Tôn Vinh Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ
Chúa Nhật 34 Thường Niên C 20.11.22
vo ha
I. Chúa Nhật 34 Thường Niên là cuối cùng kết thúc năm Phụng Vụ Kitô Giáo – Phụng Vụ là những việc cử hành chính thức tôn thờ Thiên Chúa. Ba Bài Đọc Thánh Kinh trong Phụng Vụ Thánh-Lễ Chúa Nhật nầy được chọn lựa, qui chiếu về cùng đích Đức Giêu Kitô Vua Vũ Trụ. Người là Vị Vua kỳ diệu trên hết các vua chúa trần gian.
Lễ Chúa Giêsu là Vua được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập ngày 11/12/1925 sau những đổ vỡ, mất mát đau thương của nhân loại do thế chiến I (1914-1918) giết chết hàng chục triệu người. Lễ Nầy Mong ước cho loài người nhìn vào mẩu gương Vua Hòa Bình Giêsu, mà ngưng mọi mộng bá chủ chiếm đoạt vật chất trần thế, để cùng nhau xây dựng hoà bình cho nhân loại không còn đau khổ.
Chúa Giêsu là là vị vua vô sản kỳ diệu có một, vì khi đến trần gian, sinh ra trong lạnh giá trong hang đá dành cho bò lừa tại Bêlem cho tới cuối đời trên thập giá. Người là vua nhưng không có tảng đá gối đầu (Lc 9: 58). Người luôn dạy dỗ và thực hành sự thật trong tình yêu Thiên Chúa và con người.
Tới đây, Ta cùng đọc những bài chính văn Lời Chúa bên dưới, cùng xin ơn Chúa thêm sáng soi.
II. Lời Chúa
BÀI ĐỌC I: 2 Sm 5, 1-3 “Họ xức dầu phong Đavít làm vua Israel”.
Bài trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Đavít tại Hebron mà nói rằng: “Đây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel’”.
Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavít làm vua Israel.
BÀI ĐỌC II: Cl 1, 12-20 “Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tội.
Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.
Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.
PHÚC ÂM: Lc 23, 35-43 “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”.
Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”.
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:
“Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao?
Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?”
Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
III. Đôi Dòng Ghi Chú Và Tâm Tình.
Trước hết, bài đọc 1 từ sách Samuel quyển thứ 2, ghi lại một giai đoạn rất quan trọng của lịch sử Dân Chúa dưới nhãn quan tôn giáo.
Thời kỳ trên, bắt đầu thành lập nước quân chủ có vua lãnh đạo. Saolê là vua đầu tiên bị thất sủng với Thiên Chúa và Davit là vua thứ hai kế tiếp. Sách Samuel 1 và 2 được viết trong khoảng những năm 930-517 TCN, do những ký lục vô danh, cũng có thể 1 phần do Samuel, ghi lại những sự kiện trong chừng 140 năm từ 1100 TCN tới năm 960 TCN.
Bài đọc 1 trên, chỉ gom gọn 3 câu. Câu 1 nói “toàn thể chi tộc Israel đến cùng Đavít tại Hebron”. Còn câu 3 thì “tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavít làm vua Israel”.
Thực ra, Chúa sai Tiên Tri Samuel đi tìm cậu thanh niên nhỏ con, tên David mà sức dầu phong vương cho cậu cách âm thầm giữa các kỳ mục chỉ tại Bêlem đang run sợ ra đón (1 Sm 16: 1-13). Sau đó David phải trốn tránh vua Saolê truy sát cậu.
Còn những kỳ lão, bình thường được hiểu là nếu không có chức tư tế, không được đụng chạm đến dầu thánh, nên không phong vương cho ai được. Nếu có mặt trong lễ phong vương, thì chỉ là chứng nhân, có khi được mời cùng đưa tay cầu nguyện trong nghi lễ mà thôi. Hiểu thêm, việc ký giao ước giữa vua và dân là việc chính trị hay dân sự, ngày xưa thường được thực hiện trước Thần Minh – Thiên Chúa ở đây – cho thêm ăn chắc, chính thực, chính danh.
Ngày nay, khi đọc bản văn trên, nên chú tâm vào ý chính, là toàn dân Israel công nhận David làm vua. Ông đã dẫn dắt Israel khi còn vua Saolê. Nhưng quan trọng nhất cho dân nầy, vì họ là thần dân của Đấng Giavê. Thiên Chúa mới là vua thượng đỉnh, tối cao. Còn David chỉ là đại diện tại trần thế: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel’” (c. 2).
Nên biết, “Vua” là danh từ Nôm hay Nam của người Việt, có nguồn gốc Việt Nho của tổ tiên Bách Việt chừng 5000 năm trước, gọi là Vương hay Quân, Hoàng Thượng, Hoàng Đế . “Vua” là người đứng đầu tối cao cầm quyền cai trị ở một nước, được toàn dân tôn kính suy phục.
Về mặt tôn giáo, Kitô hữu một khi đã tin nhận Chúa Giêsu là vua của tâm hồn mình, thì phải đi tới hành động, là hoàn toàn tôn kính thần phục và làm theo lời Người chỉ dạy, hầu xây dựng nước trời mới. Lời của Người chỉ dạy được tóm gọn trong một câu kính Chúa yêu người, như mẩu gương mà Vua Giêsu đã làm khi từ thiên thượng hạ mình sinh xuống trần thế.
Theo Thánh Kinh, David chỉ làm vua hữu hình trong thời gian vài chục năm của lịch sử Do Thái cổ đại, cũng giúp tạo nên nhịp cầu ngàn năm sau đó, dẩn đưa tới Chúa Giêsu, là vua tâm hồn của con người muôn thế hệ trong bài Phúc Ngôn.
Qua Bài Phúc Âm, là bản tường thuật một số sự kiện quan trọng những giờ phút sau cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá.
Theo sưu tập trong quyển Đức Kitô Trong Lịch Sử, lúc đó quan Philatô cho treo phía trước ngực Chúa Giêsu – tấm bản “Giêsu Nadaret Vua dân Do Thái” bằng tiếng Hi lạp, Latin và Do Thái.
Ý định của Philatô được nhiều nhà chú giải thấy xa những mặt khác về chính trị, xã hội, cai quản, giao tế… Ở đây, chỉ giới hạn về mặt linh thiêng với ý chính, là Thiên Chúa muốn vinh danh Chúa Giêsu là Vua thực sự của các nước trên thế gian khi được treo trên thập giá.
Đây là sự mầu nhiệm hay kỳ diệu về mặt tôn giáo, gọi là vì tình yêu tuyệt đỉnh, mà Chúa Giêsu mới hi sinh thân mình chết ô nhục trên thánh giá để giải thoát nhân gian khỏi mọi tội lỗi như vậy. Mà ai có niềm tin thật sự nơi Chúa, mới có thể thấy được.
Thí dụ như có trường hợp, khi nhìn thấy phần tàn phế trên cơ thể của ông bà cha mẹ hay người thân, vì tình yêu ta cao xa dường nào đó, mới dám liều mạng nhảy đại vào lửa khi rủi ro hoả hoạn hay bom đạn xảy ra, để cứu ta thoát khỏi tử thần.
Dấu vết tàn tật lưu lại trên thân xác, là chứng tích tinh thần của tình yêu bao la vượt xa đất trời, mà người được cứu trong cuộc và những ai hiểu biết, đều quì xuống tôn vinh, thán phục, khắc cốt ghi tâm sự hi sinh cứu mạng đó suốt đời. Cùng nguyện noi gương để trả ơn truyền lao cho bao người đã làm phước cho chính mình.
Trước tình cảnh Chúa Giêsu bị hoạn nạn, nhiều viên chức của Thượng Hội Đồng lãnh đạo nhà thờ Do Thái hả hê nhục mạ Chúa bằng những lời thách thức động trời: ông hãy tự cứu mình hơn là cứu người khác. Hãy tự xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nê họ.
Bên cạnh Chúa Giêsu, có một tử tội cùng bị đóng đinh, được gọi là kẻ trộm, có bản văn gọi là gian phi. Có nhà chú giải cho rằng anh nầy phạm tội quốc sự, làm cách mạng nổi loạn chống lại chính quyền Roma, nên mới bị án tử hình nặng nề đóng đinh. Nếu là tội ăn cắp lặt vặt, chỉ bị phạt đánh đòn ít nhiều rồi được tha. Anh nầy lại đổ thêm dầu vào lửa hận thù của nhóm thủ lãnh trên, cho lên ngút ngàn. Anh đã lập lại như y bản chính lời lẽ gian ác của nhóm người trên.
Nhưng may thay, lúc đó còn có tử tội lương thiện bên phải, mắng tên kia và tin tưởng vào Vua Giêsu ” “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.
Niềm tin của anh, cứu anh qua lời Chúa hứa: “Ta bảo thật với anh : ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Chúa Giêsu còn dạy nhiều điều quí giá cho hàng lãnh đạo. Bình thường không mấy vua chúa nào thích nghe câu nầy nhưng trong thâm tâm thì rất khâm phục, như đưọc ghi trong tin Mừng Matthêu 20: 24 – 28: Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Trở lại Bài đọc II Cl 1: 12-20
Thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu Côlôxê
Chúa Giêsu là hình ảnh cụ thể của Thiên Chúa mạc khải cho loài người.
Nhờ Chúa Giêsu mà muôn vật và vô hình được tạo thành.
Thêm nữa, mọi người được làm hòa với Thiên Chúa nhờ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.
Gọn lại, Lịch Phụng Vụ muốn tín hữu hiểu rằng thời gian đời là của Chúa. Chúa lại ban thời gian đó riêng tư cho mỗi người có hạn định. Lúc tận cùng của thế giới nầy và của riêng đời mình, phải đưa tới đích điểm là Thiên Chúa. Từ nay tới ngày giờ đó, Chúa luôn là Vua thật trong tâm hồn của chúng con. Xin chỉ cho chúng con tôn thờ Chúa cách xứng đáng.
IV. Xin Dâng Lời Cầu.
Chúng con từ nay tin nhận Chúa Giêsu là Vua thật của tâm hồn chúng con.
Xin cho mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh luôn làm nhân chứng cho mọi người biết Chúa Giêsu là vua tình yêu trong tâm hồn họ.
Xin cho các nhà cầm quyền trên thế gian hiểu rằng nước Chúa không cạnh tranh hay thách thức quyền lợi chính trị vật chất của họ, để cùng nhau xây dựng hoà bình, ổn định và hạnh phúc cho mọi người.
Xin cho tình yêu thương của Vị Vua Thái Hoà, giúp cho dân Chúa thoát khỏi mọi chia rẽ, bất hoà, gian trá, đàn áp, bóc lột, bất công về vật chất cũng như tinh thần.
Xin cho mọi người trong Họ Đạo chúng con biết rằng mọi chức vụ tôn giáo hay xã hội, là những bổn phận phục vụ nhau theo mẩu gương của Chúa năm xưa .
Xin giúp cho mỗi con dân của vương quốc Giêsu, phản ảnh ít nhiều lời dạy tình thương của Chúa tới mọi người chung quanh.
Xin cho mỗi chúng con tích cực thực hành giới răn kính Chúa Yêu người, để Vương Quyền của nước Chúa sớm lan rộng hơn trên thế gian. Amen.