Về… (Lão Ngu)

print


VỀ

lãongu

      Lâu rồi, chiều, tôi trải manh chiếu rách dưới bóng bụi tre gai góc sân. Cũng mâm bát, cũng chai rượu gạo, đút nút bằng lá chuối khô, làm thức uống, mấy con cá khô heo làm của ăn. Anh T nhâm nhi cốc rượu, chép miệng:

      – Sướng chán. Sướng gấp trăm lần cơm tù…

      Rồi anh khà từng tiếng một, nhấm nháp từng miếng cá khô heo ươn ẩm nướng rơm dính tro đen xì. Anh bắt đầu kể đều đều, chầm chậm, thủng thẳng… cứ như lời nói của anh cũng là thức nhắm, là một món đưa cay.

  1. Về trần

      Anh kể:

      – Ngày ấy, học xong triết, đang đi giúp ở miệt U Minh Thượng thì tớ xuất, tu ra ấy mà, còn gọi là hồi tục, là về với trần gian, không được “ăn cơm nhà Đức Chúa Trời” nữa… Không còn được hoãn dịch vì lý do tôn giáo, tớ phải nhập ngũ, vô trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Sau chín tháng, ra trường mang lon chuẩn úy, tớ được điều động về một chi khu thuộc vùng xôi đậu. Nhờ được học Anh văn từ Đệ thất B đến Đệ nhất, cộng với hai năm ở Đại chủng viện, toàn học với các cha các thầy siêu đẳng, tớ có được một vốn liếng Anh Văn kha khá. Vậy nên tớ nhận luôn vai trò thông dịch viên cho tổ cố vấn quân sự Mẽo. “Chiến công” của tớ kể như bằng zero. Thế mà quanh đi quẩn lại, chưa đầy ba năm trời, từ đuôi cá α, tớ nhảy lên một mai rồi hai mai, nghĩa là từ chuẩn úy lên thiếu úy rồi trung úy…

      Vừa 30/4/1975.

  1. Về quê

      Cuối tháng 5/1975, được thông báo học tập cải tạo một tháng tớ mau mắn trình diện để được “hưởng lượng khoan hồng”. Nhưng rồi gần bốn mươi tháng sau tớ mới được thả về…

      Được về, tớ mừng quá, như được lên thiên đàng. Ở khu dinh điền Cái Sắn chúng tớ, từ quốc lộ 80 muốn vô các kênh A, B, C, D, E, F, G, H và 0, 1, 2, 3, 4, 5 phải qua đò. Vừa xuống đò, gặp cha xứ, tớ mừng như vớ được vàng:

      – Con mới học tập cải tạo về, xin cha mừng cho con.

      Cha xứ nắm tay tớ:

      – Anh T phải không? Cha chia vui với anh nhé!

      – Tạ ơn Chúa, cảm ơn cha… Cha hút với con điếu thuốc ạ.

      Tớ móc túi lấy ra gói thuốc lá đen Đà Lạt, cầm bằng hai tay kính cẩn mời cha. Cha lắc đầu quầy quậy, xua tay búa xua:

      – Cám ơn anh, cha bỏ thuốc lâu rồi.

      Vài phút sau, một anh chàng cùng đi chung chuyến đò, tay trái móc ra gói thuốc lá thơm Samit, trỏng trơ:

      – Mời cha.

      Cha xứ mau mắn nhận điếu thuốc, châm lửa, phả khói mù mịt, vào cả mặt tớ.

  1. Về nhà

      Nhà tớ vẫn nhà lá, vách đất. Tình cảnh thật của tớ lúc ấy, tớ cô đọng trong mấy câu thơ:

      Xóm làng xa lạ nhìn ta

      Cha già ngơ ngác mẹ già ngẩn ngơ.

      Người tình dắt díu con thơ,

      Đứa em mới mất nấm mồ chưa xanh.

  1. Về thăm bạn

      Tớ vô thăm thằng bạn thân thuở ở tiểu chủng viện Á Thánh Phụng rồi Tê-rê-sa. Nó được ơn bền đỗ, đậu cụ, làm cha sở một họ đạo nghèo, bé tí miền Thoại Sơn. Trời đã tối, nó nói:

      – Mình mới đi Long Xuyên về, Đức Cha JB cho mớ tiền trị giá 200000 đồng tiền cũ, để mua sách báo, cấm mua rượu. Mình không dám nhận vì ở chỗ mình sách báo đâu mà mua? Với lại có tiền, ở miệt vườn này, nay ban ngành này, mai đoàn thể nọ, nhậu hết, mình sợ phụ lòng Bề Trên…

      Đó là một ông cha sở khó nghèo thực sự:

      – Mình ở nhà nấu nước pha trà. Cậu ra cổng nhà thờ, rẽ trái, hỏi tiệm tạp hóa bà Năm Dưa Leo mua gói thuốc Đà Lạt thôi, đừng mua Samit.

      Nó dặn đi dặn lại:

      – Nhớ mua gói Đà Lạt, đừng mua Samit nhé. Cậu còn tiền thì trả, không thì cứ nói mua thiếu cho ông cố.

     Tớ chợt nhớ và kể cho nó nghe chuyện gặp cha xứ trên chuyến đò ngang hôm trước. Nó cười lớn tiếng:

      – Thôi bỏ đi. Cậu có nhớ lời cha giáo Thử ngày trước không? “Cha có cha này cha khác, cha có lác cha không” í mà.

      Đêm ấy là đêm Thứ Bảy, hai anh em hút hết gói Đà Lạt, uống hết ấm trà số 1, hàn huyên tới quá nửa đêm.

      Sáng hôm sau, thánh lễ Chúa Nhật, trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể, (nó) linh mục chủ tế mời gọi:

      – Ông Bà Anh Chị Em hãy bỏ ra một phút để nhớ tới và cầu nguyện cho các anh em trong giáo xứ, trong giáo phận, vì lý do này lý do khác đang học tập cải tạo tập trung”.

      Tớ chia trí, phân vân tự hỏi: “Ôi! Trời ơi! Lạy Chúa! Cả khu dinh điền Cái Sắn, tất cả các cha B 54, có linh mục nào dám cả gan công khai kêu mời giáo dân cầu nguyện cho những người đi học tập cải tạo không?”

  1. Về già

      Bẵng đi một thời gian, anh T về thăm quê, coi như lần cuối. Đến thăm tôi, anh nói:

      – Tớ về dối già. Cậu có nhớ hai câu trong Giang Khúc 2 của Đỗ Phủ không? “Tửu trái tầm thường hành xứ hữu, nhân sinh thất thập cổ lai hy”, Tản Đà dịch: “Nợ tiền mua rượu đâu không thế? Sống bảy mươi năm đã mấy người?” Chúng mình đang rục rịch hay đã bước sang tuổi bảy mươi, đang ở tuổi về già. Các ân sư còn một đức cha Bùi Tuần, đã nghỉ hưu ở tòa Giám mục Long Xuyên, một cha Nguyễn Sơn Miên cũng đã về hưu ở bên Mỹ, còn thì đã về đời sau hết cả. Bậc trên của tớ: Cha mẹ, cậu mợ, chú bác, cô dì chẳng còn ai. Anh em bạn hữu cùng trang lứa hay ngay cả các lớp sau mình cũng đã về đời sau ối ra…

  1. Về nguồn

      Tôi buồn vui theo buồn vui của anh, ngậm ngùi:

      – Nhân thế tang thương quá. Hẳn là bác muốn nói gì, nhắn gì anh em bạn bè chứ?

      – Có đấy, chí tình nhá! Rằng: “Tất cả đều là Ơn Ban”. Cho nên uống được hớp nào thì uống, ăn được miếng nào thì ăn, hút được điếu nào thì hút, ngủ được giấc nào thì ngủ, cười được cái nào thì cười, đi được bước nào thì đi, nói được câu nào dễ thương thì nói, làm được gì thì làm, viết được chữ nào thì viết… Đừng cười nhá, tớ còn câu nữa, nhưng thôi, kỳ lắm chẳng nói đâu…

      Rồi anh trầm ngâm:

      – Nhớ! Như Đức Cha Micae, đừng cầu xin gì cả, chỉ xin ơn chết lành thôi. Ai chẳng muốn đi lối tắt như anh trộm lành trên đồi năm ấy, nhưng có được không? Hay chẳng phải để được chết lành thì phải sống lành ru? Cũng chẳng phải từng người, mỗi người, tất cả mọi người chúng ta không đang về nguồn hay sao???