Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm B – 2021
Tình Yêu Và Trách Nhiệm
Lm. Giuse Nguyễn
Thư chung HĐGMVN 2019, số 3 có nhận định về những thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay như sau: “Giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng, vô cảm và vô trách nhiệm…”. Những biểu hiện của thói vô trách nhiệm vẫn diễn ra nhan nhản hằng ngày nơi gia đình, trường học, sân chơi, công sở và cả nhà thờ nữa. Ví dụ dửng dưng chơi game khi cha mẹ đang bận rộn với công việc gia đình; không học bài mà tìm cách quay cóp ; bài bạc, cá độ dẫn đến nợ nần ; sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện ; nói dối gia đình đến nhà thờ nhưng không đi lễ…
Trang Tin Mừng của Chúa Nhật 4 Phục Sinh năm B cho chúng ta hình ảnh của một vị Mục Tử nhân lành sống bằng cả tình yêu và trách nhiệm đối với đoàn chiên của mình. Không ai định nghĩa được tình yêu, nhưng qua những gì vị Mục Tử thể hiện chúng ta biết được đó chính là tình yêu, nhất là việc “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11). Cũng chính vì tình yêu mà vị Mục Tử đã bảo vệ đoàn chiên của mình. Sự bảo vệ đó được so sánh với người làm thuê: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy” (Ga 10, 12). Tình yêu và trách nhiệm của vị Mục Tử được thể hiện qua việc biết từng con chiên trong đàn và những con chiên lạc nữa để anh ta cũng phải đưa chúng về. Tất cả những gì vị Mục Tử làm cho ta thấy rõ Tình Yêu và Trách Nhiệm.
Chúa Nhật 4 Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành vì Đức Giêsu Phục Sinh chính là vị Mục Tử nhân lành chăm sóc đoàn chiên của mình bằng cả tình yêu và trách nhiệm, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho đoàn chiên. Chức năng mục tử này được chia sẻ cho các Kitô hữu trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội để mỗi người chúng ta cũng có bổn phận chăm sóc đoàn chiên được trao phó trong phạm vị của mình. Cách riêng qua Bí tích Truyền Chức Thánh, các Linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là đầu và là Mục Tử, để các ngài phải chăm sóc đoàn chiên chính là các linh hồn được trao phó cho các ngài. Như thế mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống tình yêu và trách nhiệm trong bậc sống của mình. Như vậy phải luôn luôn ý thức mình có trách nhiệm vì mình là một con người và hơn thế nữa là người con Chúa.
Chỉ có loài vật mới vô tâm, vô tình và vô trách nhiệm, sống theo bản năng; nhưng trong bản năng của loài vật lại thể hiện sự chu toàn trách nhiệm khi có những con vật bảo vệ gia đình của mình đến chết (dĩ nhiên theo bản năng chứ không có suy nghĩ và tình yêu).
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp đã bảo vệ đoàn chiên của mình cho đến chết, mặc dù khi thấy những nguy hiểm, bề trên khuyên cha nên rời Tắc Sậy, cha đã trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.” Một khi đã lãnh trách nhiệm thì phải chu tòa cho đến cùng, không vì những khó khăn thử thách mà chùng bước hoặc bỏ cuộc.
Ngày lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được trao cho hồng ân lớn lao là được làm con Chúa cùng với bảo đảm hạnh phúc đời đời, nhưng đồng thời cũng lãnh lấy trách nhiệm phải sống và bảo vệ đức tin của mình. Thế nhưng theo dòng năm tháng, con người yếu đuối mỏng giòn của chúng ta chỉ đòi hồng ân chứ không màng trách nhiệm. Nhiều người không đi lễ nữa vì đi lễ hoài mà vẫn nghèo, vẫn làm ăn thất bại. Nhiều người bỏ Chúa để theo một vị thần khác vì Chúa của người Công giáo khó khăn quá, giữ đạo mệt quá! Thậm chí có những người nói theo đạo phải đóng góp đủ thứ…
Thế nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi tôi đã làm gì với trách nhiệm đức tin, với phần hồn phần rỗi của tôi, hay chỉ đơn giản là đi lễ ngày Chúa Nhật? Những nổ lực của tôi như đi lễ, tuân giữ những điều mà Chúa và Hội thánh chỉ dạy, những đóng góp của tôi cho Giáo hội là vì mục đích gì? Trong khi cuộc sống của tôi có bao nhiêu thời gian cho những tiệc tùng, vui chơi, giải trí? Những dễ dãi của xã hội có làm tôi tốt hơn hay làm bang hoại đời sống của tôi? Những đóng góp của tôi cho Giáo hội có thấm thía gì so với những phung phí hoặc những việc làm bất chính của tôi; chưa kể đến việc những gì tôi có là do Chúa ban…
Chúng ta chỉ nghĩ đến những tiêu cực trong đời sống đạo mà chưa nghĩ điều tích cực là làm gì để chu toàn trách nhiệm trong đời sống đức tin. Cha sở mời gọi và nổ lực trong việc đọc kinh hôm chung trong gia đình, tôi có lo sắp xếp thời gian và lên kế hoạch cho giờ kinh hôm đó chưa hay là tôi còn đổ thừa cho hoàn cảnh, thậm chí đơn giản vì tôi xấu hổ?… Họ đạo tổ chức sự kiện này, sự kiện nọ để củng cố tình hiệp thông và tạo sinh khí cho họ đạo, tôi có tham gia chưa hay xem nó là sinh hoạt của riêng Hội đồng Giáo xứ?…
Ngoài ra còn có những trách nhiệm khác liên quan đến các Bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận. Ngày thành hôn chúng ta hứa giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau ốm, để yêu thương và tôn trọng nhau mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Đó chính là trách nhiệm mà chúng ta phải chu toàn. Hay đối với con cái, chúng ta đã hứa giáo dục đức tin cho chúng. Thế nhưng chúng ta có ý thức điều đó như là trách nhiệm của chúng ta ít nhất là làm gương và nhắc nhở cho con cái mình.
Tâm lý chung của con người chúng ta là đòi quyền lợi mà quên đi trách nhiệm. Tìm sung sướng mà không màng hậu quả. Chính ông bà nguyên tổ đã vấp phải điều đó.
Lễ Chúa Chiên Lành năm nay diễn ra trong năm “Đồng hành cùng người trẻ trong đời sống gia đình”, để nhắc nhở cho các gia đình phải chu toàn trách nhiệm của mình. Qua việc chu toàn trách nhiệm của những người cha, người mẹ sẽ giúp cho con cái mình có một nền tảng vững vàng hơn về nhân bản, nhất là về đời sống đức tin.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống đạo tức là sống theo Đức Giêsu là đường là sự thật và là sự sống, để chiêm ngắm Ngài là một vị Mục Tử đã hết lòng với đoàn chiên bằng tình yêu và trách nhiệm. Chúng ta đã đón nhận mọi sự từ tình yêu và trách nhiệm của Mục Tử Giêsu, thì cũng phải biết sống tình yêu và trách nhiệm trong bậc sống của mình. Chu toàn trách nhiệm sẽ giúp ta nên thánh.