Thế giới trong ngày 17-8-2021: Caritas lo lắng cho sự an toàn của Kitô hữu ở Afghanistan

Thế giới trong ngày 17-8-2021:

Caritas lo lắng cho sự an toàn của Kitô hữu ở Afghanistan

Nhà thờ nhỏ của Đại sứ quán Ý
Nhà thờ nhỏ của Đại sứ quán Ý ở Kabul là ngôi nhà thờ Công giáo duy nhất ở Afghanistan. Ảnh: Agenzia Fides

Caritas lo lắng cho sự an toàn của Kitô hữu ở Afghanistan; Giáo hội tăng cường xét nghiệm Covid-19 cho người dân Myanmar ở trại lánh nạn; Đông Timor mở trường Đại học Công giáo đầu tiên trong năm nay; Các Đức Giám mục Mỹ Latinh cầu cứu người di cư mắc kẹt trong rừng rậm biên giới Panama-Colombia là những thông tin đáng chú ý.

Caritas lo lắng cho sự an toàn của Kitô hữu ở Afghanistan

 

Ngày 15/8, Caritas Ý, tổ chức bác ái của các Đức Giám mục Ý làm việc tại Afghanistan, đã bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của các Kitô hữu trong nước.

Caritas Ý đã hiện diện tại Afghanistan từ những năm 1990. Trong một thông cáo báo chí ngày 15/8, tổ chức cho biết trọng tâm hiện tại của họ ở Afghanistan là giúp đỡ những trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương.

“Nhưng sự bất ổn của tình hình sẽ dẫn đến việc đình chỉ tất cả các hoạt động”, tuyên bố cho biết thêm. Caritas Ý lo ngại về sự hiện diện và an toàn của số ít người Kitô hữu ở Afghanistan.

Lực lượng nổi dậy của Taliban đã chiếm nhiều thành phố ở Afghanistan sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi đất nước. Các chiến binh Taliban đã chiếm giữ thủ đô Kabul ngày 15/8, giành quyền kiểm soát dinh tổng thống và tuyên bố cuộc chiến Afghanistan kết thúc. Sân bay Kabul rơi vào hỗn loạn khi người dân nỗ lực chạy trốn khỏi đất nước.

Theo CNA, cộng đoàn Kitô hữu ít ỏi ở đất nước Hồi giáo này có thể bị tẩy chay, hoặc thậm chí có thể đối mặt với bạo lực và cái chết vì tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Vào năm 2018, ước tính có khoảng 200 người Công giáo tại Afghanistan.

Caritas Ý cho biết tuy là cộng đồng ít ỏi, nhưng người Kitô hữu đã có những hành động ý nghĩa khi quan tâm đến những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Đọc thêm:

Giáo hội Afghanistan xin cầu nguyện cho đất nước

ĐTC cầu nguyện cho hòa bình ở Afghanistan và kêu gọi liên đới với Haiti sau trận động đất

Giáo hội tăng cường xét nghiệm Covid-19 cho người dân Myanmar ở trại lánh nạn

 

 

Xét nghiệm Covid-19
Các tình nguyện viên Công giáo tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho những người lánh nạn tại một trại ở Myitkyina, Myanmar ngày 6/8. Ảnh: Đội phản ứng nhà thờ Thánh Luca

UCA News đưa tin, Giáo hội đã tăng cường xét nghiệm Covid-19 trong các khu trại lánh nạn ở bang Kachin, nơi diễn ra xung đột.

Ủy ban chăm sóc sức khỏe của Giáo phận Myitkyina đã cử các đội y tế lưu động đến các trại để xét nghiệm. Ủy ban Caritas (Karuna) thì cung cấp thuốc, khẩu trang và máy đo nồng độ oxy.

Các nhóm viện trợ cho biết tình hình bên trong các trại lánh nạn đông đúc là vô cùng đáng lo ngại vì việc duy trì giãn cách xã hội rất khó khăn và không thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hàng trăm trường hợp dương tính đã được phát hiện trong các trại di dời. Người dân cần nhu yếu phẩm, nhưng lại gặp khó khăn về mặt kinh tế.

Hơn 100.000 người dân đã phải rời bỏ nhà cửa đến ở trong các trại lánh nạn của bang Kachin và Shan khi xung đột xảy ra. Trong số 1,7 triệu dân của bang là người Kitô giáo, trong đó có 116.000 người Công giáo.

Đông Timor mở trường Đại học Công giáo đầu tiên trong năm nay

 

Mở trường đại học công giáo tại Đông Timor
Đức Tổng Giám mục Salêdiêng Dom Virgilio do Carmo da Silva của TGP Dili gặp Thủ tướng Taur Matan Ruak vào ngày 13/8 để thảo luận về tiến độ của đơn đăng ký mà ông đã nộp để mở trường đại học Công giáo đầu tiên của Đông Timor. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Đông Timor

Đức Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận (TGP) Dili sau khi gặp mặt Thủ tướng Taur Matan Ruak hy vọng rằng trường đại học Công giáo đầu tiên sẽ được mở cửa trong năm 2021.

Đức Tổng Giám mục dòng Salêdiêng Dom Virgilio do Carmo da Silva của TGP Dili đã gặp Thủ tướng nước này vào ngày 13/8, một tháng sau khi TGP chính thức nộp đơn xin phép thành lập Đại học Công giáo Timor ngày 16/7.

TGP Dili tại thủ đô Dili là TGP duy nhất của đất nước 1,2 triệu dân. Người Công giáo chiếm khoảng 1 triệu người. Đức Tổng Giám mục Da Silva cho biết kế hoạch thành lập trường đại học Công giáo đã bắt đầu cách đây hơn 3 thập kỷ. Ngài mong muốn hoàn thành những nỗ lực của các đấng tiền nhiệm.

Thủ tướng Ruak, trong một tuyên bố, đã cảm ơn sáng kiến của Giáo hội và nói rằng trường đại học này sẽ giúp chính phủ duy trì chất lượng giáo dục bậc đại học ở Đông Timor.

UCA News cung cấp, trường đại học sẽ bắt đầu với các khoa giảng dạy về khoa học xã hội, giáo dục, nhân văn. Năm tiếp theo sẽ thành lập thêm khoa y tế và nông nghiệp. Khoảng 50 nhà giáo dục có bằng tiến sĩ, thạc sĩ đã đăng ký tham gia giảng dạy.

Các Đức Giám mục Mỹ Latinh cầu cứu người di cư mắc kẹt trong rừng rậm biên giới Panama-Colombia

 

Rừng Darien Gap ở tỉnh Darien của Panama
Một phần rừng Darien Gap ở tỉnh Darien của Panama. Ảnh: CNA/Shutterstock

Giáo hội Mỹ Lating hôm 11/8 đã kêu gọi trợ giúp hàng nghìn người di cư trên đường đến Mỹ, đang mắc kẹt ở Darien Gap, một khu vực rừng rậm biên giới Panama-Colombia.

HĐGM Colombia, Mạng lưới Giáo hội Mỹ Latinh và Caribe về Di cư – Di dời – Tị nạn – Buôn người và Ban Thư ký của các Đức Giám mục Trung Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung nhằm đề xuất hành động để giải quyết khủng hoảng nhân đạo khu vực biên giới.

CNA trích dẫn số liệu của các nhà chức trách, hơn 10.000 người di cư đang quá cảnh ở khu vực rừng rậm biên giới. Họ phải đối mặt với các băng nhóm tội phạm và rủi ro của môi trường rừng rậm.

Các Đức Giám mục kêu gọi đoàn kết hành động giữa chính quyền cùng các tổ chức xã hội để hỗ trợ người di cư, đảm bảo quyền cơ bản của họ, cấp thị thực nhân đạo cho người dễ bị tổn thương.

Các Đức cha cũng nêu ra sự cần thiết của việc thiết lập các trung tâm tiếp nhận tạm thời cho người di cư và tị nạn để tránh nạn buôn người.

Khánh Ly – WTGPHN

print