Tìm Hiểu Thư Thứ Hai Côrintô

print
Tìm Hiểu Thư Thứ Hai Côrintô

 

Bài đọc thêm: Thư 2 Côrintô.

Tuần 83 – Thư Thứ Hai Côrintô.

Tuần 84 – Thư Thứ Hai Côrintô.

 

Bài đọc thêm: Thư 2 Côrintô

Lm Carolo Hồ Bặc Xái

 

  1. Hoàn Cảnh Và Mục Đích

Như chúng ta đã biết, giáo đoàn Côrintô là một giáo đoàn rắc rối làm khổ Phaolô rất nhiều. Họ sống trong một thành phố có truyền thống “sính triết lý” nên hay cãi cọ, chống đối. Họ sống trong một thành phố nổi tiếng về kinh tế và văn hóa nên tính tình cũng tự kiêu, tự ái. Đã có nhiều buồn phiền và và chạm giữa Phaolô và giáo đoàn này. Phaolô đã nhiều lần viết thư cho họ (có lẽ tất cả 4 lần). Cái mà ngày nay ta gọi là “thư thứ 2 gởi giáo đoàn Côrintô” thực ra là tổng hợp những thư lẻ tẻ kia. Diễn tiến như sau :

Ít lâu sau khi gởi đi một bức thư (đã bị thất lạc) thì Phaolô đích thân tới Corintô để giải quyết một cơn khủng hoảng nổ ra trong giáo đoàn. Lần ghé thăm này đã khiến ông gặp nhiều đau khổ (2 Cr 1,23–2,1  12,14  13,1-2). Buồn bã, ông đi Êphêxô, từ đó ông viết cho họ 1 bức thư nữa (tạm gọi là Thư A) với giọng điệu nghiêm khắc để cảnh tỉnh họ khỏi thói xa hoa phóng túng. Nhưng thư không đem lại kết quả nên Phaolô cử Timôtêô đến đó dàn xếp tại chỗ (1 Cr 4,17). Khi Timôtêô trở về báo cáo tình hình (1 Cr 1,7), Phaolô lại viết thêm một bức thư nữa (Thư B hiện nay là thư 1 Cr). Nhưng tình hình cũng chẳng khả quan gì hơn, Phaolô lại phái Titô đến đó vừa để xem xét tình hình vừa để vận động một cuộc lạc quyên (1 Cr 16,1-4). Titô trở về cho biết tình hình rất xấu : luân lý đồi bại, phụng vụ sa sút, họ không kính trọng Phaolô, đối với cuộc lạc quyên thì họ chỉ ủng hộ bằng miệng. Biết được thế, Phaolô quyết định đích thân tới nơi một cách bất ngờ để giải quyết các vấn đề. Nhưng khi ông đến nơi thì bị chống đối mạnh mẽ, nên ông lại bỏ về Êphêxô và lại viết cho họ một bức thư nữa (Thư C) rất nghiêm khắc và đau lòng, chính Phaolô nói là đã “viết trong nước mắt” (2 Cr 2,3-4). Sau đó Phaolô lại sai Titô đến đó, không phải với tư cách đại diện cho Phaolô mà với tư cách một nhà ngoại giao đi hòa giải. Không biết Titô ở lại Côrintô bao lâu nhưng Phaolô rất nóng lòng về kết quả nên ông rời Êphêxô đi qua Troias và sang Makêđoan. Ở Makêđoan ông đã gặp Titô trở về với những tin vui mừng (2 Cr 7,13). Phaolô ho rằng đã đến lúc có thể hòa giải được nên viết một bức thư nữa (Thư D) để biện minh cho sứ vụ tông đồ của mình. Ông lại phái Titô đi một lần nữa để chuẩn bị cho cuộc hòa giải chính thức. Và cuối cùng Phaolô đã trở lại Côrintô như một người Cha và một vị Tông đồ. Hai bên đã hòa giải nhau.

2 Cr là tổng hợp của nhiều thư lẻ tẻ như vậy nên thiết tưởng chúng ta không cần để ý đến bố cục của nó mà chỉ cần lư ý tới những vấn đề được nêu ra trong đó.

2. Nội dung

a/ Sứ vụ tông đồ : 3,1–6,10 và 11,1–12,8

b/ Cuộc lạc quyên : ch 8-9

3. Nhận định chung về thư 2 Cr

– Thư này rất thực tế, cho ta thấy rõ bề mặt và bề trái của giáo đoàn : không phải cái gì cũng tốt đẹp êm xuôi, nhưng nhiều vấn đề nội bộ rất phức tạp, nhiều khi rất đau lòng. Nó cũng cho thấy những uẩn khúc trong tâm hồn của người chịu trách nhiệm về giáo đoàn : ưu tư, dằn vật, khổ đau nhưng trong hoàn cảnh nào cũng chan chứa tình thương.

– Nhờ thực tế như thế, thư này tương đối dễ hiểu. Mặc dù đề cập đến những vấn đề riêng tư của 1 giáo đoàn, nhưng qua đó chúng ta cũng rút ra được nhiều tư tưởng có giá trị chung cho mọi nơi và mọi thời, chẳng hạn về sứ vụ tông đồ và về việc giúp đỡ vật chất cho nhau.

 **** 

Tuần 83 – Thư Thứ Hai Côrintô

(chương 1 – 7)

Trích Kinh Thánh 100 Tuần

 

I. CHÚC TỤNG CHÚA NGAY TRONG ĐAU KHỔ (1,3-11)

Theo thói quen ngày xưa, người viết thư thường bắt đầu bằng việc dâng lời tạ ơn vì Chúa đã ban sức khoẻ cho mình. Thế nhưng thánh Phaolô lại nhắc đến những đau khổ phải chịu, “chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hi vọng sống nổi” (câu 8-9). Tuy nhiên chính những đau khổ này lại thúc đẩy thánh nhân lên tiếng chúc tụng Chúa là Đấng “hằng sẵn sàng nâng đỡ, ủi an” (câu 3). Tâm tình này của thánh Phaolô soi chiếu một luồng sáng mới cho đời sống đức tin của ta.

Người môn đệ Chúa Giêsu xác tín rằng những đau khổ phải chịu chính là cơ hội thông hiệp vào cuộc khổ nạn của Thầy chí thánh, và nhờ thông hiệp với Người trong đau khổ, ta cũng được thông hiệp với Người trong vinh quang : “Cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (câu 5). Đồng thời, khi được thông hiệp vào cuộc khổ nạn của Chúa, những đau khổ ta phải chịu sẽ mang giá trị cứu độ : “Chúng tôi có phải chịu gian nan thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ.” (câu 6).

Niềm xác tín vào sự an ủi đỡ nâng của Chúa sẽ giúp ta vững bước trên đường phục vụ. Đồng thời xác tín đó cũng thúc đẩy ta trở thành người mang sự nâng đỡ và an ủi đến cho anh chị em mình : “Thiên Chúa luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (câu 4); “Chúng tôi có được an ủi thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu” (câu 6).

II. BÍ QUYẾT CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ (4,7 – 5,10)

  1. Mang trong mình cuộc thương khó của Chúa Kitô

“Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi” (câu 7). Sau khi chứng minh sự ưu việt của Giao ước mới so với Giao ước cũ (3,1-18) và tự hào rằng mình là người phục vụ Giao ước mới, thánh Phaolô đã khẳng định như thế. Khẳng định này toát lên tâm tình khiêm tốn, cậy trông.

Tất cả được khơi nguồn từ mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá. Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, và Người đã mạc khải quyền năng cùng sự khôn ngoan của Thiên Chúa không phải bằng thứ quyền lực thế gian mong đợi, nhưng là qua thập giá. Thập giá bị người Do thái và dân ngoại coi là điên rồ và ngu xuẩn, nhưng lại là sức mạnh cứu độ cho những kẻ tin (1Co 1,18).

Khởi đi từ mầu nhiệm này, thánh Phaolô chia sẻ xác tín của ngài về đời tông đồ. Có thể đã có những lời phê bình chỉ trích nhắm vào ngài (vd. 2Co 10,10 : Trong thư thì nghiêm khắc và hùng hổ, nhưng khi có mặt thì nhu nhược, nói chẳng ra hồn). Thánh Phaolô không bực bội vì những lời chỉ trích đó, trái lại ngài vận dụng lời chỉ trích đó để chứng minh quyền năng Thiên Chúa hoạt động nơi những yếu đuối của con người tự nhiên. Đồng thời ngài kể ra những đau khổ phải chịu trong đời tông đồ (câu 8-9), không phải để than trách nhưng để làm nổi bật bí quyết của người tông đồ : “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (câu 10), và “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (câu 16).

  1. Mang trong mình niềm hi vọng bất diệt

“Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (4,17). Sở dĩ thánh Phaolô nói được như thế là vì ngài xác tín vào sự sống vĩnh cửu : “Quả thật, chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu trên trời, không do tay người thế làm ra (5,1). Xác tín đó mạnh mẽ đến nỗi Phaolô kêu lên rằng, “Ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa… Điều chúng tôi thích hơn là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (5,6-8).

Niềm hi vọng vào đời sống vĩnh cửu ban tặng cho người môn đệ Chúa một tầm nhìn mới và một lối sống mới. Đó là không bám víu vào những thực tại sẽ qua đi nhưng biết gắn bó với những thực tại vĩnh hằng : “Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (4,18). Đồng thời, niềm hi vọng đó thúc đẩy ta sống cuộc sống hiện tại với tinh thần trách nhiệm, vì “tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (5,10). Làm sao để trong mọi hoàn cảnh và mọi công việc, mục đích chính của ta phải là làm đẹp lòng Chúa : “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (5,9). Đó là cách sống tốt đẹp nhất và sẽ dẫn ta đến kết thúc tốt đẹp nhất.

Tuần 84 – Thư Thứ Hai Côrintô

(chương 8 – 13)

Trích Kinh Thánh 100 Tuần

 

I. LẠC QUYÊN CỨU TRỢ THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO (8-9)

Cứu trợ, giúp đỡ những người đang lâm cảnh hoạn nạn là việc tốt lành được khuyến khích ngay trên bình diện tự nhiên như người Việt Nam thường nói, “Lá lành đùm lá rách.” Đương nhiên người Kitô hữu được khuyến khích thực hiện công việc tốt lành này, và trong thực tế, đây là một trong những nét nổi bật của Giáo hội suốt dòng lịch sử. Vậy đâu là động lực, thái độ cần có khi làm việc bác ái này?

  1. Động lực

Động lực sâu xa nhất là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng “vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Co 8,9). Đó là lô-gích của tình yêu đích thực, tình yêu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, tình yêu hiến dâng mạng sống trên thập giá. Niềm tin vào Chúa Kitô thúc đẩy các Kitô hữu sống tình yêu đó ngay trong cộng đoàn, và tình yêu đó làm nên sự hiệp thông, chia sẻ, bình đẳng trong cộng đoàn tín hữu: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em lúc anh em lâm cảnh túng thiếu” (8,14).

  1. Thái độ

Nếu niềm tin vào Chúa Kitô là động lực thúc đẩy thì niềm tin đó cũng định hướng cho cung cách thi hành việc bác ái: hăng hái, vui vẻ, quảng đại. Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Khi người ta hăng hái dâng cái mình có thì Thiên Chúa chấp nhận, còn nếu không có thì thôi” (8,12); “Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (9,7).

  1. Hiệu quả

Những việc bác ái được thực hiện trong tinh thần trên sẽ đem lại những hiệu quả phong phú, không những đáp ứng nhu cầu của những người đang lâm cảnh túng thiếu, mà còn là cách thế tôn vinh Chúa: “Việc phục vụ cho công ích này không những đáp ứng nhu cầu của các người trong dân thánh, mà hơn thế nữa, còn là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa. Việc phục vụ này là một bằng cớ cho họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Kitô, và vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ với họ và với mọi người” (9,12-13).

Giáo huấn của thánh Phaolô về việc bác ái soi sáng cho ta điều gì khi thực hiện các việc bác ái? Còn cần phải chấn chỉnh và sửa đổi những gì?

II. TỰ HÀO VÀ KHIÊM TỐN CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ (12,1-10)

Để trả lời cho những người cáo buộc và lên án ngài, thánh Phaolô nhắc lại mạc khải và thị kiến ngài đã có khoảng năm 42-45. Ngài nói về mình nhưng dùng ngôi thứ ba, “Tôi biết có một người môn đệ Đức Kitô…” (12,2) như để nhấn mạnh rằng bản thân ngài hoàn toàn không xứng đáng với ân huệ đó. Sau đó thánh nhân kể lại kinh nghiệm thần bí ngài đã trải qua: ngài đã được Thiên Chúa chiếm lấy đến độ ngài không còn ý thức về chính mình và về thân xác của mình: “có ở trong thân xác không, tôi không biết; có ở ngoài thân xác không, tôi cũng không biết” (12,2). Và thánh Phaolô nhấn mạnh, “Về một người như thế, tôi sẽ tự hào; còn về bản thân tôi, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi” (12,5).

Cũng vì thế, cùng với việc nhắc lại thị kiến cao cả đã lãnh nhận, thánh Phaolô cũng nhắc đến cái dằm trong thân xác (2Co 12,7; x. Phil 1,29). Ta không biết chắc chắn cái dằm này là gì, nhưng điều chắc chắn là ý thức về cái dằm đó làm cho Phaolô khiêm tốn. Cái dằm đó như khí giới của Satan và sự hiện diện của nó giúp Phaolô ý thức sự yếu đuối của mình. Đã ba lần ngài khẩn khoản nài xin Chúa cất cái dằm đó đi (như Chúa Giêsu cầu nguyện ba lần trong vườn Cây Dầu, x. Mt 26,39.42.44), nhưng Chúa trả lời, “Ơn của Thầy đã đủ cho anh vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (12,9).

Từ kinh nghiệm thiêng liêng đó, Phaolô reo lên, “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (12,10). Kinh nghiệm này của thánh Phaolô nói với ta điều gì?

Ghi chú

 “Tôi đã không trở nên gánh nặng cho anh em; nhưng vốn là người xảo quyệt, tôi đã dùng mưu mà lừa gạt anh em” (2Co 12,16) (CGKPV)

 “Let it be assumed that I did not burden you. Nevertheless (you say) since I was crafty, I took you in by deceit” (The New Oxford Annotated Bible)