Trung thực

Trung thực

 

Xưa có một vị quan rất khôn ngoan, ông luôn phân xử mọi việc cách hợp lý. Một lần nọ, quan tới vãn cảnh một ngôi chùa. Sư cụ kính cẩn đón tiếp và nhờ quan tìm hộ số tiền của nhà chùa đã bị mất. Quan đề nghị tất cả mọi người ở trong chùa chuẩn bị lễ để cúng Phật. Quan cho mỗi người cầm một nắm thóc và bảo: – Chùa ta vừa bị mất một số tiền, chưa rõ thủ phạm. Mỗi người hãy cầm một nắm thóc này, vừa đi xung quanh chùa vừa niệm Phật. Đức Phật rất thiêng. Ai gian dối, thì nắm thóc trong tay người đó sẽ nảy mầm. Mọi người đều thực hiện. Mới đi được nửa vòng, quan thấy một chú tiểu đi chậm lại và hé bàn tay cầm thóc ra xem. Lập tức quan cho bắt chú tiểu đó lại, vì chỉ kẻ có tật mới hay giật mình. Sau một hồi tra hỏi, chú tiểu kia đành phải cúi đầu nhận tội. (Theo Nguyễn Đổng Chi)

Quý vị và các bạn thân mến,

Trung thực là một đức tính quan trọng làm nên nhân cách con người. Trung thực được thể hiện qua sự ngay thẳng thật thà trong suy nghĩ, lời nói và hành động với chính mình và với mọi người. Người trung thực là người đón nhận hiện trạng của chính mình với tất cả những ưu khuyết điểm. Họ luôn sống ngay thẳng liêm khiết và tạo được sự tin tưởng nơi người khác. Trái lại, những ai sống gian dối thường gây ra sự bất tín và không thể tạo dựng những mối tương quan bền vững. Dân gian ta có câu “Người gian thì sợ người ngay. Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo”. Trung thực là nền tảng của mọi mối quan hệ và tương tác xã hội. Muốn cuộc sống có trật tự, xã hội phát triển công bằng, mọi người phải thực hành tính trung thực ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Nếu ở đâu người ta cũng ý thức giữ tính trung thực, thì xã hội sẽ bớt đi nhiều những tệ nạn.

Trung thực bắt nguồn từ khiêm tốn. Thái độ khiêm tốn giúp người ta dám nhìn nhận khả năng, thực trạng của mình. Thói khoe khoang, tham lam ích kỷ dễ đưa đến lừa lọc dối trá để trục lợi, để có được tiếng khen với người đời. Chính Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải sống trung thực không những trong lời nói mà còn trong hành động và ước muốn. “Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).

Con người ta ai cũng yêu thích sự chân thật và ghét điều giả dối. Thế nhưng chúng ta lại hay bị mê hoặc bởi những điều giả dối. Bởi lẽ giả dối thường được ngụy trang dưới lớp áo hoàn hảo. Có lúc vì yếu đuối, chúng ta không can đảm nhìn nhận sự thật mà có thái độ gian dối để che dấu lỗi phạm của mình. Trong nội tâm của con người luôn có sự giằng co giữa điều tốt và xấu, thiện và ác. Thánh Phaolô tông đồ có kinh nghiệm về điều này, ngài xác nhận điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Chúng ta cần phải dựa vào ơn Chúa giúp, vượt lên bản tính con người yếu đuối để tìm kiếm Chân Lý và những giá trị Nước Trời. Cuộc tìm kiếm này là hành trình dài của sự trải nghiệm thiêng liêng, của hy sinh từ bỏ. Chân Lý không nằm trong vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng trong sự khiêm tốn cầu nguyện và thực hành theo lời Chúa dạy.

Chúa Giêsu chính là hiện thân của Chân Lý luôn hiện diện cách khiêm tốn giữa chúng ta. Đôi lúc chúng ta đi tìm Chúa nhưng thực ra chúng ta tìm kiếm chính mình và những điều không thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta sống và hành động như thể Thiên Chúa không tồn tại. Khi sống gian dối, thù hận, ghen ghét, đó là lúc chúng ta tách mình ra khỏi Chân Lý và nô lệ cho dối trá tội lỗi. Khi sống vô cảm thờ ơ với những nhu cầu của tha nhân, chúng ta không thể tận hưởng vẻ đẹp của tình yêu thương và giá trị của sự chia sẻ. Chỉ có những ai sống trong cầu nguyện và thi hành bác ái, người ấy mới tiến  đến gần Nước Trời, mới có Thiên Chúa hiện diện.

Lạy Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống, xin giải thoát chúng con khỏi muôn điều giả dối, xin giúp chúng con biết phân định chọn sống theo ánh sáng Chân Lý. Xin giúp chúng con can đảm từ bỏ thói sống giả dối ích kỷ, biết thực hành lời Chúa với tất cả lòng yêu mến, hầu chúng con được giải thoát khỏi những ràng buộc của thế gian và trở thành chứng nhân của Tin Mừng Nước Trời. Amen.

Phương Anh

print