Tin Cha và Thầy Không chút xao xuyến

print
Tin Cha và Thầy Không chút xao xuyến
 Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A
 
 vô hạ
 
Thưa Thầy,
  1. Chúa Nhật V Phục Sinh năm A ngày 10/05/ 2020 nầy, vẫn còn Mùa Mừng Chúa Sống lại, để tiếp tục vinh danh Thầy là đường, sự thật, sự sống và thấy Thầy là Thấy Chúa Cha mà khỏi bị  xao xuyến. Nhưng  vì nạn dịch cúm sưng phổi Corona chưa hẳn qua, nên tâm thần con khá lo âu sầu não. Tai họa thời khí nầy làm cho nhiều chính quyền khắp đó đây vẫn còn đóng cửa những nơi công cộng
Do đó  Vị Giám mục của vùng con đang ở, phải  nghe theo lệnh nầy cho chắc ăn. Vì nếu cho  chúng con tụ họp tại nhà thờ quá 50 người, thì dễ bị phạt hình sự, vi cảnh tuỳ theo sự  diển giải rộng rải của thẩm quyền mà nhân dân bầu lên. 
 
Đó là chưa kể, không nhiều, nhưng vẫn có những loại chiên lòng vòng nhà thờ như con, rủi bị cảm nhẹ, nghe lời  dụ dỗ của phô vị Thầy  Cãi, dễ đưa tới  Cáo Tụng Đình thưa kiện đền bồi lôi thôi. Nên con ở nhà dự Lễ tại gia. Trong tình cảnh nầy, Chúa không phải tại ống loa, điện thoại di động hay chiếc máy vi tính, mà tại tâm chí thành là chính. 
 
2.  Vào đề, Thánh Sử Luca Tác Giả Tông Đồ Công Vụ, riêng  6:1-7 cho thấy đã có sự xáo trộn ngay thời Đạo Chúa còn sơ khai.  Khi số môn đệ gia tăng, dĩ nhiên con số tín hữu cũng cao hơn nhiều. Vì phe phái Do thái nói tiếng Hy lạp ngoại và Do thái Aram nội, bên trọng bên khinh, đã sinh ra cớ sự phàn nàn trong việc phân chia thực phẩm,  mà hình ảnh  bà goá bị bỏ quên, là có thật.  Và đó cũng là biểu tượng xao xuyến lo âu do va chạm nhiều thứ, kể cả cách giải thích niềm tin từ Tông Đồ và đệ tử của chư vị. Nên coi thường nhau từ trong nội bộ . Thời nào cũng vậy, hiện  nay con có nằm trong nhóm ỉ chức cậy quyền  đạo đời, coi rẽ kẻ  gieo neo thấp cổ bé miệng?
 
3. Riêng trong Nền Minh Triết Á Đông của con, được quí bậc liễu thị nhìn thấy có sẵn mùi vị hương sắc tiền trưng của Khí Thần,  đã mở ra sinh lộ, con đường sống,   từ rất  xa xưa trong Kinh Dịch của Bách Việt:  “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”:   Sự chuyển động biến dịch tức là sự sống (Ngài là Chúa của kẻ sống, vì với Ngài tất cả đều đang sống. Luca 20:38)  phát triển tới tận cùng tức thì biến hóa,  biến hóa tức thông, thông thì lâu dài trường cửu. Dân gian Việt Nam cũng chỉ một lối nhỏ:  “cái khó làm ló cái khôn”. 
 
Nên thời sơ khai đó,  Hội Thánh mọi thành phần dân Chúa tại quê nhà Do Thái, cùng triệu tập lại, phân chia nhiệm vụ và nẩy sinh sáng kiến bổ nhiệm 7 (con số hoàn hảo, số đỏ,  của Hy lạp)  vị phụ tá lo cứu tế vật chất; chức vụ  như người quản lý kho. Đó là mẫu gương cho con noi theo.
 
 Cùng nhau tích cực làm việc Chúa việc nhà, nghe theo ý kiến đa số. Sáng kiến trên được coi là ơn hay hoạt động của Chúa Thánh Thần. Và những vị nầy cũng giải quyết việc tinh thần khi tông đồ vắng mặt. Cũng từ đó mà Thánh Chức  Phó Tế hiện diện cho tới hôm nay, vẫn còn cần thiết và hữu ích tại nhiều nơi trên thế giới.
 
4.  Tới bài Phúc Âm trong Gioan 14:1-12, chỉ là  một đoạn trong những giây phút sau cùng của Chúa tại bàn Tiệc Ly, một phần của lời di chúc. Mà lời di chúc là lời chân tình nhất của con tim ủy thác, trước khi ra đi. Chúa biết rõ trong đầu môn đệ đang trông chờ Sư Phụ mình lãnh đạo một cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Roma mà tái lập nước Israel trần tục. Chúa dư biết các đệ tử lặn lội theo Thầy chỉ mong cầu sau  nầy làm quan cai trị thiên hạ. 
 
Nhưng Thầy mình báo tin sắp ra đi một nơi nào đó mà mình không biết. Nên xao xuyến, áy náy, lo âu, bồi hồi, u sầu, rã rời, rũ rượi là tự nhiên. Rồi Chúa lại trấn an: đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và Thầy. Thầy đi dọn chỗ rồi trở lại đem anh em về với Thầy …
 
5.  Hai mươi thế kỷ qua, nhìn ngược lại.  Ông Tôma và Philip là hai thành viên của phái thực nghiệm, cầu kiến dấu chứng thực tế mà 1550 sau,   nhà Triết học kiêm Toán học  René Descartes (1596-1650) nước Pháp, là một trong những  đệ tử ruột  của hai ông, với câu danh ngôn nổi tiếng:  je pense, donc je suis: khi/vì  tôi có suy tư, nên tôi  mới có, hiện hữu. Khi tôi tri nhận qua giác quan, thì cái đó mới có. Con có đòi  phải có thực nghiệm giác quan về Chúa rồi mới tin không?  Xỏ tay vào lỗ đinh và cạnh sườn thì mới chịu tin? Con có chịu nằm trong số  người “phúc cho ai không thấy mà tin”  (Gioan 20, 24-29)?  
 
6.  Mặt khác, các tông đồ xuất thân từ Do Thái giáo, chỉ biết vâng theo 10  Điều Răn của Thiên Chúa thời Môisen: không có  Chúa nào khác ngoài Giavê phải tôn thờ.  (Sách Xuất Hành 20: 1-7). Nhưng Chúa Giêsu xuống trần, nhân câu hỏi của Tôma và Philip  bật mí chút xíu  cho tông đồ biết về Chúa Cha: hãy tin vào Thiên Chúa và vào Thầy. Biết Thầy thì cũng Biết Cha.  Tuần tự, Chúa Giêsu đưa dẩn con tới Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa Tối Linh. 
 
7.  Qua Vị Ký Lục, Thánh  Phêrô Giáo Hoàng đầu tiên, trong thư 1 đoạn 2: 4-9, bài đọc 2,  đã nhắc riêng  chúng con: ” hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động xây nên đền thờ thiêng liêng … Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những công trình vĩ đại của Người …”. 
 
Xin cho chúng con luôn sống xứng đáng với tình thương của Chúa và thực hiện trọn vẹn vai trò chứng nhân của mình, trong việc xây dựng giáo hội nhỏ là giáo xứ nơi con sống. 
 
8.  Nhưng con tới nhà thờ, chỉ giữ cho vừa đủ ngày Chúa nhật, khỏi vi phạm luật, vì sợ phạt, chớ không phải vì yêu mến Chúa chút nào hết. Con chỉ  đi coi lễ rồi về, như kẻ bên lề, ngoại cuộc bàng quan. Có khi nại  lý do mình không tài cán gì nên chả thèm góp ngón tay nào cho xứ đạo. Có khi  lại cho rằng mình đa tài, tham gia đủ thứ, nhưng là kỳ đà cản mũi to tướng, làm cho giáo xứ chia rẽ, bất hòa.  Không kể kẻ thù ma quỷ các thứ đạo đời xúi dại, mà do loại chiên quậy như con đây.  Quậy là thể nào?
 
  Đây cũng là những xao xuyến lo âu của thời đại nầy. Xin trích nguyên văn  bài giảng, như câu ca dao “miệng nhà sang có gang có thép”  của Đức Thánh Cha Phaxicô tại Nhà Nguyện Thánh Martha, Vatican,  thứ ba ngày 05/05/2020,  do Ngọc Yến – Vatican News. Vì chỉ hay duy có Ngài mới đủ uy quyền nêu lên mấy chuyện nhậy cảm thấu trời dưới đây, để nhắc nhớ chính mình: 
 
9.  “Đức Thánh Cha giải thích và đưa ra các nguyên nhân làm cho chúng ta không thể trở thành đàn chiên Chúa, những điều cản trở chúng ta theo Chúa (hầu việc Chúa là):

 

Điều đầu tiên đó là sự giàu có: “Giàu có giam cầm chúng ta, ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Nhưng điều này không có nghĩa là phải sống trong một tình trạng bần cùng, khốn khó. Chúng ta không được làm nô lệ cho sự giàu có, không sống cho sự giàu có, vì sự giàu có là ông chủ của thế gian này. Chúng ta không thể phục vụ hai ông chủ cùng một lúc”.

 

Cản trở thứ hai: sự cứng nhắc của con tim. “Cứng nhắc trong việc giải thích luật. Sự cứng nhắc này không phải là trung thành với lề luật mà là một an toàn cho chính tôi. Cứng nhắc theo nguyên tắc làm cho chúng ta xa rời sự khôn ngoan và vẻ đẹp của Chúa Giêsu và lấy đi sự tự do của chúng ta. Có nhiều vị mục tử đã làm cho lối sống cứng nhắc này gia tăng nơi các tín hữu”.

 

Cản trở thứ ba: sự lười biếng. “Mệt mỏi, chán nản lấy đi khỏi chúng ta ý chí tiến lên phía trước, làm cho chúng ta sống trong tình trạng hờ hững, nguội lạnh”.
 

Cản trở thứ tư: tinh thần giáo sĩ trị, coi mình ở vị  trí của Chúa Giêsu. Về điểm này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Có những giáo sĩ nói với tín hữu: ‘Điều này là như thế, như thế và nếu anh chị em không làm như vậy anh chị em không thể bước vào Nước Thiên Chúa. Đây là một căn bệnh xấu trong Giáo hội, thái độ giáo sĩ trị lấy đi sự tự do của các tín hữu và ngăn cản họ đến với Chúa Giêsu”.

 
Cản trở thứ năm: tinh thần thế tục: “Điều này xảy đến khi việc tuân giữ đức tin và thực hành đức tin kết thúc trong tinh thần thế tục”.     Hết trích)
 
10.  Trở lại phạm vi Giáo Họ Việt Nam khắp nơi lần nữa. Bên dưới là những lo âu, xao xuyến và một lối giải quyết . Xin ghi lại chút kinh nghiệm mà Cha Việt Hưng (Tu Hội IC Tận Hiến) đã chia sẻ đó đây về lối làm việc cho giáo xứ dân Việt mình: xin quí vị (giáo dân) nào không có giờ  tới lớp Căn Bản Thánh Kinh hay Giáo Lý trường kỳ cho người lớn, vui lòng đừng tham gia bất cứ chức vụ hay nhiệm vụ nào của Ban hành Giáo hay việc lớn nhỏ nào trong giáo xứ.
 
 Lý do: vì không hiểu Chúa  qua  Lời hay giáo Lý, thường làm cho cái-tôi lớn hơn công việc hoặc phục vụ. Nên giáo xứ dễ bị rối tung lên.  Mỗi lần họp Hội Đồng Giáo Xứ – Ban Hành Giáo –   độ 2 tiếng đồng hồ, xin để ra 30 phút đầu tiên, chia xẻ Lời Chúa. Dùng Lời Chúa làm con dao hai lưỡi, chặt hết gai góc của cái-tôi, rồi mới bàn việc chung.  Nếu không có lời Chúa mở đầu, họp 10 tiếng, không kết quả bằng 2 tiếng. 
 
 
 11.  Tóm gọn. Thời sơ khai, đã có lo âu về những xáo trộn niềm tin và phân chia vật chất trong Giáo Hội, và Thánh Thần đã hiện đến giải quyết. Rồi mỗi thời, lại có những xao  xuyến do xáo trộn mới, làm lo âu không ít, mà Đức Thánh Cha yêu quí đại diện Chúa,  mới nên ra ở trên. 
 
Thêm nữa,  Chúa Giêsu đã biết trước các tông đồ sẽ lo lắng khi vắng Thầy, y như chúng con vắng Chúa trong mùa dịch tể Corona nầy,  nhưng Chúa trấn an: hãy tin vào Thiên Chúa và  Thầy… ” Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy… Nhờ đó chúng con  thấy được yên ủi, an lòng hy vọng vào Chúa Quan Phòng cho ngày mai tươi đẹp hơn, mà chấp nhận ý Chúa thâm hậu hơn cái nhìn hời hợt của con hiện tại trong kiếp sống nầy. 
 
Sau cùng, mình cố mà xây dựng nước Chúa qua  Giáo Xứ, chỗ làm và nơi sống với khả năng nhỏ bé của mình. Công, của, lời, việc,  giờ, bị ăn theo tinh thần của Tu Hội Prado từ 1860 hay bị  ăn cách nào theo hạng quân tử Á Đông, cũng tốt. Mình gieo với tâm chí thành, còn hột giống mọc lên và mùa thu hoạch là việc còn lại của Chúa vậy.