Tìm Hiểu Sách Malakhi

print

TIM-HIEU-SACH-MALAKHI

 

SÁCH MALAKI

Trích KT 100 Tuần

  1. Bối cảnh

Tiên tri Malaki hoạt động vào khoảng năm 450 trước Công nguyên. Khi đó, Đền thờ đã được tái thiết và các sinh hoạt tôn giáo đang được khôi phục. Tuy nhiên có những dấu hiệu tiêu cực trong đời sống đạo của dân chúng. Một số người hoài nghi về quyền năng Thiên Chúa, cho rằng Chúa không đem lại sự thịnh vượng mà các tiên tri loan báo; một số khác tuy vẫn giữ những nghi thức tế tự nhưng chỉ là hình thức bên ngoài. Trong bối cảnh đó, tác giả sách Malaki nhấn mạnh đến tinh thần của giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Môsê. Sự trung thành với giao ước phải phát xuất tự tấm lòng và đặt nền trên sự kính trọng yêu thương chứ không phải trên việc tuân giữ các lề luật cách hình thức.

  1. Giáo huấn

Tiên tri Malaki trình bày Thiên Chúa như một vị vua vĩ đại và toàn năng, “Từ Đông sang Tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân” (1,11), nhưng cũng là Đấng chan chứa tình yêu đối với dân: “Ta đã yêu thương các ngươi. Thế mà các ngươi nói: Ngài yêu thương chúng con ở chỗ nào?” (1,2). Có lẽ vì thế mà một số người quan niệm rằng, “Phụng thờ Thiên Chúa thật là viển vông, tuân giữ các lệnh truyền của Đức Chúa và bước đi ủ rũ trước nhan Người, nào có lợi chi?” (3,14). Hoặc vẫn làm việc thờ phượng nhưng chỉ là hình thức bên ngoài đến nỗi Thiên Chúa trách mắng dân vì cung cách thờ phượng của họ: “Khi các ngươi tiến dâng một con vật mù để làm lễ tế, đó chẳng phải là xấu sao? Và khi các ngươi dâng một con vật què hay bệnh tật, đó chẳng phải là xấu sao? Hãy dâng con vật ấy cho tổng đốc của ngươi, liệu nó có bằng lòng với ngươi chăng?” (1,8).

Giáo huấn của tiên tri Malaki vẫn rất cần thiết cho đời sống đức tin của ta ngày nay. Trong đời sống thờ phượng, lễ vật tiến dâng là cách biểu hiện lòng tôn kính của ta đối với Thiên Chúa, vì thế lễ dâng phải là những lễ vật có giá trị. Chúa Giêsu giúp ta hiểu giá trị ở đây không chỉ là giá trị vật chất nhưng là chiều sâu tâm hồn của người hiến dâng. Ngoài ra tiên tri Malaki nhấn mạnh đến việc nộp thuế cho Đền thờ. Đây cũng không chỉ là chuyện đóng góp của cải vật chất nhưng là phương thế giúp ta ý thức mình thuộc về một cộng đồng hiệp nhất, và có trách nhiệm góp phần xây dựng cộng đồng. Vì thế cùng với việc dâng lễ tế là đời sống tốt lành theo ý Thiên Chúa và lề luật của Người, “Hãy trở lại với Ta và Ta sẽ quay lại với các ngươi” (3,7).