Con tôi làm cha
– Con muốn làm cha.
– Thằng mắc dịch, mới mười mấy tuổi đầu, vợ con đâu mà đòi làm cha.
– Không, cha xứ cơ, như cha chánh Toàn í.
– Ôi trời, mày khùng rồi hả Hoàng, mày làm cha của mấy sắp nhỏ tao còn thấy lo, giờ mày đòi làm cha thiên hạ, chắc tao chết với mày quá. Không được.
– Sao lại không được?
– Tính mày nóng như lửa, không đi tu được.
– Nóng thì từ từ sửa. Kệ, con cứ đi.
– Ối bu nó ơi, thằng Hoàng nó muốn đi tu….
Vợ tôi hất hả dưới bếp chạy lên, mặt nhợt như tàu lá, đứng chôn chân trước cửa, không tin nổi vào lời vừa nghe.
Gia đình tôi có cả thảy là bảy người, trừ tôi với nhà tôi ra thì có ba trai, hai gái. Thằng Hoàng là đứa thứ ba, là anh của hai đứa con gái út. Thằng này thì tính tình chi thiên chi địa, nóng nảy như ông Lỗ Chí Thâm, từng có chiến tích đánh nhau với tụi trẻ làng bên chưa biết thua là gì. Cái cảnh cha mẹ người ta dắt từng đứa con mặt mũi tèm lem, hai gò má sưng phồng sang nhà tôi mắng vốn, hai vợ chồng vốn đã không còn xa lạ gì. Thằng này là vậy, không thích nói chuyện, chỉ thích dùng nắm đấm, nói không nghe là bụp liền, chả như hai đứa anh, hiền khô. Tôi với nó tính tình xung khắc, cha con nói chuyện được dăm ba câu là bắt đầu lời ra tiếng vào ngay. Nó với tôi là vậy nhưng với mẹ và hai đứa em thì khác hẳn, rất chiều và rất thương. Ngày nào cũng ra đồng, bữa câu lươn, hôm câu nhái về cho u nó làm cơm, có hôm không biết ở đâu mang về được nguyên con chép to tổ chảng, mấy cha con hấp lai rai với rươu đế, ham hết biết. Ngày mùa thì chỉ có nó chịu ra đồng với hai vợ chồng, từ lúc gieo mạ tới mùa thu hoạch, những ngày mưa phải chạy lúa mang vào kho lẫm cũng chỉ có nó làm. Thằng này được cái to khỏe, mấy việc chân tay không ai bằng. Với hai nhỏ em, nó còn chiều hơn nữa, bữa nào đi đồng về cũng có quà, khi thì ổi, khi thì cóc, lúc lại có một vài con chuồn buộc hờ trong túi bóng. Hè được nghỉ học, thỉnh thoảng nó lại sang ruộng khác cấy hộ, tiền người ta trả, nó dành mua tập cho hai đứa em. Nhưng nói gì thì nói, nó vẫn là thằng trời đánh, hoang tính và nganh ngạnh đến cùng. Hôm rày, tôi dẫn nó vào xin cho ở trong nhà xứ, phụ cha chánh mấy việc lặt vặt: giúp lễ, làm cơm, quét tước nhà thờ…cho nó bớt cái tính nóng nảy kia đi.
Một ngày….Hai ngày….Ba ngày….không thấy nó về, hai vợ chồng mừng hết biết, nghĩ chỉ có cha xứ mới trị được cái thằng này, biết thế cho nó vào nhà xứ sớm có phải tốt hơn không.
Sang ngày thứ tư, bỗng thấy nó đùng đùng bỏ về, mặt mũi hằm hằm. Hai vợ chồng tiu nghỉu như mèo cắt tai. Nó bị cha chánh phạt, đánh cho mấy hèo, bắt quỳ trước bàn thờ vì tội tham chiến trong trận với tụi bên đời. Ở làng tôi là thế, thỉnh thoảng tụi xóm bên đạo và bên đời vẫn choảng nhau vì bị chọc ghẹo đức tin. Người lớn thì không sao, nhưng đám trẻ con không hiểu chuyện vẫn như vậy. Cha Toàn không ít lần đứng ra khuyên giải hai bên, thậm chí đến từng nhà, dạy từng đứa nhỏ: người lương, người đạo giờ hiểu nhau mà cũng thương nhau nhiều rồi, không còn hiểu lầm như trước nên nghiêm cấm xích mích dưới mọi hình thức. Nói là thế nhưng thỉnh thoảng vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh. Thằng Hoàng lại là đứa thích động tay chân nên bị ghẹo cái là nhào vô liền.
Tưởng sau lần bị phạt, nó “bỏ chơi” với cha chánh, ai dè, đến sẩm tối nó lại vác xe vào nhà xứ. Nó bảo, cha Toàn ở có một mình, lại già cả, đêm hôm lỡ phong gió ra đấy thì khổ nên cứ vào xem sao. Quê tôi nghèo, xứ nhỏ, chắc chỉ như một giáo họ trên phố, cả nhà thờ lẫn nhà xứ chỉ có mình cha chánh Toàn về coi sóc, tính ra cũng được gần chục năm không bớt, không ma sơ, không thầy xứ, không chú ứng sinh, thành ra chỉ có con chiên và cha già. Thằng Hoàng là đứa sống có tình nhưng không bao giờ thể hiện, thích làm, không thích nói, nó thương cha chánh nhưng cũng giận cha do vừa bị bắt tội chỉ vì nó muốn “bảo vệ đức tin”, nhẽ ra nó phải được tung hô như một “thánh tử đạo” đằng này…
Nó ở được với Cha chánh Toàn hơn một năm thì đòi đi tu. Người ta bảo “gần mực thì đen gần đèn thì rạng”, biết là ở với Cha thì đúng là nó có đỡ hơn trước thật, nhưng trong mắt tôi, nó tối quá thành ra giờ có chiếu đèn pha vào mặt, tôi thấy nó cũng chẳng khá hơn. Vẫn là đứa ngang tàng và khó bảo thôi. Việc nó muốn thành Cha, với vợ chồng tôi mà nói thì đó là một sự đả kích không gì lớn bằng. Không thể tin được. Ấy thế mà nó đi thật…
Ngày nó vào nhập học chủng viện, bu nó khóc lên khóc xuống. Thấy bà ấy khóc quá, tôi không dám cho theo cùng, lỡ lên trên ấy mà cứ gào ra như thế thì mất mặt với các cha lắm. Thằng Hoàng cũng đồng ý. Hai cha con tay xách nách mang, bắt xe buýt lên thành phố. Xe dừng ngay trước cổng chủng viện. Chủng viện Hoa Thanh nằm ngay trung tâm. Lớn quá. Có đến bốn, năm dãy nhà, mỗi dãy cao chừng sáu lầu. Thằng Hoàng là “lính mới”, được phân vào dãy thứ ba bên trong. Mỗi phòng như vậy có sáu giường, đồng nghĩa sẽ có năm chú nữa ở cùng nó. Mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Đám trẻ chào hỏi. Người lớn cũng chào hỏi. Vui vui. Tính ra, thằng Hoàng là đứa đầu tiên xa nhà, hai đứa anh đều đi làm rồi lấy vợ ở quê, hai đứa gái út thì còn nhỏ không nói. Như vậy, lần đầu, nhà có đứa đi xa. Lo hơn là mừng.
Các gia đình “bị bắt” ở lại dùng cơm trưa với các cha rồi mới cho về. Mấy bà mẹ dùng dằng không chịu đi, cứ túm vai, bóp tay mãi, đến là kỳ. Một giờ chiều, thằng Hoàng đưa tôi ra cổng. Tôi đi trước, nó theo sau như cái bóng:
– Con tiễn bố ra xe
– Xe sắp đến rồi, mày vào đi. Có ai bắt cóc bố mày đâu mà mày cứ kè kè tao nãy giờ thế hả. Vào đi, ráng học cho tử tế. Không ở được thì xin cha cho về. Tao không sợ điều tiếng đâu. Đừng có mà cố đấm ăn xôi. À, này, cấm có gây hấn nghe mày, ở đây là chủng viện chứ không phải là ở làng đâu. Bỏ cái tính nóng nảy đi.
– Con nhớ rồi bố. Bố đi mạnh giỏi, bảo mẹ đừng lo cho con, con dễ thích nghi lắm, nhất định sống tốt ạ.
Ơ, thằng này bữa nay sao khoác lên mình cái áo trắng thôi mà nói chuyện tử tế thế, mặt lại còn hiền hiền nữa. Xe vừa kịp đến. Tôi quay lưng, khoát tay, ra hiệu bảo nó vào, không cần tiễn nữa.
Quái lạ thật, trời đang nắng sao mưa nhanh thế này, nước ở đâu rơi cả lên gò má…
——————————
Nó đi được một tháng…hai tháng…ba tháng…vẫn không thấy đánh tiếng về, Cha quản lý cũng không gọi cho gia đình thông báo cháu đã bị đuổi học vì xô xát trong trường. Vậy là những tình huống xấu nhất tôi lường trước hóa ra lại không đến. Kỳ lạ thật!
Mãi đến mùa hè năm sau nó mới được cho nghỉ về thăm quê. Ngày nó bước vào nhà, tôi suýt không nhận ra thằng con trai thứ ba, cháu đời thứ tám của dòng họ Trần Gia. Cái thằng trời đánh thánh vật ngày xưa sao giờ trông khác thế này, dòm như mấy cậu tú, nho nhã, thư sinh, áo trắng, quần tây, tóc ngôi 3-7 lại còn thêm cặp kính cận nữa. Quả thực là khác xưa quá rồi. Ngồi trong mâm mà cả tám cái đầu chụm vào soi xét, bất kể hành động nào của nó cũng không được bỏ qua:
– Mày nói thật đi, mày có đánh nhau trong trường không?
– Con có học được không, ăn ngủ tốt không, có bị các Cha trách phạt gì không con? – Mẹ nó tiếp lời theo một cách dễ chịu hơn.
– Anh bốn có qua môn không thế, có bị ở lại lớp không. Em nghe chú ứng Quang học trên anh một năm bị cho thôi học rồi đó. – Con bé út nhanh nhảu.
– Tao….
Thằng Hoàng nãy giờ bị hỏi dồn dập, nóng mặt, tính cự lại nhưng chợt nhớ ra mình là người tu hành nên dịu giọng xuống ngay:
– Con không đánh ai hết, cũng không bị ai trách phạt gì cả và nhất là anh không ở lại lớp nghe chưa út Thụy.
– nó dằn mặt con nhỏ bằng hai hàm răng khiết chặt rồi nói tiếp
– ăn ngon, ngủ tốt, nói chung là vẫn đi tu tiếp được. Cả nhà an tâm.
Đến lúc này, mọi người mới dịu xuống một chút và bắt đầu chính thức dùng bữa. Ai nấy lại bắt đầu trò chuyện vui vẻ như được mùa. Mẹ nó ăn một miếng lại gắp cho nó một miếng. Hai đứa út gắp thịt ăn nhoay nhoáy, thỉnh thoảng lại liếc trộm anh trai đầy vẻ nghi kỵ vì không hiểu sao đến giờ mà anh bốn của chúng vẫn chưa bị đuổi học.
Nó tu sang sang năm thứ ba thì vào đại chủng viện, được mặc áo chùng thâm và tất nhiên được gọi là thầy. Nom bộ lớn và chững chạc hơn hẳn. Nhưng con tôi đẻ ra tôi biết, cái tính nóng bẳn của nó thì có chết không hết chỉ là nó đang cố kìm lại. Tôi chỉ thắc mắc là sức mạnh nào khiến nó có thể kìm giữ lâu đến như thế. Rốt cục thì chỉ có Chúa Trời mới biến đổi được nó mà thôi. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe qua những câu chuyện đại loại: đám trò đi học đạo sợ thầy Hoàng một phép, hay thầy Hoàng vừa mới cốc cho một đám nhóc lanh chanh đòi đánh nhau với tụi bên đời phải khóc thét. Nhưng cũng có những tin như: thầy xứ Hoàng chơi bảnh hết xảy, gọi bà bán ya-ua vào rồi kêu cả thảy học trò ra cho ăn mệt nghỉ mới thôi. Ôi, như vậy thì đúng là đỡ lắm so với hồi nó còn lông bông ở nhà. Chúa lòng lành!
Thời gian trôi nhanh hơn tôi tưởng. Nó tu đến nay cũng đã tròn một giáp. Nó đánh tin báo ngày mai sẽ về thăm quê. Con út vẫn là đứa nhanh nhảu, đi báo tin cho cả làng biết, không chừa một ai. Mai nó mới về mà tối nay người trong xóm đạo đã đến đầy trong nhà ngoài sân. Người ta tay bắt mặt mừng, gọi hai vợ chồng tôi là ông bà cố, nghe sao sường sượng và tất nhiên đứa con trai thứ ba, cháu đời thứ tám dòng họ Trần Gia được kêu bằng Cha. Nó đỗ chức Linh Mục. Được ba ngày rồi. Mai về dâng lễ mở tay ở quê nhà. Đã lâu lắm xứ tôi mới có người lên Cha, lần này như nắng hạn gặp mưa nên người trong xóm vui thay cho nó.
Ngày nó về, chưa kịp vào nhà uống nổi ngụm nước đã vội vã chạy qua nhà xứ chuẩn bị cho Thánh lễ đầu tiên. Nó run, run lắm. Đứng trên gian Cung Thánh giảng lễ mà hai tay không thể để yên nổi một chỗ quá ba giây. Nó run ở trên. Cha nó ở dưới cũng như trúng sốt rét. Dự lễ của con trai mà không thể tập trung nổi, cứ hết ngắm con lại nghe ngóng xem xung quanh người ta bàn tán gì về nó. Chắc xong lễ phải qua xin nó giải cho cái tội chia lòng chia trí quá. Buổi lễ kết thúc trong sự cố gắng được ghi nhận của ông Cha con còn non nớt và tấm lòng thông cảm của quý anh em gần xa. Lễ qua thì cỗ đến. Lễ có thể còn thiếu sót. Nhưng cỗ bàn thì không được sai. Nó đi khắp các bàn cảm ơn. Mỗi lần cảm ơn lại 100%. Đấy là luật bất thành văn của người nhà quê tụi tui. Ly cạn nhưng tình đầy.
Tiệc dự định chỉ chốt đến chiều để khách xa còn về thành phố nhưng không hiểu dây cà ra dây muống thế nào mà cha lớn, cha bé, con lớn, con nhỏ mãi đến tối mịt mới dứt tiệc ra xe. Thằng nhỏ nằm sập một đống trong nhà, gọi mấy cũng không dậy, phải kêu mấy đứa thanh niên khiêng lên giường. Người ra về hết. Nhà đóng cửa. Mãi đến lúc này hai vợ chồng mới có cơ hội nhìn giáp mặt con trai. Nó ngủ chẳng hay trời đất. Mặt đỏ như quả cà, chắc là hậu quả của trận rượu đãi khách. Tôi buột miệng:
– Thằng này, vẫn cái tính vui là hết mình, không màng gì sất. Rượu nó ngấm cho thì đố mai dậy được.
– Cái ông này hay thật. Con nó lên Cha rồi mà cứ thằng này thằng nọ. Người ngoài nghe được thì sao. – Bà bu chau mày, nổi quạu.
Ờ, hóa ra cái thằng trời đánh không chừa ngày xưa giờ đã thành một ông cha xứ đĩnh đạc, đường hoàng. Cuộc đời này vốn dĩ luôn tồn tại những điều kỳ diệu. Nhưng tôi chưa bao giờ ngờ điều ấy lại xảy ra ngay chính trong cái gia đình giữa miền quê nghèo này. Ông Cha con của tôi ơi, giờ phải xưng hô khác với con rồi, từ mai, lúc tỉnh dậy, đừng giật mình khi nghe cha gọi con là Cha, con nhé!
Thụy Du