Ngày 21 tháng 9:Thánh Tôma Trần Văn Thiện,Chủng Sinh (1820-1838)
Thánh Tôma Trần Văn Thiện sinh năm 1820 trong một gia đình nông dân Công giáo đạo đức tại làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình. Cha tên là Hierônimô Trần văn Miên, mẹ là Anna Kim, chị là Anna Tương, em trai Tôma Tiến, người em gái út là Anna Ken. Cậu mồ côi cha lúc 10 tuổi. Cậu có bà dì là em của mẹ tên là Nghị, đi tu và làm bề trên Tu viện tại Trung Quán, giới thiệu cậu với cha Chỉnh ở xứ Kẻ Sen và được cha nhận ở với cha để giúp lễ rồi cha dạy la tinh để chuẩn bị gửi vào chủng viện. Nhưng thật không may mắn, chưa tới ngày vào chủng viện thì cha Chỉnh qua đời. Cậu Thiện mồ côi cha nay cậu lại mất người cha tinh thần là cha xứ Kẻ Sen. Tâm hồn bị chao đảo, cậu trở về thăm gia đình trước khi chính thức vào chủng viện ở Di Loan.
Vì đã được cha Chỉnh xứ Kẻ Sen giới thiệu với cha bề trên Candald Kim. Năm 1838, lúc chú Tôma Trần Văn Thiện 18 tuổi thì cha bề trên gọi chú Thiện về chủng viện Di Loan. Nhận được tin vui mừng này, chú Tôma Trần Văn Thiện được ông trùm Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh túc Năm Quỳnh sau cũng được phúc tử đạo ở Mỹ Hương nhờ chị Sao dẫn chú Thiện vào Di Loan.trình diện với cha giám dốc chủng viện. Hai người vừa đi tới Đất Đỏ thì gặp lúc quan quân đang truy nã và bắt đạo cách gay gất quá sức. Chị Sao lại phải nhanh chân đưa chú Thiện tới làng Trà Lin, may mắn gặp được nữ tu Madalena Yến cho biết tin cha bề trên chủng viện đã đi trốn, các chủng sinh phải giải tán trở về với gia đình, chủng viện đã phải đóng cửa. Sơ Madelana Yến khuyên hai chị em nên trở về. Nhưng chú Thiện tỏ ra cường quyết nói với Sơ Yến:
– “Dầu không gặp được cha bề trên con cũng phải tới tận nơi để biết rõ sự thật. Cha bề trên đã gọi thì phải đến”
Được tin như bị sét đánh, chú Thiện nhất quyết đi tới Di Loan với hy vọng mong manh sẽ liên hệ được với cha bề trên chủng viện. Đến chủng viện Di Loan, chú gặp được cha Tự, cha cũng đang chuẩn bị chạy trốn. Cha nói:
– “Chúng tôi đang lo chạy trốn mà chị dẫn em đến trong lúc này, chỉ làm khó khăn cho chúng tôi thôi”.
Chị Sao đáp:
– “Thưa cha, em con cương quyết đi, nhờ con dẫn, vì có giấy cha bề trên gọi. Chúng con không biết cuộc bắt đạo xẩy ra bất ngờ như thế này”.
Thế rồi cha gửi cậu vào một gia đình Công giáo tốt lành trong xứ. Sau hai ngày chưa liên hệ được với cha bề trên và cũng chưa kịp đi ẩn trốn thì bất thần quan huyện Minh Linh chỉ huy hơn 300 binh lính về bao vây làng Di Loan, mục đích để bắt cha bề trên Candald Kim. Nhưng may mắn khi ấy cha đã trốn lên rừng rồi. Quan quân xục xạo khắp nơi trong làng mà không bắt được cha Candald Kim thì buồn bực. Khi gặp chú Tôma Trần Văn Thiện, thấy tướng mạo trắng trẻo, đep trai thì nghi là chủng sinh dưới quyền cha Candald Kim nên bắt trói lại với hy vọng sẽ tra khảo để biết chỗ ấn trú của cha Candald Kim. Họ bắt thêm chừng 20 người ở Di Loan và An Ninh giải về huyện Minh Linh rồi ngày hôm sau quan cho giải về nộp cho quan đầu tỉnh Quảng Trị.
Quan đầu tỉnh Quảng Trị là Bùi Ngọc Qúy được báo cáo chú Trần Văn Thiện là chủng sinh của cha Candald Kim nên ra lệnh phải tra khảo cặn kẽ để biết được nơi ấn trốn cúa cha bề rew6n Kim. Lần đầu bị quan tra tấn, chú Thiện chỉ trả lời:
– “Tôi là ngườiTrung Quán, tỉnh Quảng Bình, tới đây để tìm thầy dạy học”
– “Ngươi có phải là Công giáo không?
“Phải, tôi là người Công giáo, cha mẹ tôi là người Công
giáo”.
– “Ngươi hãy bỏ đạo thì sẽ được tha về.
– “Đạo dậy tôi thờ kính Thiên Chúa là đạo thật. Tôi không thể bỏ, dầu có phải chết, tôi cũng không bỏ”
Quan tỏ ra khoan dung khuyên chú Thiện nhiều lần. Quan dụ chú Thiện, nào chú còn quá trẻ, đẹp trai, thông minh, ăn nói lý sự, tương lai còn rất nhiều triển vọng. Thấy chưa có kết quả, quan cho lệnh tống về ngục.
Lần khác quan lại kêu chú Thiện ra khuyên nhủ. Lần này quan tỏ lòng thương yêu chú vì thấy chú còn quá trẻ lại thông minh. Quan nói cách ngọt ngào, yêu thương:
– “Này chú, hãy nghe ta, chú bỏ đạo, bước qua Thánh Giá này. Ta rất thương chú, ta sẽ gả con gái ta cho chú và sau này ta sẽ lo liệu cho chú làm quan. Con gái ta rất dễ thương”.
Chú Thiện khiêm tốn trả lời:
– “Thưa quan lớn, tôi chỉ mong được chức quyền trên trời, chứ không mong chức tước ở thế gian này”.
Nghe quan hứa hẹn, nhiều người bị bắt cũng tỏ ra nuối tiếc cho chú vì đã bỏ lỡ một cơ may ngàn vàng. Nhưng chú` chủng sinh tỏ ra chí khí thật quật cường, hiên ngang bước lên những quyến dũ và danh vọng trần gian, khiến mọi người, nhất là quan đầu tỉnh phải từ bỡ ngỡ đến ngạc nhiên. Suy nghĩ mấy phút, quan đầu tỉnh tỏ ra tức giận vì đã chê chối những hứa hẹn và lòng ưu ái bao dung của quan lớn. Quan càng tức bực vì đã hứa hẹn gả con gái xinh đẹp của mình cho chú mà chú dám khinh chê. Vì lòng tự ái và bực tức, quan không bao dung nữa, quan cho lệnh đánh 40 roi thật đau đớn, máu chảy thấm vào quần áo. Anh lính đánh mỏi tay, nát cả chiếc roi, phải chuyển cho anh lính khác đánh tiếp. Tuy còn nhỏ tuổi, thân hình mảnh khảnh, nhưng chú Tôma Thiện thật can đảm, dù đau đớn lắm mà nét mặt vẫn vui tươi, chú nói với mấy người lính đánh mình:
– “Này, anh hãy xem máu tôi chảy ra nhiều quá! Ướt hết cả quần áo tôi rồi”.
Quan lớn đầu tỉnh Quảng Trị Bùi Ngọc Qúy nhìn thấy chú bé 18 tuổi bị đòn quá đau đớn thì không nói gì nữa. Quan truyền đóng gông, xiềng xích tay chân đem về ngục cùm trong xà lim.
Bị giam cùm trong ngục tù khổ cực, chú Tôma Thiện không được ai thăm nuôi. Lúc đầu có một số giáo hữu xứ Di Loan và An Ninh bị bắt cũng giam chung trong ngục tù. Những người này có thân nhân thăm nuôi nên họ cũng chia sẻ cho chú đôi chút đồ ăn thức uống. Nhưng một thời gian ngắn, phần đông họ đã nghe quan dụ dỗ để được về với gia đình. Số ít còn lại, quan giao cho họ công tác phải khuyên dụ chú Thiện khuất phục bỏ đạo, thì quan sẽ tha cho về hết. Nhiều người đã dại dột làm theo lời quan dụ dỗ, đến thuyết phục chú Thiện bỏ đạo. Nhưng trước sau một lòng cương quyết trung thành với Chúa, sẵn lòng chiụ khổ và chiụ chết chứ không thể bỏ Chúa, bỏ đạo.
Sau đó chú Thiện còn bị lôi ra tra tấn và đánh đòn thêm hai lần nữa. Lần nào quan cũng tỏ ra nhân từ lúc ban đầu, tới khi không thuyết phục được nữa thì đánh đập, kìm kẹp, có lần còn bị kìm sắt nung đỏ kẹp vào đùi, vào má, rất rùng rợn, chủ tâm làm cho chú Thiện phải bỏ đạo. Nhưng tạ ơn Chúa, lần nào chú Thiện cũng tỏ ra cương quyết, chấp nhận chiụ khổ chứ không lùi bước. Có những lúc đau đớn quá hầu như không chịu được nữa thì chú chỉ nhắm mắt lại rồi kêu lên: “Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh cho con chịu đau khổ vì Chúa”. Thấy không còn cách nào khuyên dụ được nữa thì quan lại cho lệnh đem phơi ngoài nắng hè suốt ngày, nóng như thiêu như đốt, thế mà chú Tôma Trần Văn Thiện vẫn một lòng sắt son trước sau như một. Thật là vị anh hùng tuyệt vời của Chúa Kitô. xứng đáng treo gương anh dũng cho tuổi trẻ Việt Nam muôn ngàn đời.
Thấy không còn cách nào thuyết phục được cậu bé 18 tuổi . nữa, quan đầu tỉnh Bùi Ngọc Qúy cho lệnh đem nhốt chung với cha Jaccard Phan trong một ngục thất bẩn thỉu, tối tăm.
Chú Tôma Thiện vô cùng sung sướng và an ủi khi gặp được cha Jaccard Phan. Hai cha con gặp nhau đều sung sướng tạ ơn Chúa Chú Thiện xin cha giải tội cho mình Cha Phan giải tội và rất lấy làm hãnh diện vì có chú chủng sinh ý chí can trường, tinh thần dũng cảm, đức tin sắt đá. Sau đó, hai cha con quì gối đọc kinh, khẩn khoản nài xin Chúa và Đức Mẹ nâng đỡ để trung thành với Chúa tới cùng. Nhìn thấy thân hình đứa con tinh thần thân hình tan nát, máu me dính đầy quần áo, ngoan ngoãn quì bên mình, cha Jaccard Phan bị xúc động một cách mãnh liệt, kêu lên:
– “Lay Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con được gặp vị chứng nhân anh hùng tí hon này. Xin Chúa chấp nhận chúng con như của lễ dâng lên Chúa để cầu nguyện cho việc truyền giáo lớn mạnh trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này:.
Chú Tôma Trần Văn Thiện cũng cảm động nghẹn ngào, quay lại nói với cha:
– “Con cám ơn Cha, con cám ơn Cha. Con tạ ơn Chúa”.
Trước tinh thần bất khuất và can trường của hai cha con Jaccard Phan và Tôma Thiện, các quan quyết làm bản án gửi về triều đình phân xử. Bản án các quan làm là án trảm quyết, nhưng vua Minh Mạng đọc xong, do dự mãi tới gần một tháng sau vua mới đọc lại rồi lấy bút sửa lại là án xử giảo
Trong thời gian chờ đợI ngày vinh phúc, chú Thiện đã viết thư gửI về từ gĩa mẹ, các chị em và họ hàng và xin mọi người cầu nguyện xin Chúa giúp sức để trung thành vớI Chúa tới cùng.
Thế là ngày chờ đợi đã tới, án lệnh xử giảo cả hai cha con của vua đã gửi về tỉnh Quảng Trị . Sáng ngày 21 tháng 9 năm 1838, các quan và hơn 50 binh lính gươm giáo đi thành hai hàng, áp giải cha Jaccard Phan và chú chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện tới pháp trường ở cạnh làng Nhan Biều gần Quảng Trị. Trên đường tới pháp trường, tới bến đò sông Thạch Hãn, cha An đã đứng chờ đợi sẵn ở đó. Ngài vẫy tay giơ lên làm phép giải tội cho hai vị anh hùng đức tin.
Một số người đứng chờ đò, thấy hai cha con phải đeo gông đi giữa hai hàng lính cầm gươn giáo thì tỏ lòng thương xót. Có tiếng của một bà già vọng lên giữa bầu khí ngột ngạt, nặng nề như trời sắp giông bão:
– “Lạy các thánh tử đạo của Chúa, khi lên trời nhớ cầu cho chúng con nhé.
Một giọng nói trẻ trung xen vào:
– “Đúng là thánh rồi còn gì nữa. Trông hiền lành như con chiên vậy. Dễ thưong quá, Giết đi thật là tội với Trời”.
Đoàn quân lặng lẽ qua đò, rời xa đám đông, bước đi hướng về phía làng Nhan Biều. Không một ai được phép đi theo. Khi đi tới một quán ăn, theo thói quen, các quan dành cho tử tội một bữa ăn “ân huệ”cuối cùng. Các quan mời hai cha con vào ăn. Nhưng cả hai đều lịch sự từ chối. Quan quân lại tiếp tục đi tới một ngọn đồi bên cạnh làng Nhan Biều. Khi tới nơi thì chú Tôma Thiện ngoan ngoãn quì xuống trước mặt cha, lý hình tới tháo gông và xiềng xích rồi tròng giây vào cổ chú chủng sinh 18 tuổi. Đợi ba hồi chiêng trống nổi lên, sáu lý hình cầm hai đầu giây, tới tiếng trống thứ ba thì hai bên lấy sức mạnh kéo hai đầu giây thật mạnh, vị tử đạo tắt thở, giòng máu đào tươi thắm vọt lên, xác ngã vập xuống đất. Khi tội nhân đã chết bọn lính đạp trên ngực và lật sấp xuống đạp trên vai để xác nhận là đã chết . Liền tiếpngay sau đó là tới lượt cha Phanxicô Jaccard Phan. cũng bị xử cùng một cách thức như vậy. Hai vị chứng nhân đức tin dũng cảm đã được về với Chúa trong cảnh cô đơn, vì trong cuộc xử này các quan không cho ai đi theo. Do đó sau khi hai vị tông đổ dũng cảm của Chúa đã chết những người ngoại giáo tại điạ điểm này đã xin được chôn cất hai vị ngay tai pháp trường. Mãi tới năm 1847 Hội Thừa Sai Paris mới xin cải táng để đưa về đặt tại chủng viện Hội Thừa Sai Paris, ở Pháp quốc.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong chú chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.