Tha Thứ
Chúa Nhật 24 Thường Niên năm A : Mt 18, 21-35.
Suy niệm
Trong bài đọc I (Hc 27,30-28.7), ông Ben Sira, tác giả sách Huấn ca, khuyên người ta phải biết tha thứ: Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội nó. Ai bỏ qua điều sai trái cho người khác, Chúa sẽ tha tội cho. Qua bài Tin Mừng, Phêrô hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ông nghĩ rằng, tha thứ bảy lần là đã quá nhiều, vì theo quan niệm của Kinh Thánh, số 7 tượng trưng cho sự đầy đủ trọn vẹn. Nhưng không ngờ câu trả lời của Đức Giêsu vượt giới hạn: “Thầy không bảo đến bảy lần, mà là đến bảy mươi lần bảy”.
Để quảng diễn tư tưởng ấy, Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn: một người đầy tớ nợ vua 10.000 nén vàng mà không có gì trả, vua đã rộng lòng tha hết. Khi ra về, người đầy tớ ấy gặp người đồng bạn mắc nợ y chỉ có 100 quan tiền, thế mà y liền túm lấy, bóp cổ đòi cho bằng được. Người bạn sấp mình năn nỉ và hứa sẽ trả, nhưng y nhất định không chịu, còn tống anh bạn vào ngục cho tới khi trả xong. Đúng là tên đầy tớ độc ác, được vua tha cho một số tiền quá lớn mà lại không tha cho bạn mình một số tiền quá nhỏ. Nghe được câu chuyện đó, nhà vua đã nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ đến ngày nào y trả hết nợ.
Cuối dụ ngôn Đức Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Trước đó, khi dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, Đức Giêsu cũng đã xác định: “Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13).
Đức Giêsu đặt nặng việc làm hòa và tha thứ cho nhau còn quan trọng hơn của lễ dâng trên bàn thờ cho Thiên Chúa (x. Mt 5, 23-24). Không những Ngài đòi ta tha thứ trong lòng, mà còn đòi ta phải thực hiện sự tha thứ ấy ra bên ngoài, bằng một hành động cụ thể. Cần phải tỏ rõ như vậy, vì hành động ấy phá tan tình trạng lạnh lùng, xa cách, hay còn ngấm ngầm khó chịu. Nhiều khi trong lòng đã tha, nhưng vẻ lạnh nhạt bên ngoài khiến người kia vẫn hiểu là chưa được tha, hoặc có cảm tưởng là mình vẫn còn bị khinh thường. Văn hào Goethe đã nói: “Sự tha thứ chỉ có thể là một trạng thái trung gian. Nó phải đưa đến sự kính trọng. Nếu không như vậy thì tha thứ là làm nhục”.
Tha thứ thật sự không dễ chút nào. Có thể tha thứ rồi mà lòng vẫn quặn đau mỗi khi nghĩ đến sự tổn thương mình phải chịu do sự xúc phạm hay phản bội của người kia. Lý do là ta thường bám chặt vào những nguyên tắc cứng nhắc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo nơi người khác, và vì vướng kẹt vào những cảm xúc muốn được kính trọng, nên trái tim của ta rất khó nới rộng thêm. Điều này đòi ta phải thu dọn bớt những nhu cầu thỏa mãn sự ích kỷ của mình, đừng đòi chiếm hữu hơn nữa, thì trái tim mới có chỗ để chứa đựng người khác. Càng vị kỷ thì càng không thể vị tha. Không thể vị tha thì tâm hồn ta vẫn buồn sầu thất vọng.
Thật ra có những tổn thương quá lớn khó lòng mà tha thứ ngay một lúc. Không thể phủ nhận rằng trái tim mình đang đau nhức, nên cần một thời gian nữa ta mới có thể chấp nhận và chuyển hóa. Cũng chẳng ngần ngại gì khi cho người kia biết, trái tim ta mới chỉ mở rộng tới mức độ đó thôi. Nhưng tất cả những hành động ấy đều là ân tình, đã là sự tha thứ đích thực rồi. Ta không thể là thánh nhân trong một lúc để sẵn sàng tha thứ hết mọi lỗi lầm, nhưng nếu trái tim ta còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì thêm, cứ hãy đón nhận nhau vào lòng.
Tha thứ là linh dược có thể chữa lành mọi nỗi khổ niềm đau cho người tha thứ và kẻ được thứ tha, đồng thời khai mở năng lực tinh thần cho cả hai, làm cho con người sống lành mạnh và vui tươi. Thà tha lầm còn hơn chấp lỡ. Lỡ khi thái độ cố chấp và hẹp hòi của ta đã vô tình đẩy người kia xuống vực thẳm thì ta sẽ hối hận suốt đời. Hoặc lỡ khi ta là kẻ đã gây cớ vấp phạm cho người kia thì lại gây thêm nghiệp chướng.
Hãy tha thứ để được thứ tha. Ta được Chúa tha món nợ quá lớn, ta chỉ tha cho anh em món nợ quá nhỏ. Tha thứ được, phần phúc của ta càng lớn; không tha thứ được, phần phạt của ta càng nặng. Tha thứ là tự giải thoát mình, là tháo cởi xiềng xích mà mình đã tự trói buộc. Mỗi ngày trong kinh Lạy Cha, chúng ta đều “xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Hãy nhìn ngắm Đức Giêsu trên thập giá, bị kẻ gian ác hành hình mà miệng vẫn xin Cha tha thứ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đời con luôn lãnh nhận ơn tha thứ,
thế nhưng có mấy khi con thứ tha,
con xin Chúa mở rộng lượng hải hà,
nhưng xem ra lòng con không muốn mở,
sao con lại cứ nỡ trói buộc người?
Khi lòng bao dung bị bỏ quên,
tôn giáo sẽ lầm lạc, chân lý sẽ thất lạc,
đạo hạnh sẽ sai lạc, con người ra lệch lạc,
giáo thuyết chỉ còn là mớ bòng bong,
và đức tin cũng chỉ là ảo vọng.
Mỗi khi con tha thứ cho người khác,
tâm nhẹ nhàng và thanh thản biết bao.
cớ sao con lại phải luôn chấp nhất,
hại tinh thần và đánh mất niềm vui.
Nước thiên đàng hay hoả ngục trần gian,
chẳng đâu xa mà ở chính tâm con,
khi tha thứ hay không muốn thứ tha;
là đã theo đường chánh hay đường tà.
Tuy tha thứ con phải chịu họa tai,
giống như Chúa bị coi là khờ dại,
nhưng rồi chính tình thương sẽ chiến thắng,
quả tim đá tan chảy trước thứ tha.
Xin cho con luôn sẵn sàng tha thứ,
tha thứ hoài tha thứ mãi không thôi,
giống như hoa cứ tươi nở mỗi ngày
hương ân tình lại thơm ngát tỏa bay.
Xin cho đời con là lời tha thứ,
lời bao dung như Chúa rất nhân từ,
làm đẹp sáng tình yêu trên thập tự,
để hướng tới thiên đàng mãi an cư. Amen.
Lm. Thái Nguyên