TPÂH Cuộc Sống Đời Thường: Chương 8 Chữa Trị “Chán Sống” Bằng Phương Thế Tự Nhiên

Chương Tám

Chữa Trị “Chán Sống”

Bằng Phương Thế Tự Nhiên

  1. Chữa trị bằng y học, thuốc men.

Như chúng ta đã thấy, từ muôn thuở đã có những phương pháp, những phương thuốc được đề ra: thời xưa là cây cỏ, thời nay là âu dược cho đến loại biệt dược nhập từ Ấn Độ hoặc Nam Mỹ để trị chứng suy thoái tinh thần do di truyền.

Ngoài thuốc men, để giúp những người đang bị suy thoái tin tưởng, kinh nghiệm nghề nghiệp nhưng cũng là kinh nghiệm riêng tư của tôi cho tôi nhận thức được hai sự kiện đơn giản: những người “chán sống” muốn được lắng nghe và muốn được thay đổi những gì họ cho là tiêu cực.

  1. Chữa trị bằng lắng nghe:

Sự kiện đầu tiên là nhu cầu được lắng nghe, là con người, khi bị đau khổ, nhất là trong giai đoạn chán sống, họ muốn được lắng nghe; lắng nghe và chú tâm cần thì giờ để mang lại tất cả kết quả của nó. Những gì ngày nay người ta gọi là tâm lý trị liệu chỉ là một loạt thực hành tìm cách trả lời cho tất cả các vấn đề chính yếu về hiện hữu của những người đặt ra câu hỏi đó, bằng cách lắng nghe họ và lắng nghe các nghi ngờ của họ.

Một thầy giáo lớn tuổi đã kể lại cuộc thi mà có lần ông được mời làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm xem đứa trẻ nào có lòng quan tâm đến người khác nhất. Người đoạt giải cuộc thi này là một cậu bé mới bốn tuổi.

Gần nhà cậu bé có hai vợ chồng già luôn yêu thương và nương tựa lẫn nhau. Cho đến một ngày kia, khi bà cụ qua đời, ông cụ đau buồn khôn xiết. Nhìn thấy ông cụ đau đớn, cậu bé đi qua nhà và leo vào ngồi trong lòng ông cụ, và cứ ngồi yên ở đó. Khi mẹ cậu bé hỏi cậu đã nói gì để an ủi ông cụ, cậu bé trả lời:

– Con chẳng nói gì cả, con chi giúp cho ông khóc được thôi mà.[1] 

2.1. Chú mèo Kitty: Biểu tượng của lắng nghe

Cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên vội vã và dường như ai cũng tất bật với công việc của mình. Trong thời đại của máy móc và các thiết bị điện tử, chúng ta ít có thời gian để quan tâm đến những người thân yêu trong gia đình. Bố mẹ đi làm, con cái đi học, chẳng ai còn kịp để ý cuộc sống của mình đang trôi qua trong sự tẻ nhạt và đơn điệu.

Có một cô bé sống trong một gia đình như vậy. Bố mẹ cô bận rộn với những chuyến công tác và lịch trình dày đặc. Cô bé thì ngày nào cũng đến trường hoặc tham gia vào những hoạt động ngoại khóa nào đó. Thế nhưng vì bé nhỏ và nhút nhát nên cô bé thường bị những đứa trẻ cùng lớp trên trêu chọc, giật cặp sách, giật tóc, đôi khi còn bị đánh đập nữa. Cô bé khao khát được nói chuyện với ai đó, nhưng chẳng ai dành thì giờ ngồi nghe. Nỗi sợ hãi, sự lạc lõng khiến cô ngày càng thu mình trong vỏ ốc cô đơn.

Một buổi chiều, khi bị nhóm bạn lớp trên lôi ra làm trò đùa, cô bé buồn bã đi ra công viên gần nhà, ngồi thu mình trên ghế đá và khóc. Một lúc sau, khi ngẩng lên cô thấy một ông lão đang ngồi cạnh mình. Ông lão mỉm cười, ân cần hỏi:

–   Cháu gái, tan học rồi sao cháu không về nhà mà lại ngồi đây khóc?

Cô bé lại òa lên khóc:

–  Cháu không muốn về nhà. Ở nhà buồn lắm, không có ai hết. Không ai nghe cháu nói!

–  Vậy ông sẽ nghe cháu! – Ông lão nói rồi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh cô.

Cô bé vừa khóc vừa kể cho ông lão nghe tất cả những uất ức, những buồn rầu trong lòng bấy lâu nay. Ông lão cứ im lặng nghe, không một lời phán xét, không một lời phân định, ông chỉ nghe. Cuối cùng, khi cô bé kể xong, ông bảo cô đừng buồn và hãy đi về nhà.

Từ hôm đó, hầu như chiều nào tan học cô bé cũng vào công viên ngồi kể chuyện cho ông lão nghe. Cô bé cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều để sống. Cô thay đổi hẳn, mạnh dạn hơn, vui vẻ hơn.

Cho đến một hôm, cô bé bị một bạn trong lớp đánh. Vốn yếu đuối không làm gì được, cô uất ức và nóng lòng chạy đến công viên để chia sẻ với ông lão cho vơi bớt nỗi buồn tủi. Cô bé vội vã, chạy băng qua đèn đỏ…

Ngày biết tin cô bé mất, vẫn trong công viên, vẫn trên chiếc ghế đá mà cô bé thường ngồi, có một ông lão lặng lẽ đốt một hình nộm bằng giấy. Đó là món quà mà ông muốn tặng cho cô bé, nhưng cô bé đã không đến. Hình nộm là một chú mèo rất đẹp, trắng trẻo, có đôi tai to, mắt tròn xoe hiền lành, nhưng không có miệng. Ông lão muốn nó ở bên cạnh cô bé, mãi lắng nghe cô bé mà không bao giờ phán xét.

Đây là câu chuyện xảy ra ở nước Nhật. Và ngày nay, trên bàn học của mỗi học sinh Nhật thường có một búp bê hình con mèo không có miệng – chú mèo đã được mang hiệu “Hello Kitty”. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao chú mèo Hello Kitty lại không hề có miệng chưa? Bởi vì chú được làm ra với mục đích lắng nghe mọi người nói.

Tôi không biết “sự tích” Hello Kitty này có thật hay không, chỉ biết rằng mỗi lần nhìn hình chú mèo Hello Kitty là một lần tôi được nhắc nhở phải biết lắng nghe người khác   – lắng nghe thực sự.[2]  

2.2. Lắng nghe trong cuộc sống gia đình và trường học: chiếc ghế an ủi

“Chiếc ghế an ủi” đã hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của gia đình chúng tôi từ khi tôi còn rất nhỏ. Khi ấy, trong nhà tôi không có tài sản gì quý giá ngoài một bộ bàn ghế bằng gỗ do cha tôi tự làm. Mỗi khi một đứa em tôi ra đời, cha tôi lại đóng thêm một chiếc. Nhà có sáu người, thế là có sáu chiếc ghế, đặt ngay ngắn quanh bàn. Và luôn có một chiếc ghế trống dành cho những vị khách của gia đình. Đó chính là “chiếc ghế an ủi”.

Chính tôi là người đặt cho chiếc ghế cái tên như vậy, vì tôi nhận thấy mỗi người khách đến nhà tôi và ngồi vào chiếc ghế đó đều có một tâm sự cần được chia sẻ. Đó là dì Ann hàng xóm vừa bị mất đứa con đầu lòng mới chào đời. Đó là bác Bush không đủ tiền để đưa Lily, con gái bác, đang bị sốt vào bệnh viện. Đó cũng là bạn Rosana nức nở khi chú chó cưng biến mất. Và cả tôi nữa. Lần đầu tiên bị điểm kém, tôi ngồi trên chiếc ghế mà nước mắt lưng tròng. Khi tôi chia tay mối tình đầu, cũng tại chiếc ghế này, tôi đã ngồi lắng nghe mẹ an ủi.

Những giọt nước mắt thấm đẫm “chiếc ghế an ủi” không hoàn toàn là những giọt nước mắt đau buồn, mà đôi khi còn là của niềm hạnh phúc nữa. Đó là khi em gái tôi trở về sau những ngày nằm viện vì bệnh viêm phổi nặng, đó là lần bố mẹ mua cho tôi chiếc xe đạp khi tôi đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi tiểu học, lần tôi không ngủ được vì sắp phải xa gia đình để vào đại học, lần cả nhà họp mặt trước ngày cưới của tôi,…

Theo thời gian, tôi đã trưởng thành, có gia đình riêng và công việc ổn định tại một vườn trẻ. Mỗi học sinh trong lớp tôi là một hoàn cảnh khác nhau. Cha mẹ của Jim đã ly hôn nên cậu phải sống cùng với ông bà. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của Jim mỗi khi đến lớp, tôi cảm thấy khổ tâm vô cùng. Tôi chợt nhớ đến “chiếc ghế an ủi”. Nó đã giúp tôi vượt qua mọi nỗi buồn, và biết đâu nó cũng sẽ an ủi được Jim.

Tôi kể cho các em nghe về “chiếc ghế an ủi” và thông báo rằng nó sẽ sớm được đưa đến lớp. Tôi không ngờ những lời nói ấy đã tác động rất lớn. Các em xôn xao, mong chờ người bạn mới với niềm háo hức xem làm cách nào mà một chiếc ghế lại có thể giúp mình vượt qua nỗi buồn.

Ngày tôi đưa “chiếc ghế an ủi” vào đã thực sự trở thành ngày hội của cả lớp. Các cô bé, cậu bé đều ngồi thử rồi reo lên: “Tớ cảm thấy hạnh phúc thật”, “Nó có thể làm cho tớ vui lên này!”. Ai cũng công nhận hiệu quả tuyệt diệu của chiếc ghế. Tôi đề nghị cả lớp thảo luận những quy tắc cho người bạn mới này.

Bản quy tắc được soạn ra với sự thảo luận sôi nổi của cô giáo lẫn học trò:

– Hãy ngồi vào ghế mỗi khi cảm thấy buồn và muốn được chia sẻ.

– Không hạn chế thời gian sử dụng.

– Ghế được dành cho cả cô lẫn trò.

– Không ai được trêu ghẹo khi bạn mình ngồi vào ghế.

– Những ai không ngồi vào ghế phải chia sẻ nỗi buồn với bạn theo cách riêng của mình.

Jim là người đầu tiên trong lớp ngồi vào chiếc ghế và cậu không sao kìm được tiếng nức nở. Các em học sinh yên lặng trước nỗi buồn của bạn mình. Bỗng Kathie giơ tay xin phép tôi được ra khỏi chỗ ngồi rồi bước lên vỗ nhẹ vào vai Jim để an ủi bạn. Rồi từng em lần lượt đến bên Jim, vỗ về, nắm tay hay vòng tay ôm lấy Jim. Có những cô bé thẹn thùng hơn, chỉ đặt một viên kẹo trên chiếc bàn gần “chiếc ghế an ủi” cho Jim.

Một lát sau, Jim đứng dậy lau nước mắt rồi quay trở về chỗ ngồi quen thuộc của mình. Những lần ngồi vào “chiếc ghế an ủi” của Jim thưa dần. Cậu bé đã hòa nhập với các bạn, không còn xa cách như trước nữa. Và nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt đáng yêu ấy.

Những em học sinh khác cũng ngồi vào “chiếc ghế an ủi” vì những lý do khác nhau. Có khi chỉ vì một vết trầy trên đầu gối khi bị ngã trong giờ chơi. Cũng có khi vì bị bạn bè chọc ghẹo và đặt cho những biệt danh mình không thích. Có cô bé lại khóc vì chú mèo cưng đã chết hôm qua. Và một ngày, chính tôi cũng được những bàn tay nhỏ bé ấy vỗ về và an ủi khi tôi phải ngồi vào chiếc ghế vì nỗi đau to lớn mà tôi nghĩ mình không thể vượt qua được: đó là ngày bố tôi qua đời. Nỗi đau dường như vơi bớt và tôi đã cảm nhận được rằng cuộc sống sẽ thêm phần ý nghĩa khi chúng ta biết chia sẻ nỗi buồn đau bằng tất cả tấm lòng.[3]

2.3. Lắng nghe trong cuộc sống ngoài xã hội: người sưu tập ưu tư

Tại một ngôi làng nọ, có một khu vực rộng ở giữa làng được dùng làm nơi tụ họp của những người chuyên làm nghề sưu tập đồ bỏ đi. Họ là những người chuyên kiếm sống bằng việc nhặt nhạnh, gom góp các món đồ người khác vứt bỏ. Họ phát hiện ra rằng chính những món đồ tưởng như không có giá trị sử dụng đó có lúc lại trở thành hữu ích và cần thiết. Vì vậy, nghề thu lượm đồ phế thải này vẫn có thể tồn tại.

Người sưu tập chai lọ bằng thủy tinh thường lôi kéo mọi người đến xem và mua hàng bằng cách dùng que gõ vào lọ thủy tinh, tạo ra những âm thanh vui tai. Còn có những người chuyên thu gom xoong nồi, tem thư và sách cũ, những người sưu tập mũ nón, vé xem phim, vé xem bóng đá và truyện tranh nữa. Tất cả họ đều có một cách riêng nào đó để thu hút mọi người quan tâm đến bộ sưu tập của mình.

Một ngày nọ, một cụ già đi lang thang vào trong làng, hỏi thăm xem nơi tụ họp của những người sưu tập đồ phế thải ở đâu. Cụ vác trên lưng một bao bố lớn, nhưng trông tướng đi nhẹ nhàng của cụ, người ta đoán là cái bao bố đó không chứa thứ gì nặng cả. Đến nơi, cụ tự tìm cho mình một góc còn trống.

Những người sưu tập phát hiện ngay người khách lạ. Họ tò mò đến bắt chuyện và hỏi xem trong bao chứa gì mà to vậy. Ông cụ cho biết bên trong chẳng có gì ngoài bữa ăn trưa.

  • Ý cụ nói là chẳng có món hàng nào trong bao ư? Vậy cụ có phải là người chuyên đi sưu tập không? – Một người thắc mắc hỏi.
  • Đúng rồi, tôi là người chuyên đi sưu tập. Những thứ tôi sưu tập không đựng vừa cái bao nào cả. Tôi thu gom những nỗi buồn của người khác.

Sưu tập nỗi buồn của người khác! Quả thực đây là lần đầu họ nghe nói loại sưu tập này nên mọi người đề nghị ông lão giải thích.

  • Cách đây khá lâu, tôi chợt phát hiện một trong những thứ mà ai cũng có rất nhiều nhưng lại không muốn giữ lại, đó là nỗi lo âu và những chuyện đau buồn. Những thứ đó đè nặng lên tâm trí mọi người khiến cuộc sống thiếu vắng niềm vui. Vì vậy, tôi nảy sinh ý tưởng thu gom các nỗi ưu tư đó để mọi người được thanh thản hơn.

Một người hỏi ông lão thu gom nỗi buồn của thiên hạ như thế nào. Ông lão trả lời:

  • Trong cuộc sống hiện tại, nếu có điều gì làm anh khó chịu, lo lắng, anh hãy kể cho tôi nghe và như vậy là tôi đã có thêm những nỗi buồn của anh vào bộ sưu tập của tôi rồi.
  • Nhưng như vậy thì làm sao ông giúp được tôi? – Người kia hỏi – Ông có thể làm cho vấn đề của tôi biến mất chỉ bằng cách nghe tôi kể chuyện thôi sao?
  • Không đâu! – Người sưu tập nỗi buồn đáp – Nhưng anh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn sau khi kể cho tôi nghe. Anh hãy thử xem.

Như được mở lòng, anh ta kể cho ông cụ nghe về những gì đang làm cho mình đau khổ. Nghe xong câu chuyện, người sưu tập nỗi buồn dùng cả hai bàn tay chụm lại như thể đang cầm một cái gì đó rất nặng nề. Rồi ông lão đặt nó vào trong cái bao của mình:

  • Tôi đã cất những lo lắng ưu phiền của anh rồi. Bây giờ anh cảm thấy thế nào?
  • Lạ thật, tôi cảm thấy thoải mái hơn trước rồi. Tôi nghĩ bây giờ tôi có thể giải quyết vấn đề tốt hơn nhiều – Anh ta đáp.

Và câu chuyện về ông lão lan ra khắp mọi nơi. Chẳng bao lâu, một hàng người rồng rắn xếp hàng để kể cho ông lão nghe những nỗi buồn của họ.

Rồi một hôm, dân làng phát hiện ông lão đã mất, sau một đêm mưa gió bão bùng. Mọi người thất thần. Có kẻ bật khóc, vì giờ đây ông không còn nữa.[4]

2.4. Lắng nghe là một nhu cầu cấp thiết của con người thời đại hôm nay

Quả thật được lắng nghe là một nhu cầu của con người, nhất là con người thời đại hôm nay. Sống giữa một rừng người, nhưng con người ngày nay vẫn cảm thấy cô đơn như một tác giả đã viết như sau: “Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn bên cha mẹ. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn. Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những người khác…”.

Những dòng trên đây như muốn nói lên một sự thật: ai trong chúng ta cũng đều có thể rơi vào cô đơn. Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng có thể làm mồi cho cô đơn. Liều thuốc để ra khỏi sự cô đơn, chính là ra khỏi chính mình để làm cho người khác bớt cô đơn. Xã hội sẽ được ấm tình người hơn nếu mỗi người đều biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của mình để đến với người khác, để trở thành một đường dây điện thoại sống cho người khác.[5]

  1. Chữa trị “chán sống” bằng cách thay đổi những gì họ cho là tiêu cực.

Sự kiện thứ hai cũng đơn giản là con người đang đau khổ cần được đề nghị thay đổi trong những gì họ đang tin tưởng mà chung chung là tiêu cực. Con người cần các giải thích cho đời sống của họ, cho tình trạng của họ, cho vai trò của họ trong cuộc sống, làm cho họ dần dần đi từ cảm nhận tuyệt vọng qua cảm nhận của một đời sống có ý nghĩa và có hy vọng cho hiện tại và tương lai. Giống như André Malraux từng nói: “Một thế giới không hy vọng là một thế giới không thở được”.

Như thế, chán sống mà người ta gọi là suy thoái tinh thần, buồn bã nhưng cũng là đau đớn tâm hồn hay u buồn không phải là một căn bệnh thời đại dành riêng cho một loại văn hoá hay một loại văn minh nào. Nó phổ quát và là một phần của thân phận con người. Nó có nhiều khía cạnh. Khía cạnh làm cho người ta nghĩ đó là căn bệnh thì ngày nay đã có thuốc nhưng cũng có các khía cạnh tâm lý và vấn đề hiện hữu cũng cần được ghi nhận để hiểu kinh nghiệm đặc biệt này của nhân loại.[6]

3.1. Không có lạc quan tuyệt đối cũng như không có bi quan tuyệt đối

            Mỗi người đều có một nhân sinh quan khác nhau, có người lạc quan, có người bi quan. Người lạc quan luôn nghĩ về mặt tốt của mọi việc, giữ cách nhìn lạc quan; người bi quan lại luôn nghĩ về mặt xấu của mọi việc, giữ cách nhìn bi quan.

Thật ra, trên thế giới không có lạc quan tuyệt đối, cũng không có bi quan tuyệt đối; “Tâm sinh tắc chủng chủng pháp sinh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt” (Tâm sinh có vô vàn cách sinh, tâm diệt có vô vàn cách diệt). Lạc quan, bi quan, đương nhiên có nhân duyên bên ngoài, nhưng đa số đều là tự mình tạo nên.

Có một vị quốc vương, khi ra ngoài đi săn không may bị đứt một ngón tay, mới hỏi vị đại thần thân cận nên làm thế nào? Đại thần nói với giọng lạc quan, nhẹ nhõm: “Đây là việc tốt!” Quốc vương nghe vậy giận lắm, trách ông hí hửng khi thấy người khác gặp nạn, vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao. Một năm sau, quốc vương lại ra ngoài đi săn, bị thổ dân bắt sống, trói vào đàn tế, chuẩn bị tế thần. Vị pháp sư đột nhiên phát hiện quốc vương khuyết mất một ngón tay, cho rằng đây là vật tế không hoàn chỉnh, bèn thả quốc vương ra, thay vào đó viên đại thần tùy tùng làm vật hiến tế. Trong niềm vui thoát nạn, quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng mất ngón tay là việc tốt, liền ra lệnh thả ông, và xin lỗi vì đã vô cớ bắt ông chịu nạn một năm trong ngục tối. Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: “Cái họa một năm ngồi tù cũng là việc tốt, nếu như tôi không ngồi tù, thì thử nghĩ, vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?”

Một câu chuyện khác: Khi Tô Đông Pha bị giáng về đảo Hải Nam, sự cô tịch, hoang vu trên đảo, so với thời kỳ đầu ông mới được thăng chức vùn vụt, đúng là hai thế giới khác nhau một trời một vực. Nhưng sau đó, Tô Đông Pha nghĩ, giữa vũ trụ này, sống trên hòn đảo cô độc này, thực ra, không chỉ có một mình ông. Trái đất cũng là một hòn đảo cô độc giữa biển cả, giống như con kiến giữa chậu nước, khi leo lên một phiến lá, đây cũng là một hòn đảo mồ côi. Vì thế, Tô Đông Pha cảm thấy, chỉ cần biết hài lòng là có thể vui vẻ ngay.

Ở trên đảo, mỗi lần ăn một món hải sản địa phương, Tô Đông Pha lại thấy mình thật may mắn vì đã được đến đảo Hải Nam này. Thậm chí, ông nghĩ, nếu trong triều có vị đại thần nào đến đây sớm hơn ông, ông làm sao có thể được tự mình nếm những món ăn ngon lành như thế? Vì vậy, nghĩ đến mặt tốt của mọi chuyện, là sẽ cảm thấy cuộc đời hạnh phúc không gì sánh nổi.

Bởi vậy, đời người không có vui buồn tuyệt đối, chỉ cần một tinh thần phấn đấu, tích cực, chỉ cần luôn nghĩ đến mặt tốt của mọi chuyện, tự nhiên có thể biến khổ thành vui, biến khó thành dễ, biến nguy thành an. Helen Keller nói: “Hướng về ánh nắng, bạn sẽ không nhìn thấy bóng tối.” Nhân sinh quan tích cực, chính là ánh nắng trong trái tim, lời này thật là chân giá trị![7] 

3.2. Suy nghĩ của người lạc quan khác với người bi quan

Giáo sư Nguyễn văn Hải đã tiêu phí hết ba mươi năm đầu của cuộc đời mình để sống như một kẻ bi quan. Ông luôn nhìn mọi thứ ở những khía cạnh tiêu cực. Ông chưa bao giờ thỏa nguyện những ước vọng của mình. Và ông đã không hề cảm thấy hạnh phúc. Rồi một ngày, ông nhận ra rằng những tháng ngày đã qua của đời mình sao mà nhạt nhẽo và vô nghĩa. Không thể để tình trạng đó kéo dài mãi, ông quyết định phải sống khác đi.

Tác giả Mihaly Csikszentmihalyi đã từng viết: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải học cách thưởng thức cuộc sống. Điều đó không chỉ giúp ta cảm nhận ý nghĩa cuộc sống mà còn giúp ta hiểu rõ giá trị cuộc sống mà lâu nay ta chưa hiểu một cách đầy đủ”. Để trở thành một kẻ bi quan thì rất dễ, nhưng để trở thành một người lạc quan, hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của cuộc sống thì lại là điều không dễ. Bởi lẽ, kẻ bi quan thường không có hy vọng, không tin mọi thứ có thể thay đổi được, và nhất là chẳng bao giờ dám làm điều gì để thay đổi. Vì thế, tôi đã quyết tâm phải trở thành một người lạc quan, và bắt đầu bằng cách nhìn mọi sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày ở những khía cạnh tươi sáng hơn.

Những người có suy nghĩ lạc quan thường có khuynh hướng tiếp nhận sự việc tiêu cực với thái độ bình tĩnh, tự tin rồi dần dần đưa sự việc tiêu cực đó vào tầm điều khiển của mình. Cùng trong một hoàn cảnh, nhưng ứng xử của người lạc quan và kẻ bi quan rất khác biệt. Chẳng hạn, với một người phải chịu áp lực công việc rất cao, luôn túng thiếu về tài chính và đang mắc một món nợ lớn. Nếu anh ta là một người lạc quan, biết tin tưởng vào những điều tốt đẹp, anh ta sẽ tự biết thúc đẩy, động viên mình làm việc hiệu quả hơn để cải thiện tình hình, chẳng bao lâu nợ nần cũng sẽ trả hết, áp lực công việc sẽ giảm dần, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Ngược lại, là một người bi quan, anh ta chỉ toàn nghĩ đến những điều tệ hại: mình không có khả năng thay đổi được tình hình, mọi việc chỉ có thể càng ngày càng xấu đi mà thôi, tình trạng túng bấn sẽ kéo dài, biết đâu nay mai sẽ thất nghiệp, nợ nần chồng chất biết bao giờ mới trả xong…

Đứng trước một biến cố nào đó, người lạc quan và kẻ bi quan luôn có cái nhìn  khác nhau. Người lạc quan luôn cố gắng tìm kiếm những khía cạnh tốt đẹp của tình hình, nghĩ đến những kết quả lâu dài, nghĩ đến những gì tốt nhất trong khả năng có thể làm được để cải thiện tình hình. Họ tin tưởng ở kết quả tốt đẹp mà họ có thể gặt hái, tin rằng những bất lợi rồi cũng sẽ giảm bớt nếu mình biết khai thác tối đa khía cạnh thuận lợi, dù ít ỏi. Những người lạc quan sẽ mang niềm tin đó vào công việc, làm việc quyết tâm hơn, hăng say và chịu khó hơn rất nhiều lần để đạt được thành quả mà họ mơ ước… Trong khi đó, kẻ bi quan thì có thái độ hoàn toàn ngược lại. Họ xem công việc chỉ có tính chất nhất thời, làm như thể mọi chuyện xảy ra đều nằm ngoài tầm điều khiển của họ và những chuyện kém may mắn đều hoàn toàn do khách quan. Họ cho rằng có cố gắng đến đâu cũng vô ích mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc phải phát huy nội lực của bản thân để tác động ngược trở lại ngoại cảnh. Lâu dần, ý chí và nghị lực của kẻ bi quan bị mài mòn và anh ta chỉ còn biết khoanh tay phó mặc tất cả cho số phận.[8]

Cách tốt nhất để thay đổi thái độ của bản thân từ chỗ bi quan trở nên lạc quan là chúng ta hãy thay đổi cách lý giải của mình về mọi việc. Nhiều khi, chỉ vì cách lý giải nóng vội, nông nổi, hời hợt, hoặc do thành kiến, cố chấp mà bạn nhìn cuộc sống bằng cái nhìn bi quan. Cho nên, thử thay đổi cách lý giải của mình, cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng, sâu sắc hơn một chút về mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn thấy những khía cạnh tích cực mà lâu nay mình chưa nhìn thấy. Điều đó không những giúp bản thân ta gặt hái được thành quả trong công việc mà còn mang lại niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

Có thể đưa ra đây một ví dụ điển hình về sức ảnh hưởng của tinh thần, thái độ đến kết quả công việc. Trong một trận bóng, đội A và đội B đều có khả năng chơi xuất sắc ngang nhau. Song, có thể khẳng định rằng, đội bóng nào chơi với tinh thần lạc quan và thái độ tin vào chiến thắng mãnh liệt hơn thì khả năng nắm phần thắng cũng nhiều hơn. Một kết quả nghiên cứu trong hơn 40 năm, dựa trên 200 sinh viên chưa tốt nghiệp của trường Đại học Harvard cho thấy: những người có thái độ sống tích cực từ thời sinh viên sẽ vẫn giữ được sức khỏe tốt khi sống đến 65 tuổi; trong khi đó, những người có thái độ sống tiêu cực đã không thể vượt qua được tuổi 65.

Những kết quả nghiên cứu khác của các tác giả David Myers và Ed Diener của trường Đại học Harvard cũng cho chúng ta thấy rằng, thái độ lạc quan là một trong những bí quyết để sống hạnh phúc, chứ không phải là do giới tính, điều kiện kinh tế hay địa vị xã hội của chúng ta quyết định.

Chúng ta càng biết sống lạc quan, thì hạnh phúc trong cuộc sống mà ta cảm nhận được sẽ càng lớn lao, bất tận![9]

3.3. Hãy điều chỉnh cách nhìn

Hãy loại bỏ những phán đoán tiêu cực ra khỏi đầu bạn. Có người cho rằng đó là con đường tắt đi tới hạnh phúc, và đôi khi có thể chọc thủng những bức tường mà trước đây được xem như là bất khả thâm nhập.

Phán đoán tiêu cực về người khác và những sự việc là tự chuốc lấy cho mình một bầu khí ô nhiễm, tự đeo vào một kiếng màu tối và nhìn mọi sự theo màu sắc của kiếng ấy. Nhiều khi chúng ta cố ý dùng sự phán đoán như những dụng cụ đầy năng lực, để che chở mình và những người mình yêu thương. Chúng ta thường muốn phân biệt giữa “đúng” và “sai”, giữa “tốt” và “xấu”, giữa sự “có thể” và “không thể” để giúp chúng ta lấy một quyết định và chọn lựa một hành vi. Tuy thế, việc chúng ta nhanh chóng phán đoán thường đưa chúng ta xa những cơ may làm thay đổi và sáng tạo những điều mới lạ riêng trong đời mình; và trái lại, phán đoán tiêu cực có khi gắn chặt chúng ta vào những bất hạnh khác, chẳng hạn như mình nghĩ là người ta chơi xấu hoặc xử tệ với mình, hay là lạm dụng mình.

Ví dụ: Anh Thắng nhờ bạn giúp tổ chức một buổi sinh hoạt cho giới trẻ trong khu xóm. Trong trí bạn có thể nghĩ ngay là anh Thắng muốn có tiếng tăm mà không chịu làm việc, đã nhận sao không làm, mà lại dồn việc cho người khác. Và bạn nghĩ là mình bị anh Thắng “chơi cha” hoặc lợi dụng sự tử tế của mình. Thế là bạn bực mình và từ chối ngay… Nếu có giờ và có dịp suy nghĩ lại chắc bạn sẽ thấy sự việc một cách khách quan hơn! Đằng này, khi từ chối là làm mất một dịp phục vụ, mất luôn cả cơ hội phát triển tài tổ chức, và dịp may làm quen với giới trẻ. Biết đâu qua cuộc tổ chức đó bạn có thêm người thân và nhiều người biết đến mình; một lợi điểm cho hoạt động sau này?

Thông thường, những cảm xúc, và hành động của chúng ta phát xuất từ cách ta suy tư, diễn giải các biến cố. Trước một sự việc, vấn đề hay những gì xảy ra cho mình, chúng ta thường suy nghĩ và tìm một giải đáp. Rồi chính những giải đáp hay những ý nghĩ trong đầu chúng ta thường đưa chúng ta tới những hành động và tâm tình khác nhau tùy theo hướng suy nghĩ của mình.

Cách suy nghĩ, phán đoán và giải thích của chúng ta thường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ. Và nhiều khi chúng ta phán đoán một cách chủ quan, sai lệch mà không ý thức, điều này rất khó sửa đổi. Thường thì những phán đoán dậy lên trong đầu ta một cách mau lẹ đến nỗi nhiều khi chúng ta không kịp nhận ra nó. Và những cách suy nghĩ hoặc phán đoán ấy thường dẫn đến một cảm xúc hay một chọn lựa không chính xác. Việc đáng quan tâm hơn cả là chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ nhiều về những khó khăn, những cái xấu, cái tiêu cực trong cuộc sống của mình và thế giới chung quanh; điều này dẫn đến căng thẳng, khó chịu, lo lắng liên tục. Như thế là chúng ta tự tạo cho mình sự bất hạnh thay vì sự bình an và thoải mái.[10] Ngoài ra, chúng ta còn có thể bị nhiễm một số ấn tượng sai do ảnh hưởng của văn hóa, luân lý, môi trường… Những thứ này có khi được xem như những bức tường ngăn chận hay như những phương tiện tốt để bảo vệ mình. Chúng ta có thể vui hưởng hạnh phúc của sự thành công khi mình đã đạt tới đích, nhưng sau đó thì lại quay ra có thái độ đề phòng ngay lập tức. Thường chúng ta xem mình như kẻ đáp ứng hay là nạn nhân của hoàn cảnh, chứ không phải là tác giả của cuộc đời mình hay của những việc mình làm. Vì thế mình có thể dễ bị lạc đường và trở nên bối rối trong cách suy nghĩ rồi làm xáo trộn bình an nội tâm. Có lẽ vì những lý do ấy mà nhiều nhà đạo đức, hoặc những nhà tâm lý chuyên giúp cho con người lớn lên và phát triển thường đề nghị phương pháp làm rỗng tâm trí, nghĩa là “không nghĩ gì cả”. Họ xem đó như con đường đi đến giác ngộ, đến ý thức.[11]  

3.4. Thay đổi góc nhìn

– Nếu bạn bỏ một con chim ó vào trong một chỗ quây hình chữ nhật, mỗi chiều khoảng hai đến ba mét và không cần che chắn gì bên trên thì bạn đã có thể cầm tù loài chim có khả năng bay lượn bậc nhất này. Lý do là mỗi khi muốn bay lên từ mặt đất, chim ó phải chạy lấy đà khoảng ba đến bốn mét. Và khi thấy không đủ khoảng trống, nó thậm chí không hề bay lên thử. Nó sẽ đi loanh quanh trong chỗ quây, cam chịu “cảnh tù đày” dù chẳng có gì cản trở ở bên trên.

– Còn loài dơi – loài sinh vật nhanh nhẹn phi thường trong không gian –  lại không thể cất cánh từ một mặt phẳng. Nếu bạn đặt nó lên sân hoặc sàn nhà thì tất cả những gì nó làm là lê lết thân hình một cách khổ sở, đáng thương. Nhưng nếu đặt nó vào một vị trí mà từ đó nó có thể quăng mình vào không khí thì chỉ trong nháy mắt, nó sẽ bay vút đi như một tia chóp.

– Nếu một con ong nghệ bị rơi vào một cái lọ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nó sẽ vật vã, kiên trì tìm một lối thoát ở quanh đáy lọ mà không bao giờ nhận ra lối thoát ở bên trên cái lọ không đậy nắp. Và nó sẽ vắt kiệt sức tìm kiếm một con đường thoát thân ở quanh đáy lọ, cho đến khi nào chết rũ mới thôi.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cứ mãi loay hoay vật lộn với những khó khăn và nỗi thất vọng của mình mà không nhận ra rằng câu trả lời đích thực thật ra đã sẵn có và đang ở rất gần. Vâng, có rất nhiều tình huống mà chỉ cần biết thay đổi góc nhìn và cách nghĩ, chúng ta sẽ dễ dàng thoát khỏi những vấn đề đang làm ta khổ sở.

Thật ra làm bất cứ việc gì cũng cần phải có một góc nhìn và cách nghĩ mới mẻ, chứ không phải chỉ cần nỗ lực là sẽ đạt được thành công như mong muốn. Những người khôn ngoan là những người chọn một góc nhìn tốt nhất, rồi tiến bước trên con đường thích hợp và đơn giản nhất, với những bước đi hiệu quả nhất để hướng đến mục tiêu của mình. Nếu làm được điều đó, sự thành công nhanh chóng của bạn sẽ khiến mọi người ngạc nhiên và thán phục.[12]

3.5. Hãy động não để tìm ra giải pháp

Hôm ấy là một ngày cuối tháng Bảy bình thường như mọi ngày. Tôi đang ngồi trong một căn phòng yên tĩnh của một khách sạn nhỏ ẩn giữa rừng thông và lắng nghe những âm thanh tuyệt vọng của trận chiến sinh tử đang diễn ra cách chỗ tôi ngồi một vài bước chân.

Đó là một chú ruồi nhỏ đang dốc chút sức lực cuối cùng để vượt qua tấm kính của cửa sổ. Đôi cánh run rẩy như đang kể một câu chuyện bi thảm về chiến lược hành động của nó: Cố gắng hơn nữa.

Nhưng chiến lược ấy không hiệu quả.

Những nỗ lực điên cuồng không mang lại chút hy vọng nào. Trớ trêu thay, trận chiến này lại góp phần tạo nên chiếc bẫy cho chính nó.

Càng cố gắng, nó càng mau kiệt sức. Thật vô ích khi chú ruồi cứ nhất định muốn phá vỡ tấm kính bằng sức lực nhỏ bé của mình. Vậy mà nó đã đánh cược cả sự sống để đạt được mục tiêu bằng nỗ lực và sự quyết tâm. Cuối cùng, chú ruồi phải chịu số phận bi đát. Nó kiệt sức và gục chết trên bậu cửa.

Chỉ cách mười bước chân thôi, cánh cửa đang rộng mở. Chỉ mất mười giây đồng hồ để bay đến đó, và con vật bé nhỏ này sẽ ra được với thế giới bên ngoài mà nó đang tìm kiếm. Chỉ cần một phần nhỏ sức lực đã bỏ phí, nó đã có thể thoát khỏi chiếc bẫy mà nó tự áp đặt cho mình.

Nếu chú ruồi không khóa chặt mình vào một lối nghĩ duy nhất và thử tìm một cách khác, chú đã tìm ra lối thoát một cách dễ dàng.

Cố gắng nhiều hơn nữa không phải lúc nào cũng là giải pháp tất yếu để đạt được thành công. Nó có thể không hứa hẹn cho những gì bạn đang mong muốn đạt được trong cuộc sống. Nhiều khi đó lại là khởi đầu của những vấn đề rắc rối, tồi tệ hơn.

Nếu bạn đặt cược mọi hy vọng để tìm thấy một lối thoát duy nhất vào việc cố gắng hết sức trong một mục tiêu hạn hẹp, bạn có thể sẽ phá hủy mọi cơ hội khác của mình.[13]

3.6. Trong cuộc sống rất nhiều khi chúng ta tự giới hạn khả năng của mình

Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một thói quen rất kỳ lạ của loài bọ chét: Khi được cho vào một chiếc hộp có nắp, bọ chét nhảy liên tục lên phía nắp hộp.

Ban đầu, những con bọ sẽ nhảy chạm vào nắp hộp, nhưng dần dần chúng sẽ không nhảy cao nữa, để tránh chạm vào nắp. Đơn giản là do đập đầu vào nắp hộp thì khá đau nên chúng sẽ tự động nhảy thấp hơn.

Đến khi cái nắp được nhấc ra, bọ chét vẫn tiếp tục nhảy, nhưng không hề nhảy ra ngoài hộp. Chúng không thể. Vì chúng đã tự đặt cho mình giới hạn chỉ nhảy cao đến mức đó mà thôi.

Đó là chuyện bọ chét. Nhưng nó cũng khiến chúng ta liên tưởng đến con người. Không ít lần, vì muốn tìm kiếm sự yên ổn, vì thiếu can đảm, vì sợ tổn thương, chúng ta đã tự hạn chế khả năng của chính mình. Chúng ta chỉ muốn hoàn thành công việc ở một mức độ an toàn, vừa phải, và không quá đột phá. Ta quên mất rằng, khi tự giới hạn năng lực của bản thân, chúng ta sẽ không đạt được mức mà lẽ ra chúng ta có thể đạt đến, vì cứ ngỡ mình đã làm hết khả năng rồi. Và cứ thế, khả năng của chúng ta sẽ không có điều kiện được phát triển đúng mức.[14]

Hãy tích cực nhìn vào cách giải quyết của chú kiến bé nhỏ này:

Khi ngồi ở bậc thềm trước nhà, tôi nhìn thấy một con kiến đang tha chiếc lá trên lưng. Chiếc lá lớn hơn con kiến gấp nhiều lần.

Bò được một lúc, con kiến chạm phải một vết nứt khá lớn trên nền xi măng. Nó dừng lại giây lát. Tôi nghĩ con kiến hoặc là quay lại, hoặc là nó sẽ một mình bò qua vết nứt đó. Nhưng không. Con kiến đặt chiếc lá ngang qua vết nứt, sau đó đến lượt nó vượt qua bằng cách bò lên trên chiếc lá. Đến bờ bên kia, con kiến lại tha chiếc lá và tiếp tục cuộc hành trình.

Hình ảnh đó bất chợt làm tôi nghĩ rằng tại sao mình không thể học loài kiến bé nhỏ kia, biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành hành trang quý giá cho ngày mai tươi sáng hơn![15]

[1] First News, hạt giống tâm hồn 1, Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống, trg.165

[2] Nhiều tác giả, Hạt giống tâm hồn: câu chuyện cuộc sống, trg.75-77

[3] Hoa Phượng Theo The Crying Chair First News, Hạt giống tâm hồn 6 ý nghĩa cuộc sống,trg.117-119

[4] First News, Cho một khởi đầu mới, trg.58-62

[5]   R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.36

[6] Alain Braconnier, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.53-54

[7] Giáo sư Nguyễn Văn Hải, Thể Hiện Con Người Thật Của Bạn, trg.126-129

[8]     Giáo sư Nguyễn Văn Hải, Hãy Là Một Người Yêu Đời, trg.56-57

[9] Giáo sư Nguyễn Văn Hải, Hãy Là Một Người Yêu Đời, trg.59-60

[10] Trần thị Giồng, CND, Hạnh Phúc trong tầm tay, trg.238-239

[11] Trần thị Giồng, CND, Hạnh Phúc trong tầm tay, trg. 242

[12] Nguyễn văn Hải, Biết tin vào chính mình, trg.77-78

[13] First News.Theo Condensed Chicken Soup for The Soul,

      Hạt  giống tâm hồn và ý nghĩa cuộc sống.5.trg. 73

[14] First News , Hạt  giống tâm hồn và ý nghĩa cuộc sống.5.trg. 96-97

[15] Trúc Phương Theo The Crack and The Aunt, First News ,

      Hạt  giống tâm hồn và ý nghĩa cuộc sống.5.trg. 109

print