Việc giáo dân lãnh chúc lành thay vì Rước lễ được qui định thế nào?

print

Việc giáo dân lãnh chúc lành thay vì Rước lễ được qui định thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma

 Hỏi: Hồi tháng 11-2008, vị phụ tá thư ký của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích đã viết một bức thư chống lại việc chúc lành cho giáo dân, thay vì cho rước lễ. Thư này chứa đựng các chỉ dẫn rất rõ ràng, và qui chiếu đến Bộ giáo luật và Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM]. Tôi lo ngại rằng việc thực hành này vẫn được cho phép bởi một số cha xứ. Thưa cha, có điều gì hơn nữa từ Thánh bộ trong vấn đề này không? – J. M., Sydney, Australia.

Đáp: Chúng tôi đã công bố hầu hết bản văn của bức thư này trong bài trả lời của chúng tôi ngày 29-3-2009, và đã đề cập đến chủ đề trong các năm trước đó (ngày 10 và 24-5-2005).

Trong bài trả lời năm 2009, chúng tôi đã nói: “Gần đây, một tài liệu đã xuất hiện trong nhiều nguồn Internet, cho thấy rằng Tòa Thánh hướng về một quan điểm phủ nhận việc thực hành ấy. Tài liệu này là một bức thư (số 930/08/L) ngày 22-11-2008, được gửi để trả lời cho một câu hỏi riêng tư, và được ký tên bởi Linh mục Anthony Ward, SM, phụ tá thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích.

“Là một câu trả lời riêng tư, nên bức thư chưa là một qui định với hiệu lực pháp luật và, rõ ràng nó không là một câu trả lời chính thức dứt khoát. Tuy nhiên, nó cung cấp một số gợi ý có giá trị về tính hợp pháp của sự thực hành này, và quan điểm của Tòa Thánh liên quan đến sự thực hành ấy.

“Bức thư nói rằng ‘vấn đề này hiện đang nẳm trong sự nghiên cứu chu đáo của Thánh bộ’, do đó ‘hiện nay, Thánh Bộ muốn tự giới hạn cho các nhận xét sau đây’:

“1. Việc ban phép lành phụng vụ của Thánh Lễ được trao cho mỗi người và mọi người vào cuối Thánh Lễ, chỉ ít phút sau phần Rước lễ.

“2. Giáo dân, trong bối cảnh của Thánh Lễ, không thể trao ban phép lành. Việc chúc lành, đúng hơn, thuộc thẩm quyền của linh mục (xem Ecclesia de Mysterio, Notitiae 34 (15-8-1997), điều 6, §2; Bộ Giáo luật, điều 1169, §2; và Roman Ritual De Benedictionibus (sách Nghi thức Phép lành Rôma, 1985), số 18.

“3. Hơn nữa, việc đặt một bàn tay hoặc hai bàn tay – vốn có ý nghĩa bí tích riêng của nó, là không thích hợp ở đây – bởi các vị đang cho Rước Lễ, nhằm thay thế cho việc Rước lễ, là không được khuyến khích một cách minh nhiên.

“4. Tông Huấn Familiaris Consortio, số 84 ‘cấm tất cả mọi chủ chăn, dù bất cứ vì nguyên do nào hay bất cứ vịn cớ gì, ngay cả vì lý do mục vụ, đều không được cử hành bất cứ một thứ nghi thức nào cho những người ly dị tái hôn’. Đáng sợ là bất kỳ hình thức ban phép lành nào, nhằm thay thế cho việc Rước lễ, sẽ tạo ra ấn tượng rằng các người ly dị và tái hôn đã được trở về, theo nghĩa nào đó, với tình trạng của người Công giáo trong điều kiện tốt như trước.

“5. Theo cách tương tự, đối với những người không được Rước lễ theo qui định của luật, kỷ luật  Giáo Hội đã nói rõ rằng họ không được Rước lễ hoặc nhận phép lành. Điều này cũng bao gồm người không Công giáo, và các người được nói đến trong điều 915 (tức là, các người đang bị vạ tuyệt thông hoặc cấm chế, và các người cố chấp trong một tội nặng công khai).

“Mặc dù bức thư không có tính ràng buộc về pháp lý, một số điểm của nó, chẳng hạn như số 2 về việc cấm thừa tác viên giáo dân ban phép lành phụng vụ, chỉ đơn thuần nhắc lại luật lệ hiện hành, và như vậy đã là bắt buộc.

“Bức thư cũng không giải quyết mọi tình huống có thể, chẳng hạn trường hợp các trẻ nhỏ. Do đó, một số giáo phận đã lấy một thái độ thận trọng chờ xem về các phép lành này. Thí dụ, văn phòng phụng vụ của Tổng Giáo Phận Atlanta, trong khi nhắc lại rằng ‘Tổng Giáo Phận không có chính sách cấm việc ban phép lành vào lúc cho rước lễ, ‘đã thận trọng đề nghị các vị mục tử rằng ‘thật là thích hợp để tránh cổ vũ sự thực hành này, cho đến khi một phán quyết dứt khoát hơn về giá trị của nó trong việc cử hành phụng vụ có thể được ban bố'”.

Có rất ít thay đổi kể từ thời điểm đó đối với luật phổ quát. Tình trạng pháp lý của việc sử dụng vẫn còn mù mờ, với việc các Giám mục đưa ra các nhận định đứng vào hai phía của lập luận. Tuy nhiên, hình như có xu hướng trong các tài liệu gần đây để ngăn cản việc thực hành, hoặc ít nhất là cho thấy sự do dự nào đó.

Do đó, Giáo Phận thánh Âu-tinh (Saint Augustine) ở Hoa Kỳ có đưa ra các qui định như sau cho các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, nhưng trong trường hợp này, chúng cũng được áp dụng cho các linh mục và phó tế nữa:

“26. Việc chúc lành cho trẻ em hoặc người không Rước lễ không nên được khuyến khích trong khi cho Rước lễ. Nếu các cá nhân tự trình diện, hoặc trẻ em, để nhận chúc lành trong đoàn người lên Rước lễ, thừa tác viên có thể làm dấu Thánh giá lên trán họ. Cử chỉ này không kèm theo bất kỳ lời nói nào khác”.

Giáo phận Orlando, trong khi cởi mở hơn, đưa ra một số hạn chế rõ ràng:

“A. Chúc lành – Trong các năm gần đây, việc thực hành đã phát triển rằng các người không Rước lễ, nhưng tham gia đoàn người lên Rước lễ, để nhận sự chúc lành của thừa tác viên. Đối với các cộng đồng đã chọn áp dụng sự thực hành này, xin nhớ rõ điều sau đây: a. Các thừa tác viên giáo dân không chúc lành theo cử chỉ hoặc công thức được sử dụng bởi các giáo sĩ. Thí dụ, họ không được làm dấu Thánh giá trên một người nào, trong khi sử dụng công thức Chúa Ba Ngôi. Một lời đơn giản ‘Xin hãy đón nhận Chúa Giêsu vào lòng’, với có hoặc không một chạm nhẹ tay vào đầu hoặc vai người ấy là thích hợp. b. Tương tự như vậy, không ai (giáo sĩ hay giáo dân) được chúc lành với Mình Thánh trong tay mình, mô phỏng việc Ban Phép Lành”.

Còn Giáo phận Prince George tại Canada nói:

“Trong Thánh Lễ, cử chỉ chúc lành thuộc về thừa tác viên có chức thánh – Giám mục, linh mục hay phó tế – chứ không phải giáo dân (Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo (CCC), số 1669; Bộ Giáo luật (CIC), điều 1169). Nếu một người không Rước lễ đến gần một thừa tác viên ngoại thường, vị này chỉ nói lời chúc đơn giản, chẳng hạn ‘Xin Chúa chúc lành cho bạn’. Thừa tác viên ngoại thường không làm bất kỳ cử chỉ nào, chẳng hạn đặt một bàn tay lên người ấy. Việc đặt tay có ý nghĩa bí tích riêng của nó, và là không phù hợp trong bối cảnh này (Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngày 22-11-2008)”.

Và Giáo phận Austin, tiểu bang Texas, nói:

“F. Các thừa tác viên ngoại thường không thể ban phép lành phụng vụ cho những người không Rước lễ”.

Hội đồng Giám mục Anh quốc và xứ Wales đã công bố một tuyên bố có thẩm quyền về vấn đề này, mặc dù trước khi có bức thư năm 2008; xin mời đọc:

“Mặc dù một số người trong cộng đoàn không thể Rước lễ ‘bí tích’, tất cả mọi người được hiệp nhất trong cách nào đó bởi Chúa Thánh Thần. Ý tưởng truyền thống về việc Rước lễ thiêng liêng  là một điều quan trọng cần ghi nhớ và tái khẳng định. Việc mời gọi thường được đưa ra trong Thánh lễ cho các người không Rước lễ bí tích – thí dụ, trẻ em trước Rước lễ lần đầu,. và người lớn không Công giáo – để nhận ‘phép lành’ trong đoàn người lên Rước lễ, nhấn mạnh rằng một sự rước lễ thiêng liêng sâu xa là có thể được, thậm chí khi chúng ta không chia sẻ với nhau bí tích Mình và Máu Chúa Kitô “(Hội đồng Giám mục Công giáo Anh quốc và xứ Wales, “Cử hành  Thánh Lễ: Một giới thiệu mục vụ”, Catholic Truth Society, tháng 4-2005, trong số 212, trang 95).

Cuối cùng, Giáo phận Melbourne, Australia, nêu rõ:

“Một tín hữu, cho dù trẻ em hay người lớn, có thể tiến lên trong đoàn người, làm một cử chỉ vắt chéo tay trước ngực theo hình thánh giá, để nêu ra mong muốn của họ là Rước lễ thiêng liêng chứ không Rước lễ bí tích. Trong trường hợp đó, hãy tuân theo chỉ thị của giáo phận về lời nói hoặc cử chỉ thích hợp. Một lựa chọn có thể là cầm Mình Thánh trước mặt người ấy và nói ‘Xin Chúa Giêsu Kitô ngự trong tâm hồn bạn”.

Vì vậy, tôi sẽ kết luận rằng xu hướng dường như phủ nhận việc ban phép lành, nhưng, ở nơi đâu mà sự thực hành ấy đã có rồi,  nó có thể được giải thích như là một loại Rước lễ thiêng liêng, được đi kèm với một lời cầu nguyện rằng Chúa Kitô ở trong tâm hồn người đó.
Điều này dường như là một cách tiếp cận trung dung, mà tôi nghĩ là có thể chấp nhận được, trong khi chờ đợi một giải pháp dứt khoát, nếu cần. (Zenit.org 20-12-2016)

Nguyễn Trọng Đa