Tình Yêu Và Thương Xót Vô Hạn Của Thiên Chúa 

print
Tình Yêu Và Thương Xót Vô Hạn Của Thiên Chúa 

Chúa Nhật 24 Thường Niên C 11.09.22

vo ha

I. Văn hóa của dân tộc Việt Nam, ca tụng “tình cha ấm áp như vầng thái dương” còn lòng mẹ thì “bao la như biển Thái Bình”. Trọn vẹn cả câu trên nầy muốn sánh ví tấm lòng cao cả vô biên của cha mẹ thương yêu con cháu, nhưng hình ảnh được dùng còn bị rất giới hạn trong cái nhìn cũng như ngôn ngữ của con người. 

Dưới lăng kính tôn giáo, cha mẹ là thế hệ trực tiếp được cộng tác vào công trình sáng tạo của Thượng Đế, qua việc thông truyền sự sống thể lý cho thế hệ sau. Chỉ đóng góp một mặt, mà bậc làm cha mẹ còn có tấm lòng với con cháu cao cả như vậy, huống chi Thiên Chúa là Nguồn Sáng Tạo cả xác lẩn  hồn con người, thì tấm lòng của Người phải cao sâu biết là dường nào hơn nữa.

Ba bài đọc Lời Chúa vào Chúa Nhật 24 Thường Niên năm C nầy, thêm một lần nữa, xác quyết và ca tụng thêm lòng thương xót bao la vô hạn của Đấng Hóa Công. Người là Chúa của tình yêu thương và tha thứ. Đấng giầu lòng thương xót và hết sức khoan dung (Xh 34, 4-6.8-9)  dù con người đã bao phen phản bội lỗi phạm.  

Thời Tân Ước, Thiên Chúa sai Con Một của Người đến trần gian cho nhân loại sáng tỏ thêm về Lòng Thương Xót qua ba   câu truyện  trong bài Phúc Ngôn bên dưới. 

Vậy để ôn lại và nhớ ơn tấm lòng yêu đương thương xót bao la của Thiên Chúa, ta cùng đọc chính văn những dòng Lời Chúa bên dưới cùng xin ơn thêm soi sáng.

 

II. Lời Chúa

Bài Ðọc I: Xh 32, 7-11. 13-14  

“Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”.

Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời. Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.

 Bài Ðọc II: 1 Tm 1, 12-17  

“Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôtê.

Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào cùng với đức tin và đức mến trong Ðức Giêsu Kitô.

Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời.

Danh dự và vinh quang (xin dâng về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời. Amen!

 

 Phúc Âm: Lc 15, 1-10 (hoặc 1-32)  

“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!”

 Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. 

Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Người lại phán rằng: “Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của.

 Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. 

Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói!

 Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. 

Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’.

 Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. 

Tên đầy tớ nói: ‘Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. 

Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.

“Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’”.

 

III.  Đôi Dòng Ghi Chú và Tâm Tình 

Trước hết bài đọc 1 từ Sách Xuất Hành, là cuốn thứ hai trong Kinh Thánh Cựu Ước, 40 chương, được sư tập trong thời gian dài 1450-517 TCN, không rõ tên ký lục, được cho là của ông Môsê.  Sách ghi lại quyền năng Thiên Chúa giải thoát dân Israel ra khỏi nô lệ Ai Cập và ban Mười Điều Răn Giao Ước tại núi Sinai. 

Trong bài đọc 1 trên, khi Ông Môsê còn trên núi nhận hai bia đá ghi Lề Luật Giao Ước, thì Thiên Chúa bảo Ông   xuống núi vì dân đã phạm tội chống Chúa  bằng cách đúc tượng bò vàng và thờ lạy với của lễ y như dân đã làm với Thiên Chúa trước kia. 

Con bê bằng vàng trên, do nhóm ly khai tranh chấp với Ông Môsê, muốn có biểu tượng  riêng tư về Thiên Chúa, dựa vào biểu tượng thần linh của Đông Phương thời kỳ cổ xưa,  thay cho Hòm Bia là hình ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. 
 
Vì dân phản bội nên Thiên Chúa nổi giận, tới cấp độ muốn tiêu diệt dân và thay thế bằng dòng dõi của Môsê. Nhưng ông không nhắc tới, mà chỉ  nài xin Thiên Chúa nhớ lại tiên xưa của dân Chúa và những kỳ công Người đã làm cho dân,  mà nguôi cơn giận. Rồi Thiên Chúa  tha thứ cho cho dân vô điều kiện.
 
Sự việc cầu thay nguyện giúp cùng Thiên Chúa của Ông Môsê ngày xưa, tiên báo việc chuyển cầu của Chúa Giêsu lên Chúa Cha thời Tân Ước, cũng như chính Chúa Giêsu cho nhân loại biết Lòng thương Xót của Thiên Chúa bao la vô hạn qua ba dụ ngôn trong bài Phúc Ngôn. 
 
Qua bài Phúc Âm, vào bài Chúa Giêsu thân gần với người thu thuế và tội lỗi, nên bị người biệt phái dán nhản  ý nghĩa “gần mực thì đen”.  Nhân cơ hội nầy, Chúa Giêsu muốn mở mắt cho họ và những người tự cho mình là đạo đức bằng ba dụ ngôn về tình yêu và lòng thương  xót riêng người tội lỗi vì hạng nầy mới  cần thầy thuốc (Mt 9: 9-13). 
 
Hai câu truyện đầu mà Chúa Giêsu nêu  lên, trong đời thường, ít ai làm được vì không họp lý cho lắm  kinh tế và thời gian cần thiết.
 
Trước hết, nếu có 100 con chiên, mà một con đi lạc, cũng còn 99 con. Coi như một tai nạn, ru ro bị mất mát nhỏ. Còn Dụ ngôn  10 đồng bạc mà bị mất 1 đồng – chuyện nhỏ –  cũng còn 9 đồng – số lớn. 
 
Tới truyện thứ ba về người con tự ý đi hoang sau khi đã chia gia tài, thì được mấy người cha có tấm lòng rộng lượng mừng đón con về như người cha trong dụ ngôn. Bình thường, người con phải bị ra rầy khiển trách kèm theo  hình  phạt nặng nhẹ, cũng là phước lớn cho người con rồi.  Vì giáo dục theo Đông Phương trước kia là “thương con cho roi cho dọt”. Nhưng người cha như Chúa thì lại chỉ “cho ngọt cho bùi”
 
Ba câu truyện bên trên dạy cho con người về tấm lòng yêu thương cao cả và thái độ  chia sẻ đắng cay ngọt bùi với đứa con hư, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được trọn vẹn. 
 
Noi theo tấm gương nầy, những hội viên Legio Mariae Đạo Binh Đức Mẹ của mỗi giáo xứ, hằng tuần đi công tác thăm viếng tới những gia đình cần được viếng thăm, với tâm tình mà Chúa nói năm xưa là mang chiên lạc trên vai về chuồng, cùng  với vòng tay mở rộng của người cha nhân hậu. 
 
Mọi người con Chúa xin noi theo tấm lòng nhân từ của Người mà đối đãi với nhau; được mức độ nào, quí mức độ đó.  Vì tình thương mới thăng tiến con người mọi mặt cũng như hóa giải được mọi hiểu lầm hoặc thù oán.   
 
Gọn lại, sách vở cho biết, ngày kia Thánh Gioan Bosco (1815-1888) Don Bosco tới trại giáo hóa thiếu nhi phạm pháp tại thành Turin, nước Ý, xin cho các em đi cắm trại trong một khu rừng. Truyện nầy chưa từng xảy ra vì thẩm quyền trông coi trại tù sợ các em có đi mà không có  về. Nếu xảy ra như vậy thì họ phải bị tù thế.
 
Với lời khẩn cầu và bảo đảm  của vị Linh Mục có tiếng trong việc giáo dục trẻ em, ban giám thị nhà tù cũng cho các em đi cắm trại với điều kiện có lính theo sau canh giữ. Nhưng Cha Don Boscô không cần lính. Đến chiều tà, các em trở về đầy đủ trong kỷ luật sau một ngày vui chơi ca hát sinh hoạt lành mạnh ngoài trời. 
 
Tình yêu thương, quan tâm,  chăm sóc của Cha đã cảm hoá các em từ bất tuân thành có kỷ luật, để rồi trở nên người tốt sau đó. 
 
 Chính Chúa đã dùng tình yêu và lòng thương xót vô hạn đối xử với chúng con. Xin tạ ơn Chúa.
 
IV. Xin Dâng Lời Cầu

Cha mẹ trong gia đình là hình ảnh trung gian biểu tượng của lòng yêu thương và tha thứ cao cả của Thiên Chúa Sáng Tạo, khi con cháu biết ăn năn sám hối lỗi lầm. 

Xin cho mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh biết đối đãi với nhau  như Chúa đã sử sự trong thương yêu và lòng tha thứ.

Xin cho gia đình nhân loại hôm nay trở thành tổ ấm cùng là  chốn nương thân cho con cháu trong tình yêu thương, bao dung  tha thứ.

Xin cho mọi người trong Họ Đạo chúng con, khi có lỗi lầm, lúc bị bỏ rơi, biết tìm về với Chúa là tổ ấm yêu thương và lòng thương xót tuyệt đỉnh trên trần gian nầy.

Chúa đã làm  gương yêu thương, tha thứ cho  cả những kẻ thù ghét và gây khốn khó cho Chúa. Xin cho chúng con biết bắt chước tấm gương  nầy trong đời sống, được bao nhiêu quí bấy nhiêu.
Xin cho những nhà cầm quyền  trên thế giới hôm nay biết “biến lưỡi kiếm thành lưỡi cày, giáo mác thành liềm hái” (Is 2: 4) để mọi người có cuộc sống hoà thuận yên vui, xứng đáng nhân phẩm. Amen.