Tập yêu thương nhau
Thật khó để định nghĩa được tình yêu. Có lẽ cũng không cần định nghĩa về thuật ngữ này cho bằng sống với nó. Tình yêu sẽ vô nghĩa với những lời giải thích, nhưng phong phú hơn nhiều khi chúng ta chìm đắm trong nó. Giống như việc uống trà hoặc cà phê vậy. Không nhất thiết giải thích về vị ngon ngọt của trà hoặc cà phê, nhưng quan trọng là nhâm nhi để cảm nhận và thưởng thức. Trong ý hướng này, thánh Augustinô đưa ra lời hướng dẫn rất thực tế: “Hãy yêu trước, rồi sau đó hãy làm gì thì làm.”
Trong Tin mừng Chúa Nhật 5 hôm nay (Ga 13,31-35), Chúa Giêsu thể hiện tình yêu cho các môn đệ rất thực tế. Đức Giêsu trước khi nói về tình yêu, Ngài đã sống với nó. Tình yêu Đức Giêsu dành cho các môn đệ là tuyệt vời; và các môn đệ cũng cảm nhận được tình yêu này trong khi ở với Đức Giêsu. Nếu có những lần nào đó Đức Giêsu nói về tình yêu, thì lời nói ấy cũng là cung cách sống của Ngài. Chẳng hạn hôm nay Đức Giêsu gọi các môn đệ là những người con bé nhỏ. Là người thầy, người cha, Đức Giêsu sắp phải đi chịu chết để cứu độ con người. Trong lời cáo biệt này, Đức Giêsu cho biết chỉ còn ở với họ một ít thời gian nữa. Theo ngôn ngữ bình dân, đây là di chúc mà Đức Giêsu để lại cho các môn đệ.
Nội dung của di chúc rất rõ ràng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 13,34). Đây cũng là tâm huyết của Thầy Giêsu muốn huấn luyện và chia sẻ tình yêu với các môn đệ. Hơn ai hết, Đức Giêsu thừa biết tình yêu phải là điều quan trọng nhất để nối kết các ông. Hơn nữa, tình yêu là Thiên Chúa, là căn tính của người môn đệ Đức Giêsu. Vì lý do này, mà Đức Giêsu nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau.” Chúng ta cũng có thể bối rối như các môn đệ, yêu thương trừu tượng quá, làm sao chúng con sống được?
Đức Giêsu trả lời: “Hãy yêu như Thầy yêu thương các con.” Câu trả lời đã rõ, đòi hỏi của Đức Giêsu dành cho chúng ta cũng sáng tỏ. Cứ nhìn vào cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy tình yêu của Ngài. Ngay từ ngày đầu chọn gọi các môn đệ, Đức Giêsu đã cho thấy tương quan của các ông với Đức Giêsu không chỉ là thầy-trò, nhưng còn là bạn hữu, là cha-con và là Đấng Tạo Hóa với thụ tạo. Chính trong tương quan này, Đức Giêsu thể hiện tình yêu trong những lời giảng dạy, trong những phép lạ và cả trong những lần sửa lỗi cho các ông. Đức Giêsu tuyệt nhiên không loại bỏ các ông, kể cả Giuđa bán Thầy, nhưng Đức Giêsu luôn mời ông hoán cải đến phút cuối. Tình yêu hùng hồn nhất khi Đức Giêsu sẵn sàng hiến mạng mình, để mở ra cho các ông con đường cứu độ. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nhờ đó chúng ta cũng được thừa hưởng hồng ân này.
Có lẽ những dòng trên đây vẫn còn xa lạ đối với bạn. Đây là bài tập thực hành để bạn cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa nhiều hơn:
Chọn cho mình một nơi thoáng mát, có thể trong khu vườn, trong nhà thờ hoặc nơi bạn yêu thích. Một mình bạn với Thiên Chúa lúc này. Hít thở thật sâu, và tự nói với mình và với Chúa: “Lạy Chúa con đây!” Hãy nhìn ra thiên nhiên, ngắm lên trời, bạn thấy sự vĩ đại và huyền diệu của muôn loài, mà Thiên Chúa đã tạo dựng dành cho bạn. Hãy nói thầm một tâm tình tạ ơn với Chúa. Bởi theo phép lịch sự, ai cho mình điều gì tốt, lời cảm ơn là cần thiết để diễn tả lòng biết ơn. “Con cảm ơn Chúa, vì yêu mà Ngài vẫn cho con sống và được chiêm ngắm vẻ đẹp tuyệt vời này!”
Hãy nhắm mắt lại để nhìn vào lòng mình. Nếu còn những bộn bề lo toan, hãy tâm sự với Chúa về những điều đó. Xin Chúa giúp mình lắng đọng tâm hồn để được ở với Chúa lúc này. Thiên Chúa không có hình hài, nên Ngài có thể đang ở trong tâm hồn bạn một cách dễ dàng. Đó là không gian của tình yêu. Bạn cứ lắng nghe Chúa. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đang gọi bạn là: “người con bé nhỏ của Thầy.” Là con, bạn luôn được Chúa yêu. Hơn nữa, Chúa đang chăm sóc cho bạn mà có khi bạn không để ý đến. Lúc này, hãy nói với Chúa Giêsu như một người con nói với người Cha: “Con đây, lạy Cha, xin hãy nói, vì con đang lắng nghe.” Cứ để lòng mình ở gần bên Chúa, khi đó, Chúa sẽ thì thầm với bạn bằng những lời mang lại sự sống.
Cũng như các môn đệ, bạn nghe Chúa Giêsu mời gọi: “Con hãy yêu thương người khác như thầy yêu thương con vậy.” Cứ nói cảm giác hoặc suy nghĩ của bạn lúc này. Điều răn này có khó không, có thực tế hoặc bạn có thể làm được không? Nhớ lại những lần Chúa yêu bạn. Nhờ vào kinh nghiệm này, xin Chúa cho bạn cũng sống được giới răn này, mỗi ngày một chút.
Sau cùng, hãy mở mắt ra để một lần nữa nhìn vẻ đẹp của Thiên Nhiên. Tạ ơn Chúa về những gì bạn cảm nhận và nghe được từ Chúa. Dành một phút để cảm, để nhận ra lòng bạn lúc này. Để kết thúc, hãy thì thầm một Kinh Lạy Cha để cầu nguyện với Chúa nhé.
Bạn thân mến,
Đạo Công giáo là đạo của Tình yêu. Tình yêu ấy bắt nguồn từ Thiên Chúa. Tình yêu ấy cũng là điều bạn cảm nhận trong cầu nguyện, trong những kinh nghiệm sống của cuộc đời. Xin đừng lo lắng nếu tình yêu của bạn chưa đủ mạnh. Chúng ta vẫn thực tập tình yêu này mỗi ngày, có thể là tự nhiên, nhưng đôi khi cũng cần chủ động tập tành. Người Công giáo tốt là người biết thể hiện và sống tình yêu này. Kinh nghiệm cho thấy ai đó sống mà không có tình yêu, người ấy khổ sở vô cùng; những ai sống với họ cũng đau buồn không kém. Nếu bạn liên lạc được với Thiên Chúa, đón nhận được tình yêu này, thì bạn, gia đình và những ai bạn gặp gỡ sẽ hạnh phúc hơn nhiều, vui vẻ và thoải mái hơn nhiều. Tình yêu là vậy, một tình yêu cần tập, cần sống và cần lan tỏa cho mọi người.
Để kết thúc, xin trích mẩu chuyện của cha Anthony de Mellô:
“Tình yêu là gì?” – Trò hỏi
Minh Sư đáp: “Vắng bóng hoàn toàn sự sợ hãi.”
“Chúng ta sợ hãi điều gì?” – trò hỏi lại
Minh Sư đáp: “Tình yêu.”
Yêu thì không sợ thể hiện tình yêu ấy cho người khác. Nếu sợ, nghĩa là chúng ta chưa yêu thật, hoặc vẫn còn ngượng ngạo trong tình yêu. Không sao! Cứ tập yêu và xin với Chúa thêm sức để bạn và tôi tập yêu Chúa, yêu người mỗi ngày. Hy vọng tình yêu ấy sẽ lớn hơn, mạnh hơn và sống động hơn trong cuộc đời của chúng ta. Bạn hãy cứ “giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn.” (Thánh Phanxicô Salêxiô). Nhờ tình yêu này mà người khác nhận ra chúng ta là người Công giáo, là chúng ta cũng tự hào là người con cái của Chúa.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ