“Vị thẩm phán nhân từ”

“Vị thẩm phán nhân từ”- Lễ Chúa Giê-su Vua vũ trụ – Năm A

 

Quyền lực là một cám dỗ ghê gớm đối với con người ở mọi thời đại, vì nó đem cho người ta nhiều bổng lộc, giúp họ vinh thân phì gia. Vì quyền lực, người ta sẵn sàng chém giết nhau, làm cho cuộc sống xáo trộn và huynh đệ tương tàn. Trong xã hội Việt Nam của chúng ta, những tham vọng quyền lực đã và đang làm nghèo đất nước và gây bức xúc cho người dân. Nhiều người tìm cách đút lót hối lộ để được có chức tước trong guồng máy lãnh đạo của nhà nước. Trong bối cảnh này, việc tôn vinh Đức Giê-su với tước hiệu “Vua” dễ làm cho người đương thời hiểu sai về sứ vụ của Người. Thực ra, chính Chúa đã nói với quan Phi-la-tô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Đức Giê-su là Vua vũ trụ, nhưng là vị Vua đến để phục vụ con người và đem cho họ sự sống, niềm vui và hạnh phúc. Là Thiên Chúa quyền năng, Đức Giê-su cũng là vị thẩm phán nhân từ và công minh. Người sẽ xét xử nhân loại về hành vi và đời sống của họ, vào lúc tận cùng của thời gian. Là Vua Tình yêu, Người cổ võ con người yêu thương nhau, yêu người khác như chính mình, và sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, thậm chí còn cầu nguyện cho họ nữa. Như vậy, vương quốc của Chúa Giê-su không phải là biển rộng sông dài như những vương quốc trần thế, nhưng là vương quốc hiện diện trong trái tim con người.

Vị thẩm phán tối cao này không chỉ xuất hiện vào thời tận thế, nhưng Người luôn đồng hành với con người trong hành trình dương thế. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với Dân riêng Ngài đã chọn. Những chi tiết được nêu giúp chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của một người mẹ, luôn hiểu thấu tình trạng của mỗi người con trong những đứa con của mình. Chúa Giê-su đến trần gian thực hiện những gì Cựu ước đã loan báo. Người tuyên bố, Người là Mục tử nhân lành, đến trần gian để đem cho con người tình thương Thiên Chúa. Người chăm sóc các tội nhân, chữa lành những người bệnh, giúp những người bị gạt ra bên lề trở lại hòa nhập cuộc sống xã hội. Không một con chiên nào bị quên lãng hay bỏ rơi, dù là những con chiên bệnh tật còm cõi. Không một tội nhân nào bị loại trừ, dù họ tội lỗi đến đâu chăng nữa. Người mục tử còn cất công lặn lội đi tìm những con chiên bị lạc. Ông vui niềm vui của đoàn chiên, ưu tư trăn trở khi thấy lợi ích của đàn chiên bị đe dọa. Chúa Giê-su đã thể hiện vương quyền của người như một mục tử, với tất cả những đức tính diễn tả trên đây. Người đã thể hiện điều đó trong suốt cuộc sống dương thế. Dù có một số người Do Thái không chấp nhận Người và đã lên án tử cho Người, nhưng trong các lời tố cáo trước nhà cầm quyền, không hề có lời tố cáo nào liên quan đến nhân cách và đời sống của Người. Trong cuộc sống hằng ngày, Chúa Giê-su đã chứng minh những lời giảng dạy bằng chính bản thân. Chúa cũng khẳng định: Người không đến trần gian để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu rỗi con người. Trọn vẹn cuộc sống và nhất là cái chết của Chúa trên thập giá đã chứng minh điều đó. Chúa chấp nhận sự chết để cho con người được sống. Người chấp nhận đau khổ để con người được hạnh phúc. Đó là vương quyền đích thực của Người. Vương quyền này, hoàn toàn khác với vương quyền thế gian.

Một cách đặc biệt, vương quyền của Đức Giê-su thể hiện qua cuộc phán xét cuối cùng, hay còn gọi là phán xét chung. Đó là ngày tận thế, khi vũ trụ này sẽ qua đi, nhường chỗ cho trời mới đất mới. Lúc đó, hậu vận tương lai của mỗi người cũng được quyết định. Thánh Mát-thêu là tác giả duy nhất trong bốn tác giả Phúc âm, ghi lại bài giảng của Chúa Giê-su về ngày phán xét, với những chi tiết cụ thể và dễ hiểu. Hình ảnh cuộc phán xét chung cũng là câu trả lời cho biết bao vấn nạn được đặt ra về sự công bằng, về lối sống thánh hiện hoặc gian ác, về sự sống bên kia sự chết. Vị Vua của ngày phán xét chung là vị thẩm phán nhân từ nhưng cũng rất công minh. Người sẽ dựa vào thái độ của mỗi người đối với người nghèo mà quyết định tương lai hậu vận của họ. Hai mươi thế kỷ sau, chúng ta hôm nay cũng không khỏi ngỡ ngàng trước lời tuyên bố của vị thẩm phán: “Mỗi khi LÀM hay KHÔNG LÀM điều này điều kia để giúp đỡ những người bé mọn, nghèo khổ, cô đơn khốn cùng, là các ngươi LÀM hay KHÔNG LÀM cho chính Ta”. Quá ngạc nhiên! Thì ra Chúa đồng hóa mình với những người đáng thương bị gạt ra bên lề cuộc sống. Ai giúp người nghèo là giúp Chúa. Ai bỏ rơi người nghèo là bỏ rơi Chúa. Trong ngày phán xét chung, không thấy vị Vua đề cập tới những chức tước, địa vị đạo đời của chúng ta hoặc những công kia việc nọ chúng ta đã làm khi sinh thời, nhưng Người nhấn mạnh đến cách chúng ta đối xử với anh chị em mình. Đến ngày phán xét chung, chỉ có Đức Ái là đáng kể, và là lý do để chúng ta được Chúa khoan dung. Thánh Phao-lô đã viết: “Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Đức Mến tồn tại muôn đời” (1Cr 13,13).

Người tín hữu sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Họ là công dân của vương quốc vĩnh cửu. Vương quốc ấy đã được Đức Giê-su khai mở và đang hiện diện trên thế gian như “vương quốc của Tình yêu, vương quốc của Sự thật và Sự sống”. Vương quốc ấy sẽ tỏ hiện hoàn toàn khi mọi sự được đặt dưới chân Chúa Giê-su là Vua muôn loài (Bài đọc II). Khi nỗ lực cộng tác với Chúa và thực thi giáo huấn của Người, là chúng ta góp phần làm cho vương quốc của Thiên Chúa từng bước hoàn thành trên thế gian. Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa cho vương quốc của Ngài trị đến, tức là xin cho vương quốc ấy được thực sự trọn vẹn trong cuộc sống của chúng ta, để rồi trần gian trở thành thiên đàng, con người sống với nhau trong tình yêu viên mãn.

Sống trên đời hôm nay, chúng ta đừng quên sẽ có ngày phải đứng trước tòa phán xét. Hình ảnh phán xét không làm chúng ta lo sợ hoang mang. Trái lại, sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn, luôn thận trọng từng bước đi trong đời, để không phải hổ thẹn, và nhất là không bị kết án trầm luân trước vị Thẩm phán nhân từ và công minh là Chúa Giê-su, là Vua và là Đấng Cứu độ chúng ta.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

print