Thánh Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết – Lễ Nhớ

Thánh Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết – Lễ Nhớ

Lời Chúa: Gr 1,17-19, Mc 6,17-29

  1. Hy sinh vì chân lý và chính đạo (29.08.2022)
  2. Tự do lương tâm (29.08.2020)
  3. Sống vì yêu; chết vì chân lý (29.08.2019)
  4. Không im lặng trước tội lỗi và bất công (29.08.2018)
  5. Lương tâm chân chính (29.08.2017)
  6. Hãy sống trong sự thật (29.08.2016)
  7. Sống cho chân lý và sự thật (29.08.2015)
  8. Phúc thay người “chịu khốn nạn vì đạo ngay” (29/08/2014)

1.    Hy sinh vì chân lý và chính đạo (29.08.2022)

“Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.”

Hiếm có vị thánh nào trong Giáo Hội được mừng ngày sinh nhật và cả ngày mất như thánh Gioan Tẩy Giả. Trong suốt hành trình là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người”, Gioan đã tự ví mình là “tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” và thánh nhân đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm phép rửa thống hối.

Thời điểm Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tỏ lòng sám hối bên bờ sông Gio-đan trùng với khoảng thời gian Hê-rô-đê An-ti-pa làm quận vương cai trị xứ Ga-li-lê. Cuộc sống của ông có nhiều lầm lỗi nhưng lầm lỗi lớn nhất mà ai cũng biết đó là ông ngang nhiên lấy vợ của người anh làm vợ của mình. Người đàn bà xấu nết đó là bà Hê-rô-đi-a. Thấy vậy, Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng công khai cảnh cáo và ngăn cản. Việc đó đã đến tai Hê-rô-đi-a làm cho bà hết sức tức giận. Bà đã yêu cầu Hê-rô-đê bắt giam Gioan. Tuy Gioan đã bị tống ngục nhưng bà ta vẫn chưa vừa lòng. Biết Gioan Tẩy Giả là một con người không thể mua chuộc cho nên bà luôn tìm dịp để giết ngài. Và Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mác-cô thuật lại sự nham hiểm đến độ thâm độc của người đàn bà trắc nết ấy dẫn đến cái chết bi thương của Gioan, một cái chết mà ta tưởng như phim kinh dị: chặt đầu đặt trên mâm và chuyền tới chuyền lui cho nhiều người… Giả sử chúng ta cũng có mặt tại thời điểm đó, chúng ta có dám nhìn trực diện vào cái khung cảnh đẫm máu ấy không? Huống hồ những người chủ mưu cho vụ giết hại này lại là những phụ nữ.

Chỉ vì để thỏa mãn lợi thú của bản thân, những con người nham hiểm đã cấu kết với nhau để tiêu diệt tiếng nói lương tâm và bịt miệng công bằng chân lý. Cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả là một trong những trang bi thảm nhất của Tin Mừng vì những hoàn cảnh éo le đã gây nên. Những tâm tính hắc ám nhất của nhân loại đều hội tụ ở đây: một người vì muốn bảo vệ thanh danh lại hèn nhát, không can đảm làm theo tiếng lương tâm; một cô gái trẻ đùa giỡn với mạng sống người khác với tư thế ung dung như thể cô đang chơi trò giật dây con rối vậy; một người đàn bà bị dục vọng lôi cuốn đến mức điên cuồng. Đoạn Kinh Thánh bi đát này đã phơi bày ra tất cả sự hèn nhát, nhân nhượng, mưu mô, thù oán, say sưa và tàn bạo của con người.

Ngày nay cũng đã và đang xảy ra các trường hợp tương tự. Tuy “cốt truyện” không giống như vụ xử tử Gioan nhưng “cốt lõi” vấn đề vẫn là thói nham hiểm của con người. Vì nham hiểm mà người ta sẵn sàng làm bất cứ thứ gì dù điều đó có nguy hại đối với người khác, miễn sao mình có lợi là được. Với nhiều mức độ và đa dạng, người ta cũng vẫn đang nham hiểm đối với nhau, bất kể người đó là ai.

Vì mưu mô thâm độc mà người ta coi thường công lý, bóp méo sự thật, đổ lỗi lòng vòng cho nhau chứ không phục thiện mà nhận lỗi, chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Dám chơi nhưng không dám chịu. Hèn nhát, nhỏ mọn và vô nhân tính.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên ngôn sứ của Đức Kitô, trở nên người loan báo chân lý và làm chứng cho chính đạo.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho thánh Gioan Tẩy Giả báo trước mầu nhiệm Con Chúa sinh ra và chịu chết. Xưa thánh nhân đã anh dũng hy sinh vì chân lý và chính đạo thế nào, thì nay xin Chúa cũng cho chúng con biết xả thân làm chứng cho Tin Mừng như vậy. Amen.

Joston

2.    Tự do lương tâm (29.08.2020)

Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể lại việc Hê-rô-đê đã can dự vào cái chết của Gio-an Tẩy Giả. Nhà vua chịu áp lực từ những khách dự tiệc và mẹ con Hê-rô-đi-a.

Hê-rô-đê tuy đã cho người bắt giam Gio-an trước đó. Nhưng nhà vua luôn áy náy lo sợ trong lòng vì Gio-an là người công chính, là người dám nói sự thật, dám can ngăn lối sống vô luân của nhà vua. Hê-rô-đê còn che chở cho Gio-an trước sự căm thù của bà Hê-rô-đi-a  muốn giết chết Gio-an, vì ngài đã không cho phép hôn sự sai trái giữa Hê-rô-đê và Hê-rô-đi-a tồn tại.

Tuy là người có tự do lương tâm, nhưng Hê-rô-đê lại quá nhu nhược không có can đảm để tha chết cho Gio-an – người vô tội – chỉ vì một lời hứa đầy ngạo mạn trong lúc vui say yến tiệc. Hê-rô-đê chỉ nghĩ đến địa vị của mình, vương quyền của mình, danh dự của mình trong mù quáng, trong danh vọng thấp hèn mà đã làm cho một người công chính phải chết oan.

Lạy Chúa, xin cho con đủ can đảm sống theo lời Chúa dạy, giữa một xã hội xa lạ với Tin Mừng. Xin cho con luôn biết sử dụng sự tự do một cách chính đáng, để mọi quyết định luôn phù hợp với thánh ý Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

3.    Sống vì yêu; chết vì chân lý (29.08.2019)

Cuộc đời của Gio-an Tẩy giả chính là lời chứng cho Đức Ki-tô, Đấng sẽ đến sau ông nhưng lại cao trọng hơn ông. Ông đã chết vì đã dám sống cho chân lý.  Gio-an đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với bà Hê-rô-đi-a – vợ của Hê-rô-dê Phi-lip-phê, anh trai mình. Ông đã can ngăn nhà vua: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài”. Hê-rô-đê An-ti-pa đã bắt Gio-an tẩy giả và xiềng ông trong ngục.

Hê-rô-đê vẫn biết Gio-an là người công chính thánh thiện; Hê-rô-đê luôn nể sợ Gio-an. Nhưng Hê-rô-đê đã hèn nhát không dám đối diện với sự thật khi được Gio-an can ngăn không được loạn luân. Vì thế, đã nghe lời xúi giục của Hê-rô-đi-a xử trảm ngài. Chỉ vì một chút danh dự hão, mà Hê-rô-đê đã can dự vào cái chết vô tội một vị ngôn sứ.

Đây cũng chính là bài học cho đời sống gia đình hôm nay:

Nếu gia đình không được liên kết, ràng buộc bởi sự yêu thương chân thật, thì sự giả dối, gian trá sẽ lên ngôi. Một gia đình mà thiếu vắng tình yêu thương chân thật thì gia đình đó sẽ thiếu vắng Thiên Chúa. Mà không có Thiên Chúa – là tình yêu – Không sớm thì muộn chính sự xào xáo, bất hòa, sự bất trung trong gia đình chính là nguyên nhân làm gia đình phải ly tan, đổ vỡ là điều không tránh khỏi. Vợ chồng lúc đó sẽ là những Hê-rô-đê, và Hê-rô-đi-a mới. Lịch sử sẽ được lặp lại; gia đình sẽ biến thành địa ngục, chết chóc…

Lạy Chúa, xin cho con biết sống cho chân lý đức tin khi đối diện với những thật – giả luôn xảy ra hàng ngày; xin Chúa cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

CÁT BIỂN

4.    Không im lặng trước tội lỗi và bất công (29.08.2018)

Thánh Gioan Tẩy Giả là người anh họ của Đức Chúa Giêsu. Thân mẫu ngài là thánh nữ Êlizabeth và thân phụ ngài là ông Zacaria. Chương đầu tiên của Tin mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố sinh nhật tuyệt vời của thánh Gioan. Và Tin mừng theo thánh Mác-cô, nơi chương thứ 6, các câu 14-29, kể lại những chi tiết tàn bạo về cái chết của Gioan Tẩy Giả.

Vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Gioan nói cho Hêrôđê biết điều ấy là sai, nhưng Hêrôđê và Hêrôđia không muốn nghe và giữ giới luật của Thiên Chúa. Họ chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Và Gioan Tẩy Giả đã phải trả giá cho lòng tốt của ngài! Tuy nhiên, thánh nhân không thể hành động theo cách khác được. Ngài không im lặng trước tội lỗi và bất công. Sứ mệnh của Gioan là mời gọi người ta cải hối cuộc đời; và ngài mong muốn cho hết thảy mọi người được ơn giao hòa cùng Thiên Chúa.

Hêrôđia đã giữ mối hận thù đối với Gioan. Và khi dịp thuận tiện xảy đến, bà đã ra tay sắp đặt để Gioan bị chém đầu. Gioan đã phải chấp nhận những hậu quả nghiệt ngã cho việc giảng dạy chân lý Phúc âm.

Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng phép rửa sám hối, chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Mêsia. Ngài đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và được hưởng kiến niềm vui vì sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu đã khởi sự. Gioan Tẩy Giả đã khích lệ các môn đồ của mình đi theo Đức Chúa Giêsu. Ngài biết rằng danh Chúa phải tỏa sáng ra, còn danh mình phải lu mờ đi. Trong chương thứ nhất Phúc âm theo thánh Gioan, thánh Gioan Tẩy Giả nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, chỉ thức tỉnh người ta hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng mà thôi! Thánh nhân mời gọi mọi người hãy sẵn sàng để chuẩn bị đón nhận Đấng Mêsia. Sứ điệp của Gioan Tẩy Giả phải chăng cũng là sứ điệp của mỗi người chúng ta?

Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta luôn sẵn sàng để đón nhận Chúa Giêsu ngự đến trong cuộc sống của mình.

5.    Lương tâm chân chính (29.08.2017)

Nhóm nhạc Lê Minh Bằng (1959), cho ra đời Đêm Nguyện Cầu – nhạc phẩm đầu tay của nhóm – được mở đầu với những ca từ như sau:

“Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình, người ơi

Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối…”

 Làm đánh động lương tâm nhiều người yêu hòa bình; chán ghét chiến tranh hận thù… trong những năm đất nước còn chiến tranh tương tàn.

Hôm nay, Giáo hội tưởng nhớ cái chết bi thương của một vị thánh đã dám bày tỏ lương tâm chân chính của mình để bảo vệ chân lý; can đảm chấp nhận trảm quyết để nói lên sự thật; và đã nên chứng nhân anh hùng cho Tin Mừng Cứu Độ…

Vị đó chính là Gio-an Tẩy Giả. Ngài đã bị bắt giam trong ngục và bị chặt đầu bởi sự mê muội và tàn ác của vua Hê-rô-đê cũng như của bà Hê-rô-đi-a.

Cái chết của Gio-an Tẩy Giả chính là “cú hích can đảm” cho những ai đang và sẽ làm chứng cho sự thật; làm chứng cho Đức Ki-tô, mặc dù biết rõ nếu dám làm chứng như thế sẽ bị bách hại, sẽ bị giết chết.

Gio-an Tẩy Giả đã đi qua cái chết để hoàn thành sứ mạng tiền hô của mình một cách tốt đẹp…

Lời thề hứa thiếu khôn ngoan, ích kỷ; một lương tâm hèn nhát; một sĩ diện hão của Hê-rô-đê; và sự đam mê dục tình, mưu mô hiểm độc của bà Hê-rô-đi-a vẫn còn nhan nhãn, vẫn còn đang tiếp diễn trong thế giới hôm nay dưới các hình thức: Không tôn trọng phẩm giá con người; không tôn trọng sự thật, công lý; nuôi lòng hận thù, ích kỷ, ghen ghét; mê đắm thụ hưởng khoái lạc, tôn thờ của cải vật chất, và ham thích sự bất chính…

Nếu người tín hữu Chúa Ki-tô không sống theo giá trị Tin Mừng; không biết sống yêu thương, tôn trọng nhau như Chúa đòi hỏi; không dám bảo vệ công lý, hòa bình, xây dựng nền văn minh tình thương trong môi trường sống của mình và trong đời sống gia đình của mình… thì họ cũng chính là bạo vương Hê-rô-đê và ác phụ Hê-rô-đi-a đó thôi !

Lạy Chúa Giê-su, Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống. Xin cho các Ki-tô hữu biết noi gương thánh Gio-an Tẩy Giả, sống chân thật và can đảm làm chứng cho sự thật để mỗi Ki-tô hữu trở nên những chứng nhân anh dũng của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

CÁT BIỂN

6.    Hãy sống trong sự thật (29.08.2016)

  1. Ghi nhớ:

Cô gái đi ra hỏi mẹ: “con nên xin gì?”. Mẹ cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô vội trở về bên nhà vua và xin rằng: “con muốn ngài ban cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả, đặt ngay trên mâm” (Mc 6, 24-25)

  1. Suy niệm:

Cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, đã giúp cho cả  nhân loại ghi nhớ tấm gương của Ngài để lại cho hậu thế là “hãy sống trong sự thật”. Qua đó, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại thái độ của mình khi đứng trước bao sự bất công và những điều bất chính trong xã hội. Thánh Gioan Tẩy Giả trong suốt cả cuộc đời mình và ngay cả cái chết của Ngài cũng đều phục vụ cho sứ mạng Tiền Hô.

Chúa Giêsu đã xác nhận vai trò này của Gioan Tẩy Giả qua việc ông lên án một vua Hêrôđê đi đường tội lỗi, sống trong bóng tối, không nhìn ra sự công chính, một Hêrôđê sống loạn luân với vợ của anh mình, một sự trác táng không thể tha thứ được. Hêrôđê đã sống với cuộc sống có thể gọi là “ma-kê-nô” (mặc kệ nó) cứ vui thú đi, với lối sống băng hoại, tìm thỏa mãn cho riêng mình, hưởng thụ, bào chữa cho mình nhiều lý do mà cần đến đời sau. Gioan Tiền Hô đã đến để minh chứng cho sự thật của chân lý, một Gioan không chịu khuất phục cái chướng tai gai mắt của một xã hội đang đi vào đà suy thoái, tiếng gióng của Gioan Tiền Hô cảnh tỉnh cho nhiều người, nhiều thế hệ, sống làm chứng cho sự thật, kêu gọi mọi người sám hối.

Xã hội ngày nay cũng không khác gì hoàn cảnh sống của Gioan Tẩy Giả ngày xưa là mấy, khi chúng ta phải đối diện với nhiều căn bệnh “nan y” như “bệnh dối trá”, làm ăn gian dối, lừa đảo, phi pháp. Chỉ cần một chút lợi nhuận, người ta có thể bán rẻ lương tâm mình mà thản nhiên cung cấp, bày bán tràn lan những thực phẩm bẩn, nhiễm độc hóa chất gây ung thư gây giết người từ từ, tiếp tay cho những người xấu bán hàng chỉ vì món lợi trước mắt. Liệu mỗi người chúng ta có dám can đảm đứng lên, như Gioan Tẩy Giả khi xưa, mà nói không và kiên quyết cự tuyệt với những điều xấu xa bất lương này? Hãy sống thật với lương tâm mình, sống trong sự thật ngay trong gia đình, nơi xã hội, nơi cộng đoàn, ngay nơi huynh đoàn chúng ta đang sống, qua cách hành xử với nhau, đừng vì cái tôi, danh vọng, tiền tài, mà bẻ cong sự thật, đôi khi làm mất đi tình hiệp thông huynh đệ nơi ta đang sống.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người Kitô hữu sống trọn vẹn với ơn gọi và sứ mạng mình, dù ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể làm chứng cho Chúa bằng sự thật: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6). Dù xã hội ngày nay có biến đổi và suy thoái đến mức độ nào, nhưng nếu mỗi người chúng ta vẫn giữ vững đức tin của mình để sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật, thì dù bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn có Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Và sự thật hiển nhiên đó có rất nhiều minh chứng cụ thể diễn ra trên thế giới hằng ngày, như câu chuyện sau đây về một em bé người Nhật:

Một học sinh Nhật là Kitô hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói : “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là “Kitô hữu, ta phải làm gì.” (Góp nhặt)

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là đường là sự thật và là sự sống, xin chỉ dẫn chúng con sống trong chân lý và sự thật, nhờ sự thật trong Đức Kitô dẫn đưa mọi người đến phúc trường sinh. Amen.

M.Liên

7.    Sống cho chân lý và sự thật (29.08.2015)

  1. Ghi nhớ: Ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh Ngài” (Mc 6, 18)
  1. Suy niệm:

Vốn bản tính con người, Hêrôđê cũng luôn bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt. Sự chọn lựa của một tâm hồn yếu đuối bảo thủ thường đem sự thiệt hại cho người khác. Sự dối trá, hèn nhát của Hêrôđê cộng thêm yếu đuối xác thịt  nên ông đã lấy vợ của anh mình là Hêrôđê Philip. Ông đã bị cái xấu đánh gục trước khi kịp tìm về nẻo chính đường ngay.

Nhìn vào lối sống của Hêrôđê, mỗi người chúng ta cần nhìn lại và soi rọi lại bản thân mình đã thực sự sống làm tôi Thiên Chúa chưa hay đã làm nô lệ cho cái xấu như thế nào? Dù ở thời đại nào cũng vậy, mỗi người cần có sự can đảm, cần biết loại trừ ghen ghét, thù hận, bất công và giết người dưới mọi hình thức nào, noi gương Thiên Chúa tìm sự yêu thương, tha thứ cho kẻ thù của mình. Con người nếu không có sự yêu thương chân thành, gia đình sẽ biến thành địa ngục trần gian như gia đình Hêrôđê, đồng thời sẽ phải trả giá đắt cho việc làm của mình.

  1. Sống Lời Chúa: Học cùng Chúa luôn sống cho chân lý và sự thật
  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin giúp chúng con biết khiêm tốn nhận lỗi lầm, sẫn sàng chấp nhận mọi đớn đau thua thiệt và luôn làm chứng nhân cho Chúa Giêsu trong mọi cay đắng của cuộc đời.

8.    Phúc thay người “chịu khốn nạn vì đạo ngay” (29/08/2014)

“Lập tức, vua sai thị vệ đi …. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông Gio-an Tẩy giả ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.” (Mc 6,27-28).

Suy niệm: Dù không bị bắt phải bước qua thập giá hay phải chối bỏ đức tin như các vị thánh tử đạo, thánh Gio-an Tẩy giả bị chết tức tưởi chỉ vì một lời nói ngay, bênh vực cho đạo lý: “Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.” Dùng lời nói, cuộc sống và cuối cùng dùng cả cái chết của mình để rao giảng cho chính đạo như thế, Gio-an Tẩy Giả xứng danh là một vị tử đạo đầy đủ ý nghĩa, đúng như Lời Chúa nói trong Tám Mối Phúc Thật: “Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay ấy là phúc thật” – nói theo ngôn ngữ hiện đại là “ai vì bênh vực cho công lý, cho lẽ phải mà phải chịu thiệt thân” người ấy được hưởng hạnh phúc giống như những người dám liều thân làm chứng cho Đức Ki-tô vậy.

Mời Bạn: Lời Tertulianô, một văn sĩ công giáo cổ thời, vẫn còn giá trị: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm trổ sinh các tín hữu.” Để có thể dám chết vì chính đạo, ta phải dám sống vì chính đạo trước đã. Chính cái chết từng ngày qua việc từ bỏ tính ích kỷ, từ bỏ những đam mê dục vọng, những việc làm bất chính sẽ dẫn đưa chúng ta đến cõi sống muôn đời và là những hạt giống âm thầm được vùi trong cuộc sống để làm trổ sinh các tín hữu mới.

Chia sẻ: Sống đạo là “sống-tử-đạo”. Để sống-tử-đạo bạn cần từ bỏ những gì?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn sống-tử-đạo bằng cách làm một hy sinh nhỏ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết từ khước những thói hư tật xấu, chết cho ý riêng con mỗi ngày để luôn sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

print