Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 12 Thường Niên, Năm A

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 12 Thường Niên, Năm A

 

Các Bài đọc Lời Chúa tuần 12 thường niên hôm nay mời gọi chúng ta can đảm loan truyền Chúa Kitô cho mọi người bằng lời nói cũng như đời sống mà không sợ hãi trước bất cứ khó khăn và thách đố nào.

BÀI ĐỌC 1: Gr 20,10-13

Vị Ngôn sứ bị bách hại

Giêrêmia là vị ngôn sứ cuối cùng ở Giêrusalem trước khi người Babylon đánh chiếm thành phố và bắt hầu hết cư dân phải sống lưu vong làm nô lệ vào năm 586 trước Công nguyên. Ông đã được sai đến  như một lời cảnh báo cuối cùng, để nói với tất cả họ, từ nhà vua trở xuống, rằng thảm họa đó sẽ xảy ra nếu họ không sửa đổi cách sống và quay trở về với Chúa. Giới chức chính quyền đã không hài lòng chuyện này, và buộc tội ông lũng đoạn tinh thần dân chúng. Ông bị bắt và đẩy vào một cái hố chứa đầy nước để buộc giữ im lặng. Bản thân ông là một người hiền lành và không muốn đưa ra thông điệp dữ dội này. Ông phàn nàn với Chúa về nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, mà cuộc bức hại chắc chắn sẽ đến với ông. Nhưng ông vẫn kiên trì trung thành với sứ vụ của mình. Và khi nhà vua xé thông điệp đe dọa mà ông gửi đến, Giêrêmia chỉ đơn thuần lặp lại, với những lời mạnh mẽ hơn nữa. Ông cũng gửi đến cho họ một sứ điệp khác về niềm hy vọng, rằng cuối cùng Chúa sẽ ban cho họ một giao ước mới, với một trái tim mới và một tinh thần mới, để họ một lần nữa trở thành Dân Chúa. Bài đọc này được chọn để cho chúng ta thấy trong Cựu Ước, có một mẫu gương sáng về lòng can đảm và kiên trì trong ơn gọi loan báo sứ điệp của Chúa mà trong Tin mừng, chính Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người thực hiện.

ĐÁP CA: Tv 69:8-10, 14, 17, 33-35

Chúa đáp lại lời kêu cứu của người đau khổ

Trong Thánh vịnh này, tác giả đang lâm cảnh đau khổ tột cùng và ông kêu cầu Chúa đến giải thoát. Ông cho rằng nguyên do của sự đau khổ này là lòng nhiệt thành của ông đối với Đền Thánh cũng như việc bảo vệ Danh Thánh Chúa. Ông than khóc cho rằng đây cũng là nguyên nhân mà những người đồng hương và anh em họ hàng của ông tỏ thái độ ghẻ lạnh đối với ông (c. 9). Phản ứng của ông trước sự bách hại là khiêm tốn cầu nguyện, tìm kiếm lòng thương xót và ơn giải thoát của Chúa (cc. 14 và 17). Sau đó, trong các câu 33-35, tác giả nói với những người khác giống như mình đang đau khổ và đang kiên trì tìm kiếm Chúa. Ông khích lệ họ hãy vui mừng và tin tưởng vì Đức Chúa luôn lắng nghe lời họ cầu nguyện. Cuối cùng, ông mời gọi tất cả tạo vật ca ngợi Thiên Chúa của lòng thương xót và đức công bình.

Tin mừng Gioan trích dẫn Thánh vịnh này khi Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem, đã bị ô uế vì người ta buôn bán động vật và đổi chác tiền bạc (Ga 2,13-17). Các môn đệ của Chúa Giêsu nhớ lại câu Thánh vịnh này: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17). Trong Thư Rôma 15,3 thánh Phaolô trích dẫn những lời cuối cùng của câu 10 và áp dụng vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, để mời gọi các Kitô hữu kết hợp những đau khổ của họ với đau khổ của Chúa: “Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu”. Giống như thánh Gioan và thánh Phaolô, các Giáo phụ đã giải thích Thánh vịnh 69 như một lời cầu nguyện tiên báo những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu trong nhân tính của Người. Sự đau khổ đó cũng do bởi lòng nhiệt thành của Người đối với Chúa Cha. Và thái độ khước từ của những kẻ đồng hương với Người cũng khiến Người trở thành kẻ bị ruồng bỏ. Trong các phần bình giải của mình, các Giáo phụ chỉ ra rằng Chúa Giêsu chịu đau khổ như một tù nhân bị kết án trên Thánh giá, và Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của Người (Thánh Athanasiô, Expositiones in Psalmos, 68).

Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu than của chúng ta, Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi những đau khổ đè nặng trên mỗi số phận của chúng ta. Hãy kết hợp những đau khổ của chúng ta với những đau khổ của Chúa Kitô bị đóng đinh trên Thánh giá để những đau khổ ấy đem đến giá trị cứu chuộc. Bởi vì Thiên Chúa sẽ nâng chúng ta lên giống như Ngài đã nâng Con của Ngài vào thời gian quyết định.

BÀI ĐỌC 2: Rm 5,12-15

Chúa Kitô, Ađam mới

Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc, nhưng Người cứu độ như thế nào? Thư gửi tín hữu Rôma là lời giải thích đầy đủ nhất của Phaolô, và cốt lõi của giáo huấn đó là Chúa Kitô là Ađam thứ hai. Tội của Ađam trong vườn Địa đàng, như được mô tả trong Sáng Thế, không phải là một câu chuyện lịch sử đơn giản về một tội cá biệt. Đó là mô thức của mọi tội lỗi, mô thức hay tích phân tất cả sự sai phạm của con người. Đó là quá trình quay lưng lại với các điều răn của Chúa trong thái độ kiêu hãnh và độc lập: “Tôi biết rõ hơn Chúa những gì tốt cho tôi.” Chúng ta là con cháu Ađam theo thể thức chúng ta đã phạm tội, và tội của Ađam tiêu biểu cho tội của tất cả nhân loại. Đồng thời, Ađam không chỉ là biểu mẫu, mà còn là người đầu của toàn thể nhân loại. Chúa Kitô, ngược lại, là vị Thủ Lãnh thứ hai của một nhân loại mới. Hành động vâng phục hoàn hảo của Người đối với Chúa Cha trên thập giá đã thăng hóa và chữa lành hành động bất tuân của Ađam đầu tiên. Chỉ có hành động vâng lời yêu thương tuyệt hảo của Chúa Kitô mới có thể đủ lớn để thực hiện công trình này. Đó phải là hành động của một con người, nhưng không phải là một con người đơn thuần. Chúng ta là thành phần của nhân loại mới này khi chúng ta kết hợp với Chúa Kitô, đặt tất cả niềm tin và cậy trông nơi Người.

TIN MỪNG: Mt 10,26-33

Sứ vụ của các Tông đồ

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta tiếp tục các bài đọc về những giáo huấn Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ của Người. Nhiều chủ đề nổi bật hiện lên: các môn đệ có trách nhiệm loan báo Tin mừng; sự quan phòng và chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người; vai trò của Chúa Giêsu trong ngày cánh chung. Sợi chỉ liên kết các chủ đề này là sự sợ hãi.

Đoạn văn mở ra với một lời khuyến dụ: Đừng sợ người ta! Cả những người có thể chống lại việc loan báo Tin mừng cũng như những người có quyền đưa họ đến chỗ chết. Điều duy nhất họ nên sợ là sự hư mất hoàn toàn trong hỏa ngục và bị Chúa từ chối. Cốt lõi của giáo huấn này là nhắc nhở các môn đệ phải nhận chịu trách nhiệm nặng nề của chính mình, đồng thời ý thức cái giá phải trả cho lòng trung thành đối với trách nhiệm đó. Chúa Giêsu khẳng định đã đến lúc Tin mừng phải được loan báo một cách công khai và dũng cảm. Các cánh cửa đã được mở ra:

Những gì bị che giấu, phải được tiết lộ;

Những gì là bí mật, phải được khai mở;

Những gì đã nói trong bóng tối, phải được đem ra ánh sáng;

Những lời thì thầm, phải được hô lên.

Sự thay đổi phải diễn ra vừa rõ ràng lại vừa ngoạn mục. Từ bối cảnh của đoạn văn, chúng ta có thể kết luận rằng sự thay đổi này không chỉ khó thực hiện mà còn nguy hiểm. Sẽ có những lý do để sợ những người từ chối những thách đố, những đòi hỏi của sứ điệp Tin mừng. Chúa Giêsu không che giấu hay giảm nhẹ các nguy hiểm, nhưng Người chuyển hướng nỗi sợ hãi của các môn đệ vào một đối tượng khác. Chủ đề cánh chung cũng được nhắc tới ở đây. Chúa Giêsu đối chiếu cái chết vật lí, vốn chỉ ảnh hưởng đến thể xác (soma), với cái chết cuối cùng trong hỏa ngục (Gehenna), nó sẽ tiêu diệt cả hồn lẫn xác (psyche) (c. 28). Gehenna là tên được đặt cho Thung lũng Hinnom, nằm ở phía tây nam Giêrusalem. Nó được sử dụng để đốt rác. Cả lửa và mùi hôi thối phát ra dẫn đến việc nó được đặc trưng như hỏa ngục, nơi rực lửa để thực hiện hình phạt vĩnh cửu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng họ không nên sợ những người có thể gây ra cái chết về thể xác, nhưng họ nên sợ Đấng có thể ném cả thân xác và linh hồn vào ngọn lửa của Gehenna.

Sau đó Chúa Giêsu nói rằng đau khổ không nên được coi là bằng chứng Thiên Chúa không quan tâm. Sử dụng một kiểu lập luận của người Do Thái có hình thức là “từ nhẹ đến nặng”, Người đưa ra hai ví dụ để chứng minh điều này. Nếu Thiên Chúa còn quan tâm cả đến những con chim sẻ không đáng kể, thì Ngài còn quan tâm đến các môn đệ như thế nào nữa? Nếu Thiên Chúa có thể đếm số lượng tóc trên đầu của họ, thì Ngài còn hiểu rõ hơn những nhu cầu của họ như thế nào? Chúa Giêsu sử dụng những ví dụ này để khích lệ các môn đệ tin tưởng vào Thiên Chúa, bất chấp những khó khăn mà họ có thể phải gánh chịu. Một lần nữa Người khuyên họ đừng sợ hãi, vì họ có giá trị trước mắt Chúa.

Chủ đề cánh chung trở lại trong hai câu cuối. Thái độ của một người đối với Chúa Giêsu sẽ quyết định số phận chung cuộc của chính họ. Những ai sẵn sàng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu trước mặt người khác sẽ được Chúa Giêsu thừa nhận trước mặt Thiên Chúa Cha. Những ai từ chối nhìn nhận hoặc có bất kỳ thái độ đen tối nào đối với Người, cũng sẽ bị từ chối tương tự trước mặt Thiên Chúa. Trong tất cả những điều này, Chúa Giêsu trấn an những ai đang chịu đau khổ vì danh Người rằng, thà phải cam chịu những bất hạnh, thậm chí phải chết còn hơn là phải đón nhận bị Thiên Chúa từ chối trong thế giới sắp tới.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 852: Thần Khí Đức Kitô trợ giúp sứ vụ của Kitô hữu

+  GLHTCG 905: Truyền giáo bằng đời sống

+  GLHTCG 1808, 1816: Can đảm làm chứng bằng đức tin sẽ thắng vượt sợ hãi và cái chết

+  GLHTCG 2471-2474: Làm chứng cho chân lí

+  GLHTCG 359, 402-411, 651: Ađam, Tội nguyên tổ, Đức Kitô Ađam mới

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print