Văn Hoá Ứng Xử Bài 111-115
BÀI 111
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – ỨNG PHÓ VỚI NGHỊCH CẢNH
- LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
- CÂU CHUYỆN : DÂN NHẬT ỨNG PHÓ VỚI CƠN ĐỘNG ĐẤT ?
Trận dộng đất hôm 11-3-2011 tại Nhật Bản được ghi nhận lên tới 9 độ richter : Tính đến ngày 20-3, số nạn nhân trong thảm họa kép động đất và sóng thần đã vượt qua con số 20.000, trong đó có 8.133 người chết và 12.272 người mất tích. Chín ngày sau thảm hoạ kinh hoàng này, lực lượng cứu hộ đã cứu được 2 người còn sống, trong đó có một cụ bà 80 tuổi, từ trong đống đổ nát tại thành phố I-shi-no-ma-ki, nơi bị nạn động đất tàn phá. Sau trận động đất và sóng thần, nỗi lo sợ xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân mỗi lúc một gia tăng. Vì nơi xảy ra thiên tai có tới 11 nhà máy điện hạt nhân, trong đó có hai nhà máy trung tâm được quan tâm đặc biệt. Chính quyền đã phải yêu cầu dân chúng xung quanh di tản sang nơi khác.
- SUY NIỆM :
Một nhận xét dí dỏm về nền văn hoá đặc trưng của một số người dân các nước như sau : “Người Mỹ nói rồi làm. Người Trung Quốc không nói mà làm. Người Nhật làm trước nói sau. Người Việt nói một đàng… làm một nẻo !!! “…
1) Thái độ bình tĩnh trong cơn địa chấn :
Các nhà báo quốc tế đến Nhật đã quan sát và khẳng định rằng đã không có sự hoảng loạn, giành giật, ẩu đả xảy ra. Người dân Nhật Bản vẫn xếp hàng nhận cứu trợ hay mua thực phẩm trong trật tự. Thái độ bình tĩnh tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn đó nói lên phẩm chất tinh thần của người dân Nhật. Dù đang gặp hoạn nạn nhưng tâm trí vẫn không nao núng, phẩm chất đó không chỉ ở một ít người, nhưng có trong cả dân tộc Nhật.
2) Sức mạnh tinh thần đầy tính nhân văn :
Thế giới từng chứng kiến sau thảm họa thiên tai ở một số nước, là sự hỗn loạn, cướp giật, hôi của, hiếp dâm phụ nữ, giành giật các hàng cứu trợ. Người ta lúc đó mất đi một phần tính người, để dành chỗ cho tính hoang dã của loài thú dữ trám vào, đến nỗi chính quyền phải cử cảnh sát, quân đội đến trấn áp các loại tội phạm và các hành vi mất nhân tính của một bộ phân dân chúng. Nhưng tại Nhật cho thấy một hình ảnh trái ngược : một nét đẹp thật rực rỡ ngay giữa đống tro tàn, một sức sống kỳ diệu tồn tại ngay trong sự chết chóc. Có một nhà báo nước ngoài nhận xét như sau : “Người ta biết Nhật Bản là một quốc gia có sức mạnh kinh tế, nhưng hôm nay, họ thấy Nhật Bản còn có cả một sức mạnh tinh thần đầy tính nhân văn”.
3) Tinh thần nhân ái vị tha và văn minh :
Thực vậy, chưa ở đâu mà trong lúc khó khăn, người dân lại thể hiện được tính nhân văn, giàu yêu thương và kỷ luật đến thế. Trong trận động đất lịch sử vừa qua, hàng vạn gia đình Nhật Bản đã tự sắp xếp để đến sống chung với nhau, hàng vạn con người nhẫn nại xếp hàng để nhận đồ cứu trợ. Họ không tranh giành nhau dù chỉ là một khoảng trống. Giữa họ vẫn không thiếu những lời cảm ơn, những ánh mắt trìu mến trong cơn khổ đau, đói khát… Những con người đang có nhà cửa ổn định bỗng dưng trở thành kẻ vô gia cư chỉ sau một cơn thảm họa, đang thể hiện một tinh thần văn minh khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Các phóng viên đã ghi lại cảnh một đứa bé 9 tuổi đang đói khát, vẫn bình tĩnh đứng xếp hàng để chờ tới phiên nhận đồ ăn cứu trợ. Khi được trao cho một ổ bánh, em đã không vội ăn, nhưng biết chia đều cho các bạn cùng ăn chung.
4) Tinh thần hy sinh bản thân cho lợi ích cộng đồng :
Thế giới cũng không khỏi thán phục khi thấy 50 công nhân đã tình nguyện bám trụ tại nhà máy FU-KU-SHI-MA để quyết dập tắt nguy cơ nổ điện hạt nhân. Hơn ai hết, họ biết được khả năng bị mắc bệnh ung thư, thậm chí cả tử vong khi quyết định ở lại nhà máy. Nhưng họ vẫn sẵn sàng hy sinh bản thân để cứu đất nước khỏi cơn thảm họa. Tinh thần Sa-mu-rai cảm tử đã được thể hiện rõ nét ngay trong cuộc sống đời thường.
Tóm lại : Nhật Bản đã, đang và sẽ mãi dạy cho cả thế giới bài học của cuộc sống, bài học làm một con người văn minh nhân ái.
- SINH HOẠT :
Hãy cho biết nguyên nhân nào khiến cho người dân Nhật Bản có được những phẩm chất tốt đep nói trên ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết khiêm tốn học tập cái hay của người Nhật để mỗi ngày một nên trưởng thành về nhân cách hơn, có tinh thần nhân ái và văn minh hơn thể hiện trong cách ứng xử trước mọi tình huống gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI 112
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG –KHÔN NGOAN LÀ BIẾT TIÊN LIỆU
- LỜI CHÚA :Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô : “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình. Đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại. Vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm kiếm đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc. Nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. (Ep 5,15-18).
- CÂU CHUYỆN : KHÔN NGOAN NHƯ LOÀI KIẾN.
Vào những ngày hè, Kiến vừa đi dạo hết cánh đồng vừa thu nhặt các hạt lúa mì, lúa mạch vương vãi mang về tổ dự trữ lương thực cho mùa đông. Ve sầu thấy thế liền chế giễu Kiến và khuyên Kiến đừng vất vả làm chi cho cực thân, đang lúc các loài vật khác đều vui chơi hội hè trong những ngày mùa hè nắng ấm. Kiến không nói gì và vẫn chăm chỉ làm việc. Khi mùa đông đến, trời mưa dầm dề, Ve sầu không tìm ra thức ăn nên bị đói lả, bèn chạy đến với Kiến xin vay lương thực. Kiến liền bảo : “Chị Ve sầu ạ, giá trước đây chị biết tiên liệu để “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” như tôi, thì chị đâu lâm vào hoàn cảnh đói rét phải đi xin ăn như bây giờ !”.
- SUY NIỆM :
– KHÔN NGOAN là một nhân đức giúp ta nhận định rõ điều tốt phải làm và điều xấu cần tránh; Nên dùng phương cách nào hữu hiệu nhất để đạt được điều tốt và tránh xa điều xấu; Điều nào cần làm trước và điều nào nên làm sau. Khôn ngoan còn là biết nhìn xa trông động, tiên liệu để phòng tránh tai nạn và dự phòng để kịp thời ứng phó hữu hiệu với các tình huống bất lợi có thể xảy ra.
– Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận lợi : Công việc hôm nay có thể làm ta ưng ý, nhưng ngày mai chưa biết sẽ như thế nào ? Sức khỏe hôm nay có thể khả quan nhưng ngày mai có thể nên suy yếu. Vì thế chúng ta cần phải biết tiên liệu để dự phòng những rủi ro có thể xảy ra. Có như thế mới đảm bảo cho cuộc sống tương lai được an bình hạnh phúc.
- SINH HOẠT :
Bạn đánh giá thế nào về sự khôn ngoan của loài Kiến và sự ngu dại của loài Ve trong câu chuyện trên ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết khôn ngoan cần mẫn làm việc khi đang có điều kiện tốt về sức khoẻ và thời gian, đồng thời cũng biết tiết kiệm để “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” giống loài Kiến. Cho chúng con tránh thái độ ngu dại chỉ biết vui chơi trong hiện tại mà không biết tiên liệu chuẩn bị cho tương lai như loài Ve. Nhờ đó chúng con sẽ luôn sống an bình vui tươi, luôn làm đẹp lòng Chúa và làm vui lòng mọi người.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI 113
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG –KHÔN NGOAN – ĐIỀU KIỆN THÀNH CÔNG
- LỜI CHÚA : Chúa phán : “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).
- CÂU CHUYỆN : KHÔN NGOAN LÀ QUYẾT TÂM VƯỢT QUA MỌI TRỞ LỰC
Chuyện kể về một cậu bé con một gia đình nghèo. Một hôm cha cậu đưa cho cậu chiếc áo cũ trong nhà rồi nói : “Con đem bán cái áo này đi để mua cho mẹ con thuốc chữa bệnh theo toa bác sĩ và một ít đồ ăn cho cả nhà nhé”.
“Theo con nghĩ : Không biết có kẻ ngốc nào lại chịu mua chiếc áo cũ này không ?”, cậu bé trả lời. Nhưng, thấy mẹ đang nằm bệt giường mà nhà chẳng còn gì ăn, cậu bé cũng không nói thêm. Gặp ánh mắt khích lệ của bố, cậu quyết mang áo đi bán dù trong lòng không tin có thể bán được chiếc áo này.
Đầu tiên cậu mang chiếc áo đi giặt cẩn thận, dùng bản chải và sà bông để giặt sạch chiếc áo. Do không có bàn ủi để là áo cho phẳng, cậu đã để chiếc áo lên một miếng gỗ phẳng trong bóng râm để phơi khô. Chiều muộn hôm đó, cậu bé đem chiếc áo đến một ga tàu đông người qua lại. May cho cậu, một người đàn ông trung niên trong lúc vội vàng ra ga đã bị vấp té ngã vào vũng nước đen kịt, chiếc áo trắng mới tinh của ông mặc bị lem luốc do bám bùn đất.
Người đàn ông không đủ thời giờ lục lọi tìm chiếc áo khác trong va-li hành lý đã được đóng gói kỹ, nên khi thấy cậu bé tội nghiệp rao bán chiếc áo tương đối sạch sẽ thì bằng lòng mua mặc vào thay cho cái áo bị dính bùn. Ông ta đã trả cho cậu bé 5 đô la thay vì 2 đô la như cậu bé rao bán, vì biết cậu đang cần tiền mua thuốc chũa bệnh cho mẹ. Sau đó ông ấy còn tặng luôn cho cậu bé chiếc áo bẩn vừa cởi ra và bảo cậu giặt đi đem bán thì chắc sẽ được giá cao hơn chiếc áo này.
Cậu vội vàng cầm số tiền bán được chạy đi mua thuốc cho mẹ và bánh cho cả nhà. Cậu kể cho cha nghe câu chuyện xảy ra hôm nay với nụ cười trên môi. Cha cậu bảo cậu hãy giặt chiếc áo trắng kia, ngày mai đem bán chắc sẽ được giá hơn. Nhà cậu hiện không còn tiền, bữa nay còn có cái ăn, ngày mai vẫn không biết phải ăn gì.
“Con có thể bán chiếc áo này với 20 đô la ? Chiếc áo này còn đẹp hơn gấp nhiều lần chiếc áo của bố hôm qua đó…”, bố nói với cậu.
“Làm sao có thể bán được giá cao như thế chứ ? Hôm nay có lẽ chỉ là sự may mắn thôi…”. Cậu bé nghĩ thế nhưng không nói ra. Cậu hiểu rằng, bữa ăn của gia đình đang trông chờ vào việc bán được chiếc áo mới được trao tặng này.
Cuối cùng cậu bé nghĩ ra một cách : Anh họ cậu là một người đam mê hội hoạ, đã tự học vẽ rất đẹp. Cậu đã mang áo tới nhờ anh vẽ một con chim đại bàng và một chú chuột nhắt đáng yêu lên thân áo. Sau khi xong việc, cậu chọn một trường học, nơi có nhiều thiếu gia con nhà giàu theo học, cậu đứng ở cổng trường chào mời người mua. Mới chào mời được một lúc, thì liền có một nhóm học sinh nhà giàu lại gần xem. Cậu bé nói giá 20 đô la, và cậu thiếu gia kia bằng lòng mua. Thiếu gia khác lại trả hơn 5 đô để được sở hữu chiếc áo có hình con chim đẹp. Tranh cãi một hồi, các thiếu gia quyết định áo đó sẽ thuộc về ai trả giá cao nhất. Cuối cùng, chiếc áo được bán 50 đô la, một số tiền khá lớn đối với gia đình cậu bé lúc này.
Cậu bé hứng khởi đem tiền về đưa cho cha.
Cậu hãnh diện vì mình đã làm được việc hữu ích cho gia đình và muốn bán tiếp. Cậu hỏi cha xem nhà còn chiếc áo cũ nào khác để cậu tiếp tục đi bán.
Cha cậu đưa cho cậu chiếc áo cũ trong góc tủ. Lúc này, cậu bé không hề do dự như mấy lần trước. Cậu nhận lấy chiếc áo bằng cả hai tay và suy nghĩ phải làm gì ?…
Cuối cùng thì cơ hội cũng đã đến sau hai tuần. Hôm đó, nữ diễn viên chính của bộ phim nổi tiếng được nhiều người hâm mộ, đã đến làm việc tại khu phố nghèo của cậu bé. Sau khi buổi họp báo của cô diễn viên với các ký giả kết thúc, cậu bé mạnh dạn chen lên phía trước, đến bên nữ diễn viên chính, đưa chiếc áo ra xin cô ký tên lên chiếc áo. Cô diễn viên ngẩn người ra một lúc nhưng rồi vui vẻ ký tên lên chiếc áo, vì không ai nỡ từ chối lời yêu cầu của một cậu bé dễ thương với ánh mắt hồn nhiên trong sáng như vậy.
Sau khi cô ký xong, cậu bé hỏi : “Cháu có thể bán chiếc áo có chữ ký này không?”
“Đương nhiên có thể rồi. Đây là áo của cháu, cháu có thể bán nó nếu muốn.”
Cậu bé liền đứng trên bục cạnh đó hô to : “Đây là chiếc áo do chính nữ diễn viên xinh đẹp của chúng ta ký tên, giá khởi đầu chiếc áo là 200 đô la”.
Sau một lúc đấu giá, cuối cùng chiếc áo đã bán được với số tiền không tưởng là 1.200 đô la.
Về đến nhà, cha cậu bé rất vui mừng. Ông ôm cậu vào lòng, hôn lên trán cậu và nói : “Con của ba thật là giỏi, con đã làm được kỳ tích cho gia đình mình rồi đó !”.
- SUY NIỆM :
– Miễn là chúng ta biết khôn ngoan động não, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra cho ta như có người đã nói : “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Một chiếc áo cũ cũng có cách để gia tăng giá trị. Cũng vậy, chúng ta hoàn toàn có cách để tăng thêm giá trị cho bản thân hay cho những gì thuộc về mình… miễn là chúng ta tự tin vào khả năng và khôn ngoan xử trí công việc cách thuận lợi nhất.
– Là tín hữu, chúng ta còn phải tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa để vừa làm việc lại vừa xin ơn, thì mọi việc dù khó cũng thành công.
- SINH HOẠT : Hãy cho biết lý do khiến cậu bé trong câu chuyện trên đã thành công khi bán được các chiếc áo cũ với số tiền lớn để giúp gia đình.
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống gặp phải. Xin cho chúng con luôn thành tâm thiện chí, biết tự tin vào khả năng của mình và khôn ngoan tìm ra cách tốt nhất để làm cho công việc thành công như cậu bé bán áo trong câu chuyện trên. – AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI 114
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CÁI KẾT ĐẮNG CỦA KẺ ƯA THAN VÃN
- LỜI CHÚA : “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6,31-34)
- CÂU CHUYỆN: ĐỪNG “TÁM CHUYỆN” ĐỂ TRÁNH CHUYỆN “BÉ XÉ RA TO”.
Bò làm việc mệt liền than thở với chó : “Tao mệt quá”.
– Chó gặp mèo tâm sự : “Bò nó kêu mệt, do phải làm quá sức, chắc nó muốn được nghỉ một chút”.
– Mèo gặp dê “tám” chuyện : “Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó bị mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó phải làm việc quá sức !”.
– Dê gặp gà : ” Bò nó đòi nghỉ làm việc. Do ông chủ bắt nó làm kiệt sức thì phải”.
– Gà gặp heo nói : ” Heo biết chuyện gì chưa ? Bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy”.
– Heo méc bà chủ : ” Bò nó định đổi chủ hay sao đó. Nghe nói nó muốn bỏ việc vì phải làm việc quá nặng”.
– Bà chủ nói ông chủ : ” Bò nó định tạo phản, nó muốn đổi chủ”.
– Ông chủ tức giận quát : ” A ! Con bò này đã lười lại còn định tạo phản ư ? Hãy thịt nó thôi” .
Kết quả là sau đó bò đã bị đem ra giết thịt.
- SUY NIỆM :
Nếu con bò nếu không than với những kẻ nhiều chuyện ưa nói thêm nói bớt thì chắc đã không bị giết. Nếu ông chủ không hồ đồ nghe lời thị phi mà không hỏi rõ trắng đen thì đã không giết oan con bò.
Vậy nên mỗi người chúng ta đừng bạ gặp ai cũng kể khổ. Trên đời này rất ít người biết thông cảm với người khác. Đa phần họ nghe như chuyện cười, rồi còn lan truyền đi khắp nơi. Chỉ nên chia sẻ với một vài người bạn tốt như : vợ chồng, thầy dạy, bạn thân…
- SINH HOẠT :
Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn có nên kể nỗi khổ ra cho bất cứ ai hay không ? Tại sao ? Đối với các tín hữu Ki-tô trong trường hợp gặp đau khổ không biết bày tỏ cùng ai, bạn nên làm gì để vơi đi nỗi khổ và gia tăng sức mạnh để vượt qua ?
- LỜI CẦU :
Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót. Mỗi khi chúng con gặp nỗi khổ đau, xin cho chúng con tìm hiểu nguyên nhân gây khổ não để quyết tâm khắc phục. Xin cho chúng con biết năng tâm sự với Chúa như con thảo thưa chuyện với Cha hiền, noi gương Chúa Giê-su trước cuộc khổ nạn đã cầu xin với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26,39).
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI 115
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN
- LỜI CHÚA : Tông đồ Phao-lô dạy : “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn !Thế mà chúng tôi nghe nói : trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. (2 Th 3,10-12).
- CÂU CHUYỆN : CÀO BẰNG GIÀU NGHÈO NÊN CHĂNG ?
Một giáo sư kinh tế ở một trường Đại học cho biết ông chưa từng đánh trượt một sinh viên nào, nhưng lại đã từng đánh trượt chung cả một lớp học. Học sinh lớp đó kiên quyết cho rằng một xã hội có tổ chức hoàn hảo phải là một xã hội bình đẳng, trong đó không có người giàu kẻ nghèo, vì quyền lợi sẽ được cào bằng tuyệt đối.
Vị giáo sư nói : “Được rồi, vậy lớp mình sẽ tiến hành một thí nghiệm để biết kết quả đúng sai ra sao nhé. Mọi người trong lớp sẽ làm bài và các điểm số của từng bài sẽ được cộng chung chia đều để mọi người đều có điểm số bằng nhau. Do đó sẽ không có ai trong lớp bị thi trượt và cũng không ai được điểm A cả.”
Sau bài kiểm tra đầu tiên, mức điểm trung bình cho cả lớp là B. Những sinh viên chăm chỉ rất buồn, đang khi những sinh viên lười biếng lại rất vui.
Qua bài kiểm tra thứ hai, những sinh viên lười lại lười hơn nên đạt điểm dưới trung bình, đang khi những sinh viên chăm lại chỉ học bài vừa đủ nên chỉ được trung bình. Kết quả số điểm trung bình của cả lớp là D ! Không ai vui cả.
Đến bài kiểm tra thứ ba, điểm trung bình lại là F. Mức điểm không hề tăng lên, và các cuộc cãi vã, buộc tội, tố nhau đã nổ ra nhiều hơn. Các học sinh vốn chăm ngoan đều rất khó chịu và không ai còn muốn cố gắng đạt điểm cao, tránh để kẻ lười biếng không chịu học vẫn được số điểm ngang bằng với mình.
Đến bài thi cuối cùng, tất cả học sinh đều bị trượt, khiến mọi người đều ngỡ ngàng. Giáo sư đã nói với cả lớp rằng : “Thông qua kết quả kiểm tra thì thấy kết quả chung không tốt. Xã hội mà các bạn đang muốn nên tốt do sự cào bằng quyền lợi cũng khó trở thành hiện thực. Vì dù xem ra ý tưởng công bằng cho mọi người rất hấp dẫn, nhưng khi ứng dụng vào thực tế thì mọi người đều thiếu động lực khiến họ cố gắng phấn đấu !“
Cuối cùng giáo sư đã kết luận như sau :
“Bạn không thể làm cho người nghèo trở nên giàu bằng cách làm cho người giàu bị nghèo đi. Người không cần làm gì vẫn có ăn, vẫn được hưởng quyền lợi ngang bằng với mọi người khác, đang khi người chăm chỉ làm việc vất vả lại không được thêm quyền lợi gì. Chính phủ không thể cho người dân này cái gì mà không lấy từ người dân khác. Khi một nửa nhân dân thấy họ không cần phải làm việc, vì đã có phân nửa người khác làm việc thay mình rồi. Còn phân nửa kia lại nghĩ : Mình có cố gắng làm việc đến đâu cũng chẳng thêm lợi ích gì cho mình, vì lợi nhuận làm ra sẽ bị những kẻ lười biếng không chịu làm đoạt mất. Đó chính là kết thúc của xã hội chủ trương cào bằng không tưởng.”
- SUY NIỆM :
Mỗi người chúng ta cần tránh thái độ lười biếng không chịu làm việc với suy nghĩ nông cạn : “Trời sinh voi, sinh cỏ !”. Để rồi chỉ biết khoanh tay chờ theo chủ trương của kẻ lười biếng là “há miệng chờ sung rụng”. Không ai được chủ trương lấy của người giàu có được do lao động vất vả, để chia đều cho những kẻ nghèo do lười biếng không chịu làm việc và không khôn ngoan để cầu tiến.
- SINH HOẠT :
Bạn có đồng ý với quan điểm xây dựng một xã hội bình đẳng, không còn cảnh người bóc lột người, trong đó “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”, bằng cách cào bằng của cải để xã hội không còn người giàu kẻ nghèo hay không ? Tại sao ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi người chúng con biết chăm chỉ làm việc để có của nuôi thân và còn dư để chia sẻ cho người nghèo đói bệnh tật và bất hạnh. Xin cho chúng con biết góp phần xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương theo thánh ý Chúa, kiến tạo xã hội chúng con đang sống được bình an và hạnh phúc.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI ĐỌC THÊM
THÀNH CÔNG PHẢI CHĂNG CHỈ DO MAY MẮN ?
CÂU CHUYỆN :
Tôi đang ngồi uống cà phê với một anh bạn học chung từ thời trung học phổ thông, Anh tâm sự như sau : “Tớ vẫn theo dõi trong từng bước đi của cậu. Nhiều khi tớ muốn gặp cậu để rủ cậu đi nhâm nhi vài ly rượu, nhưng tớ lại e ngại vì mang mặc cảm tự ti : Ngày xưa khi còn học chung, cậu học hành tệ hơn tớ nhiều. Vây mà giờ đây tớ với cậu lại có cuộc sống kinh tế khác biệt quá xa. Cuộc đời này cũng thật bất công ! Tớ học lên đại học chính quy và ra trường với văn bằng loại khá. Còn cậu chẳng thấy học thêm gì cả. Đến giờ này cậu vẫn chỉ theo học khoá quản trị kinh doanh tại chức ! Nhưng tớ cứ thắc mắc : Tại sao cậu lại thành công khi được làm chủ một cửa hàng kinh doanh xăng dầu lớn như thế ? Đúng là mỗi người đều có số phải không ?
Nghe anh nói xong, tôi liền tiếp lời anh :
– Thứ nhất : Anh đừng bao giờ tuyệt vọng hay cảm thấy hụt hẫng trước sự thành công của người khác… Vì mỗi người, đều có một cách sống khó lý giải được.
– Thứ hai: Anh và nhiều người khác thường mắc sai lầm lớn khi nghĩ rằng : “Người này, người kia chẳng học hành gì mà sao lại thành công như thế ?”. Tôi nói với anh suy nghĩ của tôi về vấn đề này nhé : Trên đời này chẳng có người nào thành công mà không học tập. Trái lại họ còn học rất nhiều là đàng khác. Nếu anh nói “Họ chẳng có bằng cấp nào mà vẫn thành công thì tôi còn tạm đồng ý với anh”.
Để tôi nói cho anh nghe sự thật về cuộc đời của tôi : Trong 8 năm qua số sách mà tôi đọc gấp 100 lần các sách mà anh từng biết. Số tiền học phí tôi phải trả nhiều gấp 100 lần số tiền mà anh trả học phí để có được tấm bằng Đại học. Và nhất là : Những khó khăn, những áp lực mà tôi phải trải qua nhiều hơn cả ngàn lần những gì anh đã trải qua. Anh biết không : một năm sau ngày ra trường trung học, nhiều lúc bạn bè gọi tôi đi uống cà phê, đi hát ka-ra-o-kê… nhưng tôi luôn từ chối. Không phải do tôi không thích đâu, mà là những lúc đó tôi đang phải xoay sở, vật lộn với công việc để cố kiếm thêm từng đồng trang trải các chi phí như cơm áo gạo tiền trong cuộc sống. Tôi đoán anh chưa từng trải qua cảm giác : ba tháng liền tôi phải ăn mì tôm thay cơm; Có lần tôi phải dắt xe Hon-đa đi bộ suốt 20 cây số trong đêm tối, vì không có tiền đổ xăng !
Tôi chia sẻ những điều này với anh để anh hiểu rằng : Cuộc đời mỗi người thành công hay không là do chính mình quyết định. Cuộc sống tương đối thành công của tôi hôm nay là kết quả của những gì tôi đã suy nghĩ, lựa chọn và hành động trong suốt 8 năm qua. Và tôi cũng xác quyết với anh : Cuộc sống tương lai của anh 8 năm sau này cũng sẽ là kết quả của những gì anh suy nghĩ, lựa chọn và hành động từ ngày hôm nay. Cho dù tôi hay anh có là ai chăng nữa thì chúng ta vẫn mãi là bạn thân. Tôi không thể giúp anh về tài chánh tiền bạc, nhưng tôi có thể giúp anh suy nghĩ để định hướng cuộc sống tương lai của mình. Hôm nay tôi không cam kết gì với anh, nhưng tôi cho anh niềm tin để thành công. Vậy nhé. Tiền cà phê hôm nay anh phải trả đấy nhé !