Tân Phúc Âm Hóa Lòng Sám Hối – Chương Ba

print

CHƯƠNG BA

ĐỂ NHẬN RA NHỮNG HỒNG ÂN CHÚA BAN CŨNG NHƯ NHẬN RA NHỮNG TỘI LỖI CỦA MÌNH TA PHẢI CÓ MỘT TÂM HỒN KHIÊM NHƯỜNG SÂU THẲM

 

Khái niệm về đức Khiêm Nhường.

  1. Căn bản đức Khiêm Nhường là sự thực và công bình.
  2. Khiêm Nhường cao quý, vì là chìa khoá mở kho tàng ân sủng và nền tảng các nhân đức khác.
  3. Áp dụng đức khiêm nhường vào đời sống :

Khái niệm về đức Khiêm Nhường.

Theo thánh Bêna, Khiêm Nhường là nhân đức làm cho người ta biết mình rõ mà tự khinh.

Theo nguyên tự, Khiêm là nhún, Nhượng là nhường, nghĩa là nhún mình xuống để nhường người lên.

Làm người biết nhún nhường không có nghĩa tự hạ thấp mình, xem mình là hèn kém. Nhún nhường là phong cách ẩn sâu vẻ cao sang mà không để lộ. Vẻ cao sang này được người đời đồng tình chấp nhận, được mọi người gần gũi mến mộ.

Cổ kim trong ngoài xưa nay đều chứng minh một quy luật: Phàm những ai công thành danh toại, tài hoa xuất chúng thường dễ bị người ta ghen ghét đả kích hơn người bình thường. Điều đó đúng với đa số chúng ta. Thành công tất nhiên là điều đáng vui mừng. Nhưng thành công không có nghĩa là đủ tư cách khoe khoang với mọi người, lại càng không phải vũ khí hợm hĩnh đả kích, chê bai, khinh miệt người khác. Người thạo đời, biết nhìn xa trông rộng, khi họ đã đạt được nguyện vọng, đi đến thành công mơ ước, bao giờ cũng dành cho người khác một khoảng không gian nghỉ ngơi, hít thở chia sẻ chút vinh quang. Họ không để cho hào quang của mình trở thành nỗi ám ảnh trong lòng mọi người. Họ không để cho bóng dáng ngời sáng, cuồng nhiệt của mình trở thành bia đỡ đạn cho mọi người ngắm bắn. Vì thế làm người nhún nhường quả là sách lược tốt đẹp, tránh mọi hiểm nguy, bảo vệ mình tai qua nạn khỏi.

Đạo lý này cũng phù hợp với thời đại ngày nay. Xã hội hiện nay là xã hội sùng thượng cá tính, khoe mình vẻ vang, dường như phải là người ngời sáng, làm việc phải rầm rộ mới theo kịp bước chân thời đại và có được vinh dự xã hội tốt đẹp. Đó là việc hiểu lầm. Dĩ nhiên làm người phải biết chứng tỏ mình. Có nghĩa là anh phải bày tỏ đầy đủ tài năng và sức lôi cuốn của mình, để được mọi người chấp nhận và chú ý, để có được không gian phát triển nhiều hơn và lớn hơn. Rõ ràng trong cơ chế đổi mới, thị trường cạnh tranh này, để tạo cho anh nhiều cơ hội cổ vũ động viên, ủng hộ giúp đỡ anh làm. Nói như thế không có nghĩa đó là khuyến khích anh luôn hợm hĩnh, khoe mẽ, cợt đùa với xã hội. Trên mảnh đất rộng rãi to lớn của xã hội ngày nay, muốn thi thố hết mình và đem lại thành quả tốt, anh phải có thái độ biết khiêm tốn nhún nhường, thật tâm cống hiến, mới làm anh đạt được ý nguyện. Nếu không, sự việc sẽ ngược với tâm nguyện, muốn tốt hoá xấu.[1]

1.    Căn bản đức Khiêm Nhường là sự thực và công bình

1.1. Khiêm nhường là nói thật về mình

Một người cao 6 bộ (gần 2 mét) mà lại nói: “Tôi chỉ cao 5 bộ” thì chẳng phải là khiêm tốn đâu. Một văn sĩ giỏi sẽ không được xem là khiêm tốn nếu ông ta nói: “Tôi là một nhà văn bất tài”. Những xác quyết như thế được nói ra chỉ nhằm mục đích từ chối hầu để được khen ngợi nhiều hơn. Tốt hơn ông ta nên khiêm tốn nói rằng: “Vâng, bất cứ tài năng nào tôi có được đều là quà tặng của Chúa và tôi xin cảm ơn Ngài về điều ấy”.[2]

Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe

Tôi không biết: Một hôm có một người ngoại quốc đến nghe thỉnh giảng một vị giáo sư nổi tiếng của trường đại học Mỹ. Ông ta giới thiệu kết quả thực nghiệm về chuột mà ông thực hiện. Lúc đó bỗng có một sinh viên giơ tay xin hỏi, anh nêu lên cách nghĩ của mình, và hỏi vị giáo sư này nếu bằng cách khác liệu kết quả thực nghiệm sẽ ra sao? Tất cả mọi người đều tập trung ánh mắt vào vị giáo sư, xem ông ta trả lời thế nào. Kết quả là vị giáo sư này rất bình tĩnh, nói thẳng ra: “Tôi chưa làm thực nghiệm này bao giờ, nên tôi không biết!”

Khi ông nói hết câu “tôi không biết” thì bên dưới vang dội tiếng vỗ tay không ngớt.

Có lẽ trong tình huống này, với một vị giáo sư khác sẽ hoàn toàn khác hẳn. Có thể ông vắt óc ra nghĩ, nói “Tôi chắc kết quả sẽ…”.

Tri thức mỗi người là có hạn. Tinh thông về học vấn cũng chỉ tương đối. Thiếu sót về mặt nhận thức là điều tất nhiên. Trên đời chẳng ai “toàn tài”, cái gì cũng biết, cái gì cũng làm được, mặc dù ai cũng cố sức đeo đuổi phương hướng này. Phải chịu khó học hỏi sau này mới thành tài. Thông minh mà xem mình không phải thế, lại thích học hỏi người khác, thì mới có thể thành tài được. Dám thừa nhận mình không biết chính là cơ sở để tìm ra cái biết. Không biết mà cố nói biết, tự cho mình thông minh, lừa người dối mình, cuối cùng chỉ khiến người khác chê cười mà thôi.[3]

– Không biết mà lại nói mình biết:

Có một nhà bình luận mỹ thuật thường hay ba hoa bốc phét, bất cứ việc gì không hiểu nhưng cứ cho là mình hiểu. Một hôm ông ta nhận lời mời của một nhân sỹ nổi tiếng. Trong nhà nhân sỹ có mặt toàn những nhân vật nổi tiếng trong giới mỹ thuật. Họ thoải mái nói những điều muốn nói, vui cười hoan hỷ, thích thú vô cùng.

Một lúc sau vị chủ nhà đem ra một bức tranh, nói:

–  Thưa quý vị! Đây là bức tranh của Picasso, tôi vừa mua được. Mời quý vị đánh giá xem thế nào?

Nhà bình luận không biết cứ tỏ ra biết, liền đứng dậy nói:

–  Sắc màu tươi đẹp, đường nét rõ ràng. Quả là bức tranh của Picasso. Khi ông vừa đem ra, tôi đã biết ngay là tranh của Picasso rồi!

–   Quả thật xin lỗi các bạn – Chủ nhân nghe xong xem lại bức hoạ rồi nói – Vừa rồi tôi giới thiệu sai. Đó không phải là bức tranh của Picasso mà là tác phẩm của Michelangelo, tôi lấy nhầm, xin lỗi!

–  Thế nào? của Michelangelo à?

Các vị khách đang có mặt hôm đó bỗng ôm bụng cười ngất. Nhà bình luận mặt đỏ nhừ – ngượng ngập cúi đầu.[4]

Khổng Tử từng nói “Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết”. Câu nói của ông cảnh báo chúng ta một điều: Trong hiện thực ít ai tự nói mình không biết. Họ cho rằng, nói thế để người ta khinh mình, làm mình mất mặt. Nhưng trong thực tế, đôi khi nói ra sự thật rằng mình không biết, có thể đem lại kết quả hoàn toàn ngược lại. Các cụ nhà ta cũng đã dạy: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” chả chí lý lắm sao![5]

1.2.Khiêm nhường còn là sự công bình

Thánh Tôma dạy: “Phải xét nơi ta cái gì là của Chúa, cái gì là của ta. Cái gì khuyết điểm là của ta, cái gì tốt lành là của Chúa”.

– Công bình là lẽ buộc ta phải nhìn nhận các sự lành nơi ta là của Chúa ban, vì thế phải trả mọi vinh quang danh vọng cho Ngài. Đành rằng nơi ta cũng có nhiều điều hay điều tốt, như tài năng tự nhiên, ơn phước siêu nhiên, đức Khiêm Nhường không cấm ta nhìn nhận, nhưng phải trả nó về cho Thiên Chúa, như bức vẽ đẹp là công trình của họa sĩ, đâu có phải của bút của sơn? Đàng khác, ta là không thì đừng muốn ai biết tới, chỉ muốn người ta coi khinh mình như không. Hơn nữa, ta là tội lỗi thì đáng lãnh mọi sự khinh khi sỉ nhục, còn phàn nàn gì nữa!

Đứng về quan điểm thiêng liêng mà xét, người luôn kiêu hãnh về trí thông minh, về tài năng hay ảnh hưởng của mình mà chẳng bao giờ biết cảm tạ Chúa về những điều ấy, thì anh ta là một kẻ cướp; anh ta đã nhận lấy những quà tặng của Chúa mà chẳng bao giờ nhận biết Đấng trao tặng. Những gié lúa mạch mang nhiều hạt nhất luôn luôn trĩu xuống thấp nhất. Người khiêm tôn không bao giờ ngã lòng, còn người kiêu ngạo thường rơi vào nỗi tuyệt vọng. Người khiêm tốn vẫn luôn có Chúa để kêu cầu, còn người kiêu ngạo thì chỉ có cái ngã riêng của mình là cái thường sụp đổ .

Một trong những lời nguyện đẹp nhất xin cho có được lòng khiêm tốn là lời nguyện của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Thầy Chí Thánh, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.[6]

2.    Khiêm Nhường cao quý, vì là chìa khoá mở kho tàng ân sủng và nền tảng các nhân đức khác.

2.1. Chìa khoá ân sủng:

Thánh Kinh rằng: “Chúa chống đối kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Ngài làm như thế, vì kẻ kiêu căng cướp danh vọng của Ngài; còn người khiêm nhường trả hết vinh quang cho Chúa. Hẳn ta còn nhớ dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện:

“Có hai người lên đền thời cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisiêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Phrisiêu đứng thẳng, nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng xa xa, thậm chí chẳng dám nguớc mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi nói cho các ông biết người này, khi trở về nhà, thì được nên công chính; còn kẻ kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc 18,10-14).

Trong “Trang Tử – Tạp biên – Từ Vô Quỷ đệ nhị thập tứ” có câu chuyện như sau: Một hôm Ngô Vương đi thuyền qua sông, leo lên núi Hầu. Lúc đó bầy khỉ trông thấy hoảng sợ nhảy tứ tung, chạy trốn vào các bụi cây gai. Nhưng có một chú khỉ dương dương tự đắc, nhảy qua nhảy lại, tỏ ra khôn nhanh trước mặt Ngô Vương. Ngô Vương dương cung bắn, chú khỉ đó nhanh tay bắt lấy mũi tên. Ngô Vương tức giận ra lệnh cho tất cả tuỳ tùng bắn chú khỉ này. Kết quả chú khỉ đó bị bắn chết. Ngô Vương quay đầu nghiêm nghị nói với các thần tử của mình: “Chú khỉ này muốn khoe mẽ, cho mình nhanh nhẹn tháo vát, ra vẻ đắc ý trước mặt ta, mới đem lại kết cục như thế đó. Ta phải lấy đó răn mình, chớ đem địa vị ra khoe khoang khoác lác!”[7]

2.2. Khiêm nhường là nền tảng nhân đức:

Thực ra, toà nhà nhân đức Kitô giáo phải xây trên tảng đá Đức Tin. Nhưng tảng đá Đức Tin phải có nền móng khiêm nhường mới hạ xuống và đứng vững được. Khi nói Khiêm Nhường là nền tảng các nhân đức, ta phải hiểu nó làm cho các nhân đức được đứng vững vàng chắc chắn. Thánh Augustin hỏi: “Con muốn lên cao? Hãy hạ mình xuống. Con muốn xây lầu thấu trời? Hãy lo đào móng khiêm nhường trước đã”.

Để trở thành người giỏi nhất hãy khiêm nhường

Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy rõ một điều, nếu muốn trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực quan tâm của mình, thái độ khiêm tốn sẽ là công cụ của bạn. Những sinh viên khiêm tốn nhất, những người cho rằng họ còn biết rất ít, sẽ là những người làm nhiều bài tập và chịu khó nghiên cứu hơn khi gặp vấn đề. Họ chứng tỏ rằng mình học tập hiệu quả hơn hẳn những ai nghĩ rằng mình đã biết trước câu trả lời. Đây quả là một điều rất đáng ngạc nhiên. Một sinh viên tự tin thái quá vào kiến thức của mình sẽ thi hỏng, cũng như một vận động viên đánh giá thấp đối thủ thì sẽ bị thua cuộc vậy. Khiêm tốn sẽ giúp bạn làm việc chăm chỉ hơn và chuẩn bị cho mình tốt hơn.

Vì vậy, khiêm tốn có mối liên quan mật thiết đến việc học hỏi và làm tươi mới bản thân, ở vào một giai đoạn nào đó của cuộc sống, thay vì cởi mở để học hỏi thêm nhiều điều, chúng ta lại tự thu mình và muốn có những kế hoạch an toàn. Chúng ta thích uy tín của người thầy hơn là thái độ khiêm tốn của sinh viên. Vì vậy, chúng ta đã đóng sập cánh cửa dẫn đến thực tế; chúng ta xem mọi việc đều đơn giản và từ bỏ việc đặt câu hỏi thắc mắc. Chúng ta tự cho rằng những gì mình đã biết có lẽ bây giờ không còn đúng nữa, và rằng những trang bị văn hoá của mình đang bắt đầu trở nên lỗi thời. Chúng ta từ bỏ thái độ tìm tòi và học hỏi. Trong một số trường hợp đặc biệt, chúng ta giống như những “người sống dở chết dở”; và đáng tiếc thay, khi lẽ ra mọi việc đã có thể khác đi. Một trong những bản khắc nổi tiếng của danh họa Francisco Goya đã mô tả hình ảnh của một cụ bà hom hem. Bên dưới đó là dòng chữ: Aun aprendo, “Tôi đang học”. Đó quả là một sức sống dồi dào. Đó cũng chính là thái độ khiêm tốn.

Một khuynh hướng tương tự cũng diễn ra trong mối quan hệ với người khác. Chúng ta có thể ngăn chặn khả năng người khác dạy cho mình điều gì đó mới mẻ, hoặc chúng ta lựa chọn để thừa nhận với mọi người xung quanh, với kinh nghiệm, cảm xúc và ý tưởng của họ, sẽ có thể làm giàu cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chỉ cần quan sát và lắng nghe mà thôi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lòng can đảm để tự hỏi rằng: Tôi có thể học được điều gì từ người này? Aun aprendo

Vì vậy, sự khiêm tốn đôi khi rất khó đạt tới, thậm chí có thể mang lại đau khổ. Tuy nhiên, thái độ này sẽ luôn hỗ trợ chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta thường khiêm tốn hơn sau mỗi lần thất bại. Chúng ta hiểu rằng mình chưa đủ giỏi hay chưa mạnh mẽ như mình từng nghĩ. Chúng ta nhận ra rằng mình cũng chỉ là con người bình thường: Có thể thất bại và rất dễ tổn thương. Nếu biết khống chế cảm xúc mỗi khi thất bại, dù lớn hay nhỏ, chúng ta sẽ biết được đâu là những việc mình có thể làm, còn đâu thì không. Nếu chỉ có thành công đến với cuộc sống thì chúng ta nhất định gặp rắc rối lớn. Chúng ta sẽ mất đi tiêu chuẩn so sánh cho mình.[8]

3.    Áp dụng đức khiêm nhường vào đời sống :

Đối với Chúa, với tha nhân và với bản thân mình

3.1. Đối với Chúa

Đối với Chúa, đức Khiêm Nhường được biểu dương bằng tinh thần thờ phượng và biết ơn.

– Thờ phượng là thành tâm nhìn nhận mình là nhỏ nhoi, tội lỗi, và sung sướng xưng ra Chúa là cao sang, thánh thiện tuyệt vời. Bởi đó nảy ra tâm tình thần phục, ngợi khen, mến yêu và hiếu thảo; và tự đáy lòng phát ra lời chúc tụng: Chỉ có Chúa là Thánh. Chỉ có Chúa là Chủ. Chỉ có Chúa là Tối cao!

– Biết ơn là chân thành nhìn nhận Chúa là căn nguyên mọi thiện hảo nơi ta cũng như nơi vạn vật. Thay vì tự hào, ta phải quy hết mọi thiện hảo và vinh quang về Chúa để tạ ơn Ngài.

3.2. Đối với tha nhân

Đới với người ta, phải nhìn nhận tài năng, nhân đức người khác, mà thán phục vui mừng, chứ không đem lòng ghen tị, vì biết đó là ơn của Chúa ban.Trái lại, khi thấy người ta sai lỗi, thì đừng tức bực, hãy cầu nguyện cho họ sửa mình, lại gắng che chữa cho người ta hết sức, trừ khi mình có nghĩa vụ phải chỉnh huấn thì không kể. Nếu không có ơn Chúa giúp, ta cũng có thể sa ngã nặng nề hơn.

– Nhìn nhận tài năng của người khác

– Nhìn nhận đức độ của người khác

– Không ghen tị

– không bực tức

– Che chữa cho người khác như câu chuyện Hàn Kỳ bị cháy râu.

Trước đây, ở Trung Quốc đời nhà Tống có ông Hàn Kỳ là một võ sư. Một hôm ông làm thơ trong đêm, có lính hầu cầm nến đứng cạnh soi sáng, chẳng may lỡ tay làm cháy râu Hàn Kỳ. Hàn Kỳ vội lấy tay áo dập tắt, sau đó lại bình thản ngồi làm thơ, xem như không có gì xảy ra. Lúc sau ông thấy người lính đó bị điều đi, đổi người khác thay. Hàn Kỳ sợ người lính đó bị đánh, vội kêu: “Không đổi người đâu! Ta bảo anh ta khêu đèn, chẳng may bị xém râu, nhưng may mắn thơ chẳng sao cả, thế thì có gì sai đâu?”

Hàn Kỳ có một chiếc ngọc bội quý, giá hàng trăm lạng bạc nén. Chẳng may một viên quan làm rơi xuống đất vỡ tan. Khách khứa thấy thế ai cũng lo cho viên quan này. Còn viên quan thấy thế vội quỳ rạp xuống đất nhận tội, chờ bị đánh phạt. Nhưng Hàn Kỳ vui vẻ cười nói: “Số viên ngọc này bị vỡ đó mà! Ngươi có cố ý đâu mà lo?”

Hàn Kỳ cho rằng, dù sao thì râu cũng đã bị cháy, ngọc bội cũng đã tan, quát tháo mắng mỏ có ích gì. Thật ra mà nói, những chuyện như thế dễ làm cho người đời cáu gắt. Nhưng Hàn Kỳ có tấm lòng rộng mở, xem chuyện đó chẳng có gì đáng để tâm. Vì thế Hàn Kỳ đã được mọi người mến mộ, và ủng hộ ông trong công việc. Đó có thể là bản tính rộng mở và cũng có thể nói đó là sự khôn ngoan trong ứng xử của Hàn Kỳ, để lùi một bước, nhún nhường một chút, mà tiến được nhiều bước, quan lính yêu mến tận tình ủng hộ, giúp đỡ ông trong công việc, để ông có thể tiến xa trong sự nghiệp của mình.[9]

3.3. Đối với bản thân.

Đành rằng ta được nhìn nhận cái tốt của mình, để cảm tạ Chúa; nhưng ta cũng phải nhìn nhận cái xấu  để giữ đức khiêm nhường trong trí, trong lòng và bề ngoài nữa.

3.3.1. Khiêm Nhường trong trí:

– Đừng phóng đại tài năng, đức tính của mình, hãy khách quan nhìn nhận đúng sự thật; hãy dùng nó để hiển danh Chúa, sinh ích cho đồng loại, chứ không phải để chuốc hư vinh cho bản thân.

– Đừng huênh hoang sĩ diện.

Ai cũng có sĩ diện. Sĩ diện có mặt tốt có cả mặt xấu. Mặt tốt, nếu biết sử dụng nó sẽ giữ mình trong sạch, biết tiến thủ. Mặt xấu chỉ làm cho con người khổ thân, mệt mỏi, chẳng đem lại lợi ích gì. Ở đây chủ yếu bàn về mặt xấu của sĩ diện. Người có sỹ diện xấu bao giờ cũng xem giữ thể diện, thứ hư vinh là việc quan trọng nhất trên đời. Cho dù là tính mạng, hay sự nghiệp cũng không cản được bước đường thích sĩ diện của họ. Câu chuyện ngụ ngôn dưới nói lên điều này.

Có một chú mèo bốc phét cho mình là ghê gớm. Thiếu sót của mình thì luôn che đậy, dù cho gặp nạn vẫn cứ tỏ vẻ ta đây. Tài bắt chuột của nó không giỏi giang gì, đến nỗi để chuột chạy khỏi miệng mình. Gặp trường hợp như thế hắn nói: “Ta thấy con chuột này gầy lắm, cứ tha cho nó, chờ khi nó béo hãy tính sau”.

Nó đến bên bờ sông bắt cá, bị chú cá chép quẫy đuôi quất vào mặt nó một cú nên thân, đến nỗi sưng vêu mặt. Nhưng nó lại cười khì nói: “Ta không muốn bắt nó đó thôi? Bắt thì dễ ợt, có gì khó đâu. Đó là ta muốn dùng đuôi của nó rửa mặt cho mình đấy! Vừa rồi ta đi chơi bị vấy bẩn lên mặt đấy mà!”

Có một lần hắn sa xuống hố bùn, mình mẩy lấm lem. Các bạn thấy thế rất ngạc nhiên. Hắn vội vàng nói: “Gần đây trên người ta có bọ rận, chỉ có cách này mới trị nổi thôi, linh nghiệm lắm đấy!”

Sau này hắn rơi xuống sông, các bạn định cứu nó thì nó lại bảo: “Các bạn tưởng mình gặp nguy chắc? Không phải đâu! Nóng quá! Ta muốn tắm một cái…” Chưa nói hết câu, thì hắn đã bị chìm nghỉm, có bạn bảo: “Nguy rồi! Hắn chìm mất rồi! Chúng ta mau cứu nó thôi!” Một con khác lại bảo: “Đi đi thôi!” Một con khác lại nói: “Chúng ta đều có lòng tốt, nhưng lại sợ mang tiếng là gan thỏ. Thế nào tý nữa nó cũng bảo nó biểu diễn lặn cho mà xem!”. Nhưng chú mèo bốc phét ấy chẳng còn dịp để giải thích nữa. Nó đã chìm nghỉm mất tăm rồi![10]

– Đừng cố chấp: Nhận điều phải của người, nhận điều sai của mình.

Cho dù là người thành công cũng cần khiêm tốn, biết nhún nhường, một mặt danh tiếng là sự tương đối, kiến thức là giới hạn không điểm dừng; mặt khác, nếu bạn tự cao vào thành công, kiêu ngạo tự đại thì người khác cũng không quan tâm đến điều đó của bạn nữa.

Khiêm tốn đúng đắn không phải là biểu hiện ra bên ngoài, mà là từ trong nội tâm mình nhận thức được tác hại của việc tự mãn. Tự tôi khắc chế, hiểu rõ được tiến lùi, luôn nghĩ rằng mình không bằng người khác, khiêm tốn tiếp nhận phê bình chỉ dẫn của người khác, nhã nhặn cư xử với mọi người. Không tự tư, không dựa vào thành công mà tự phê bình, nhẫn nhịn kiềm chế, luôn hướng đến thành công.

Có một nữ hoạ sĩ nổi tiếng nhờ sở trường vẽ các loài động vật, tranh của cô đều là những tác phẩm được bán đấu giá với mức giá rất cao, nhận được sự tán tụng của các nhà sưu tầm.

Nhưng có một lần, nữ hoạ sĩ về quê hương vẽ tranh tả thực, rất nhiều phóng viên đi theo cô, hy vọng có thể chụp được quang cảnh vẽ tranh của nữ hoạ sĩ nổi tiếng, họ muốn biết được cảm hứng của nữ hoạ sĩ này lấy từ đâu.

Nữ hoạ sĩ đến một ngôi nhà nông thôn, cô bắc giá vẽ ở giữa cánh đồng, từ từ vẽ ra gió và nắng trong cánh đồng trước mặt, trong không gian gió và nắng tự nhiên đó xuất hiện không ít các loài động vật cô yêu thích, có trâu nước, có dê, có gà, có cả vịt nữa.

Khi nữ hoạ sĩ chìm đắm trong sáng tác của mình, các phóng viên bị thuyết phục trước tài nghệ của cô, có một phụ nữ nông thôn vừa đi qua đó, bà thấy những người này tập trung xem nữ nhân vẽ tranh cũng hiếu kỳ đi tới xem.

Nữ hoạ sĩ đang vẽ một con vịt, người phụ nữ kia sau khi nhìn thấy thì ôm bụng cười.

Tất cả mọi người đều ngạc nhiên quay đầu lại nhìn người phụ nữ, họ không biết bà đang cười cái gì, mà nữ hoạ sĩ nổi tiếng đang ở đây, bà dám cười sao, rốt cục là có ý gì chứ? Mọi người đều rất tò mò.

Nữ hoạ sĩ dừng lại, mỉm cười nói với người phụ nữ: “Xin hỏi, sao bác lại cười? Có điều gì đáng cười?” Cho dù cô cảm thấy kỳ lạ nhưng cô nghĩ nụ cười của người phụ nữ nông thôn nhất định có nguyên nhân.

Người phụ nữ kia thấy nữ hoạ sĩ hỏi mình liền đi tới chỉ vào bức tranh của cô, nói: “Tôi cười là bởi vì cô vẽ “không chuẩn”.

Câu nói này như một hòn đá ném xuống mặt hồ làm dậy lên các con sóng lớn tầng tầng lớp lớp, ai nấy đều ngạc nhiên mở to mắt. Một người nông dân dám nói rằng tranh của nữ hoạ sĩ nổi tiếng không đẹp, mà lại nói trước nhiều người như vậy. Đúng là quá to gan. Hơn nữa nếu chỉ ra lỗi sai của bức tranh trước mặt đông người, chắc chắn sẽ ngại ngùng không còn mặt mũi nào nữa mà tức giận.

Song nữ hoạ sĩ không hề tức giận, cô hỏi người nông dân: “Bác có thể cho cháu biết vì sao bác nói vậy không?”.

Người phụ nữ chỉ vào con vịt trong tranh nói với cô: “Cô vẽ con vịt này sai rồi. Con vịt cô vẽ là vịt đực, vịt cái đuôi của nó không dài thế này đâu”.

Nữ hoạ sĩ sững người, người nông dân nói tiếp: “Vịt đực đuôi rất đẹp, có đường cong; vịt cái đuôi nâu đen rất ngắn”.

Hoá ra là như vậy.

Nữ hoạ sĩ không kiềm chế được cũng bật cười, nói: “Bác nói đúng, đúng là cháu vẽ sai. Điều này là không được”.

Sau đó cô đổi tấm vải vẽ khác, rồi cầm bút vẽ lại từ dầu, một lúc sau, một con vịt sống động như thật đã xuất hiện trong khung vẽ của cô. Cô nói với người phụ nữ nông thôn: “Lần này đúng rồi chứ ạ?”.

Người phụ nữ kia cười nói: “Đúng rồi, lần này mới đúng”.

Nữ hoạ sĩ nói: “Cháu muốn cảm ơn bác đã chỉ ra sai lầm của cháu. Để khỏi áy náy, cháu xin cảm ơn bác, cháu tặng bức tranh này cho bác, hy vọng bác nhận nó”.

Một hoạ sĩ có tài nghệ cao, khi người khác chỉ ra sai lầm của mình cô đã nhã nhặn tiếp nhận, vì nếu là một người không khiêm tốn thì sao có thể có khả năng bồi dưỡng tay nghề cao như vậy chứ? Có thể thấy, muốn trở thành nhà nghệ thuật xuất sắc, đầu tiên cần nâng cao nhân phẩm của bản thân.[11]

3.3.2. Khiêm nhường trong lòng: không cầu vinh sang an thường thủ phận

– Những anh hùng hào kiệt thường bị đập hơn những người nghèo hèn – Cả trong cuộc sống lẫn trong đền đài

Theo các nhà tâm lý học và lịch sử học khảo chứng, thì thấy thân phận của kẻ hèn kém có thể làm cho họ gặp dữ hoá lành; gặp nạn thành tốt. Biểu hiện của kẻ hèn kém vốn là hiện tượng tự bảo vệ mình, nguyên thuỷ nhất của tự thân loài người. Con người trong những lúc nguy nan, chỉ cần chịu cúi đầu, hạ thấp mình, thì nguy hiểm sẽ giảm đi một nửa. Thực tế, có rất nhiều người yếu hèn lại là những người ít gặp nguy hiểm nhất, ít bị rắc rối nhất. Ngược lại hiểm nguy bao giờ cũng giáng lên đầu những vị anh hùng, hào kiệt nhiều hơn. Trong cuộc sống hiện thực ta cũng thấy kẻ hèn kém thường được bảo vệ nhiều.

Khi đặt người làm công và ông chủ vào với nhau. Người bị đập nhiều nhất, tất nhiên là ông chủ có thế lực. Việc này hoàn toàn trái ngược với cuộc sống hiện thực.

Trong trò chơi máy tính, người ta lấy ông vua và dân nghèo làm thành một cặp, thấy số lần ông vua bị đánh gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với dân nghèo. Chẳng ai còn ca ngợi thần tướng, đế vương nữa.

Bình thường hàng ngày mọi người đều sùng bái kẻ cao to, dũng cảm, và thích đeo đuổi nhân vật tai to mặt lớn, còn kẻ hèn kém bao giờ cũng bị xem thường. Các nhà tâm lý cho rằng, sự xem thường này vừa vặn mang ý bình dị, bình thường. Do đó hèn kém chưa chắc đều là xấu. Trên mình kẻ hèn kém bao giờ cũng có tâm trạng khiêm nhường, chịu đựng, cam chịu lép vế. Là người sống, họ được mọi người đồng tình. Là một tượng tạc họ được lưu giữ hoàn chỉnh. Điều đó nói lên trên mình họ vốn có mặt quý báu của nó.

James, một người Mỹ từng làm thí nghiệm, ông tiến hành với một số nhân vật có tính tiêu biểu cung cấp cho các trò chơi trên máy tính. Một nhân vật to đầu và nhân vật bé đầu cùng xuất hiện. Kết quả tỷ lệ kẻ to đầu oai phong lẫm liệt bị kích đánh trên 80%, còn số lần kẻ bé đầu bị kích đánh ít hơn nhiều.

Cuộc sống con người không chỉ theo đuổi oai phong lẫm liệt, và lớn mạnh, mà có lúc cũng phải học hỏi cái hèn kém, biết cúi đầu. Bởi đó mới là mặt thực của chúng ta, và cũng là điều khiến người khác yêu mình. Khi chấn chỉnh các di tích lịch sử, mọi người phát hiện thấy trong các bức tượng Cổ La Mã để lại, những bức tượng bị phá hoại nhiều nhất, nghiêm trọng nhất là những tác phẩm đứng đầu trong hàng đế vương, hào kiệt. Dù những bức tượng này vô cùng giá trị, nhưng nó vẫn không tránh khỏi hết kiếp nạn này đến kiếp nạn khác của lịch sử.

Cho đến nay, trong những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh từ thời cổ La Mã để lại, chẳng còn đế vương nào. Những bức tượng của các nhân vật hiển hách, dọc ngang sông núi một thời hầu như bị huỷ hoại. Những bức tượng còn giữ được hoàn chỉnh nhất, lại là những nhân vật hạ đẳng và tiểu nhân. Trong đó bức tượng một vị nam hầu bằng đá, mà người ta tiến cống cho vua, là còn hoàn chỉnh nhất. Anh ta một chân quỳ, hai tay dâng khay quả. Dù về dáng vẻ hay hình tượng đều với bộ dạng hết sức hèn kém, mọi người nhìn thấy không khỏi than thở tội nghiệp tận đáy lòng mà không nỡ đập phá anh ta.

Ở Trung Quốc cũng vậy, trong số các văn vật còn lưu giữ, các bức tượng đế vương, thần tượng bị huỷ hoại nhiều nhất, thảm nhất. Hàng trăm năm nay, hầu như các nơi, không còn thân hình bức tượng của các đế vương, thần tượng nào hoàn chỉnh để lại. Dù là tượng đất hay tượng đồng, hầu như bị huỷ hoại hết. Thứ đến là các bức tượng được cho là thế thượng anh hùng, danh môn quý khách cũng bị phá hỏng nghiêm trọng nhất.

Trải qua các thời đại, các bức tượng được giữ gìn tương đối hoàn chỉnh hầu như là các bức tượng của kẻ hèn yếu. Ở Quý Châu, có một cổ vật cách đây hơn 900 năm, tương đối đắt giá, chính lại là bức tượng của kẻ hèn kém. Nó được bảo tồn hoàn hảo, ai cũng tấm tắc khen, khắp mình tượng hầu như không có vết trầy xước nào. Mọi người ai cũng vô cùng bức xúc về hiện tượng này.[12]

– Chuộng đời sống ẩn dật hơn chức vụ cao sang

giấu kín những điều có thể làm cho ta được tôn trọng;

ước ao ngồi chỗ chót trong xã hội cũng như trong tâm trí loài người; không muốn ai biết và nhớ đến mình nữa.

Dương Hộ xuất thân từ thế gia quan hoạn, là cháu ngoại của Thái Ung, thời Đông Hán, là em cùng mẹ với hoàng hậu của Tân Cảnh Đế Tư Ma Sư. Nhưng ông là người thanh liêm, khiêm nhường, không có thói xấu xa xỉ, ngang ngược của con nhà hoạn quan.

Quan châu bốn lần trưng dụng ông làm tòng sự, tú tài. Ngũ phủ cũng mời ông ra làm quan. Nhưng ông đều từ chối.

Có người ví ông như học trò được Khổng Tử thích nhất là Nhan Hồi khiêm tốn, chịu học. Thời Tào Sảng chuyên quyền đã từng dùng ông và Vương Thẩm. Vương Thẩm vô cùng sung sướng rủ ông ra nhận chức. Dương Hộ hờ hững trả lời: “Cúi mình thờ phụng người khác, sao mà dễ nghe thế!” Sau này Tào Sảng bị giết, Vương Thẩm là thuộc quan của ông nên bị miễn chức. Vương Thẩm nói với Dương Hộ: “Ta phải luôn luôn nhớ lời cậu nói trước đây”. Dương Hộ nghe thấy thế, không khoe tỏ mình sáng suốt biết trước: “Đây không phải nghĩ trước được!”

Sau khi Tân Hiến Đế Tư Mã Viêm xưng đế, cho Dương Hộ có công phò trợ được phong làm trung xa tướng quân, tăng quan làm tán kỵ thường thị, được phong quận công, lương thực được ba nghìn hộ ấp. Nhưng ông đã từ chối. Vì thế giữ nguyên tước tấn phong làm Hậu. Thời gian này thiết đặt lang trung lệnh, chuẩn bị cho ông chức cửu quan. Đối với các đại thần có danh vọng ở triều trước như Vương Hữu, Giả Sung, Bùi Tú … ông hết sức khiêm nhường, không dám liệt mình ngang họ.

Sau này do ông có công lao trong việc đốc thúc các cánh quân ở Kinh Châu, tăng quan làm xa kỵ tướng quân, địa vị ngang với tam công. Nhưng ông dâng biểu kiên quyết chối từ, nói: “Thần mới vào làm quan được mười mấy năm, lại chiếm địa vị hiểm yếu thế này, để đêm đêm phải lo lắng với địa vị cao của mình, thấy vinh hoa là buồn lo. Thần thân là ngoại thích, việc gì cũng gặp may, nên cần cảnh giác với những sủng ái quá mức. Nhưng lần nào bệ hạ cũng hạ chiếu thư, cho thần bao nhiêu vẻ vang, khiến thần khó chịu đựng, thì làm sao mà yên tâm được? Ngày nay có biết bao người tài đức, như Quang Lộc đại phu Lý Hi có tác phong, tiết độ cao cả, Lỗ Nghệ trong sạch quả dục; Lý Dận thanh liêm, chất phác, mà chẳng được địa vị cao. Còn thần bất tài, vô đức, mà địa vị lại cao hơn họ, thì làm sao dập tắt nổi oán hận của người trong thiên hạ? Vì thế rất mong hoàng thượng thu hồi chiếu mệnh!” Nhưng vua không đồng ý.

Tấn Võ Đến Hàm Ninh năm thứ 3, vua lại phong Dương Hộ làm nam thành hậu. Dương Hộ kiên quyết không nhận. Mỗi lần Dương Hộ được tấn thăng, luôn từ chối, thái độ lại thiết tha, vì thế tiếng tăm vang dội khắp nơi. Nhân sỹ trong triều đều hết sức tôn sùng ông, và cho rằng ông phải được nhận chức tể tướng. Lúc đó Tân Hiến Đế đang muốn thâu tóm cả Đông Ngô, muốn Dương Hộ đảm nhận chức bình định Giang Nam để dựa, nên đành phải gác chuyện này lại. Dương Hộ đã trải qua hai triều đại, nắm được đại quyền cơ yếu. Nhưng bản thân ông lại không toan tính vào quyền thế. Các diệu sách kế hay, các văn bản ông vạch ra, sau đó đều đem đốt hết. Cho nên người đời chẳng biết nội dung trong đó là gì. Những người mà ông tiến cử, tấn thăng, không bao giờ thấy ông khoe. Các người được làm quan cũng chẳng biết mình được Dương Hộ tiến cử. Có người cho Dương Hộ quá chu đáo, tỷ mỷ. Ông bảo: “Nói thế là thế nào vậy? Cổ nhân răn dạy: Nhập triều phải cùng vua tâm sự hết lòng, xuất triều lại giả như không biết. Điều này e ta chưa làm được! Ta chưa tiến cử được hiền tài. Ôi! hổ thẹn cho cái khó biết người! Huống hồ ở triều dinh ký lệnh bổ nhiệm, quan viên đến nhà riêng bái tạ. Đó là điều ta không muốn!”

Dương Hộ bình thường sống thanh liêm, tiết kiệm, giản dị. Quần áo, chăn màn đều là vải thô. Bổng lộc có được đều đem chu cấp cứu tế cho người trong họ tộc, hay phát thưởng cho quân sỹ, trong nhà chẳng có của dư của để. Lúc lâm chung để lại di chúc không cho đem ấn hậu nam thành bỏ vào quan tài. Tề Vương Tư Mã Du cháu ngoại của ông dâng biểu kể lại, vợ Dương Hộ không muốn liệm táng Dương Hộ theo cấp bậc tước hậu. Tân Võ Đế bèn hạ chiếu nói: “Dương Hộ xưa nay liêm khiết, chí không đoạt nổi, thân tuy đã chết, đức tính khiêm nhường vẫn còn giữ, tiết tháo để lại càng khiến người đời cảm động. Đó là nguyên nhân tại sao Bá Di, Thục Tế thời xưa được xưng tụng là hiền nhân và cũng là lý do ấy Tử được bảo toàn danh tiết! Bây giờ trẫm cho phép khôi phục phong tước cũ, để biểu dương đức tính tốt đẹp cao thượng của ông ta”.

Thành công của Dương Hộ là trên đến chúa của cả nước, dưới đến bá tính lê dân, đều tỏ ra khâm phục ông. Các tham tá của Dương Hộ đều tán dương ông đức độ cao đẹp, mà vẫn khiêm nhường, địa vị cao, mà vẫn khiêm tốn. Khiêm tốn là thông minh hiểu biết, là phép tắc vàng để đối nhân xử thế. Người biết khiêm nhường sẽ được người đời tôn trọng, được người đời khâm phục.

Tác phong ra vẻ tài cao, bộ mặt vênh vang tự đắc, thần thái ra oai lườm nguýt, khí thế ngông nghênh hách dịch, xử thế kiểu cách ngạo mạn, như thế sớm muộn gì cũng sẽ bị thất bại. Ngưỡng cửa xã hội có cao có thấp, chỉ khi đi qua với dáng vẻ khiêm tốn, mới có thể qua được tất cả các cửa.[13]

3.3.3. Khiêm nhượng bên ngoài:

Có bên trong tất lộ ra bên ngoài cũng không phải không ảnh hưởng đến bên trong. Vậy phải cố gắng thực hành khiêm nhượng bề ngoài:

ở nhà thanh đạm,

mặc áo đơn sơ;

diện mạo, thái độ, cử chỉ khiêm nhu, không gò gẵng;

cư xử nhã nhặn,

lịch sự và tôn kính mọi người;

không nói về mình khi không cần thiết, nhường cho người khác nói điều họ ưu.

Nói điều dở của mình cũng thường là kiêu ngạo trá hình.

Mà nói điều hay của mình tức là khoe khoang rồi vậy.

– Không khoe khoang, không để lộ tài

Cách ngôn Pháp có câu: “Im lặng là vàng”. Nói nhiều sinh thất thố, người xưa thường bảo “vạ mồm” là thế đó. Người biết bình tĩnh lắng nghe không những được mọi người hoan nghênh, mà còn biết nhiều thứ. Người hay nói giống như con thuyền bị thủng, ai cũng sợ muốn bỏ thuyền chạy nhanh. Vả lại nói nhiều còn sinh oán, nói bậy thì rước hoạ. Chỉ có im lặng mới không bị bán mình, mới không làm mình bị thương tổn.

Charter Fimder đã nói một câu nổi tiếng: “Muốn thông minh hơn người thì đừng để người khác biết.” Tỏ vẻ thông minh, chi bằng giấu kín hiểu biết còn có ý nghĩa thực tế hơn.

Lão Tử có nói: “Đại xảo nhược chuyết, đáp biện nhược nột”. Ý nói người hiểu biết nhất, thật sự có bản lĩnh, tuy có tài, có học thức, nhưng thường ngày trông như đần ngu, không tỏ vẻ gì là mình thông minh. Tuy có thể đáp, có thể biện bạch, nhưng lại cứ tỏ ra không biết nói gì. Cho dù mới bước vào đời hay đã được làm quan to; cho dù làm chuyện đại sự, hay là giao tiếp với mọi người, chớ để lộ tài. Có tài tất nhiên là tốt. Nhưng biết vận dụng đúng lúc, đúng nơi, mới không bị, hoặc ít bị thiên hạ ghét. Biết tránh tài cao hơn chúa, mới là người thật sự có tài. Cái tài đó mới thật sự có ích cho xã hội, cho người, và cho cả mình nữa.

Người mà cứ để lộ tài, thường bị người ta ghen ghét, trách móc, thậm chí còn rước hoạ vào thân. Lão Tử thường khuyên Khổng Tử: “Quân tử thịnh đức, dung mạo nhược ngu”. Thịnh đức ở đây ý muốn chỉ “người có tài vượt trội”. Ý câu nói trên muốn chỉ, người có tài ngang dọc, thì bên ngoài giống hệt như kẻ ngu si đần độn. Cho dù tỏ ra khiêm tốn hay cẩn thận, nhưng lại để cho một số người cảm thấy như có thái độ sống tiêu cực, bị động. Nhưng thực tế cho thấy, nếu ai biết khiêm tốn, thành khẩn đối xử sẽ có được thiện cảm của người ta. Nếu biết cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, mới được mọi người tôn trọng. Do đó, nếu cần thiết phải giấu tài, thu mình, đừng vội để người khác biết rõ tài năng của mình. Nếu để cho đồng sự biết hết sở trường, sở đoản của bạn, giống như chơi bài mà để người ta nhìn hết bài, thì còn mong gì thắng! Trong thực tế, có rất nhiều câu chuyện nói về mặt này.

– Vua Càn Long

Ở Trung Quốc, thời nhà Thanh, vua Càn Long thường hay thích trổ tài. Ồng đã làm hàng vạn bài thơ. Khi lên triều hay hạch hỏi đại thần câu chữ, các đại thần tuy biết rõ cái hời hợt vụng về trong những câu đối, nhưng không nói ra. Họ cứ giả vờ như đang suy tư da diết, còn cầu khẩn hoàng đế khai ân “cho phép nghĩ thêm 3 ngày”. Ý này chẳng phải bảo vua Càn Long tự nói ra còn gì (?), sau đó đại thần ra sức tung hô tán thưởng, ca ngợi. Chả lẽ cả triều đình chẳng ai tài sao? Không phải thế đâu. Đó là cách xử thế khéo léo để khỏi chuốc tội vào mình của quần thần.

 

– Lời dạy của Galilê

300 năm trước, Galilé đã nói: “Bạn không thể dạy người khác điều gì, mà chỉ giúp người ta phát hiện ra vấn đề mà thôi”. Cho nên vì sao lại cứ hay khoe khoang khoác lác? Vì sao lại cứ gây rắc rối cho mình? Nếu bạn muốn chứng minh điều gì, thì chớ nên để ai biết cả, chớ để lộ dấu vết gì, khéo léo làm. Có một nhà thơ đã nói: “Khi bạn dạy người, bạn để cho người ta có cảm giác như bạn tỉnh bơ, bất thình lình nêu lên sự việc, tưởng như bị quên vậy”.

Có người bảo ngôn ngữ nói năng là thứ thấp hèn. Nói nhiều không bằng biết nhiều, nói ít không bằng nói lời hay. Cho dù nói thế nào đi nữa thì cũng không sâu sắc bằng để lại ấn tượng của sự thật. Nói nhiều tượng trưng cho sự hời hợt. Bởi nhiều người nói mạnh nhưng hành động chẳng ra sao, kém cỏi. Người khôn ngoan không ăn nói bộp chộp. Người có tín nghĩa, không ai nói nhiều. Người có mưu kế không nói tràn lan. Nếu bạn cẩn trọng trong giao tiếp, mọi người sẽ cho bạn là con người có học, tu dưỡng, đáng tin cậy.[14]

  1. Làm thế nào để khiêm tốn

4.1.Tất cả là do Trời cho – do cơ may đưa tới

Những cái căn bản nhất ta có đều không do ta mà có. Nếu ta có được cái đầu thông minh, học đâu biết đó, tính đâu đúng đó, thì cái đầu đó không do ta mà có. Cũng không phải từ bố mẹ tạo ra, bởi vì bố mẹ chẳng có quyền năng gì vào việc đó cả. Ta có thể nói đó là may rủi, hay là trời cho, nhưng điều chắc chắn là ta chẳng có công cán gì trong việc có được cái đầu thông minh cả (dù là có một tí công trong việc mài dũa nó tốt hơn một tí). Vậy thì, hãy khiêm tốn cảm ơn ông trời hay cám ơn “may rủi”, thay vì kiêu căng. Có được giọng ca tốt cũng thế, thân hình đẹp cũng thế…Vốn liếng trời cho, mình chẳng có công cán gì hết, thì đừng tự cao, mà hãy khiêm tốn cảm ơn.

4.2. Những cái chúng ta có chỉ là may mắn do hoàn cảnh, do xã hội tạo nên

Bất kỳ cái gì mình có, trong Sự Thật, chẳng quí hơn cái người khác có tí nào. Chẳng qua là vì hệ thống kinh tế (bất toàn) của con người bóp méo mà thôi. Giọng ca mang triệu đô la, chẳng có lý do gì mà quý hơn khả năng còng lưng 10 tiếng một ngày trên cánh đồng, hay khả năng đánh một đôi giày bóng lưỡng trên hè phố. Chẳng qua là trong hệ thống kinh tế tiền nong của ta, mọi người thích mua CD nhiều, cho nên ca sĩ giàu hơn thế thôi, chẳng lý do gì mà người ca sĩ có thể xem mình cao hơn người nông dân hay em bé đánh giày (trừ khi người ca sĩ không biết suy nghĩ).

Hệ thống kinh tế chính trị xã hội bất toàn của con người bóp méo mọi giá trị trên đời. Ta đừng để các bóp méo đó lừa lọc mình. Những cái gì người khác đang đó, trong Sự Thật, trước khi các giá trị bị xã hội bóp méo, có giá trị ngang hàng với những cái mình có.

4.3. Tất cả những gì mình có, có thể mất ngay trong một sớm một chiều

Nhà cháy một buổi, thương mãi sụp rất nhanh trong một lúc khủng hoảng. Tình yêu thì khỏi nói, có thể bye-bye nhanh hơn hỏa tiễn. Cái đầu thông thái có thể mất đi trong một tích tắc đụng xe. Sức khỏe (là nền tảng của mọi sản nghiệp khác) có thể mất đi chỉ vì một cơn bệnh nan y. Cho nên, nói theo kiểu Mỹ là “Don’t be so hung up about them.” (Đừng treo dính cái đầu vào mọi thứ đó!).

4.4. Nhìn vào bức tranh tổng thể, mình chỉ là một dấu chấm tí ti.

So với lịch sử hàng triệu triệụ năm của con người thì cuộc đời 60 hay 100 năm của mình chỉ là 1 dấu chấm tí ti. So với lịch sử vô thủy vô chung của vũ trụ, thì cuộc đời mình chưa đến một dấu chấm tí tí. So với 8 tỷ người của trái đất mình chỉ là một chấm. So với toàn thể loài người từ cổ chí kim, mình chưa là một chấm.

So với trái đất mình chỉ là một chấm. So với thái dương hệ, trái đất chỉ là một chấm. So với Ngân Hà, thái dương hệ chỉ là một chấm. So với “vũ trụ đã biết”, Ngân Hà chỉ là một chấm. So với “vũ trụ chưa biết” thì có lẽ “vũ trụ đã biết” chỉ là một chấm. Thế thì, “Don’t be so hung up about yourself.”

Chỉ cần một chút suy tư như thế cũng đủ để cho ta thấy ta chẳng có lý do gì mà kiêu căng và không khiêm tốn.

Nhưng dù là ta chẳng là cái gì cả như thế, ta cũng vẫn có lý do để tự tin và hạnh phúc vì:

  • Nói theo Phật gia, thì ta với vũ trụ bao la vô tận vô thủy vô chung đó là một—không có ta thì không có vũ trụ đó. Cũng như, mỗi chúng ta ta chỉ là một con số nhỏ xíu trong “quốc dân” 80 triệu nguời của nước ta. Nhưng mỗi chúng ta vẫn rất có ý nghĩa bởi vì nếu không có mỗi chúng ta thì không có quốc dân.
  • Nói theo truyền thống Moses (Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo) và các truyền thống tâm linh khác, thì con người được Thượng Đế tạo nên, là con của Thượng Đế, cho nên dù là rất nhỏ bé, vẫn có một ý nghĩa lớn trong toàn thể tạo vật.

Đây là những cái nhìn rất quân bình, một mặt cho chúng ta thấy cái nhỏ bé của mình, để mình có thể khiêm tốn, một mặt cho mình thấy vai trò tích cực của mình trong việc tạo dựng toàn thể và, do đó, trong việc tiếp tục làm cho toàn thể tốt đẹp hơn.

Dù sao đi nữa thì khiêm tốn là một kỹ năng đòi hỏi ta suy tư sâu sắc và quan trọng nhất là, thực hành hàng ngày cho đến khi ta thuần thục, và sau đó tiếp tục như là một phần tự nhiên trong máu của mình. Tuy nhiên, «thực hành” ở đày phần lớn là «thực hành” ở trong tâm, trong cái nhìn của ta về người khác, vật khác. Thực hành trong tâm sẽ khiến ta thực hành ra ngoài đúng cách, tùy theo những điều kiện đặc biệt của mỗi sự việc bên ngoài.[15]

5.Thực hành đức Khiêm Nhường

Gương Chúa Giêsu

Thánh Phaolô viết: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình Chúa Kitô. Tuy Ngài là Thiên Chúa mà đã hạ mình ra như không” Pl 2,5-7). Nghiền gẫm Phúc Âm, ta sẽ thấy Chúa hạ mình làm sao. Sinh trong khó nghèo, trót ba mươi năm vâng lời thánh Giuse và Đức Mẹ, làm nghề thợ mộc độ thân. Ba năm giảng đạo ngược xuôi, chọn người điền dã làm môn đệ, thuyết giáo cách bình dân, đến phụng sự người ta, không để được người ta phụng sự, hoàn toàn tuỳ thuộc Thiên Chúa, không tìm danh vọng cho mình, chỉ lo hiển danh Cha. Nhất là ba ngày Tử Nạn, Ngài càng hạ mình hơn nữa, nên như sâu bọ, đâu phải là người: nhân loại khinh khi, toàn dân chê bỏ, bị kết án cực hình như một tên đại gian ác. Ngày nay, trong nhà tạm Ngài còn tiếp tục ẩn mình. Xưa trên thánh giá giấu thần tính, nay trong nhà tạm giấu cả nhân tính nữa. Đã vậy, còn chịu biết bao sỉ nhục nhuốc nha, chẳng những do người ngoài, mà lại còn do con trong nhà mới là cực chứ ! Tấm gương xán lạn ấy chẳng đủ thúc giục ta tập mình khiêm nhường sao? Chúa Kitô đã hạ cố đặt mình làm gương mẫu cho ta: “Hãy học cùng Ta, vì Ta  hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).

[1] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan trg.5-6

[2] Fulton J.Sheen, Sống Hạnh Phúc  (Way to happiness), trg.24-25

[3] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan trg.98-99

[4] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan trg.99-100

[5] Mênh Mông, sđd trg.101

[6] Fulton J.Sheen, Sống Hạnh Phúc  (Way to happiness), trg.27

[7] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan trg.46

[8] Piero Ferrucci, Sức mạnh của lòng nhân ái, trg 99

[9] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan trg.7-8

[10] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan trg.88-89

[11] Quỳng Anh – Ngọc Tú, Khiêm Tốn, trg.122-126

[12] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan

[13] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan trg.168-172

[14] Mênh Mông, Nhún Nhường là phép xử thế khôn ngoan, trg.42-45

[15] Nguyễn văn Hải, Biết hoàn thiện bản thân,trg. 51-54