Vinh Quang Cho Người Nghèo

print

Chúa Nhật XXXIV Thường Niên: Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

Vinh Quang Cho Người Nghèo

Lm. Giuse Nguyễn

Đối với người Do Thái trong cùng một bối cảnh mà đưa ra nhiều chỉ dẫn, hoặc nhiều lề luật, thì chỉ dẫn và luật đầu tiên là quan trọng nhất, những điều sau lệ thuộc hoặc quảng diễn cho điều đầu tiên đó. Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói đến Tám mối phúc với mối phúc đầu tiên là: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt, 5,3). Nghèo khó của Tin Mừng là những con người không bám víu vào những giá trị vật chất ở đời này, đặc biệt là những con người thiếu thốn, thiệt thòi về những giá trị đó. Đổi lại Thiên Chúa sẽ ban cho họ được “Nước Trời là của họ”, nghĩa là tất cả mọi vinh quang, mọi hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu sẽ được ban cho họ.

Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo hội muốn hướng ta đến vinh quang của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô; và Tin mừng cho ta thấy vinh quang đó sẽ được trao cho những người nghèo. Cụ thể sau Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập ngày Thế Giới Người Nghèo vào Chúa Nhật trước lễ Đức Giêsu Kitô là Vua để nhắc nhở cho toàn thể Hội thánh: nguời nghèo chính là vinh quang của Thiên Chúa.

Những câu đầu tiên của đoạn Tin Mừng Mathêu 25, 31-46  hôm nay nhắc lại cho chúng ta sự thật về niềm tin của mình, rằng: Đức Giêsu Kitô là chủ tể của muôn loài muôn vật, và sau khi mọi sự kết thúc, Ngài sẽ hiển trị: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người” (Mt 25, 31).

Trong dịp cuối năm phụng vụ là dịp để chúng ta nhìn lại trong suốt năm qua ai là chủ tể của cuộc đời mình? Ai là Đấng tôi tôn thờ? Câu trả lời sẽ được thấy rõ cách sống của chúng ta đối với điều răn thứ nhất và điều răn thứ ba: “Thờ phượng một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự” và “Giữ ngày Chúa Nhật”. Nếu trong năm qua tôi còn tin tưởng, cậy dựa vào những thế lực khác ví dụ như thần tài, thầy bói, những hình thức mê tín dị đoan là chúng ta chưa tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Từ việc nhìn nhận Chúa là chủ tể của cuộc đời mình dẫn đến một trong những lề luật tôi sẽ trung thành tuân giữ đó là đến với Chúa trong ngày Chúa Nhật.

Nhiều người ủng hộ tổng thống Donald Trump dù kết quả bầu cử của nước Mỹ có như thế nào đi chăng nữa vì ông là người tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Câu chuyện cựu ước trong sách Macabêô chúng ta có dịp nghe trong lễ mừng kính các thánh tử đạo tại Việt Nam kể về việc một gia đình sẵn sàng chịu chết chứ không vi phạm lề luật của Chúa. Họ quyết tâm thờ phượng Chúa trên hết mọi sự. Cuối năm Phụng vụ là dịp nhắc nhở chúng ta về niềm tin và cách thực hành niềm tin của mình trong năm qua. Chắc chắn chúng ta tin Chúa, nhưng cách thờ phượng của chúng ta đôi khi chưa đúng đắn vì thiếu hiểu biết hoặc vì chúng ta còn sợ sệt, còn “đi nước đôi”. Hãy chỉnh sửa đời sống của mình, để trong năm phụng vụ 2021, chúng ta sẽ có sự thay đổi nhờ việc chúng ta thờ phượng Chúa đúng đắn.

Câu chuyện sống động trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ dạy chúng ta bài học để được hưởng vinh quang của Thiên Chúa trong ngày sau hết, để trở thành những kẻ được chúc phúc, được liệt vào đoàn chiên ở bên hữu Vua Giêsu. Bài học này dạy ta phải giúp đỡ người khác từ những nhu cầu đơn giản. Đức Giêsu liệt kê: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp đón khách lạ, an ủi người bệnh, thăm viếng kẻ bị tù… Đây là những việc hết sức đơn giản trong cuộc sống hằng ngày mà ai cũng có thể làm được. Chính vì thế con đường nên thánh là con đường rất đơn giản khi ta biết quan tâm giúp đỡ người khác trong những việc hết sức bình thường.

Kế đến khi thực thi bác ái, chúng ta không được tính toán. Cả “chiên” và “dê” đều gặp những người nghèo trong cuộc sống hằng ngày, nhưng “chiên” sẵn sàng giúp đỡ mà không hề suy nghĩ người đó là ai, giúp vậy có được lợi gì không? Họ làm vì lòng tốt tự nhiên. Còn “dê” thì hỏi Chúa: “Có bao giờ con thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu, hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu” (Mt 25, 44). Nghĩa là nếu Chúa bị như vậy họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Họ có một sự tính toán rõ ràng. Lòng bác ái phải là vô vị lợi, không nghĩ gì đến bản thân mình, nhưng nếu có thể, trong khả năng, tôi sẽ làm hết sức.

Chân lý quan trọng hơn mà Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta, đó là Ngài ở trong những con người nghèo khổ. Vì vậy khi giúp đỡ những người nghèo là giúp đỡ chính Chúa, ngược lại khi từ khước hoặc làm ngơ trước những cảnh đời bất hạnh là ta đang từ khước và làm ngơ chính Chúa.

Như vậy Đức Giêsu muốn thống nhất đức tin và hạnh động thành một trong nhận thức: Thiên Chúa nơi con người. Đức Giêsu đã sống điều đó khi Ngài yêu thương mọi người bất kể họ là ai, dù họ giàu hay nghèo, thánh thiện hay tội lỗi, có đạo hay lương dân, chính quyền hay thường dân… Đức Giêsu yêu thương mọi người, vì mọi người là hình ảnh của Thiên Chúa.

Thánh Phanxicô Assisi là một người sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng ngài vẫn cảm thấy cuộc đời của mình còn thiếu một cái gì đó khiến ngài không thực sự hạnh phúc. Cho đến một ngày ngài ra đường gặp một người cùi, lở loét, xấu xí. Có một điều gì đó thôi thúc khiến ngài xúc động, dang tay ra ôm lấy người cùi. Chính lúc đó ngài nhìn thấy gương mặt của người cùi biến đổi thành gương mặt của Đức Giêsu, sáng láng vô cùng. Chính khi nhận ra Đức Giêsu nơi những người nghèo, cuộc đời chúng ta mới thực sự thay đổi.

Con đường bác ái là con đường để dễ dàng nên thánh vì ta biết quan tâm đến người nghèo, nhất là khi nhận ra họ chính là hình ảnh của Đức Giêsu. Con đường bác ái cũng là con đường giúp ta thanh tẩy và đền bù những tội lỗi của mình. Khi chúng ta biết thương người mà không tính toán, biết giúp đỡ người khác những điều đơn giản nhất, chúng ta sẽ biết được thế nào là niềm vui được gặp gỡ Chúa.

Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse và cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, cùng các thánh sống đời bác ái giúp chúng con có được lòng bác ái như Chúa dạy để sẵn sàng dang tay cứu giúp những người nghèo khổ, bệnh tật, yếu đau.