Từ Nơi Xa Xôi…! Rạch Gốc- Đất Mũi- Vĩnh Phú

print

Từ Nơi Xa Xôi…!

Rạch Gốc- Đất Mũi- Vĩnh Phú

 

          Cứ đến ngày 1-6 Quốc Tế Thiếu Nhi là chúng tôi lại khăn gói lên đường đến với những nhà thờ, giáo điểm vùng sâu xa.

          1.Rạch Gốc

          Điểm đến đầu tiên, hít cái bầu khí trong lành mát mẻ vào buổi sớm tinh khôi rất khoan khoái dễ chịu.

          Đi bằng niềm tin. Một anh trong cộng đoàn chúng tôi vô tình đọc được bài viết “ Rạch Gốc- Những đứa con Bùi Chu lạc loài” trên face do có số điện thoại Cha sở Giu-se Nguyễn Đức Vinh. Liên lạc và xin đến để chia sẻ tập và chai đựng nước chuẩn bị cho năm học sắp tới.

          Ở nơi xa xôi, chúng tôi nghe tim mình đập chung nhịp với những nơi chúng tôi muốn đến. Các em được nhận quà là các em có thành tích học tập tốt trong năm học qua không kể lương giáo, nếu đáp lại lời mời gọi mang giấy khen đến nộp thì Cha Sở sẽ cho nhận quà, tuy không nhiều nhưng nó là sự khích lệ động viên tinh thần học tập của các em.

          Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi trên môi, nét mặt mang thần sắc tươi trẻ mặc dù xe chúng tôi phải vượt qua con đường đá lõm chỏm và khoảng đất trống công trình xây dựng nhà Chúa nhen nhóm với chiếc xe cuốc và lơ thơ mấy chú thợ, đủ thấy rằng gánh Cha đang mang không nhẹ chút nào.

          Các em nhỏ xum hợp bên ngôi nhà thờ tiền chế rất đông, bầu khí vui nhộn giữa khoảng đất trống mênh mông.

          Một Thầy đi chung đoàn nhận xét:

          – Nhìn trong mắt các em, rất sáng, ánh lên tia hy vọng, nguồn cứu rỗi của vùng đất xanh màu rừng đước mà đời sống bà con còn chật vật chông chênh, niềm tin còn gặp thử thách.

          -Vẫn còn may, vì Cha Sở, trẻ khỏe, năng nổ, tin rằng Thiên Chúa không lầm khi Ngài chọn Mục Tử thơm mùi chiên để dẫn dắt đoàn chiên nơi cánh đồng xa xôi này.

          Lần đầu tiên gặp, mọi người đều cảm nhận rằng Cha rất yêu thương chăm sóc các em, bằng lời nói rất nhẹ nhàng, ngọt ngào như rót mật vào tim và đáp lại tình yêu thương của Cha các em ngoan ngoãn.

          Các phụ huynh lương dân đưa con đến nhận quà, họ trầm trồ: – Ông Cha nhà thờ vui vẻ, tài giỏi và tốt bụng, nói chuyện khéo léo.

          2.Giáo Điểm Đất Mũi.

          Sau khi chuyển những phần quà của mọi người đến tay các em chúng tôi lại tiếp tục lên được hướng về mũi Cà Mau nơi có một giáo điểm cuối cùng của Tổ Quốc.

          Đoạn đường dài 40km và di chuyển thêm đoạn ngắn trên kênh rạch, qua câu chuyện của người Mục Tử “biết chiên”, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều mới lạ.

          Giáo dân không tập trung gần nhờ thờ, họ sống chen sâu bên trong những vuông rừng đước nuôi tôm, di chuyển khó khăn, trên quảng đường dài như thế chỉ thấy vài gia đình công giáo. Cha tâm sự nếu mục vụ thăm viếng các gia đình công giáo, có khi một ngày đi được chỉ 2 gia đình vì quá xa. Đi lễ vất vả, không tiện như ở Thành Phố, hoặc ở quê tôi thì giáo xứ mộc lên như nấm.

          Trập trùng rừng đước, chúng tôi đang chìm sâu, lọt tõm bên trong. Giữa lòng thiên nhiên, có một giáo điểm nhỏ xinh, như một đốm sáng niềm tin được cất giữ sâu thẩm trong trái tim. Những ánh mắt ngơ ngác, trong sáng, đụng chạm vào tim mọi người. Các em vui mừng vì Cha đến, vì có người từ xa đến, có khách là vui.

          Tự dưng cảm nhiệm được câu Tin Mừng Chúa Giê-su mời gọi con người sống đơn sơ như trẻ nhỏ vì chính họ là chủ của nước trời.

          Lời đầu tiên của vị Mục Tử hiện diện giữa bầy chiên con của mình là lời giới thiệu các Thầy đã lần mò đến được Giáo Điểm tận cùng xa xôi này là nhờ bài viết của một Du Khách đã từng đi lạc về đây nhân dịp lễ Phục Sinh, đã cảm nghiệm được cuộc sống còn đầy khó khăn của bà con giáo điểm, bài viết đụng chạm đến lòng bác ái yêu thương của các Thầy ở một dòng Tu rất xa từ thành phố, tiếng Yêu Thương đã thúc bách các Thầy đến với Giáo Điểm để chia sẻ những ấm áp, để gửi lời yêu thương dặn dò đến các em.

          Mọi người đã cảm nhận được ánh sáng tỏa lan từ những Mục Tử lặn lội giữa rừng đước sâu thẩm với bầy chiên của mình. Chỉ có Yêu Thương mới được đáp trả bằng Yêu Thương chỉ có ngồi xuống đồng hình đồng dạng mới hiểu nhau cặn kẽ. Cha Giu-se đã ngồi xuống bên đàn chiên của các giáo điểm mút cùng Tổ Quốc để rồi những chia sẻ của Cha đã để lại ấn tích đẹp trong lòng mọi người.

          Chúng tôi cúi thấp đầu xuống tri ân những bài học Cha dạy các em nhỏ mà cũng là bài học cho chính chúng tôi.   

          Sau bữa cơm trưa ấm cúng Cha dẫn chúng tôi lặn lội giữa rừng đước để cảm nhận Một Thiên Chúa tuyệt vời không ban tặng hay tước đoạt riêng ai cái gì, tất cả đều nằm trong bàn tay quan phòng của Ngài, chuyến đi mù tịt của chúng tôi vẫn có ánh sáng Đức Ki-tô chỉ đường dẫn lối.

          Và cuối cùng chúng tôi gặp những bộ mặt thật của Đức Ki-tô giữa đời thường, lấp lánh hào quang phục sinh.

          3.Họ Đạo Vĩnh Phú.

          Đường trở về tìm đến Họ Đạo Vĩnh Phú cũng không dễ dàng cho ai chưa một lần len lõi giữa làng quê sâu thẩm giữa bóng đêm. Sau khi ghé ngang Kính  viếng Cha Phanxico Trương Bửu Diệp, chúng tôi lại vội vã vì bóng đêm dầy đặc, đường còn dài mà không thể định hướng được, lần mò theo lời chỉ dẫn qua điện thoại của Vị Mục Tử mà chúng tôi cũng chưa từng gặp mặt.

          Dìm sâu giữa đêm âm u, khoảng 9 giờ đêm chúng tôi cũng đã “ hạ cánh an toàn” nơi họ đạo nhỏ nằm khuất rất sâu( theo cảm nhận trí tưởng tượng của tôi). Cha Pr. Huỳnh Công Đức ( phó biệt cư) đang chăm sóc họ đạo Vĩnh Phú người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, rất chân quê. Tất tần tật đều Cha, chạy xe ra rước đoàn, chuyển tập qua phà, đứt cầu chì cúp điện … chuyện bé, chuyện to cha làm tươm. Nghe các bà mẹ kể chuyện, cha ở một mình, tự nấu nướng, ca đoàn tập hát, dọn lễ, lo trong lo ngoài… Nhà thờ bé bé xinh xinh, có cụm chiên non nằm giữa bầy cừu, giáo phận tin tưởng vì cha hiền lành nên giao cho cánh đồng bé xíu có ít chiên mà hoa cỏ mênh mông, thú hoang rong chơi đầy dẫy.

          Một ngày rong ruỗi mệt nhoài, chúng tôi được bữa cháo gà thơm ngon và giấc ngủ sâu hoắm.

          Có mấy bạn kể chuyện, đêm ngủ mơ thấy mình đang ở Thiên Đàng.

          Thiên đàng đâu xa xôi, tại nơi rất sâu này chúng tôi đã cảm nhận Thiên Đàng.

          Một ngày chủ nhật bận rộn của Cha từ 4 giờ sáng, chạy 30 cây số đi làm lễ, về đến nhà 8 giờ tiếp tục dâng lễ, trưa lại loanh quanh sang giáo điểm gần 15 cây số… Thần tốc độ!

          Giáo dân ít, thiếu nhi trong họ chỉ tầm 20 em, thánh lễ ấm cúng mềm mại, giọng cha rất tâm tình.

          Gần cuối lễ, một đoàn cừu non ập vào vầy quanh các cửa sổ, cửa chính, xôn xao. Lòng tôi dậy lên một điều giá mà tất cả những bóng cừu non kia đều là con chiên ngoan ngoãn bên trong vòng tay của vị Mục Tử lăn xả vào chiên này.

          Một sáng Vĩnh Phú cho tôi được ngắm những tà áo dài phất phơ giữa thôn xóm, các cụ bà chờ nhau trước ngõ nhà thờ, lời chào, lời chúc chân tình gửi đến các thầy, các cụ hứa sẽ đọc 1 kinh lạy cha, một kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh cho chúng tôi những người xa lạ bỗng hóa gần gũi. Mộc mạc, dễ chịu…

          Sau Thánh Lễ khoảng trống trong nhà thờ được lấp đầy, các em tôi nơi vùng quê, dễ thương, phát giữa chưa hết một nửa hết bánh, chỉ còn tập. nhìn những ánh mắt ngơ ngác, nuối tiếc của các em. Tự dưng hiện trong đầu những chiếc banh kem sinh nhật không để ăn mà chị để quẹt vào mặt như niềm vui của các bạn con nhà giàu, thấy lòng quặn đau.

          Chia tay Vĩnh Phú trong đầu mọi người đậm nét làng quê Việt Nam với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Hình ảnh các bạn nhỏ với ánh mắt sáng như đang rọi sâu vào tâm can mỗi người “ Cuộc sống này đẹp biết bao” nếu tay biết nắm tay, tim biết chạm tim trong tình thân Ki-tô.

          Cảm ơn các Mục Tử và các chú chiên bé nhỏ, chúng tôi đã trải nghiệm nhiều điều ấm áp từ mọi người.

          Cảm ơn các vị ân nhân đã quảng đại chìa tay ra giúp đỡ.

          Cảm ơn vì tất cả là hồng ân!

Tiểu Hổ.