Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon

print

Công bố ‘Tài liệu làm việc’ của Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon

‘Instrumentum Laboris’ (Tài liệu làm việc) của Hội nghị đặc biệt sắp tới của Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Pan-Amazonia đã được phát hành tại Vatican. Thượng Hội đồng diễn ra từ ngày 6 đến 27 tháng 10 năm 2019 về chủ đề “Amazonia: Những đường hướng mới cho Giáo hội và vì một hệ sinh thái toàn diện”.

Trọng tâm của ‘Tài liệu làm việc’ của Thượng Hội đồng Giám mục đó chính là tiếng kêu của Amazon yêu cầu Giáo hội trở thành đồng minh của mình trong việc tiếp cận với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo, khi họ tìm kiếm sự thỏa mãn thực sự và phẩm giá con người trong cuộc sống của mình.

Tài liệu làm việc đã được trình bày trước báo giới hôm Thứ Hai, ngày 17 tháng 6, bởi Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Đó chính là kết quả của một quá trình lắng nghe bắt đầu từ chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới Puerto Maldonado ở Peru, vào tháng 1 năm 2018 và tiếp tục với các cuộc tham vấn trên khắp Vùng Amazon và Cuộc họp lần thứ hai của Hội nghị tiền Thượng Hội đồng vào tháng 5 năm ngoái.

Lắng nghe Thiên Chúa, mà với Ngài, chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu khóc của mọi người

Amazonia, nằm ở trung tâm của Nam Mỹ, bao gồm một khu vực rộng 7,8 triệu km2. Nó bao gồm lãnh thổ thuộc về chín quốc gia khác nhau: Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và Guyana thuộc Pháp. Khu rừng nhiệt đới rộng 5,3 triệu km2 của nó là khu rừng lớn nhất thế giới và là nguồn nước ngọt, oxy và đa dạng sinh học không thể thay thế cho hành tinh này.

“Tiếng nói của Amazon” là tiêu đề của phần đầu tiên của tài liệu và nó trình bày thực tế của vùng lãnh thổ này và các dân tộc của nó. Nó tập trung vào mối quan hệ giữa cuộc sống và khu vực song nước làm nổi bật cách các dòng sông lớn chảy qua khu vực này rất quan trọng không chỉ đối với hệ thực vật và động vật của lãnh thổ và trái đất, mà còn đối với sinh kế, văn hóa và tâm linh của hàng ngàn cộng đồng bản địa, các nhóm thiểu số khác và những người nông dân sống ở khu vực Amazon.

Cuộc sống bị đe dọa

Cuộc sống ở Amazon bị đe dọa bởi việc hủy hoại và khai thác môi trường, bởi việc vi phạm một cách có hệ thống các quyền cơ bản của người dân Amazon: đặc biệt là bởi việc vi phạm các quyền của người dân bản địa, chẳng hạn như quyền đối với đất đai, quyền dân tộc tự quyết, quyền định ranh giới đất đai, quyền tham khảo ý kiến và đồng thuận trước.

Theo các cộng đồng tham gia vào quá trình lắng nghe, cuộc sống của họ bị đe dọa bởi các lợi ích về mặt kinh tế và chính trị của các lĩnh vực thống trị của xã hội ngày nay, đặc biệt là các công ty khai thác mỏ. Ngoài ra, vấn đề biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người ngày càng gia tăng (tình trạng phá rừng, hỏa hoạn và sự thay đổi việc sử dụng đất) đã khiến cho Amazon rơi vào tình trạng không thể quay trở lại, với tỷ lệ phá rừng cao, tình trạng di dời cưỡng bức của người dân và tình trạng ô nhiễm đặt hệ sinh thái của nó vào tình thế bị đe dọa và đồng thời gây áp lực lên các nền văn hóa địa phương.

Tiếng khóc của trái đất và của người nghèo

Trong phần thứ hai, tài liệu phân tích các vấn đề và đồng thời đưa ra các đề xuất liên quan đến hệ sinh thái toàn diện. Theo báo cáo của các Giáo hội địa phương nhận được bởi Tổng thư ký của Thượng hội đồng, Amazonia ngày nay là một người đẹp bị thương và biến dạng, một nơi đau đớn và bạo lực.

 Theo báo cáo của các Giáo hội địa phương được tiếp nhận bởi Tổng thư ký của Thượng hội đồng, Amazonia ngày nay “là một vẻ đẹp bị tổn thương và bị biến dạng, một nơi của sự đau khổ và bạo lực”.

Tình trạng bạo lực, hỗn loạn và tham nhũng tràn lan. Lãnh thổ này đã trở thành một nơi của sự xung đột và hủy diệt các dân tộc, các nền văn hóa và các thế hệ.

Có những người bị buộc phải rời khỏi vùng đất của họ; họ thường rơi vào mạng lưới tội phạm, buôn bán ma túy và buôn bán người (đặc biệt là phụ nữ), lao động trẻ em và mại dâm. Đó là một thực tế bi thảm và phức tạp, vượt ra ngoài ranh giới của luật pháp và quyền lợi.

Lãnh thổ của hy vọng và “cuộc sống tốt đẹp”

Các dân tộc gốc Amazon có nhiều điều để dạy chúng ta. Trong hàng ngàn năm, họ đã chăm sóc đất đai, song ngòi và khu rừng của mình và đã cố gắng bảo tồn chúng cho đến ngày nay để nhân loại có thể hưởng lợi từ những món quà miễn phí từ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Những đường hướng truyền giáo mới cần phải được xây dựng trong cuộc đối thoại với sự khôn ngoan của tổ tiên, mà trong đó những hạt giống của Lời Chúa được biểu lộ.

Thượng Hội đồng về Amazon là một dấu hiệu hy vọng cho người dân Amazon và nhân loại

Người dân ở các khu vực ngoại vi

Tài liệu làm việc cũng phân tích tình hình của người dân bản địa đang phải sống trong sự cô lập tự nguyện. Theo dữ liệu từ các tổ chức Giáo hội chuyên trách, có từ 110 đến 130 dân tộc bản địa tự nguyện bị cô lập khác nhau, sống bên lề xã hội hoặc ít có sự tiếp xúc với xã hội. Họ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ những kẻ buôn bán ma túy, các dự án cơ sở hạ tầng lớn và các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ngành công nghiệp khai thác.

Người dân Amazon rời bỏ nơi sinh sống

Amazon là một trong những khu vực có tính di động trong nước và quốc tế cao nhất ở Mỹ Latinh. Theo thống kê, dân số thành thị của Amazon đã tăng theo cấp số nhân; hiện có khoảng 70 đến 80% dân số sống ở các thành phố, nơi thường xuyên tiếp nhận một số lượng lớn những người di cư đến với họ và họ không thể cung cấp các dịch vụ thiết yếu mà những người di cư cần. Mặc dù Giáo hội đã cùng đồng hành với dòng chảy di cư này, nhưng nó đã để lại những khoảng trống mục vụ cần phải được lấp đầy.

Một Giáo hội tiên tri tại Amazon: Những thách thức và hy vọng

Cuối cùng, phần cuối của Tài liệu làm việc mời gọi các nghị phụ Thượng Hội đồng về Amazon thảo luận về điểm thứ hai của chủ đề do ĐTC Phanxicô đề xuất: Những đường hướng mới cho Giáo hội trong khu vực.

Các cộng đồng địa phương cần một Giáo hội tham gia, hiện diện trong đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và sinh thái của các cư dân của nó; một Giáo hội luôn luôn chào đón hướng tới sự đa dạng về văn hóa, xã hội và sinh thái để có thể phục vụ các cá nhân hoặc các nhóm mà không có sự phân biệt đối xử; một Giáo hội sáng tạo vốn có thể đồng hành cùng với người dân của mình trong việc thực hiện các phản ứng mới trước các nhu cầu cấp thiết; một Giáo hội hòa hợp thúc đẩy các giá trị về hòa bình, lòng thương xót và sự hiệp thông.

Các Bí tích và lòng đạo đức bình dân

Các cộng đồng thường gặp khó khăn trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể vì thiếu linh mục. “Giáo hội kín múc nguồn sống của mình từ Bí tích Thánh Thể” và Bí tích Thánh Thể xây dựng Giáo hội. Vì lý do này, thay vì để cho các cộng đồng không được tiếp cận với Bí tích Thánh Thể, các tiêu chí cho việc lựa chọn và chuẩn bị các thừa tác viên được ủy quyền để cử hành các Bí tích nên được thay đổi. Các cộng đồng yêu cầu một sự đánh giá cao hơn, sự đồng hành và thúc đẩy lòng đạo đức bình dân mà qua đó nhiều người bày tỏ đức tin của họ thông qua các hình ảnh, biểu tượng, truyền thống, nghi lễ và các Bí tích khác. Đó chính là biểu hiện của sự khôn ngoan và đời sống tâm linh vốn tạo thành một quan điểm thần học đích thực với tiềm năng truyền giáo lớn.

Quả là hết sức thích hợp để tái xem xét ý tưởng rằng việc thực thi quyền tài phán (quyền lực của chính phủ) phải được liên kết với tất cả các lĩnh vực (Bí tích, tư pháp, hành chính) và một cách lâu dài, với Bí tích Truyền Chức Thánh.

Những sứ vụ mới

Ngoài đa số các nền văn hóa bên trong Amazon, những khoảng cách tạo ra một vấn đề liên quan đến việc mục vụ nghiêm trọng vốn không thể giải quyết chỉ bằng các phương tiện cơ học và công nghệ. Quả là hết sức cần thiết để thúc đẩy ơn gọi bản xứ của nam giới và phụ nữ để đáp ứng nhu cầu của việc chăm sóc mục vụ Bí tích; sự đóng góp mang tính quyết định của họ nằm trong sự thúc đẩy truyền giáo đích thực từ quan điểm bản địa, theo phong tục và thói quen của họ. Họ là những người dân bản địa rao giảng Tin Mừng cho những người bản địa với kiến thức sâu sắc về văn hóa và ngôn ngữ của họ, có khả năng truyền đạt thông điệp của Tin Mừng với sức mạnh và tính hiệu quả của những người có nền tảng văn hóa riêng.

Cần phải chuyển từ một “Giáo hội đến thăm” thành một “Giáo hội tiếp tục ở lại”, đồng hành và hiện diện thông qua các vị mục tử địa phương.

Khẳng định rằng đời sống độc thân là một món quà đối với Giáo hội, Tài liệu nhấn mạnh rằng, đối với những khu vực xa xôi nhất trong khu vực, tính khả thể của việc phong chức linh mục sẽ được nghiên cứu cho những người đàn ông đã có gia đình. Điều khoản này, vốn hướng tới việc đảm bảo các Bí tích đồng hành và hỗ trợ đời sống Kitô hữu, quy định rằng những người này tốt nhất phải là những người lớn tuổi bản địa được cộng đồng của họ tôn trọng và chấp thuận.

Vai trò của phụ nữ

Hình thức của sứ vụ chính thức vốn có thể được trao cho phụ nữ vẫn còn được xác định, có tính đến vai trò trung tâm mà phụ nữ nắm giữ ngày nay trong Giáo hội ở Amazon. Người ta đòi hỏi vai trò của phụ nữ cần phải được công nhận, bắt đầu từ những đặc sủng và tài năng của họ. Họ yêu cầu tự điều chỉnh lại không gian dành cho phụ nữ bởi Chúa Giêsu, “nơi mà tất cả chúng ta đều có thể tự tìm thấy chính mình”. Ngoài ra còn có một đề xuất để đảm bảo cho họ sự lãnh đạo của họ, cũng như các không gian rộng lớn hơn và phù hợp hơn trong lĩnh vực đào tạo: thần học, giáo lý, phụng vụ và trường phái đức tin và chính trị.

Đời sống thánh hiến

Do đó, người ta đề xuất việc thúc đẩy một mô hình thay thế và tiên tri cho đời sống tận hiến, vốn mang tính chất liên hội Dòng và liên thể chế. Trước hết, người ta phải có ý thức về sự sẵn sàng “để hiện diện ở những nơi mà không ai muốn đến và ở cùng những người mà không ai muốn ở bên cạnh”. Người ta đề nghị rằng quá trình đào tạo đối với đời sống tu trì cần phải bao gồm các quá trình tập trung vào tính chất liên văn hóa, hội nhập văn hóa và đối thoại.

Chủ nghĩa Đại kết

Tài liệu cũng nhấn mạnh một hiện tượng quan trọng cần được tính đến, đó chính là sự tăng trưởng nhanh chóng của các Giáo hội Tin lành gần đây có nguồn gốc Ngũ Tuần, đặc biệt là ở các vùng ngoại vi: “Họ chỉ cho chúng ta một cách thức khác để trở nên một Giáo hội, nơi mà người dân cảm thấy như là những nhân vật chính và nơi mà các tín hữu có thể tự do thể hiện mà không có bất kỳ sự kiểm duyệt, giáo điều hay kỷ luật nghi lễ”.

Giáo hội và quyền lực: Con đường của thập giá và sự tử đạo

Việc trở nên một Giáo hội ở Amazonia đồng nghĩa với việc đặt quyền lực trở thành một vấn đề, bởi vì trong khu vực này, người dân không có cơ hội để khẳng định quyền của mình đối với các doanh nghiệp kinh tế lớn và các tổ chức chính trị. Ngày nay, việc đặt câu hỏi về quyền lực trong việc bảo vệ đất đai và nhân quyền, đồng nghĩa với việc đặt cuộc sống của một người gặp nguy hiểm, đồng thời mở ra “con đường của thập giá và sự tử đạo”. Số lượng những người tử vì đạo ở Amazon quả là rất đáng báo động (ví dụ như, chỉ riêng ở Brazil, từ năm 2003 đến 2017, 1.119 người bản địa đã bị giết hại vì bảo vệ vùng đất của họ). Giáo hội không thể tiếp tục thờ ơ với điều này; ngược lại, Giáo hội cần phải ủng hộ việc bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền và tưởng nhớ các vị tử đạo của họ, bao gồm cả các nhà lãnh đạo phụ nữ, chẳng hạn như Nữ tu Dorothy Stang.

Trong suốt khoảng thời gian cần thiết để soạn thảo Tài liệu làm việc, tiếng nói của Amazon đã được lắng nghe dưới ánh sáng đức tin; một nỗ lực đã được thực hiện để đáp lại tiếng kêu của người dân và của Amazon về những đường hướng mới cho Giáo hội và vì một hệ sinh thái toàn diện nhằm thúc đẩy khả năng tiên tri của Giáo hội tại Amazonia. Những tiếng nói của người dân Amazon kêu gọi Thượng Hội đồng Giám mục đưa ra một phản ứng mới đối với các tình huống khác nhau và đồng thời tìm kiếm những đường hướng mới vốn làm cho “thời cơ thuận tiện” trở nên khả thể đối với Giáo hội và thế giới.

Minh Tuệ (theo Vatican News)