Trên Đường Emmau

print

TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

Chúa Nhật 3 Phục Sinh năm A : Lc 24, 13-35

Suy niệm

Sau thảm kịch thập giá của Chúa Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì vỡ mộng. Niềm hy vọng về một cuộc giải phóng Israel chưa đi tới đâu thì Thầy đã chết. Giấc mơ khanh tướng công hầu của các ông cũng tiêu tan. Họ tưởng đi theo Thầy là nắm chắc tương lai tươi sáng, nhưng rồi cuối cùng chẳng có gì và chẳng còn gì, chỉ còn thất bại và ô nhục trước mặt người đời. Tương lai mịt mờ như bóng chiều tà trên đường Emmau. Hai môn đệ lê bước về quê xưa, quay lại với cuộc sống cũ, xem như mọi sự chỉ là một thoáng chốc phù du trong cuộc trần.

Thế nhưng lúc con người thất vọng nhất cũng là lúc được khơi lên một niềm hy vọng mới. Chúa Giêsu Phục Sinh dưới dáng dấp một người khách lạ, đã âm thầm đến bên cạnh hai ông. Ngài đồng hành với họ trên đường, mở lời gợi chuyện và hỏi về sự kiện mà họ nói vừa xảy ra tại Giêrusalem mấy ngày nay. Họ trả lời lạnh nhạt với thái độ thiếu thiện cảm. Chúa Giêsu vẫn tỏ ra kiên nhẫn để lắng nghe. Họ kể lại với tâm trạng uất ức, không biết tại sao một một ngôn sứ đầy uy thế, một người mà họ tin là Đức Kitô, và vẫn hy vọng rằng chính Người sẽ cứu chuộc Israel, mà lại bị các thượng tế và thủ lãnh bắt đem ra xử án, hành hình và bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ.

Tuy nhiên, hai ông cũng cho Chúa Giêsu biết một điều làm họ kinh ngạc, là có mấy người đàn bà trong nhóm đã ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu, nhưng nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. Sau đó vài môn đệ đã đi đến, nhưng cũng chỉ thấy ngôi mộ trống mà thôi. Dù đã có dấu chỉ lạ lùng nhưng họ vẫn trở về làng quê xưa trong sự thất vọng, dù sao thì họ đã chứng kiến là Thầy đã chết thật, và chết thảm thương trên thập giá.

Nghe xong câu chuyện, Chúa Giêsu nhẹ nhàng trách họ không hiểu gì, và lòng trí họ cũng chậm tin vào lời các ngôn sứ đã báo trước về Đấng Kitô. Ngài dần dần vén mở cho họ thấy ý nghĩa mầu nhiệm của đau khổ, là chặng đường mà Ðức Kitô phải vượt qua để đi tới đích điểm vinh quang. Ðau khổ không hẳn là chuyện rủi ro hay bất hạnh, nhưng nó có chỗ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người cũng lần giở Kinh Thánh để giải thích cho hai ông hiểu những gì liên quan đến Người. Lời giải thích của Chúa Giêsu là Tin Mừng có sức thuyết phục mạnh mẽ, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại. Ngài đã thắp sáng lại niềm tin của họ, một niềm tin đã bị phủ lấp do biến cố đau thương, nên cũng che lấp sự hiện của Ngài đang đi bên cạnh họ.

Không ngờ người bạn đường mà hai ông coi thường lại có thể giải thích rành mạch về cái chết của Thầy, và đem lại một tia sáng tràn đầy hy vọng. Khi gần tới nhà, họ cố nài ép Ngài ở lại, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”. Lời nài van này không chỉ xác định thời gian một ngày đã dần tàn, mà còn nói lên một tâm trạng bơ vơ, lạc lõng, hết sức cần đến sự hiện diện đầy thân thương và an ủi của một người bạn đường tuyệt vời. “Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ”.

Thế rồi trong bữa ăn chiều, “khi đồng bàn với họ”, Ngài cầm bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”, thì họ nhận ra ngay vị khách lạ này chính là Thầy Giêsu. Lúc đó họ mới nhớ lại lúc đi dọc đường, lòng họ cũng đã bừng cháy lên khi Thầy giải thích Kinh Thánh cho họ. Lòng họ hân hoan vui sướng khôn cùng, tức tốc quay trở lại Giêrusalem, để báo tin vui mừng cho các môn đệ khác.

Ðấng Phục Sinh vẫn đến với mỗi người chúng ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ mà ta tình cờ gặp gỡ. Qua một người nào đó, Chúa đòi ta xem xét lại sự hiểu biết còn nông cạn và dang dở của mình. Qua đó Chúa thay đổi cái nhìn và khơi lên niềm hy vọng nơi chúng ta. Người vẫn đến với chúng ta từng ngày và từng biến cố vui buồn trong cuộc sống. Nhất là trong từng thánh lễ, Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta chính Mình Ngài.

Đón nhận Chúa, ta hãy tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng cho những trăn trở và bế tắc của anh chị em. Đừng quá bận tâm về bản thân đến nỗi không còn thời giờ dành cho người khác. Sống như vậy ta sẽ rất cô đơn và lạc loài, vì không nói lên được tình yêu là điều cốt yếu để sống hiệp thông với Chúa và mọi người. Cứ hãy mở ra, hãy hướng tới, hãy sống đẹp cuộc đời mình và đồng thời giúp người khác sống đẹp cuộc đời họ. Đó mới chính là cuộc đời Kitô hữu mà Chúa Phục Sinh muốn làm nên.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Khi xưa trên đường Em-mau,
Chúa đã đồng hành với hai môn đệ,
khi họ đang chán nản về miền quê,
Chúa gợi chuyện và lắng nghe họ kể,
chia sớt những thất vọng thật ê chề.

Lòng họ nồng ấm lên trước lời Chúa,
mắt họ nhận ra Chúa khi đồng bàn,
tim họ bao rộn ràng niềm vui sướng,
đi loan báo tin mừng Chúa phục sinh.

Đó cũng là kinh nghiệm của đời con,
có những lúc chán nản và buồn sầu,
gặp nguy nàn mà chẳng thấy Chúa đâu,
ai ngờ Chúa đang ở ngay bên cạnh,
lúc buồn thương vẫn có Chúa đồng hành,
con quay quắt với mình mà không biết.

Chúa viếng thăm vào lúc con không ngờ,
Chúa ngay bên càng làm con bỡ ngỡ,
Chúa đi rồi mà lòng cứ ngẩn ngơ,
nhưng tim con sẽ tiếp tục ngóng chờ,
đến bao giờ thì con đây vẫn đợi,
bởi con tin Chúa có mặt khắp nơi.

Bao nghi ngờ trong con không còn nữa,
và lòng con bừng sáng lửa mến tin,
để từ đây cuộc sống mới khởi đầu,
con vững bước an vui mà phấn đấu.

Chúa yêu thương làm lòng con tan chảy,
Chúa hiện diện làm hết thảy sáng lên,
dù cuộc sống vẫn có những bấp bênh,
nhưng lòng con trung tín mãi vững bền.

Xin giúp con trở nên người đồng hành,
luôn sát cánh với hết mọi anh em,
biết khơi sáng cho nhau niềm hy vọng,
để Chúa đến lấp đầy nỗi khát mong. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Lời Chúa: Lc 24, 13-35

Chiều ngày phục sinh, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 

Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Ðức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” 

 

Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 
Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” 
Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.