Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm A
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính trong đức tin Kitô giáo. Chúng ta không thể hiểu được bằng lí trí nhưng chỉ bằng con tim. Các bài đọc trong ngày lễ này cũng không trực tiếp giải thích giáo lý về Chúa Ba Ngôi như chúng ta muốn biết. Chúng ta tin nhận và tuyên xưng mầu nhiệm cao trọng này vì chính Chúa Giêsu đã dạy và đã được các thánh sử ghi lại trong các sách Tin Mừng; các Giáo phụ cũng cố gắng giải thích thêm; và các Công đồng Nicêa (325) và Constantinopla I (381) đã định tín giáo thuyết này.
BÀI ĐỌC 1: Xh 34,4-6, 8-9
Định nghĩa danh Thiên Chúa
Đây là một trong những đoạn văn đích thực là trọng tâm của Kinh Thánh. Trong Do Thái giáo, tên riêng của Thiên Chúa (đôi khi được viết là Yahweh) không bao giờ được xướng lên. Vì hai lý do. Thứ nhất, nó quá thiêng liêng và đáng sợ không thể cất lên mà không gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Bởi vì một cái tên, cách nào đó làm cho người mang tên đó hiện diện. Thứ hai, nó cũng quá thân mật: chúng ta không thể phơi bày trước công chúng “tên cúng cơm” gia đình đặt riêng cho mình, mà vốn chỉ những người thân nhất, gần gũi nhất mới có thể nhận biết hết tính cách riêng tư của nó. Vì vậy, danh xưng “Đức Chúa” đã xuất hiện trong Kinh Thánh và được sử dụng như một cách gọi chung. Chính danh xưng này đã được mặc khải cho ông Môsê trong bụi gai rực cháy, nhưng ý nghĩa của nó chưa được tiết lộ. Ở đây lần đầu tiên ý nghĩa ấy được đưa ra: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” Khi Chúa tha thứ cho Israel vì sự nổi loạn, ương bướng của nó thì ý nghĩa của danh xưng được mặc khải. Và ý nghĩa này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều đoạn Sách Thánh khác nhau: trong Đệ Nhị Luật, trong Thánh Vịnh, và trong ngôn sứ Giêrêmia. Ngay cả ngôn sứ Giôna cũng nhận ra danh xưng ấy, bởi vì trong cơn tức giận của mình ông không nghĩ Chúa sẽ dung thứ cho thành Ninivê tội lỗi! Đây là cách Israel yêu thích hình dung Thiên Chúa của mình: một Thiên Chúa tha thứ! Lời tựa sách Tin Mừng Gioan và dụ ngôn người Con trai hoang đàng không phải là những phát minh mới.
ĐÁP CA: Đn 3:52-55
Vinh danh Thiên Chúa
Khi người Babylon chinh phục Giuđa vào năm 605 trước Công nguyên, họ đã đưa một số thiếu niên Do Thái có tư chất thông minh giỏi giang đến Babylon. Kế hoạch của họ là giáo dục những thiếu niên này trở thành những người phục vụ nhà vua Babylon. Trong số những người này có bốn chàng trai trẻ Đanien, Hananiah, Mishael và Azariah (Đn 1,1-6). Mỗi người trong số họ nhận được tên theo tiếng Babylon: Đanien được gọi là Belteshazzar, Hananiah được gọi là Shadrach, Mishael được gọi là Meshach và Azariah được gọi là Abednêgô (Đn 1,7). Đanien trở thành cố vấn cho vua Nabucôđônôsor, và những người khác trở thành quản trị viên của các tỉnh Babylon. Mặc dù bị giam cầm và phải sống trong truyền thống, văn hóa và tín ngưỡng ngoại giáo, tất cả các chàng trai trẻ vẫn trung thành với Thiên Chúa duy nhất của mình.
Vua Nabucôđônôsor cho đúc một bức tượng vàng và đặt ở giữa đồng bằng Đura thuộc tỉnh Babylon. Ông ra lệnh cho tất cả các thành viên trong chính phủ của mình đến dự lễ khánh thành bức tượng và phủ phục thờ lạy nó. Bất cứ ai từ chối sấp mình thờ lạy đều bị đe dọa ném vào lò lửa rực cháy. Hananiah, Mishael và Azariah đều có mặt tại buổi lễ này và từ chối cúi đầu trước tượng thần. Hình phạt dành cho các trẻ này là bị ném vào lò lửa, nhưng thật kỳ diệu là chúng không hề bị ngọn lửa thiêu cháy. Thay vào đó, chúng đi lại trong ngọn lửa, ca ngợi Chúa và chúc tụng danh thánh Ngài (Đn 3,1-24). Đáp ca của chúng ta hôm nay được trích từ bài thánh ca họ hát trong ngọn lửa: họ ca ngợi và chúc tụng vinh quang Thiên Chúa, giữa cơn thử thách nghiệt ngã, Chúa đã che chở và giải họ thoát khỏi mọi điều tổn hại. Đây là một bài học dành cho chúng ta khi chúng ta bị ném vào những “hỏa lò đau khổ” trong cuộc đời hiện tại. Với đức tin và lòng phó thác, chúng ta phải vững lòng cầu nguyện khi gặp những khó khăn khổ cực, và vững tin vào quyền năng Thiên Chúa luôn có thể cứu thoát chúng ta khỏi các thảm họa trong đời sống.
BÀI ĐỌC 2: 2 Cr 13,11-13
Lời chào chúc trong mầu nhiệm Ba Ngôi
Đây là một cách diễn tả cổ xưa nhất và rõ ràng nhất về đức tin vào Chúa Ba Ngôi trong Tân Ước. Nó đã được sử dụng trong nhiều thế kỉ như một lời chào chúc trong phụng vụ (x. GLHTCG 249, 1109).
Bài đọc này là những câu kết thúc thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô với các phúc lành Ba Ngôi. Mối tương quan giữa ba Ngôi Vị trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một tiến trình suy tư thần học, chỉ đạt được dần dần trong thời gian theo mặc khải Kitô giáo. Tuy nhiên, Phaolô đã thường nhắc đến ba Ngôi Vị song song, ngài gợi ra một số khác biệt giữa các Đấng, chẳng hạn các chức năng khác nhau trong chương trình cứu chuộc. Khi nhắc đến một Vị, thì dường như đồng thời Phaolô ý thức được tầm ảnh hưởng của những Ngôi khác trong Ba Ngôi. Việc nhắc đến ba lần liên tục mỗi Ngôi cho thấy sự đồng đẳng giữa các Ngài, mỗi Ngôi nắm giữ một phần đặc biệt, như: “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” (2 Cr 1,22), hoặc: “Nhưng anh em được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!” (1 Cr 6,11). Có thể nói, thay vì đưa lí trí chúng ta đi sâu vào trong mối quan hệ tương tác giữa Ba Ngôi, Kinh Thánh chỉ đề cập đến những phần vụ mà mỗi Ngôi nắm giữ: sáng tạo, cứu chuộc, và thánh hóa. Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta gọi là Abba, Cha, là Đấng khởi xướng. Và chính nhờ công trình của Chúa Kitô mà chúng ta được công chính hóa, được giải thoát, được cứu chuộc, và được hòa giải. Còn Chúa Thánh Thần tác động để biến đổi chúng ta nên thánh thiện.
TIN MỪNG: Ga 3,16-18
Thiên Chúa tha thiết yêu thế gian
Trong đoạn văn này chiều kích tình yêu Thiên Chúa được vẽ bằng hai đường vạch in đậm, theo hai cách khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa chung. Trước tiên là bản tính tình yêu của Thiên Chúa; thứ hai là cái giá mà Thiên Chúa sẵn sàng trả cho tình yêu đó. Israel không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân được chọn, tức là chính họ. Tình yêu này có thể được nhìn nhận trong suốt dòng lịch sử Israel, rồi được hiện thực hóa trong truyền thống tôn giáo. Và những hình ảnh sống động và cụ thể đã được dùng để diễn tả tình yêu này, đặc biệt trong các tác phẩm ngôn sứ. Các tác giả Kitô giáo cũng nói về tình yêu Thiên Chúa, nhưng mối quan tâm chính của họ là trình bày tình yêu này trong tương quan với những người đã tin Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, đoạn văn này rất đáng chú ý bởi vì nó tuyên bố minh nhiên rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho toàn thể thế gian.
Tác giả khẳng định rằng tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian thật sâu thẳm và hào hùng đến nỗi, để cứu chuộc thế gian, Thiên Chúa không miễn trừ bất cứ điều gì có thể, thậm chí cả Con của Ngài. Thiên Chúa đã ban/sai Người Con này nhập thể đến ở với thế gian, và đón nhận cái chết bi thảm để thực hiện sứ mệnh cứu chuộc thế gian. Kế hoạch cứu rỗi này, cho dù bi thảm nhưng tất yếu, đã trở thành cuộc xét xử đối với mọi người. Từ ngữ chỉ hành động xét xử đích thực có nghĩa là “đưa ra một quyết định pháp lí” cho một đối tượng hình sự, nhưng ở đây Thiên Chúa cho thấy Ngài từ chối hành động ấy. Những chọn lựa và quyết định quan trọng luôn được thực hiện trên căn bản một số các tiêu chí nhất định. Trong đoạn văn này, niềm tin vào Con Thiên Chúa là tiêu chí chủ chốt. Những người tin thì được cứu; còn những người không tin, thì họ tự quyết định sự xét xử cho chính họ.
Thế gian (kósmos) có thể được hiểu theo ba cách. Nó có thể nói đến toàn bộ thế giới tự nhiên đang tồn tại, hoặc thế giới con người cư ngụ nói chung, và thế giới đã bị tội lỗi xâm phạm. Ở đây đoạn văn nói về hành động Thiên Chúa cứu chuộc, nó được trình bày tương phản với việc xét xử và tình trạng diệt vong mà thế gian đáng phải chịu. Điều này chỉ ra rằng ở đây thế gian được hiểu theo cách thứ ba, nghĩa là một thực thể hướng chiều về tội và dễ phạm tội. Thế giới được Thiên Chúa tạo dựng là tốt đẹp, nhưng nó đã tỏ thái độ đối lập, chống lại Thiên Chúa và do đó cần được cứu chuộc. Đó là tình huống được nhìn nhận ở đây, vì nếu không nó sẽ không cần đến ơn cứu rỗi. Chính thế giới tội lỗi này mà Thiên Chúa luôn yêu thương (c. 16); Chính trong thế giới tội lỗi này, mà Con Chúa đã được sai đến (c. 17).
Đoạn văn nói rằng Thiên Chúa vừa ban (dídomi) lại vừa sai (apostéllo) Con của Ngài. Động từ trước chỉ ra rằng Người Con này thực sự là một món quà từ Thiên Chúa. Nó nhấn mạnh đến lòng quảng đại lớn lao và vô song của Thiên Chúa đối với thế gian. Động từ thứ hai cho thấy rằng Người Con này mang một sứ mệnh thiêng liêng và bao trùm phải thực hiện. Nó làm nổi bật trách nhiệm nghiêm trọng về phía người Con. Trong cả hai trường hợp, chính thế gian trong tình trạng cần được giải thoát và cứu rỗi, mà hành động của Thiên Chúa đã được thực hiện.
—–
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 202, 232-260, 684, 732: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
+ GLHTCG 249, 813, 950, 1077-1109, 2845: Chúa Ba Ngôi trong Hội Thánh và trong phụng vụ
+ GLHTCG 2655, 2664-2672: Chúa Ba Ngôi và kinh nguyện
+ GLHTCG 2205: Gia đình là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa
Lm. Giuse Ngô Quang Trung