Thánh Giuse Đặng Đình Viên, Linh mục (1787-1838) – Lễ ngày 21 tháng 08

Ngày 21 tháng 8 :Thánh Giuse Đặng Đình Viên,Linh mục (1787-1838)

 

Thánh Giuse Đặng Đình Viên cũng gọi là Lương sinh năm 1787 tại làng Tiên Chu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình Công giáo ngoan đạo. Cha mẹ lo lắng tìm mọi phương cách cho cậu ăn học, mong sau này cậu làm linh mục. Chính vì âm thầm nuôi giấc mộng tốt đẹp ấy mà ông bà đã xin cho cậu con trai của mình sớm được vào Nhà Đức Chúa Trời ở họ Vân, xứ An Thi, xứ quê ngoại của cậu. Cha xứ thấy cậu Viên rất sáng dạ và lại có lòng đạo đức dặc biệt nên đã gửi cậu về Chủng viện Lục Thủy để cậu học La tinh, rồi triết và thần học.Tới năm 1824, thầy Giuse Đặng Đình Viên được các đấng bề trên tuyển chọn cho chịu chức linh mục, lúc ấy cha Viên mới 36 tuổi.

Sau khi lãnh chức linh mục thì Ngài làm mục vụ tại giáo xứ Lục Thủy, thuộc giáo phận Bùi Chu hiện nay. Hai năm sau, Ngài được bổ nhiệm về miền Bắc Ninh hoạt động cho việc truyền giáo và giúpđỡ các linh hồn, từ các họ đạo Đông Bài đến Thiết Nham rồi Như Thiết, An Mỹ trong suốt 17 năm trời. Ở đâu Ngài cũng được nổi tiếng là thánh thiện, nhân từ, nhiệt thành và sốt sắng đọc kinh cầu nguyện  trở nên gương mẫu cho mọi người.

Ngày 17 tháng 4 năm 1838, Ngài sai thầy Giảng Vũ Văn Lân đi lãnh dầu Thứ Năm Tuần Thánh có mang theo mấy lá thư gửi cho Đức Giám mục và hai linh mục khác, trên đường đi tới An Liêm, một họ đạo có phân nửa là Giáo, phân nửa là lương dân. Nhóm người lương dân thấy thầy giảng Vũ Văn Lân đi qua thì nghi là đạo trưởng nên chặn bắt và khám xét thì thấy có 6 lá thư và hộp Dầu Thánh nên vui mừng đem nộp cho quan, vì đám lương dân làng An Liêm vốn đã sẵn có mối thù hiềm khích với nhóm người Công Giáo trong làng. Quan tra khảo thầy Lân về thư từ của cha Viên và hộp Dầu Thánh cũng như nơi cư trú của cha Viên. Thế là hộp Dầu Thánh và những lá thư của cha Viên gửi cho Đức cha Delgado Y và Đức cha Henares Minh, cha chính Hiền đã là cơ hội không may mắn cho một cuộc truy nã, bắt bớ đẫm máu tại Nam Định và Hưng Yên lúc bấy giờ.

Sau cuộc tra hỏi và nắm chắc những chứng tích trong tay, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh cấp tốc sai 800 lính kéo đến Cao Xá theo để truy nã bắt cho bằng được đạo trưởng Đặng Đình Viên, nhưng cuộc truy nã vẫn chưa có kết quả. Quan đầu tỉnh Hưng Yên là Hà Thúc Lương sai người về các phủ huyện và tỉnh để điều tra lý lịch, tên tuổi cha Đặng Đình Viên. Truy lùng mãi không bắt được cha Viên, các quan bày ra một diệu kế và mạo nhận viết một lá thư cho cha Viên, lá thư bày tỏ sự lo lắng cho cha và muốn biết cha ở đâu để giúp đỡ bao che cho Ngài. Kế hoạch này sau được hai người nhà của cha là ông Đặng Đình Lại và người con của ông ta là Đặng Đình Nhật, nhận tiền và cộng tác với các quan đi tìm nơi trú ẩn của cha Đặng Đình Viên. Hai người này mất cả tháng trời mới dò được nhà bà Hai Nhì, ở họ Cầu Chảy, xã Như Thiết. Họ đưa cho người nhà này lá thư đề tên cha Viên. Chị này trao cho cha, khi cha mở ra đọc thì biết rằng mình bị mắc lừa. Cha dán thư lại rồi vội vàng bảo người nhà trả lại cho người đã trao thư Hai tên phản giáo nhận thư trả lại thì biết chắc là cha Viên đang ẩn lánh tại đây..

Thế là hai tên vội vã dẫn đường chỉ lối tới nhà này vây bắt cha  Cha Viên. Biết việc không may đang xẩy tới cha chỉ kịp vội chạy ra ẩn trong vườn mía sau nhà. Khi quan quân vào lục soát trong nhà không bắt được cha Viên, bọn chúng bắt một em bé trong nhà đánh rồi dọa nạt sẽ giết nếu không khai cha ở đâu họ sẽ thì sẽ đánh tiếp nát xương. Em bé vẫn lác đầu vừa khóc vừa nói:

– “Không có cha ở đây, đừng đánh cháu

Quan lấy roi quất thêm mấy roi, đau quá, em bé la lớn:

– “Giêsu Maria, cứu con với. Con bị quan đánh đau lắm!”

Từ trong buị mía, nghe thấy em bé la hét như thế, cha Giuse Đặng Đình Viên bị xúc động mạnh dạn trước tiếng la kêu cầu cứu như thế. Cha chạy ra tới trước mặt quan thú nhận:

– “Thưa quan lớn, tôi đây chính là đạo trưởng Đặng Đình Viên mà quan quân đang tìm bắt đây. Xin quan tha cho em nhỏ này”.

Quan ngỡ ngàng trước hành động anh dũng của cha. Môt tên lính tỏ ra đã biết Ngài nói:

“Nếu ông này có chiếc răng gẫy thì chính là đạo trưởng Viên, không sai đâu”.

Bọn lính nhìn cha rồi xông vào bắt, trói và đánh Ngài túi bụi. Đánh xong, bọn chúng  bắt Ngài đeo gông rất nặng rồi xiềng xích tay chân, đưa Ngài ra đình làng cho dân không Công giáo vốn đã ác cảm với người Công Giáo, làm xỉ nhục Ngài, có đứa tới đấm và tát vào mặt Ngài. Nhưng Ngài vẫn bình tĩnh, im lặng chiụ mọi xỉ nhục trước mặt mọi người.Sau đó, theo lệnh các quan họ áp giải từ đình làng Cầu Chảy tới tỉnh Hưng Yên, tống Ngài vào tù ngục cùng với những kẻ trộm cướp và sát nhân. Hôm đó là ngày 1 tháng 8 năm 1838, ngày cha Giuse Đặng Đình Viên bị bắt..

Ngày hôm sau, các quan cho dẫn cha ra toà, các quan khuyên dụ cha vui lòng bước qua Thánh Giá chỉ một lần thôi thì các quan sẽ tha cho về. Ngài thẳng thắn trả lời:

– “ Tha hay không tha là quyền của các quan. Nhưng việc bước qua Thánh Giá chỉ một lần thì tôi không bao giờ bước”.

Các quan lại nói:

“Bây giờ chúng tôi yêu cầu ông dịch mấy lá thư đã viết sang tiếng Việt cho chúng tôi”.

Ngài vui vẻ trả lời:

-“ Việc ấy thì tôi sẵn sàng làm ngay”.

Sau khi nghe Ngài dịch những bước thư đó không có gì bí mật hay âm mưu gì mà cũng không thấy chỗ nào nói chống đối triều đình nên các quan lại ôn tồn khuyên Ngài:

– “Thôi bây giờ ông chối đạo để chúng tôi tha cho về”

Ngài cương quyết trả lời bằngmột giọng đanh htép:

– “Thưa các quan lớn! Tôi đã nói là không bao giờ tôi bỏ đạo. Sao các quan còn nói đi nói lại mãi thế?”

Các quan muốn tra khảo Ngài về nơi chốn hai Đức Cha đang ở nhưng nhất định Ngài không tiết lộ gì về các Đức Cha cũng như các vị Thừa Sai khác. Dù tra khảo, dù bị đánh đập, bị phơi nắng và không cho ăn cho uống thì Ngài vẫn cương quyết một lòng không khai báo thêm một điều gì. Ngài luôn tự hào là đạo trưởng và nhất định không bao giờ bước lên Thánh Giá Chúa.

Thấy không thể lay chuyển được Ngài, ngày 3 tháng 8 năm 1838, các quan đồng ý làm bản án gửi về kinh xin vua Minh Mạng châu phê. Tới ngày 12 tháng 8 vua chuẩn nhận bản án và mãi tới ngày 20 tháng 8 bản án mới gửi về cho quan tỉnh Hưng Yên. Bản án như sau:

“Đạo trưởng tên Lương cũng gọi là Đặng Đình Viên,thân dân của nước trẫm và là đạo trưởng của đâo Gia Tô là tà đạo. Đã liều lĩnh như thế mà hắn vẫn không sợ hãi mà ăn năn xuất giáo. Ngược lại, hắn đã viết htư bằng tiếng ngoại ngữ cho bốn người tây phương. Nếu vậy, hắn là thứ đạo trưởng của tà đạo. Ta đồng ý và lên án hắn phải trảm quyết”.

Khi nhận được bản án từ triều đình gửi xuống, cá quan tỉnh Hưng Yên còn dùng mọI cách khuyên dụ Ngài bỏ đạo để được tha. Có lần các quan bàn tán vớI nhau cố ý để Ngài nghe thấy. Một quan nói:

– “Ông này tài giỏi có dư. Nếu ông ấy chọn sống với chúng ta, ông ấy  có thể làm lớn như chúng ta. Tướng mạo ông trông rất sắc sảo, khôn ngoan và thông minh”.

Một vị quan lớn khác thêm lời:

– Đúng như thế. Nếu ông ta bỏ đạo, ông có thể sẽ được triều đình trọng thưởng chức tước rất lớn và nhiều tiền bạc nữa”

Ngài nghe thấy và biết rõ ý đồ của các quan, nên Ngài giữ im lặng, làm thinh.

Các quan tỉnh Hưng Yên nhận được bản án từ triều đình gửi xuống, lập tức thi hành ngay. Khi biết được triều đình đã phê chuẩn án trảm quyết cha Giuse Đặng Đình Viên, một trong hai người của gia đình đã đi tố cáo cha thì tớinức nở khóc lóc đấm ngực, xin cha tha thứ:

– “Lạy Cha, con xin thú tội là đã tham món tiền thưởng của triều đình mà đi tố cáo cha. Nay cha phải án tử hình. Con rất đau đớn, đến xin cha tha tội cho chúng con

Cha nhân từ nhỏ nhẹ nói:

– “Cha sẵn lòng tha thứ cho chúng con. Nhưng đây là tội rất nặng, chúng con phải đi xưng tộIivà làm việc đền tội”.

Hành động xin tha tội của anh này không thật lòng, vì sau này anh lại tiếp tục làm hại các linh mục và đạo Chúa.

Ngày 12 tháng 8 năm 1838 quan Giám sát và đội quân đưa Ngài ra pháp trường Ba Toà. Quân lính đi hàng hai, bắt Ngài đeo gông thật nặng chân tay mang xiềng xích rất khổ sở như một tên tội nhân đáng ghét. Những tín hữu được tin vội vã đuổi theo ra pháp trường. Mấy bà trong hội dòng Ba đuổi kịp, tới gần pháp trường các bà thấy cha phải đeo gông nặng lạI còn bị xiềng xích đau đớn, các bà òa lên khóc. Có bà mạnh miệng nói to:

– “Sao các quan tàn ác thế. Người ta sắp phải chết rồi mà còn bắt đeo gông và xiềng xích làm gì? Thật là bất nhân”

Bọn lính nghe thấy, quát lớn:

– “Căm mồm đi! Quan cho chém đầu hết bây giờ”

Mấy bà im lặng xụt xùi khóc. Họ lẩm bẩm với nhau:

– “Ngài hiền lành đạo đức, lại hay thương người như thế mà bị giết, thật là oan uổng”.

Ngài vừa từ từ bước theo đoàn quân, miệng luôn đọc kinh cầu nguyện. Có lúc Ngài khóc chảy nước mắt ăn năn đền tội. Mấy người ngoại giáo trông thấy nói với nhau:

– “Này anh em à! Ông ấy chắc sợ chết nên ông ấy khóc”

Ông Tân quay lại giải thích:

– “Không phải thế đâu. Ông ấy vui mừng vì sắp được chết cho Chúa, nên ông ấy xúc động đấy thôi”

Tới nơi xử, một vài tín hữu đã đưa sẵn cho Ngài mảnh chiếu trải ra cho cha quì cầu nguyện. Một lát sau thì quân lính tới tháo gông và xiềng xích cho Ngài. Ngài bình tĩnh đưa hai tay cho lý hình trói giặt về phía sau lưng. Ba hồi chiêng trtống rộn ràng vang lên. Cha Giuse Đặng Đình Viên ngoan ngoãn đưa cổ cho bọn lý hình thi hành phận sự. Tiếng chiêng trống thư ba vừa dứt thì lý hình vung cao gươm lên chém một nhát, đầu rơi xuống, kết thúc cuộc đời của cha ở tuổi 52. Dân chúng lương cũng như giáo xô vào đua nhau thấm máu và tranh nhau lấy tất cả những gì liên hệ tới cha. Có tên lính còn cắt một tai của cha để bán lại cho người tín hữu ngay tại chỗ.

Giáo dân xứ Tiên Chu đã xin phép các quan được lấy xác vị thánh tử đạo về an táng ngay trên nền nhà thờ đã bị vua cho lệnh đốt phá.

Sau này vua trọng thưởng cho việc bắt được cha Đặng Đình Viên là 5 trăm quan. Số tiền đem chia nhau trong đó có cả phần hai tên phản giáo,coi trọng tiền bạc mà đem nộp cả anh em ruột thịt.Riêng quan tuần phủ được thăng chức lớn.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm.Alexandre de Rhodes. S.J.

Tác giả: Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

 

print