Văn hóa giao tiếp: Bài 5 – Văn hóa sử dụng danh thiếp.

print
VĂN HOÁ GIAO TIẾP

BÀI 5: VĂN HÓA SỬ DỤNG DANH THIẾP

THẦY GIUSE NGUYỄN VĂN QUÝNH

  
 

MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG DANH THIẾP

– Gặp lần đầu
 

Khi mới gặp khách lần đầu, bạn nên trao danh thiếp để họ biết danh tánh, chức vụ của bạn hầu dễ dàng xưng hô khi trò chuyện. Khi tới thăm ai mà họ lại vắng nhà, bạn lấy danh thiếp của mình, bẻ góc phía trên bên tay mặt, và trao cho người nhà.

– Tặng quà

Khi muốn tặng quà, bạn nên kèm danh thiếp theo món quà, không cần viết lời nào trên danh thiếp. Người nhận quà cũng dùng danh thiếp viết lời cảm ơn và gửi lại người tặng quà.

– Chúc tuổi

Nếu muốn chúc tuổi trong dịp tết Nguyên đán, bạn nên ghi trên danh thiếp một câu chúc nào đó. Thí dụ: “Chúc mừng năm mới” hay “Cung chúc tân xuân”.

– Chúc mừng

Nếu muốn chúc mừng nhân dịp lễ bổn mạng, sinh nhật, cưới hỏi hay đỗ đạt thì bạn nên viết trên danh thiếp câu: “Thành thật chia vui…” hay “Xin Chúa chúc lành…”.

– Phân ưu

Nếu muốn phân ưu trong dịp tang chế, bạn nên viết trên danh thiếp câu: “Thành thật chia buồn với… trong dịp đau đớn này” hay “Nguyện xin Chúa cho linh hồn… sớm về hưởng nhan thánh Chúa”.

CÁCH TRAO DANH THIẾP

– Ai trao trước?

Người tự giới thiệu trao danh thiếp trước. Người được giới thiệu trao danh thiếp sau.

– Trao bằng tay nào?

Bạn hãy trao danh thiếp bằng tay trái và nhận bằng tay phải. Nên giữ khoảng cách chừng một cánh tay khi trao và nhận danh thiếp.

– Làm gì khi nhận danh thiếp?

Khi nhận danh thiếp, bạn nên mỉm cười. Có thể hỏi cách phát âm tên của họ hoặc bất cứ thông tin gì mà bạn chưa rõ trên danh thiếp.

– Nếu đang ngồi thì sao?

Nếu bạn đang ngồi thì hãy lịch sự đứng lên khi trao và nhận danh thiếp để tỏ vẻ kính trọng nhân vật mà bạn tiếp xúc.

– Trao danh thiếp cho nhiều người?

Khi trao danh thiếp cho nhiều người, bạn hãy bắt đầu từ người có chức vụ lớn nhất hay tuổi tác cao nhất.