Tìm Hiểu Sách Dacaria

print

Tìm Hiểu Sách Dacaria

http://vietcatholicperth.org/

Sách Dacaria là cuốn sách của tương lai. Nó được coi như sách Khải Huyền của Cựu Ước.

DÂN ĐƯỢC CHỌN VÀ ĐỀN THỜ (1-8)

Bây giờ chúng ta thấy Giuđa vẫn còn là một số nhỏ, Giêrusalem chưa được tái thiết, các Dân Ngoại dễ chịu sống chung quanh nó (1:14-16). Dacaria, một ngôn sứ trẻ đứng bên cạnh vị ngôn sứ già Khácgai, tăng sức cho con cái Israen khi họ xây Đền Thờ và cảnh báo họ rằng đừng làm Chúa thất vọng như cha ông họ. Ông vẽ ra hình ảnh một Thiên Chúa luôn yêu thương và chăm sóc dân Ngài. Ông tăng tốc hy vọng của họ bằng cách vẽ nên hình ảnh rực rỡ của thời ơn phúc trọng đại sẽ đến trong những ngày còn ở rất xa.

Dacaria giống như Khácgai, là ngôn sứ của số ít người Dothái trở về từ Babylon sau bảy mươi năm lưu đày, dân Dothái đã từng là một dân tộc hùng cường như Thiên Chúa đã dự định cho họ, bây giờ là một số nhỏ đáng thương và không ai chú ý, định cư trong đất hứa của họ chỉ vì nhờ lòng tốt của một nhà cai trị ngoại quốc.

Cả hai ngôn sứ Khácgai và Dacaria cố gắng nói với dân chúng rằng tình trạng này không phải sẽ mãi là như vậy. Rồi sẽ có một ngày Đấng Thiên Sai đến và dân được chọn của Thiên Chúa sẽ chỗi dậy trong quyền năng.

Dacaria là ngôn sứ của hồi phục và vinh quang. Được sinh ra tại Babylon, ông là tư tế và ngôn sứ. Tên Dacaria có nghiã là “Đức Chúa nhớ đến”, ông làm ngôn sứ trong ba năm. Sứ điệp của ông là tương lai sáng lạng hơn là hiện tại buồn thảm. Ông là một thi sĩ; trong khi Khácgai là một nhà giảng thuyết hoàn toàn thực dụng.

Lòng nhiệt thành mạnh mẽ về việc xây lại Đền Thờ đã giữ cho dân chúng tiếp tục hoàn thành công việc xây cất. Mùa màng thất thu và việc thương mại bị khủng khoảng trầm trọng đã làm cho dân chúng chán nản đến nỗi Khácgai phải nói đập thẳng và liên tục vào tai họ mới làm họ tiếp tục công việc. Họ cần một giọng nói mới.

Dacaria chính là người đó. Ông quẳng chính mình vào công việc tiếp tay cho bạn là Khácgai.

Dacaria không lên án dân chúng nhưng trình bày một bức tranh sáng rực về việc Thiên Chúa hiện diện để tăng sức và trợ giúp. Ông đặc biệt khuyến khích viên toàn quyền Giơrúpbaven người biết rõ rằng mình yếu kém. “Không phải nhờ thế lực, cũng chẳng phải nhờ sức mạnh mà nó hoàn thành công việc Ta giao phó, nhưng là nhờ thần khí của Ta, Đức Chúa các đạo binh phán” (4:6b). Ngài hứa rằng ngọn núi khó khăn sẽ được di dời đi. Và sự thật này đã được ứng nghiệm trong Lễ Ngũ Tuần khi Thiên Chúa đổ đầy con người với quyền năng của Ngài.

Dacaria tiên báo về Đấng Cứu Thế nhiều hơn tất cả các ngôn sứ khác, ngoại trừ ngôn sứ Isaia: Đức Kitô là “Chồi non” – 3:8; Đức Kitô là “Người Tôi tớ” – 3:8; Đức Kitô vào Giêrusalem trên lưng lừa – 9:9; Đức Kitô là Chúa Chiên Lành – 9:16; Đức Kitô Người Mục Tử bị đánh đòn – 13:7; Đức Kitô bị bán với 30 đồng bạc – 11:12-13; Trái tim Đức Kitô bị đâm thâu – 12:10; Đức Kitô lên núi cây dầu (Ôliu) – 14:4.

HAI NGUỒN SÁNG

Người ta nói rằng muốn đọc các thị kiến trong cuốn sách này đúng ta phải chiếu hai ngọn đèn trên chúng

– ngọn đèn của thập giá và ngọn đèn của triều thiên. Bằng không ta sẽ thấy bức tranh của Dacaria không có góc cạnh hay phông nền. Vị ngôn sứ nhìn xa vào tương lai, thấy Đấng Thiên Sai của mọi thời như là một Người, nhưng với hai chiều kích. Đầu tiên ông nhìn thấy Ngài trong nhục nhã và đau khổ, và lần nữa, trong uy nghi và vinh quang rực rỡ.

Người Dothái từ chối Đức Kitô của thập giá. Kitô hữu cũng thường từ chối Đức Kitô của vương miện.

Cả hai đều sai. Dacaria có vẻ như để vinh quang của Đức Kitô sáng lên trong tất cả các giáo huấn và lời giảng dạy của ông.

QUANG CẢNH LỄ ĐĂNG QUANG

Những thị kiến được tiếp nối bởi hành động tượng trưng của việc trao vương miện cho vị thượng tế (6:9- 11). Vàng và bạc mang về từ Babylon được đúc thành một vương miện và đặt trên đầu của thượng tế Giôsua.

Bằng hành động này hai chức vụ tư tế và vương đế kết hợp làm một. Đây là hình mẫu của Đức Kitô Vua người sẽ ngồi trên ngai vinh quang của Ngài khi Ngài trở lại trên trái đất để thiết lập vương quốc ngàn năm của mình.

Hai năm sau chúng ta thấy một phái đoàn từ Bêtên chờ ngôn sứ Dacaria trả lời cho họ câu hỏi là có nên tiếp tục giữ chay hằng năm theo phong tục cũ không (chương 7-8). Người Dothái đã đặt ra những quy tắc về việc giữ chay này. Họ đã thường giữ chay trong những ngày lễ lớn của họ. Dacaria cảnh báo họ về việc giữ những hình thức cứng ngắc của luật lệ tôn giáo. Ông kêu gọi họ hãy đổi những ngày chay thành ngày lễ vui và và nên thực tiễn trong thực hành sự công chính. Chúa phán, Vâng lời trọng hơn của lễ, lắng nghe thì tốt hơn mỡ cừu (1Samuen 15:22).

Ăn chay chỉ mang lại lời ích khi nó là hình thức bên ngoài biểu lộ sự thú nhận tội lỗi bên trong. Chỉ kiêng ăn thôi sẽ không bao giờ mang nên phúc lành. Thiên Chúa muốn một tâm hồn thống hối khiêm cung.

ĐẤNG THIÊN SAI VÀ NƯỚC TRỜI (9-14)

Những chương này toàn là những lời hứa về việc Đấng Thiên Sai sẽ đến và về vương quốc bao trùm thế giới. Vị ngôn sứ không còn vẽ một thành phố xây lại trên nền móng cũ, nhưng là một thành phố vinh quang mà tường thành của nó là chính Chúa. Nó không trang bị vũ khí để đánh nhau, nhưng là thành phố đầy tràn an bình, vì Hoàng Tử An Bình sẽ cai trị nó. Ngài sẽ đến lần đầu như một Người thấp hèn, cỡi trên lưng một con vật nhỏ hèn (9;9).

Nhưng chúng ta sẽ thấy Người thấp hèn này trở nên một Đấng Tối Cao uy quyền (14:8-11). Đấng Thiên Sai trong tất cả vinh quang và quyền năng của Ngài sẽ đặt tất cả kẻ thù dưới chân và sẽ thiết lập Vương quốc của Ngài trong Giêrusalem và ngồi trên ngai báu Đavít. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, và từ sông cả đến tận cùng cõi đất (9:10).

Nếu ai theo dõi những chương này cẩn thận, người ấy sẽ khám phá sự chiến thắng trên tất cả kẻ thù của Israen. Chương 11 mạc khải vị Mục Tử, Đấng tìm cứu Israen nhưng bị chối từ.Ngài bị bán với ba mươi đồng bạc, giá của một nô lệ. Đây là việc báo trước Đức Kitô và tên phản bội Giuđa. Chương 12 cho chúng ta lời tiên báo về sự bao vây Giêrusalem bởi tên Phản-Kitô và quân của hắn trong những ngày cuối cùng. Rồi chúng ta sẽ thấy sự thống hối của người Dothái (c.12) khi họ nhìn thấy Đấng họ đã đâm thâu qua. Một dòng suối sẽ được mở ra cho nhà Đavít để tẩy trừ tội lỗi và ô uế (13:1). Rồi sự trở lại của Đấng Thiên sai trên núi Cây Dầu, khi nó bị chẻ ra làm đôi bởi động đất (14:4) nhắc chúng ta ngày khi Ngài rời trái đất với lời hứa sẽ trở lại tại cùng một chỗ (CVTĐ 1:11). Cuối cùng Ngài sẽ làm Vua trên toàn trái đất và tất cả mọi người sẽ được thánh hiến cho Ngài (14:9-20).