Từ khó nói nhất
Có một cậu bé tính cách rất tự tin và dũng cảm. Cậu luôn chứng tỏ với mọi người rằng mình có thể làm được tất cả mọi việc. Cậu đang cố gắng đọc tên ngọn núi Hy-ma-lay-a nhưng mãi không được nên phải nhờ cha cậu giúp: – Cha ơi, xin cha dạy con đọc tên ngọn núi này đi ạ, con tập phát âm nãy giờ mà vẫn sai. Người cha nói: – Theo ta, từ khó nói nhất không phải là từ này, nhưng là những từ đơn giản như từ “Không” chẳng hạn, mong con học được cách nói “Không”.
Cạnh trường cậu có một cái hồ rất sâu. Vào mùa đông, sau một đêm, mặt hồ biến thành mặt băng tuyệt đẹp. Sáng sớm đến lớp, các học sinh thấy mặt băng và chạy nhào ra cùng chơi trượt. Cậu bé cũng hòa vào trò chơi với các bạn. Bỗng một bạn phát hiện mặt băng đang nứt ra, các em la hét kêu cứu. Lập tức, người bảo vệ chạy ra và đưa các em vào nơi an toàn.
Tối về nhà, cậu bé mới nói với cha mình: – Thưa cha, lúc đầu con không muốn chơi trò ấy nhưng các bạn cứ ép mãi và còn chê con là ‘nhát như thỏ đế’. Xin lỗi cha, con đã không nghe lời cha đến nỗi suýt nữa thì nguy hiểm đến tính mạng. Người cha ôn tồn nói: – Để học được cách từ chối những cám dỗ cần phải làm chủ chính mình và phải có dũng khí con ạ.
Quý vị và các bạn thân mến,
Người ta thường nói ‘thắng được vạn quân cũng không bằng thắng được chính mình’. Trước khi chế ngự được thiên nhiên vũ trụ, thu phục được lòng người, ta phải làm chủ chính mình trước những cám dỗ và ham muốn.
Làm chủ chính mình trước hết là làm chủ lời ăn tiếng nói, đó cũng là cách tránh được những hệ lụy đáng tiếc. Tác giả sách Huấn Ca khuyên chúng ta phải biết phân định phải trái, phải cương quyết tự chủ “Đừng có gió nào cũng theo, đường nào cũng bước, như một tên tội lỗi lật lọng. Hãy giữ vững xác tín của mình, và lời nói phải trước sau như một. Hãy mau mắn nghe nhưng thong thả hãy trả lời” (Hc 5,9-11). Điều này không dễ dàng chút nào bởi chúng ta thường thích thể hiện, phô diễn sức mạnh của mình. Trong hành trình lên Giêrusalem, dân chúng thờ ơ không đón tiếp Đức Giêsu, thấy thế hai môn đệ Giacôbê và Gioan liền đến nói “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9,54). Đức Giêsu liền quay lại trách mắng các ông hành động nóng nảy thiếu suy nghĩ. Người mạnh mẽ không phải là người dùng bạo lực nhưng là người biết biện phân những điều phải trái, biết cương nhu đúng lúc.
Bên cạnh đó, chúng ta cần khiêm tốn nhận biết những giới hạn của mình. Bàn tay chúng ta không thể che được mặt trời, vì thế đừng cố tỏ ra mình là người quan trọng. Hãy học nơi Chúa Giêsu đức tính hiền lành và khiêm tốn. Người đã tự đồng hóa mình với người nghèo và người tội lỗi, đã bao dung độ lượng trước sự ngạo mạn của nhóm biệt phái và các kinh sư. Thánh Phaolô tông đồ cũng khuyên chúng ta cư xử với mọi người trong sự khiêm tốn “Anh em đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Đừng cho mình là khôn ngoan. Đừng lấy ác báo ác. Nhưng chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người”(Rm 12,16-18).
Với Đức Thánh Cha Phanxicô, “Cuộc chiến chống lại sự dữ thật lâu dài và khó khăn. Điều cốt yếu là cầu nguyện liên lỉ và kiên nhẫn”. Cầu nguyện giúp chúng ta sống gắn bó với Chúa để kín múc nguồn năng lượng tích cực, khôn ngoan sáng suốt để không bị sa ngã trước bả vinh hoa phú quý, trước những lời đường mật phỉnh gạt. Hãy mang tâm tình của một trẻ thơ, dám trao phó tương lai vận mệnh đời mình trong sự dẫn dắt của Chúa. Người khiêm tốn biết mình còn ở dưới thấp nên hướng lòng lên cao, còn kẻ kiêu căng luôn thấy mình là người mạnh mẽ và hoàn hảo.
Lạy Chúa, Chúa biết rõ con người chúng con với đầy những giới hạn và yếu đuối, xin cho chúng con biết thành thật với chính mình, biết khiêm cung tạ ơn về những gì đã lãnh nhận từ lòng thương xót của Chúa, biết dấn thân phục vụ trong sự kính mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
Phương Anh