Trách Nhiệm

print

CN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM A – 2020

Trách Nhiệm

Lm. Giuse Nguyễn

Mỗi người được Chúa sinh ra, được trao cho một bổn phận khác nhau, vì vậy sống là sự nỗ lực để chu toàn bổn phận mà Chúa đã trao phó cho từng người chúng ta. Chu toàn trách nhiệm đến đâu là thước đo sự trung thành của chúng ta với Chúa, và cũng chính là điều kiện để chúng ta có đáng hưởng hạnh phúc Nước Trời hay không.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I (Is 22, 19-23)

Isaia kể về việc Thiên Chúa trao trách nhiệm cai quản đền thờ cho ông Êliakim sau khi quyết định trục suất Giobna, không cho làm cai quản đền thờ nữa. Từ câu chuyện này cho chúng ta thấy chính Thiên Chúa trao trách nhiệm cho con người. Khi trao trách nhiệm cho ai, Ngài cũng trao cho họ những thứ cần thiết để chu toàn trách nhiệm đó. Chính vì vậy nếu không chu toàn trách nhiệm Thiên Chúa đã trao phó là vì con người không lo nỗ lực để cộng tác với ơn Chúa, lúc đó Ngài sẽ lấy lại và trao cho người khác.

  1. Đáp ca (TV. 137)

Là lời cầu xin của những kẻ đón nhận trách nhiệm Chúa trao. Họ ý thức mình chỉ là dụng cụ Chúa sử dụng nên họ đã nói với Chúa: “Xin đừng bỏ dở dang công trình tay Chúa làm”.

  1. Tin Mừng (Mt 16,13-20)

Đoạn Tin Mừng này nói về việc Đức Giêsu trao trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội cho Phêrô sau khi đã trắc nghiệm và biết rằng Chúa Cha muốn dùng ông để lãnh đạo Giáo Hội, vì lời tuyên tín: “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống” không phải do khả năng của ông mà bởi mặc khải của Chúa Cha. Điều đó cho chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa về bài học trắc nghiệm các môn đệ của Đức Giêsu là để muốn biết đã đến giờ Chúa ra đi chưa, và ai sẽ thay thế Ngài để lãnh đạo Giáo Hội của Chúa. Chúa Cha cho Đức Giêsu biết đã đến giờ rồi, và người thay thế Ngài ở trần gian là người sẽ tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa muốn cho con người được chia sẻ trách nhiệm với Ngài. Ngài có thể làm được tất cả mọi việc, nhưng Ngài muốn cho con người thấy được giá trị của họ qua việc cộng tác với Thiên Chúa, vì vậy mà Ngài đã trao cho mỗi người một trách nhiệm, một phận vụ khác nhau, nhưng tất cả đều để làm vinh danh Chúa.

II. ƠN GỌI

Để chu toàn trách nhiệm, trước hết phải thấy nó là một hồng ân, một ơn gọi.

  1. Làm con người

Ơn gọi đầu tiên và căn bản nhất là ơn gọi làm người. Chúng ta cám ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta làm con người chứ không phải làm con gì khác, và hơn nữa tôi là chính tôi chứ không phải ai khác. Chúng ta đọc truyện hay xem phim sẽ thấy có những con người không ra người, vì họ vừa là người vừa là cá; vừa là người vừa là ngựa; vừa là người vừa là rắn… Hay người này nhưng lại mang hồn của người khác. Điều đó cũng phản ánh một khát vọng: Người ta muốn trở thành một con người thực sự và phải là chính họ.

  1. Làm con Chúa

Ơn gọi tiếp theo là được làm con Chúa. Trong khi biết bao người không biết Chúa là ai, tôi được biết Chúa. Trong khi biết bao người không biết rằng họ có một người Cha quyền năng hằng yêu thương, săn sóc họ, và những gì họ đang có là do quyền năng của Người Cha đó, thì tôi được vinh dự gọi Ngài là Cha. Vì thế, được làm con Chúa là một hồng ân, một ơn gọi mà Chúa dành cho những người đã biết Chúa và Ngài cũng muốn dành cho cả những người chưa biết Chúa.

  1. Ơn gọi riêng biệt

Ngoài ra, mỗi người còn được Chúa trao cho một ơn gọi, một khả năng, một điều kiện. Linh mục, tu sĩ, lập gia đình, sống độc thân… Trong những ơn gọi này, Chúa lại trao cho mỗi người một khả năng, một điều kiện khác nhau nữa. Ví dụ cũng là Linh mục nhưng Chúa muốn cha này làm cha phó, cha kia làm cha sở, cha nọ làm cha giáo… Cũng là phó tế, nhưng Chúa muốn Thầy này lo việc Giáo lý, Thầy kia lo việc thăm viếng, Thầy nọ lo cho người nghèo…. Cũng lập gia đình, nhưng gia đình này giàu có, gia đình kia đủ ăn, gia đình nọ nghèo khổ… Nếu chúng ta ý thức thì tất cả đều là hồng ân, là ơn gọi của Chúa; chứ không phải những người đi tu mới là hồng ân, còn lập gia đình thì không phải là hồng ân; những gia đình giàu sang mới là hồng ân, còn gia đình ngèo khổ thì không phải là hồng ân… Tất cả là hồng ân!

III. TRÁCH NHIỆM

Khi nhận ra tất cả là hồng ân, là ơn gọi thì chúng ta phải biết tạ ơn và đáp trả. Khi ý thức để tạ ơn, để đáp trả thì đó chính là trách nhiệm của chúng ta. Chu toàn trách nhiệm làm người, làm con Chúa và trách nhiệm riêng của mỗi người là chúng ta sống tốt 3 mối tương quan căn bản với Chúa, với chính bản thân và với mọi người.

  1. Làm người

Được làm người là một hồng ân Chúa ban. Vì vậy chúng ta hãy biết cám ơn Chúa về điều đó và lo chu toàn trách nhiệm làm người. Nhà văn Trương Quốc Dũng đã viết một câu truyện ngắn được hư cấu từ truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, câu truyện mang tên “Đường Tăng”. Truyện kể rằng đêm cuối cùng để sáng mai thầy trò Đường Tăng vào yết kiến Như Lai Phật Tổ để được trở thành Phật, Đường Tăng không sao ngủ được. Ông nhớ đến cha mẹ, những người sinh thành mà bao nhiêu năm nay ông không hề nhắc đến, không hề thắp một nén nhang. Chặng đường dài tới cửa Phật đã làm cho trái tim ông trở nên chai đá. Những khó khăn gian khổ ông vượt qua chỉ vì một mục đích duy nhất: mau thành chính quả. Ông đã cố tình bưng tai, bịt mắt trước những tình cảm của người khác dành cho mình. Mỗi một khi ông cứu giúp người khác cũng chỉ vì ông muốn lập thêm một công đức cho mình. Nước mắt ông đã dần trở nên lạnh giá. Và bây giờ ông biết rằng trên con đường thỉnh kinh để cứu độ con người, ông đã dần xa lạ với con người… Ông chợt nhói trong tim, khẽ thở dài, trở mình quay sang thì thấy 3 đồ đệ cũng chưa ngủ. Ông an ủi các đệ tử mình: “Thầy không sao đâu, thầy đang suy nghĩ ngày mai gặp phật tổ sẽ như thế nào ấy mà!” Ngộ Không lên tiếng: “Xin thầy đừng dối lòng, thầy đang nhớ kiếp người. Con từ đá sinh ra, con xem thường thần thánh, yêu ma chỉ mong được làm người. Còn thầy, thầy đã làm người, lại bỏ kiếp người đi tìm kiếp khác”. Lúc đó Đường Tăng ngồi dậy ôm chằm lấy Ngộ Không và nói: “Ngộ Không ơi, ta mong cho đêm nay đừng sáng để ta mãi mãi là người. Một đời con mong được thành người thì bị bắt ép theo ta để thành Phật. Còn ta, ta không còn là người, không phải là người thì làm sao đồng cảm với người mà cứu vớt con người”. Tôn Ngộ Không nói: “Thầy đã nhận ra chân lý rồi đấy, nhưng không còn kịp nữa thầy ơi!”.

Qua câu truyện này, Trương Quốc Dũng nói lên cho chúng ta một chân lý: kiếp người dẫu lầm than và buồn khổ bao nhiêu vẫn là một kiếp sống. Được sống, được làm người vẫn là điều cao quý nhất. Khi sống tốt kiếp người là chúng ta chu toàn trách nhiệm với chính bản thân mình.

  1. Làm con Chúa

Ý thức được sự cao quý của ơn gọi làm người đã là một điều tuyệt vời, nhưng biết được nguồn cội của con người thì tuyệt vời hơn. Nguồn cội không chỉ của con người, mà của muôn loài muôn vật là chính Chúa. Chúng ta may mắn được vinh dự biết Chúa và hơn thế nữa làm con Chúa. Chu toàn trách nhiệm làm con Chúa qua việc chúng ta sống theo những lời của Ngài chỉ dạy, đó là tuân giữ những giới răn của Ngài. Không cần phải nói người này là con Chúa, nhưng chỉ cần thấy người này không bao giờ bỏ ngày Chúa Nhật, thường xuyên đi xưng tội, biết cải thiện cuộc sống… thì người ta cũng biết người này là con Chúa. Cải thiện cuộc sống bằng cách bỏ đi những thói quen xấu. Sự từ bỏ này rất đau đớn, vì nói là thói xấu nhưng lại đem đến cho người ta những quyến rũ dễ chịu, ngọt ngào. Ví dụ đánh bài là tật xấu, nhưng đánh bài lại có sức hấp dẫn rất mạnh mẽ, thậm chí có thể bỏ ăn bỏ ngủ để đánh bài. Đá gà là một tật xấu, nhưng sức hấp dẫn của nó thì khó mà cưỡng lại. Vì vậy để bỏ đi những tật xấu thì cũng khó. Nhưng nếu chúng ta thấy được ơn gọi làm con Chúa cao cả đến mức nào, thì chúng ta mới có thể dám bỏ đi những thứ không phù hợp với nó. Song song với việc bỏ đi những tật xấu, chúng ta phải làm những điều tốt. Ví dụ dự lễ, lần chuỗi mân côi, bố thí cho người nghèo, cộng tác với Giáo hội. Nói tóm lại được làm con Chúa là hồng ân lớn lao, cho nên chúng ta phải biết quý trọng để lo chu toàn trách nhiệm làm con Chúa bằng cách cải thiện đời sống cho phù hợp với những điều Chúa dạy

  1. Làm cha mẹ

Ngoài ra có một số người còn được Chúa trao cho trách nhiệm hết sức cao cả, đó là trách nhiệm làm cha mẹ. Vì vậy, bổn phận của anh chị em là phải giáo dục con cái theo tinh thần Phúc Âm. Giáo hội rất quan tâm đến trách nhiệm của những bậc phụ huynh trong việc giáo dục đức tin cho con cái, vì vậy thường xuyên nhắc nhở anh chị em phải lo làm gương sáng cho con cái, đồng thời phải có trách nhiệm nhắc nhở dù đôi khi các em rất khó chịu.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay nói về việc Chúa trao trách nhiệm cho ông Phêrô. Từ đó chúng ta nhìn đến trách nhiệm làm người, làm con Chúa và bậc sống của chúng ta. Điều kiện để Chúa trao trách nhiệm cho Phêrô là ông phải tuyên xưng đức tin. Vì vậy để có thể chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, đòi hỏi chúng ta cũng phải có đức tin. Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại cách sống của mình, nếu thấy chưa phù hợp để hạt giống đức tin có thể nảy mầm thì hãy lo sửa đổi cho phù hợp. Và một khi hạt giống đức tin nảy mầm nơi chúng ta, thì lúc đó chúng ta mới có thể chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã trao phó.

Xin Chúa thánh hóa những nỗ lực sửa đổi cuộc sống của chúng con, và xin Chúa cho chúng con biết chu toàn trách nhiệm làm người, làm con Chúa và bậc sống của mình.