn… Đây là thời gian nghỉ ngơi cho thế lý được thoải mái; Sau là hình thái thinh lặng của ý thức, của lương tri, của cõi lòng. Do đó mà thinh lặng có nhiều mặt tích cực và tiêu cực, hoặc mặt sáng và mặt tối. Mặt tích cực, mặt sáng không phải là không nói, không làm, không suy nghĩ, nhưng là cố ý xa lánh những tư tưởng, những diễn giải trong đầu, muốn từ bỏ mình, cân nhắc từng lời trong khiêm tốn và mở lòng đối với một ánh sáng khác của nhân đức, của thánh thiện, và của Chúa Thánh Thần. Mặt tiêu cực bao gồm nhiều thứ: Thinh lặng dửng dưng khinh bỉ kẻ khác, thinh lặng “khắc kỷ” để tỏ ra mình ngạo nghễ, thinh lặng kiêu căng, lười biếng, ngu dốt vì không có gì để nói, oán hờn, sợ hãi, hèn nhát, đồng lõa để giữ kín, phản bội không đưa ra bằng chứng giúp biết sự thật.

II.3.6 Như vậy thinh lặng nội tâm đích thực là gì? Thinh lặng nội tâm đích thực không có nghĩa là không nói gì cả. Thánh Gioan Kim Khẩu khuyên: “chỉ nên nói khi nói sinh lợi ích hơn là nín lặng”. Cũng không có nghĩa là không làm gì cả. Thánh Basiliô nói về những kẻ lười biếng này là “họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về sự nín lặng, sự ở nhưng không chẳng chịu làm việc, hoặc chỉ muốn làm những việc theo ý riêng mình”.

Thinh lặng nội tâm là tình trạng tâm hồn có thói quen hãm dẹp các đam mê xấu, giữ mình khỏi những ý nghĩ vô ích cũng như những tưởng tượng , những kỷ niệm cột chặt lòng mình vào cuộc sống trần tục này. Phẩm chất của sự thinh lặng nội tâm chính là phẩm chất của tình yêu mình, của những tương quan của mình đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân (Trích trong sách Sống Theo Thần Khí), một tình yêu đi từ chiếm hữu đến tình yêu vô vị lợi và hiến dâng.

Thinh lặng nội tâm là nơi rèn luyện con người. Tác giả muốn giúp ta cảm nhận được giá trị của nó bằng cách kể ra 5 nhân vật trong Thánh Kinh: 1- Ađam nghe được tiếng Thiên Chúa trong thinh lặng. Nguyên tổ loài người đã ăn trái cấm, nên lẩn trốn vào giữa cây cối để khỏi gặp Thiên Chúa. Nhưng trong thinh lặng cô tịch Thiên Chúa gọi và gặp gỡ Ađam, nhờ đó Ađam đi từ tình yêu chiếm hữu đến tình yêu vô vị lợi, yêu thương người khác vì chính họ. 2 – Abraham. Thiên Chúa bảo Abraham: hãy từ bỏ 3 điều: xứ sở, họ hàng, nhà tổ phụ. Đó là bỏ mọi của cải, quan hệ thế gian, đời sống cũ, những gì hữu hình và phù du, để chú ý đến cái vĩnh cữu, đến quê trời, nghĩa là từ bỏ để đi vào con đường cô tịch thinh lặng, sống trọn vẹn với Thiên Chúa. 3 – Môi-sen trước khi dẫn dân Do Thái ra khỏi Ai-cập, ông phải trải qua huấn luyện dưới sự chỉ giáo của một ông thầy. Kỷ luật đầu tiên mà ông phải giữ là im lặng tuyệt đối trước bất cứ điều trái ý nào. Một hôm hai thầy trò đi du ngoạn ở bờ sông, thấy một đứa bé đang bị chìm xuống sông mà người mẹ không cứu được. Môi-sen hỏi ông thầy có thể làm gì để cứu đứa bé không? Ông thầy bảo học trò cứ giữ im lặng. Rồi hai thầy trò ra biển, gặp chiếc thuyền có nhiều người đang chìm dần trước sóng gió. Một lần nữa Môi-sen hỏi và thầy giáo bảo hãy im lặng. Khi về nhà, Môi-sen đem sự việc hỏi Thiên Chúa, Thiên Chúa phán: đứa bé nếu không chết dưới sông sau này nó sẽ là tên cướp giết hàng ngàn người. Còn chiếc thuyền chở một bọn cướp hung dữ đang đi cướp một làng nhỏ, nếu chúng không bị đắm, chúng sẽ giết chết dân làng vô tội. 4 – Elia là tiên tri của Thiên Chúa, vừa chiến thắng và giết chết các tiên tri của nữ hoàng Giêzabel, bà báo cho tiên tri là sẽ giết ông. Ông sợ hãi đi trốn rồi ngủ say. Thiên Chúa đánh thức và bảo ông ăn để còn đi bốn mươi ngày đêm đến núi Sinai. Thiên Chúa bảo ông vào hang chờ Thiên Chúa đến gặp. Rồi ông thấy gió to bão lớn, tưởng Thiên Chúa đến nhưng không có, rồi sau đó động đất và lửa cháy, cuối cùng thấy gió hiu hiu và ông thấy Thiên Chúa đến trong thinh lặng. Rồi Thiên Chúa bảo ông hãy tiếp tục đi và làm ngôn sứ. 5 – Chúa Giêsu thinh lặng. Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến trần gian. Và Lời Thiên Chúa đã thinh lặng trong suốt 30 năm ở Nazareth. Và trong đời sống công khai đi loan báo Phúc Âm, Ngài vẫn dành thời giờ thinh lặng để cầu nguyện, thinh lặng để đối thoại hiếu đễ (Cha Con) với Cha Ngài. Các thánh sử ghi lại cho ta những cặp từ cô tịch – hiện diện với con người thinh lặng ngỏ lời, những điều này giữ nhịp sống đoạn tuyệt và hiệp thông cho cuộc đời công khai của Ngài. Và sự thinh lặng hùng biện nhất trong Tân Ước là sự thinh lặng trong các phiên tòa xử án Ngài: thinh lặng trước vị thượng tế, trước Hêrôđê, trước Philatô. Rồi Chúa đã nói hết mọi sự khi Ngài thinh lặng để chết. Do đó sự thinh lặng nội tâm rất cần thiết cho cá nhân. Vì mỗi cá nhân là một người cô độc. Cô độc là sự kiện tự nhiên, không ai giống ai, cô độc là đơn độc, và tác giả coi cô đơn là một nguồn mạch lớn nhất của nỗi khốn cùng hôm nay. Nhưng với tính cách là Kitô hữu, ta được mời gọi biến cô đơn thành tĩnh mịch, bởi vì Chúa muốn ta nhờ đơn độc của ta mà khám phá ra Thiên Chúa yêu thương ta. Ta đơn độc, độc đáo nhất, là nơi Thiên Chúa biết ta nhất, yêu ta nhất. Sự cô tịch là một phẩm chất nội tại giúp ta chấp nhận nó là quà tặng, là ơn ban của Thiên Chúa. Nếu tôi tìm thấy Thiên Chúa trong nơi cô tịch của tôi, và bạn cũng tìm thấy Thiên Chúa trong nơi cô tịch của bạn thì chính Thiên Chúa ấy đang kêu gọi ta lại với nhau và ta có thể ở chung với nhau mà không hủy diệt nhau (Henri Nouwen) – Sự thinh lặng nội tâm với cộng đoàn. Thinh lặng với cô tịch mà không có cộng đoàn sẽ đưa tới cô đơn, thất vọng. Cộng đoàn mà không có cô tịch sẽ quăng ta vào “ rỗng tuyếch của lời nói và tình cảm ( Bonhoeffer). Cô tịch và cộng đoàn thuộc về nhau, cái này đòi hỏi cái kia chẳng khác nào như tâm và chu vi của một vòng tròn. Cô tịch không thể tách khỏi cộng đoàn được, vì trong cô tịch ta khẳng định thực tại sâu xa nhất của cuộc sống chung của ta với nhau là như những bàn tay hướng về Thiên Chúa trong cầu nguyện. Chỉ biết bám vào nhau để sống sót trong cơn bảo tố của thế gian này, người ta không thể tạo nên cộng đoàn được, mà chỉ tạo nên được khi cùng nhau gầy dựng một đời sống cầu nguyện giữa gia đình nhân loại vần đầy ắp những âu lo này. Do đó phương thế để có được sự thinh lặng nội tâm trong cuộc sống là một trong những kỷ luật cần thiết và khó khăn nhất. Phải bắt đầu bằng cách cẩn thận thiết lập một sự cô tịch nào đó: mỗi ngày một giờ, mỗi tuần một buổi, mỗi tháng một ngày, mỗi năm một tuần. Có dành một thời nào đó để ở với và lắng nghe Thiên Chúa, ta mới phát huy được sự quan tâm đối với tiếng nói của Thiên Chúa trong ta. Trong cô tịch ta dần dà biết được sự hiện diện Thần Khí chữa lành trong Thiên Chúa, ta đụng chạm được sự hiện diện đầy hy vọng của Thiên Chúa. Kỷ luật của sự cô tịch giúp ta có thể sống một cuộc sống giữa thế gian này trong khi vẫn luôn ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống (Henri Nouwen).

  • Để kết:

Câu chuyện bầy chim được Thiên Chúa ban cho bản năng để sinh sống trong cộng đoàn với nhau phải làm cho mọi Kitô hữu chúng ta, ai cũng phải sống trong một cộng đoàn dù nhỏ hay lớn, phải suy nghĩ. Tác giả quyển sách đã suy nghĩ và giúp chúng ta hiểu thế nào là Tân Phúc Âm Hóa, thế nào là cộng đoàn, thế nào là tương quan trong cộng đoàn, thế nào là lòng ghen tị trong lời nói việc làm, thế nào là chữa trị lòng ghen tị, thế nào là Tân Phúc Âm Hóa bằng thinh lặng nội tâm cá nhân và cộng đoàn. Vậy chúng ta, ai nhận ra được Thiên Chúa ban khả năng làm chim đầu đàn thì khiêm tốn chấp nhận để chu toàn trách nhiệm chim đầu đàn của mình, khi thấy đuối sức thì sẵn sàng nhường cho người có khả năng, không cố tham quyền cố vị. Còn mọi người trong cộng đoàn là thành viên thì chu toàn trách nhiệm của thành viên, không xa lìa đàn. Và tất cả đôi bên lo thiết lập cho mình sự thinh lặng nội tâm để mình luôn ở với và lắng nghe Thần Khí của Thiên Chúa, sống cuộc sống hiệp thông, tham gia và thi hành sứ vụ loan báo Phúc Âm giữa xã hội trần gian. Đây là cộng đoàn đang “cùng đi với nhau” (walk together) trên đường hiệp hành mà đức giáo hoàng Phanxixô đang phát động.                                                     

                                           Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

                                                  Nhà hưu dưỡng Linh Mục Cần Thơ

                                                                   07 – 10 – 2022