Vác Thập Giá Mỗi Ngày

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

VÁC THẬP GIÁ MỖI NGÀY

Lm. Giuse Nguyễn

Người ta nói có cái chết nặng tựa Thái Sơn, nhưng cũng có cái chết nhẹ tợ lông hồng. Cái chết của các thánh Tử Đạo tại Việt Nam đối với người đời chẳng những nặng tựa Thái Sơn, mà còn nặng hơn Thái Sơn gấp bội, bởi vì thường ai cũng mong muốn cái chết nhẹ nhàng, êm đẹp; còn cái chết của các thánh Tử Đạo tại Việt Nam thì thật khủng khiếp. Có người bị chém đầu, mà chém bằng cây đao lục, nên đao phủ phải khứa tới khứa lui nhiều lần ; có người bị thiêu sống; có người bị chặt tay chặt chân trước khi đem đi chém đầu… Nhưng đối với các thánh Tử Đạo tại Việt Nam cha ông chúng ta, thì cái chết của họ nhẹ tợ lông hồng. Sở dĩ họ đón nhận cái chết nhẹ nhàng như vậy là bởi vì họ biết mình tin vào ai, mình chết vì điều gì.

Hôm nay Giáo Hội Việt Nam long trọng mừng kính các ngài. Khi đọc các bài đọc và nhìn vào tấm gương của một số vị, tôi thấy người Kitô hữu nói chung và các thánh tử đạo nói riêng, nếu chấp nhận “gieo trong lệ sầu thì sẽ gặt trong vui sướng”. Nếu biết tin tưởng, phó thác vào Đức Giêsu Kitô, thì sống chết đối với người kitô hữu không thành vấn đề; giả dụ có chết, thì cái chết đó cũng nhẹ tợ lông hồng.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: 2 Mcb 7, 1. 20 – 23 . 27b – 29

Câu chuyện về bảy anh em bị bắt chung với người mẹ của mình trong bài đọc 1 hôm nay là một câu chuyện đẹp về những con người dám hy sinh vì đức tin. Đồng thời cũng là một tấm gương sáng ngời cho những bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái. Vua Antiôkhô bắt họ phải ăn thịt heo nhưng họ một mực từ chối vi phạm luật Môsê. Vì vậy nhà vua đã tra tấn họ một cách dã man: lột da, chặt tay, chặt chân, cắt lưỡi… sau cùng đã giết chết họ ngay trước mặt người mẹ. Người mẹ dù rất đau lòng nhưng cũng vẫn can đảm chịu đựng và khuyên răn con cái mình hãy giữ vững đức tin. Sở dĩ họ chấp nhận cái chết đau đớn như vậy là bởi vì họ tin vào sự sống đời sau mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Hay nói cách khác họ chấp nhận “gieo trong lệ sầu” để được “gặt trong vui sướng”.

  1. Bài Đọc II: Rm 8, 31b-39

Thánh Phalô trong thư gửi tín hữu Rôma đã cảnh báo họ về những điều có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, đó là: gian truân, khốn khổ, đói rách, bắt bớ… Để rồi cuối cùng thánh nhân khẳng định như một lệnh truyền: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi ĐGK”. Lệnh truyền đó của thánh Phaolô có ý khuyên các tín hữu phải chấp nhận những gian truân, khốn khổ, đói rách, bắt bớ trong đời sống đức tin như đang “gieo trong lệ sầu”, để rồi họ sẽ “gặt trong vui sướng”.

  1. Tin Mừng: Lc 9, 23-26

Bài Tin Mừng hôm nay là lời của Chúa Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đây không phải là những lời tâm sự của Chúa Giêsu, nhưng là điều kiện để theo Ngài. Vì vậy những ai chưa vác thập giá trong cuộc sống thì chưa phải là môn đệ của Ngài. Và chúng ta, những Kitô hữu, nếu chưa vác thập giá mình hằng ngày, thì chúng ta chỉ mang danh hiệu Kitô hữu, chứ chưa phải là người có đức tin.

II. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VÁC THẬP GIÁ

Thập giá của các thánh Tử Đạo cha ông chúng ta chính là lòng hoán cải và sẵn sàng chịu chết vì Danh Đức Kitô.

  1. Lòng hoán cải vì Tin Mừng:

Các nhà tu đức nói: “Không có thánh nhân nào mà không có quá khứ”. Các thánh Tử Đạo tại Việt Nam cũng là những con người bình thường như bao nhiêu con người khác. Họ cũng có những yếu đuối, những tội lỗi, những bất toàn của kiếp người… Nhưng điều quan trọng là họ đã biết nhìn ra những sai lỗi của mình để sửa đổi cuộc đời cho phù hợp với tư cách là người Kitô hữu. Khi họ biết sửa đổi cuộc đời chính là lúc họ vác thập giá mà theo Chúa, để rồi khi đứng trước cây thập giá thực sự, là sự bắt bớ và giết chóc thì họ dễ dàng vượt qua, vì họ đã từng vượt qua những tính hư nết xấu của mình vì Đức Giêsu Kitô. Đó là trường hợp của thánh Luca Thìn, một quan chánh tổng, ông ta có vợ bé, rồi thờ ơ với việc đạo. Nhưng khi nghe lời khuyên của người thân và các cha, ông đã hoán cải trở về với Chúa, cuối cùng đã dùng chính cái chết để làm chứng cho Chúa. Hay như thánh Micae Hy, ông này ăn chơi cũng không thua gì thánh Augustinô, và có tới 3 đứa con ngoại hôn, nhưng sau đó ông đã hoán cải quay trở lại với Chúa và giữ đạo đàng hoàng. Khi người ta bắt bớ đạo, ông đã dám mạnh dạn xưng mình là Kitô hữu để rồi bị bắt và bị tử hình vì chính đạo.  

  1. Sẵn sàng chịu chết vì Danh Đức Kitô

Các thánh tử đạo tại Việt Nam vác thập giá một cách cụ thể nhất chính là sẵn sàng chịu chết vì Danh Đức Kitô. Dĩ nhiên rồi, nếu không chết vì Danh Đức Kitô thì không thể là Tử Đạo. Họ gồm nhiều thành phần khác nhau: Giám mục, Linh mục, giáo dân… Nhiều lứa tuổi khác nhau: già cả, trung niên và có cả giới trẻ nữa. Tất cả đều sẵn sàng chịu chết vì Danh Đức Kitô. Trong số đó, gần gũi với chúng ta có lẽ là chân phước Anrê Phú Yên, chịu tử đạo khi mới19 tuổi, lứa tuổi rất đẹp, cùng trang lứa với nhiều người trẻ.

III. THẬP GIÁ CỦA CHÚNG TA

Theo lời Chúa dạy và theo gương cha ông, chúng ta cũng phải vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa. Thập giá của chúng ta cũng chính là lòng hoán cải và sẵn sàng chịu chết vì Danh Đức Kitô.

  1. Lòng hoán cải:

Là một con người ai cũng có những yếu đuối, những tội lỗi của mình, điều quan trọng là chúng ta phải biết hoán cải, sửa đổi cuộc sống. Mỗi khi đi đám tiệc, hoặc xuất hiện trước công chúng, chúng ta dành nhiều thời gian để làm đẹp mình. Mỗi khi nỗi mụn là người ta lo lắng, bị thẹo nhỏ trên mặt là không dám đi lễ, sợ người ta cười… Mỗi ngày người ta tốn bao nhiêu thời gian để lo cho thân xác, cho vẻ đẹp bên ngoài? Chắc cũng nhiều lắm! Nhưng tại sao chúng ta không dành thời giờ để nhìn lại cuộc sống, nhìn lại tâm hồn của mình? Nhìn lại để thấy mình có những sai lỗi nào, những tính hư nết xấu nào mà lo sửa đổi. Để thể hiện lòng hoán cải, mỗi ngày chúng ta phải dành thời gian để xét mình, tốt nhất là trước khi đi ngủ, về mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm trong ngày sống. Phải thường xuyên lãnh nhận bí tích giải tội, nhất là những khi phạm tội trọng. Không ai chê cười khi thấy chúng ta ăn năn sám hối và sửa đổi cuộc đời, nhưng đáng chê cười những người không thấy sai lỗi của mình, và đáng chê cười hơn đối với những người thấy mình sai mà không chịu sửa.

  1. Sẵn sàng chịu chết vì Danh Đức Kitô:

Kế đến, thập giá của chúng ta cũng phải là sẵn sàng chịu chết vì Danh Đức Kitô. Một bạn trẻ đã chia sẻ trên trang Web Giáo phận Cần Thơ với nhan đề: “Con sẽ chết cho Danh Thánh Giêsu”. Bạn ấy thắc mắc là làm sao mình có thể noi gương, bắt chước nhân đức anh hùng của chân phước Anrê Phú Yên, một thần tượng trẻ tuổi của bạn ấy. Để rồi khi tham dự một buổi thuyết trình với chủ đề: “Tử Đạo thời @”, bạn ấy nghiệm ra rằng, các Kitô hữu ngày hôm nay không còn Tử đạo bằng đầu rơi máu đổ, nhưng vẫn Tử đạo liên lỉ hằng ngày bằng những thách đố của thời đại hôm nay. Tôi xin trích nguyên văn những cách mà bạn ấy chọn để “Tử đạo thời @”, có nghĩa là Tử đạo trong thời đại của chúng ta.

“Con tử đạo không bằng cách chết như Chúa Giêsu, nhưng bằng đời sống khiêm nhường, yêu thương và phục vụ như Ngài. Con kìm lại một tiếng phàn nàn khi trời nóng mà quạt máy bị hư, không than thở và bực dọc khi bị hiểu lầm, không càu nhàu hay khó chịu những lúc kẹt xe, và nhường nhịn người khác khi lưu thông trên đường.

Con đem Chúa đến cho mọi người qua nụ cười với cô bán xôi buổi sáng, tiếng cám ơn với bác vá xe, lời chúc ngày mới tốt lành với một người con chẳng biết mặt khi hỏi kết quả thi trên tổng đài, hay lời từ chối dứt khoát với những điều trái luật yêu thương.

Con sắp xếp một chỗ trên giá sách, đặt vào giữa những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới quyển Kinh Thánh, và dành thời giờ đọc Lời Chúa mỗi ngày. Con phải biết, phải quen và kết thân với Chúa trước thì mới giới thiệu Ngài cho người khác được”.

  …

Tóm lại, lễ các thánh Tử Đạo tại Việt Nam cho chúng thấy được những con người biết vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, thể hiện qua việc hoán cải cuộc sống và sẵn sàng chịu chết vì Danh Chúa Giêsu. Là con cháu được thừa hưởng gia tài đức tin từ cha ông, chúng ta cũng phải biết vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa, thể hiện qua việc biết từ bỏ những yếu đuối, tội lỗi, sửa đổi cuộc sống. Đồng thời sẵn sàng “Tử đạo thời @”, nhất là từ bỏ những tội lỗi của thời đại hôm nay. Xin ơn Chúa giúp nhờ lời cầu bầu của các thánh Tử đạo Việt Nam ban thêm đức tin cho mỗi người chúng ta,nhất là những người trẻ, để chúng ta dám mạnh dạn vác thập giá mỗi ngày qua việc hoán cải cuộc sống và sẵn sàng chấp nhận Tử đạo trong thời đại hôm nay.

print