Tìm Hiểu Tông Huấn Maximum Illud Và Vài Gợi Ý Thực Hành.

print

Tìm Hiểu Tông Huấn Maximum Illud

Và Vài Gợi Ý Thực Hành.

          Nhân dịp Mừng kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud  của Đức Thánh Cha Benedicto XV về việc Truyền bá đức tin trên khắp thế giới. (1919-201),

Nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxico đã đề nghị Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo,Tháng Mười 2019, với chủ đề:

ĐƯỢC RỬA TỘI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI:

HỘI THÁNH CHÚA KITÔ THI HÀNH SỨ MẠNG TRONG THẾ GIỚI

          Chúng ta đọc lại cách tóm tắt Tông Huấn Maximum Illud và cùng thử nêu lên vài điểm nhỏ để thực hành.

I.TÔNG HUẤN.

  1. Bối cảnh lịch sử Thế Kỷ XIX:

Cuối thế kỷ XIX nhân loại được chứng kiến những bước nhảy vọt của khoa học, kỹ thuật và các môn khoa học nhân văn.

Việc thuyền bè chạy bằng hơi nước và việc đào kênh Suez (1869) đã rút ngắn hành trình đi truyền giáo. Thành công của các nhóm Tin Lành Anh đầu thế kỷ XIX, cũng góp phần thúc đẩy các thừa sai Công giáo. Khát vọng trùng hưng tôn giáo với sự hỗ trợ của nền văn học trữ tình, đã thắp lên nơi người tín hữu ngọn lửa truyền giáo hăng say

Nói chung các thừa sai ra đi để lo “phần rỗi cho các dân còn ngồi trong bóng tối sự chết”. Họ hăng hái đến với “man dân” bằng cảm hứng của các Tông đồ thời Giáo hội sơ khai. Có người mong lập những miền Kitô mới, không bị tục hóa như Âu Châu.

Nét đặc biệt của việc truyền giáo từ thế kỷ này là sự tham gia của đông đảo quần chúng

Nhân sự truyền giáo thời này cũng rất hùng hậu. Không kể những đoàn truyền giáo cũ như thừa sai Paris, Lagiarist, dòng Chúa Thánh Thần 

Về phương pháp : đa số các thừa sai xuất thân từ những vùng nông thôn (Pháp, Áo, Tây Ban Nha, Ba Lan) … nên các vị thích nghi với quần chúng địa phương khá dễ dàng. Thường các vị nhấn mạnh những lễ nghi trang trọng gây ấn tượng. Các thừa sai nỗ lực nghiên cứu ngôn ngữ địa phương. Các ngài dùng trường học làm phương tiện đặc biệt để phổ biến văn minh Âu Châu và đức tin, kèm theo những nỗ lực phục vụ nhân đạodành cho mọi người. Nhờ nguồn tài trợ vật chất và y tế từ Âu Châu, các vị tổ chức những công cuộc từ thiện.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực là thế kỷ XIX cũng là giai đoạn bành trướng thuộc địa của các nước Âu Châu, nên nhiều nhà truyền giáo vừa phục vụ tôn giáo vừa phục vụ tổ quốc mình.

  1. Bối cảnh Tông Thư Maximum illud

– Thế giới năm 1919 thành điêu tàn tan hoang sau cuộc chiến tranh (1914-1918), kinh tế kiệt quệ, đời sống con người nên khốn cực lầm than. Điều này làm Đức Thánh Cha Benedicto XV day dứt và đau buồn hơn khi thấy “đám đông vô kể, vô số các linh hồn trên thế giới” đang ở trong bóng tối tăm và bóng đêm sự chết (MI, số 6)

– Nhiều vị thừa sai cũng có sự nhập nhằng giữa việc phụng sự quốc gia (bành trướng thuộc địa) và phụng sự Hội Thánh.

Đức Benedicto XV ra thông điệp Maximum Illud (1919) để:

*  Cổ vũ khích lệ việc truyền giáo ” tạo một sức thúc đẩy mới cho công việc truyền giáo là loan báo Tin Mừng”

* Vạch ra phương pháp mới (MI, số 7) và cũng thẳng thắn phê phán các thừa sai “đã quên chức năng của mình, lo cho lợi ích quốc gia mình hơn là Nước Trời… 

          Đức Thánh Cha cũng kêu gọi lương tâm trách nhiệm các thừa sai phải giới: Tuyển mộ và huấn luyện hàng giáo sĩ bản xứ

  1. Nội Dung Tông Thư Maximum Illud

a)     Mở đầu:

Truyền giáo là một lệnh truyền, trách nhiệm của Chúa trao “Anh em hãy đi khắp nơi loan báo Tin Mừng (Mc 6,15)

Dù trong các thế kỷ đầu gặp đầy thử thách nhưng các sứ giả Tin Mừng vẫn đi đây đó loan báo Tin Vui của họ.

Tông thư nêu gương các nhà truyền giáo: Thánh Gregorio, Thánh Phanxico Xavier…

b)   Nhiệm vụ và vai trò các vị bề trên đặc trách các xứ truyền giáo: (9)

–  Mỗi người phải là linh hồn của công cuộc truyền giáo

– Quan tâm sâu xa đến công việc của các linh mục

– Sử dụng lời nói – hành động – viết lách để khuyến khích và kích thích những người trợ giúp

– Luôn tỉnh táo, hiệu quả, đầy lòng bác ái quan tâm sâu sắc tới mọi người và mọi sự, luôn biết vui mừng và cảm thông với người thuộc quyền.

– Biết tạo điều kiện thuận lợi và cổ vũ những kế hoạch tốt của người thuộc cấp.

– Quan tâm đến người thuộc cấp như chính mình vậy

* Nếu vị truyền giáo gặp được bề trên tốt, luôn biết cư xử với họ bằng tình bác ái và sự khôn ngoan thì việc truyền giáo sẽ thành công. Nếu ngược lại, khó khăn sẽ làm họ nản lòng và mệt mỏi, cuối cùng họ không muốn làm gì nữa. (10)

* Quan tâm hàng đầu là phải mở mang và phát triển đầy đủ việc truyền giáo (11) Đức Thánh Cha Benedicto ca ngợi các bề trên lo mở mang việc truyền giáo. Trái lại, ngài cũng nghiêm khắc cảnh cáo những vị nào “coi đó là tài sản riêng của mình và không muốn một người ngoài nào đụng tay vào” (12)

* Không được hạn hẹp các mối quan tâm của mình vào các ranh giới của giáo điểm mình. Cần phải phát triển các mối quan hệ gần gũi với các đồng nghiệp vùng lân cận (13)

* Quan tâm tối đa tới việc đào tạo và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương hay bản địa (14) Phải đào tạo kỹ lưỡng, không sơ đẳng… để đảm nhận công việc của Thiên Chúa trong tư cách người ngang hàng với các linh mục ngoại quốc (15)

c)     Nhiệm vụ và vai trò các vị thừa sai (18)

– Nhấn mạnh đến sứ vụ cao quý, rực rỡ và thiêng liêng. Thừa sai nắm trong tay  việc loan truyền trực tiếp sự khôn ngoan của Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng vượt quá tầm lý trí con người.

– Đừng chỉ bận tâm tới lợi ích của quê hương trần thế mà sao nhãng bổn phận của quê hương trên trời. (19)

– Làm việc hoàn toàn vô vị lợi và chỉ có một mục tiêu duy nhất là chinh phục các linh hồn cho Chúa và làm vinh danh Chúa. Từ bỏ mình và sẵn sàng chấp nhận gian khổ (21)

– Các vị thừa sai cũng cần được đào tạo cẩn thận: –  để thông thạo mọi ngành tri thức, bao gồm các môn thánh và các môn thế tục – để thông thạo ngôn ngữ để tiếp xúc người có học cũng như vô học…(23-24)

– Đức Thánh Cha có kế hoạch mở rộng Hội Thánh tại Phương Đông (25)

– Một yếu tố quan trọng không thể thiếu là người tông đồ phải có sự thánh thiện. Họ rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là người của Chúa. (26)

– Thừa sai hãy là gương sáng cho người họ gặp. Khiêm nhường vâng phục và khiết tịnh. Sốt sắng đạo đức, chăm chỉ cầu nguyện và liên lỷ kết hợp với Chúa. Càng gắn bó với Chúa càng được ơn phù trợ nhiều hơn (27)

– Cuộc đời Chúa Giesu Kito là gương mẫu cho các nhà truyền giáo. Bác ái, tử tế, khoan hồng, từ bi cao cả… cho dù là lao nhọc, thiếu thốn, đói khát kể cả cái chết ghê sợ…. (28)

– Tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, vì đây là công việc của Chúa, chỉ mình Chúa mới có thể đi vào lòng người…Không có Chúa chỉ là vô ích. (29)

– Tông huấn đề cao vai trò của phụ nữ, nhất là các nữ tu trong việc dấn thân cho giáo dục và bác ái…(30)

d)    Nhiệm vụ và vai trò của mọi người công giáo và các hội đoàn.

Giúp đỡ người ngoại trở lại là bổn phận của những người đã có được đức tin nhờ Lòng Thương Xót Chúa (31)

Có 3 cách:

          – Cầu nguyện: khiêm tốn và kiên trì cầu nguyện (32).  ĐTC giới thiệu Phong Trào Tông Đồ cầu nguyện cho mục đích này. (33)

          – Nuôi dưỡng ơn gọi nhằm gia tăng các vị thừa sai: ra sức nuôi dưỡng mọi dấu hiệu của một ơn gọi truyền giáo. Đừng sợ hãi khi nghĩ rằng gởi người đi các xứ truyền giáo sẽ làm mất nhân lực trong giáo phận (34)

          – Trợ giúp kinh tế: ĐTC kêu gọi sự hào phóng của mọi người giúp đỡ các hội truyền giáo. Ngài liệt kê một số như: Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Nhi Truyền Giáo, Hội Thánh Phero, Hội Liên Hiệp Giáo Sĩ Truyền Giáo.

e)     Kết luận:

          ĐTC khích lệ mọi người Công Giáo ở quê nhà cũng như ở các xứ truyền giáo đáp ứng bổn phận của việc truyền giáo. Ngài cũng hy vọng và tin tưởng Hội Thánh tiến tới trong việc mở mang nước Chúa. Cuối cùng, ĐTC dâng lên Đức Trinh Nữ Maria lời chuyển cầu của toàn thể Hội Thánh cho các sứ giả Tin Mừng được tràn đầy ơn Thánh Thần.  (41-42)

II. GỢI Ý THỰC HÀNH:

1- Cách chung theo Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Hồng Y FILONI:      

          Đức Hồng Y FERNANDO FILONI – Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc gởi các Hồng Y Giám Mục Giáo Phận và gửi các Bề Trên Tổng Quyền các Dòng Tu 2017-2018, đề nghị như sau:

           – Hoạt động Missio ad gentes, được Evangelii Gaudium xác định là hệ hình của hành động mục vụ của Hội Thánh (LG 15)

 – Bổn phận hoán cải cá nhân và cộng đoàn để trở về với Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, phục sinh và đang sống trong Hội Thánh khơi dậy niềm đam mê truyền giáo.

 – Phải  khắc phục những chia rẽ và những quan điểm đối chọi giữa việc mục vụ thông thường và việc mục vụ truyền giáo

– Mời các thành viên địa phương của các Tu Hội Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, cũng như các thành viên của các hiệp hội và các phong trào Hội Thánh có trong giáo phận để họ làm những thành viên tích cực tham dự vào 4 sáng kiến truyền giáo của Đức Thánh Cha.

          Đức Thánh Cha Phanxico vạch ra 4 cách thức để chuẩn bị và sống Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo 10/2019 (ĐGH Phanxicô, Diễn từ cho các Giám Đốc Quốc Gia của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, tại Hội Nghị Toàn Thể, Thành Vaticanô, ngày 3 tháng 7, 2017).:

          1) Gặp gỡ cá nhân với Chúa Giesu Kito trong Hội Thánh của Người: Thánh Thể, Lời Chúa. Cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn.

          2) Nêu cao các chứng tá của các Thánh, các vị Tử Đạo Truyền Giáo và các Thánh Hiển Tu, là những biểu hiện độc đáo của các Hội Thánh trên thế giới

          3) Đào luyện Kinh Thánh về huấn giáo, thiêng liêng và thần học liên quan đến Missio ad Gentes

          4) Thực hành đức ái truyền giáo bằng việc nâng đỡ vật chất cho các công cuộc truyền giáo.

2 – Gợi lên vài ý cụ thể cách riêng:

  1. Thành lập mỗi họ đạo một Hội Truyền Giáo. Họp mỗi tuần 1 lần,  Họp hạt mỗi tháng 1 lần. có chầu Thánh Thể hoặc lần chuỗi, có nội dung sinh hoạt, có nghiên cứu Thánh Kinh về truyền giáo, có báo cáo về việc truyền giáo nơi họ đạo mình tháng qua, có kế hoạch mục đích cụ thể.. .  Nếu được nên chọn tất cả thành viên HDGX là thành viên Hội Truyền Giáo (Chúng ta có quá nhiều hội ở mỗi họ đạo, Legio, Cursillo, Phạt tạ, Khôi Bình… mà chưa có Hội Truyền Giáo)
  2. Các Hội Đoàn khi họp đều phải có ý hướng truyền giáo, nhắc nhở anh chị em về ý thức truyền giáo và cầu nguyện, thực hành, ra đi truyền giáo… Thành lập các tiểu ban truyền giáo trong các hội: ví dụ: Hội Legio truyền giáo, Hội Cursillo truyền giáo, hội Khôi Bình truyền giáo….
  3. Dành nhiều tài chính cho việc truyền giáo. Quan tâm và chu cấp cho các xứ truyền giáo trong việc bác ái và thăng tiến con người. Hội Thánh kêu gọi bác ái, yêu thương giúp đỡ. Vậy rất cần tài chính để lo cho bà con nghèo ở các xứ truyền giáo để họ  nhận ra Chúa (Một linh hồn cũng quý) và lo chi phí cho các vị truyền giáo để họ sống ổn.
  4. Đừng bao giờ nghĩ chi tiền là dụ dỗ họ. Mà hãy nghĩ chi tiền cho người nghèo là việc bác ái. Giáo hội hiện diện là phục vụ người nghèo. Chúa đến trần gian để phục vụ người nghèo. hãy nhìn nhận khía cạnh đó. Vậy giáo phận nên dồn tiền bạc cho việc truyền giáo. Cần kính trọng người nghèo.
  5. Truyền giáo không thể thấy gần, thấy cái trước mắt, không được thì nản lòng. Phaolo trồng, Appolo tưới,Chúa cho lớn lên. Một ngày nào đó họ sẽ quay lại. Hay ít nhất ta cũng gieo vào lòng họ một ấn tượng tốt. Đạo Cao Đài giúp bác ái vô điều kiện.
  6. Tổ chức Chầu Thánh Thể cầu nguyện đặc biệt cho việc truyền giáo. Các thành viên HDGX và các hội đoàn phải tham gia trước tiên. Tổ chức các buổi sinh hoạt hội họp văn hóa văn nghệ, hát thánh ca, giao lưu… liên quan đến truyền giáo nhiều hơn.
  7. Phổ biến sách về những mẫu gương truyền giáo
  8. Mỗi tuần đọc trước lễ về gương 1 vị thánh hoặc 1 nơi truyền giáo.
  9. Vị phụ trách nên  thăm viếng  thường xuyên, quan tâm khích lệ nhiều hơn đến các nơi truyền giáo. Luôn nâng đỡ, giúp đỡ và cảm thông với các vị truyền giáo.
  10. Đào tạo nhân sự truyền giáo. tìm người có nhân bản và đạo đức trong giáo xứ để đào tạo và phải hỗ trợ cuộc sống cho họ. Đề cao vai trò người giáo dân truyền giáo. Huấn luyện giáo dân truyền giáo.
  11. Mọi hoạt động truyền giáo  đều theo ý hướng là bước theo và rao giảng về tình yêu và lòng thương xót của  một Đức Kito chịu đóng đinh. Môt Đức Kito hoàn toàn ôm lấy tất cả những đau khổ của con người. Liên lụy cuộc đời mình với nhân loại. Gieo mình xuống trong tay nhân loại và chịu mọi sự mà con người đối xử với mình. chấp nhận khốn khổ chỉ vì yêu thương.
  12. Tổ chức các buổi găp gỡ và giao lưu về truyền giáo. Lắng nghe ý kiến đóng góp của giáo dân nhiều hơn.
  13. Mua đất gần các chợ, các thị trấn, các trường học, chổ đông dân cư để lập các điểm truyền giáo. (Về sau mua không được)
  14. Các nhà dòng cố gắng có ban truyền giáo.
  15. Đào tạo các ứng sinh Linh mục và tu sĩ hướng đến truyền giáo nhiều hơn là đào tạo để nhà quản trị họ đạo.
  16. Mỗi họ đạo lớn nên có điểm truyền giáo để giáo dân tập truyền giáo. Truyền giáo không chỉ là tách khu xóm, nhưng truyền giáo phải đến những vùng trắng, truyền giáo từ con số 0.
  17. Nên có 1 văn phòng truyền giáo tại Trung Tâm Mục Vụ. Chi biết bao tiền để quản trị, hội họp mà truyền giáo chẳng có được bao nhiêu.
  18. Các vị hữu trách cần quan tâm nâng đỡ động viên khích lệ thăm viếng… các người và nơi truyền giáo nhiều hơn nữa…

III. CÁCH MỞ ĐIỂM TRUYỀN GIÁO MỚI:

          1–  Chọn địa hình địa thế:

  1. Tìm kiếm chổ chợ, đông dân, có điện đường trường trạm…lân la làm quen người bán vé số, người lao động chân tay, dân nghèo, mua cho họ tờ vé số, mua cho họ con cá lá rau, họ bán gì mình mua giúp để làm quen.

          2- Tiếp cận dân chúng:

  1. Bắt đầu hỏi thăm xem ở đây có ai có đạo Chúa không. Nếu chưa thì cũng không sao, ta sẽ thăm viếng những người nghèo trước tiên. Người Việt Nam hết sức dễ thương, rất hiếu khách và quý người. ta cứ mạnh dạn đến. Đa số họ đều vui vẻ cởi mở. Nếu có ít trường hợp người trong gia đình họ làm khó dễ hoặc nói là có đạo Phật, Hòa Hảo rồi… cũng không sao, Ta cứ tìm cách cho con họ cái bong bóng, chỉ cho bé câu tiếng Anh…rồi tìm cách khen và khích lệ họ
  2. Nhờ họ dẫn đi thăm các người nghèo khác, cứ thế nhân ra
  3. Cần cố gắng lấy lòng được người trưởng tộc, cao tuổi.. Các con cháu sẽ nể mình
  4. Quan tâm đến các em thiếu nhi, cho nó cái kẹo, cái bong bóng, nó thương mình là ba má nó thương mình.

III. Thay Lời Kết:

   Chỉ với một thao thức về mở rộng Nước Chúa và nơi đó mọi người biết thương yêu nhau và sống tình nghĩa với nhau.

Công việc truyền giáo luôn là của Chúa, chỉ có Chúa mới có thể mở lòng và đi vào trái tim họ. Ta chỉ là dụng cụ làm hết sức mình.

Ước mong Giáo Hội luôn nhớ mình mang trách nhiệm truyền giáo và có nhiều bạn trẻ dũng cảm dấn thân trong sứ vụ thiêng liêng này.

Xin Lòng Thương Xót Chúa và Mater Misericordiae tuôn tràn trên chúng con!   

—–                                                               

Trên đây là những suy tư của cá nhân về truyền giáo nhân dịp giáo điểm mừng đón Đức Cha Stephano Giám Mục Giáo Phận đến thăm và cử hành bí tích Rửa Tội cho gần 70 dự tòng. Cũng là dịp mừng đón cha Trưởng Ban Truyền Giáo giới trẻ Sài Gòn đến động viên chia sẻ. Vì thế trong sự hèn trí và kém kinh nghiệm, rất mong được tha thứ và chỉ dạy thêm nếu còn chi sai sót.             

Mùa Chay 2019

Gx Trà Ếch