Trung tín và phản bội – Chúa nhật XXVI thường niên – Năm A
Trong Tin Mừng của ba Chúa nhật liên tiếp, Chúa Giê-su đều dùng hình ảnh của vườn nho để giáo huấn chúng ta. Trồng nho là một nghề phổ biến tại Do Thái, thời xưa cũng như thời nay. Vì thế, Chúa Giê-su dùng hình ảnh rất gần gũi này để ai cũng có thể hiểu lời Người dạy. Vườn nho là hình ảnh cuộc đời. Vườn nho cũng là biểu tượng dân Israel, tức là dân riêng Thiên Chúa đã chọn từ thời ông Abraham. Vườn nho cũng là hình ảnh của Giáo Hội, nơi mọi người đều được mời gọi góp phần. Sống trong vườn nho cuộc đời, mỗi chúng ta được trao một sứ mạng phải hoàn thành. Nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được gia nhập vào đội thợ làm vườn nho của Chúa. Dù ở mức độ nào, mỗi chúng ta đều phải trung thành với Thiên Chúa. Ngài chính là Chủ Vườn Nho.
Trong giáo huấn của các ngôn sứ, tình thương của Thiên Chúa đối với dân riêng của Ngài, được so sánh như một cuộc hôn nhân. Thiên Chúa là người tình của Israel. Tội phản bội Chúa được coi như ngoại tình. Bài đọc I của Chúa nhật hôm nay giống như một trải lòng của chính Thiên Chúa. Ngài than phiền, vì Israel được ưu đãi chiều chuộng, nhưng đã phản bội Ngài. Như ông chủ vườn nho chăm sóc cẩn thận, đầu tư tiền bạc, chỉ mong vườn nho đó sinh hoa kết trái ngọt ngào, Thiên Chúa cũng chăm sóc Israel và mong cho dân ấy sống ngay thẳng chính trực. Cũng như vườn nho chỉ sinh nho dại, dân Israel đã nhiều bất trung với Chúa. Vị ngôn sứ đã viết: “Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Israel đó. Cây nho Chúa quý chuộng, ấy chính là dân xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà toàn thấy đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than”. Những lời này đã chứng minh, dân riêng của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng thực hiện điều Ngài truyền dạy.
Đọc lại lịch sử dân tộc Do Thái, chúng ta thấy đan xen giữa quyền năng yêu thương của Thiên Chúa và yếu đuối tội lỗi của con người. Đã nhiều lần, dân Do Thái phản bội Chúa. Họ đã bị cám dỗ gạt bỏ Chúa để thờ con bò vàng. Họ đã du nhập những thần ngoại bang tạo nên một thứ tôn giáo hỗn tạp. Các ngôn sứ đã nhiều lần khiển trách và lên án gay gắt, vì đó là bất trung.
Lịch sử dân Israel phác họa lịch sử cá nhân cuộc đời chúng ta. Khi nghiêm túc xét mình và kiểm điểm bản thân, chúng ta cảm nhận mình đã nhiều lần phản bội Chúa, khi không trung thành với lời tuyên thệ khi lĩnh phép Thanh Tẩy. Đó là lời tuyên thệ từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những hành vi ám muội để trở nên con cái ánh sáng. Đã nhiều lần chúng ta hứa với Chúa sẽ cố gắng sống tốt hơn, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng giữ lời hứa ấy.
Nhưng nếu chúng ta là những tội nhân yếu đuối, thì Thiên Chúa lại là Cha giàu lòng nhân hậu. Ngài kiên nhẫn trước những xúc phạm của con người. Tin Mừng nói về những người tá điền gian ác. Họ chỉ là người làm thuê ăn lương, nhưng lại muốn chiếm đoạt vườn nho của ông chủ. Họ đã giết các người được ông sai đến để thu lợi, và cuối cùng họ giết luôn con ông chủ, là người thừa tự. Dưới ánh sáng phục sinh, các Ki-tô hữu nhận ra người con bị sát hại chính là Đức Giê-su Ki-tô. Người đã bị kết án, bị giết “ngoài thành Giê-ru-sa-lem”, như người con thừa tự bị giết ngoài vườn nho. Một số người Do Thái, trong số đó có các thượng tế, kỳ mục và tiến sĩ luật, đã hùa nhau giết Chúa Giê-su, với tội danh mà họ tố cáo, chỉ là dám gọi Thiên Chúa là Cha. Con Thiên Chúa đã đến trần gian để kêu gọi mọi người sống công chính, nhưng con người đã khước từ. Không những thế, họ còn giết chết Người. Tuy vậy, mưu mô của con người không thể thắng được Thiên Chúa. Đấng bị ghét bỏ và giết chết đã trở nên nền tảng đức tin cho chúng ta. Đây đó trên thế gian hôm nay, vẫn đang có những cuộc tàn sát dã man, mà nạn nhân là những người vô tội. Giết người vô tội là giết hại chính Chúa Giê-su, vì Người tự đồng hóa với những người bé mọn cô thế cô thân không cửa không nhà.
Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chúa Giê-su tuyên bố: “Thày là cây nho thật và Cha Thày là người trồng nho… Thày là cây nho, các con là cành” (x. Ga 15, 1-8). Tin vào Chúa Giê-su, chúng ta phải gắn bó với Người để được Người thông chuyển nhựa sống siêu nhiên. Thánh Phao-lô khuyên giáo dân Phi-lip-phê trong Bài đọc II: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý thực hành”. Khi làm những điều ấy là chúng ta gắn bó với Chúa Giê-su như cành nho với thân nho. Như thế chúng ta sẽ là những người trung thành với Đấng đã hết mình yêu thương chúng ta.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên.