Vắc-Xin Tinh Thần” Của Người Ki-Tô Hữu Thời Covid-19

print

Vắc-Xin Tinh Thần” Của Người Ki-Tô Hữu Thời Covid-19

Trần Cao Khải

Từ đầu tháng 9 vừa qua, một số báo điện tử tại TP.HCM đã đăng tải thông tin liên quan đến việc thành phố HCM kể từ ngày 5-9-2021 sẽ thực hiện triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân với tên gọi “Vaccine tinh thần”. [[1]Chương trình này sẽ do các chuyên gia tâm lý có nhiều kinh nghiệm lâm sàng của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đảm nhiệm. Theo hiệu trưởng trường cho biết, đây là hoạt động hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân tại TP.HCM bị ảnh hưởng về tâm lý do dịch COVID-19 kéo dài.

Cũng theo bản tin trên, kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM vào tháng 8-2021 cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người dân cảm thấy lo âu, trầm cảm, căng thẳng/stress, buồn chán, bứt rứt, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ… và có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý rất cao.

Những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi COVID-19 có nhu cầu được hỗ trợ trấn an tâm lý, tinh thần để vượt qua đại dịch này gồm bệnh nhân, thân nhân, người lao động và học sinh, sinh viên… Vì ngoài sức đề kháng cơ thể, con người cần huy động một hệ thống miễn dịch khác về mặt tinh thần, hay còn gọi là sức đề kháng tinh thần

Tại họp báo ngày 3-9-2021, hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), cũng cho biết là chương trình có thể kéo dài tùy tình hình diễn tiến của đại dịch. Ba nhóm hỗ trợ chính gồm phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19.

Như vậy, ta có thể thấy rằng ngoài vắc-xin thể xác tức là vắc-xin y học nhằm giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể, còn có thêm hai loại vắc-xin nữa không kém phần quan trọng, đó là vắc-xin tinh thần và vắc-xin tâm linh. Sau đây, chúng ta sẽ thử bàn về hai loại vắc-xin này.

1.- Vắc-xin tinh thần

Ngày 7-9-2021 vừa qua, trên trang báo điện tử Người Lao Động có đăng bài viết của Bs Trương Hữu Khanh, một chuyên gia dịch tễ học, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), đề cập đến vấn đề “Liều thuốc tinh thần cho bệnh nhân F0 của Covid-19”. [[2]]

Theo Bs Khanh, “Tinh thần trong điều trị bệnh Covid-19 rất quan trọng, không chỉ vì nó ảnh hưởng tới sức đề kháng mà còn gây ra những tác động dễ thấy, phổ biến nhất là mất ngủ. Không ngủ được sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều, trong khi lúc này người bệnh rất cần được nghỉ ngơi để có sức chống chọi lại bệnh. Nhiều F0 còn bị rối loạn hoảng loạn. Các vấn đề về tinh thần đôi khi lại ảnh hưởng đến bệnh nền.”

Ông giải thích thêm: “Tất cả những gì liên quan đến sự lạc quan đều kích thích cơ thể tiết ra các nội tiết tố có lợi nhằm tăng cường sức đề kháng, giúp các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, mà sức đề kháng là vũ khí chính giúp các F0 vượt qua bệnh Covid-19. Khi lạc quan, mình cũng ăn uống tốt hơn, có thêm năng lượng. Điều này vô cùng quan trọng bởi biếng ăn là một vấn đề hay gặp ở bệnh nhân Covid-19, mà ăn uống kém, thiếu chất lại làm tăng nguy cơ bệnh trở nặng, cơ thể không có sức chống chọi.”

Có lẽ hiện nay người ta đang chú trọng rất nhiều vào khía cạnh khoa học của việc phòng chống virus corona, tác nhân của Covid-19, chẳng hạn như thực hành 5K, 3T, khuyến khích tiêm chủng, phổ biến thuốc điều trị, sử dụng các phương tiện chữa bệnh hiện đại vv. Trong khi đó, người ta lại không quan tâm đến khía cạnh xã hội và tâm linh trong việc phòng chống Covid. Chính trong giai đoạn này mà chúng ta phải điều chỉnh việc đối phó với con vi-rút corona, không phải chỉ bằng những biện pháp khoa học mà còn nhờ những tác động sâu xa của tinh thần và tâm linh nữa. Chính nhờ yếu tố tinh thần và tâm linh này, con người mới có thể đón nhận và vượt qua được những thảm họa mà Covid-19 đã và đang gây ra, nhất là khi con người đang ở trong tâm thế phải sống chung lâu dài với con vi-rút vô cùng độc hại.

Quả vậy, hiện nay nhiều nhà khoa học và chuyên gia trên thế giới đã khẩn trương lên tiếng khuyên cáo rằng hãy tập sống chung với dịch, với con corona bao lâu nó còn tồn tại trên thế gian này. Chúng ta biết rằng, ngày 22-4-2020 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo các nước trên thế giới không nên vội mất cảnh giác vì cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn rất gian nan và thế giới sẽ phải sống chung lâu dài với virus Sars-CoV2. Lời cảnh báo trên được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, Tedros Adhanom Ghebreysus đưa ra trong cuộc họp báo thường nhật của WHO tại Geneva – Thuỵ Sỹ chiều ngày 22-4-2020. [[3]]

Quả thực, việc chấp nhận sống chung với Covid, giống như nhiều người đã từng sống chung với lũ, với bão tố, với thiên tai dịch bệnh, sẽ giúp chúng ta bình tĩnh, khôn ngoan, tỉnh táo hơn trong việc sống thích nghi với vi-rút và dịch bệnh. Gần đây, xuất hiện một bài viết rất hay tựa là “Tản mạn về virus corona…Bình tĩnh nhìn nhận vấn đề qua 3 khía cạnh: khoa học tự nhiên , khoa học xã hội và khoa học tâm linh” đăng trên trang web của Gp Bùi Chu. [[4]] Tác giả cùa bài viết là một nhà khoa học, TS.BS Nguyễn Đỗ Ngọc Linh, Trưởng P. Đào tạo Đại Học Y Khoa Phan Châu Trinh tỉnh Quảng Nam. Sau khi phân tích những dữ kiện “lạ lùng” về con vi-rút mới mẻ này, tác giả đã phải thừa nhận nhận rằng:

 “Rõ ràng, cần phải bình tĩnh lại và nhìn nhận vấn đề. Rõ ràng cái dịch bệnh này có điều gì đó mà giới hạn của khoa học hiện nay chưa thể lý giải được một cách cụ thể và chính xác về loài virus này.

“Chính tôi, là một tiến sỹ, bác sỹ chuyên ngành vi sinh, nhưng tôi cũng thấy khó giải thích trước tình cảnh dịch bệnh trước mặt, nó khác nhiều so với những gì tôi được học, đã biết và đã từng nghiên cứu. 

“Tại thời điểm đợt dịch thứ nhất, phó trưởng khoa Y của đại học y khoa UCSF email cho tôi và nói rằng ông đang rất lo lắng vì không biết làm sao để bảo vệ nhân viên và sinh viên của ông trước đại dịch, chúc lành cho các bạn. Đại học Stanford, tượng đài y khoa của tôi cũng sụp đổ khi họ nói họ chẳng hiểu cái dịch này như thế nào. Cũng từ đó, tôi muốn tiếp cận nó theo hướng mới hơn là khoa học thuần tuý. Tôi cho rằng phải mở rộng trí óc hơn, cái nhìn phải lớn hơn, rộng hơn, dựa trên ba khía cạnh: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và khoa học tâm linh thì mới hiểu được phần nào về đại dịch này.

“Con người chủ yếu mới chỉ nhìn nhận đại dịch ở khía cạnh khoa học, có một số ít người nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học xã hội, và rất ít người hơn nữa nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học tâm linh. Trên mạng, trong sách, đã có quá nhiều người nhìn nhận đại dịch coronavirus ở góc nhìn khoa học, nên tôi không muốn viết về nó nữa, mà tôi muốn nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học xã hội và khoa học tâm linh.

“Chẳng hạn, tại sao nếu nhìn vào số lượng người chết do Covid thì thực ra không bằng một trận chiến tranh. Thậm chí còn không bằng số người chết hàng năm vì tai nạn giao thông tại Việt Nam. 

“Tại sao người ta không sợ chiến tranh, không sợ tai nạn giao thông, mà lại hoảng loạn vì virus? Là vì chiến tranh người ta còn biết đánh ai, ai đánh, biết kẻ thù là ai, chiến lược thế nào, đánh từ đâu, phòng thủ thế nào. Nhưng virus thì không thấy đâu cả. Không biết đánh từ đâu, phòng thủ thế nào nên tâm lý con người, tâm lý xã hội, họ sợ và hoảng loạn. Từ đó mà tình hình dịch bệnh cứ nặng dần lên.

“Một góc khác ở khía cạnh khoa học xã hội. Mọi người cứ hỏi làm sao để dập dịch, làm sao để chống lại Sars-CoV2. Nhưng riêng tôi, tôi thấy nó là sự cân bằng của Tạo Hóa mang lại. Người ta chỉ nói về tác hại của Covid mà rất ít người nhìn nhận khía cạnh tích cực của nó…”

Cuối cùng, tác giả đã cũng đưa ra lời một lời kết luận đáng lưu ý, đó là:

Yếu tố tinh thần là quan trọng nhất vì ai cũng hiểu đến giờ nầy không có thuốc nào để trị Covid cả. Yếu tố tinh thần và niềm tin sẽ là chất liệu cần thiết để được hồi phục. Người nào có tôn giáo thì nên cầu nguyện theo tôn giáo đó, còn ai không có tôn giáo thì bình tâm, ngồi hít thở đều đặn, không nên hoang mang. Hãy sống lạc quan và tích cực để có thể vượt qua tất cả mọi khó khăn!”

Đối với Ki-tô hữu chúng ta, hơn lúc nào hết, đây là thời buổi cần sống đức tin mạnh mẽ và triệt để nhất, vì chính lòng tin sẽ cứu chữa chúng ta (x.Mt 9, 22; Mc 10, 52).

2.- Vắc-xin tâm linh

Ở đây, khi nói đến “Vắc-xin tâm linh”, người Ki-tô hữu chúng ta liên tưởng ngay tới ơn thánh, tới đức tin, tới đời sống đạo của mình. Hơn lúc nào hết, hiện nay dịch cúm Covid đe dọa mạng sống từng người, gây lo lắng hoang mang cho từng nhà, từng cộng đoàn. Đức tin mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chính Người sẽ nâng đỡ chúng ta trong lúc khó khăn khăn này. Hãy sống tín thác vào Chúa. “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu” (Pl 4, 6-7).

Trong bài viết tựa “Đức tin thời đại dịch” trên trang web dongten.net ngày 12-7-2021, tác giả đã chia sẻ về vai trò của của đức tin của người tín hữu sẽ như thế nào trong thời buổi dich bệnh Covid-19, với đoạn mở đầu như sau:

“Đại dịch Covid-19 vẫn đang trở nên quá khó hiểu và đáng sợ với hàng triệu người dân cả nước. Việt Nam chúng ta đang chứng kiến hàng chục ngàn người nhiễm bệnh và một số không nhỏ đã phải ra đi. Nếu tình hình không mấy khả quan, số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng từng ngày. Cuộc khủng hoảng này đang khiến cộng đồng đặt lại vấn đề về y tế, đạo đức và hậu cần. Nhưng chính nó cũng đang chất vấn những người có đức tinĐức tin của bạn như thế nào? Liệu nó có thể giúp bạn vượt qua cơn đại dịch này không? Ở đây, Cha James Martin, S.J. sẽ giúp bạn một vài phương thế sống đức tin thời đại dịch. Chẳng hạn, “Chống lại sự hoang mang là phương thế đầu tiên”.

Tác giả bài viết đã dẫn lời LM James Martin như sau: “Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không còn lo lắng nữa, hay cứ phớt lờ những lời khuyên hữu ích của các chuyên gia y tế và các biện pháp phòng chống dịch cộng đồng. Thi thoảng cảm thấy lo lắng là chuyện hết sức bình thường. Nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu lo lắng kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, và khiến bạn cảm thấy sợ hãi. Trước cơn khủng hoảng của đại dịch, làm sao con người có thể bình tĩnh vượt qua? Làm sao có thể cảm thấy bình an và hy vọng nội tâm? Chính Thiên Chúa sẽ mang lại niềm hy vọng, sự bình an cho bạn chứ không phải hoang mang, hãi sợ.” [[5]]

Thánh Aug-gus-ti-nô đã nói: “Hãy chăm sóc tốt thể xác nếu bạn muốn sống lâu. Hãy chăm sóc tốt linh hồn, vì có thể bạn sẽ chết vào ngày mai”. Trong khi chúng ta “hăm hở” đi tiêm chích vắc-xin khoa học với hi vọng phòng chống dịch cúm Covid-19 một cách triệt để, thì đức tin cũng mời gọi chúng ta xác tín về những thứ vắc xin tâm linh khác, cần thiết hơn, cấp bách hơn, ý nghĩa hơn. Đó là vắc-xin ơn Chúa, vắc-xin Lời Chúa, vắc-xin cầu nguyện và hy sinh. Sau đây chúng ta sẽ bàn về ba loại vắc-xin tâm linh trên.

Ơn thánh

Ơn thánh là ơn huệ nhưng không đến từ Thiên Chúa. Ơn thánh là sức mạnh siêu nhiên có sức nâng đỡ cả hồn lẫn xác, cả đời sống thiêng liêng lẫn đời sống thể xác của chúng ta. Đối với kẻ tin thì “Tất cả đều là ân huệ” (Thánh nữ Tê-rê-xa HĐ). Và ơn Chúa thì lúc nào cũng dồi dào và phong nhiêu, “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9).

“Theo lời dạy của Đức Giê-su, Phao-lô đã nói với người Ê-phê-sô: Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ, đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa (2,8). Ân sủng đã cứu chúng ta. Thật là một món quà tuyệt vời mà Cha chúng ta đã ban cho chúng ta! Người sẽ không dừng lại ở bất cứ điều gì – ngay cả cái chết của Người Con Một – với mục đích là để lôi kéo chúng ta đến với Người và lấp đầy chúng ta bằng tình yêu của Người!” [[6]]

Chúng ta biết rằng, hiện nay có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và các tình nguyện viên CG đã và đang lên đường xông vào các điểm nóng Covid, để cùng sống, cùng hy sinh và có khi cùng chết với các bệnh nhân đau khổ. Điều gì đã khiến cho họ dấn thân một cách tích cực như vậy? Đó là do sự thúc đẩy của Chúa và nhờ sự trợ lực của ơn thánh. Sau đây là vài dòng chữ trích trong chứng từ của linh mục Phao-lô Nguyễn Văn Quý, dòng Đa Minh, phục vụ 3 tuần tại BV Dã chiến điều trị Covid-19 quận 7:

“Giữa những mất mát, đau khổ của dịch bệnh thì tình yêu đối với con người giúp xóa tan khoảng cách, gắn kết tất cả mọi người lại với nhau. Khi có nhóm linh mục, tu sĩ đến tiếp sức, các y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện rất phấn khởi. Họ tạo mọi điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ trợ nhóm tu sĩ thiện nguyện làm tốt công việc của mình. Đối với các bệnh nhân, ngay cả với người ngoại giáo, họ cũng nhận ra một tinh thần phục vụ hết sức đặc biệt nơi các linh mục, tu sĩ. Bởi chúng tôi mặc lấy tâm tình của Đức Kitô nên khi phục vụ cho người bệnh, mọi người đều làm với tất cả tình yêu, dù có mệt nhưng vẫn vui cười, lạc quan, thắp lên niềm tin yêu, hy vọng trong môi trường đau bệnh.” [[7]]  

Lời Chúa

Đối với Ki-tô hữu chúng ta, Lời Chúa luôn có sức mạnh giúp chúng ta chống đỡ được mọi đau khổ, thất vọng trong lúc gian nan khốn khó như hoàn cảnh dịch Covid hiện tại. Mỗi Lời Chúa được coi như là một liều vắc-xin quyền năng có khả năng giúp ta vững vàng, mạnh mẽ, vượt qua bệnh tật hồn xác.

Thực vậy, “Đôi khi trong cuộc sống, bệnh tật hoặc chấn thương sẽ tạo ra gánh nặng lớn và chúng ta thậm chí có thể gặp khó khăn cả trong những sinh hoạt hằng ngày. Chẳng dễ dàng để có thể chịu đựng, và việc chữa lành không phải lúc nào cũng xảy ra ngay lập tức. Dù bất kỳ tình huống nào xảy ra, chúng ta cũng đừng ngần ngại than khóc với Chúa để được chữa lành. Ngài luôn hồi đáp những lời cầu xin của chúng ta, dù đôi khi đó không phải là một phép lạ phục hồi sức khỏe hoàn chỉnh. Kinh Thánh là một địa chỉ tốt nơi ta có thể tìm thấy nhiều nhân vật đã cầu xin Chúa chữa lành. Một số người trong họ đã được chữa lành hoàn toàn, trong khi những người khác được củng cố đức tin. Chúng ta có thể biến những lời cầu nguyện này của họ thành của riêng mình và cầu xin Chúa chữa lành chúng ta, dù là thể xác hay tâm hồn.” [[8]] 

Lạy Đức Chúa, xin cứu chữa con, để con được chữa lành, xin cứu thoát con, để con được giải thoát, vì vinh dự của con chính là Ngài!” (Gr 17,14) 

Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa; Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân, sai lời Người đến, chữa cho lành mạnh, cứu họ khỏi sa hố sâu. Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần” (Tv 107, 19-21) 

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người, Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi” (Tv 103,2-3) 

Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi! Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ: Hãy đi trình diện với các tư tế. Ðang khi đi thì họ đã được sạch” (Lc 17,13-14) 

 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8) 

Sự cầu nguyện và hy sinh

ĐTGM TGP Saigon Giu-se Nguyễn Năng ngày 31-8-2021 đã có thư gửi gia đình Tổng giáo phận với chủ đề “Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6, 18), trong đó có đoạn ngài nhắn nhủ các tín hữu:

Ước gì mỗi người trong cộng đoàn Dân Chúa hãy làm tất cả những gì có thể để niềm hy vọng trở thành hiện thực, bằng lời cầu nguyện, bằng sự thăm viếng ủi an, cảm thông khích lệ, giúp đỡ vật chất. Đừng để một ai phải thất vọng vì sự dửng dưng vô cảm của chúng ta. Xin hãy chuyển thông điệp hy vọng này tới tất cả mọi người.

Tương lai sẽ còn nhiều bất ngờ và khó khăn thử thách. “Hãy giữ vững niềm hy vọng”. Nếu bà góa nghèo kêu cầu một thời gian khá lâu mà ông quan tòa không chịu nghe, nhưng cuối cùng ông cũng phải đáp lời, vậy “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn hay sao? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ”. Vì thế, chúng ta “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Chỉ sợ chúng ta đã đánh mất niềm tin (x. Lc 18,1-8).

Chúng ta hãy nghe lời mời gọi từ Thánh Tâm Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Niềm hy vọng của chúng ta “cắm neo chắc chắn vững vàng” nơi mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Đức Kitô (x. Dt 6, 19). Đó là bảo đảm để không bao giờ chúng ta phải thất vọng khi bước đi trong đêm tối.” [[9]]

Chúng ta biết rằng, việc cầu nguyện bao trùm, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống Ki-tô hữu. Nó như là sự sống và hơi thở của ta vậy. Đức Cố Hồng y Phx Nguyễn Văn Thuận đã viết như sau: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu là cầu nguyện. Ai không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin” (Sách Đường Hy Vọng, đề mục Cầu Nguyện). Thánh An-phong-sô cũng đã nói như sau: “Sự giàu có của ta là cầu nguyện và ngày nào không cầu nguyện là ngày vất bỏ. Bỏ cầu nguyện là tự dìm mình vào hoả ngục”.

Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm mà tín hữu chúng ta cần phải cầu nguyện luôn và không được nản chí. Thánh Phao-lô nhắc nhở tín hữu phải cầu nguyện luôn với tâm tình vui mừng cảm tạ. Ngài viết: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 16-18). Riêng thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su thì tâm sự rằng, “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan ” (Sách Tự Truyện).

Bên cạnh đời sống cầu nguyện là những hy sinh chúng ta trong đời sống hiện tại đang gặp muôn vàn khó khăn, khổ sở do bệnh dịch. Những hy sinh có thể là âm thầm nhỏ bé, khiêm tốn và cũng có thể là những hy sinh to lớn có liên quan trực tiếp đến cả mạng sống của chúng ta. Dù trong tình huống nào thì sự hy sinh cũng là một liều vắc-xin quý giá có sức hoán cải chúng ta và mưu lợi ích cho anh em. Tác giả bài viết tựa “Chỉ vì tình yêu Đức Ki-tô thúc bách” trên trang web TGP Saigon ngày 17-8-2021 đã chia sẻ như sau:

“Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều đau thương cho thế giới, nhưng qua đó chúng ta thấy tình Chúa, tình người vẫn đang được thể hiện thật cụ thể, rõ ràng qua tinh thần liên đới của rất nhiều anh chị em chúng ta trong đại gia đình nhân loại, đặc biệt qua sự dấn thân, hy sinh âm thầm của các tình nguyện viên linh mục, tu sĩ, giáo dân Kitô giáo và nhiều người thuộc các tôn giáo, hội đoàn khác. Những nghĩa cử hy sinh phục vụ cao đẹp của các tình nguyện viên sẽ là dấu chỉ hữu hiệu để Tin Mừng của Chúa được chạm đến trái tim nhiều người, đặc biệt là những ai chưa tin vào Chúa.

“Và nếu một ngày nào đó, chúng ta không còn thấy một trong các tình nguyện viên ấy trở về đoàn tụ với gia đình, với cộng đoàn vì đã hy sinh sự sống cho anh chị em mình thì thay vì ưu sầu, thương khóc, chúng ta hãy hân hoan đón mừng một vị tử vì đạo của thế kỷ 21, một vị thánh đã hy sinh âm thầm cho sự sống của bao người vì tình yêu Đức Kitô” ./. [[10]]

Aug. Trần Cao Khải

 

[[1]]https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-sap-co-vaccine-tinh-than-20210903191333892.htm

[[2]] https://nld.com.vn/suc-khoe/lieu-thuoc-tinh-than-cho-f0-20210906195911877.htm

[[3]]https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-chu-dong-phong-chong-covid19/who-the-gioi-se-phai-song-chung-lau-dai-voi-virus-sarscov2-852130.vov

[[4]]https://gpbuichu.org/news/TU-LIEU/binh-tinh-nhin-nhan-virus-corona-theo-3-khia-canh-11709.html

[[5]] https://dongten.net/2021/07/12/duc-tin-thoi-dai-dich/

[[6]]  https://giaophanvinhlong.net/duc-tin-cua-con-da-cuu-chua-con.html

[[7]] http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/nhat-ky-linh-muc-tu-benh-vien-covid-19-tuong-la-cho-di-nhung-that-ra-lai-nhan-duoc nhieu_

[[8]] https://tgpsaigon.net/bai-viet/5-cau-kinh-thanh-cau-xin-chua-chua-lanh-59757

[[9]]https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-gui-gia-dinh-tong-giao-phan-hay-nam-giu-niem-hy-vong-danh-cho-chung-ta-64108

[[10]] https://tgpsaigon.net/bai-viet/chi-vi-tinh-yeu-duc-kito-thuc-bach-64051

 

KI-TÔ HỮU: SỐNG ĐẠO HAY GIỮ ĐẠO?

Nhiều lúc Ki-tô hữu chúng ta tự hỏi không biết mình đang sống đạo hay giữ đạo. Vì trong đời sống thường ngày, chúng ta chỉ quan tâm làm một số việc đạo đức theo thói quen như đọc kinh, xem lễ, rước lễ, lần hạt, làm dấu thánh giá vv…Và chúng ta an tâm mình đã là người Ki-tô hữu chính danh rồi. Thực ra, xét cho kỹ thì đó mới chỉ là “giữ đạo” theo thói quen và theo luật lệ, chứ chưa phải là sống đạo, hành đạo theo ý Chúa. Nhất là việc “giữ đạo” của ta thường chỉ nhằm mục đích mình sẽ được rỗi linh hồn và được lên thiên đàng.

Thực ra giữa hai việc “giữ đạo” và “sống đạo” có một sự khác biệt rất lớn.

Tác giả Trầm Thiên Thu, trong bài “Giữ đạo và sống đạo” đã diễn giải sự khác biệt giữa giữ đạo và sống đạo, như sau: “Giữ đạo là dạng sơ đẳng và tiêu cực, sống đạo mới là cao đẳng và tích cực. Sống đạo đúng nghĩa không hề đơn giản! Chúng ta giữ đạo chỉ cần làm dấu, đọc vài kinh (chứ chưa chắc cầu nguyện), tham dự phụng vụ trong nhà thờ, ‘đóng khung’ từ cửa nhà thờ vào. Nhưng sống đạo không phải vậy, mà phải ‘đi vào đời’ chia sẻ mọi điều với tha nhân, nghiêm túc từ trong ý nghĩ rồi mới phát tiết ra cử chỉ, ngôn ngữ, ánh mắt, thái độ và hành động. Khó lắm thôi!”. [1]   

Một tác giả khác đã chia sẻ như sau: “Có những người theo đạo cả cuộc đời nhưng chẳng thấu đáo lẽ đạo. Có những người giữ đạo rất cẩn thận, tỉ mỉ chu toàn các giới răn của Chúa, thi hành điều luật của giáo hội nhưng tâm đạo thì nguội lạnh, thờ ơ. Có những người sống đạo lấy lệ, đôi khi còn khoe là đạo gốc ba bốn đời nhưng không thực hành đạo. Có những tín hữu, nhìn xem hình thức bề ngoài rất tốt, họ tham gia mọi sinh hoạt cộng đoàn nhưng thiếu lòng bác ái yêu thương. Như thế để trở thành một người Kitô hữu tốt, phải là người có tâm đạo và sống thực với niềm tin của mình. Niềm tin đối với Thiên Chúa và với tha nhân”. [2]

Vậy thế nào là “Giữ đạo” và thế nào là “Sống đạo”?

* GIỮ ĐẠO

Trước hết, chúng ta không dám phê phán cách thức giữ đạo, hành đạo của rất nhiều tín hữu từ xa xưa tới nay. Chúng ta cũng không lạm bàn gì về vấn đề đạo-tại-tâm hay đạo-hình-thức. Ở đây chỉ mong làm sáng tỏ một vài vấn đề căn cốt mà nhiều người rất quan tâm. Đó là khái niệm “Giữ đạo” và việc hành đạo theo quan niệm “Giữ đạo”.

Nhiều người coi đạo như một mớ lý thuyết phải biết, một số điều phải tin, một vài điều buộc phải giữ, một số sinh hoạt cần thực hành. Đạo khi đó trở thành một nếp sinh hoạt hời hợt bên ngoài, xa rời bản chất nên thường máy móc và dễ thay đổi. Nhất là đạo lại mang hơi hướng trần tục và có vẻ vụ lợi.       

Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trong bài “Mười căn bệnh làm băng hoại người công giáo” đã lưu ý chúng ta về bệnh chuẩn mực trần tục: Lấy tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa, nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để chuẩn định. Người Công giáo kiểu đó thường hay trở thành công giáo tùy thời: Thịnh thì Công giáo, suy thì chối.

Ngài cũng đề cập việc loại người Công giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy. [3]

Nguy cơ của việc giữ đạo, có đạo, sở hữu đạo như là chiếm hữu một cái gì cho riêng ta, theo ý ta, là chúng ta sẽ hành đạo một cách lệch lạc, không đúng với ý Chúa và Tin Mừng Ki-tô giáo.

Thử hồi tâm xem chúng ta đã sống đạo thế nào. Đạo của chúng ta là Đạo-Chúa, Đạo-Tin-Mừng hay là Đạo-sinh-hoạt, Đạo-đoàn-thể, Đạo-lễ-nghi, Đạo-hoành-tráng, Đạo-phô-trương vv… Một linh mục đã chia sẻ như sau:

“Nhiều người Kitô hữu và một số chức sắc ngoại quốc đã từng trầm trồ về nét sinh hoạt sầm uất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cho tới hiện nay, bước vào thiên niên kỷ thứ III, chúng ta vẫn tương đối an tâm khi nhìn vào các nhà thờ trong giờ lễ, khi nhìn thấy đông đảo tín hữu, nhất là giới trẻ, trong các dịp tĩnh tâm; chúng ta cũng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn, và ra như càng ngày càng nhiều hơn, những chuỗi người xếp hàng dài chờ xưng tội…

“Tuy nhiên, trong lòng những tổ chức và sinh hoạt ấy, đời sống đức tin có tính chất cá vị hình như lại khá yếu kém. Các nhà thờ của chúng ta thường đông người trong những giờ có tổ chức sinh hoạt phụng vụ, nhưng lại vắng hoe khi không có tổ chức nào. Ta thấy rất ít những người đến với Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu đức tin trong cuộc đời. Người ta chỉ đến với Chúa vì lề luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó.

“Tổ chức giáo xứ của chúng ta có những ban bệ khá vững chắc, nhưng lại không thể hiện được bao nhiêu cách sống thấm nhuần Tin Mừng. Nhiều giáo xứ, nhất là những giáo xứ lâu năm không có linh mục, vẫn tổ chức các sinh hoạt đạo sầm uất : làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ xí, chuông trống, áo xống, ngắm nguyện…Thế nhưng, ngay trong chính những sinh hoạt đạo ấy, người ta lại có thể đấu đá nhau sát ván bằng những phương thức không có một chút men Tin Mừng nào, ngay cả bằng những phương thức xã hội đen!…

“Nhiều người sinh hoạt lâu năm trong hội đoàn, nhiều em sinh hoạt một thời gian dài trong nhóm giúp lễ, nhưng khi hết hội đoàn, rời bỏ nhóm, thì tâm hồn cũng chẳng còn một chút gì là giá trị đạo. Nhiều trường hợp các em lại còn hư hỏng thêm do ‘gần chùa gọi bụt bằng anh’, hoặc do việc kết bè kết nhóm khi sinh hoạt hội đoàn. Nguyên do cũng chỉ vì sinh hoạt trở thành ‘đạo’, thành nguyên lý; và hết sinh hoạt, thì đạo cũng hết”. [4]

Xét như vậy ta thấy rằng có đạo mà chỉ “giữ” thôi chứ không “sống” thì chúng ta dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng. Ki-tô hữu là người tin Chúa, có Chúa, theo Chúa nhưng thực tế là chúng ta biến đổi đạo Chúa thành đạo của mình, thay vì để cho Chúa biến đổi con người và cuộc sống mình theo ý Chúa muốn. Nhiều khi chúng ta coi việc chính là phụ và coi điều thứ yếu là chính yếu.

Đức HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc nhở chúng ta là hãy đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa. Bởi vì khi chúng ta quá say mê làm những việc-của-Chúa, việc-của-cộng đoàn, việc-của-đoàn thể thì sẽ dễ dàng bỏ qua đời sống nội tâm, lơ là việc kết hiệp với Chúa, khô khan ít cầu nguyện, và không quan tâm tới thực thi bác ái đối với tha nhân.

Khi đạo của chúng ta chỉ hời hợt bên ngoài với những việc làm thiên về phô trương, hoành tráng, cao ngạo, đua chen, hình thức thì lúc đó chúng ta đang sa đà vào cái thực trạng này là chúng ta có đạo nhưng không có Chúa.  

Đức HY Phan-xi cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc đến bệnh phô trương chiến thắng như sau:

“Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng Pháp gọi là ‘triomphalisme’, người Mỹ cũng có từ ngữ ‘show up’.

“Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về ! Hãy từ bỏ chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?

“Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự”. [3]

* SỐNG ĐẠO

Bây giờ ta đề cập đến việc sống đạo như là căn bản của đời sống Ki-tô hữu. Điều này khác xa với việc giữ đạo đã đề cập ở trên.

. Sống Đạo là sống theo gương Chúa Giê-su và thực thi lời Ngài dạy.

Mỗi người trong chúng ta đều mang danh Ki-tô hữu, tức là “người-có-Đức-Kitô”. Tức là chúng ta đang sống sự sống của Đức Ki-tô và ta có thể tự hào nói như thánh Phao-lô, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì thế, tất cả con người và cuộc sống của chúng ta phải lấy Chúa làm mẫu gương và phản ánh hình ảnh Chúa trước mặt người khác. Chúa đã nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 29). Ở chỗ khác, Chúa cũng nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,18).

Chúng ta noi gương Chúa là để làm chứng nhân cho Chúa và làm chứng tá Tin Mừng của Ngài. Thông qua con người và cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta, mọi người thấy được ánh sáng Tin Mừng của Chúa, biết rõ bản chất đích thực của đạo Chúa và có thể cảm nhận được vinh quang Thiên Chúa ngay trong cuộc sống dương thế này. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nhấn mạnh vai trò và giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng, như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.    

Người Ki-tô hữu chúng ta có thể sống đạo thông qua gương chứng nhân trong nhiều cách thế. Chúng ta có thể làm gương sáng về: Đời sống tự nguyện khó nghèo vì Nước Trời; Không làm giàu một cách bất chính; Không phung phí tiền bạc và của cải vật chất vào những việc vô ích; Thái độ hiền lành và cư xử khiêm tốn, ôn hòa, chịu đựng; Biết hy sinh, can đảm và có tinh thần từ bỏ vì lòng mến Chúa, yêu người; Yêu thương mọi người kể cả kẻ thù, kẻ làm hại mình, kẻ ghét bỏ mình; Vâng phục thánh ý Chúa trong mọi sự và thực hành triệt để Lời Chúa dạy; Tôn trọng sự công bằng; Không tham nhũng, thâm lạm của công; Quan tâm bênh vực công lý, bênh vực kẻ bị áp bức; Sống ngay thẳng thật thà; Sự cảm thông và chia sẻ hoàn cảnh khó khăn, khốn khổ của tha nhân, tránh thái độ vô cảm vv…

Đối với Ki-tô hữu chân chính, sống đạo cũng là quyết tâm thực hành những lời dạy của Chúa, đồng thời thi hành thánh ý Ngài một cách trọn vẹn. Như chính Chúa Giê-su đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi ” (Mt 7, 21). Sự thực thi ý muốn của Chúa trong đời sống của người Ki-tô có một ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì khi chúng ta thực thi ý muốn và lệnh truyền của Chúa là chúng ta đã làm chứng về Chúa một cách cụ thể rồi. Trong suốt thời gian rao giảng về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã ban bố nhiều giáo huấn cho các môn đệ và những ai theo Ngài. Những lời dạy dỗ của Chúa nhắm đào tạo nên những Ki-tô hữu đích thực. Họ sống đạo, hành đạo theo khuôn mẫu của Chúa chứ không theo lề thói giả hình, bôi bác như người biệt phái Do Thái.

Chẳng hạn Chúa đã công bố Bài Giảng Trên Núi (Mt 5) như nền tảng của đạo mới, đạo Tân Ước, theo đó các luật sống của môn đệ được Ngài nhấn mạnh triệt để. Chúa cũng kêu gọi môn đệ phải biết hi sinh từ bỏ một cách dứt khoát (Mt 19; Mc 10; Lc 18) và một khi tin Chúa, theo Chúa thì người ta sẽ không ngần ngại liều mất mạng sống mình (Ga 12). Chúa cũng kêu gọi môn đệ thực thi giới răn quan trọng nhất, đó là mến Chúa yêu người. Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Đó là luật mới, luật yêu thương triệt để (Mt 22; Mc 12; Lc 10). Sống đạo là sống yêu thương, “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).      

. Sống đạo  thể hiện lòng tin một cách kiên trung

Sống đạo cũng là sống theo những gì mình tin và thể hiện đức tin ấy qua những việc làm và cách sống cụ thể. Thánh Gia-cô-bê khẳng định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Hành động, việc làm của chúng ta có thể là những việc bổn phận hằng ngày trong gia đình. Có thể là những trách nhiệm mà chúng ta phải thi hành tại những nơi chúng ta làm việc, phục vụ. Có thể chúng ta chu toàn bổn phận Ki-tô hữu của mình, hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng, như đọc kinh, cầu nguyện, suy gẫm, dâng lễ, rước lễ, xưng tội, việc bác ái, hi sinh hãm mình vv… Ngay cả việc nhỏ bé như làm dấu Thánh giá và đọc kinh tạ ơn trước khi ăn chúng ta cũng không thể lơ là quên sót. Đó là biểu hiện chúng ta sống đức tin một cách cụ thể.

. Sống đạo là thực thi lòng Mến Ki-tô giáo một cách trọn hảo

Có thể nói nét chính yếu nhất của việc sống đạo của Ki-tô hữu, đó là thực thi lòng mến Ki-tô giáo. Mến Chúa yêu người luôn là giới răn quan trọng nhất. Thánh Phao-lô đã tóm tắt trong câu ngắn ngủi này, “Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10). Thánh Gio-an cũng nhấn mạnh, “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7). Việc yêu người luôn xuất phát từ lòng mến Chúa. Cho nên những ai tin theo Chúa thì không thể bỏ sót việc thực thi nhiệm vụ bác ái đối với tha nhân được. Việc sống đạo, hành đạo của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết tích cực phục vụ Đức Ki-tô trong anh em. Như Chúa đã phán, “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).

Chúng ta vẫn thường tự hào nói rằng “Đạo Công giáo là đạo-yêu”. Điều đó rất chính xác. Có nghĩa là Ki-tô hữu chúng ta phải là những người biết yêu và sống yêu. Chúa Giê-su cũng đã khẳng định chỉ những người yêu anh em mình thì mới xứng đáng là môn đệ của Chúa (x. Ga 13, 34-35). Thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh, “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8)./.

Aug. Trần Cao Khải

——-

[1]Web tonggiaophanhanoi.org ngày 4-9-2012 [2]LM Giuse Trần Việt Hùng, bài “Sống Đạo”, nguồn: simonhoadalat.com [3]Đức cố HY Phx Nguyễn Văn Thuận, bài “Mười căn bệnh làm băng hoại người công giáo”, tháng 9-1998 [4]LM Nguyễn Trọng Viễn O.P, bài “Đạo sinh hoạt”, nguồn: simonhoadalat.com.