Tân Phúc Âm Hóa Lòng Sám Hối – Chương Một

print

TÂN PHÚC ÂM HÓA LÒNG SÁM HỐI

GIUSE ĐỖ VĂN THỤY, MSV

NHÀ  XUẤT BẢN TÔN GIÁO

CHƯƠNG MỘT.

BIẾT MÌNH LÀ NHẬN RA NHỮNG HỒNG ÂN CHÚA BAN CŨNG NHƯ NHẬN RA NHỮNG TỘI LỖI CỦA MÌNH

  1. Biết mình là điều cần thiết để đổi mới bản thân.
  2. Những nguyên nhân làm ta không biết rõ về mình.
  3. Tôi là ai
  4. Phương thế đương đầu với những cái tôi tiêu cực.
  5. Phương thế khám phá bản thân.

LỜI TỰA

Con người ngày nay càng mất dần ý thức về tội lỗi, bởi vì con người mất dần ý thức về Thiên Chúa.

Tội lỗi chỉ có ý nghĩa trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Tội lỗi trước hết là hành động xúc phạm tới Thiên Chúa, vi phạm luật Chúa, và nhất là từ chối tình thương của Ngài. Cho nên Sám Hối là nhận ra tội lỗi của mình rồi ăn năn sám hối, quyết tâm trở về với Chúa. Chính vì thế, Sám Hối là một chủ đề nổi bật trong Thánh Kinh. Giavê không ngừng đòi hỏi Dân Chúa phải luôn canh tân đổi mới cuộc sống và Giavê đã dùng đủ mọi cách đổi mới con tim Dân Người. Và khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã kêu mời: “Anh em hãy Sám Hối vì Nước Trời đã gần đến”(Mt 4,17).

Như vậy Sám Hối là một vấn đề rất quan trọng trong đời sống tôn giáo. Nhưng để Sám Hối ta phải nhận ra những tội lỗi cũng như những hồng ân của Thiên Chúa. Nếu chỉ nhận ra những tội lỗi, những khiếm khuyết mà thôi, nhiều khi chúng ta sẽ đi đến chỗ tuyệt vọng, nhưng nếu nhận ra những hồng ân của Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ đi đến chỗ biết ơn Thiên Chúa. Từ chỗ biết ơn Thiên Chúa, chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Một khi nhận ra tình thương của Thiên Chúa, chúng ta không thể tiếp tục sống một cuộc sống tầm thường hoặc bê tha tội lỗi, nhưng cố gắng sống làm sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng để nhận ra tội lỗi cũng như nhận ra hồng ân của Thiên Chúa không phải dễ. Nó đòi chúng ta phải có một tâm hồn khiêm nhường sâu thẳm.

Chính vì vậy tập tài liệu này gồm hai phần:

Phần một : “Bước Vào Tâm Tình Sám Hối”

gồm ba chương:

– Chương một: Biết mình là nhận ra những hồng ân Chúa ban cũng như nhận ra những tội lỗi của mình.

– Chương hai: Khi đã nhận ra những hồng ân Chúa ban cũng như nhận ra những tội lỗi của mình, sẽ đưa ta đến tâm tình biết ơn.

– Chương ba: Để nhận ra những hồng ân Chúa ban cũng như nhận ra những tội lỗi của mình, ta phải có một  tâm hồn khiêm nhường sâu thẳm.

Biết mình, biết ơn và khiêm nhường sẽ giúp chúng ta có  tâm tình Sám Hối để đi vào công cuộc

Tân Phúc Âm Hóa LÒNG SÁM HỐI,

tức là phần hai và cũng là phần chính của tập tài liệu này.

Ở đây chúng ta có dịp bàn đến Sám Hối trong tôn giáo và Sám Hối trong đời thường để tiến tới lòng Sám Hối theo tinh thần Tin Mừng với “Người Con Hoang Đàng”, đỉnh cao của lòng Sám Hối.

Ngày nay, từ Sám Hối đã đi vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, hoà nhập vào tiếng nói của toàn dân. Có lẽ mọi Người Việt đều hiểu Sám Hối như các từ điển lớn của Việt Nam giải nghĩa là “ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình, hối hận vì đã mắc lỗi và mong sửa chữa” cho nên người Công Giáo cũng đã sử dụng thuật từ này trong đời sống đức tin của mình.Tuy nhiên khi sử dụng, chúng ta cần lưu ý là từ này có nguồn gốc từ Phật Giáo, khi đặt trong ngữ cảnh Công Giáo thì ý nghĩa, nội dung của thuật từ này khác với quan niệm của anh em Phật Giáo.

Quả thật, lòng Sám Hối Kitô Giáo không thể so sánh với bất cứ kinh nghiệm tự nhiên nào, mọi cố gắng để “bắt chước”, sẽ trở thành lố bịch. Lòng Sám Hối là hoa quả của Thánh Thần và là dấu vết chắc chắn nhất Ngài đang hoạt động trong tâm hồn. Đây chính là cõi thâm sâu nhất của lòng Sám Hối theo tinh thần Tin Mừng Kitô Giáo.

PHẦN MỘT

 BƯỚC VÀO TÂM TÌNH SÁM HỐI

 

CHƯƠNG MỘT

BIẾT MÌNH LÀ NHẬN RA NHỮNG HỒNG ÂN CHÚA BAN

CŨNG NHƯ NHẬN RA NHỮNG TỘI LỖI CỦA MÌNH

 

Ý thức là khởi điểm của sự thay đổi

“Một môn đệ đến thưa thầy: “Xin thầy dạy cho con một lời khôn ngoan để làm khuôn vàng thước ngọc cho cả đời con”. Thầy đã lấy giấy viết: “nhận thức” vì hôm ấy là ngày tịnh khẩu. Môn đệ lại thưa: “Thưa thầy, thầy nói quá ít, xin thầy giải thích thêm. “Thầy lại viết: nhận thức, nhận thức, và nhận thức“. Người môn đệ vẫn thấy là chưa đủ với những gì mình mong chờ nên lại nài nỉ thầy dạy bảo thêm. Lần này thầy lại viết: “nhận thức, nhận thức, nhận thức có nghĩa là nhận thức”.

1. Biết mình là điều cần thiết để đổi mới bản thân

1.1. Biết mình là nền tảng mọi hiểu biết

Biết mình là sự hiểu biết cơ bản nhất, nền tảng nhất của mọi thứ hiểu biết. Con người cao cả là bởi họ biết chính mình. Hầu như mọi thảm họa xảy đến cho con người đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết chính mình, hoặc hiểu biết về mình một cách sai lạc. Biết mình là điều quan trọng để tạo mối thuận hòa trong gia đình và ngoài xã hội.

Người biết mình sẽ không nổi nóng khi chưa đạt mục đích, họ cố gắng hết sức nhưng chấp nhận khả năng hữu hạn của mình, họ không than thân trách phận, cũng không than phiền đổ lỗi cho kẻ khác. Biết mình và chấp nhận mình là khởi điểm cho một cuộc giao hảo tốt. Có một câu châm ngôn thời danh như sau: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thẳng”. Biết mình là điều rất quan trọng đến nỗi Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy cất bỏ cái đà nơi mắt mình trước đã rồi mới  lấy cọng rác nơi mắt anh em ” (Lc 6,42).

Để biết mình, cần có nhân đức khiêm nhường, đây là bước khởi đầu căn bản. Biết bao lần chúng ta than phiền kẻ nọ người kia và còn nóng giận không chính đáng, nếu biết khiêm nhường thì chắc hẳn nóng giận đã không xảy ra. Nhiều lần chúng ta hành động như một người lấn lên phía trước, nhưng lại trách người sau lưng là chen lấn xô đẩy.

Biết mình là nhìn nhận nơi mình có những điểm xấu, nhưng cũng có những điểm tốt, có nhiều sở đoản nhưng cũng không thiếu sở trường. Với sở đoản, ta kiên nhẫn sửa chữa, bồi bổ; với sở trường, ta tự tin, phát triển và canh tân.

Trong các mối quan hệ, nếu mọi người đều khiêm nhường để biết mình thì chắc chắn chúng ta sẽ là những món quà quí cho nhau. Thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Côrintô: “Đừng có ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự lừa dối mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa (lCr 3,18-19).[1]

1.2. Biết mình là điều cần thiết

1.2.1. Tìm biết thiên hướng bản thân

Trước khi hướng đời mình về đâu, chúng ta cần biết thiên hướng của mình. Mỗi chúng ta đều có thiên hướng riêng, có những sở trường và sở đoản. Biết được chúng sẽ giúp chúng ta chọn nghề, chọn cách sống và ngay cả chọn bạn đời thích hợp. Vậy làm sao biết được thiên hướng và những đặc nét của mình? Có lẽ trước hết mỗi ngày chúng ta nên để thì giờ nhìn lại mình, nhìn vào nội tâm mình để xem điều gì, với ai và cách nào đã làm cho mình cảm thấy dễ chịu, bình an, hứng khởi và triển nở. Ta cũng xem xét những gì làm mình dễ nặng lòng, bối rối và bất an… Sau đó hãy ghi lại những cảm nghiệm của mình. Có lẽ nhật ký cũng sẽ giúp cho chúng ta không ít về điều này, vì thường chúng ta hay trải lòng, viết lên cảm xúc của mình một cách tự nhiên nhất trong nhật ký. Nhớ chú ý những gì thường gây hứng khởi cho mình và trái lại. Ngoài ra, chúng ta có thể nhờ bạn, hay những người đáng tin cậy nào đó, các đồng nghiệp hoặc người thân trong gia đình góp ý. Hy vọng bằng cách này, chúng ta sẽ có được cái nhìn chính xác về thiên hướng của mình.[2]

1.2.2. Xác định những đam mê

Dựa trên thực tế, những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, những áng văn tuyệt vời hay những bài hát tồn tại mãi với thời gian, hoặc những phát minh khoa học để đời luôn là kết quả của những đam mê. Nếu Marie Curie không đam mê tìm kiếm thì chúng ta không có chất uranium. Nếu Edison không đam mê sáng tạo thì chúng ta không có những bóng đèn điện tiện lợi. Nếu Michel L’Ange không bỏ ăn bỏ ngủ để vẽ, để tạc tượng thì làm sao thế giới này có những tác phẩm vô giá như thế. Nếu Bill Gates và các nhà sáng tạo khác không miệt mài tìm kiếm thì làm sao chúng ta có được những máy tính tuyệt vời đa năng như ngày nay? Thật ra, nếu các nhà khoa học, kiến trúc, điêu khắc và nghệ sĩ… không đam mê thì làm sao chúng ta có máy bay, có truyền hình, có những lâu đài nguy nga đẹp đẽ, những công trình để đời? Với đam mê, chúng ta sẽ dùng hết khả năng và tiềm năng của mình. Đam mê chính là động lực, là sức mạnh giúp hoàn thành xuất sắc một ước mơ, một công việc. Đam mê thường trỗi dậy từ bên trong. Thật vậy, con tim có một năng lực phi thường, sức sống vô hạn. Nó đem lại sinh khí cho những gì chúng ta chạm tới. [3]

1.2.3. Biết mình: bí quyết thành công

Có lẽ đây là một mặt của hạnh phúc mà ít người được nếm trải.

Câu chuyện của Benjamin Kubelski sẽ soi sáng thêm cho chúng ta về vấn đề này Năm 1902, bố của Benjamin Kubelski tặng ông ấy một chiếc đàn violin làm quà sinh nhật lần thứ 8. Chiếc đàn có giá 50 đô la – cả một gia tài nho nhỏ vào thời điểm đó, đặc biệt là đối với một gia đình người Nga nhập cư. Benjamin chơi rất hay và khi ở tuổi teen, ông đã được chơi cho các buổi hoà nhạc lớn. Ở tuổi 18, ông kết hợp với một cô gái chơi piano, thành một nhóm nhạc ở Vaudeville.

Nhưng ông cho rằng cây violin vẫn chưa khiến trái tim ông thoả mãn. Nên một buổi tối, ông quyết định kể cho các khán giả của mình nghe về một tai nạn nho nhỏ đã xảy ra trong ngày. Sau đó ông kể lại: “Khán giả cười ngả nghiêng và âm thanh đó khiến tôi mê mẩn. Tiếng cười đó đã kết thúc sự nghiệp làm nghệ sĩ chơi nhạc của tôi”.

Và câu chuyện đó đã bắt đầu sự nghiệp của ông: trở thành một nghệ sĩ hài.[4]

1.3. Biết mình là bước đầu tiên để canh tân đời sống

Bước đầu tiên để canh tân cuộc sống, canh tân thái độ sống, là hãy biết mình, biết những gì mình đang có. Chắc chắn rằng hiện trạng mình đang là, và điều mình đang có không được hoàn toàn. Nghĩa là, có những điều mình yêu thích, bằng lòng, và những điều mình không thích có, không bằng lòng với nó, và muốn thay đổi nó cho được tốt đẹp hơn…Chính vì thế mà có thể xảy ra trong nội tâm nơi mỗi người chúng ta điều này : khi hồi tâm suy nghĩ, chúng ta có một sự dằng co: ta chỉ thích một phần cái tôi của mình, chớ không thích trọn vẹn cả cái tôi, vì có những điều mình không thích mà chúng vẫn cứ nằm chình ình ra đó. “Tôi thích điều tốt nhưng tôi không làm, mà điều xấu tôi không thích thì tôi lại cứ làm”.[5]

Ngày xưa, có một nhà vua trị vì vương quốc nọ rất thịnh vượng. Một hôm, ông quyết định vi hành đến những miền đất xa xôi của đất nước. Khi trở về cung điện, ông than phiền chân ông rất đau vì lần đầu tiên đi một chuyến dài ngày như thế trên những con đường rất gồ ghề và lởm chởm đá vụn. Nhà vua ban lệnh cho mọi người phải phủ da thuộc lên khắp các con đường của vương quốc. Rõ ràng việc này cần hàng triệu bộ da bò và sẽ tiêu phí rất nhiều tiền của.

Một hầu cận thông minh, dũng cảm tâu với nhà vua:

Sao bệ hạ lại dùng tiền một cách không cần thiết như thế? Sao bệ hạ không đo cắt một miếng da vừa với chân mình? Nhà vua rất ngạc nhiên nhưng rồi ông chấp thuận gợi ý của người hầu cận để cho làm một “đôi giày” cho riêng mình.

Bài học vô giá từ câu chuyện này là: Để thế giới này trở thành một nơi hạnh phúc với mọi người, tốt hơn hết hãy thay đổi chính mình chứ đừng thay đổi thế giới hay người khác.[6] Điều đầu tiên cần làm là phải biết những điều tốt xấu nơi chính mình trước. Có những điều tốt xấu nằm nổi trong cõi thức, nghĩa là ta dễ dàng ý thức hay ý thức về chúng rồi. Nhưng cũng có những điều tốt và xấu còn nằm sâu trong “cõi vô thức” mà ta chưa biết hay không biết được, nhưng lại có ảnh hưởng trên thái độ sống của mình, trên những phản ứng và hành động của mình. Chính vì thế mà ta cần dừng lại, suy nghĩ, cố gắng trở về với chính mình, phân tích chính mình để biết được những điều tốt xấu đó mỗi ngày một hơn lên. Tắt một lời, để bước đi trên con đường luyện tập cho mình có thái độ sống tự tín, thì hãy nhất quyết tìm biết về chính mình trước.

Có một người đến xin một chuyên viên tâm lý cố vấn. Nhà tâm lý đặt ra một câu hỏi: Nếu anh có thật nhiều tiền như ý anh muốn, thì anh sẽ làm gì ? Câu trả lời ngay là : tôi đi nghỉ mát ở miền biển. Nhưng sau một số câu đối thoại trực tiếp, người khách mới vỡ lẽ ra là mình chưa biết rõ nhu cầu của mình. Sau thời gian nghỉ hè, anh không biết làm gì nữa. Và cũng không thể nghỉ hè trường kỳ, vì làm như vậy thì cũng chán. Anh chưa biết rõ về mình, và chưa có dịp đào sâu thêm chính nội tâm mình để biết những nhu cầu hạnh phúc cần được thỏa mãn.[7]

2. Những nguyên nhân làm ta không biết rõ về mình

2.1. Bóng tối của cái tôi

2.1.1. Bóng tối là gì

Nhà tâm lý C. Jung đã nói : “Mỗi người như một vầng trăng, đều có mặt tối không bao giờ phô ra”.

Nếu xem đây là một ẩn dụ về việc khám phá bản thân thì văn sĩ Mark Twain nói rất thích hợp rằng : Cái tôi của chúng ta có những mặt tối là phần ẩn giấu, hoặc chúng ta không biết hoặc không muốn cho người khác biết. Carl Jung thì gọi phần che giấu này là “bóng râm của cái tôi” (The Shadow part of ourself). Phần này bao hàm những xúc cảm, những xung năng được che giấu dưới vỏ bọc của cái tôi lý tưởng để dễ được chấp nhận hơn. Thường chúng ta không biết đến phần này, hoặc biết mà cố che giấu, đè nén. Thật ra, chúng ta che giấu phần này không hẳn là vì nó xấu nhưng vì nó không thích hợp với cái hình ảnh mà chúng ta muốn có về mình, hoặc không hợp với sự mong đợi của người khác. Chúng ta sợ rằng nếu người khác thấy những bóng râm đó thì họ sẽ không chấp nhận hay không yêu thương, hoặc quan tâm, chú ý đến ta nữa. Vì thế chúng ta phủ nhận nó với người khác và có khi cả với chính mình. “Cái tôi bóng râm” này cũng là những việc làm còn dang dở, những nhu cầu chưa thoả mãn, những tình cảm còn lấn cấn dây dưa, những mong đợi chưa thành hiện thực. Cái tôi bóng râm cứ đeo đẳng chúng ta mãi. Nó lôi kéo sự chú ý, bận tâm của chúng ta trong khi chúng ta thì cố lại gắng quên nó đi.[8]

Có người nói rằng: “Nhân dạng[9] càng sáng, thì bóng tối càng đen.” Đối lập với bóng tối, tức là bộ mặt mà chúng ta che đậy, nhân dạng là là cái tôi công khai, bộ mặt mà chúng ta muốn trưng bày với thế giới bên ngoài. Chúng ta càng tự đồng hóa với một nhân dạng tốt đẹp và công chính quá mức, thì bóng tối của chúng ta càng âm u. Khi có một sự chênh lệch quá lớn giữa hình ảnh mà chúng ta ao ước và cái tôi đích thật, chúng ta sẽ xao xuyến khôn nguôi, bởi vì chúng ta sợ người khác sẽ thấy được bản chất của mình.[10]

Điều chúng ta cần là cố gắng giải phóng những mảnh hồn của mình đang được chôn giấu bên trong. Thật ra, cái phần tăm tối đó không phải là phần đối nghịch hay kẻ thù của chúng ta. Vì thế, chúng ta không cần phải quay lưng hay bác bỏ cái bóng râm đó thì mới được yên ổn bình an. Trái lại, chúng ta cần hướng về nó, chấp nhận những cái bóng mà chúng ta thường sợ hãi, ngại ngùng nên đã né tránh hoặc chôn giấu nó. Tốt nhất là chấp nhận cái bóng râm này như một phần của “cái tôi”, chúng ta mới sống an bình, sống cuộc đời của mình được.[11]

2.1.2. Bóng tối được hình thành như thế nào?

Bóng tối là mặt trái của nhân cách mà chúng ta ý thức. Mỗi người chúng ta đều có một cái tôi lý tưởng[12], tức là chân dung của một loại người mà chúng ta nghĩ mình phải là như thế. Phần lớn trong hình ảnh lý tưởng đó được hình thành qua những kinh nghiệm thơ ấu trong gia đình hay trong nền văn hóa chúng ta. Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy cho biết những giá trị nhất định, và chúng ta được khen là “tốt” khi chúng ta tuân phục những giá trị đó, và chúng ta bị chê là “xấu” khi chúng ta không tuân theo những giá trị đó. Chúng ta học cách che giấu hay kìm nén bất cứ thành phần nào trong con người chúng ta có thể làm cho người lớn phản đối hay trừng phạt chúng ta. Triết gia Robert Bly, cũng là một thi sĩ, đã mô tả sự phát triển của bóng tối nơi bản thân mình như sau:

Khi được một hay hai tuổi, chúng ta đã có những gì mà chúng ta có thể hình dung về một nhân cách tròn đầy 360 độ. Năng lực tỏa ra từ mọi thành phần trong thân xác và tâm thần. Một đứa trẻ chạy nhảy là một thế giới sinh động của năng lực. Chắc chắn là chúng ta đã có một khối năng lực tròn đầy, nhưng một ngày nào đó, chúng ta nhận thấy cha mẹ mình không thích một số phần nhất định trong khối năng lực đó: “Con không thể ngồi yên sao?” hay “Thật không dễ thương, nếu con thách thức và đấu đá với em con.” Chúng ta mang một chiếc bao vô hình sau lưng và chúng ta vất vào đó những gì cha mẹ chúng ta không thích, hầu chúng ta có thể tiếp tục chiếm giữ tình thương của cha mẹ. Đến tuổi đi học thì chiếc bao của chúng ta đã khá lớn.

Rồi thầy cô lại nói: “Con cái ngoan ngoãn thì không được nổi giận vì những chuyện vụn vặt.” Thế là chúng ta ném sự tức giận của mình vào chiếc bao. Khi hai anh em chúng tôi lên tuổi 12, thì chúng tôi được xem là “những đứa trẻ dễ thương nhà Bly” trong thành phố Madison, Minnesota. Chiếc bao của chúng tôi đã dài hơn cả cây số[13].

Rồi ông Robert Bly mô tả chiếc bao ấy tiếp tục được nhồi nhét như thế nào, khi chúng ta đi từ môi trường gia đình đến các môi trường xã hội khác, trong đó chúng ta thấy có những kỳ vọng mới đang chờ đợi chúng ta như khi chúng ta gia nhập cộng đoàn tu trì, chúng ta lo lắng uốn nắn hành vi của mình sao cho phù hợp. Hay khi chúng ta lập gia đình, chúng ta phải thích ứng với gia đình bên vợ/chồng, để làm vui lòng vợ/chồng của mình. Khi chúng ta gia nhập cộng đoàn sống đời thánh hiến, chúng ta thấy mình ở trong một nền văn hóa khác biệt mà chúng ta phải biến thành nền văn hóa của mình. Hay khi chúng ta chuyển công tác từ văn phòng này đến văn phòng kia trong cùng một công ty, chúng ta thấy có một thứ quy tắc khác, quy định những điều có thể được chấp nhận. Rõ ràng là các nhóm đều có một hình ảnh lý tưởng gây áp lực trên chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng. Vì muốn được chấp nhận và tán thành, chúng ta phải điều khiển bản thân sao cho phù hợp với những quy tắc của nhóm. Qua những kinh nghiệm trong giai đoạn trưởng thành, bóng tối của chúng ta tiếp tục phát triển, khi chúng ta nhồi nhét nhiều thứ của chúng ta vào chiếc bao. Hậu quả là khi bước vào tuổi trung niên, nhiều người trong chúng ta chỉ còn lại một lát mỏng của nhân cách 360 độ mà chúng ta đã có khi bắt đầu cuộc sống. Và trong phần đời còn lại, chúng ta lấy lại những gì đã bỏ vào bao.[14]

2.1.3. Cửa sổ Johari cho thấy rõ hơn về bóng tối của cái tôi

Chính vì thế thuyết cửa sổ JOHARI cho thấy có 4 hình thức liên quan đến việc biết mình.

– Trong chúng ta, có phần mình biết khá rõ về bản thân và người khác cũng biết điều ấy nữa. Đó là phần mở.

– Phần che giấu là những phần chúng ta biết rõ về mình nhưng người khác chẳng biết gì về điều đó.

– Phần mù là những tính khí ta có nhưng chẳng biết gì về nó cả, trong khi đó người khác biết khá rõ về điều này. Ví dụ người khác biết tôi có tính hay so đo, tính toán, nhưng tôi thì lại không biết mình có.

– Cuối cùng là vùng vô thức. Chính tôi và cả người khác cũng không biết gì. Ví dụ tôi hay chống đối, khó chịu với những người giàu. Có lẽ vì từ nhỏ tôi đã chứng kiến và bất mãn trước cảnh người giàu ăn hiếp người nghèo. Tôi không ý thức về cái phản ứng lạ lùng của mình. Người khác cũng không biết gì về điều này trong tôi.

«Ý thức là khởi điểm của sự thay đổi». Vì thế, muốn nâng cao phẩm chất cuộc sống của mình, chúng ta cần tăng phần ý thức đồng thời giảm bớt phần mù và phần che giấu. Ngoài ra, chúng ta còn nhiều cách thế khác để giúp khám phá bản thân. Trước hết chúng ta có thể bắt đầu bằng tập trung lắng nghe và quan sát mỗi khi nào chúng ta có một ý nghĩ, lời nói hay hành vi khác lạ. Mỗi lần như thế, chúng ta đều ý thức và đặt câu hỏi TẠI SAO với chính mình.[15]

 

2.2. Coi mình là trung tâm và vơ mọi thứ về mình

2.2.1. Coi mình là trung tâm của vũ trụ

Bạn nhận vơ về mình có nghĩa là bạn đồng tình với những gì người khác nói. Ngay khi bạn đồng tình thì sự độc hại có thể đi vào con người bạn, và coi như bạn chuốc lấy đau khổ. Nguyên nhân là vì: bạn quan trọng hóa cá nhân bạn. Sự quan trọng hóa cá nhân thể hiện tính ích kỷ của con người bằng cách tột cùng nhất! Bạn làm ra vẻ, bạn giả định, bạn cho rằng mọi thứ là thuộc về mình, có liên quan tới mình. Thời còn đi học, hay trong suốt thời gian bạn được thuần hóa, bạn đã học nhận vơ mọi thứ về bản thân mình, coi mình là trung tâm của mọi sự. Bạn nghĩ rằng bạn có trách nhiệm đối với mọi sự: “Tôi”, “tôi”, “tôi” – luôn luôn là “tôi”.

Như vậy, nhận vơ mọi thứ về mình đồng nghĩa với việc tự coi mình là trung tâm của vũ trụ.

Nhưng, làm sao bạn có thể là trung tâm của vũ trụ được? Thật vô lý: nếu mỗi người đều là trung tâm của vũ trụ, thì phải có hàng vạn tỷ vũ trụ sao? Kỳ thực, chỉ có duy nhất một vũ trụ thôi!

Từ nhãn quan này, bạn cần nhìn nhận một sự thật: Không ai quan trọng hơn ai và cũng chẳng ai kém hèn hơn ai. Riêng chỉ một mình Thiên Chúa mới là Đấng cao trọng hơn hết. Đây là một sự thật rất khó chấp nhận đối với một số người. Vì từ khi sinh ra, người ta đều phát triển thế giới riêng của mình, nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ, rằng mình đi đâu hay làm gì thì vẫn có ai đó đang nhìn ngó mình. Mà nếu như không thấy ai dòm ngó mình thì mình cũng sẽ tìm cách làm cho người khác để ý đến mình!

Thực tế, chẳng ai do bởi ảnh hưởng của bạn mà họ đã làm điều nào đó cả, nhưng những gì họ nói hay làm thật ra xuất phát từ chính con người của họ đấy thôi. Tất cả mọi người đều sống trong và cho những ảo mộng của riêng mình. Mỗi người đều có một thế giới riêng, những ảo tưởng riêng, khác nhau. Do vậy, đừng áp đặt thế giới của riêng bạn lên thế giới của kẻ khác! Ngược lại cũng vậy!  Ngay cả khi một tình huống xem ra rất riêng tư, như một ai đó trực tiếp sỉ nhục lăng mạ bạn, thì xét cho cùng cũng chẳng liên quan gì đến bạn cả. Họ nói gì, họ làm gì và ý kiến của họ ra sao, hết thảy đều xuất phát từ những thỏa thuận mà họ có được trong tâm trí của họ mà thôi. Quan điểm của họ xuất phát từ những gì đã được chương trình hóa trong suốt quá trình họ bị thuần hóa.[16]

2.2.2. Nhận vơ mọi thứ về mình

Nhận vơ mọi thứ về bản thân mình, bạn sẽ rất dễ trở nên bực bội khó chịu. Phản ứng tự nhiên của con người là luôn bào chữa cho niềm tin của mình. Từ đó, bạn gây ra nhiều xung đột! Bạn làm to chuyện: chuyện chẳng đâu đâu, bạn biến thành quan trọng. Lúc nào bạn cũng nghĩ rằng bạn phải đúng, còn kẻ khác phải sai. Điều này bỗng nhiên trở thành một nhu cầu trong bạn. Khi nêu ý kiến, bạn luôn cố hết sức giành phần đúng về mình. Thật ra, tất cả những gì bạn cảm nghĩ và hành động đều phô diễn những ảo tưởng của cá nhân bạn, đều phản ảnh chính những thỏa thuận của bạn mà thôi. Bạn nói gì, bạn làm gì, và tất cả các ý kiến của bạn đều phát xuất từ những thỏa thuận mà bạn đã thiết lập -những ý kiến này, nếu được nói với tôi, thì chúng chẳng ảnh hưởng gì đến tôi cả. Nếu bạn không sợ gì cả, thì bạn chẳng có lý do nào phải ghét tôi cả. Nếu bạn chẳng có gì phải sợ, thì bạn cũng chẳng có lý do nào phải ganh tức hay buồn chán. Bạn nổi điên với tôi, bạn ghét tôi, bạn buồn và ghen tỵ với tôi: hình như bạn sợ điều gì đó!

Không có nỗi sợ hãi nào cả và chỉ mãi yêu thương, bạn sẽ không còn chỗ cho những cảm xúc điên, nóng giận, buồn, ghétghen tức trong cuộc đời. Không chất chứa trong mình những cảm xúc ấy, ắt bạn sẽ cảm thấy thoải mái. Khi bạn cảm thấy thoải mái, thì mọi sự xung quanh bạn sẽ tốt đẹp. Khi mọi sự xung quanh bạn đều tốt đẹp, thì mọi sự ấy sẽ làm cho bạn hạnh phúc.

Bạn chỉ có thể yêu thích mọi sự chung quanh bạn khi bạn yêu thương chính mình. Yêu thương bản thân mình là yêu phong cách của mình, yêu cái cách mà mình làm, yêu con người thật của mình, yêu cuộc đời của mình. Cuộc đời bạn được ví như thước phim: Làm sao bạn lại có thể không hạnh phúc với thước phim do bạn sản xuất chứ? Ừ nhỉ! Bạn yêu thích cuộc đời bạn. Từ đó, bạn hạnh phúc với những thỏa thuận của riêng bạn trong cuộc sống. Từ đó, bạn tràn ngập bình an. Từ đó, bạn sống trong trạng thái vui vẻ hạnh phúc  giữa cuộc đời, nơi mà mọi thứ vốn tuyệt vời, và mọi sự đều tốt đẹp. Trong trạng thái đó, xem như bạn đang trao tình với mọi người, với mọi sự và với mọi vật.

Bất cứ những gì mà người ta làm, cảm nghĩ hay phát biểu, bạn đừng nhận vơ vào mình. Nếu họ nói rằng bạn tuyệt vời, thì hãy nhớ rằng không phải vì bạn mà họ nói như thế. Bạn tuyệt vời thì một mình bạn biết. Không cần thiết bạn phải tin vào lời nhận xét ấy của họ. Đừng vơ mọi thứ về bản thân mình! [17] 

2.2.3. Đừng coi mình là trung tâm, đừng nhận vơ mọi thứ về mình

Đừng coi mình là trung tâm, đừng nhận vơ mọi thứ về mình! Vì khi bạn nhận vơ mọi thứ về bản thân mình, bạn sẽ tự chuốc lấy những đau khổ đâu đâu, chẳng vì ai và cũng chẳng có lý do nào cả. Ở nhiều chừng mực khác nhau, con người nghiện đau khổ. Và con người ủng hộ nhau trong việc duy trì sự nghiện ngập này. Con người đồng tình chịu đau khổ với nhau. Nếu bạn có nhu cầu thích bị lạm dụng, thì bạn sẽ dễ dàng bị người khác lạm dụng. Cũng tương tự như vậy, giả sử bạn ở cạnh những người có nhu cầu đau khổ, thì họ sẽ làm điều gì đó khiến bạn đối xử tệ với họ, khiến bạn làm cho họ đau khổ. Trên lưng họ như thể có ghi một dòng chữ: “Xin vui lòng đá tôi một cái!”. Họ ghiền đau khổ không khác chi là một thỏa thuận của chính họ; và họ tái củng cố thỏa thuận ấy mỗi ngày.

Bất cứ đâu, bạn cũng có thể gặp người lừa dối bạn. Và khi ý thức của bạn lớn lên, bạn sẽ nhận ra rằng nhiều lúc bạn cũng dối lừa chính mình. Đừng trông mong mọi người đều nói với bạn sự thật, bởi họ cũng dối chính họ. Bạn phải tin vào bản thân mình và chọn tin hay không những gì mà người khác nói với bạn.

Khi bạn nhìn nhận người khác như họ thực sự là họ và không nhận vơ những gì thuộc về họ vào bản thân bạn, hẳn bạn sẽ không bao giờ để mình bị tổn thương bởi những lời họ nói hoặc những việc họ làm. Ngay cả nếu họ có nói dối bạn, thì việc đó cũng chẳng sao cả. Họ nói dối bạn vì họ sợ. Họ sợ bạn sẽ phát hiện ra rằng họ không hoàn hảo. Đây là bộ mặt nạ rất thông thường trong xã hội! Nếu ai đó nói một đàng, làm một nẻo, thì bạn hãy chỉ tin vào chính mình, và tự mình khám phá ra sự thật. Cùng lắm, chỉ tin vào những hoạt động cụ thể của họ.

Riêng bản thân bạn, hãy trung thực với chính mình, bạn sẽ cứu được mình khỏi nhiều nỗi đau tình cảm. Hãy nói với bản thân mình sự thật! Việc này có lẽ sẽ làm cho bạn đau. Nhưng chẳng lâu đâu, bạn sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn.

Nếu ai đó không đối xử với bạn bằng tình yêu và sự tôn trọng, thì khi họ rời xa bạn, đó đã là một phần thưởng! Nếu họ không rời đi, chắc chắn bạn sẽ phải chịu đựng nhiều năm đau khổ vì họ. Việc họ rời bỏ bạn có thể làm cho bạn đau một chút, nhưng trái tim bạn cuối cùng sẽ thực sự được lành lặn bình yên. Lúc ấy, bạn sẽ thấy rằng bạn không cần phải tin người khác nhiều như bạn tin vào chính mình để có được những chọn lựa đúng đắn.

Không có thói quen coi mình là trung tâm hay nhận vơ mọi thứ vào bản thân mình, bạn sẽ tránh được nhiều xáo trộn trong cuộc đời: sự giận dữ, ghen tuông và ganh tị sẽ tan biến khỏi con người bạn, và thậm chí nỗi buồn rầu cũng sẽ biến mất.

Hãy luyện tập để không coi mình là trung tâm hay không nhận vơ mọi thứ vào bản thân mình trở thành một thỏa thuận của đời bạn! Khi đó, sẽ chẳng còn thế lực nào có thể xô bạn xuống vực thẳm; sự tự do vô cùng lớn lao sẽ đến với bạn. Bạn sẽ trở nên miễn dịch đối với các phù thủy tàn bạo: chẳng có lời nguyền nào cho dẫu mạnh mẽ đến đâu có thế ảnh hưởng đến bạn. Có thể toàn thế giới đang bàn tán xì xào về bạn, nhưng nếu bạn không vơ về mình, thì bạn vẫn chẳng hề hấn gì. Có thể một ai đó cố ý làm sứt mẻ tình cảm của bạn, nhưng nếu bạn không vơ về mình, thì, một lần nữa, chẳng sao đối với bạn cả. Nếu ai đó có ác cảm với bạn, thì chính người đó sẽ trở nên tồi tệ hơn, chứ chẳng phải là bạn.

Đấy, bạn thấy thỏa thuận này quan trọng là dường nào! Không nhận vơ mọi thứ vào mình sẽ giúp bạn phá bỏ được mọi lề thói hằng ngày – những lề thói gây ra cho bạn những nỗi đau không cần thiết. Bằng cách thiết lập thỏa thuận này, bạn sẽ loại bỏ được tất cả những ý kiến hay nhận xét nhỏ mọn từ bên ngoài rất thường gây cho bạn đau khổ. Thực hiện được hai thỏa thuận đầu tiên này, coi như bạn đã xóa bỏ được 70% các phê phán và ý kiến của người khác như những ảo tưởng kẹp giữ bạn trong tối tăm ngục tù.

Hãy viết thỏa thuận này vào giấy và dán nó lên tủ để luôn nhắc nhớ bạn: Không coi mình là trung tâm, không nhận vơ về mình mọi thứ!

Vâng: Đừng coi mình là trung tâm, đừng nhận vơ về mình mọi thứ! Không cần lúc nào bạn cũng phải tin vào mọi điều người khác nói hoặc làm. Chỉ cần bạn tin vào chính mình để có thể có được những chọn lựa đúng đắn và có trách nhiệm với những chọn lựa ấy. Không bao giờ bạn phải chịu trách nhiệm đối với hành động của người khác. Bạn chỉ phải chịu trách nhiệm về bản thân bạn mà thôi. Khi bạn thực sự hiểu và làm được như thế, thì người khác rất khó làm tổn thương bạn bằng những nhận xét hay phê phán hay bất cứ hành vi nào. Với thỏa thuận này, bạn có thể du hành khắp thế giới với một trái tim rộng mở mà chẳng ai có thể làm tổn thương bạn cả. Bạn có thể nói “Anh yêu em” hay ”Em yêu anh” mà chẳng sợ mình lố bịch hoặc bị từ chối. Bạn có thể hỏi xin những thứ bạn cần. Và khi có ai hỏi bạn điều gì, bạn có quyền trả lời hoặc có hoặc không mà chả có tội tình chi cả, và tất nhiên, chả có gì phải áy náy. Bạn luôn có thể chọn bước đi theo trái tim bạn mách bảo. Lúc ấy, cho dẫu bạn đang ở giữa địa ngục, thì bạn vẫn có thể cảm nghiệm được sự bình an và niềm vui thiên đàng. Bạn có thể ở trong tình trạng vui vẻ hạnh phúc mà chẳng ai làm gì ảnh hưởng được đến bạn.[18]

2.3. Chúng ta muốn vơ mọi thứ về mình vì chúng ta luôn có khuynh hướng giả định mọi sự

Bạn có khuynh hướng giả định mọi sự. Lý do là vì bạn tin rằng mọi thứ đều đúng, đều là sự thật. Bạn giả định mọi thứ người khác nói và làm là đúng – bạn tự nghĩ và đinh ninh như thế. Rồi, bạn khiển trách họ và phản ứng qua cách biểu lộ những cảm xúc giận dữ bằng những lời nói độc địa, khi phát hiện ra thực tế là khác. Chẳng vậy mà nếu bạn cứ cho rằng mọi sự là đúng, bạn sẽ gặp rắc rối. Khi bạn giả định, bạn sẽ hiểu nhầm, bạn sẽ nhận vơ về mình, và bạn kết thúc việc tạo ra toàn bộ kịch tuồng chẳng để làm gì cả.[19]

2.3.1. Nguyên nhân của sự giả định

Tâm trí của con người hoạt động rất kỳ thú! Bạn có nhu cầu biện minh mọi thứ, giải thích và hiểu mọi chuyện. Vì như thế, bạn mới cảm thấy an toàn. Bạn có hàng triệu những thắc mắc cần được giải đáp bởi lẽ có rất nhiều điều mà tâm trí của bạn, một tâm trí luôn có khuynh hướng suy luận, không tài nào lý giải được. Lời giải đáp đúng hay sai, điều đó không quan trọng. Nhưng cứ có lời giải đáp là bạn yên tâm. Đây chính là nguyên do khiến bạn giả định.[20]

2.3.2. Giải tỏa các giả định

Đặt ra những câu hỏi, đó là cách tốt nhất tránh khỏi những giả định mập mờ đưa đến xung đột. Trong giao thiệp, phải thực sự rõ ràng. Nếu bạn chưa hiểu thì hãy hỏi lại. Hãy can đảm đặt ra những câu hỏi cho đến khi bạn thực sự nắm rõ vấn đề! Đừng bao giờ giả định như thể bạn đã nắm biết tất cả tình huống!

Cũng thế: khi hỏi, bạn cần biết mình muốn gì. Ai cũng có quyền trả lời hoặc có hoặc không đối với bạn. Tất nhiên đổi lại, mọi người đều có thể hỏi bạn và bạn cũng có quyền trả lời có hay không, đúng hay sai.

Có vấn đề nào đó bạn chưa hiểu, tốt hơn bạn nên hỏi cho rõ ràng, thay vì âm thầm giả định mình đã nắm. Thôi không giả định, bạn sẽ nói chuyện cách rõ ràng và thẳng thắn, chứ không bị tình cảm ướt át chi phối. Không giả định, lời nói của bạn sẽ trở nên chính trực, hoàn hảo.

Trao đổi cách thẳng thắn và rõ ràng, tất cả các mối quan hệ sẽ thay đổi, không phải chỉ với người yêu của bạn, nhưng còn với nhiều người khác nữa. Bạn biết bạn muốn gì, và khi trình bày ý muôn của bạn cho người khác biết, bạn toàn quyền phát biểu, nói ra cho rõ ràng, chẳng hạn: “Đây là điều tôi muốn”.

Giao thiệp theo cách đó, ta sẽ không còn mắc sai lầm trong lời nói: sẽ chẳng còn vấn đề hiểu sai hiểu nhầm nhau nữa, và tất nhiên, sẽ chẳng dẫn đến chuyện cãi vã hay ẩu đả nhau nữa. Mọi vấn đề của nhân loại sẽ được giải quyết nếu con người giao thiệp thẳng thắn và rõ ràng với nhau.[21]

3. Tôi là ai

3.1. Tôi là ai

Vấn nạn này tối ư quan trọng. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta, dù đã tiếp nhận biết bao kiến thức, biết bao nguyên lý cuộc đời, nhưng dường như hiểu biết về bản thân vẫn còn mù mờ. Mấy ai dám khẳng định rằng mình biết rõ mình là ai. Nếu biết, liệu sự hiểu biết ấy có khách quan không ?

Tôi là “đối tượng” gần nhất, là kho tàng quý giá nhất nhưng cũng khó hiểu và phức tạp nhất, dễ thương và có khi cũng dễ ghét… Cuộc đời chúng ta gắn chặt với “cái tôi” này. Thành – bại, được – mất của đời mình tuỳ mức độ chúng ta hiểu biết và làm chủ nó. Vậy trước hết chúng ta cùng nhau thử tìm hiểu xem “cái tôi” đó là gì.

Tôi là kết tinh của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như tên tuổi, địa vị, tôn giáo, phản ứng trước các sự kiện, nỗ lực, sự sáng tạo của bản thân, lòng tự tin, sự tự chủ, tự lập, ý chí, nghị lực, lý tưởng… Tất cả đều làm nên cái “TÔI”.

3.1.1. Cái tôi hình thành và phát triển theo thời gian Nó được tích luỹ từ quá trình sống của mỗi cá nhân, qua những gì chúng ta nhận được từ bầu khí, nền giáo dục gia đình, xã hội mà mỗi người đã nếm trải, qua tình thương, qua kinh nghiệm sống cũng như qua cái nhìn, quan điểm của chúng ta về cuộc sống, về người khác và nhất là về bản thân mình… Cái tôi mang tên và nhãn hiệu do chính nó tạo ra, và chính nó chọn lựa: Tôi tiếp thu, tôi tiêu hoá, tôi biến những thứ mình nhận được với sự can thiệp của thái độ, suy tư của mình.

3.1.2.Tôi vừa là sản phẩm của xã hội, đồng thời là sự lựa chọn của chính bản thân tôi

Bên cạnh đó, quan niệm về “cái tôi” hay cái nhìn về bản thân dần dần thành hình qua thái độ của những người xung quanh đối với chúng ta hay cách thức mà ai đó nghĩ về ta hoặc từ những trải nghiệm trong cuộc đời. Quan niệm về bản thân không đứng yên một chỗ nhưng sẽ thay đổi theo năm tháng.[22] 

3.1.3. Cái tôi theo phân tâm học

Trong phân tâm học, “cái tôi” (Ego) là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Theo Sigmund Freud, con người chúng ta là tập hợp của 3 yếu tố: “cái tôi” hay “bản ngã” (Ego), cùng với “sơ ngã(id), và “siêu ngã(superego). Nếu quá chiều theo sự điều khiển của siêu ngã (Superego), cố gắng hoàn tất đúng mức những gì mà xã hội đòi hỏi mang tính đạo đức, chúng ta có thể trở nên những người “cầu toàn”. Cũng thế, nếu không kiểm soát sơ ngã (Id) đúng mức, chúng ta có thể trở nên những con người tìm kiếm thoả mãn những gì sơ đẳng, tức thời, thiếu suy nghĩ, không biết đình hoãn những ước muốn thường ngày. Còn Bản ngã hay “cái tôi“( Ego) được vận hành theo “nguyên tắc thực tế”. Nó có vai trò làm trung gian hoà giải, làm quân bình hoá giữa hai lực sơ ngã và siêu ngã. “Cái tôi” có vai trò rất quan trọng trong đời mỗi người. Nó xác định phẩm chất cuộc đời. Vì thế, việc tìm biết và xây dựng “cái tôi” là điều tối quan trọng đối với mỗi người chúng ta.[23]

3.2. Những “cái Tôi”

3.2.l. Cái tôi tích cực

Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực có của chính mình, sẽ giúp chúng ta tự tin và mạnh dạn, cởi mở hơn với thế giới quanh mình cũng như sẵn sàng đón nhận và vượt qua các chướng ngại trong cuộc sống. Khi chúng ta cảm thấy thiếu hụt về một lĩnh vực nào đó, không nên mất tự tin, bởi vì chúng ta biết rằng mình còn có những giá trị khác. Cũng giống như một đứa trẻ nọ khi bị trêu chọc là “sún răng” hay “mập ù”, nó liền hỏi lại: “Còn tóc con thì sao?”. Nghĩ rằng mình có mái tóc đẹp, đứa trẻ đó muốn được nhìn nhận ưu điểm này của nó. Nó làm điều đó một cách tự nhiên, chân thành, không mặc cảm, không sợ bị đánh giá. Nếu chân thành, công bằng với chính mình, chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị riêng của bản thân. Ngay cả khi không có diện mạo xinh đẹp, một người vẫn có thể gây thiện cảm với những người xung quanh bằng những nét duyên khác như vui tính, nhanh nhẹn, quan tâm đến người khác hoặc học hành, làm việc nghiêm túc….

Người có cái tôi tích cực không chỉ dừng lại ở việc tìm thấy và trân trọng những giá trị sẵn có của mình mà còn có thể nỗ lực tập luyện và làm phát triển thêm những giá trị mới nữa. Ai cũng có thể tạo thêm giá trị cho “thương hiệu” của bản thân bằng những việc tốt, có ích và thiết thực. Mọi nỗ lực dù nhỏ nhưng đều mang lại những kết quả đáng kể. Khi tạo cho mình được nhiều giá trị và làm cho “i tôi của mình đẹp hơn, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin, cởi mở và tìm thấy cũng như tạo ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Một khi thấy và hiểu được giá trị thật về cái tôi của bản thân, chúng ta sẽ không ngại “là chính mình”, dám sống thật với mình hơn, và sẽ không dễ gì bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về “cái tôi” của mình, không mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương hay “chạm tự ái” với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô tình hay cố ý của những người khác.[24]

3.2.2. Cái tôi tiêu cực

Người không nhìn thấy được giá trị của chính mình sẽ cảm thấy bi quan và dễ bị tổn thương. “Tôi luôn là người thất bại, xui xẻo“, “Mình thật chẳng làm nên trò trống gì”, “Mình vô tích sự”, “Tôi thật là xấu xí”, “Chẳng ai ưa tôi cả”…. Đó là một số suy nghĩ thường có của những người luôn hoài nghi về giá trị thực sự của mình.

Khi một người nhìn mình cách tiêu cực và chìm đắm trong sự tự ti mặc cảm, người đó thường hay suy diễn, so sánh mọi thứ, mọi việc với người này, kẻ kia để rồi cuối cùng tự cho mình là người thất bại, thua cuộc. Kết quả là họ có thái độ bi quan. Lòng họ thường mang nặng nỗi ưu tư, sầu buồn, hoặc chán ghét mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt là họ có ác cảm với những người thành đạt. Một khi không hài lòng với chính mình, ta dễ trở nên khép kín, né tránh tham gia sinh hoạt chung, ít giao thiệp cởi mở với ai.

Một mặt, người tự ti mặc cảm có xu hướng “thu gom” những cái chẳng may về mình. Hễ có ai nhận định tiêu cực về một người nào khác thì người tự ti lại nghi ngờ là người ta nói về mình. Họ như những chỗ lõm, đón nhận tất cả rác rến theo dòng đời chảy qua. Mặt khác, đôi khi những người tự ti lại có xu hướng tự tôn, tự thổi phồng mình lên để che lấp những yếu kém của mình, để bù đắp cho những lần bị đè nén, những chịu đựng thua thiệt…. Cái tôi thổi phồng đó là sản phẩm của trạng thái tâm lý không ổn định và giả tạo.

Ngoài ra, một số nhà tâm lý khác nêu lên những cái tôi tiêu biểu khác như: Cái tôi vĩ đại, cái tôi cứng đọng, cái tôi phân tán và cái tôi mềm dẻo. Xuyên qua những “cái tôi” này, chúng ta có thể soi rọi, tự tìm và thấy hình ảnh “cái tôi” của mình.[25]

3.2.3. Cái tôi vĩ đại

Là cái tôi được thổi phồng. Những cái tôi này thường gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại cho chính đương sự. Sự phóng đại có thể ảnh hưởng bởi sự cường điệu hoá của một số phụ huynh về một vài ưu điểm của con cái. Một số khác do ảo tưởng vể bản thân vì chưa nhận thức đúng đắn về mình hay do sự bù trừ, hoặc che giấu những yếu kém của mình. Ngoài ra, đối với một số người có nhiều khả năng, hoặc khá nổi trội, nếu không tỉnh thức, họ có thể có những cái tôi được thổi phồng và trở nên “vĩ đại”. Kết quả là cách hành xử của họ thường cố chấp, cứng cỏi. Có thể nói rằng những người này mang căn bệnh “cái tôi quá cỡ”, một loại “bệnh” trầm kha gây khó khăn cho bản thân và những người chung quanh. Thông thường, một khi nấc thang danh vọng và địa vị càng cao, cái tôi vác trên vai dường như càng nặng nề hơn. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong “ngục tù” của sự tự mãn và kiêu căng. Nếu đã là tù nhân thì làm sao triển nở, hạnh phúc và tự do được?

Trong thực tế, khi nhìn thấy ai có cái tôi quá lớn, người ta thường nói “Cái tôi của hắn to bằng quả núi”, hoặc “Anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ, là trung tâm của thế giới”… Dù mỗi người là một thực thể sinh ra và mất đi nhưng vẫn được hình thành và có cấu tạo rất riêng biệt. Chúng ta thực sự vừa nhỏ bé, vừa cao cả! Làm sao biết mình đúng mực, ứng xử sao cho đúng cách là điều đáng cho chúng ta quan tâm.[26]

3.2.4. Cái tôi phân tán

Người có cái tôi phân tán thường lệ thuộc vào người khác về mặt cảm xúc; nghĩa là niềm vui, nỗi buồn họ có là do ảnh hưởng bên ngoài, do những ứng xử của người khác. Trí tuệ, suy nghĩ không khách quan và sáng suốt đủ, họ thường bị cảm xúc xâm chiếm, tràn ngập, làm cho họ không có cái nhìn đúng đắn về sự việc và con người. Đồng thời những quyết định của họ thường dựa trên tình cảm để tránh điều “tôi” không được ủng hộ hoặc tán đồng. Loại người này thường hành động một cách rối loạn, bất an những khi bị căng thẳng. Khi bị áp lực của cảm xúc, họ thường tỏ ra thiếu nhất quán, lẫn lộn nguyên tắc và niềm tin. Nhưng thường không ý thức về sự thiếu nhất quán của mình. Họ có thể đóng nhiều vai như một diễn viên. Họ dồn quá nhiều năng lực và thì giờ vào việc tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác và làm cho những lãnh vực khác của cuộc sống trở nên nghèo nàn. Các mối quan hệ thường thiếu quân bình. Họ hoặc bắt chước theo hoặc chống đối.[27]

3.2.5. Cái tôi cứng đọng

Những người này thường sợ cái mới, hay chống lại sự thay đổi trong cách sống, cách nghĩ và cách hành động. Họ là người bảo thủ, cố chấp. Họ đánh giá bản thân một cách thiếu thực tế, ít đón nhận chính mình, cảm thấy quá khó khăn khi phải đương đầu hay chịu những sự căng thẳng, trái ý hoặc thất bại. Khi gặp rối loạn cảm xúc, họ thường phản ứng lại những cảm xúc đó bằng cách thổi phồng mình lên.

Những cái tôi “cứng đọng” thường không để cho những phản hồi thâm nhập vào mình, nghĩa là khó chấp nhận những góp ý của người khác.[28]

3.2.6. Cái tôi quân bình

Những người có cái tôi quân bình thường vững vàng và mềm dẻo. Họ thường xuyên giữ được sự độc lập của mình. Họ thấy và phân biệt rõ ràng khoảng cách giữa cảm xúc và tư tưởng hay tâm tình. Khi đã có mục tiêu rõ ràng, họ dấn thân vào những gì hướng về mục tiêu đã đề ra. Người “quân bình” dám để mình chan hoà hay “tan biến” trong những mối tương giao thân tình với người khác. Nếu đứng trước lời khen hay chỉ trích, họ thường ít phản ứng và không bị “luỵ” bởi những nhận định của người khác. Họ thường tự đánh giá dựa trên những yếu tố thực tế và khách quan. Người quân bình sống với tinh thần trách nhiệm, xác định rõ niềm tin và nguyên tắc sống. Họ có thể nói lên niềm tin của mình mà không cần phải tấn công, phê bình hay hạ giá niềm tin của người khác. Nếu gặp vấn đề hay căng thẳng, họ mau trở về trạng thái ổn định.

3.2.7. Cái tôi thứ sinh

“Cái tôi thứ sinh”: Cái tôi bị lệ thuộc vào xã hội. Đó là những người sống mà không thật sự sống cuộc đời mình. Họ lấy sự đánh giá của người khác làm thước đo bản thân. Họ coi trọng suy nghĩ của người khác về họ và thường hành động theo xu hướng đó. Họ muốn được người ta nghĩ là mình giỏi chứ không lo học hỏi luyện tập để mình trở nên một người thật sự giỏi. Công chúng hoặc người khác là động lực sống và là sự quan tâm của họ. Mục đích cuộc đời họ là trở nên vĩ đại trong mắt người khác. Họ sống, hành động với mục đích gây ấn tượng cho người khác. Họ không nghĩ đến giá trị bản thân mà chỉ quan tâm đến ảnh hưởng; không tự đánh giá, mà coi trọng và lặp lại những gì người khác đánh giá về mình. Loại người này thích nhận lời khen, đặc biệt là của cấp trên hơn là chú trọng phát huy nội lực.

Họ không thấy nét độc đáo và điểm mạnh của mình mà thích bắt chước phong cách của người khác, không dám làm mất lòng ai, và không dám nói “không”. Người sống thứ sinh không có cái tôi độc lập. Họ rất dị ứng với người có tư duy độc lập. Họ chủ trương hành động là để cho người khác ngưỡng mộ chứ không phải tôi làm vì tôi muốn, tôi thích hay tôi tin tưởng đó là việc cần làm.[29]

3.2.8. Cái tôi chủ quan

Đây là “cái tôi” của người hay nghĩ về chính mình. Tôi nghĩ tôi là… “cái tôi” này không khớp với những gì mà người khác đánh giá về cá nhân đó. Ví dụ cá nhân cho rằng mình là người khó ưa hoặc mình là người quảng đại… nhưng thật sự không phải vậy. Họ tự tạo cho mình một hình ảnh không dựa trên thực tế, mà dựa trên ý nghĩ của họ.[30]

3.2.9. “Cái tôi thực tế” hay “cái tôi hiện thực” (real self)

Cái tôi này cho thấy con người đích thực của chúng ta. Dù biết hay không biết thì đây chính là cung cách ứng xử, thái độ thường xuyên của chúng ta. Cái tôi hiện thực là kết quả của ba yếu tố:

– Cái tôi hiển thị (manifest self) là những gì chúng ta biết về mình. Đây còn gọi là khái niệm về bản thân. Tôi nghĩ tôi là ai.

– Cái tôi tiềm ẩn (latent self) là những đặc điểm tôi có nhưng tôi không biết dù chúng vẫn là thành phần của con người tôi và chi phối cách cư xử của tôi.

– Cái tôi xã hội (social self) cho biết tôi là ai trong mắt tha nhân và quan niệm của tôi có về bản thân do ảnh hưởng của người khác đối xử với tôi. Khi cái tôi càng yếu thì ảnh hưởng xã hội càng nhiều.[31] 

3.2.10. “Cái tôi lý tưởng” (ideal self)

Đây là “cái tôi” một cá nhân khao khát trở thành. Đó là thế giới của ước muốn, khát vọng, giá trị, lý tưởng, đạo đức…. Đôi lúc cái tôi này còn là thế giới của ước mơ và ảo tưởng. Hành động của họ thường phỏng theo một mẫu người họ ngưỡng mộ. Những hành động này thường thiên về những gì có ích cho xã hội. Cái tôi này là sự tổng hợp của hai yếu tố

– Lý tưởng cá nhân là giá trị hoặc dự phóng mà cá nhân đó lựa chọn.

– Nhận thức, giá trị và chọn lựa của cá nhân bị tác động bởi những định chế xã hội và bởi những người thân quan trọng đối với họ.

Ngoài ra còn có những “cái tôi” khác hình thành từ những vai trò xã hội mà chúng ta đang đảm nhận theo từng thời điểm của cuộc sống, theo nghề nghiệp, theo môi trường sống…

Mỗi người chúng ta có một cái tôi riêng, không ai giống ai. Tuy thế, vì chúng ta là những sinh vật sống hợp quần, nên muốn được chấp nhận và phát triển, chúng ta cần quan tâm để thích nghi cái tôi của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Chúng ta cần xem qua những cách chúng ta khẳng định chính mình, để “cái tôi” hoà quyện vào cái “chúng ta”. Hoà mà không tan, tôi vẫn là tôi trong những cái tôi khác để thanh luyện nhau, làm đẹp và thăng tiến cho nhau chứ không tiêu diệt hay lấn át nhau. Quá bành trướng hay thu hẹp mình đều dẫn đến những hệ quả tiêu cực hoặc bệnh hoạn.[32]

4. Phương thế đương đầu với những cái tôi tiêu cực

4.1. Hãy can đảm nhìn nhận những tội lỗi, những khuyết điểm để canh tân để canh tân đổi mới

Để vượt qua giai đoạn này, cần phải bình tĩnh và được hướng dẫn, để trở về với chính mình, phân tích những gì tốt cũng như xấu hiện đang có, để phát triển tối đa điều tốt, và canh tân những điều khiếm khuyết. Chúng ta thường không có vấn đề đối với những điều tốt nơi mình. Vấn đề ở đây là làm sao để đương đầu với những tật xấu hay khuyết điểm nơi con người của mình.

Alan Loy McGinnis đã nhận định rằng cần phải có nhiều can đảm lắm mới có thể chấp nhận những điểm bất toàn nơi chính mình.

Hãy can đảm chấp nhận những điểm tiêu cực nơi chính mình. Ông còn đi xa hơn nữa khi quả quyết rằng dấu chỉ cho sự trưởng thành nhân cách nơi một người là xem người đó có can đảm nhìn nhận những sơ sót của mình hay không. Nhìn nhận những sơ sót, những điều tiêu cực nơi mình không có nghĩa là chúng ta không nhìn thấy những điểm tích cực. Không phải như vậy, nhân cách mỗi người có những điểm tốt cũng như xấu. Những điểm tốt ta có, ta cũng cần phải chấp nhận, nhưng chúng ta cần biết đương đầu với những tật xấu của mình mà không chút mặc cảm. Tác giả thư thứ 1Gioan trong Tân Ước, đã nhận định như sau: “Nếu chúng ta cho rằng mình không có tội, thì chúng ta lường gạt chính mình, và sự thật không có nơi chúng ta”

Bước đầu tiên để bước tới sự thánh thiện là can đảm nhìn nhận những tội lỗi, những khuyết điểm của mình để canh tân.

Triết gia Martin Buber đã nhận định về việc huấn luyện con người được trưởng thành tốt đẹp như sau: điều tốt nơi con người được phát triển tối đa, không phải nhờ qua bởi việc chối bỏ không biết đến điều xấu, nhưng nhờ qua việc biến đổi điều xấu, qua việc sử dụng năng lực điều xấu phục vụ cho điều tốt.

Và Alan Loy McGinnis làm sáng tỏ thêm câu nói trên qua một trường hợp đã gặp, khi làm cố vấn tâm linh cho một người bệnh. Người bệnh tâm thần này đến than phiền với ông là anh chị em trong gia đình đã thành công hơn mình. Ông Alan Loy McGinnis hỏi vặn lại: mà anh có thấy mình như ganh tị với số phận của anh chị em trong gia đình không ?” Người bệnh lập tức trả lời : “Không, không bao giờ tôi ganh tị với anh chị em trong nhà. Ngược lại, tôi vui mừng vì họ được thành công hơn tôi”. Nhưng nói là nói như vậy. Cách thức người này trả lời không có vẻ thành thật cho lắm. Sau vài mẩu đối thoại, thì người bệnh đó nhìn nhận là trong thâm tâm mình có chút sự ganh tị với anh chị em trong nhà, mặc dù trên môi miệng bên ngoài vẫn nói là mình không ganh tị.

Để phát triển tâm tình tốt nơi mình, thì không cần phải chối bỏ, hay che đậy tâm tình tiêu cực, và ở đây là tâm tình ganh tị. Nhưng cần phải biến đổi tâm tình ganh tị này, cần sử dụng năng lực thôi thúc của tâm tình ganh tị này mà phục vụ cho điều tốt. Nghĩa là, biến tâm tình ganh tị thành tâm tình mộ mến muốn cố gắng noi theo để được thành công như vậy. Thay vì để năng lực tinh thần bị hướng dẫn bởi sự ganh tị, thì hãy sử dụng năng lực tinh thần đó, cố gắng làm việc tốt hơn để được thành công như những anh chị em trong gia đình.

Hơn nữa, việc nhìn nhận những điều xấu, những điều khiếm khuyết nơi chính mình không có nghĩa là quá bao dung với chính mình, dễ dàng chấp nhận để cho điều xấu tự nhiên phát triển, mất hết mọi năng lực tiến thân, hay phát triển, làm cho mình nên tốt hơn. Nhìn nhận những tật xấu có mặt nơi chính mình không phải để dừng lại nơi đó, mà để canh tân, tiến lên. Nhìn nhận những tật xấu của mình không có nghĩa là chấp nhận, là thụ động chịu vậy với những tật xấu, mà là bước đầu tiên để tiến lên, để canh tân đời sống.[33]

4.2. Đừng sợ phạm sai lầm

Một biên tập viên mục cáo phó của một tờ nhật báo là người không mấy khi chịu nhận sai sót. Một hôm, ông ta nhận được điện thoại từ một độc giả giận dữ gọi đến phàn nàn rằng cô ta vừa thấy tên mình xuất hiện ở mục cáo phó. “Thật vậy sao?”, ông ta từ tốn hỏi lại, “Thế cô gọi từ đâu tới vậy?”

Phạm sai lầm chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Đó là một phần quan trọng và cần thiết của quá trình học hỏi.

Một nhân viên trẻ xin được tiếp chuyện với người quản lý của mình. Anh ta nêu câu hỏi: “Bà có thể vui lòng cho biết sao bà lại thành công trong công việc đến như vậy được  không?”

Bà quản lý trả lời: “Chỉ nhờ ba chữ”

“Ba chữ nào, thưa bà?”

“Quyết định đúng”

Anh ta lại hỏi: “Làm sao bà đưa ra được các quyết định đúng?”

“Nhờ hai chữ – Kinh nghiệm”

“Làm sao bà có được kinh nghiệm?”

“Nhờ vào ba chữ”, bà quản lý trả lời.

“Chúng là gì?”

“Quyết định sai!”

Để rút được kinh nghiệm quý giá từ các sai lầm của mình, chúng ta phải mạnh dạn hành động và đôi khi sẽ mắc sai lầm. Mỗi khi mắc sai lầm là chúng ta đang học hỏi và trưởng thành.

Bạn có cảm thấy khó chịu khi mắc sai lầm không? Vậy hãy rút kinh nghiệm và hành động khác đi trong lần tới, sửa chữa sai lầm, tự tha thứ cho bản thân và tiếp tục tạo nên sự chuyển biến.

Đôi khi bạn phải chấp nhận những rủi ro cần thiết để tìm được đúng hướng đi cho mình. Hãy nhớ rằng những lựa chọn dở nhất đôi khi cũng có thể trở thành cơ hội tuyệt vời để bạn học hỏi. Bởi lẽ qua các quyết định sai chúng ta mới có được quyết định đúng.

Vậy hãy cứ mạnh dạn hành động. Đừng vì sợ phạm sai lầm mà nản lòng và chùn bước trong cuộc sống. Rồi chúng sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn. Chính từ những sai lầm trong cuộc đời, bạn có thể rút ra nhiều bài học quý giá và phát huy hết năng lực của mình để ngày càng hoàn thiện hơn! Vậy thì hãy mạnh dạn tiến lên!

Để chiến thắng sợ hãi, hãy nhìn thẳng vào nó.

Nếu trong cuộc đời này có ai đang ở tận cùng của tuyệt vọng và cần vài lời khuyên của Dale Carnegie, tác giả cuốn “Đắc nhân tâm”, thì người đó chính là… Dale Carnegie.

Nhà sáng lập xu hướng mới có tên gọi là “hãy tự giúp mình”, bậc thầy của nhiều triệu người, từng là người trải qua không biết bao nhiêu cay đắng và thất bại, cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống riêng tư. Và chuỗi bi kịch cứ kéo dài mãi cho tới năm 1936, khi ông công bố cuốn sách đầu tiên của mình với tên gọi “Đắc nhân tâm”.

Là người không học qua đại học, Dale từng thử tìm chỗ đứng của mình trong đời với các nghề khác nhau, từ làm ruộng tới nghề gõ đầu trẻ, từ nhân viên bán hàng tới nhà báo, diễn viên và thậm chí cả nhà văn chuyên viết tiểu thuyết. Nhưng không ở lĩnh vực nào số phận mỉm cười với ông.

Cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại cùng vụ ly dị kéo dài lê thê. Lại nữa, Dale gần như trắng tay sau vụ khủng hoảng chứng khoán năm 1929. Xét về một mặt, những thất bại nối tiếp nhau đẩy Dale Carnegie vào trạng thái kiệt quệ về tinh thần, và thậm chí đã có lần ông định tự tử vì bế tắc.

Nhưng mặt khác, điều đó thúc đẩy Dale Carnegie tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Đâu là bí quyết của thành công và cần làm gì để trở thành người thành đạt? Và Dale Carnegie nhận thấy rằng, chìa khóa thành công là sự tự tin vào bản thân.

Trong vòng nhiều năm liên tục, Dale Carnegie bỏ công nghiên cứu vấn đề này, cho tới khi thành quả lao động của ông được thể hiện trong cuốn sách kinh điển, chỉ dẫn cách tiếp xúc với những người xung quanh để đạt được thành công trong cuộc sống.

Những cuốn sách của Dale Carnegie được dịch sang hàng chục ngôn ngữ khác nhau trên thế giới và cho tới tận ngày nay vẫn bán rất chạy. Tính tới hôm nay, đã có 50 triệu bản sách của Dale Carnegie đến với độc giả. Ngoài sách ra, ông còn tổ chức các khóa huấn luyện tâm lý và ông đã giúp cho hơn 7 triệu người tìm được thành công.

Trong khi tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc của mình, Dale Carnegie đã đọc rất kỹ tiểu sử của những danh nhân xứng đáng được người đời nhắc đến vói lòng kính trọng.

Những cuốn sách của ông luôn trích dẫn lời nói của Abraham Lincoln (tổng thống thứ 16 của Mỹ, còn được mệnh danh “Người giải phóng vĩ đại”, người chấm dứt chế độ nô lệ tại quốc gia này), Benjamin Franklin (một trong những nhà khai quốc của Mỹ, chính trị gia, nhà khoa học) và nhiều nhân vật lịch sử lừng danh khác.

Sau khi cho ra đời cuốn “Đắc nhân tâm”, Dale Carnegie thú nhận “Đến tận bây giờ tôi mới hiểu rằng, những người khỏe mạnh không bao giờ viết sách về việc làm sao khôi phục được sức khỏe. Chỉ có những người có bệnh tật và thiết tha mong chóng khỏi mới tâm huyết với đề tài này. Tương tự như vậy, một người có tài ngoại giao từ trong máu và biết cách xử thế chẳng bao giờ đặt bút viết về bí quyết kết bạn và ảnh hưởng tới người  khác.Tôi viết ra cuốn sách này bởi vì tự tôi đã mắc phải vô số sai lầm và giờ đây tôi muốn chia sẻ để có ích với người khác và cho chính bản thân tôi”. Đây là cuốn sách được coi là bán chạy nhất thế kỷ XX.

Dale Carnegie sinh ra trong một gia đình bần hàn ở bang Missouri, Mỹ. Cậu bé Dale từ nhỏ đã là một ngưòi nhút nhát. Mỗi khi đứng trước bạn gái, Dale luôn cảm thấy xấu hổ và đau lòng với bộ dạng của mình.

“Tôi luôn sợ hãi rằng, chỉ cần tôi bỏ mũ ra để chào một cô gái, cô ấy sẽ bật cười chế giễu tôi”. Đó là những lời mà Dale Carnegie viết trong một cuốn sách khác, cũng bán rất chạy với tựa đề “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”.

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời của chàng thanh niên tự ti là cuộc gặp gỡ với một thành viên thuộc phong trào trợ giúp giáo dục cho người lớn. Dale nhận thấy rằng, một giảng viên có tài diễn thuyết có khả năng lôi cuốn sự chú ý của hàng trăm người.

Và Dale quyết định tự học nghệ thuật này bằng cách thuyết trình hàng giờ cho thính giả là… chú mèo hoặc thậm chí trong phòng kho tối tăm không một bóng người.

Bước tiếp theo, Dale tham gia vào các cuộc thi hùng biện và thảo luận ở trường phổ thông, rồi dần dần, Dale đã có thể đủ tự tin để tranh luận hầu như về bất kỳ đề tài nào trước đám đông.

Kinh nghiệm mách bảo Dale Carnegie rằng, để chiến thắng được nỗi sợ hãi, cách duy nhất là dám nhìn thẳng vào nó và không nghĩ tới những thất bại trước đây.

Và Dale Carnegie bắt đầu con đường mới của mình bằng cách thử sức trong ngành môi giới. Ông bán tất cả mọi thứ có thể, từ các khóa học bổ túc cho tới mỡ lợn hun khói.

Dale Carnegie để ý thấy rằng, nếu người bán nhanh chóng tìm được tiếng nói chung với khách thì việc tiêu thụ hàng sẽ dễ hơn nhiều. Bởi vậy, cần có tài tiếp xúc, thương thảo và thuyết phục người khác.

Nhưng để khách hàng hay đối tác tin vào mình, bản thân bạn phải toát ra một sự tự tin tuyệt đối. Chính vì thế mà chìa khóa của thành cồng là sự tự tin vào bản thân.

“Như Dale Carnegie đã nói, chỉ có một cách duy nhất luyện tập được sự tự tin, đó là làm những việc mà bạn e ngại và sau mỗi lần thử sức, hãy ghi lại những tiến bộ dù là nhỏ nhất”, đó là nhận xét của Lowell Thomas, một người bạn của Dale Carnegie, người viết lời tựa cho cuốn “Đắc nhân tâm”.

Thực chất, của các khóa đào tạo tâm lý của Dale Carnegie là ở chỗ đánh bại sự sợ hãi phải diễn thuyết trước đám đông, bằng cách tập nói hàng ngày.

Không tồn tại cuốn sách nào trên đời có thể giúp Dale Carnegie dựa vào đó để hoàn thiện, và bởi thế Dale Carnegie đã tự viết cho mình những cuốn sách.[34]

4.3. Không đổ lỗi cho mình cách cực đoan

Chúng ta thường là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình khi chúng ta điên rồ tự tạo ra những chướng ngại trên bước đường dẫn đến sự thành công và hạnh phúc của mình.

Đã bao lần bạn nói với mình: Tại sao mình lại ngu ngốc thế nhỉ? Tại sao mình lúc nào cũng vướng phải chuyện đó nhỉ? Tại sao mình lúc nào cũng nói những lời không phải thế? Mình quả là một người đần độn!

Thực ra, chúng ta không tin rằng mình là những người ngu ngốc. Đây là một phương thức nhanh chóng và dễ dàng để bỏ qua một thất bại nào đó.

Thay vì suy nghĩ và đấu tranh với vấn đề ẩn phía sau thất bại và cố gắng giải quyết nó chúng ta lại tự đổ lỗi cho chính mình giống như thể bẩm sinh chúng ta đã là những con người của thất bại và rồi chúng ta để mọi việc lướt qua mà không hề suy nghĩ gì cả.

Đây là lối hành xử nguy hại. Nó tạo ra cảm giác không an toàn và khiến chúng ta luôn nghĩ rằng mình luôn là con người của thất bại, về sau hạt nảy mầm này sẽ phát triển mạnh mẽ và thống trị toàn bộ tâm hồn chúng ta.

Người ta kể rằng, khi tướng William F.Dean được Đảng Cộng Sản phóng thích, một ký giả đã hỏi ông rằng điều gì đã giúp ông có thể sống được qua ba năm đau khổ này. “Tôi không bao giờ cảm thấy hối tiếc cho chính mình” – William nói – “và đó là những gì đã giúp tôi có thể vượt qua được khó khăn”. Sự tự thán sẽ gây hại cho chúng ta nhiều hơn so với bất cứ thứ gì; và sự tự đổ lỗi cho chính mình thậm chí còn là việc tồi tệ hơn nữa, bởi vì nó là một trong những nguyên nhân chính cấu thành sự tự thán. Chúng ta có thể đi từ sự tự đổ lỗi cho chính mình sang sự tự coi thường chính mình và rồi đến với sự tự huỷ hoại mình.

Việc tự đổ lỗi cho chính mình một cách cực đoan sẽ mở toang cánh cửa cho những suy nghĩ tội lỗi bước vào. Với thói quen luôn tự đổ lỗi cho chính mình khi mắc phải những thất bại, theo thời gian có thể bạn sẽ gặt lấy thói quen luôn tự đổ lỗi cho chính mình về những thất bại của người khác.

Thái độ luôn tự đổ lỗi cho chính mình sẽ khép lại cánh cửa của sự tự thân phát triển. Phía sau cánh cửa bị đóng chặt đó tâm trí của chúng ta có thể luôn trong trạng thái u sầu cùng cực. Giống như một chú hươu con mờ mắt trước ánh sáng chói chang, nó không thể làm gì cả, ngoại trừ việc đứng yên bất động.[35]

4.4. Không đổ lỗi cho mình cách cực đoan không có nghĩa là không biết nhận lỗi

Trong một khu rừng rậm, có hai ngôi chùa cách nhau không xa. Trong ngôi chùa thứ nhất, các sư suốt ngày cãi vã, cuộc sống buồn bã, đau khổ. Ngôi chùa thứ hai thì hoàn toàn ngược lại, mọi người đoàn kết luôn nở nụ cười. Sư trụ trì ở chùa thứ nhất thấy thế vô cùng ngưỡng mộ, nhưng không thể hiểu nổi vì sao họ có thể như thế. Thế là một ngày, ông đến ngôi chùa kia hỏi họ bí quyết.

Vị sư trụ trì: “Làm sao mà mọi người có thể giữ được hòa khí, không bao giờ cãi vã?”

Vị tiểu hòa thượng không chút chần chừ đáp:”Bởi vì chúng tôi luôn luôn phạm sai lầm”.

Trong khi vị sư trụ trì vẫn chưa hiểu mô tê gì, bỗng từ bên ngoài một vị sư đang chạy vào không may bị ngã. Lúc này, một hòa thượng đang lau sàn chạy vội đến đỡ dậy và nói:”Xin lỗi, do tôi lau sàn ướt quá nên mới làm anh bị ngã”.

Một hòa thượng đứng canh cửa chạy ra nói: ’’Không, lỗi của tôi, là do tôi không nhắc anh ta là bên trong đang lau nhà, phải cẩn thận”.

Còn vị hòa thượng bị ngã lại không hề trách ai mà lại tự trách mình:’’Không, đó là lỗi của tôi, là do tôi không cẩn thận nên mới ngã”.

Sư trụ trì kia chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh này, bỗng hiểu ra mọi chuyện.

Tự trách mình vừa là lời xin lỗi với người khác vừa là giải thoát chính mình. Nó có thể biến những xích mích trở thành sự hòa thuận, người với người đối với nhau thật lòng hơn. Trốn tránh trách nhiệm chỉ khiến con người hận thù, xa cách nhau thêm.[36] 

4.5.Tai hại của cảm xúc bất lực: hai lồng chuột  bạch

Qua một nghiên cứu mới đây về loài chuột trắng, người ta thấy cảm xúc bất lực đã gây tai hại như thế nào, ngay cả đối với những sinh vật hạ đẳng. Người ta nhốt hai bầy chuột trong hai lồng khác nhau. Cả hai lồng chuột đều được các nhà thí nghiệm nối với mạng lưới điện, để cho chúng bị điện giật. Trong lồng thứ nhất, người ta thiết kế một trục quay nhỏ mà các chú chuột có thể xoay tròn để ngắt dòng điện. Mấy chú chuột sớm khám phá ra điều đó, nên mỗi khi bị điện giật thì một chú chuột liền nhảy lên trục quay để ngắt dòng điện.

Còn lồng thứ hai thì không có trục quay ngắt điện, nhưng được thiết kế sao cho dòng điện cũng được ngắt cùng lúc với lồng thứ nhất. Sự khác biệt chính là khả năng kiểm soát dòng điện. Bầy chuột trong lồng thứ nhất có khả năng ngắt dòng điện. Chúng có thể xoa dịu sự đau đớn của mình. Bầy chuột trong lồng thứ hai tuy không bị điện giật nhiều hơn bầy thứ nhất, nhưng chúng không có khả năng kiểm soát dòng điện.

Sau vài tháng, người ta giết cả hai bầy chuột, mổ cơ thể chúng ra để khảo sát các những triệu chứng của sự căng thẳng. Hình dạng bầy chuột trong lồng thứ hai bị tổn thương nghiêm trọng hơn bầy chuột trong lồng thứ nhất. Tim lớn vì áp huyết rất cao, loét, viêm ruột thừa, viêm khớp… Rõ ràng chúng bị tổn thương nghiêm trọng như thế không phải vì điện giật, mà vì cảm xúc bất lực khi chúng không có khả năng kiểm soát dòng điện.[37]

4.6. Nỗi đau vì cảm xúc có lỗi dễ chấp nhận hơn nỗi đau vì bất lực

Nơi con người thì mức độ tổn thương vì bất lực còn nghiêm trọng hơn. Trái với quan điểm chung, một vài công trình nghiên cứu trên các nạn nhân (New York Times, Tháng Giêng năm 1984) cho thấy rằng, “những người tự khiển trách, ít là một phần nào đó, về việc mình trở thành nạn nhân của một tội ác hay bệnh tật, thì khi đương đầu với sự kiện ấy, họ ít gặp khó khăn” hơn những người không thấy mình có điều gì đáng bị khiển trách. Đó là điều mà người ta có thể thấy được nơi những phụ nữ bị hãm hiếp, hay những bà vợ bị chồng hành hạ, cũng như các trường hợp bị tai nạn, hay bị ung thư.

Khi chúng ta hiểu được nỗi đau của cảm xúc có lỗi, tất nhiên chúng ta sẽ tự hỏi: Tại sao những nạn nhân ấy lại chuốc lấy cảm xúc có lỗi? Làm sao những cảm xúc đau đớn ấy có thể giúp họ chịu đựng sự đau khổ lớn lao hơn?

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra lý do sau đây: Nỗi đau vì cảm xúc có lỗi thì dễ chấp nhận và dễ chịu đựng hơn nỗi đau vì bất lực. Khi gặp sự cố, nếu các nạn nhân cảm thấy mình có trách nhiệm một phần nào đó, thì họ vẫn còn nhận thấy mình có khả năng không để cho sự cố ấy tái diễn. Ý thức trách nhiệm cho họ có cảm nghĩ mình có khả năng kiểm soát; trong tương lai, họ có thể làm một điều gì đó để tránh được tai hoạ tương tự như thế. Khi họ ý thức mình có khả năng kiểm soát, ắt họ sẽ cảm thấy an tâm mà chịu đựng cảm xúc có lỗi, để có được quyền kiểm soát!

Tầm nhìn mới cho chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa ban cho mọi người có khả năng điều khiển cuộc đời của mình. Chúng ta đâu cần phải cảm thấy bất lực như một nạn nhân.[38]

 

4.7. Biết hài lòng với cái mình có bởi vì cuộc sống tốt đẹp tùy thuộc vào mỗi người

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo. “Đây là một cách để dạy con biết quí trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình” – người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười:

– Chuyến đi như thế nào hả con?

– Thật tuyệt vời bố ạ!

– Con đã thấy những người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

– Ô vâng.

– Thế con đã rút ra được điều gì từ chuyến đi này? Đứa bé không ngần ngại trả lời:

– Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân, họ thì có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống, và họ có những cánh đồng trải dài.

Chúng ta phải mua thực phẩm còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở cho nhau.

Đến đây người cha không nói gì cả.

– Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi.

Bạn có thấy cuộc sống đơn giản và hạnh phúc cũng quá đơn giản không? Chúng luôn nằm trong tầm tay của chúng ta mà! Thật đúng như Lão Tử đã nhắc nhở chúng ta. Bởi vì cuộc sống tốt đẹp tùy vào mỗi người.

John là một ông lão ít nói và thông thái, ông thường ngồi trên chiếc ghế bành cũ kỹ trước hiên nhà, nhìn mọi người qua lại. Đôi khi ông vẫy tay chào họ. Một hôm, cô cháu gái nhỏ của ông John ngồi xuống cạnh ông mình, và cả hai cùng nhìn những người qua lại trước nhà họ. Một người đàn ông lạ, cao lớn, anh ta nhìn quanh như tìm một nơi nào đó để dừng chân, rồi tiến đến gần hỏi ông John:

– Trong ngôi làng này người ta sống kiểu gì hả ông? Ông John chậm rãi hỏi lại:

– Vậy nơi mà anh vừa đi khỏi, người ta sống ra sao?

– Người lạ nhăn mặt: – Nơi ấy hả? Mọi người chỉ toàn chỉ trích nhau. Hàng xóm thì ngồi lê đôi mách và nói chung là một nơi rất đáng chán!

John nhìn thẳng vào mắt người lạ và nói: – Anh biết không, nơi này cũng như thế, hệt như nơi anh vừa đi khỏi vậy!

Người đàn ông không nói gì, anh ta quay đi. Một lát sau, một chiếc ôtô dừng lại bên vệ đường. Người đàn ông trên xe đỡ vợ con mình xuống xe. Người vợ hỏi ông John có thể mua một ít thức ăn cho bọn trẻ ở đâu, còn người đàn ông ở lại chỗ chiếc xe. Anh ta lại gần ông John và hỏi:

– Thưa ông, nơi này sống có tốt không ạ? Vẫn như lần trước, ông John hỏi lại: – Vậy nơi mà anh vừa đi khỏi thì thế nào? Người đàn ông tươi cười:

Ở đó, mọi người sống rất thân thiết, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau. Chúng tôi không muốn ra đi chút nào, nhưng vì điều kiện làm việc nên phải chuyển tới đây.

Ông John nở một nụ cười ấm áp:

– Đừng lo, nơi này cũng giống như nơi anh vừa đi khỏi đây mà, cũng tốt lắm!

Vợ người đàn ông quay lại, họ cảm ơn và tạm biệt hai ông cháu John rồi lái xe đi.

Khi chiếc xe đã đi xa, cô cháu nhỏ cất tiếng hỏi ông:

– Ông ơi, tại sao ông nói với người thứ nhất là nơi đây không tốt lành còn với người thứ hai ông lại nói là một nơi tuyệt vời?

Ông John âu yếm nhìn vào đôi mắt xanh băn khoăn của đứa cháu nhỏ và bảo:

Cháu ạ, dù có đi đến đâu, mỗi người vẫn mang thái độ của chính mình đối với cuộc sống đi theo. Chính thái độ của riêng mình, cộng với phản ứng của những người xung quanh với thái độ đó thì nơi mới đến có thể rất tồi tệ, hoặc rất tuyệt vời theo cảm nhận và cách nghĩ của riêng họ mà thôi.”[39]

4.8. Biết chấp nhận mình

Nhà tâm lý học Powel đã đưa ra mười tiêu chuẩn sau đây, và chúng ta có thể xem chúng như những căn bản hay như kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta lượng giá, hoặc dựa theo đó mà luyện tập chấp nhận chính mình.

  1. Người chấp nhận mình – luôn hài lòng về mình, thích hòa đồng với người khác. Nếu gặp phải những ai không yêu thương hay chỉ trích, họ không tức giận hay buồn phiền.
  2. Người chấp nhận mình – thích đi đến với người khác, vì họ luôn nghĩ rằng người khác cũng thương yêu và chấp nhận họ. Họ tự tin khi ở giữa đám đông, sẵn sàng cởi mở và cũng dễ chấp nhận ý kiến của người khác. Họ không thấy cô đơn khi ở một mình.
  3. Người chấp nhận mình – luôn đón nhận tình yêu và lời khen của người khác với lòng biết ơn và thích thú. Họ nội tâm hóa những lời khen và nhận xét tích cực. Họ không nghi ngờ về động lực của người khác.
  4. Người chấp nhận mình – là người biết lành mạnh hóa và phong phú hóa con người mình. Họ thương yêu và thán phục người khác một cách cởi mở và ngay thẳng. Họ không bị dày vò bởi việc người khác có thể hiểu lầm và giải thích sai về hành động của họ. Họ cũng không lo lắng về điều họ “trao” có được đền đáp lại hay không. Nói tóm lại, họ tự do làm những gì họ muốn và thấy là đúng.
  5. Người chấp nhận mình – chấp nhận bản thân như họ là trong giây phút đó. Cái tôi ngày hôm qua đã thuộc về lịch sử. Cái tôi của ngày mai còn trong cõi hư vô. Họ chỉ chú ý đến giây phút hiện tại và những gì xảy ra trong lúc này.
  6. Người chấp nhận mình – có thể thường xuyên và dễ dàng cười chính họ. Coi mình quá quan trọng thường là dấu hiệu của người cảm thấy thiếu an toàn. An bình nội tâm thường là dấu hiệu của người biết chấp nhận mình. Họ thú nhận và cười vào chính sự yếu đuối, ngu ngốc của mình. Chỉ những người biết nhận chân giá trị của mình mới có can đảm thú nhận những giới hạn và thiếu sót của họ.
  7. Người chấp nhận chính mình – có khả năng nhận thấy và đáp ứng những nhu cầu của mình: Nhu cầu thể lý, cảm xúc, trí tuệ, xã hội, và siêu nhiên. Đúng ra bác ái phải bắt nguồn từ chính mình trước. Cố gắng “lờ đi” những nhu cầu của mình là một kiểu “tự vẫn”. Phải biết yêu mình rồi mới biết yêu người khác một cách tự nhiên và thoải mái được. Loại người này thường sống quân bình. Họ dùng thì giờ để nghỉ ngơi, thư giãn, thể thao và bồi bổ cho cơ thể, cho tinh thần, cũng như cho đời sống tâm linh nữa.
  8. Người chấp nhận chính mình – là người cương quyết. Họ theo lời chỉ dẫn phải hành động như thế nào từ chính bên trong nội tâm của họ, chứ không phải nơi người khác. Họ làm theo cái gì họ nghĩ là đúng và thích hợp, chứ không theo những gì kẻ khác nghĩ và nói. Họ không sợ phải lội ngược dòng, không bị tiêm nhiễm hay ảnh hưởng bởi tâm lý và tinh thần của tập thể hay của đám đông.
  9. Người chấp nhận chính mình – sống hòa hợp với thực tại. Đương đầu với chính mình và người khác như sự thật mà người khác đang là. Họ không để mất thì giờ và sức lực để hối tiếc những điều thật sự không có. Họ thưởng thức và dấn thân vào cuộc sống.
  10. Người chấp nhận chính mình – là người quả quyết, tự tin. Họ chú trọng đến quyền lợi của họ một cách chính đáng như: quyền có những tư tưởng và lựa chọn. Họ giao tiếp với người khác một cách ngang hàng. Họ không chôn vùi sáng kiến. Họ tự trọng và diễn tả chính mình một cách cởi mở và ngay thẳng.

Khi chấp nhận chính mình. Bạn sống như người trưởng thành, bạn sẽ tự tin, cảm thấy bình an, bạn sẽ được kính trọng và yêu mến. Nhất là sẽ thoải mái và hài lòng về chính mình.[40]

5. Phương thế khám phá bản thân

5.1. Những phương thế tự nhiên

5.1.1.Thái độ cởi mở

Thái độ cởi mở là điều cần thiết đầu tiên, là phương thế rất hữu hiệu để biết mình. Người khác sẽ là tấm gương phản chiếu giúp chúng ta biết mình, ý thức về những gì mình làm, cho thấy nhiều góc độ của con người mình. Tuy thế, người khác sẽ chỉ phản chiếu lại trung thực khi chúng ta mở cho họ thấy đúng con người thật của mình. Thật vậy, những gì chúng ta đang có, tâm trạng chúng ta đang mang, nếu được bộc lộ, sẽ phản chiếu trên gương mặt những người mà chúng ta sống chung, gặp gỡ hay làm việc với họ hằng ngày và trong tiến trình cuộc sống.

Cởi mở là khởi đầu của tương quan, là một phần của sự sống, là mở cửa lòng cho người khác thấy mình, vào sâu trong lòng, trong tâm, trong cuộc đời mình nữa. Làm sao sống một mình, sống xa cách với người khác? Ai cũng có nhu cầu cần chia sẻ, cần được cảm thông, được hiểu, được giúp đỡ, và nhất là cần yêu và được yêu thương. Chính khi sống với người khác, sống đầy sinh lực, đó mới là thật sự sống. Và có sống thật chúng ta mới lớn lên, mới đi đến sự tự do và trưởng thành. Cởi mở giúp chúng ta cơ may biết nhiều hơn về con người thật của mình.[41]

5.1.2. Tha nhân là tấm gương phản chiếu bản thân

Hãy có một người bạn để tin tưởng và tâm sự

Chúng ta sẽ có dịp chia sẻ với nhau về tình bạn. Chắc chắn chúng ta còn nhớ rõ về một nguyên tắc căn bản cần phải giữ trong mối tương giao tâm sự không nhằm để công bố cho kẻ khác biết, mà nhằm đến việc làm vơi đi, trút bớt đi những gì chồng chất nặng nề trong tâm trí mình. Và do đó, đòi buộc người lắng nghe tâm sự, phải tuyệt đối giữ kín và không được nói ra cho một người thứ ba.

Trong khung cảnh của đề tài bàn về sự hiểu biết chính mình, thì việc tâm sự với một người bạn, những trao đổi qua lại giữa hai người bạn, sẽ giúp cho đương sự được dịp hiểu biết mình hơn, nhờ qua những nhận xét, những phản ứng của người bạn. Khi phơi bày tâm sự của mình cho người bạn, thì đó cũng là phơi bày nội tâm của mình cho chính mình. Nói với người bạn thì cũng nói cho chính mình. Mình phải đối với người bạn của mình như một linh mục trong tòa giải tội, giữ ấn tòa giải tội.[42]

Tìm hiểu nơi những người thực sự yêu quý mình

Chúng ta có thể đề nghị họ cho biết ý kiến hoặc “miêu tả” về mình càng chi tiết càng tốt. Ý kiến của họ có thể khá chính xác, nhưng cũng có thể chủ quan. Vì thế chúng ta cần thận trọng, không hoàn toàn dựa trên đó mà kết luận, nhưng xem chúng là công cụ giúp chúng ta nhận ra một số nét về bản thân. Cũng cần nhớ rằng những gì người khác thấy có khi khác hẳn cách chúng ta tự nhìn bản thân mình. Trong trường hợp đó chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân. Ta chủ quan hay người khác chủ quan? Có thể chúng ta đã diễn tả chính mình một cách không trung thực, hay vụng về? Cần chú ý đến sự thiếu nhất quán giữa những gì ta nghĩ, nói và làm để rồi người khác hiểu lệch lạc về chúng ta.[43]

– Hãy phát hiện điều gì hay điểm nào làm cho mình khác với tha nhân.

Một số nghiên cứu cho biết trong giao tiếp thường nhật, ngôn ngữ không lời thường chiếm đến khoảng 70%. Nếu chú ý quan sát một chút, chắc chắn chúng ta sẽ thấy được phản ứng của người khác. Nét mặt, những cử chỉ hay ngay cả giọng nói của họ đều có thể cho biết họ có hài lòng về mình hay không, hài lòng điều gì và tại sao ta được yêu thích và chấp nhận hay bị từ khước, ta được quý mến, đồng tình hay bị chối từ, xua đuổi…[44]

5.1.3.Trắc nghiệm

Ngoài ra, chúng ta còn có thể dựa trên những phương pháp khoa học để biết mình, để thực hiện việc giáo dục tự thân; về mặt thể xác, chúng ta thường đi kiểm tra sức khoẻ với những xét nghiệm khác nhau; về mặt tinh thần, chúng ta cũng có những cách thế để biết mình. Có nhiều loại trắc nghiệm đáng tin có thể giúp chúng ta như: Trắc nghiệm về trí tuệ, năng khiếu và nhân cách.… Các trắc nghiệm có thể cho chúng ta nhiều thông tin đáng giá về mình.

Tính cách là đặc trưng riêng của mỗi người không ai giống ai. Mỗi hoàn cảnh, con người sẽ lựa chọn những cách phản ứng khác nhau. Chúng ta thử nghĩ xem đâu là đặc nét của riêng mình. Nếu còn mù mờ về mình, có lẽ những trắc nghiệm về nhân cách như MMPI, 16PF hay Myers-Briggs, hoặc đơn giản hơn là Enneagram hay phương pháp của Gaston Berger … sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn về mình chăng ?

Khi chọn trắc nghiệm để tìm hiểu về mình, xin vui lòng đến những nơi đáng tin cậy. Những loại trắc nghiệm phổ biến trên sách báo, trên mạng cũng có nhiều điều hay. Tuy nhiên, độ chính xác của chúng cần phải xem lại. Thật ra, một bài trắc nghiệm đáng tin cậy phải qua rất nhiều công đoạn mới được các nhà chuyên môn thừa nhận. Để cho ra một bài trắc nhiệm đúng chuẩn, tác giả cần nhiều nghiên cứu, làm thử nghiệm nhiều lần trên hàng ngàn người rồi lượng giá cách khách quan và khoa học. Những loại trắc nghiệm này ngay cả những người chuyên môn cũng cần phải có giấy phép mới được mua, và sử dụng trong các trung tâm trắc nghiệm. Chúng được bảo mật và có người chuyên môn giải thích chứ không được phép phổ biến rộng rãi.[45]

5.1.4. Viết nhật ký hay ghi chú mỗi ngày

Một nghiên cứu cho thấy 80% số người được khảo sát cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm và hiểu mình hơn khi viết ra những vui buồn, suy nghĩ, bận tâm, những cảm xúc cũng như những thắc mắc, dằng co… trong ngày. Hơn nữa, khi viết ra, tư tưởng của mình sẽ rõ nét hơn là khi nó ở trong đầu, sau đó chúng ta có thể dùng nó như một dữ liệu để phân tích, để tìm hiểu, để so sánh… Chúng ta cũng có thể ghi lại những giấc mơ còn nhớ được. Giấc mơ thường phản ánh một khía cạnh nào đó của vô thức, của ước mơ hay dồn nén… hoặc những suy nghĩ trong nội tâm thường ngày của mình. Cố gắng ghi lại ngắn gọn nhưng trung thực, chắc chắn chúng ta sẽ khám phá được nhiều điều bất ngờ về mình.[46]

Về việc viết nhật ký, các bạn trẻ thường dễ làm điều này hơn. Đây không phải là việc làm của sự mơ mộng, mà là một việc làm và một cơ hội để ghi nhận và phân tích những phản ứng, những tâm tình, những suy tư của mình, và thường sau khi những sự việc đó đã xảy ra. Như thế, lúc ngồi ghi lại những phản ứng, những suy tư, những tâm tình về những gì đã xảy ra vào trong tập nhật ký, ta có dịp quan sát một cách khách quan hơn. Rồi sau đó, đọc lại nhật ký, đọc lại những tâm tình của mình ghi trên trang giấy, ta có thể phân tích và nhìn ra đâu là điều tốt, đâu là điều không tốt cần tránh. Chúng ta hãy lưu ý, là viết nhật ký cho mình đọc, dành riêng cho  mình mà thôi, chứ không phải để khoe khoang với kẻ khác. Và hãy chú ý đến những gì xảy ra nơi cõi nội tâm mình, những cảm xúc mình sống qua lúc đó, không có hậu ý. Sau này, khi đọc lại nhật ký, với mục đích tìm hiểu chính mình, ta sẽ có dịp phân tích và biết về mình hơn. Viết nhật ký là như một “đối thoại với chính mình”.

Tuy nhiên, nếu bạn không muốn viết nhật ký thì cũng không sao. Việc làm này có thể thích hợp với một số người, mà không thích hợp với một số người khác. Dù sao, mục đích chính là để mình có dịp nhìn lại những gì xảy đến trong cõi nội tâm của mình, để biết về mình hơn.[47]

5.1.5. Biết tĩnh lặng, đi vào thinh lặng nội tâm

Chính sự tĩnh lặng của tâm mới cho chúng ta một cái nhìn sáng và trong về chính mình. Sự tĩnh lặng trong tâm hồn đang trở nên khó khăn và có thể bị đánh mất giữa một thế giới ngày càng nhiều xáo động và tiếng ồn từ mọi phía. Từ bình minh cho đến hoàng hôn và mãi cho tới đêm khuya, chúng ta luôn bị bao bọc bởi mọi thứ âm thanh: xe cộ, máy móc, âm nhạc, truyền thanh truyền hình… và nhất là cái xáo động của tâm, của lo toan, sợ hãi, của buồn bực tức giận, của ham muốn cạnh tranh, của toan tính. Những tư tưởng ngổn ngang đang chồng chất trong não bộ làm khuấy động tâm tư khiến chúng ta không còn khả năng đối diện với chính mình. Một học giả cao niên đã từng nói: “Cũng như mình không thể thấy khuôn mặt của mình trong dòng nước đục, thì tâm hồn nào còn vướng bận các tư tưởng xáo trộn cũng không thể nào tĩnh nguyện được”.

Nhờ tĩnh lặng, chúng ta có thể nhận ra dung mạo thật của mình, cũng như những quyến rũ của môi trường bên ngoài gợi lên ham muốn từ bên trong. Sự tĩnh lặng còn giúp chúng ta phục hồi sức khoẻ thể chất và nghị lực tinh thần. Nếu cứ buông mình theo dòng chảy của cuộc sống hiện tại, chúng ta có nhiều nguy cơ trở nên nô lệ cho chính mình, khó làm chủ bản thân và khó có cái nhìn sáng suốt khách quan về mình, về cuộc đời và về cả người khác nữa!

Có thể nói rằng một ngày không có sự tĩnh lặng là một ngày chúng ta không hiện diện, không sống trọn vẹn cuộc sống đích thực của mình.

Nếu nhìn vào đời sống của những người cao cả thánh thiện, chúng ta sẽ thấy được rằng: Trong khi họ vẫn làm công việc thế gian, tâm hồn họ vẫn luôn đắm chìm trong trạng thái bình an, phúc lạc bên trong nội tâm. Thật ra Thượng Đế sáng tạo ra con người để cho họ có thể tham dự vào niềm vui vô biên của Ngài. Tuy mang tính người, sống trong xác thể, tâm hồn chúng ta luôn khắc khoải hướng về thế giới siêu việt. Người ta chỉ có thể nhìn thấy chân tướng của sự vật trong những lúc “biển lặng sóng êm”. Chúng ta sẽ thật sự nhìn thấy bản thân mình trong tĩnh lặng của tâm là thế.[48]

Nhìn vào đời sống của các vĩ nhân, chúng ta đều thấy áp dụng nguyên tắc này. Chính Đức Giêsu, Ngài đã rút lui khỏi đám đông tuôn đến, để có được thời giờ sống riêng trong thinh lặng, để cầu nguyện. Đừng sợ những giây phút thinh lặng để mình được sống với chính mình. Những giấc mơ cho tương lai, những quyết định quan trọng thường phát xuất từ những giây phút quan trọng này. Đối với những ai có niềm tin Kitô giáo, những giây phút thinh lặng cầu nguyện trước nhan Chúa, hay trong sự hiện diện của Ngài là những giây phút thật quí báu, đừng coi thường những giây phút này.[49]

5.1.6. Nhìn nhận con người thật của mình

– Biết chấp nhận sự thật

Thông thường, theo tính tự nhiên của con người, chúng ta thường có xu hướng muốn nhắm mắt làm ngơ trước những gì mình không muốn thấy, muốn nghe, hoặc lờ đi trước những khuyếm khuyết, sai lầm của chính mình.

Câu chuyện người con hoang đàng trong Kinh Thánh Lc 15:11-32 sẽ giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề này hơn.

Sau khi đã đòi chia gia tài để ra đi ăn chơi rồi dần dần sa sút cho đến khi đói khát phải đi chăn heo mướn, anh ta vẫn chịu đựng sự đói khát và nhục nhã cho đến một ngày anh ta dám đối diện với cái thực tế phũ phàng, đối diện với sự thất bại, hư hỏng và cuộc đời tan nát của mình. Anh ta đã nhận ra sự thật. Khi đó, anh không còn ảo tưởng về cuộc sống hiện tại, về cuộc đời và về chính mình. Anh quyết tâm đổi đời: “Tôi sẽ trở về với cha tôi”, trở về với tình thương vô hạn của cha, và anh xác tín rằng “không đâu bằng nhà mình”.[50]

Chú ý đến cảm xúc của mình

Chú ý đến cảm xúc của mình và những gì có thể khuấy động nó.

–    Điều gì dễ làm cho tôi vui, buồn, xao xuyến hay giằng co, nuối tiếc?

–    Điều gì làm cho tôi thích thú, say mê hay nản lòng, mất hứng thú?

–    Điều gì khiến cho trái tim tôi rộn ràng và cao hứng như tung cánh, hay nặng nề, ray rứt?

–    Ai hay điều gì thường làm cho tôi nặng lòng, hoặc chi phối ý nghĩ, hành động của tôi?

Ví dụ : khi nói đến gia đình, tôi cảm thấy bất an, hay khi nhắc đến tiền tôi cảm thấy tức giận, hoặc mỗi khi trời mưa tôi không tập trung được… Có lẽ vì tôi đã trải qua những kinh nghiệm đau thương trong những hoàn cảnh đó? Có lẽ phần ý thức của chúng ta đã không nhớ, nhưng phần vô thức vẫn còn để lại những ấn dấu của các biến cố đã xảy ra, và nó vẫn còn ảnh hưởng trên cuộc sống của chúng ta ít nhiều.

Để có thể thành công và hạnh phúc trong công việc cũng như trong cuộc sống, chắc chắn sẽ tốt hơn nếu chúng ta hiểu được tính cách của mình, điểm mạnh cũng như hạn chế. Bằng những khám phá quý giá này, chúng ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, đúng đắn và thích hợp hơn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống: con đường tương lai, những khoá sẽ học, những công việc sẽ bắt tay vào, thậm chí cách chọn lựa người bạn đời lý tưởng của mình![51]

Đối diện với chính mình

Để biết mình một cách khách quan. Cái khó biết nhất, khó điều khiển nhất chính là bản thân, là những gì từ bên trong con người. Người xưa thường nói rằng con đường hoàn thiện bản thân phải được bắt đầu từ chính mình: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chúng ta thử tìm hiểu điều này qua ngôi đền thờ thần Apolo. Nó thật đẹp và thu hút rất đông du khách, toạ lạc ở một thị trấn nhỏ nằm trên bãi biển miền Bắc Hy Lạp gọi là Delphi. Trên tường cao vút của đền thờ có khắc một câu châm ngôn: “Hãy nhận biết bản thân mình”. Tại sao ngôi đền lại chú trọng đến việc nhận biết bản thân? Đây có lẽ là lời khuyên tốt nhất, sâu sắc nhất của vị thần này dành cho con người. Cùng nhau chúng ta thử tìm biết mình :

Mình là gì?

          – Mình cần phải là gì?

          – Mình sẽ có thể là gì?

Muốn trả lời phần nào các vấn nạn trên, chúng ta không thể tránh con đường đối diện với chính mình hằng ngày trong từng biến cố, từng hoàn cảnh, từng tâm trạng và từng biến chuyển trong cuộc sống.[52]

Khi Abraham Lincoln ra tranh cử tổng thống, một người bạn đã hỏi ông: “Anh thấy mình có hy vọng gì không? Ai là đối thủ đáng sợ nhất của anh?”. Và Abraham Lincoln đã đưa ra một câu trả lời tuy hài hước nhưng rất thật:

– Tôi không ngại Breckingridge vì ông ta là người miền Nam nên người dân miền Bắc sẽ không ủng hộ ông ta. Tôi cũng không ngại Douglas vì ông ta là người miền Bắc nên người dân ở miền Nam cũng sẽ không nhiệt tình bỏ phiếu cho ông ta. Nhưng có một đối thủ mà tôi rất sợ, ông ta là người duy nhất có thể khiến tôi thất cử.

Người bạn liền vội ngắt lời:

– Ai vậy?

Nhìn thẳng vào mắt bạn mình, Abraham Lincoln nói:

– Nếu lần này tôi không được bầu làm tổng thống thì anh hãy biết rằng đó chính là lỗi của ông ta. Ông ta chính là Abraham Lincoln!

Vâng, đối thủ đáng sợ nhất của mỗi một chúng ta chính là bản thân chúng ta. Đó là nguyên nhân mấu chốt của tất cả những thành công cũng như thất bại của chúng ta. Khi chúng ta quyết định thực hiện một điều gì, cho dù tất cả những người xung quanh đều cho rằng chúng ta có thể làm được điều đó nhưng bản thân chúng ta lại nghĩ rằng mình không thể nào làm được thì coi như 90% là chúng ta sẽ thất bại. Còn ngược lại, ngay cả khi những hoàn cảnh xung quanh rất nghiệt ngã, khi đại đa số mọi người đều cho rằng chúng ta sẽ không vượt qua được nhưng nếu trong lòng chúng ta vẫn vang lên một câu nói: “Mình sẽ làm được!” thì sớm muộn gì, chúng ta sẽ vươn tới điều mà mình mong ước.

Hãy hỏi tất cả những người đã thành công — và cả những người đã thất bại – họ sẽ thừa nhận rằng: “Đối thủ đáng sợ nhất của mỗi một chúng ta chính là bản thân chúng ta!”[53] 

Hãy thường xuyên xác định lại con người thật của mình để rồi điều chỉnh con người của mình một cách trung thực hơn.

Hơn một lần, ta đã trả lời câu hỏi: tôi là ai, tôi đến đây làm gì và tôi sẽ đi về đâu ?

Trả lời cho câu hỏi này, ta có thể xác định được phần nào về chính dung mạo thực của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý điều này, là hình ảnh ta có về mình không phải và không nên là một hình ảnh cố định, bất biến, không thay đổi. Không, ta có thể thay đổi chính mình, và do đó, lúc nào ta cũng có thể thay đổi hình ảnh mà mình có về con người của mình. Ta không nên có thái độ như sau: viết ra những gì ta thích, những gì mình có, rồi để qua một bên, kể như là mình đã là như vậy rồi, không còn canh tân, thay đổi hay phát triển gì thêm nữa cả. Thật là thiệt thòi cho mình, nếu ta chỉ quan niệm đóng kín, hạn hẹp, bất biến về chính con người của mình. Khi nói, “hãy trở về khám phá cõi nội tâm của mình, hãy biết mình” thì ta có thể hiểu lầm, là hiểu cái “mình” đó, cái nội tâm của mình đó như là một cái gì cố định, y nguyên một chỗ, không thay đổi. Không phải như vậy, cái tôi nội tâm luôn biến đổi với thời gian, là một cái tôi linh động. Cuộc sống không chỉ phải hệ tại ở việc “tìm ra chính mình”, theo nghĩa là khám phá cái mình không thay đổi, nhưng còn là một cái mình phát triển, một cái mình luôn được xây dựng không ngừng. Chính vì thế, mà thỉnh thoảng, theo một chu kỳ thời gian nào đó, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm, ta cần có những giây phút thinh lặng hồi tỉnh, phản tỉnh, để xác định hình ảnh đích thực của mình.[54]

5.1.7. Thành thật với chính mình là điều tối quan trọng trong việc đổi mới bản thân

Con người ngày càng nghiêng về chiều hướng hưởng thụ, luôn đi tìm những cảm xúc tốt từ những tiện nghi vật chất đến sự công nhận của những người chung quanh, nên chẳng còn mấy ai ý thức giữ gìn lòng thành thật. Mặc dù ai cũng biết rằng thành thật là một đức tính tốt, và ai cũng trông mong người khác thành thật với mình, nhưng một khi bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp bất tận của cuộc sống thì người ta lại thấy lòng thành thật chính là trở ngại căn bản để đi tới sự thành công. Nhiều khi người ta còn dám tuyên bố sống giữa đời sống bây giờ mà cố giữ lòng thành thật thì đó là thái độ sống rất ngây thơ, phải khôn khéo và đầy kỹ xảo trong từng hành động mới là kẻ thức thời và dễ dàng thành đạt.

Thế rồi người ta đến với nhau bằng những màn trình diễn rất ngoạn mục, từ những lời nói trau chuốt bóng bẩy đến những hành vi lịch lãm dễ thương, miễn sao thu phục được đối phương thì dù phải nhồi nặn thêm những điều sai với sự thật ta cũng sẵn sàng. Thật khôi hài khi khán giả trung thành nhất chính là người thân yêu nhất của ta. Một ngày nào đó, ta không còn đủ năng lực để diễn xuất nữa thì lớp phấn son kia sẽ rớt xuống, đó cũng chính là lúc niềm tin yêu trong người ấy rơi rụng xuống. Dù ta có cố gắng biện minh bằng tất cả lòng thành khẩn thì cũng không thể nào đưa tâm thức người ấy trở về vị trí cũ, trừ phi người ấy có hiểu biết và tình thương lớn thì mới chấp nhận và mở lòng ra tha thứ. Nhưng vết thương vẫn còn đó, sau này ta có muốn tuyên bố điều gì quan trọng thì người ấy cũng vẫn cứ đề phòng và xét lại, họ không thể dễ dàng trao trọn niềm tin như xưa nữa.

Đành rằng cuộc sống đôi khi cũng cần sự khôn khéo, nhưng chút ít thôi, chỉ nên dùng nó trong những trường hợp đối phương chưa sẵn sàng tiếp nhận sự thật, chứ không phải để tạo thêm lớp phấn son giả tạo cho mình. Song ta phải có trách nhiệm tìm cơ hội đã trình bày sự thật trở lại, đừng đợi người kia phát hiện ra thì ta sẽ mang tội danh lừa dối. Một trong những lý do khiến ta có được niềm tin vào cuộc sống là khi mỗi lời mình thốt ra đều được bên kia lắng nghe và tin tưởng. Không gì thoải mái cho bằng được sống chung với những người mà ta không cần phải dò xét hay đối phó bằng bất cứ chiêu thức nào, chỉ nhìn nhau là đã hiểu nhau rồi. Bởi lẽ muốn thương nhau thì phải hiểu nhau, mà muốn hiểu nhau thì phải tin tưởng nhau, mà muốn tin tưởng nhau thì phải thật lòng với nhau.

Thực tế không phải ai cũng biết trân quý lòng thành thật của mình, đó có thể là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng. Vấn đề nằm ở chỗ là làm sao đủ sáng suốt để ta biết thể hiện lòng thành thật của mình một cách đúng đắn, đừng vì vài thất bại nhỏ nhặt trong quá khứ mà ta tập cho mình thói quen luôn che giấu sự thật như một phản xạ tự nhiên, và hình thành như một loại tính nết từ lúc nào mà chính ta cũng không hề hay biết. Rồi một lần nào đó có cơ hội quan sát những đứa trẻ nô đùa, hay những người dân quê trò chuyện huyên thuyên trên những cánh đồng, ta sẽ giật mình thảng thốt khi nhận ra mình đã đi quá xa trên con đường tranh chấp hơn thua để cái tôi hồn nhiên tinh khôi bị lạc mất. Không có cái tôi linh thiêng ấy, ta sẽ luôn nhìn đời nhìn người một cách sai lệch và bất an, rồi đổ thừa cuộc đời này chỉ là những vở tuồng mộng ảo. Mộng ảo là do chính tâm thức điên đảo của con người dệt lên chứ đó không phải là bản chất của cuộc đời, vì cuộc đời vốn rất tươi đẹp.[55]

5.1.8. Muốn thành thật với chính mình phải qua một quá trình luyện tập lâu dài

Không có một nguyên tắc chuẩn xác để giúp ta khi nào phải nên thành thật, hay phải thành thật tới mức nào, bởi quan niệm về giá trị hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Nếu ta cho rằng hạnh phúc là khi mình tích góp được thật nhiều tiền bạc hay danh vọng thì chắc chắn ta không thể nào đem lòng thành thật ra như một bảo bối để ứng chiến giữa những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Người thấy được hạnh phúc chân thật từ cõi lòng bình yên, buông bỏ bớt những mong cầu hay chống đối không cần thiết chứ không phải là những cảm xúc thỏa mãn trong nhất thời, thì bằng mọi giá họ sẽ bảo vệ tâm hồn mình. Họ thà chấp nhận để cho việc bất thành chứ không để cho tâm mình hư. Tâm hư khó sửa gấp trăm ngàn lần việc hư. Và nếu việc thành mà tâm hư thì họ cũng chẳng hạnh phúc gì.

Muốn làm chủ được bản thân thì ta phải hiểu được chính mình, muốn hiểu được chính mình thì ta không được dùng ý chí để nhồi nặn tâm mình thành ra một sản phẩm tốt đẹp để rồi tự đánh lừa mình. Mình đang giận mà không chịu nhận là mình đang giận, mình ganh tỵ mà cố nghĩ là mình đang phấn đấu thi đua, mình hèn yếu mà lại cho rằng mình đang nhịn nhục. Lý do mình không thấy được chính mình cũng do sự can thiệp quá vội vàng của ý chí. Vì ý chí chính là năng lực hướng tới sự tốt đẹp, nó được làm ra từ những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, trong khi thực tại là một cái gì đó rất khác với trình độ ý chí. Mà bản thân của ý chí cũng chỉ có thể làm kềm hãm sự phát triển của phiền não chứ không thể nào chuyển hóa trọn vẹn, nên ý chí không những không giúp được trường hợp như vậy mà khiến ta đánh giá sai lệch về tâm thức của mình. Ta trở nên chủ quan và sẽ bất ngờ trước những phản ứng vụng về đến tệ lậu của mình mà không hiểu tại sao.Thế nên nhìn vào tâm thức cũng cần thái độ trung thực, quan sát nó như chính nó đang là chứ đừng bắt ép nó phải như thế này thế kia khi chưa hiểu thấu và đầu tư đúng mức. Cái nhìn thuần khiết ấy trong nhà thiền gọi là trực giác, cái nhìn chưa đi qua sự nhồi nặn của tâm tưởng, cái nhìn không mang theo thái độ bảo vệ cái tôi của mình, nhìn như mới nhìn lần đầu tiên. Loại trừ được thái độ yêu thích hay ghét bỏ trong khi nhìn vào tâm mình thì chắc chắn ta sẽ thấy rõ chân tướng của nó, thấy rõ nguyên nhân sâu xa nào đã thúc đẩy và tạo nên tâm lý mình đang có. Chỉ cần im lặng và thong thả quan sát như một người ngả lưng lên ghế để xem cuốn phim đang từ từ mở ra thì ta sẽ tháo gỡ được từng mảnh tâm lý như thế. Điều này phải cần quá trình luyện tập kiên trì chứ không thể thành công liền được. Tuy nhiên khi ta bắt đầu thành thật với chính mình, chấp nhận những gì mình đang có rồi mới tìm cách tháo gỡ thay vì phủ nhận hay chống đối, đó là bước tiến cực kỳ quan trọng của công trình chuyển hóa bản thân mình.

Ta đã từng thấy có nhiều người quyết tâm cải thiện mình rất lớn, nhưng trải qua nhiều năm tháng mà họ vẫn không tiến được bước nào, đôi khi còn lui sụt. Nguyên nhân thường thấy nhất là do họ chỉ dùng toàn ý chí, họ không chấp nhận trình độ mình đang có, thậm chí họ còn có thái độ khinh ghét bản thân mình luôn mặc cảm khi nhìn thấy những năng lượng xấu trong tâm mình. Nhưng đó là kết quả của lối sống thiếu tỉnh thức của chính ta gây ra, ta không thể ra lệnh nó thay đổi liền khi ta chưa thật sự tập luyện cho mình một thói quen mới. Ta cần phải chấp nhận nó, làm hòa với nó để hiểu được nó thì ta mới chuyển hóa nó được.Cho nên nghệ thuật sống cao cấp nhất không phải là trình độ kỹ xảo uốn nắn tâm mình thành một kiểu mẫu tốt đẹp nào đó mà không có nền tảng của sự chuyển hóa thật sự. Chỉ cần lúc nào cũng thấy rõ tâm mình và hiểu biết nó một cách sâu sắc, kiên trì quan sát nó nhiều lần bằng thái độ nhẹ nhàng và từ tốn thì kết quả tự nhiên sẽ xảy ra. Luyện tập được như vậy thì cơ hội nắm được hạnh phúc sẽ trong tầm tay, ta sẽ không còn thán oán cuộc đời có quá nhiều điều phiền toái hay ta không thể nào chiến thắng nổi chính mình. Sống được với tâm hồn nhiên chân thật là hòa điệu với sự vận hành của vũ trụ, là lối sống của bậc trí thức, là ước mơ của bao người đã không tìm thấy giá trị chân thật từ những vở tuồng đầy kịch tính và màu sắc của cuộc đời.[56]

5.1.9. Toa thuốc kỳ diệu

 “Cách đây không lâu tôi đã rơi vào một giai đoạn rất tồi tệ trong cuộc sống mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã từng trải qua. Khi đó mọi thứ với tôi đều trở nên chán chường và tẻ nhạt, sức lực hao mòn, còn ngọn lửa nhiệt tình và hăng hái thì tắt ngấm. Tác động của điều đó với tất cả công việc của tôi thật đáng sợ. Mỗi sáng tôi nghiến chặt răng, rồi tự nhủ: ‘Hôm nay cuộc sống lại trôi theo lối mòn của nó đấy. Mình phải vượt qua nó. Nhất định mình phải làm như thế!’

Nhưng rồi chuỗi ngày nhàm chán vẫn kéo dài, và tình trạng tê liệt, không lối thoát ấy dường như ngày một tệ hơn. Đã đến lúc tôi biết mình cần phải nhờ giúp đỡ.

Tôi đã đến gặp một bác sĩ. Ông ta lớn tuổi hơn tôi và trông có vẻ cộc cằn. Tuy nhiên, tôi đã không ngờ rằng đằng sau vẻ bề ngoài không mấy thiện cảm kia là một con người rất uyên thâm và từng trải. Tôi kể với vị bác sĩ một cách đau khổ rằng dường như tôi bị bế tắc:

– Liệu bác sĩ có thể giúp tôi không?

  • Tôi không biết.

Vị bác sĩ chậm rãi trả lời, rồi chống tay nhìn chằm chằm vào tôi một lúc lâu. Đột nhiên ông hỏi:

  • Hồi còn bé, anh thích nơi nào nhất?
  • Hồi còn bé à? Tôi hỏi lại. Sao bác sĩ lại hỏi như vậy? Tôi nghĩ là ở bãi biển. Gia đình tôi có một ngôi nhà nghỉ gần bờ biển, cả nhà đều thích nó.

Vị bác sĩ nhìn ra ngoài cửa sổ, đưa mắt theo những lá thu rơi rụng rồi hỏi tiếp:

  • Thế anh có thể làm theo điều tôi nói trong nguyên một ngày được không?
  • Tôi nghĩ là được. Tôi sốt sắng trả lời.
  • Được rồi tôi muốn anh làm như vậy…

Theo lời vị bác sĩ hôm sau tôi phải lái xe đến bãi biển một mình và không được đến trễ quá 9 giờ sáng. Tôi có thể ăn trưa, nhưng không được đọc, viết, nghe đài hay nói chuyện với bất kỳ ai. Ông ta nói thêm:

  • Tôi sẽ đưa cho anh một toa thuốc, cứ cách ba giờ thì dùng một lần. Rồi ông xé mảnh giấy trắng, viết vài chữ lên mỗi miếng, gấp lại, đánh số, rồi trao cho tôi. Anh hãy dùng thuốc này vào lúc chín giờ sáng, mười hai giờ trưa, ba giờ chiều và sáu giờ tối theo thứ tự.
  • Bác sĩ nói nghiêm túc đấy chứ ạ? Tôi ngỡ ngàng hỏi.

Vị bác sĩ bật cười.

  • Anh sẽ không nghĩ là tôi đang đùa khi tôi lấy tiền khám bệnh của anh.

Sáng hôm sau với niềm tin nhỏ nhoi về phương thuốc của bác sĩ, tôi lái xe đến bãi biển một mình… Một ngọn gió đông bắc thổi qua, mặt biển trông xám xịt và những cơn sóng vỗ như đang giận dữ… Tôi lấy mảnh giấy thứ nhất ra xem.

Trên đó là hàng chữ: “Hãy chăm chú lắng nghe. ” Không thể hiểu nổi! Chắc vị bác sĩ đó điên mất rồi… Nhưng tôi vẫn làm như lời ông căn dặn… Sóng biển gầm lên và những âm thanh hỗn độn, nhưng dưới những âm thanh đó còn có những tiếng thì thầm của gió trong đám cây dại mọc ở cồn cát trôi giạt, nếu như người nghe thật chăm chú… Ngay lúc ấy, tôi khám phá ra rằng, nếu chú tâm lắng nghe, ta còn có thể cảm nhận được những khoảnh khắc khi mà tất cả mọi sự đều ngừng lại như chờ đợi. Trong khoảnh khắc yên lặng đó mọi suy nghĩ trong đầu ta đều ngừng đọng, và tâm trí ta được nghỉ ngơi. Tôi nghĩ ngay tới những tiếng gầm vang từ đáy lòng đại dương, tôi thấy mình đang nghĩ về sự thịnh nộ của những cơn giông tố nổi lên ngay chính trong lòng những con sóng. Sau đó tôi nhận ra mình đang nghĩ đến những thứ còn to lớn hơn cả chính bản thân tôi và lòng tôi thấy khuây khoả với điều ấy. Đến trưa tôi mở mảnh giấy thứ hai: “Cố gắng tìm về ký ức…”

Vị bác sĩ kia đã giúp tôi tìm về những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, những niềm vui và hạnh phúc chất ngất mà tôi đã bỏ quên lại sau lưng quá nhiều. Tôi nhất định sẽ tô màu và làm sống lại bức tranh hạnh phúc của quá khứ… Tôi đứng dậy một cách chậm chạp, cố gắng tìm về quá khứ của mình. Những người hạnh phúc luôn là những người tự tin và quả quyết. Nếu bạn thong thả quay lại tìm và chạm tay tới những điều hạnh phúc, lẽ nào không tìm thấy một chút sức mạnh?… Một cảm giác ấm áp dâng lên trong lòng tôi, tôi hiểu rằng chẳng có điều tốt nào là lãng phí hay mất đi ý nghĩa của nó cả.

Toa thuốc thứ ba giống như một mệnh lệnh hơn là lời khuyên: “Xem lại động cơ của mình.”

Phản ứng đầu tiên của tôi khi đọc những lời ấy là tự vệ, tự bào chữa cho mình. Những động cơ của tôi chẳng có gì là xấu, tôi tự nhủ. Tôi muốn thành công, ai mà chẳng thế? Tôi muốn được công nhận, những người khác cũng như tôi thôi. Tôi muốn được yêu thương, được an toàn hơn, và tại sao lại không như thế chứ?

Một tiếng nói nhỏ như vang lên đâu đó trong đầu tôi, những động cơ đó không hoàn toàn trong sáng. Có lẽ chính là lý do tại sao tôi bế tắc. Trong một thoáng tôi nhận ra một điều chắc chắn rằng, nếu động cơ của một người thiếu đi sự trong sáng, thì tất cả những gì còn lại đều không đi tới đâu: chỉ khi bạn phục vụ cho người khác, bạn mới thực hiện công việc tốt được. Còn nếu chỉ quan tâm đến những gì mình sẽ đạt được, hiệu quả công việc của bạn sẽ giảm đi. Đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống.

Một ngày ở biển của tôi gần kết thúc, tôi cảm thấy khâm phục đến ghen tỵ với vị bác sĩ và những liều thuốc mà ông đã cho tôi, chúng quá lạ lùng và lại giản dị đến bất ngờ. Giờ này, tôi đã thấy đó là những liều thuốc giá trị cho bất cứ ai đang phải đối mặt với bất cứ khó khăn nào. Chăm chú lắng nghe, để bình tĩnh và làm dịu đi một tâm trí điên cuồng, chuyển sự tập trung những điều bên trong ra bên ngoài.

Cố gắng tìm về quá khứ, bởi trí óc con người chỉ có thể lưu giữ một ý nghĩ trong một lúc, hãy xóa đi sự lo lắng hiện tại khi bạn hướng về niềm hạnh phúc trong quá khứ.

Xem xét lại động cơ của mình: đây là mấu chốt của việc điều trị. Đánh giá lại, đặt những động cơ của một người ngang với khả năng và lương tâm của người đó. Nhưng bạn phải thực tâm khi làm điều này.

Mặt trời phía tây đã ngả sang màu đỏ chói khi tôi lấy ra mảnh giấy cuối cùng: “Viết những ưu phiền trên cát.” Tôi thả mảnh giấy bay đi, cúi xuống nhặt một mảnh vỏ sò. Quỳ tại đó dưới vòm trời cao vút, tôi đã viết thật nhiều trên cát, hết nỗi ưu phiền này đến những ưu phiền khác của tôi. Sau đó tôi quay bước đi và không nhìn lại những gì tôi đã viết lên cát. Và ngoài kia những con sóng đang tạt vào.

Câu truyện trên đã cho chúng ta một hướng đi tích cực có thể xoá bỏ hết mọi ưu phiền và vui tươi trong cuộc sống hằng ngày. Chúa Giêsu đã không nói cho chúng ta hay sao, đau khổ của ngày nào chỉ cho ngày ấy mà thôi!

Bà Briget Mary Meehan cũng cho chúng ta năm liều thuốc bổ tinh thần như sau:

  • Tôi quả quyết rằng tôi là một thụ tạo xinh đẹp mà Chúa đã sinh ra.
  • Tôi quả quyết rằng tôi đang đi theo một tiến trình: Thiên Chúa vẫn tiếp tục nhào nặn tôi theo Thánh ý của Ngài.
  • Tôi quả quyết rằng tôi yêu chuộng viễn ảnh mà Chúa đã vạch sẵn cho tôi cũng như cho toàn thế giới.
  • Tôi quả quyết rằng tôi yêu những người chung quanh, tất cả những người tốt và những người không tốt, những ai đã làm hại tôi. Những người tôi quen biết và những người tôi không biết và tôi cầu nguyện cho sự an lành của họ.
  • Tôi thấy tôi, và những người tôi yêu quý và tất cả mọi loài thụ tạo, hết thảy đã được làm lành trong Trái Tim Chú Ngay hôm nay tôi sẽ hành động như viễn ảnh đó đã là thực tại cho tôi.[57]

5.2. Những cách thế siêu nhiên

5.2.1. Xét mình chung

Phương tiện chính để biết mình là xét mình.

Muốn làm việc ấy có kết quả, trước hết ta phải xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng, rồi đặt mình trước mặt Chúa Giêsu là gương mẫu trọn lành và cũng là quan án chí công, tiếp theo là lần lượt kiểm điểm tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi của mình, mổ xẻ nó để tìm ra căn cớ lỗi lầm. sau hết, ta thật lòng ăn năn thống hối và quyết chí sửa mình.

Có hai cách xét mình: Xét mình chung và xét mình riêng.

Cách thứ nhất, bao hàm tất cả các hoạt động trong ngày.

Cách thứ hai, chỉ lưu ý đến một nết xấu để khử trừ, hoặc một nhân đức để tập luyện.

Xét mình chung có bốn điểm:

– Cảm tạ Thiên Chúa về mọi ơn lành Ngài đã ban và xin ơn soi sáng.

– Kiểm điểm ý nghĩ, lời nói, việc làm từ sáng đến tối. Để dễ xét, ta nhớ mình đã ở những nơi nào, với những người nào. Cần tìm ra các nguyên nhân sự sai lỗi để sửa mình.

– Ăn năn cách trọn, điểm này quan trọng hơn cả.

Quyết chí sửa mình và xin ơn phù trợ.

Linh hồn mới vào đường nhân đức, có khi cũng nên ghi kết quả vào một tập nhỏ, để dễ bề so sánh, nhưng khi đã quen, thì không nên dùng cách ấy nữa để cho lương tâm được thảnh thơi và đơn sơ hơn trước mặt Chúa.[58]

5.2.2. Cách xét mình riêng.

Theo thánh I-Nhã, xét mình riêng cần hơn xét mình chung và có lẽ hơn cả việc suy gẫm nữa. Nhờ xét mình riêng, tôi lần lượt đánh xáp lá cà với từng nết xấu của tôi. Nhờ xét mình riêng, tôi lần lượt luyện tập các nhân đức cho thành thục sáng ngời. Như vậy, các cỏ xấu trong vườn sẽ nhổ tận rễ và các cây cối sẽ được vun trồng hoa trái xum xuê.

Chọn đề tài

Muốn được ích lợi, ta phải chọn đề tài cho cẩn thận và thích hợp. Cứ sự thường, phải giao chinh với tính xấu nào trội nhất trong mình. Nó là tướng, hạ sát được nó thì cả đội quân tan rã. Nhưng nếu một tính xấu mạnh mẽ khác xuất hiện, một cơn cám dỗ dữ dằn nổi lên, ta phải tạm bỏ đề tài trước kia, để xông đánh quân thù hiện tại. Mỗi khi đổi đề tài xét mình riêng, ta phải lãnh ý cha linh hướng.

Chọn đề tài rồi, ta bắt đầu xét, từ các sự bên ngoài, như ngôn ngữ, cử chỉ không đẹp. Dần dần ta tiến vào các sự bề trong: tư tưởng, tâm tình, căn nguyên, nhất là phải tập nhân đức tương phản với nết xấu ta đang cố ý sửa.

Để dễ thực hành, ta hãy chia đề tài ra nhiều điểm, rồi xét dần cho đến khi thành công.

5.2.2. Cách xét mình riêng

Đại cương cũng như xét mình chung, khác ở chỗ chỉ xét một điểm nhất định và tỉ mỉ, kỹ càng hơn.

Ban mai, sau giờ suy gẫm hoặc khi dự Thánh Lễ, ta xét mình dự bị về đề tài riêng đã chọn và quyết chí thực hành trong các hoàn cảnh của ngày hôm đó.

Ban trưa hoặc ban chiều, ta sẽ xét mình riêng thực sự: nhắc lại điều đã dốc lòng, kiểm điểm các lầm lỗi, tìm kiếm căn do và ăn năn quyết tâm chừa cải. Liệu cho hôm nay phải khá hơn hôm qua, ngày sau phải trội hơn ngày trước. Đó là dịp thúc giục mình tiến bước không ngừng.

Cha Thévenot dạy: “Mỗi ngày theo giờ nhất định, con hãy đưa mắt nhìn vào lương tâm, cho biết những cuộc chiến đấu của mình đối với một nết xấu nhất định, cho biết những dịp con đã cố tránh hay đã gây ra, cho biết những thắng lợi con đã thu được, hoặc những thất bại con đã phải chịu. Rồi con dốc lòng, cầu nguyện hãm mình, tỉnh thức và giữ cho trọn về sau. Cuối cùng, con giục lòng mến Chúa và ăn năn chừa thật”.

Cứ bền chí xét mình riêng về một vấn đề lâu ngày, không nên thay đổi trừ khi có lý do chính đáng và được cha linh hướng chấp nhận. Có như thế, mới trông thu được nhiều kết quả.[59]

 

5.2.3. Tâm tình lúc xét mình

Xét mình chung hay riêng, ta đều phải có những tâm tình như sau:

– Lòng biết ơn Chúa, vì Ngài đã giữ gìn ta khỏi tội lỗi và nâng đỡ ta trong đường lành. Cách cám ơn tốt nhất là dốc lòng dùng ơn Chúa cho nên.

– Lòng ăn năn, vì thấy mình tệ bạc với Chúa thái quá. Đồng thời, ta nhận thấy mình mỏng giòn yếu hèn, nên thẹn thùng xấu hổ trước mặt Chúa.

– Lòng quyết định: đền tội, sửa mình. Định rõ phương thế để tránh tội, lập đức, không dám khinh thường dịp nhỏ, lỗi nhẹ nữa.

Lòng trông cậy, cầu xin tha thiết. Vì xét mình tỉ mỉ, quyết chí hăng hái cũng vô ích, nếu không có ơn Chúa phù trợ. Cho nên phải giục lòng trông cậy và cầu nguyện thiết tha, nhất là về cuối giờ xét mình. Sau hết, hãy nhớ cầu xin Đức Mẹ, thánh quan thầy và thiên thần bản mệnh chuyển cầu hộ vực, giúp ta giữ trọn những điều đã dốc lòng.[60]

5.3. Những điều cần phải biết về chính con người của ta

Ta không nên bi quan mà cũng không lạc quan, chỉ nên lấy con mắt đức tin mà nhìn về cả hai mặt tốt xấu. Tình trạng linh hồn ta có hai gốc này:

– Bản nhiên: gồm hai tài năng, tính tình tự nhiên do Chúa ban từ khi mới sinh.

– Tập thành: gồm hai tài năng, tính tình do sự giáo dục, tập luyện hoặc do ảnh hưởng chung quanh mà tạo thành.

Theo hai nguồn gốc ấy, ta sẽ xét mình về hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên.

5.3.1. Ơn tự nhiên

Về tình cảm:

Tình cảm là trội hơn?

Tình cảm có suy xét hay mù quáng?

Khi yêu, tôi có yêu vì tình cảm, vì ý chí hay vì tận tâm?

Các giác quan, tôi làm chủ nó hay nó làm chủ tôi?

Trí nhớ, trí tưởng tượng, mạnh hay yếu, thiên về mặt nào?

Tôi hướng dẫn nó hay bỏ nó lông bông mặc ý?

Các dục tình tôi sôi nổi hay điều độ/ Tôi hướng chiều về nhục dục hay về kiêu ngạo?

Tôi may mắn hay chậm chạp, chăm chỉ hay lười biếng/ Tôi thuộc loại tính khí nào?,

với những ưu điểm hay và khuyết điểm nào?

Óc quan sát của tôi thực tế hay viển vông, sâu sắc hay nông cạn?

Về trí khôn:

 Nhanh hay chậm, sâu sắc hay hời hợt?

Ưa lý thuyết hay thực tiễn?

Tôi huấn luyện trí khôn thế Nào? Phương pháp suy luận làm sao?

Kết quả thu lượm thế nào?

Phán đoán ngay thẳng hay thiên lệch, bình tĩnh hay nóng nảy?

Tôi cố chấp hay phục thiện, bỏ ý mình theo ý người?

Về lòng muốn:

Ý chí mạnh mẽ hay ươn hèn, bền gan hay dễ nản, can đảm hay nhút nhát, làm chủ được trí khôn và tình cảm hay bị nó lôi cuốn?

Có châm ngôn, có nguyên tắc hay không?

Cái gì đã quyết cố gắng làm cho được không?

Có lập chí lớn nào không/ Có ủng hộ ý chí bằng những hy sinh hàng ngày không?

Về tính nết:

Rất quan trọng trong việc giao thiệp với người khác.

Người tốt tính biết thích ứng với người chung quanh, nên được người ta ưa chuộng quí mến.

Muốn thế, phải biết cương quyết mà dịu dàng, thật thà mà uyển chuyển.

Tôi dễ tính hay khó tính?

Người khó tính, đừng kể thiếu một trong các đức tính kể trên lại thường ích kỷ, không muốn ai phiền đến mình, nên cứng cỏi, sỗ sàng trong ngôn ngữ, hành động, làm cho người ta không ưa.

Về tập quán:

Khi lập đi lập lại mãi một hành động, ta sẽ thành thói quen.

Hãy xét mình có những tập quán nào tốt mà củng cố, những tập quán xấu mà khử trừ.[61]

5.3.2. Ơn siêu nhiên

Khuynh hướng và nhân đức:

Lòng tôi, dưới ảnh hưởng của đức tin, thường hướng về bậc sống nào, nhân đức nào, hành động nào hơn cả?

Các nhân đức nào trổi hơn nơi tôi?

Đọc kinh cầu nguyện dễ hay khó?

Ơn Chúa nâng đỡ tôi thế nào?

Có cơ hội nào đặc biệt như dịp lễ vỡ lòng, cấm phòng, đổi bậc sống, tôi được ơn khác thường chăng?

Chí hướng tông đồ thế nào? 

Con đường thiêng liêng của tôi là con đường nào?

Vì mỗi người Chúa định cho đi một con đường thiêng liêng hợp với ơn tự nhiên và siêu nhiên của mình. Thánh Têrêsa Hài Đồng theo đường thơ ấu thiêng liêng, lấy lòng con nhỏ mến Chúa như Cha Lành làm căn bản. Khẩu hiệu của bà là: “Tôi nhiệt tâm tận tụy vì các linh hồn”.

Còn tôi, tôi đã chọn khẩu hiệu, để nhắc nhở lý tưởng đời sống thiêng liêng của mình chưa?

Úy kỵ và tội lỗi:

Tôi úy kỵ và gớm ghét sự gì hơn cả?

Có sợ cố gắng, hy sinh, sỉ nhục, đau khổ quá đáng không?

Hãy xét các tội lỗi, các sa ngã đời dĩ vãng, xét cả đến các nhân vật, các hoàn cảnh đã nên dịp tội cho tôi xa Chúa.

Tôi có ơ hờ bỏ qua ơn Chúa, hoặc chống cưỡng lại bao giờ chăng?

Nếu tôi mất linh hồn thì tại tội nào, tính nào?

Lúc này, có điều gì phải đề phòng, có dịp nào phải tránh lánh không?

Tra vấn như thế, vì chỉ có một mình Ngài có phép chữa được các yếu hèn của con người.[62]

—–

[1] Thiên Phúc, Sám Hối và Canh Tân, trg.91-93

[2] Trần Thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.95-96

[3] Trần Thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.96

[4] Trần Thị Giồng, CND, sđd, trg.92-93

[5] Alan Loy McGinnis, CONFIDEN (Sống Tự Tin,  Phêrô Nguyễn văn Tài phóng tác, trg. 6-14)

[6] Trần thị Giồng, CND, Hạnh Phúc trong tầm tay trg.64-65

[7] Alan Loy McGinnis, CONFIDEN (Sống Tự Tin,  Phêrô Nguyễn văn Tài phóng tác, trg. 6-14)

[8] Trần Thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg.74

[9] Persona: Tác giả dùng thuật ngữ này để phân biệt với nhân cách (personality) nhằm ám chỉ những gì chủ thể muốn tỏ lộ ra bên ngoài

[10] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim), trg.51

[11] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg.75

[12] A. Cencini và A. Manenti, Tâm lý và huấn luyện, dg. Nguyễn Ngọc Kính (Thành phô’ Hồ Chí Minh: Nxb Phương Đông, 2011), trg. 194

[13].Robert Bly, A little book on the shadow, btv. VVilliam Booth (San Francisco: Harperand Row, 1988), trg. 19.

[14] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.52-53

[15] Trần Thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg. 69

[16]  Don Miguel Ruiz, Thỏa thuận với chính mình, trg.51-53

[17] Don Miguel Ruiz, Thỏa thuận với chính mình, trg.53-57

[18] Don Miguel Ruiz, Thỏa thuận với chính mình, trg.59-62

[19]   Don Miguel Ruiz, Thỏa thuận với chính mình, trg.62

[20]  Don Miguel Ruiz, sđd, trg.66

[21]  Don Miguel Ruiz, Thỏa thuận với chính mình, trg.70-71

 

[22] Trần Thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.18-20

[23] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.20-22

[24] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.22-24

[25] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.24-25

[26] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.26

[27] Trần thị Giồng, CND, sđd trg.27

[28] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.28

 

[29] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.28-29

[30] Trần thị Giồng, CND, sđd trg.29

[31] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.30-31

[32] Trần thị Giồng, CND, sđd trg.31-32

[33] Alan Loy McGinnis, CONFIDEN (Sống Tự Tin,  Phêrô Nguyễn Văn Tài phóng tác,trg. 6-14)

[34] Nguyễn văn Hải, Biết làm một người thành thật, trg.57-63

[35] Nguyễn văn Hải, Biết làm một người thành thật, trg.143-145

[36] Nguyễn văn Hải, Biết làm một người thành thật, trg.115-116

[37] James E. Sullivan, Journey to Freedom, the path to self-esteem for priest and religious (Hành trình tự do) trg.289-290

[38] James E. Sullivan, Journey to Freedom, the path to self-esteem for priest and religious (Hành trình tự do) trg. 290-291

[39] Trần Thị Giồng, CND, Hạnh Phúc trong tầm tay, trg.166-167

 

[40] Trần thị Giồng, CND, Hạnh Phúc trong tầm tay, trg.59-61

[41] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg.79

[42] Alan Loy McGinnis, CONFIDEN (Sống Tự Tin,  Phêrô Nguyễn văn Tài phóng tác, trg. 6-14)

[43] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg.80-81

[44] Trần thị Giồng, CND,đd, trg.81

[45] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg.83-84

[46] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg.90

[47] Alan Loy McGinnis, CONFIDEN (Sống Tự Tin,  Phêrô Nguyễn văn Tài phóng tác, trg. 6-14)

[48] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg.88-90

[49] Alan Loy McGinnis, CONFIDEN (Sống Tự Tin,  Phêrô Nguyễn văn Tài phóng tác, trg. 6-14)

[50] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ? trg.85-86

[51] Trần thị Giồng, CND, Tôi không đi qua tôi, để lại gì ?trg.81-82

[52] Trần thị Giồng, CND, sđd, trg.84-85

[53] Nguyễn văn Hải, Biết làm một người thành thật, trg.99-100

[54] Alan Loy McGinnis, CONFIDEN (Sống Tự Tin,  Phêrô Nguyễn văn Tài phóng tác, trg. 6-14)

[55] Nguyễn văn Hải, Biết làm một người thành thật, trg.150-153

[56] Nguyễn văn Hải, Biết làm một người thành thật trg.154-157

 

[57] Vương Thị Thanh Thanh Huyền, ACI, Niềm vui Kitô hữu, trg. 75-78

  [58] Lm Phạm châu Diên, Tu Đức Học, soạn theo quyển Théologie ascétique et mystique của cha Tanquerey, trg.152

[59] Lm Phạm châu Diên, Tu Đức Học, soạn theo quyển Théologie ascétique et mystique của cha Tanquerey, trg.153.

[60] Lm Phạm châu Diên, Tu Đức Học, soạn theo quyển Théologie ascétique et mystique của cha Tanquerey, trg.154.

[61] Lm Phạm châu Diên, Tu Đức Học, soạn theo quyển Théologie ascétique et mystique của cha Tanquerey, trg.149

[62] Lm Phạm châu Diên, Tu Đức Học, soạn theo quyển Théologie ascétique et mystique của cha Tanquerey, trg. 150