Tình Yêu Trao Ban

print

Lễ Mình Máu Chúa Năm C 2019

Tình Yêu Trao Ban

Lm. Giuse Nguyễn

Bài Giáo lý về Bí tích Thánh Thể của Giáo phận Đà Lạt đã dạy:

Bí tích Thánh Thể là việc Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta qua hy tế thập giá dưới hình bánh rượu để trở thành lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng con người.

Việc rước lễ giúp tăng triển sự hiệp thông với Chúa Kitô. Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu đã bắt đầu trong Thánh Tẩy, nay đạt tới đỉnh cao trong Thánh Thể qua việc tiếp rước Mình Thánh Chúa. Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Một khi đã hiệp nhất với Chúa Giêsu, đời sống tâm linh của chúng ta trở nên vững mạnh, giúp vượt thắng và xa lánh tội lỗi.

Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu trong Thánh Thể đưa tới sự hiệp nhất giữa các tín hữu với nhau, làm nên Hội Thánh (x.1Cr 10,16-17).Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở thành một thân thể duy nhất mà Đức Kitô là Đầu, còn chúng ta là chi thể, vì cùng chia sẻ một tấm bánh là thân mình Chúa Giêsu.

Bí tích Thánh Thể là một bảo chứng chắc chắn cho vinh quang Nước Trời sau này, cho việc Phục Sinh thân xác cát bụi của chúng ta. Là con người, chúng ta cần lương thực trần thế để sống nhưng sự sống ấy cũng có giới hạn; là con Thiên Chúa, chúng ta cần được lương thực thần linh để sống và tồn tại mãi mãi. Nếu Đức Kitô chỉ là người thì thịt máu Ngài cũng chỉ là lương thực trần gian, song Đức Kitô còn là Thiên Chúa, và hai bản tính này không tách biệt nhau nên Thịt Máu Ngài cũng chính là sự sống thần linh”.

Vì tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể nên hằng năm Giáo hội dành riêng Chúa Nhật sau lễ Chúa Ba Ngôi để mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa. Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa trong năm “Đồng Hành Với Những Gia Đình Gặp Khó Khăn” cho ta những suy nghĩ và quyết tâm sau đây:

  1. Đức Giêsu đã yêu thương và trao ban trọn vẹn cho nhân loại chúng ta: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em” (1Cr 11, 24). Từ sự thật này cho ta thấy trong mọi hoàn cảnh Chúa luôn ở với ta, Chúa không bỏ rơi ta. Ngài muốn ta sống trong sự sống linh thánh với Ngài. Vì vậy hãy tin tưởng vào Chúa nhất là trong những lúc gặp khó khăn. Linh mục Pr. Lê Hoàng Nam (SJ) đã chia sẻ trong bài viết “tự hào là người Công Giáo” như sau: “Trên đường đời lắm trái ngang này, chỉ có Chúa mới đủ sức đỡ ta lên; khi ta gặp thất bại hay rơi vào khủng hoảng, chỉ niềm tin vào Chúa mới có thể đem đến cho ta bình an thực sự. Vũ khí duy nhất mà ta có thể dùng để chống lại tất cả những giăng mắc đang rình rập ta giữa cuộc đời này chỉ có thể là niềm tin: tin vào một Đấng Tuyệt Đối luôn yêu thương và ở bên chúng ta.”

Tin tưởng tuyệt đối vào Chúa sẽ giúp ta vượt qua tất cả; trong mọi hoàn cảnh, hãy nhớ Chúa yêu thương ta một cách trọn vẹn nên Ngài đã hiến dâng tất cả vì ta. Chính vì thế, dù như thế nào vẫn thờ phượng Chúa, vẫn yêu mến Chúa.

  1. Bí tích Thánh Thể là sự chia sẻ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13). Nhiệm vụ của môn đệ trên bước đường truyền giáo cùng với Thầy Giêsu là phân phát bánh và cá cho dân chúng, những người đói. Nhưng sâu xa phải là việc trao ban chính Đức Giêsu đến cho nhân loại hôm nay. Cầm lấy bánh trao cho người đói là tương đối dễ; nhưng có Đức Giêsu để chia sẻ với mọi người là chuyện không dễ chút nào.

Người ta cần dung mạo thực sự của Đức Giêsu. Đó là một khuôn mặt thể hiện sự thánh thiện của Thiên Chúa là Cha. Vì vậy Kitô hữu cần có một đời sống từ suy nghĩ, lời nói, việc làm phải trong sáng.

Người ta cần một cung cách của Đức Giêsu, đó là sự phục vụ. Vì vậy Kitô hữu trong mọi hoàn cảnh phải là những con người biết cúi mình xuống để phục vụ.

Người ta cần Đức Giêsu biết chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ. Vì vậy Kitô hữu bớt nghĩ về cái tôi của mình, mà phải biết hướng ra để đồng cảm với Giáo hội và những hoàn cảnh khó khăn cụ thể ngoài xã hội.

Nói tóm lại, lễ Mình Máu Thánh Chúa là một lần nhắc chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô qua việc trao ban trọn vẹn cho nhân loại chúng ta. Vì vậy thêm một lần ta phải xác quyết niềm tin của mình để đón nhận Bí tích Thánh Thể cách xứng đáng hơn. Và nhất là để ta biết sống ý nghĩa đích thực của Bí tích Thánh Thể là sự trao ban.